HỌC VIỆN THÁNH GIUSE – DÒNG TÊN VIỆT NAM

“Sự hư ảo của bản chất nhân sinh
và nỗi bất hạnh của những người không tin Thiên Chúa hiện hữu”
theo Blaise Pascal trong Pensées

Bộ môn: Triết Học Tôn Giáo
Giáo sư hướng dẫn: Fr. Giu-se Vũ Uyên Thi, S.J.

Học viên thực hiện
Đa-minh Nguyễn Văn Tài, S.J.

Tháng 12 năm 2020

Abstract: Blaise Pascal là một nhà khoa học lỗi lạc của nhân loại. Những năm cuối đời, ông từ bỏ việc nghiên cứu khoa học để chỉ chuyên tâm suy tư về thân phận con người và về Thiên Chúa. Bài viết này tập trung vào phần thứ hai trong tác phẩm Pensées (Suy tưởng) của ông. Trong đó, người viết sẽ họa lại những suy tưởng của Pascal về bản chất của con người; về tính hư ảo của đời sống cũng như của khoa học; kế đến là về nỗi bất hạnh của những người không tin Thiên Chúa hiện hữu và sự cấp thiết trong việc phải hoán cải nội tâm và đời sống của con người, đồng thời đặt hết niềm tin tưởng vào Thiên Chúa để có thể đạt được hạnh phúc chân thực và vĩnh cửu.

Keywords : Pascal; bản chất hiện sinh; đời sống hư ảo, bất hạnh; Thiên Chúa hiện hữu.

DẪN NHẬP

Blaise Pascal sinh năm 1623 tại Clermont. Ông là một thiên tài trong lĩnh vực toán học và vật lý, bao gồm cả lý thuyết và thực nghiệm về thủy lực, áp suất khí quyển, sự tồn tại và bản chất của chân không[1], chế tạo ống tiêm và đặt nền móng cho toán học xác suất hiện đại[2].

Những năm đau bệnh cuối đời, Pascal dừng việc nghiên cứu khoa học để chỉ chuyên tâm suy tưởng về thân phận con người và về Thiên Chúa. Trong đó, nổi bật hơn cả là cuốn Pensées được ông hoàn thành năm 1660. Tác phẩm gồm 14 phần[3], trình bày những suy tưởng và phản tỉnh cá nhân của Pascal về tôn giáo trong sự liên hệ với khoa học, triết học, luân lý và đời sống của con người. Năm 1662, ở tuổi 39, Pascal qua đời tại nhà của người chị cả Périer.

Bài viết này chỉ tập trung vào phần thứ hai của tác phẩm Pensées. Trong đó, người viết sẽ trình bày cách tổng quát về bản chất nhân sinh và nỗi bất hạnh của những người không tin Thiên Chúa hiện hữu theo Blaise Pascal. Cụ thể, phân đoạn một bàn về bản chất của con người; phân đoạn hai bàn về tính hư ảo của đời sống; kế đến là tính hư ảo của khoa học; sau đó, bàn về nỗi bất hạnh của những người không tin Thiên Chúa hiện hữu. Cuối cùng là một vài nhận định của người viết liên quan đến nội dung đã được trình bày.

NỘI DUNG

Bản chất của con người

Trước hết, khi suy tưởng về bản chất của con người, một cách nào đó, Pascal đã đề cập đến hai loại bản chất là bản chất nguyên thủy và bản chất phái sinh. Dưới đây là những nét sơ lược về hai loại bản chất này mà Pascal đã trình bày trong tác phẩm Pensées.

Bản chất nguyên thủy

Pascal cho rằng không có gì tốt hơn đối với một người cho bằng sự hiểu biết về chính mình, vì giả như nó không giúp người ấy tìm ra chân lý thì chí ít cũng giúp họ thủ đắc cho mình một nguyên tắc sống[4]. Từ sự hiểu biết ấy, ông nhận ra bản chất của con người chỉ là một Hư Vô (Nothing) so với Vô Tận (Infinite), nhưng cũng là một Toàn Thể (All) so với Hư Vô (Nothing) và là một trung tâm giữa phi hữu (nothing) và vạn hữu (everything)[5].

Tiên vàn, hành trình đi đến sự hiểu biết chính mình được bắt đầu với việc trở về với lương tri – một thứ tri thức bẩm sinh (innate knowledge) – như là cửa ngõ giúp Pascal vươn tới những chân trời sâu thẳm nơi con người. Có thể nói, với Pascal, lương tri như là mỏ neo chắc chắn và căn yếu nhất mà con người có thể bám vào, đến nỗi người ta không thể tồn tại mà không tin vào những tri thức của lương tri, vì nếu lương tri là giả dối thì chẳng có gì là chân thật nơi con người[6]. Tất cả những gì con người cần làm là chiêm ngắm và vận dụng lương tri một cách nghiêm túc và không vội vàng, vì cũng giống như việc đọc một cuốn sách: “Khi đọc quá nhanh hoặc quá chậm, chúng ta sẽ không hiểu gì.”[7]

Nhờ ánh sáng của lương tri, con người có thể trầm mình trong toàn bộ vẻ huy hoàng vi diệu và tròn đầy của trật tự tự nhiên. Khi ấy, việc nâng tầm thị năng vượt lên khỏi những khách thể tầm thường xung quanh sẽ giúp họ chiêm ngưỡng ánh sáng chói lòa đang chiếu soi vũ trụ. Trái đất lúc này chỉ xuất hiện như một chấm nhỏ so với đường quỹ đạo rộng lớn của nó. Rồi chính đường quỹ đạo rộng lớn này lại chỉ còn là một vệt nhỏ mơ hồ so với toàn thể các vì tinh tú trong không gian bao la cùng với vô số các quỹ đạo bất khả thị thấu của chúng.[8] Nếu cứ tiếp tục trầm mình trong những dòng suy tưởng ấy, nguồn năng lượng để cung ứng cho sự nhận thức của con người sẽ bị hút cạn. Nhưng dù có khuếch trương đến cực đại đối với những gì có thể tưởng tượng được thì con người cũng chỉ có thể tạo ra được một sự thể nhỏ xíu so với thực tại mênh mông của vô vàn những sự thể. “Đó là một cõi bất tận với tâm điểm ở khắp mọi nơi nhưng chu vi của nó thì không nằm ở đâu cả”[9].

Theo Pascal, một mặt bằng việc quay trở lại với chính mình và mặt khác vươn tầm nhận thức ra vũ trụ như thế, con người bắt đầu phải suy xét xem bản thân có là gì so với toàn thể hiện hữu. Họ sẽ thấy ngay cả trái đất, các vương quốc, các thành phố và bản thân mình như bị mất hút trong sự huyền nhiệm thăm thẳm của tự nhiên. Để rồi một khi đã nhận ra bộ mặt thật của thế giới các sự thể và bản ngã hiện sinh, họ sẽ không thể không đặt vấn đề cách nghiêm túc nhất về tồn tại của mình: “phàm nhân là chi trong Cái Vô Tận?”[10]

Sau khi đã khiến người ta phải cạn kiệt sức tưởng tượng với những suy tưởng liên hồi khởi đi từ Hư Vô đến Vô Tận, thì kế đến, Pascal lại tiếp tục bào mòn nguồn năng lượng ấy của con người bằng việc cho họ suy tưởng bản thân như là cái Toàn Thể vốn có thể phân chia vô tận đến những sự Hư Vô, bằng hình ảnh “một trẻ thơ với một thân thể nhỏ bé và những bộ phận thậm chí còn nhỏ bé hơn: chân tay gắn vào các khớp, tĩnh mạch trong chân tay, máu trong tĩnh mạch, các chất dịch trong máu, các giọt trong chất dịch, hơi trong các giọt …”[11] Đó hẳn phải là một tiểu vũ trụ trong thân thể của một tiểu hài nhi. Nếu như việc phân chia ấy cứ tiếp tục diễn ra cho đến vô cùng, thì con người sẽ phải kinh ngạc với thực tế rằng: “cơ thể chúng ta, thứ mà mới đây là vô cùng nhỏ bé cách bất khả cảm thấu trong vũ trụ bao la, thì giờ đây chính cơ thể ấy lại là một vật khổng lồ, là cả một thế giới hay đúng hơn là một toàn thể so với cái hư vô mà chúng ta không thể nào vươn tới được.”[12]

Bằng cách đặt con người vào những dòng suy tưởng cao thật cao và sâu thật sâu ấy, Pascal đã khiến người ta phải sợ hãi chính mình khi xem thấy bản thân được duy trì liên tục trong một bản thể nằm giữa hai vực thẳm của Hư Vô và Vô Cùng. Để rồi khi trí tò mò chuyển thành lòng thán phục, người ta sẽ chỉ còn biết nín lặng mà chiêm ngắm chứ không còn có khuynh hướng tra vấn những thực tại vô song ấy với tính tự phụ như trước nữa.[13] Câu hỏi đặt ra là: Ngọn nguồn của nỗi khiếp sợ ấy là gì? Thưa:

Kể từ khi con người bị tách vĩnh viễn khỏi sự hiểu biết toàn vẹn về những sự thể vô cực[14], thì sự khởi đầu cũng như cùng đích của vạn vật đã bị ẩn dấu cách vô vọng khỏi con người trong một bí mật bất khả khai phá. Họ không còn khả năng để thấy được cái Hư Vô mà từ đó họ được dựng nên cũng như cái Vô Tận mà trong đó họ được bao trọn. Vậy họ sẽ làm gì trong tình trạng tuyệt vọng miên trường ấy nếu không phải là đón nhận diện mạo làm trung tâm của vạn vật.[15]

Quả thế, con người chừng nào còn ở trong tình trạng trung tâm giữa phi hữu và vạn hữu, chừng đó họ còn bị che khuất khỏi những thực tại tối hậu. Trong đó, mọi sự đều trong một tiến trình khởi đi từ Hư Vô và hướng về Vô Tận. Theo Pascal, chỉ một mình Thiên Chúa – Tác Giả của tiến trình kỳ diệu ấy mới có thể hiểu biết tường tận về nó mà thôi.

Tựu chung lại, Pascal cho rằng bản chất của con người không là gì khác cho bằng là một trung tâm giữa phi hữu và vạn hữu. Ở đó, nó chỉ là một Hư Vô so với Vô Tận, nhưng lại là một Toàn Thể so với Hư Vô. “Chính bản chất này đã đặt chúng ta ở trung tâm tốt đến nỗi nếu chúng ta thay đổi một bên của sự cân bằng, chúng ta cũng sẽ thay đổi bên còn lại.”[16]

Tuy nhiên, con người không phải là những sinh thể vô tri hay như một tâm điểm bất động trên bàn cân vũ trụ. Do đó, nếu xét cứu những suy tưởng ở trên như là bản chất nguyên thủy đã được Thiên Chúa ấn định cho con người, thì bên cạnh đó, đặc tính tự do và có ý thức của con người còn có thể khuôn đúc nên một thứ bản chất phái sinh trong quá trình thực tồn. Vậy Pascal đã nói gì về bản chất phái sinh này?

Bản chất phái sinh

Pascal cho rằng, “bản chất của con người là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng không có gì mà con người không thể biến thành tự nhiên được. Do đó, cũng chẳng có cái tự nhiên nào mà người ta lại không thể đánh mất.”[17] Ông đưa ra một ví dụ như sau: các bậc phụ huynh thường sợ rằng tình yêu tự nhiên của con cái họ có thể sẽ mờ phai theo năm tháng. Vậy cái bản chất mà có thể bị mờ phai ấy là bản chất nào? Theo Pascal, “thói quen chính là bản chất thứ hai – cái đã hủy diệt bản chất ban đầu”[18].

Quả thật, “những quy tắc tự nhiên của chúng ta là gì nếu không phải là những quy tắc của thói quen?”[19] Khi thấy một hiện tượng nào đó cứ lặp đi lặp lại, chúng ta thường có xu hướng phán đoán rằng có một quy luật tự nhiên tất yếu trong hiện tượng đó, như kiểu “sẽ có một ngày mai”[20]. Cũng vậy, một thói quen là gì nếu không phải là một hành vi được tái lặp. Những thói quen khác nhau sẽ dẫn đến những quy tắc khác nhau và những lối hành xử khác nhau, ở những người khác nhau. Trên thực tế, đây cũng là một phần cơ sở để người ta đánh giá về bản chất của mỗi người.

Kế đến, khi bàn sâu hơn về việc hình thành một thói quen hay việc thay đổi bản tính của một người, Pascal lập luận rằng “nếu như có những quy tắc tự nhiên (bản chất) mà thói quen không thể hủy diệt được, thì hẳn cũng sẽ có những thói quen đối ngược lại với bản chất mà chính bản chất hay thói quen phái sinh cũng không thể tiễu trừ”[21]. Pascal cho rằng những cuộc đào luyện như thế mang lại hiệu quả ở mức độ nào thì còn tùy thuộc vào khí chất của mỗi người. Tuy nhiên, điều tệ hại mà ông lo ngại đó là: một khi đã quen với cái tồi thì người ta sẽ không còn muốn đón nhận những cái tốt nữa, ngay cả khi chúng đã được nhận ra[22].

Theo Pascal, việc đi theo lối mòn của những thói quen như thế đã dẫn đến một hệ lụy sai lầm và đáng tiếc cho những người Hồi Giáo, dị giáo và cả những người không có niềm tin tôn giáo. Họ đã đi theo con đường của cha ông họ. Khi được sinh ra và được ngụp lặn đến mức thấm nhuần tư tưởng tục truyền như thế, ai trong số họ cũng cho rằng con đường họ đang đi là con đường tốt nhất. Những sự yên trí tương tự như thế, một cách nào đó, cũng ấn định cho người này làm thợ khóa, người kia làm bộ đội[23]. “Rõ ràng bản chất đã không quá rập khuôn như thế. Chính thói quen đã làm điều này; chính thói quen đã bó buộc bản chất. Nhưng đôi khi bản chất cũng thắng được thói quen và duy trì được bản tính của con người cho dù những thói quen là tốt hay xấu.”[24]

Tắt một lời, bản chất của con người theo Pascal là một cái gì đó vừa mang tính tất định lại vừa mang tính phái sinh; vừa là hư vô vừa là tất cả; vừa có tính ổn định nhưng cũng lại có thể đổi thay. Do đó, chừng nào còn sống trên đời, chừng đó con người còn mãi khắc khoải về bản chất, về khởi nguyên và về cùng đích đời mình. Cho đến khi họ nhận ra: “rốt cuộc họ không phải là thiên thần cũng chẳng phải cầm thú, họ chỉ là một con người.”[25]

Vì thế, nếu không nâng tâm trí mình vượt lên khỏi những sự thể tầm thường thân cận, con người sẽ mãi lẩn quẩn trong sự tù túng chật hẹp nơi bản chất bấp bênh của mình, để rồi chỉ biết lao mình vào những trò tiêu khiển ở chốn lao xao, ngõ hầu tìm được một sự nghỉ ngơi. Nhưng sau tất cả, “họ sẽ chỉ cảm thấy một sự hư vô, khốn khổ, sự khiếm khuyết, lệ thuộc, sự yếu đuối và trống trải nơi bản thân mình. Khi ấy, từ tận nơi sâu thẳm của cõi lòng họ sẽ nảy sinh một nỗi chán chường, u ám, buồn bã, bực bội, khó chịu và tuyệt vọng.”[26] Đó cũng chính là những gì Pascal đã đề cập liên quan đến tính hư ảo của đời sống nhân sinh.

Tính hư ảo của đời sống

Khi không thể vui hưởng hạnh phúc trong căn phòng nội tâm của bản chất hiện hữu nhân sinh, con người thường có xu hướng tìm đến tha nhân hay những sự vật bên ngoài để mưu cầu hạnh phúc, dù chỉ là nhỏ nhoi hay mong manh nhất thời. Pascal nhận định rằng, chính những huyên náo bề ngoài ấy đã giúp họ ngăn cản tâm trí mình suy tưởng về bản ngã[27]. Vì ngay cả các bậc vua chúa, những người phú gia hay những kẻ cơ bần đều sẽ không hạnh phúc nếu suy nghĩ về chính mình.

Từ đó, người ta lao vào những cuộc chơi bời, giao du với phụ nữ, chiến tranh và tìm kiếm địa vị trong xã hội… Chính sự bận rộn đã chuyển hướng những suy tưởng về nỗi bất hạnh của chúng ta và ru ngủ chúng ta trong sự vui thích bề ngoài… Đó là lý do tại sao người ta lại yêu thích sự ồn ào và náo động nhiều đến thế![28]

Thật vậy, khi phải đối diện với các mầu nhiệm của hiện tượng nhân sinh và nỗi khốn cùng của đời sống, người ta chẳng còn biết bám víu hay ngả lưng vào bất cứ điểm tựa nào nơi thế giới thụ tạo – vốn cũng hư ảo và vô thường chẳng kém gì bản ngã mình. Thế nên người ta đã hăm hở tìm đến những thú vui bên ngoài, ngõ hầu vớt vát chút ít niềm an ủi để khỏa lấp tâm hồn trống trải. Nhưng khi khoảnh khắc khoái lạc vụt tan đi như làn hơi trong cơn mộng tưởng, rồi quăng lại tâm hồn một nỗi bâng khuâng, cô độc vô diện ảnh, làm cho lòng trí và tâm can con người vốn đã sầu lại càng sầu thêm. Khi ấy, người ta nhận ra một sự thật có phần nghiệt ngã rằng, ở chốn trần ai này: “điều duy nhất an ủi cho những đau khổ của chúng ta chính là sự tiêu khiển;… nhưng nó lại dẫn ta đến với cái chết một cách vô thức.”[29]

Không những thế, theo Pascal, một khía cạnh khác trong số những nét hư ảo của đời sống mà con người phải đối diện là: con người tuy không thích bị người khác lừa dối nhưng lại rất thích được người khác đánh giá cao hơn thực chất của chính mình. Đôi khi sự đánh giá cao hơn ấy là để khích lệ, động viên ta, nhưng phần lớn là để lấy lòng hoặc xu nịnh ta vì một lợi ích nào đó. Vì chẳng dại gì khi người ta nói ra một sự thật để rồi đánh mất hoặc gây thương tổn cho một mối tương quan hay làm mất đi một cơ hội thăng tiến trong công việc. “Như thế, mỗi khi vận may đưa ta lên một bậc cao hơn ở đời này, ta càng rời xa sự thật. Vì sự thật thì có ích với người nghe nhưng lại bất lợi cho người nói”[30]. Phải chăng vì thế mà Schopenhauer, một triết gia sau Pascal gần hai thế kỷ cũng đã phải bi quan thốt lên rằng: “kẻ dữ thì ăn thịt đồng loại, còn kẻ lành thì lường gạt lẫn nhau, và người ta gọi đấy là lộ trình của thế giới”[31].

Như vậy, có vẻ như dưới cái nhìn của Pascal, cuộc sống mà con người đang ngụ tại thật là một cõi ảo mộng và đầy dẫy những nghịch lý hiện sinh. Trong đó, người ta cứ phải gắng sức vùng vẫy để thoát ra khỏi vũng lầy của phiền muộn, nhưng rồi khi vừa chợt thấy niềm hạnh phúc và chốn nghỉ ngơi cho tâm hồn thì nó lại vụt tan đi như mảng phù vân chính ngọ; và càng ngày người ta càng lún sâu hơn trong vũng lầy bi thảm ấy. Thực tế cho thấy, nhiều người vẫn tự trói mình vào các trò tiêu khiển như những con thiêu thân lao mình vào ánh sáng chỉ để được sưởi ấm chút ít rồi vĩnh viễn chia tay cuộc đời. Về vấn đề này, Pascal đã không ngần ngại đưa ra một nhận định rằng, “con người không phải hổ thẹn khi đầu hàng trước nỗi đau, nhưng cần phải biết xấu hổ khi bị niềm vui khuất phục”[32]; và rằng, “ai không thấy được tính hư ảo của thế gian thì bản thân anh ta thật là một người hư ảo.”[33]

Với Pascal, không chỉ những niềm vui bên ngoài và các tương quan của con người trong cuộc sống trần ai mới được coi là phù phiếm, mà ngay cả những gì mà người ta gọi là khoa học hay minh triết vốn nâng tầm vị thế của con người lên trên mọi thụ sinh cũng không nằm ngoài bóng ma hư ảo và chỉ làm cho tính kiêu căng của họ thêm phần phình đại mà thôi.

Tính hư ảo của khoa học

Sống trong một xã hội mà “người ta không bao giờ được dạy để trở thành người tử tế, nhưng lại được dạy về mọi điều còn lại”[34], ắt hẳn Pascal đã cảm thấy sự lẻ loi đơn độc của bản thân khi chẳng còn mấy người bận tâm đến các giá trị đạo đức, thiêng liêng. Thật vậy, khoảng thời gian từ thế kỷ XV – XVII, một loạt những khám phá mới về địa lý và khoa học đã làm bùng nổ các cuộc đua tranh quyền lực và tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Hầu hết con người từ những sĩ phu tóc bạc cho đến các sĩ tử đầu xanh đều ôm ấp trong mình giấc mộng vinh quang và làm sao để được người đời ngưỡng mộ. Nhưng với Pascal, sau khi đã đóng góp một phần không nhỏ cho khoa học, ông đã nhận ra rằng khoa học về những thứ bên ngoài ấy chỉ là hư ảo và không thể an ủi con người khi họ lâm cơn phiền muộn và sự hiểu biết cũng chỉ giúp người ta tô vẽ thêm vẻ hào nhoáng hão huyền cho diện mạo phù phiếm của họ mà thôi.

Khi phiền muộn, khoa học tự nhiên sẽ không an ủi được tôi vì tôi yếu kém về mặt đạo đức. Nhưng khoa học về đạo đức sẽ luôn an ủi tôi khi tôi thiếu hiểu biết về những khoa học tự nhiên… Tính ham tri cũng chỉ là hư ảo. Thông thường, hầu hết chúng ta muốn biết cũng chỉ để nói về cái biết ấy. Trái lại, chúng ta sẽ không ngao du trên biển để rồi không bao giờ nói về những cuộc ngao du ấy.[35]

Không những thế, ngay cả trong lĩnh vực Triết học, Pascal cũng đã ít nhiều bày tỏ sự phê phán của mình đối với tư tưởng của một số triết gia vô thần: “Họ lấy lý do nào để nói rằng người ta không thể phục sinh? Việc nào khó hơn: được sinh ra hay được hồi sinh; cái vốn chưa từng hiện hữu thành ra hiện hữu hay cái vốn đã hiện hữu rồi được hiện hữu lần nữa? Bước vào sự tồn tại hay quay trở về với sự tồn tại, việc nào khó hơn?”[36] Với Pascal, thật là lố bịch và vô lý khi người ta nói rằng những cơ thể không có sinh khí lại có đam mê, nỗi sợ, lòng căm thù…

Thêm vào đó, Pascal đã dành những chỉ trích nặng nề cho Montaigne, một văn sĩ và cũng là một triết gia người Pháp, khi vị này cho rằng: việc phải sống làm sao để linh hồn được cứu rỗi là điều không quan trọng; người ta cứ việc sống tự do, thoải mái, không cần phải sợ hãi hay sám hối gì cả. Chính ở điểm này mà Pascal nói rằng ông có thể tha thứ cho lối sống phóng túng của Montaigne nhưng không thể tha thứ cho quan điểm vô đạo như thế được.[37]

Kế đến, người mà Pascal phê bình cách đặc biệt nhất hẳn phải là René Descartes. Vì Descartes tuy không phủ nhận sự tồn tại của Thiên Chúa, nhưng ông lại quá đề cao lý trí tự nhiên đến nỗi coi lý trí có giá trị tối hậu mà từ đó con người có thể khám phá ra mọi sự, thậm chí, việc thừa nhận Thiên Chúa hiện hữu với ông cũng chỉ là một sự hợp lý mà lý trí con người có thể nghĩ tưởng được mà thôi. Tất nhiên, việc Descartes có đáng bị Pascal chỉ trích gay gắt như thế hay không lại là chuyện khác; có lẽ cần phải có một nghiên cứu khác chuyên sâu hơn về vấn đề này. Nhưng đây là những gì mà Pascal đã viết:

Tôi không thể tha thứ cho Descartes. Ông ta đã rất muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi triết lý của mình. Nhưng rồi ông lại phải nhờ đến cái búng tay của Ngài để thế giới đi vào hoạt động; ngoài việc này ra, ông không còn cần đến Thiên Chúa nữa… Descartes thật là ngu xuẩn và bất kiên định… Lý do mà một người què lại không khiến chúng ta bực mình cho bằng một thằng ngu là gì? Thưa, vì người què thì công nhận chúng ta đi thẳng, còn một thằng ngu thì lại tuyên bố rằng chúng ta què quặt.[38]

Pascal cũng đã nại đến Epictetus, một triết gia phái Khắc Kỷ của Hy Lạp, để minh họa thêm cho những suy tưởng của mình, khi vị này nói rằng “làm sao mà chúng ta không giận dữ cho được khi có ai đó nói rằng chúng ta bị đau đầu trong khi chúng ta biết chắc rằng mình không hề bị đau đầu.”[39] Đó là cách mà nhiều triết gia đã dùng để đả phá niềm tin tôn giáo, rằng tôn giáo chỉ có chức năng xoa dịu những nỗi đau tinh thần của con người. Nhưng Pascal cho rằng, hầu hết các triết gia đều có những quan niệm mơ hồ về sự vật. Họ nói về những sự thể vật chất bằng các hạn từ thiêng liêng, rồi lại nói về những sự thể thiêng liêng bằng những hạn từ vật chất. Thay vì tri nhận sự vật như chúng là, họ lại nhuộm màu chúng bằng những phẩm tính của chính họ và dán nhãn bản thể phức hợp của con người lên những sự thể đơn khiết[40].

Như vậy, với Pascal, khoa học và thậm chí cả triết học tuy có giá trị của nó trong một chừng mực nào đó, nhưng xét cho cùng, chúng cũng chỉ là những điều hư ảo trong một đời sống hư ảo của những con người hư ảo mà thôi. Quả thế, “có người nói những điều hết sức ngu ngốc với một nỗ lực hết sức phi thường”[41]. Chẳng hạn, Democritus đã có lần tuyên bố: “tôi sẽ nói về cái toàn thể”[42], hay nhiều triết gia khác cũng hùng hồn tuyên bố rằng họ đã vươn đến cái vô hạn, nhưng sau cùng tất cả đều đã vấp ngã[43]. Do đó, Pascal nhận định rằng: “nói ra những điều ngớ ngẩn cách tình cờ và non kém là một lỗi thông thường, nhưng nếu nói ra những điều ấy cách cố ý thì thật là không thể dung thứ”[44].

Đến đây, có thể nói, khi con người nhận ra bản chất của mình vừa là hư vô vừa là tất cả, vừa có chiều kích phú bẩm vừa có chiều kích phái sinh, cùng với đó là việc nhận ra sự hư ảo của đời sống và khoa học, đã khiến con người ít nhiều cảm thấy mông lung và chới với trong sự bồng bềnh của kiếp nhân sinh. Từ đó, người ta bị thôi thúc mãnh liệt trong việc đi tìm một sự đảm bảo mang tính chắc chắn nào đó cho đời sống của mình. Nhưng với Pascal, sự đảm bảo và chắc chắn chỉ có nơi một mình Thiên Chúa. Do đó, hầu chắc những người không tin Thiên Chúa hiện hữu sẽ luôn cảm thấy đau khổ và bất hạnh.

Nỗi bất hạnh của những người không tin Thiên Chúa hiện hữu

Pascal cho rằng, với những người một mặt không tin Thiên Chúa hiện hữu, mặt khác lại mải miết đi tìm một sự đảm bảo và chắc chắn nào đó trong cuộc đời, sẽ chẳng khác nào việc người ta đánh liều giong buồm giữa biển khơi rộng lớn để rồi trôi dạt trong vô định cách vô ích[45]. Sẽ có những lúc, họ tưởng chừng như đã nhìn thấy nó đang lấp ló đằng sau lớp sương mù huyền bí phía xa xa, nhưng khi đến gần hơn, họ toan đưa tay ra chụp lấy thì nó lại hững hờ tan biến cùng với làn sương hư ảo ấy. Tất cả những gì còn lại trước mắt họ chỉ là một lớp sương mù khác dày đặc hơn, mịt mù hơn nhưng vẫn chẳng thấy bến bờ.

Trong khi đó, phẩm giá và bổn phận của con người khi được dựng nên là để suy nghĩ: nghĩ về bản thân, về Đấng tạo ra mình và về cùng đích của đời mình[46]. Do đó, nếu người ta chỉ dừng lại ở việc suy tưởng chính mình mà không màng đến Thiên Chúa và đến cùng đích đời mình, thì họ sẽ chỉ thấy đau khổ và bất hạnh như là bạn đồng hành suốt cả cuộc đời trong nhà tù của số phận.

Người ta tìm kiếm sự thanh thản trong một cuộc chiến để vượt qua những chướng ngại vật và khi đã chinh phục được rồi, thì sự nghỉ ngơi lại trở nên không thể chịu nổi… Vì sự mệt mỏi do những mối đe doạ và những điều không may vẫn cứ trồi lên từ nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn và lấp đầy tâm trí bằng chất độc của nó… Họ bất hạnh đến nỗi họ cứ phải buồn phiền ngay cả khi chẳng có lý do gì để buồn phiền hoặc là họ quá phù phiếm đến nỗi dù họ có cả ngàn lý do để phải ưu sầu nhưng thực tế những điều vớ vẩn lại vẫn đủ để làm họ cảm thấy vui thích.[47]

Thêm vào đó, một khi đã không chân nhận sự tồn tại của Thiên Chúa, người ta thường sẽ có xu hướng tin tưởng vào những phán đoán của lý trí và cảm nhận của giác quan. Thế nhưng, Pascal lại chỉ ra rằng lý trí và giác quan thường mâu thuẫn với nhau và đó là mầm mống gây ra những sai lầm của con người. Cả hai vốn đã thiếu tính chân thực lại còn lần lượt lừa gạt lẫn nhau: “Giác quan lừa dối lý trí bằng những vẻ bề ngoài hư ảo và rồi nhận lại từ lý trí sự dối trá tương tự mà nó đã quy gán cho giác quan. Chúng ăn miếng trả miếng nhau bằng sự sai lầm và bịp bợm.”[48]

Hơn nữa, vì không tin có Thiên Chúa là Đấng luôn quan phòng mọi sự tốt đẹp cho thụ tạo của Người, nên người ta sẽ luôn cảm thấy thiếu thốn và không thể hài lòng về cuộc sống của mình. Thay vì mong muốn sống theo Ý Thiên Chúa, “họ lại mong muốn sống một đời sống hư ảo trong tâm trí của người khác và cũng chỉ vì mục đích ấy mà họ nỗ lực để trở nên tài giỏi… Và nếu có được sự tĩnh tại, quảng đại hay một sự chân thật nào đó, họ lại hăm hở làm cho người khác biết về nó… Họ sẵn sàng trở nên hèn nhát để được tiếng là dũng cảm.”[49]

Chính vì thế, cuộc sống không có Thiên Chúa là một cuộc sống không hề có sự thỏa mãn chân thực và vững bền. Tất cả những gì tưởng chừng như là lạc thú ở đời thì cũng chỉ là hư vô, còn những tai ương thì lại nhiều vô kể. Cho dù toàn bộ cuộc đời là vui vẻ thì cuối cùng chỉ một nắm đất được ném xuống huyệt sâu cũng sẽ là dấu chấm hết đời đời[50]. Cái chết là thứ luôn đe dọa con người và rồi sớm muộn gì nó cũng đẩy người ta vào tình trạng diệt vong và bất hạnh. Do đó, bầu trời chắc chắn không dành cho những ai nghi ngờ linh hồn họ liệu có bất tử hay không? Họ chỉ có địa ngục hay hư vô để đợi với chờ. Lý do nào mà một người ở trong bóng tối dày đặc lại có thể huênh hoang, tự đắc được như thế?[51]

Không gì cho thấy sự yếu kém vô cùng của tâm trí hơn việc không nhận ra sự bất hạnh của một con người vô thần. Không gì cho thấy tình trạng tồi tệ của tâm hồn hơn việc không khao khát sự thật về những hứa hẹn vĩnh cửu. Không gì thấp hèn hơn việc cố làm ra vẻ hiên ngang trước mặt Thiên Chúa.[52]

Do đó, với Pascal, chẳng có cái tốt thật sự trong đời sống tạm bợ này mà chỉ có cái tốt trong niềm hy vọng về một đời sống vĩnh cửu mai hậu. Người ta sẽ càng cảm thấy hạnh phúc khi càng đến gần đời sống ấy hơn. Trên đời này chỉ có hai mẫu người có thể gọi là biết lẽ phải: hoặc là người nhận biết Thiên Chúa và hết lòng phụng sự Ngài; hoặc là người dù chưa nhận biết Ngài nhưng vẫn tìm kiếm Ngài với tất cả trái tim. Vậy còn những người khác thì sao?

Những người sống mà không biết Thiên Chúa cũng không tìm kiếm Ngài, thì họ đã tự kết án chính mình vì đã quá vô tâm với bản thân đến nỗi họ cũng không xứng đáng với sự quan tâm của người khác; và phải cần đến lòng khoan dung của các tôn giáo mà họ khinh dể, để không khinh miệt họ, cũng không bỏ mặc họ trong sự ngu dại của mình.[53]

Tất nhiên, việc nói rằng đời sống của một người không tin Thiên Chúa hiện hữu là bất hạnh không đồng nghĩa với việc những người tin vào Thiên Chúa thì không gặp phải bất cứ tai ương hay vận rủi nào. Sự khác biệt nằm ở chỗ, các tín hữu tin rằng tất cả những gì xảy đến trong cuộc đời họ đều tồn tại một cách hữu lý như là những điều tất thiết cho cuộc sống của họ mà chỉ có Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa đầy khôn ngoan, yêu thương và nhân hậu mới biết rõ điều gì là cần thiết, là tốt nhất cho cuộc sống của mỗi người mà thôi. Vì thế, họ bình an đón nhận bản thân và cuộc sống như nó là và vui hưởng với những món quà ấy.

Thế nhưng nhiều người đã xem thường và ghét tôn giáo; họ sợ nó là thật.[54] Vì thông thường, người ta sẽ không hành động trừ khi dựa trên một điều chắc chắn. Nhưng có biết bao điều chúng ta vẫn làm mà thực ra chẳng có sự chắc chắn nào như: đi biển, đánh trận… Trong khi tôn giáo còn có nhiều điều chắc chắn hơn cả những điều ấy và thậm chí hơn cả việc chúng ta có thể nhìn thấy ngày mai hay không, vì rất có thể chúng ta sẽ không nhìn thấy nó[55].

Như vậy, với Pascal, những người dửng dưng với việc tìm kiếm sự thật của một vấn đề hết sức hệ trọng và có liên hệ mật thiết với họ là những kẻ ngu dốt và đui mù nhất. Bởi rõ ràng kỳ hạn của đời sống này chỉ là khoảnh khắc, còn tình trạng của sự chết lại là vĩnh cửu. Do đó, thật xác đáng khi lên án những người sống mà không suy nghĩ về cùng đích cuộc đời, những ai buông mình theo những suy đồi và khoái lạc mà không chút phản tư hay lo lắng gì như thể họ có khả năng tiêu diệt sự vĩnh cửu bằng cách không suy tưởng về nó và chỉ nghĩ đến việc làm sao để bản thân được hạnh phúc nhất thời. Bởi đó, việc ngủ yên trong sự ngu dốt thật là một điều quái dị, cần phải cho họ đối diện với nó để họ phải xấu hổ khi thấy sự điên rồ của mình[56].

KẾT LUẬN

Tóm lược

Tóm lại, ngang qua phần thứ hai của tác phẩm Pensées, Pascal đã bày tỏ một cách thật logic nhưng cũng thật hàm xúc về con đường dẫn đến nỗi bất hạnh của những người không tin Thiên Chúa hiện hữu. Nỗi bất hạnh ấy tồn tại và xuất phát ngay từ chính bản chất của con người; rằng chúng ta phải sống trong tình trạng mông lung, chới với khi chỉ là một trung điểm giữa Phi Hữu và Vạn Hữu, giữa Hư Vô và Vô Tận, giữa Bất biến và Vô thường. Đồng thời, mọi dạng đời sống, mọi thứ niềm vui của con người dù là thường nhật hay minh triết cũng toàn là giả trá và hư ảo. Từ đó, ông muốn gửi gắm một thông điệp rằng: “Chúng ta phải sống khác đi trong thế giới này, vì dường như chúng ta sẽ không còn lưu lại đây lâu nữa.”[57]

Vì vậy, sống ở đời mà người ta không tin vào Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, Toàn Năng, Toàn Tri, Toàn Yêu, Vĩnh Hằng, Chân Thực và Cứu Cánh, thì Pascal cho rằng họ là những người thật bất hạnh. Nhưng nếu có ai đó vẫn yên vị trong sự cứng cỏi của mình khi lý luận rằng: “Tôi sẽ sớm từ bỏ lạc thú nếu tôi có đức tin”, thì câu trả lời của Pascal cho người ấy là: “Bạn sẽ sớm có đức tin nếu bạn từ bỏ lạc thú.”[58]

Từ đó, Pascal đã mở ra một lối nẻo giúp con người đối diện và vượt lên trên nỗi thống khổ của bản chất hiện sinh và sự hư ảo của đời sống; đồng thời có thể đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu bằng việc đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Nội dung này được Pascal trình bày rõ nét trong những phần tiếp theo của tác phẩm Pensées, đặc biệt là cuộc cá cược kinh điển của ông về việc tin Thiên Chúa hiện hữu hay không, rằng nếu thắng, bạn sẽ được tất cả, còn nếu thua, bạn sẽ chẳng mất gì. Bởi thế, Pascal hối thúc người ta rằng: “đánh cược thôi, không chút do dự rằng Thiên Chúa hiện hữu, để có được hạnh phúc và sự sống đời đời!”[59] Tuy nhiên, những nội dung ấy lại không nằm trong phạm vi của bài viết này.

Một vài nhận định

Có thể nói, phần thứ hai của tác phẩm Pensées là một nỗ lực đáng kể, sâu sắc và sống động của Pascal trong việc thức tỉnh nhân loại về sự cần thiết của một cuộc hoán cải nội tâm và canh tân đời sống, trên cả bình diện ý thức lẫn cung cách hành xử với bản thân, với nhau và với thế giới các sự thể, đặc biệt là sự ý thức và tri nhận về Thiên Chúa là Tác Giả, là Khởi Nguyên và là Cùng Đích của con người cũng như vạn vật. Với tư cách là một nhà khoa học Công Giáo lỗi lạc, Pascal đã đưa ra những lập luận logic dựa trên thực tại đời sống nhưng cũng không kém phần lãng mạn và chất chứa theo cảm nghiệm tâm linh sâu xa, những suy tưởng về tôn giáo của ông đã làm nên sự khác biệt căn bản so với các thần học gia, những nhà thần bí, triết gia vô thần hay một tín hữu nói chung ở chỗ: Pascal đã suy tưởng bằng cả một cái đầu thông tuệ lẫn một trái tim đầy thao thức, khắc khoải của một người mộ đạo vốn chịu nhiều đau khổ, nay lại sắp hoàn tất sứ mệnh nhân sinh và đang khao khát trở về chốn Siêu Việt. Vì thế, những thông điệp truyền tải của ông đã trở nên thuyết phục và dễ dàng được đón nhận hơn.

Tuy nhiên, có vẻ như Pascal đã có một cái nhìn quá bi quan, ảm đạm và có phần khắt khe về con người, về khoa học và về mọi dạng đời sống. Trong đó, ông coi tất cả chỉ là giả trá và hư ảo. Điều này dễ khiến người ta trở nên buông xuôi, chán nản trong công cuộc lao tác để cải biến bản thân và thế giới – vốn có thể trở nên tốt hơn mỗi ngày nhờ khả năng và thiện chí của con người. Nhưng qua những suy tưởng của Pascal thì công cuộc ấy dường như đã bị rơi vào thế vô vọng, để rồi người ta cứ mặc nhiên quăng ném bản thân và cứu cánh cho một mình Thiên Chúa chứ không còn muốn cộng tác với Người trong công trình tạo dựng và cứu chuộc huyền nhiệm ấy như một thụ tạo được Người phú ban cho lý trí tự do và linh hồn bất tử.

Dẫu vậy, công bằng mà nói, khi đọc những dòng suy tưởng của Pascal, một cách nào đó, các thế hệ độc giả từ những bậc tri thức cho đến những người bình dân đều ít nhiều cảm nghiệm và nhìn thấy dáng dấp của mình ở trong đó. Đồng thời, độc giả cũng có thể nhận ra được lời mời gọi và sự thúc đẩy nội tâm tuy êm dịu nhưng thật sâu lắng, để hướng đến công cuộc đổi mới tâm can và đời sống bên ngoài sao cho xứng đáng với phẩm giá làm người của mình. Để giả như vì một lý do nào đó, người ta chưa có diễm phúc được nhận biết và phụng sự Thiên Chúa, thì chí ít cũng hết lòng lắng nghe và thi hành mọi việc theo tiếng nói của lương tri ngay thẳng bằng tất cả trí năng minh tường và tấm lòng thanh bạch.

THƯ MỤC THAM KHẢO

Chiến, Quang. Chân Dung Triết Gia Đức. Hà Nội: Trung Tâm VH-NN Đông Tây, 2000.

Clarke, Desmond. Stanford Encyclopedia of Philosophy. Jun 22, 2015. https://plato.stanford.edu/entries/pascal/ (accessed Nov 19, 2020).

Orcibal, Jean. Britannica. n.d. https://www.britannica.com/biography/Blaise-Pascal (accessed Nov 19, 2020).

Pascal. Pensées. Translated by W. F. Trotter. New York: E.P Dutton & Co., Inc.,, 1958.

—. Pensées. Translated by Quách Đình Đạt. HCM: NXB Khoa Học Xã Hội, 2019.

Simpson, David. Internet Encyclopedia Of Philosophy. n.d. https://iep.utm.edu/pascal-b/ (accessed Nov 19, 2020).


[1] “Blaise Pascal,” David Simpson, accessed 19.11.2020, https://iep.utm.edu/pascal-b/

[2] “Blaise Pascal,” Jean Orcibal, accessed 19.11.2020, https://www.britannica.com/biography/Blaise-Pascal

[3] Bài viết này tham khảo bản dịch Anh ngữ của W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958) và bản dịch Việt ngữ của Quách Đình Đạt, (HCM: NXB Khoa Học Xã Hội, 2019).

[4] Cf. Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.66, p.15.

[5] Cf. Ibid. no.72, p.17.

[6] Cf. Ibid. no.72, p.16.

[7] Ibid. no.69, p.16.

[8] Cf. Ibid. no. 72.

[9] Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.72, p.16.

[10] Ibid. no.72, p.17.

[11] Ibid. no.72, p.17.

[12] Ibid. no.72, p.17.

[13] Cf. Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.72

[14] Có lẽ Pascal ngụ ý đến sự sa ngã nguyên thủy.

[15] Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.72, p.17-18.

[16] Ibid. no.70, p.16.

[17] Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.94, p.29.

[18] Ibid. no.93, p.29.

[19] Ibid. no.92, p.29.

[20] Ibid. no. 91, p. 29

[21] Ibid. no.92, p.29.

[22] Cf. Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), 96, p.30.

[23] Ibid. no.98, p.30.

[24] Ibid. no.97, p.30.

[25] Ibid. no.140, p.43.

[26] Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.131, p.38.

[27] Cf. Ibid. no.139, p.39.

[28] Ibid. no.139, p.39-40.

[29] Ibid. no.171, p.49.

[30] Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.100, p.32.

[31] Quang Chiến, Chân Dung Triết Gia Đức, (Hà Nội: Trung Tâm VH-NN Đông Tây, 2000), 94.

[32] Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.160, p.47.

[33] Ibid. no.164, p.48.

[34] Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.68, p.15.

[35] Ibid. no. 67, p.15; no.152, p.46.

[36] Ibid. no.222, p.63.

[37] Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.63

[38] Ibid. no.77; 78; 80, p. 23.

[39] Ibid. no.80, p.23.

[40] Cf. Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.72

[41] Ibid. no.87, p.28. “There is one who will say great foolishness with great effort.” Nae iste magno conatu magnas nugas dixerit.

[42] Ibid. no.72, p.18.

[43] Cf. Ibid. no.72, p.18.

[44] Ibid. no.62, p.14.

[45] Cf. Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.72.

[46] Cf. Ibid. no.146, p.43.

[47] Ibid. no.139, p.41.

[48] Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.83, p. 27.

[49] Ibid. no.147, p.45.

[50] Cf. Ibid. no. 210.

[51] Cf. Pascal, Pensées, tran. Quách Đình Đạt, (HCM: NXB Khoa Học Xã Hội, 2019), no.194, p.95. (Bản Anh ngữ không có đoạn này).

[52] Cf. Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.194, p.58.

[53] Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.194, p.58.

[54] Ibid. no.187, p.50.

[55] Ibid. no.234, p.66.

[56] Cf. Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.195, p.57

[57] Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.237, p.70.

[58] Ibid. no.240, p.70.

[59] Cf. Pascal, Pensées, tran. W. F. Trotter, (New York: E.P Dutton & Co., Inc., 1958), no.233, p.62.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *