Một học sinh đốt trường vì “like là làm”

Môn học: Triết học con người
Giáo sư: Phạm Trung Hưng, S.J.
Học Viên: Đỗ mạnh Hùng, S.J.

Đủ “like” là làm, cho dù đó là đốt trường, tắm phân hay thậm chí là tự thiêu!  Trào lưu này đã xuất hiện và đang làm đau đầu không biết bao người cũng như gây khó khăn cho toàn xã hội. Những hành vi như vậy là đúng hay sai?  Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những việc đó? Và liệu có thể có chỗ cho sự cảm thông trước những hành vi như vậy hay không? Tác giả bài viết nỗ lực trả lời cho những vấn nạn vừa nêu qua việc nhìn về con người trong cá vị tính và xã hội tính.

 

 

Dẫn nhập

“Đủ 40.000 lượt like sẽ tẩm xăng tự thiêu rồi nhảy xuống sông.” Tưởng rằng lời thách thức trên facebook này chỉ là đùa, mà hóa ra chủ nhân của nó lại giữ đúng lời hứa khi nhận được đủ lượt like! Đặc biệt, ngay sau vụ việc này là hàng loạt những vụ việc khác diễn ra theo cùng một cách thức: Đủ 10.000 like tự dùng dao đâm vào tay, đủ 1.000 like tẩm xăng đốt trường học, đủ 7.000 like không mặc gì chạy quanh trường, đủ 30.000 like uống nước tiểu, 10.000 like tắm phân… Đây chính là trào lưu “Nói là làm” hay “Like là làm”, một trào lưu thực sự đã bùng nổ trong giới trẻ Việt Nam thời gian gần đây. Trào lưu này đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, gây nhiều bức xúc trăn trở cho cộng đồng với những câu hỏi được đặt ra là: Điều gì đã khiến các bạn trẻ thực hiện những hành vi này? Tại sao những hành vi này không được chấp nhận? Trách nhiệm cho những hành vi này thuộc về ai? Đâu là định hướng cho trào lưu này?[1] Cùng một mối quan tâm trăn trở như vậy, người viết bài này xin được góp một vài ý kiến cho vấn đề dưới góc nhìn về con người trong bản tính cá vị và xã hội. Quan điểm về con người mang bản tính cá vị và xã hội là như thế nào? Quan điểm này giúp nhìn nhận, giải thích trào lưu “Like là làm”, hay trả lời những câu hỏi trên ra sao? Trong sự giới hạn của mình, người viết sẽ cố gắng lần lượt phần nào làm sáng tỏ từng vấn đề.

  1. Quan điểm về con người mang bản tính cá vị và xã hội
    • Con người mang tính cá vị

Trước hết, nhìn vào bản chất con người, một trong những mệnh đề có thể được rút ra là: con người mang tính cá vị. Thoạt tiên, tính cá vị ở đây hàm nghĩa cái riêng và sự khác biệt. Con người có thể kinh nghiệm về tính cá vị khi nhận ra, giữa biết bao con người trong thế giới này, mỗi người vẫn luôn là một cá thể độc đáo duy nhất không trùng lặp. Từ những yếu tố thuộc về thể lý sinh học đến những yếu tố thuộc về tinh thần tâm tính, từ những yếu tố thuộc về hoàn cảnh môi trường sống bên ngoài đến những yếu tố thuộc về thế giới nội tâm bên trong, mỗi người đều có khác biệt, chẳng ai giống ai hoàn toàn. Từ hình dáng, khuôn mặt, ánh mắt, những dấu vân tay, những tiếp xúc tương quan… đến những kinh nghiệm, ký ức cảm xúc, tâm tính… của tôi, sẽ chỉ là của tôi không thể có người thứ hai sở hữu những điều y chang như vậy. Cho dù có hai người song sinh giống nhau đến mấy thì họ vẫn có những khác biệt. Cá vị là vậy, là riêng, là khác biệt.

Nhưng không chỉ vậy, sâu xa và ý nghĩa hơn, cá vị còn hàm nghĩa tính độc lập và tự quyết. Con người cũng có kinh nghiệm về tính cá vị khi con người nhận thấy mình luôn đứng trước những lựa chọn mở ra của cuộc sống, mà nơi đó, không ai khác hơn là chính “cái tôi” của mỗi người đưa ra những quyết định chọn lựa. “Cái tôi” ấy chính là khả năng con người ra khỏi mình và hoàn cảnh để tự quan sát mình và người khác, để ý thức về những gì mình đang ý thức, đang làm và suy nghĩ, rồi quyết định điều mình muốn trở thành. Khi còn thơ ấu, tôi làm điều này điều kia chỉ vì ba mẹ tôi bảo thế, hay vì những đứa trẻ xung quanh tôi cũng làm thế, nhưng rồi đến một ngày nào đó tôi nhận ra tôi có thể “nhìn thấy” tôi đang làm điều đó và chính tôi có khả năng quyết định tôi có làm hay không. Ngay cả khi tôi bị ép buộc làm điều đó, tôi vẫn ý thức tôi muốn gì. Theo John K. Kavanaugh và Michael D. Moga thì đây chính là khả năng tự lùi lại để thấy mình đang thấy hay khả năng tự ý thức (“self-consciousness”, “awareness of awareness”) [2] Tự bản chất, con người có khả năng suy tư phản tỉnh cách độc lập, có khả năng tự do quyết định cuộc sống mình. Đó cũng chính là tính cá vị của con người.

Như thế theo hai hàm nghĩa trên, tính cá vị cũng hàm chứa nhu cầu tự nhiên của con người là thể hiện sự khác biệt và khẳng định bản thân. Trong đời sống tôi mong muốn được là chính tôi, được tự quyết, được mọi người nhìn nhận. Tính cá vị hàm chứa sự tự do và trách nhiệm cá nhân trong từng hành vi của mỗi con người. Tôi là chủ thể của hành vi tôi làm, là người có trách nhiệm trong mọi việc tôi làm. Trong dòng suy tư triết học, những triết gia  như Plato, Arisitotle, Decartes đều nhấn mạnh đến vai trò của lý trí như một yếu tính của con người, điều làm cho con người thực sự là người[3]. Còn các triết gia như Nietzsche, Kierkegaard, Sartre thì đều khẳng định con người vốn có lý trí tự do, khả năng tự quyết và trách nhiệm về mình.[4] Truyền thống triết học Tây Phương thường nhấn mạnh sự hiện thực hóa những tiềm thể riêng trong mỗi cá nhân, sự phát huy ý thức về cái tôi, phát huy tính tự do và trách nhiệm, tức tính cá vị, như là một sự hướng đến con người tràn đầy nhân tính.[5] Nhưng từ một góc nhìn khác, con người lại được khẳng định là mang bản tính xã hội.

  • Con người mang tính xã hội

Nếu cá vị tính hàm nghĩa cái riêng và sự khác biệt thì xã hội tính lại hàm nghĩa cái chung và sự tương đồng. Kinh nghiệm về tính xã hội đến từ việc con người nhận ra mình luôn thuộc về một cộng đồng xã hội nhất định mà ở đó, mình và mọi người trong cộng đồng cùng chung chia những điều nhất định. Các cộng đồng có thể được xét theo phạm vi không gian (gia đình, làng xóm, khu phố, tỉnh thành, quốc gia, vùng miền), có thể được xét theo thời gian (cổ đại, trung đại, hiện đại), cũng có thể xét theo chủng tộc, tôn giáo… Các cá nhân sống trong mỗi cộng đồng như vậy sẽ thấy mình cùng chung chia những điều kiện sống, những hệ giá trị chuẩn mực, những quy tắc luật lệ, những khuôn mẫu hành xử… nhất định. Cá nhân sống trong những cộng đồng phương Đông theo tư tưởng Nho Gia thường hành xử theo chuẩn mực nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Các cá nhân sống trong các cộng đồng phương Tây theo tư tưởng triết học Plato và Aistole được hướng dẫn hành xử theo chuẩn mực khôn ngoan, công bình, tiết độ, cam đảm. Kinh nghiệm về những cái chung như thế chính là kinh nghiệm về tính xã hội.

Nhưng chưa hết, nếu cá vị tính hàm nghĩa tính độc lập và tự quyết thì xã hội tính lại hàm nghĩa tính tương quan liên đới và lệ thuộc. Con người còn có kinh nghiệm về xã hội tính khi thấy mình được sinh ra, tồn tại và phát triển trong những tương quan mà ở đó, mình có liên đới và lệ thuộc vào những người khác. Con người trong gia đình có tương quan với các thành viên trong gia đình, ra ngoài có tương quan với hàng xóm, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp v.v. Và qua những tương quan đó, một mặt, mỗi việc cá nhân làm đều, trực tiếp hay gián tiếp, có ảnh hưởng tới người khác tới cộng đồng xã hội. Nhưng một mặt khác, mỗi quyết định cá nhân lại bị lệ thuộc vào cộng đồng. Những tương quan, những bối cảnh văn hóa xã hội cộng đồng mà cá nhân được đặt vào sinh sống sẽ hình thành, chi phối lối suy nghĩ, hành động của cá nhân. Ở trong bối cảnh văn hóa xã hội đó, được dạy như thế, đòi buộc như thế, nhiều khi không có lựa chọn hay cách vô thức, tôi sẽ hành xử như thế. Trong xã hội đề cao tính lễ nghĩa gia phong tôi tự động răp rắp ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, thầy cô. Trong xã hội đề cao chính kiến, độc lập tôi tự nhiên quen thói phản biện chất vấn mọi sự. Kinh nghiệm về việc sống trong một cộng đồng với những khuôn mẫu nhất định, kinh nghiệm về những tương quan với người khác, sự liên đới và lệ thuộc của mình với cộng đồng, chính là kinh nghiệm về bản tính xã hội của con người.

Từ đó, có thể nói xã hội tính cũng bao hàm nhu cầu hướng đến tương quan xã hội và nhu cầu được thuộc về của con người. Trong cuộc sống, mỗi cá nhân vẫn nhận thấy nơi mình không thể sống hoàn toàn tách biệt khỏi mọi tương quan xã hội nhưng thấy mình cần được tương quan và thuộc về một cộng đồng nào đó. Bên cạnh đó, tính xã hội cho thấy trách nhiệm của cá nhân với xã hội và trách nhiệm của xã hội trong hành vi của mỗi cá nhân. Hành động của cá nhân góp phần nên xã hội và xã hội có ảnh hưởng chi phối nên hành vi cá nhân. Ở phương Tây, ngay từ đầu, trường phái Khắc Kỷ đã quan niệm “mỗi con người là một cá nhân có động lực xã hội bẩm sinh để từ đó tạo ra cuộc sống cộng đồng cần thiết”.[6] Về sau, Karl Marx khẳng định “Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”[7]. Tiếp đó, các tác giả như Durkheim, Foucault, Skinner đều xem xã hội là yếu tố chi phối quyết định hành vi con người.[8] Còn ở phương Đông, Khổng Giáo có thể được xem là điển hình cho tư tưởng nhấn mạnh con người tràn đầy không phải với tư cách là cá nhân riêng lẻ nhưng trong một thực tại lớn hơn là xã hội.[9]

  • Con người vừa mang cá vị tính vừa mang xã hội tính

Như vậy, con người có thể được nhìn nhận qua hai bản tính: cá vị và xã hội. Hai bản tính có vẻ đối lập, xung khắc lẫn nhau như không thể cùng tồn tại trong con người. Cá vị tính đòi sự độc đáo riêng biệt và tự chủ tự quyết;  xã hội tính lại đòi sự khuôn mẫu áp đặt và lệ thuộc. Xã hội tính như muốn giới hạn tự do cá nhân; cá vị tính lại như muốn phá vỡ những ràng buộc giới hạn của xã hội. Trong dòng tư tưởng triết học về con người đã có những triết thuyết chú trọng bản tính cá vị, lại có những triết thuyết chú trọng tới bản tính xã hội như là điều cần phải phát huy để con người vươn tới sự tràn đầy nhân tính. Nhưng thiết tưởng, việc nhìn nhận con người ở mỗi thái cực đều không thỏa đáng. Nếu con người chỉ là cá vị, con người sẽ mạnh ai nấy sống, đời sống con người sẽ trở nên vô phép tắc, loạn lạc; con người sẽ chỉ là bản năng và không thể phát triển. Nhưng nếu con người chỉ là xã hội tính, mọi khác biệt sáng kiến sẽ bị thủ tiêu, cào bằng; con người sẽ hoàn toàn bị điều kiện hóa, không khác chi những rôbô, những cỗ máy chỉ biết  hành động theo sự cài đặt; con người cũng chẳng còn trách nhiệm gì cho mọi việc mình làm; con người không còn là một nhân vị.

Thực ra, cá vị tính và xã hội tính tuy có vẻ đối lập nhưng lại không thể tách rời nơi con người. Cá vị tính sẽ không được thể hiện ngoài xã hội tính và xã hội tính chỉ được phát huy trong cá vị tính. Một cá nhân chỉ có thể nhận biết mình, thể hiện bản sắc cá nhân mình trong tương quan, sự nhìn nhận của người khác. Cũng vậy một xã hội chỉ có thể phát triển khi mỗi cá nhân làm thành xã hội ấy được phát triển tràn đầy tính cá vị.

Thực tế, con người là một hiện hữu vừa mang tính cá vị vừa mang tính xã hội. Nghĩa là, con người vừa mang cái riêng vừa mang cái chung, vừa mang trong mình khao khát thể hiện cái độc đáo, độc lập vừa khao khát hướng đến tương quan, sự thuộc về; con người vừa mang trách nhiệm cá nhân vừa chịu sự chi phối từ xã hội trong những hành vi và quyết định của mình. Và để trở thành một con người tràn đầy nhân tính, con người phải biết cách vun trồng, chăm bón phát huy và hiện thực hóa cả hai “hạt mầm” tiềm năng ấy, cá vị tính và xã hội tính, nơi mình. Hẳn nhiên, đó là một tiến trình giằng co, một tiến trình vận động, đối thoại, biện chứng liên tục giữa hai mặt đối lập để đưa tới sự phát triển.

  1. “Like là làm” – khao khát thể hiện bản thân hay thuộc về cộng đồng?

Trở lại với trào lưu “Like là làm”, dưới góc nhìn về con người trong bản tính cá vị và xã hội như trên, người viết bài này cho rằng trào lưu không nằm ngoài những bộc lộ về bản tính cá vị và xã hội nơi con người. Trước hết, “like là làm” dễ được nhìn nhận như một khao khát thể hiện bản thân. Theo mô tả về hiện tượng. Các bạn trẻ trong trào lưu nhắm tới thực hiện những hành vi rất dị, chưa từng có ai làm. Khi thực hiện hành vi, các bạn cũng hướng đến việc trở thành nhân vật nổi lên giữa đám đông. Có lẽ vì thế mà khi phân tích, đánh giá trào lưu này, hầu hết ý kiến đều cho rằng các bạn trẻ thực hiện trào lưu này chỉ là nhằm thể hiện bản sắc cá nhân. Nhưng theo cá nhân người viết bài này, không hoàn toàn như vậy, “Like là làm” cũng là một bộc lộ của xã hội tính. Bởi lẽ trong trào lưu, chủ thể thực hiện hành vi không đặt mình ngoài liên hệ với “cộng đồng”. Chủ thể chỉ nhắm tới thực hiện những hành vi được “cộng đồng” đánh giá cao, mà tín hiệu là những lượt “like”. Chủ thể thực hiện hành vi vì mong muốn mình được biết đến, được chú ý bởi “cộng đồng”, được thuộc về “cộng đồng”. Ý kiến “cộng đồng”, ở đây với các bạn là nhóm người nhấn like, trở thành động lực cho các bạn thực hiện hành vi. [10]

Như vậy trong cùng một hành vi, chủ đã thể hiện tính “lưỡng diện” trong bản chất con người của mình – cá vị tính và xã hội tính. Hóa ra, những hành vi gây phản cảm ấy đâu nằm ngoài những khát khao thật không có gì bất tự nhiên, bất chính của con người. Thậm chí, có thể nói đó là dấu hiệu của những mầm mống để con người vươn tới nhân tính tràn đầy, thể hiện bản sắc cá nhân và thuộc về cộng đồng. Nhưng nói vậy chẳng lẽ những hành vi này là vô tội hay đáng được hoan nghênh? Dĩ nhiên, không phải vậy, bởi lẽ mục đích thì không thể biện mình cho phương tiện. Khao khát là một chuyện nhưng cách thức lấp đầy khao khát thì lại là chuyện khác. Ta hãy xem cách thức có thực sự thích đáng để thỏa mãn khao khát hay không.

  1. “Like là làm” – thể hiện mình hay đánh mất chính mình? thuộc về cộng đồng hay nghịch lại cộng đồng?

Về khía cạnh cá vị tính, với “Like là làm”, các bạn trẻ như đang được thể hiện mình nhưng kỳ thực các bạn ấy đang đánh mất chính mình! Thực hiện “Like là làm”, các bạn trẻ thể hiện bản thân bằng những điều kỳ dị khác thường, nhưng các bạn ấy lại đang đánh mất khả năng tự ý thức, suy tư và phản tỉnh về những việc mình làm, về những điều hợp lý và ý nghĩa trong cuộc sống. Những điều khác lạ ở đây có nghĩa lý gì, khi nó chỉ là sự mua vui cho những lượt like hiếu kỳ bạc bẽo mà hủy hoại bản thân, nhân cách cùng những giá trị cao đẹp nơi nhân phẩm con người của các bạn ấy? Với “Like là làm”, các bạn trẻ nghĩ rằng cái tôi của các bạn đang được thể hiện khi các bạn được nhiều người biết tới. Nhưng cái tôi của các bạn ấy được thể hiện thế nào khi giá trị của bản thân các bạn ấy bị lệ thuộc vào số lượt like của người khác? “Like là làm” là thể hiện bản lĩnh cá nhân của các bạn ấy ra sao, khi các bạn ấy để mình như những con rối, bị chi phối điều khiển, dựt dây bởi người khác? Dưới khía cạnh cá vị, tất cả chỉ cho thấy các bạn ấy đang mất khả năng suy tư, tự ý thức và làm chủ mình, đang đánh mất chính mình!

Còn về khía cạnh xã hội tính, với “Like là làm”, các bạn trẻ như đang được thuộc về một nhóm người nào đó, thuộc về cộng đồng, nhưng kỳ thực các bạn đang nghịch lại cộng đồng. Ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển với sự thịnh hành phổ biến của các dịch vụ mạng xã hội thì ý niệm về cộng đồng xã hội đã được mở rộng hơn nhiều. Nếu như trước kia, cộng đồng, xã hội được hiểu là một nhóm người sống với nhau, tiếp xúc, tương tác với nhau trong một giới hạn phạm vi không gian địa lý và thời gian nhất định thì ngày nay, cộng đồng xã hội còn là những trao đổi tương tác trên mạng. Phải thừa nhận, những tương tác này có thể vượt ra khỏi giới hạn về không gian địa lý, mang lại cho con người nhiều tiện ích về thông tin trao đổi. Nhưng điều nguy hiểm là người dùng mạng xã hội có thể rơi vào trạng thái chỉ tập chú, gói mình trong thế giới mạng, với một góc cạnh nào đó mà xem đó là toàn bộ đời sống, mà đánh mất ý thức về những tương quan, cuộc sống, cộng đồng ngoài đời thực. Khi đó, người dùng mạng được coi là “sống ảo”.

Ở đây bài viết không muốn đi sâu vào chủ đề mạng xã hội nhưng chỉ muốn đề cập qua để làm rõ ý tưởng rằng các bạn trẻ thực hiện “Like là làm” đang chịu sự chi phối của mạng xã hội và có cảm thức sai lệch về cộng đồng thế nào. Thực vậy, những hành vi các bạn thực hiện ở đây gây thích thú, được tán dương bởi một số lượt like trên mạng. Nhưng đó chỉ là những lượt like của một nhóm người hiếu kỳ, bạc bẽo. Chúng không phải là tất cả, lại càng không phải là những con người biết quan tâm đến lợi ích giá trị nhân phẩm của các bạn hay hiện diện trong cuộc sống đời thực của các bạn. Các bạn trẻ ấy dường như quên rằng quanh mình còn có cha mẹ, những người mang nặng đẻ đau nuôi dưỡng nên mình, còn có những thầy cô, bạn bè và biết bao người quan tâm lo lắng muốn họ được phát triển được lớn lên… Có một cộng đồng đích thực khác mà họ cần thuộc về! Những hành vi các bạn trẻ thực hiện trong “Like là làm” đang thực sự gây tổn hại cho thiện ích cộng đồng ấy. Không khó để thấy những hành vi như thiêu mình, tự sát thương, đốt trường… có thể gây tổn hại đến thân thể, sức khỏe, làm lãng phí thời gian, tiền của, tài năng sức lực của chính bản thân các bạn ấy và gây nguy hiểm thiệt hại cho người khác. Tất cả đều là những giá trị của cả cộng đồng.

Như vậy, xuất phát từ những khao khát chính đáng như những biểu hiện cho bản tính của con người, cá vị tính và xã hội tính, các bạn trẻ theo trào lưu “Like là làm” lại thực hiện những hành vi nghịch với những khao khát và bản tính của mình. Điều này đến từ những nhận thức sai lầm: nhận thức rằng thể hiện mình chỉ là thực hiện những hành vi thật kỳ dị, là phải gây sự chú ý của nhiều người; nhận thức rằng cộng đồng chỉ là thế giới của những lượt like vô tâm và phiếm diện trên mạng. Vậy trách nhiệm cho trào lưu này thuộc về ai?

  1. “Like là làm” – trách nhiệm thuộc về ai?

Xét về phương diện cá vị, mỗi chủ thể thực hiện “Like là làm” vẫn là người có trách nhiệm với hành vi của mình. Những hành vi trên đều không phải là một tại nạn ngẫu nhiên, nhưng đều được xắp đặt thực hiện một cách có chủ ý bởi chính các chủ thể. Các chủ thể đều là những người đã đến tuổi biết suy nghĩ và hoàn toàn bình thường về trí tuệ. Chính họ là người có trách nhiệm với hành vi của mình. Nhưng nếu xét về phương diện xã hội tính, trách nhiệm không chỉ thuộc về chính các bạn trẻ ấy. Các bạn ấy đáng nhận được một sự cảm thông. Mỗi hành vi các bạn ấy thực hiện đều có sự suy nghĩ quyết định, nhưng những lượt like vô cảm, bạc bẽo hiếu kỳ sẵn sàng tham gia cổ vũ khuyến khích đe dọa các bạn thực hiện hành vi cũng phải có trách nhiệm. Trách nhiệm cũng thuộc về xã hội khi còn đó những biểu hiện của một ý thức xã hội đề cao giá trị con người nơi những sự nổi danh; khi xã hội còn thiếu những sân chơi, những điều kiện hướng dẫn giúp người trẻ được thể hiện mình cách lành mạnh; khi nền giáo dục gia đình và nhà trường còn quá nhiều lỗ hổng không đủ sức giúp người trẻ hình thành một hệ giá trị, một khả nhận thức và bản lĩnh vững vàng trong cuộc sống. Tất cả đều góp phần đưa đến trào lưu này.

Như vậy, nếu con người vừa là cá vị vừa là xã hội, thì trong trào lưu “Like là làm” cả cá nhân người thực hiện hành vi và xã hội, những người gián tiếp gây nên hành vi, đều phải nhận trách nhiệm về mình. Mọi người phải cùng nhau tìm ra phương hướng cho trào lưu này.

  1. “Like là làm” – đâu là phương hướng?

Từ những phân tích trên, theo quan điểm của người viết bài này, phương hướng cho trào lưu “Like là làm” chính là mọi người đều phải quan tâm làm sao để giúp các bạn trẻ có thể nhận thức về những cách thế phát huy tính cá vị và tính xã hội một cách lành mạnh đúng đắn. Các bạn trẻ đang cần những môi trường cởi mở sẵn sàng đón nhận sự khác biệt, để các bạn được bộc lộ tâm tư tình cảm và cá tính của mình; để các bạn được cảm nhận sự lắng nghe, thừa nhận, tôn trọng và có thể phát huy cá tính, tài năng sự sáng tạo của mình. Lối giáo dục giáo điều, áp đặt đè nén cá tính chỉ khiến cá vị tính bị thui chột hoặc bùng nổ dưới một hình thái tiêu cực và mất kiểm soát. Các bạn trẻ đang thực sự cần được hướng dẫn để gia tăng nhận thức về giá trị tự thân con người và củng cố những hệ giá trị đích thực, phổ quát. Các bạn trẻ cũng đang thực sự cần những hoạt động giúp thể hiện tính cá nhân trong việc phục vụ cho thiện ích cộng đồng. Vẫn có đó những bạn trẻ sử dụng những tài năng, sáng kiến mới lạ của mình để gây quỹ quyên góp, xây dựng các phong trào từ thiện hay giải quyết những vấn đề cộng đồng. Đã có những trang facebook, những lượt like, những cộng đồng khoa học, từ thiện trên mạng trở thành những tổ chức cộng đồng hữu ích ngoài thực tế v.v. Đó có thể là minh họa cho những cách thức lành mạnh để thể hiện tính cá vị và xã hội.

Đồng thời, một điều cần được nhận ra là: vấn đề vẫn còn đó nếu con người chỉ dừng lại ở nơi mình. Vẫn có đó những cố gắng của con người để hướng tới sự tràn đầy trong cá vị tính và xã hội tính. Nhưng dừng lại ở mình, con người như rơi vào vòng luẩn quẩn: Cá nhân cần biết suy tư nhận thức đúng đắn nhưng những suy tư nhận thức của cá nhân lại chịu chi phối bởi xã hội. Xã hội cần hướng dẫn cá nhân biết suy tư nhận thức đúng đắn nhưng xã hội lại được làm nên từ những suy tư nhận thức cá nhân. Con người vốn giới hạn và hay sai lầm, con người cần những ánh sáng chân lý khách quan ngoài mình, trên mình soi dẫn cứu giúp. Và nếu nhìn lịch sử con người như một vòng xoáy đi lên, nghĩa là một quá trình xã hội này sửa sai, thay thế cho xã hội khác, tư duy này sửa sai, thay thế cho tư duy khác, thì bao giờ con người mới tới đích? Những con người trong quá trình đó phải tìm đâu để có điểm tựa ngay ở giây phút hiện tại của cuộc đời mình? Như vậy, trong quá trình lấp đầy hai khoảng trống cá vị và xã hội tính nơi mình, con người lại thấy xuất hiện một khoảng trống mới đó là khoảng trống dành cho Siêu Việt.

Kết luận

“Like là làm,” một trào lưu được xem là phản cảm trong xã hội nhưng lại là một sự bộc lộ những yếu tính nơi con người, cá vị tính và xã hội tính. Xuất phát từ khao khát và nhu cầu tự nhiên chính đáng là được thể hiện mình và được thuộc về nhưng “Like là làm” không được xem là một cách đúng đắn để giúp lấp đầy những khao khát ấy. Và bởi con người là cá vị và xã hội nên trách nhiệm cho vấn đề là không của riêng ai, cả cá nhân và cộng đồng đều phải nhìn nhận trách nhiệm thuộc về mình. Mỗi người đều phải có trách nhiệm trong việc vươn tới nhân tính tràn đầy, một sự phát triển lành mạnh, hài hòa giữa cá vị và xã hội, nơi chính mình và người khác.

Con người vừa muốn thể hiện cá nhân, muốn độc lập lại vừa thấy mình không thể thiếu vắng liên hệ, thuộc về tha nhân; con người vừa tự do lại vừa không tự do. Nội tại con người là những giằng co căng thẳng như thế. Nhưng chính khi con người đối mặt vật lộn với những giằng co ấy, con người sẽ đi lên. Và cũng chính trong quá trình vật lộn không ngừng ấy, con người sẽ thấy những giới hạn nơi mình, thấy mình cần mở ra cho sự trợ giúp của Siêu Việt.

[1] Tin tức VTV24, thứ năm, ngày 03/11/2016: Nguy hiểm khôn lường từ trào lưu “Nói là làm”; Tin Tức VTV24, ngày 9/11/2016: 1000 Like Và Trào Lưu Việt Nam Nói Là Làm.

[2] John K. Kavanaugh, Who Count as Persons?, Georgetown University Press, 2001, 1-12; Michael D. Moga, What makes man truly human? A Philosophy of Man and Society, St Pauls, 1995, 67.

[3] Joel J. Kupperman, Theories of Human Nature, Hackett Publishing Company, 2010, 59-69.

[4] Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, biên dịch Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy, NXB Lao Động, 2014,  334-341, 379-412; Joel J. Kupperman, Theories of Human Nature, Hackett Publishing Company, 2010, 155-168.

[5] Michael D. Moga, What makes man truly human? A Philosophy of Man and Society, St Pauls, 1995, 4-6; 27-87.

[6] S. E. Frost, Jr, Ph.D., Những vấn đề cơ bản của triết học, biên dịch Đồng Hương* Kiến Văn, NXB Từ Điển Bách Khoa, 2008, 237.

[7] C. Mác và Ph.Awngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, HN, 1995, t3, 11.

[8] Lê Ngọc Hùng, Lịch sử và lý thuyết xã hội học, NXB Đại học Quốc gia HN, 2002, 132, 265.

[9] Michael D. Moga, What makes man truly human? A Philosophy of Man and Society, St Pauls, 1995, 6.

[10]  Ý niệm “cộng đồng” này sẽ được giải thích rõ hơn trong mục kế tiếp.