1. Bài đọc: (Br 5,1-9)
5
1Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục,
và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi;
2hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa;
và đội lên đầu triều thiên vinh quang
Đấng Vĩnh Hằng ban tặng.
3Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu
thấy hào quang rực rỡ của ngươi.
4Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi
là “Bình an xây dựng trên công chính”,
và “Vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa”.
5Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi,
hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông:
Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về
theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy.
Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở mừng vui.
6Xưa chúng bị quân thù áp giải,
phải rời ngươi, không xe không ngựa.
Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi,
chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng.
7Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao
và gò nổng có tự lâu đời,
phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu,
để Ít-ra-en tiến bước an toàn
dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa.
8Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm
sẽ toả bóng che rợp Ít-ra-en,
9vì Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc,
dưới ánh sáng vinh quang của Chúa,
cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.
2. Tìm hiểu nội dung bản văn
Sách Ba-rúc được viết khoảng năm 300 trước Công Nguyên, tức là trước cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Ma-ca-bê. Tác giả Ba-rúc viết cho đồng bào của mình đang tản mác khắp nơi, giữa lòng dân ngoại, sau khi đền thờ Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 587 trước Công Nguyên. Khi đó, con cái Ít-ra-en đang sống trong tình thế bị lôi cuốn thờ thần của dân ngoại mà lãng quên Đức Chúa. Ba-rúc muốn khuyên bảo con cái Ít-ra-en nhớ lại những tháng năm oai hùng của dân tộc mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Ông khuyến khích họ trung thành với Gia-vê Thiên Chúa, hỗi lỗi và kiên tâm giữ Lề Luật và tin tưởng rằng Gia-vê sẽ sớm giải thoát họ khỏi cảnh khổ cực khi ấy.
Phần sách Ba-rúc này không có một đoạn kết chính thức nhưng kết bằng một lời tiên báo đầy an ủi dành cho dân thành Giê-ru-sa-lem. Khi Thiên Chúa giải thoát dân thành Giê-ru-sa-lem, Người sẽ cho tên tuổi của thành này được muôn dân biết đến. Người sẽ ở giữa dân như dấu chứng bảo đảm cho thành này được an bình, thịnh vượng. Một trật, thành sẽ chiếu tỏa cho muôn dân thấy ánh vinh quang xuất phát từ lòng kính sợ Thiên Chúa. Tuy nhiên, phải đến khi Đức Ki-tô xuất hiện trong vai trò như một Giê-ru-sa-lem mới thì điều tiên báo này mới được ứng nghiệm.
Bên cạnh đó, các câu 5-9 cho ta thấy hình ảnh cuộc hồi hương sau lưu đầy được tiên báo này rất giống với nội dung về cuộc xuất hành của dân trong I-sai-a các chương 40-66. Hơn thế, liên hệ đến bài Tin Mừng hôm nay (Lc 3,1-6), hình ảnh núi đồi cao, gò nổng phải bạt thấp đi, thung lũng phải san cho phẳng đã xuất hiện trong câu 7 của đoạn sách này. Mục đích của việc chuẩn bị đường là để con cái Ít-ra-en bước đi được an toàn trong ánh vinh quang của Thiên Chúa. Điều đó muốn nói rằng cần phải có sự chuẩn bị để nhận được ơn giải thoát khỏi cảnh nô lệ và có thể tiến bước vững vàng trong đường lối của Thiên Chúa. Đây là điều mà ông Gio-an Tẩy Giả loan báo.
Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj
Tham Khảo
CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.1800.
John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.702-703.