Môn học: Đức Tin và Mặc Khải
Giáo sư: Nguyễn Hai Tính, S.J.
Học viên: Vũ Chí Kiên, S.J.

 

To Be Human Is To Be A Free Hearer Of The Word In The History[1]

Quan niệm siêu hình của Karl Rahner về mạc khải trong tác phẩm “Kẻ Lắng Nghe Lời”[2]

Bài viết tóm tắt cơ sở lý luận của Karl Rahner chứng minh mạc khải tính thuộc về cấu trúc hữu thể của con người trong tác phẩm Hearer of the Word. Con người hiện hữu như một kẻ lắng nghe Lời; nhưng để có thể lắng nghe, giả thiết, con người phải sở hữu nơi mình khả năng lắng nghe, hay một cấu trúc tiên nghiệm tương thích để lắng nghe. Từ quan niệm này về mạc khải, tác giả đối chiếu cái nhìn này với sáu mẫu thức mạc khải được trình bày trong tác phẩm Models of Revelation của Avery Dulles.

 

Dẫn nhập

Tác phẩm “Kẻ Lắng Nghe Lời” là tập hợp 15 bài giảng của Karl Rahner ở Salzburg, Austria, năm 1937[3]. Mục đích của ông trong tác phẩm này là tra vấn tiềm năng lắng nghe của hiện hữu con người. Với đích nhắm đó, Karl Rahner mong muốn khai mở một nền triết học tôn giáo làm cầu nối giữa triết học và thần học. Tác phẩm này không phải là một tác phẩm thần học, như vấn nạn tác giả đặt ra ngay chương đầu tác phẩm[4], đây là một tác phẩm triết học tôn giáo. Do đó, tác phẩm có một hướng đi rất rõ ràng, dùng siêu hình học để xây dựng các tiền đề, từ tiền đề này ông xây dựng triết học về tôn giáo.

Cũng vậy, mạc khải siêu nhiên không phải là trọng tâm của tác phẩm. Khái niệm mạc khải tác giả dùng ở đây có lẽ mang ý nghĩa của “mạc khải tự nhiên” nhiều hơn là siêu nhiên. Ẩn ngữ “kẻ lắng nghe lời” không nên hiểu theo nghĩa đen nhưng theo nghĩa siêu hình. Hình ảnh đó phản ánh cấu trúc hữu thể con người. Con người hiện hữu như một kẻ lắng nghe lời; nhưng để có thể lắng nghe, trước hết, con người phải sở hữu nơi mình tiềm năng lắng nghe.[5]

Có thể đúc kết quan niệm mạc khải của Karl Rahner trong một luận điểm: “làm người là làm kẻ lắng nghe tự do lời trong lịch sử”. Luận điểm này bao gồm hai luận điểm nhỏ. Thứ nhất, là người, tự bản tính, là kẻ lắng nghe lời của mạc khải, hay nói cách khác, mạc khải tính thuộc về cấu trúc hữu thể con người. Thứ hai, Karl Rahner phân biệt giữa “being” với  “beings”. “To be being is to be spirit”; và “to be beings is to be historial spirits”[6]. “Being” là bản chất của con người và bản chất của con người là tinh thần. “Beings” là những con người lịch sử, và là hiển thể của tinh thần trong lịch sử. Do đó, mạc khải tính của con người, theo Karl Rahner, phải được hiểu dưới cái nhìn của Tinh Thần hiện thể ra trong lịch sử.

Với cái nhìn sơ lược như vậy, chúng ta sẽ lần lượt xem xét các tiền đề siêu hình của Karl Rahner về con người; từ đó, xem xét cách ông quan niệm thế nào về là mạc khải, mạc khải có khả dĩ không? Và mạc khải diễn ra ở đâu?

To be human is to be a free hearer of the word in the history

Tiền đề thứ nhất: Bản chất của hữu thể là tự-hiện-thể (self-presence), nghĩa là minh bạch (luminous) và khả tri (knowable)

Karl Rahner cho rằng khi tra vấn bản chất của hữu thể (the nature of being), cũng có nghĩa là, chúng ta đang tra vấn về hữu thể của mọi hữu thể (being of all beings), đồng thời, đến lượt nó, “cái bản chất đó”, chính nó, lại là một hữu thể, và như thế nó cũng phải được tra vấn như là hữu thể của hữu thể (being of being). Do đó, việc xác định bản chất của hữu thể có vẻ như là một việc không cùng. Làm sao cái bản chất đó phải có nơi mọi thực tại, đồng thời, lại phải có trong chính nó như là một thực tại? Tuy nhiên, khi tra vấn bản chất của hữu thể, Rahner nhận ra rằng, thứ nhất, mặc dù chúng ta không thể biết cái bản chất đó là gì (nội dung), nhưng chúng ta lại biết có cái bản chất đó (sự kiện). Hai là chúng ta có thể phát biểu được nó là hữu thể của mọi hữu thể hay hữu thể của hữu thể, một cách nào đó, chúng ta đã thực sự biết một cái gì đó về nó. Hai điều này xác nhận rằng chúng ta vừa biết, vừa không biết về bản chất của hữu thể; tuy nhiên, sự kiện chúng ta có thể biết một cái gì đó về hữu thể, cho thấy một cách chắc chắn, hữu thể phải có thể được biết đối với chúng ta, nói cách khác, điều đó có nghĩa là bản chất của hữu thể là khả tri đối với chúng ta. Hữu thể là có thể biết và biết được[7].  

Như vậy, Đối với triết học tôn giáo, điều này có nghĩa là, Thiên Chúa, xét như một hữu thể thuần túy tuyệt đối, là khả tri, và do đó, mạc khải, nếu có, cũng khả tri.

Tiền đề thứ hai: Con người là tinh thần vì, tự bản tính, con người hướng về tinh thần. Bản tính này nằm trong cấu trúc tiên nghiệm của con người[8].

Dưới khía cạnh hữu thể học, Karl Rahner nhận ra chuyển động hướng về cội nguồn hữu thể của con người trong phân tích tri thức luận về khả năng trừu xuất của lý trí.  Lý trí con người có khả năng rút ra một cái phổ quát từ một cái cụ thể, khả năng đó chúng ta gọi là trừu xuất. Không có khả năng này chúng ta gần như không thể có tri thức. Immanuel Kant gọi nó là năng lực của lý trí thuần túy, nó thuộc cấu trúc tiên nghiệm của lý trí. Karl Rahner thấy nó là một khả năng siêu nghiệm, vượt khỏi phạm vi cái cụ thể, để “dự phóng” (thấy trước, anticipate, hay vorgriff trong tiếng Đức) những khả thể ở bên ngoài cái cụ thể đó. Nói một cách dễ hiểu, lý trí có khả năng phổ quát hóa một cái cụ thể là bởi vì lý trí đã vượt bỏ cái cụ thể để đạt tới khung trời vô hạn của các khả thể mà cái cụ thể đó đại diện cho. Khả năng này là điều kiện tiên nghiệm của nhận thức. Nó không được nhận thức nhưng nó làm nền cho nhận thức. Karl Rahner gọi cái “khung trời vô hạn của các khả thể” đó là “khung trời hữu thể”. Do vậy khi nhận thức một sự vật cụ thể, chúng ta đang nhận thức nó trong khung trời hữu thể. Nói cách khác, đối tượng của nhận thứcý niệm, còn hành vi nhận thức là một chuyển động hướng tới chân trời hữu thể [9].

Đối với triết học tôn giáo, điều này có nghĩa là, tự bản chất, có một chuyển động luôn hướng về Thiên Chúa, xét như một hữu thể tuyệt đối vô hạn, trong tất cả mọi hoạt động tinh thần của chúng ta.

Vấn đề đặt ra là, thứ nhất, xét như một hữu thể thuần túy tuyệt đối, Thiên Chúa tuyệt đối tự do, và Ngài chỉ mạc khải cho chúng ta về thần tính của Ngài khi Ngài muốn. Vậy, mạc khải có thể có không nếu Thiên Chúa quyết định ẩn mình hoàn toàn đối với chúng ta? Thứ hai, nếu Thiên Chúa quyết định mạc khải cho chúng ta, liệu ngài có vi phạm tự do của chúng ta không?

Với câu hỏi thứ nhất, Karl Rahner trả lời rằng, “to be human person is essentially always already to be those who listen for a possible revelation of God”[10], nghĩa là, là người là chúng ta đã và luôn là những kẻ lắng nghe mạc khải tự do của Thiên Chúa. Lý do là vì, xét về mặt hữu thể, chúng ta là những hữu thể được bao trùm bởi hữu thể và luôn hướng về hữu thể. Mọi hành vi nhận thức, tự nó, đã là nhận thức trong khung trời hữu thể, và như thế, mặc nhiên đã cho chúng ta biết một cái gì đó về hữu thể, như thánh Thomas Aquinas đã nói: “Mọi hữu thể đang tri nhận, mặc nhiên, biết Thiên Chúa trong mọi sự họ biết” (De Veritate, 22, 1 ad 1)[11]. Về mặt triết học tôn giáo, điều này có nghĩa là chúng ta là những tinh thần được bao trùm bởi tinh thần và luôn hướng về Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối. Trong hành vi hướng về đó, đã có một cái gì đó như là mạc khải được diễn ra rồi. Karl Rahner cho rằng: “chúng ta luôn luôn, và tự bản chất, lắng nghe cả lời nói lẫn sự thinh lặng của Thiên Chúa […] Là một hữu thể tinh thần không có nghĩa là một đòi buộc khiến Thiên Chúa phải lên tiếng; nhưng nếu Thiên Chúa không lên tiếng, thì tinh thần (vì là tinh thần) vẫn lắng nghe sự thinh lặng của Thiên Chúa”[12].

Như vậy, luôn luôn có “mạc khải”, vì con người là hữu thể luôn mở ra cho khung trời hữu thể, cũng như, là tinh thần luôn luôn mở ra cho Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối, kể cả khi Thiên Chúa lên tiếng hay thinh lặng. Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là, vì con người, xét như một tinh thần, tự bản tính luôn hướng về Thiên Chúa, vậy con người có tự do không? Hành vi hướng về Thiên Chúa có phải là một hành vi tự do của ý chí không?

Karl Rahner trả lời rằng con người vẫn là “một kẻ tự do lắng nghe lời” (a free hearer)

Thứ nhất, có một nghịch lý hay cũng có thể nói là một biện chứng tinh thần trong hành vi hướng về Thiên Chúa của con người. Về mặt hữu thể luận, bất cứ khi nào con người tra vấn, thì đồng thời, con người cũng tự khẳng định tính hữu hạn của mình (vì nếu toàn tri, thì không còn phải tra vấn nữa). Như vậy, khi tra vấn, con người hướng về chính mình; và trong khi khẳng định tính hữu hạn của mình, con người hiểu được giá trị của mình nhờ đặt mình, hữu thể hữu hạn, trước hữu thể tuyệt đối vô hạn. Như vậy, hướng về chính mình đồng thời lại là một hành vi hướng về Thiên Chúa. Hai khía cạnh này không thể tách rời nhau. Con người xét như một tinh thần chỉ có thể nhận ra mình hiện hữu như là một hữu thể hữu hạn trong khi đặt mình trước hữu thể tuyệt đối vô hạn. Phủ nhận hữu thể tuyệt đối vô hạn, vừa tự nó là điều không thể, vừa là phủ nhận chính mình như một hữu thể hữu hạn[13].

Thứ hai, bên trong cấu trúc siêu nghiệm hướng về Thiên Chúa như là một hữu thể thuần túy tuyệt đối, có một thái độ mà Karl Rahner gọi là “a voluntary attitude”[14]. Đó là một thái độ tự nguyện hướng về các giá trị. Những giá trị này là những điều chúng ta biết (intellect) và chúng ta muốn (will)[15]. Karl Rahner nhận thấy rằng, sở dĩ chúng ta có cái thôi thúc để biết và để muốn, là bởi vì chúng ta, tự bản tính, luôn mở ra hay hướng về cái thật (truth) và cái tốt (goodness). Cái thật và cái tốt chính là điều kiện siêu nghiệm làm nền tảng cho mọi cái biết và cái muốn cụ thể của chúng ta. Như vậy, xét về mặt triết học tôn giáo, điều này có nghĩa là, chúng ta là những hữu thể hữu hạn luôn hướng về giá trị tuyệt đối, là chính Thiên Chúa trong những chọn lựa của mình. Hành vi hướng về Thiên Chúa của mạc khải này không phải là một hành vi bất định, nhưng là một quyết định tự do. Trong chính nó, vì là một thái độ tự nguyện, nó đã là một hành vi đáp trả tự do[16] đối với Thiên Chúa của mạc khải[17].

Như vậy, chúng ta có thể kết luận một vài điểm về mạc khải theo quan điểm của Karl Rahner. Thứ nhất, Thiên Chúa, xét như một hữu thể thuần túy tuyệt đối, là khả tri. Thứ hai, “khả năng lắng nghe” hay khả năng đón nhận mạc khải thuộc về cấu trúc hữu thể của con người. Cuối cùng, vì con người là tinh thần tự do, trong một quyết định tự do, hướng đến Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối, nên mạc khải, theo một cách nào đó, luôn luôn diễn ra, kể cả khi Thiên Chúa lên tiếng hay ẩn mình hoàn toàn đối với con người.

Đàng khác, con người không chỉ là tinh thần, mà còn là tinh thần ở trong thế giới. Xét về mặt hữu thể, con người là tinh thần, nhưng về mặt lịch sử, con người là hiện thể của tinh thần (appearance) trong lịch sử. Về triết học tôn giáo, điều này có nghĩa là, thứ nhất, mạc khải của Thiên Chúa, nếu có, phải là hiện thể của tinh thần trong ngôn ngữ con người. Trong ngôn ngữ con người, mạc khải của Thiên Chúa, tự nó, phải là một sự kiện có tính lịch sử bên trong lịch sử chung của nhân loại. Thứ hai, về phía con người chúng ta nhận thức về hữu thể hay về tinh thần ngang qua hiện thể thuộc về lịch sử của tinh thần trong thế giới. Do đó, chúng ta phải hướng về lịch sử để có thể gặp gỡ Thiên Chúa đang tỏ mình ra trong lịch sử[18].

Cuối cùng, vì con người là hiện thể của tinh thần trong thế giới (một tinh thần luôn hướng về Thiên Chúa), do đó, thứ nhất, con người, tự nó, đã là một mạc khải của Thiên Chúa rồi[19]. Thứ hai, mạc khải của Thiên Chúa diễn ra bên trong lịch sử cá nhân của con người. Lịch sử này theo Karl Rahner không chỉ được hiểu như là một chuỗi liên tiếp các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ và kéo dài cho đến giây phút hiện tại, mà còn là lịch sự của một tinh thần đang và sẽ hiện thể ra trong tương lai.[20] Cuối cùng, mạc khải của Thiên Chúa diễn ra bên trong lịch sử những tinh thần tạo nên một lịch sử chung của nhân loại[21].

Như thế chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi đặt ra ngay ở phần khởi đầu, theo Karl Rahner, mạc khải diễn ra bên trong lịch sử cá nhân của mỗi con người, một lịch sử mở ra trong tương lai và bên trong lịch sử chung của nhân loại. Điều này cũng có nghĩa là, với Karl Rahner, mạc khải vừa có tính cá vị vừa có tính phổ quát và vẫn còn tiếp diễn trong dòng lịch sử nhân loại.

So sánh quan niệm của Karl Rahner về mạc khải với sáu mẫu thức mạc khải

            Trước khi phân loại quan niệm của Karl Rahner về mạc khải dựa trên sáu mẫu thức mạc khải của Avery Dulles[22], chúng ta có thể rút ra một vài nhận xét. Thứ nhất, như đã nói trong lời mở đầu, tác phẩm này không phải là một tác phẩm thần học mà là một tác phẩm triết học tôn giáo, dù tác giả là một nhà thần học; Thứ hai, tác phẩm này có thể phản ánh một phần quan trọng quan niệm của Karl Rahner về mạc khải nhưng chưa hẳn đã là toàn bộ cái nhìn của ông về mạc khải; Thứ ba, khái niệm mạc khải ở đây mang ý nghĩa của một loại “mạc khải tự nhiên” hơn là mạc khải siêu nhiên. Karl Rahner không bàn về mạc khải siêu nhiên trong tác phẩm này, có lẽ nó được dành cho một tác phẩm thần học nào khác của ông, nhưng trong giới hạn của một tác phẩm triết học tôn giáo, nó bàn nguồn gốc hữu thể học của khả năng đón nhận mạc khải trong cấu trúc hữu thể con người.

            Do vậy, sẽ là một gán ghép phi lý nếu áp một quan niệm chưa hoàn chỉnh của một tác giả vào một trong sáu mẫu thức nào đó của mạc khải; hơn nữa, điều đó còn là một việc làm gượng ép vì tác phẩm này bàn về mạc khải trên bình diện lý trí (triết học tôn giáo) hơn là bình diện đức tin (thần học). Tuy nhiên, dù cho việc phân loại quan niệm này theo sáu mẫu thức của mạc khải là điều không thể và cũng không nên, thì việc so sánh quan niệm này với sáu mẫu thức mạc khải của Avery Dulles cũng không phải là điều vô nghĩa. Dưới đây là một vài nét so sánh cá nhân về mẫu thức mạc khải của Karl Rahner so với sáu mẫu thức mạc khải của Avery Dulles.

            Thứ nhất, vì Karl Rahner không bàn đến mạc khải siêu nhiên, cụ thể là mạc khải của Thiên Chúa diễn ra trong lịch sử được chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, cho nên, có thể dễ dàng nhận ra rằng, quan niệm này không mấy liên hệ đến hai mẫu thức đầu của mạc khải: mẫu thức mệnh đề và mẫu thức biến cố lịch sử. Bởi vì, cách chung, hai mẫu thức này đều dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền nhưng một bên nhấn mạnh đến mạc khải của Thiên Chúa được tỏ lộ trong lời mang tính giáo huấn, còn bên kia nhấn mạnh đến khía cạnh hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, mà cụ thể là lịch sử cứu độ. Tuy nhiên, vì Karl Rahner không bàn đến mạc khải siêu nhiên trong tác phẩm này, nên chúng ta có thể suy diễn theo cách ông lý luận về điều mà ông có thể nói về mạc khải siêu nhiên.

            Theo thiển ý cá nhân, chúng ta có thể định nghĩa mạc khải siêu nhiên, theo Karl Rahner, như là hiện thể của tinh thần tuyệt đối trong ngôn ngữ con người, trong thế giới, và trong lịch sử. Vấn đề khó khăn duy nhất chúng ta gặp phải là không thể xác định được nội dung của mạc khải. Hiện thể của tinh thần tuyệt đối có thể là một con người, một con người mang thông điệp, con người đó là Đức Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa trong lịch sử và trong thế giới. Hiện thể đó cũng có thể là bất cứ ai, mà đời sống của họ được nhận ra như là một tinh thần, một vị thánh, một nhà tư tưởng, thậm chí là một nhà khoa học … , hoặc là bất cứ cái gì được nhận ra như là hiện thân của tinh thần, chẳng hạn, trật tự vũ trụ là hiện thể của một thượng trí vô song. Điều đó có nghĩa là, mạc khải siêu nhiên, hiểu theo chúng ta hiểu về Karl Rahner, sẽ rất rộng và rất bao la, sẽ còn tiếp diễn mãi trong thế giới và trong lịch sử tinh thần. Như thế, điểm mạnh, cũng là điểm khác biệt so với hai mẫu thức đầu, của mẫu thức này, là quan niệm này mở rộng chân trời nhận thức của chúng ta về mạc khải, mà mạc khải đó luôn luôn tự do và đầy sáng tạo của Thiên Chúa trong thế giới và trong lịch sử; nhưng điểm yếu của mẫu thức này, có lẽ, là lãng quên vai trò trọng tâm, thiết yếu của Đức Giêsu trong mạc khải siêu nhiên, cũng như quên sót điểm tới hay chung cục của lịch sử tinh thần ở trong thế giới.

            Thứ hai, chúng ta có thể thắc mắc: liệu diễn tả của Karl Rahner về việc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người như là tinh thần trong tinh thần tuyệt đối, theo nghĩa hữu thể học và nhân học, có tương đồng với một trực nghiệm tâm linh được nói đến trong mẫu thức thứ ba[23] hay không? Theo thiển ý cá nhân, tôi cho rằng hai diễn tả này vừa tương đồng lại vừa dị biệt. Như chúng ta đã biết, tiền đề quan trọng của mẫu thức thứ ba chính là khẳng định khía cạnh tinh thần của con người và Thiên Chúa. Vì là hữu thể tinh thần, con người có thể gặp gỡ trực tiếp với Thiên Chúa bên trong kinh nghiệm nội tâm của mình. Kinh nghiệm đó là một thứ trực nghiệm tâm linh phi ý niệm nhưng có sức biến đổi đời sống con người. Cách diễn tả này, có lẽ, cũng là một cách cụ thể hóa diễn tả trừu tượng, theo nghĩa siêu hình, của Karl Rahner về liên hệ giữa Thiên Chúa với con người. Tuy nhiên, điểm khác biệt căn bản mà chúng ta có thể phát biểu lại, đó là, liên hệ giữa Thiên Chúa với con người, tự nó, theo Karl Rahner, là nền tảng, hay điều kiện siêu nghiệm cho những kinh nghiệm cụ thể mà mẫu thức này diễn tả. Những kinh nghiệm cụ thể trong nội tâm chỉ là những hiện thể của tinh thần tuyệt đối trong nội tâm con người dưới “ngôn ngữ con người”, dưới khía cạnh tâm lý hay tâm linh.

            Thứ ba, quan niệm về mạc khải của Karl Rahner có lẽ gần với mẫu thức thứ năm hơn cả. Tác giả Avery Dulles xếp ông vào một trong số những nhà thần học đặt nền móng cho mẫu thức này[24].  Đóng góp của Karl Rahner cho mẫu thức này chính là cái nhìn về mạc khải trong lịch sử diễn tiến của nhân loại. Mạc khải diễn ra trong sự vận động của tinh thần hướng về Tinh Thần Tuyệt Đối (Absolute Spirit). Thiên Chúa, như là hữu thể thuần túy tuyệt đối hay như là tinh thần tuyệt đối, là điều kiện siêu nghiệm, âm giai nền, hay khung trời hữu thể, đã sẵn có (immanent) nơi hữu thể con người. Vì Thiên Chúa không phải là một Đấng Khác (siêu việt) bên ngoài con người, nên mạc khải không phải là vấn đề của tri thức, mà nội dung của nó là những chân lý đức tin hay những hiểu biết về Thiên Chúa, nhưng là vấn đề của ý thức. Karl Rahner cho rằng, bằng hành động tự do của mình trong lịch sử cá nhân và nhân loại, Thiên Chúa làm cho con người có khả năng đạt đến một tầng ý thức mới[25].

            Vấn đề cuối cùng chúng ta có thể đặt ra là “truyền thông bằng biểu tượng” (mẫu thức thứ sáu) có thể đóng góp gì cho quan niệm mạc khải của Karl Rahner? Karl Rahner không bàn đến biểu tượng và giá trị của biểu tượng trong việc truyền thông mạc khải, ít là trong tác phẩm này, tuy nhiên, ông nói về “nơi” (the place) diễn ra mạc khải của Thiên Chúa. Như đã nói ở trên, mạc khải của Thiên Chúa, hiểu theo nghĩa là một cuộc gặp gỡ của tinh thần trong tinh thần tuyệt đối, diễn ra bên trong lịch sử cá nhân và nhân loại. Để khám phá mạc khải của Thiên Chúa, con người phải hướng về lịch sử như là hiện thể của tinh thần trong thế giới. Do đó, khía cạnh hữu hình của các biến cố lịch sử không nên hiểu thuần túy như là những sự kiện trống rỗng vô hồn nhưng như là những biến cố mang tính biểu tượng nơi đó diễn ra một cuộc gặp gỡ huyền nhiệm giữa con người với Thiên Chúa, vừa tỏ lộ lại vừa ẩn giấu.

Kết luận

            Như vậy, chúng ta vừa lướt qua so sánh giữa quan niệm của Karl Rahner về mạc khải với sáu mẫu thức mạc khải của Avery Dulles. Với một hướng tiếp cận mới, quan niệm mạc khải của Karl Rahner có thể mở rộng chân trời suy tư cho một cuộc đối thoại với triết học và thần học, với đối thoại liên tôn và hội nhập văn hóa. Cuộc đối thoại này được đặt nền tảng trên tiền đề rằng: tất cả những gì chúng ta có thể thấy trong lịch sử nhân loại, triết học, thần học, tôn giáo và văn hóa, ở một khía cạnh nào đó, đều là kết tinh của tinh thần; và lịch sử của nhân loại là lịch sử của tinh thần hướng về tinh thần tuyệt đối.

Tuy nhiên, trước khi có thể tạo ra một “diễn đàn” đa phương về vấn đề Thiên Chúa, chúng ta cần giải quyết, ít là, hai vấn đề căn bản của Karl Rahner. Vấn đề thứ nhất nằm trong bước chuyển từ siêu hình học sang triết học về tôn giáo. Liệu Thiên Chúa có phải là một hữu thể thuần túy tuyệt đối? hay ý niệm về một hữu thể thuần túy tuyệt đối cũng chỉ là một biểu tượng, một dấu chỉ, hay hiện thể của một Tinh Thần Tuyệt Đối trong ngôn ngữ suy lý của con người? Làm sao chứng minh được Thiên Chúa của triết học đồng nhất với Thiên Chúa của mạc khải và ngược lại. Thứ hai, Thiên Chúa vừa nội tại lại vừa siêu việt. Karl Rahner đã làm một điều rất tuyệt vời là diễn tả hết mức có thể về một Thiên Chúa nội tại, là nền tảng, là điều kiện siêu nghiệm cho mọi hữu thể hữu hạn hiện hữu; tuy nhiên, Thiên Chúa, trong lịch sử, còn tỏ ra Ngài là Đấng đối diện với con người và lịch sử con người như một ngôi vị, một ngôi vị tự do và do đó, cũng là một mầu nhiệm. Karl Rahner có thể nói gì về Đấng ấy, và mạc khải của Đấng ấy?

Sách tham khảo

  1. Karl Rahner, Hearer of the Word, translated by Joseph Donceel (New York: Continuum, 1994)
  2. Avery Dulles, Models of Revelation (New York: Doubleday, 1983).

[1] Tựa đề này do tác giả bài viết đặt, vì không thể diễn rõ nghĩa trong tiếng Việt và vì tính ngắn gọn của tiêu đề nên xin để bằng tiếng Anh.

[2] Đây là tựa đề tạm dịch của tác phẩm Hearer of the Word của Karl Rahner, bản tiếng Anh do Josheph Donceel chuyển dịch.

[3] Theo lời nói đầu của dịch giả. Karl Rahner, Hearer of the Word, tr. VII.

[4] Karl Rahner, sđd, tr. 1.

[5] Sđd, tr.5.

[6] X. chương 12. Sđd, tr.118-128.

[7] Sđd, tr.28.

[8] Sđd, tr.54.

[9] X. Sđd, tr. 140.

[10] X. Sđd, tr. 72.

[11] “All knowing beings implicitly know God in everything they know” (De Veritate, 22, 1 ad 1). Sđd, tr. 52.

[12] Sđd, tr. 72.

[13] x. Sđd, tr. 81

[14] Sđd, tr.82.

[15] Karl Rahner lấy lại phân tích của Thomas Aquinas về “being-truth-goodness” nhưng thay bằng “being-intellect-will” để cho thấy liên hệ chuyển hóa qua lại giữa “điều chúng ta là” với “điều chúng ta biết” và “điều chúng ta muốn”. Từ liên hệ này ông cho thấy bên trong cái hành vi mở ra hay hướng về Thiên Chúa của hữu thể là một hành vi tự do của ý chí và lý trí. Sđd, tr. 83.   

[16] Người ta thường phân biệt hai loại hay hai khía cạnh của tự do: tự do khỏi (freedom from), và tự do cho (freedom for). Đối với Karl Rahner, tự do có thể được tự do có thể được nhấn mạnh theo nghĩa thứ hai, chúng ta là những hữ thể tự do, được tự do cho (freedom for) những giá trị mà những giá trị đó, tự nó, hướng đến giá trị tuyệt đối là chính Thiên Chúa.

[17] X. Sđd, tr. 141.

[18] X. Sđd, tr. 141.

[19] X. Sđd, tr.94.

[20] X. Sđd, tr.95.

[21] X. Sđd, tr. 142.

[22] Avery Dulles, Models of Revelation (New York: Doubleday, 1983)

[23] Mẫu thức thứ tư cố gắng dung hòa căng thẳng giữa yếu tố nội tại và chủ quan với siêu việt và khách quan của mạc khải siêu nhiên trong tương quan giữa Thiên Chúa với con người. Mạc khải vẫn là tương tác giữa hai ngôi vị tinh thần nhưng qua trung gian Thánh Kinh và Thánh Truyền. Ở đây, tôi không so sánh quan niệm của Karl Rahner về mạc khải với mẫu thức này vì nó đã được nói cách bàng bạc nơi so sánh giữa 2 mẫu thứ đầu và mẫu thứ thứ 3 với mạc khải của Karl Rahner.

[24] Avery Dulles, Models of Revelation, 98-99.

[25] Avery Dulles, sđd, 100.