Tuân Tử (315 – 230 TCN)
Hình từ internet
Môn học: Triết con người
Giáo sư: Phạm Trung Hưng, S.J.
Học viên: Nguyễn Phú Cường, S.J.
Hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng mỗi ngày vẫn không ngừng đăng tải rất nhiều những tin tức liên quan đến các vấn nạn nóng bỏng đang xảy ra trong xã hội như chiến tranh khủng bố, cướp bóc bạo lực, xâm hại trẻ em, giết người, phá thai v.v. Trước những thực trạng ấy, có lẽ nhiều người sẽ đặt lại vấn đề về bản tính của con người: con người bản tính là thiện hay ác? Và có lẽ không ít người sẽ nhớ tới và đồng thuận với triết thuyết “Nhân chi sơ tính bản ác” (con người sinh ra bản tính là ác) của triết gia Tuân Tử, một triết gia Trung Hoa thời cổ đại. Nhưng với triết thuyết “nhân chi sơ, tính bản ác”, Tuân Tử thực sự muốn nói gì? Liệu ông có thực sự tin rằng con người vốn dĩ “bản tính ác” không thể thay đổi không? Bài viết này sẽ cố gắng tìm hiểu, làm rõ điều đó.
- Dẫn Nhập
Hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng mỗi ngày vẫn không ngừng đăng tải rất nhiều những tin tức liên quan đến các vấn nạn nóng bỏng đang xảy ra trong xã hội như chiến tranh khủng bố, cướp bóc bạo lực, xâm hại trẻ em, giết người, phá thai v.v. Trước những thực trạng ấy, có lẽ nhiều người sẽ đặt lại vấn đề về bản tính của con người: con người bản tính là thiện hay ác? Và có lẽ không ít người sẽ nhớ tới và đồng thuận với triết thuyết “Nhân chi sơ tính bản ác” (con người sinh ra bản tính là ác) của triết gia Tuân Tử, một triết gia Trung Hoa thời cổ đại. Nhưng với triết thuyết “nhân chi sơ, tính bản ác”, Tuân Tử thực sự muốn nói gì? Liệu ông có thực sự tin rằng con người vốn dĩ “bản tính ác” không thể thay đổi không? Bài viết này sẽ cố gắng tìm hiểu, làm rõ điều đó.
2. Quan niệm của Tuân Tử về “tính bản ác” nơi con người
Trước hết, thiết nghĩ để có cái nhìn thấu đáo và khách quan hơn về quan điểm của Tuân Tử, người đọc cần trở về với bối cảnh và hoàn cảnh sống của ông để biết đâu là dụng ý thực sự mà ông muốn diễn tả. Triết gia Tuân Tử, vốn tên là Huống, tự là Tuân Khanh, người nước Triệu, sống khoảng 315 đến năm 230 trước Công nguyên. Ông sống vào cuối thời Chiến Quốc, thời mà con người đã bị tha hoá đến cùng cực, tức nhân tính bị thoái hoá chỉ còn lại bản năng sinh tồn, thời mà đói khổ chết chóc thê thảm đến nỗi phải đổi con cho nhau mà ăn.[1] Trong những năm tháng sống trong thời chiến tranh loạn lạc như thế, Tuân Tử đã chứng kiến và nghiệm thấy con người rõ là lòng lang dạ sói, xâu xé nhau, tranh giành quyền lực.[2] Trong bối cảnh đó, ông cho rằng con người thực mang tính ác trong mình.
Trong thuyết tính ác, Tuân Tử đã viết, “nhân chi sơ, tính bản ác” (nhân chi tính ác). Theo ý nghĩa triết tự, “ÁC” 惡 là chữ thuộc dạng Hài Thanh, gồm chữ Á 亞 ở trên chỉ ÂM, và chữ TÂM 心 ở dưới chỉ Ý. Nên Á ghép với TÂM là Tình Cảm Xấu. Vì vậy nghĩa của chữ ÁC là xấu. Ngoài ra, ác còn có nghĩa ghét và hung dữ.[3]
Chính Tuân Tử cũng định nghĩa “ác” trong sự đối lập với sự “thiện”: “xưa nay, thiên hạ gọi là thiện những gì hợp với sự “chính lí bình trị” gọi là ác những gì hợp với sự “thiên hiểm bội loạn”. Đó là thiện và ác”[4]. Điều này có nghĩa là những gì mang lại thái bình thịnh trị, đất nước ấm êm thì đó là “thiện”, ngược lại điều gì mang lại hỗn loạn vô lối, chiến tranh bạo lực thì đó là “ác”. Theo đó ông nhìn thiện ác trong bình diện của chính trị. Thực ra ông vẫn chịu ảnh hưởng của Khổng Tử về chuyện “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Như vậy, quan niệm truyền thống ác là xấu xa, dữ dằn, gớm ghét. Với Tuân Tử cái gì đi ngược với đạo đức luân lý của xã hội, đi ngược lại với thái bình thịnh trị là ác.
Theo Tuân Tử: “Tính” là cái trời sinh ra đã có, vốn thế, không thể học cũng không thể làm ra được. Đó là bản tính tự nhiên của mỗi con người. Tính thì ai cũng như ai, đều ác cả: tính của thánh nhân cũng như tính người thường.[5] Ông bà ta cũng thường nói “cha mẹ sinh con trời sinh tánh” để nói đến cái gì đó bên trong con người không thể thay thế hoặc làm ra. Bên cạnh đó, ông còn nói thêm tính của con người tự nhiên là ích kỷ, qui về mình mình, ham muốn hưởng thụ. Chất của tính là tình; phản ứng hay biểu hiện của tình là dục.[6] Ông nói: “Dục vọng của con người ta thường muốn ăn ngon, mặc đẹp, đi thì muốn lên xe xuống ngựa. Ai cũng muốn giàu có tích lũy của cải dư thừa. Vậy mà suốt đời không biết thế nào là đủ.”[7]
Nhưng con người có phải hoàn toàn theo khuynh hướng ác? Theo Tuân Tử, không hẳn là thế, trong con người tự bản chất từ khi sinh ra đã có “khuynh hướng xấu” nhưng nơi con người còn có yếu tố giúp con người hướng đến sự thiện; ông nhận thấy con người vẫn có thể hướng thiện ngang qua “tâm”.
Chữ Tâm theo Tuân Tử là “quan năng của tri, của sự hiểu biết, là ý thức. Hiểu biết là tác dụng tự nhiên của tâm, cũng “không thể học, cũng không thể làm ra được. Tâm sinh ra là có biết (tâm sinh nhi hữu tri).”[8] Bên cạnh tri, “tâm còn có những tác dụng khác là: Lự (suy tính, cân nhắc, tư lự), Trạch (lựa chọn) và Năng (động thực hiện và hợp với điều tâm lựa chọn).”[9] Ở đây, Tuân Tử nhấn mạnh thêm, tri và năng của tâm còn có nghĩa là lí trí giúp con người nhận ra những điều hay lẽ phải và có ý chí để tiết chế để không buông theo những đòi hỏi của dục vọng. Điều này cho thấy, con người có thể biển đổi để trở nên người tốt.
Hơn nữa, ông nói rằng: nhờ tâm, người ta mới có thể hiểu được đạo lý: “Ông thường ví Tâm như là mâm nước: Khi nước lặng yên không bị khuấy động thì bụi bặm lắng xuống, nước trong sáng như gương phản ánh rõ ràng từng sợi râu, lông, tóc. Tâm mà tĩnh lặng cũng có thể soi chiếu đến tận cùng cái lý của vạn sự vạn vật.”[10]
Sau cùng, đối với Tuân Tử, “chỉ có cái tâm là ‘Thiện’ vì nó đại diện cho chế độ chính danh, cho vương quyền, để ngăn chặn cái Ác. Ông đã nói: “Tâm để tiết chế cái Dục…Điều gì Tâm cho là phải là chính lý, chính nghĩa là điều tốt. Nó ngăn chặn không cho Dục vọng lộng hành, làm loạn. Cho nên trong việc trị loạn, quan trọng nhất là cái ‘Tâm’”[11]. Theo Tuân Tử, “đào luyện cái Tâm bằng lễ nghĩa, pháp luật kỷ cương xã hội, để “cải tạo” tính tự nhiên, cái dục vọng vô độ của bản năng mà ông cho là ‘thú tính’”[12]. Nói tóm lại, dù bản tính con người có “khuynh hướng ác” nhưng thực ra, vẫn còn có cái Tâm để hướng thiện. Cái tâm ấy sẽ được giáo dục để giúp con người trở nên người tốt.
Từ việc thấy được “khuynh hướng ác” trong con người và yếu tố giúp con người có thể hướng thiện là tâm. Giờ đây, Tuân Tử đưa ra đường hướng để giúp con người trở nên người tốt. Theo ông, giống như cây bị cong, bị vênh muốn uốn cho thẳng thì trước hết cần phải luộc, phải hơ nóng và phải có khuôn để uốn, dao bị cùn thì cần mài, dũa mới bén được. Như vậy, tính con người cũng thế, muốn có điều thiện, muốn trở nên người tốt thì họ cần được dạy dỗ, cần được giáo dục. Để giáo dục con người trở nên tốt thì việc đầu tiên là giáo dục tâm. Giáo dục tâm trong con người có nghĩa là giáo dục về ý thức, về sự hiểu biết. Khi tâm trong con người được giáo dục, được huấn luyện, nó sẽ giúp con người phân định hoặc nhận ra được điều gì là tốt, điều gì là xấu, điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Chẳng hạn, nếu có tâm hướng dẫn thì bản tính ham mê ăn uống trong con người sẽ được tiết chế và điều độ hơn. Tiếp đến, “tâm có thể suy xét, nhận biết và tiết chế những khao khát khao và ham muốn trong con người. Sở dĩ tâm có thể tiết dục vì biết rằng nếu chiều theo lòng ham muốn sẽ dẫn con người đến vô độ và mang lại hậu quả khó lường cho bản thân, gia đình và xã hội. Như thế khi tâm được huấn luyện một cách kỹ càng sẽ giúp tiết chế được lòng ham muốn nơi con người, nhằm giảm đi sự xung đột nơi mỗi cá nhân và con người với con người, từ đó, mang lại sự hài hòa nơi cá nhân và xã hội. Nói tóm lại, giáo dục không những giúp con người ý thức được bản năng khao khát tham vọng trong mình để từ đó con người có thể chế ngự, mà còn giúp con người hướng đến người khác, hướng đến sự thanh cao.
Như vậy, Tuân Tử đã bàn về “khuynh hướng bản ác” trong con người, những cũng nói về yếu tố thiện trong con người, ông còn đưa ra những cách thức để chế ngự “khuynh hướng bản ác” nơi con người, giúp con người hướng đến sự thiện.
3. Kết luận
Từ những phân tích trên, có thể nói qua học thuyết của mình, Tuân Tử muốn gióng lên hồi chuông để giúp người ta ý thức về sự dữ luôn ở trong con người. Đó là bản tính đam mê, danh vọng, ích kỷ… Chúng có thể khuynh đảo con người, đưa đẩy người ta đến những hành vi ác như chiến tranh bạo lực, gian lận dối trá, hoặc giết người phá thai… Nhưng đó chỉ là một mặt. Mặt khác, khi đi vào được hệ thống triết lý của Tuân Tử, người ta còn nhận ra nơi con người vẫn có yếu tố giúp hướng thiện, cái tâm; và đặc biệt là sức mạnh của giáo dục có thể giúp con người hướng thượng, sống tốt hơn. Như vậy, triết thuyết bản tính ác của Tuân Tử thực sự không bi quan như nhiều người tưởng, nhưng là một con đường ông vạch ra để giúp người ta hướng đến cái thiện, cái tốt.
Con người ngày nay tuy không sống trong thời Tuân Tử, nhưng có lẽ lúc này lúc khác đều có thể cảm nghiệm những dáng dấp của cái ác nơi mình, nơi người. Và triết thuyết của Tuân Tử từ thời xa xưa, khi được hiểu đúng, đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị trong việc giúp hiểu hơn về bản tính con người và hướng tới việc chế ngự được khuynh hướng ác nơi con người.
[1] Võ Thiện Diên, Tuân Tử nhà phê bình triết học cổ đại Trung Quốc, (NXB Văn Hoá – Thông Tin), tr.7
[2] Ian.p.McGreal, Những tư tưởng gia vĩ đại Đông Phương, (người dịch Phạm Khải), (Hà Nội: Nhà xuất bản Lao Động, 2015), tr. 209
[3] http://havuvhp.blogspot.com/2017/07/giao-duc-va-thien-ac-o-chieu-uc.html, truy cập ngày 31/8/2017
[4] Nguyễn Hiến Lê – Giản Chi, Tuân Tử, Nhà xuất bản Văn Hóa, 1994, tr.358
[5] Nguyễn Hiến Lê – Giản Chi, Tuân Tử, (Nhà xuất bản Văn Hóa, 1994), tr.52
[6] Ian.p.McGreal, Những tư tưởng gia vĩ đại Đông Phương, (người dịch Phạm Khải), (Hà Nội: Nhà xuất bản Lao Động, 2015), tr. 209
[7] Ian.p.McGreal, Những tư tưởng gia vĩ đại Đông Phương, (người dịch Phạm Khải), (Hà Nội: Nhà xuất bản Lao Động, 2015), tr. 209
[8] Nguyễn Hiến Lê – Giản Chi, Tuân Tử, Nhà xuất bản Văn Hóa, 1994, tr.39
[9] Nguyễn Hiến Lê – Giản Chi, Tuân Tử, Nhà xuất bản Văn Hóa, 1994, tr.39
[10] Ian.p.McGreal, Những tư tưởng gia vĩ đại Đông Phương, (Phạm Khải dịch), Nhà xuất bản Lao Động Hà Nội 2015, tr. 213
[11] Ian.p.McGreal, Những tư tưởng gia vĩ đại Đông Phương, Nhà xuất bản Lao Động Hà Nội 2015, tr. 213-214
[12] Ian.p.McGreal, Những tư tưởng gia vĩ đại Đông Phương, Nhà xuất bản Lao Động Hà Nội 2015, tr. 214