Môn học: Theology of the Spiritual Exercises of Saint Ignatius of Loyola
Giáo Sư: Phạm Trung Hưng, S.J.
Học viên: Trần Thanh Minh, S.J.

 

 Phản tỉnh” là một trong những ý niệm then chốt của bộ công cụ Xét Mình Chung và Riêng trong Linh Thao của thánh Inhã. Người làm Linh Thao được mời gọi để tập luyện “duyệt xét” con người mình và “nết xấu” hay “tội riêng” hầu thanh luyện con người mình mỗi ngày một nên giống Chúa Giêsu hơn. Phương pháp này cũng được tìm thấy trong phương pháp tu tập Phật Giáo, cụ thể là trong Tứ Niệm Xú (Bốn đề mục quán niệm). Người tu tập được mời gọi để quán (tức nhìn ngắm), và niệm (tức suy xét) để thấu đạt bản chất sự vật, hướng tới giải thoát và Niết Bàn tịch mịch. Bài viết này là một cố gắng tìm hiểu ý nghĩa và vị trí của khái niệm này trong cả hai truyền thống tu đức của Phật giáo và linh đạo Inhã nhằm bắc một nhịp cầu đối thoại liên tôn giữa Kitô giáo và Phật giáo.

Dẫn nhập

Phản tỉnh (reflection) là một nét đặc trưng trong phương pháp cầu nguyện Linh Thao của thánh Inhã. Tác giả của sách Linh Thao – Inhã, vốn được biết đến như một con người phản tỉnh và luôn phân định nhằm tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa. Vì lý do đó, ngài hết sức lưu ý tầm quan trọng của phản tỉnh trong suốt tiến trình làm Linh Thao, đặc biệt ở tuần thứ nhất. Vậy, phản tỉnh là gì, và vai trò của phản tỉnh trong Linh Thao ra sao? Đi xa hơn, ngoài truyền thống linh đạo Inhã, những nền linh đạo khác, cụ thể là linh đạo Phật giáo, nói gì về phản tỉnh trong phương pháp tu tập của mình? Liệu có một sự tương đồng nào về sự phản tỉnh trong di sản của linh đạo Inhã và linh đạo Phật giáo?

Ý thức về sự sâu rộng trong truyền thống của một nền linh đạo “vừa thần bí vừa nhập thế” như linh đạo Inhã, người viết, trong giới hạn cho phép và với khả năng cho phép, sẽ lần lượt tìm hiểu trước hết khái niệm của thuật từ “phản tỉnh”, kế đến về vai trò của phản tỉnh trong Xét Mình Riêng và Xét Mình Chung trong tập sách Linh Thao. Cuối cùng, người viết sẽ nêu lên một vài phương pháp tu Phật và kinh điển nhà Phật, theo người viết, có liên hệ về mặt nội dung với phương pháp phản tỉnh của Linh Thao, như thiện ý bắc một nhịp cầu trong nỗ lực đối thoại liên tôn giáo.

I. Phản tỉnh – vấn đề ngữ nghĩa

Một điều đáng lưu ý là trong bản văn Linh Thao (bản Autograph), thánh Inhã không dùng từ “phản tỉnh” theo cách dùng ngữ vựng của chúng ta bây giờ. Tuy nhiên, có những từ ngữ khác giúp người đọc thời nay liên tưởng đến hành vi phản tỉnh (to reflect), tính phản tỉnh (reflectivity), đặc tính phản tỉnh (reflective) hay sự phản tỉnh (reflection) theo cách hiểu hiện nay, như “nhớ lại” (to remember), “xét hỏi linh hồn mình” (to ask account of one’s soul), “nghiền ngẫm từng giờ từng lúc” (to go over hour by hour) (x. Linh thao, số 25). Như vậy, phải hiểu làm sao cách diễn đạt của thánh Inhã về phản tỉnh?

Trong tiếng Việt, “phản tỉnh” là một từ ngữ Hán Việt, và có nội dung ngữ nghĩa khá rõ. Theo Từ điển Hán-Việt Từ Nguyên, “phản tỉnh” được ghép từ hai từ khác nhau: phản, có nghĩa là trở lại; tỉnh, có nghĩa là xét. Theo đó, mình tự xét lại hành động của mình thì được gọi là phản tỉnh.[1] Việt Nam Tự Điển mở rộng hơn khi định nghĩa “phản tỉnh” có nghĩa là “nghĩ lại, xét mình mà tỉnh ngộ, mà thay đổi quan niệm hay chủ trương”. Cũng trong cách hiểu này, “tỉnh ngộ” được hiểu là “hiểu ra, rõ được điều sai lầm trước”.[2] Như vậy, cách chung, theo tiếng Việt, phản tỉnh là một hành vi nhìn lại, hoặc nhìn vào suy nghĩ, quan niệm, chủ trương của mình để biết những sai lỗi mà thay đổi và sửa chữa.

Trong tiếng Anh, phản tỉnh (reflection) có nhiều tầng nghĩa hơn. Theo Oxford Advanced Leaner’s Dictionary (New 8th Edition), “reflection” có nghĩa là một hình ảnh trong chiếc gương, hoặc một bài viết về một chủ đề nào đó, hoặc là một suy nghĩ cẩn thận về một điều gì đó, có khi phải tốn nhiều thời gian. Theo đó, “a reflective man” là người suy nghĩ sâu xa (thinking deeply) và thấu đáo (thoughtful) về một điều gì đó. [3]

Linh đạo Kitô giáo hiểu phản tỉnh (reflection) theo nghĩa đen có nghĩa là “hướng về phía sau” (to bend back), ám chỉ đến một hành vi duyệt xét lại (the act of reconsidering) một điều mà một người đã biết hoặc yêu mến, hoặc xét lại một tiến trình căn bản có nguồn gốc từ những chuyển động. Về phương diện đời sống thiêng liêng, phản tỉnh đặt nền trên những năng động (the dynamics) của đời sống thiêng liêng và được xem như là yếu tố gắn liền với hành trình nội tâm.[4] Ở điểm này, linh đạo Inhã đào sâu hơn vai trò của hành vi phản tỉnh bằng cách xem phản tỉnh là một cách thế cầu nguyện để nhận biết Thiên Chúa, nhằm hòa hợp nội tâm mình với thánh ý Thiên Chúa. Đây chính là lý do thánh Inhã đã đặt phương pháp cầu nguyện có phản tỉnh, tức Xét Mình Riêng và Xét Mình Chung ngay đầu Tuần I của Linh Thao. Vậy, thực hành phương pháp cầu nguyện hay làm Linh Thao có phản tỉnh theo Inhã có những đặc nét nào? Và đâu là những kết quả cụ thể mà phương pháp cầu nguyện phản tỉnh này nhắm đến cho người thao viên trong Linh Thao? Để tìm hiểu những vấn đề này, chúng ta xem xét đến vai trò của phản tỉnh trong những chỉ dẫn về xét mình của thánh Inhã.

II. Phản tỉnh trong Xét Mình Riêng và Xét Mình Chung của Linh Thao

Như đã đề cập ở trên, phản tỉnh trong Linh Thao là một phương pháp cầu nguyện xét mình (the examen prayer). Thánh Inhã đặt tên cho phương pháp cầu nguyện này là “Xét Mình Riêng” (Linh Thao, các số 24-31) và “Xét Mình Chung” (Linh Thao, các số 32-43). Trước hết, về xét mình riêng, phản tỉnh ở đây là hoạt động của ý thức, nghĩa là ngay từ khi thức dậy, thao viên phải ý thức mình đang “chiến đấu” để tránh sa ngã vào một tội riêng hay để sửa một nét xấu mình đang muốn loại bỏ (Linh Thao, số 24). Tiếp đến, thao viên xin ơn nhớ lại bao nhiêu lần mình đã sa ngã vào tội riêng hay nết xấu ấy để nhờ nhớ lại mà có thể sửa mình về sau, nghĩa là tránh lặp lại tội riêng hay sa vào nết xấu một lần nữa. Và tiếp tục, thao viên liên tục thực hành việc xét mình từng giờ, từ lần thứ nhất cho đến lần hiện tại (Linh Thao, các số 25-26). Đối với việc xét mình chung, thánh Inhã đề nghị thao viên tập trung nhìn lại hoặc phản tỉnh (review) về các tư tưởng, lời nói, và hành động của mình, trong mối liên hệ với việc xét mình riêng để tránh tội hoặc để sửa nết xấu. Ở phần này, thánh Inhã đưa ra những chỉ dẫn hết sức chi tiết về cách thức và nội dung người làm Linh Thao phải xét duyệt, về phương diện tư tưởng, lời nói, lẫn hành động (Linh Thao, các số 32-43). Quả vậy, ở chú dẫn thứ nhất khái quát về Linh Thao, thánh Inhã coi xét mình, hay phản tỉnh về mình, là một khí cụ thiêng liêng quan trọng trong hành trình thao luyện thiêng liêng (Linh Thao, số 1).

Như vậy, đối tượng của việc xét mình, phản tỉnh không nằm bên ngoài người làm Linh Thao nhưng bên trong và trực tiếp tác động đến người đó. Từ kinh nghiệm thiêng liêng của mình, thánh Inhã đã đưa vào Linh Thao cách thế để nhận ra những chuyển động nội tâm trong con người mình, điều mà ngài gọi là an ủi thiêng liêng sầu khổ thiêng liêng. Và cầu nguyện phản tỉnh chính là công cụ để “bắt sóng” những chuyển động thiêng liêng đó. Bên cạnh phản tỉnh, với ơn phân định thần loại, thao viên có thể nhận ra đâu là những tác động của Thiên Chúa và đâu là những tác động của kẻ thù.

Tuy nhiên, xét mình, hay phản tỉnh theo Linh Thao của thánh Inhã không hoàn toàn có chủ đích tập trung về mình (self-focus), nghĩa là tập trung về thao viên, nhưng chuyển dần đến chủ đích tập trung vào Thiên Chúa (God-focus). Ở điểm này, David L. Fleming gọi đây là một cuộc hoán cải (conversion), một chuyển động (movement) hay là một bước ngoặt (turning) đi từ mình (thao viên) đến Thiên Chúa.[5] Trong phần Xét Mình Riêng và Xét Mình Chung, thánh Inhã không minh nhiên chỉ rõ ra điểm tập trung của hành vi xét mình đặt ở nơi Thiên Chúa, tuy nhiên, ngài đã trình bày rõ ràng điểm này trong Nguyên Lý và Nền Tảng (Linh Thao, số 23), theo đó, chính Thiên Chúa, qua phẩm tính và giá trị đáng “ngợi khen, tôn kính, và phụng sự” của Ngài hiển nhiên là tiêu chuẩn cho việc xét mình, phản tỉnh của người thao viên. Chúng ta cũng không quên rằng trong việc xét mình riêng lẫn xét mình chung, thánh Inhã đều đề nghị thao viên phải nài xin ơn của Thiên Chúa để làm việc phản tỉnh, xét mình và để tăng tiến đời sống thiêng liêng.

Cầu nguyện phản tỉnh trong Linh Thao của thánh Inhã giúp người làm Linh Thao nhìn mọi sự, hay phản tỉnh về mọi sự, qua lăng kính của Thiên Chúa (kairos), với đích nhắm trở nên giống Đức Giêsu Kitô. Việc xét mình riêng và xét mình chung phải được thực hành liên tục, kéo dài cho cả ở đời sống thường nhật, vì đối với thánh Inhã, qua khí cụ xét mình này mà con người có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và sống hòa hợp nội tâm với Ngài. Sự hòa hợp nội tâm ở đây có nghĩa là khi cầu nguyện phản tỉnh, người làm Linh Thao bắt chước để học theo gương Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa Làm Người, để qua đó, chúng ta “trở nên đấng mà chúng ta chiêm ngắm” (becoming whom we comtemplate).[6] Như vậy, trưởng thành thiêng liêng theo cách hiểu của linh đạo Inhã là trở nên“đồng hình đồng dạng”, là “nên một” trong căn tính và sứ mạng với Đức Giêsu Kitô. Thánh Inhã đã khao khát trở nên giống Chúa Giêsu, và ngài cụ thể hóa khao khát đó bằng việc liên lỉ thực hành việc cầu nguyện xét mình để nhận biết và yêu mến, cùng nên một với Chúa Giêsu.[7]

III. Phản tỉnh trong phương pháp tu tập và trong kinh điển Phật giáo

Phật giáo đề cao các phương pháp tu tập để tìm sự giải thoát mà đạt đến Niết Bàn (Nirvana), một trong những phương pháp tu tập ấy là Tứ niệm xứ (Bốn đề mục quán niệm). Tứ niệm xứ lấy quán và niệm làm phương thế tu, theo đó, quán là dùng trí tuệ để tư duy, soi rọi và phân tích đối tượng để thấu triệt được bản chất của sự vật, còn niệm là nhớ nghĩ đến đối tượng để thực hiện một quá trình quan sát, tư duy. Bốn đề mục quán niệm bao gồm quán niệm về thân (chẳng hạn ý thức về hơi thở, về các cử chỉ và hoạt động của thân thể như đi lại, đứng ngồi) nhằm kiểm soát hoạt động của thân; quán niệm về thọ, tức là các cảm xúc mà các giác quan thụ nhận được; quán niệm về tâm, tức là ý thức về sự hiện diện và hoạt động của tâm qua sự an vui hay đau khổ và những chuyển biến của tâm (tâm được ví như con vượn leo cây, chuyền từ cành này sang cành khác), và cuối cùng, quán niệm về pháp, hiểu là nhìn vào chính con người của mình, vốn được cấu tạo bởi sắc pháp và tâm pháp.[8]

Phương pháp tu tập tứ niệm xứ nhằm giúp người tu tập tinh tấn trên đường tu Phật, bởi lẽ các đối tượng nói trên (thân, thọ, tâm, pháp) của bốn đề mục quán niệm luôn được ý thức lại trong phương pháp này để đạt đến kết quả tích cực nhất (tâm thân an lạc). Hơn nữa, quán niệm còn giúp người tu Phật luôn ý thức về thực tại và hiện tại để biết điều gì nên buông bỏ (phá ngã chấp, phá pháp chấp) và thực hành điều gì giúp đưa đến an lạc Niết Bàn.

Như vậy, phương pháp tu tập Tứ niệm xứ là một phương pháp áp dụng phản tỉnh. Về vai trò của phản tỉnh trong tu Phật, Kinh Giáo Giới La Hầu La ở rừng Am Bà La cho chúng ta thấy rằng đối với Đức Phật, như một người nhìn vào trong gương để thấy chính mình, một người phản tỉnh chính mình là người nhìn vào mình nhiều lần để hành thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp. Phản tỉnh về thân, khẩu, và ý để nhận ra điều gì nên tránh để tránh hại mình, hại người hoặc hại cả hai; đồng thời, để nhận ra điều gì nên làm để dẫn đến kết quả tốt đẹp và đem an lạc đến cho mình và cho người.[9]

Kết luận

Như thánh Inhã đã kinh nghiệm, con người mọi thời luôn khát khao hướng về Chân, Thiện, Mỹ, mặc cho những lôi cuốn của những đam mê, dục vọng hằng trì kéo con người cúi mình sát đất. Bằng ơn riêng Thiên Chúa ban, thánh Inhã là một trong những người tiên phong đặt tên cho những chuyển động thiêng liêng diễn ra trong tâm hồn con người, và phương pháp hóa kinh nghiệm thiêng liêng này để có thể giúp cho người khác nhận ra và sống hòa hợp với ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa của mình. Có thể nói, đối với thánh Inhã, Thiên Chúa luôn là Đấng khởi sự và là cùng đích của mọi sự, Ngài luôn mở lối cho những tâm hồn tìm kiếm Ngài để họ gặp được Ngài và kết hợp với Ngài. Linh đạo Inhã, được diễn tả qua Linh Thao, rõ ràng là một lối nẻo giúp con người gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong tâm hồn, trong chính cuộc sống của mình, chỉ cần con người biết phản tỉnh và ý thức về sự hiện diện thần nhiệm của Thiên Chúa.

Phương pháp cầu nguyện phản tỉnh của Linh Thao giúp chúng ta tiếp cận một phần nào “linh đạo” Niết Bàn Giải Thoát của Đức Phật. Niết Bàn là chốn Cực Lạc, nơi con người đã ở trong tình trạng giải thoát khỏi mọi khổ đau và trở nên một với Bản Tâm Chân Thật của mình. Ấy là tình trạng của Phật, nghĩa là tình trạng của người đã giác ngộ, đã tỉnh thức khỏi những mê lầm thế gian nhờ liên tục phản tỉnh thân, khẩu và ý, đồng thời dốc sức mưu cầu phúc lạc cho tha nhân.

Hãy còn khá sớm để nói về những điểm tương đồng giữa phản tỉnh trong Linh Thao của thánh Inhã và phản tỉnh trong kinh điển Phật giáo, vì giới hạn của đề tài cũng như yêu cầu về một nghiên cứu sâu sắc hơn. Tuy nhiên, với thiện ý bắc một nhịp cầu đối thoại giữa hai nền linh đạo, người viết ước mong đóng góp nhỏ bé của mình một ngày nào đó sẽ thêm một “nhát cuốc” mở đường cho con đường gặp gỡ giữa những nền linh đạo khác nhau trên hành trình tiến về Chân, Thiện, Mỹ.

[1] x. Từ điển Hán-Việt Từ Nguyên, Bửu Kế biên soạn (Huế: NXB. Thuận Hóa, 1999), 1370.

[2] x. Việt Nam Tự Điển (Quyển Hạ, M-X), Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính (Saigon: NXB. Khai Trí, 1970), 1137.

[3] x. Oxford Advanced Learner’s Dictionary-New 8th edition (New YorK: Oxord University Press, 2010), pp. 1278-79)

[4] x. “Reflection” in The New Dictionary of Catholic Spirituality, eds. Michael Downey, (The Liturgical Press: Minnesota, 1993), 808.

[5] x. David L. Fleminig, Ignatian Exercises and Conversion, p. 74 (from handout supplied by the instructor)

[6] x. George Aschenbenner, Becoming Whom We Comtemplate (from handout supplied by the instructor).

[7] x. Ramon Ma. Bautista, Hearts Burning- The Consciousness Examen as an Authentic Ignatian Formation in Discerning Love (Manila: Bookmark Inc., 1990), 32-33.

[8] x. Thích Phước Lượng, Bốn đề mục quán niệm trong Phật học cơ bản (tập 2), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Tp. Hồ Chí Minh: NXB. Tp. Hồ Chí Minh, 1999), 65-83.

[9] x. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, “Kinh Giáo Giới La Hầu La ở rừng Am Bà La”, Đại Tạng Kinh-Kinh Trung Bộ (tập II), (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2001), 171-182.