Boethius
(480-524)

Môn học: Triết học Trung Cổ
Giáo sư: Đậu Văn Hồng
Học viên: Đỗ Mạnh Hùng,S.J.

 

Dựa trên tiền đề về cùng đích, bản chất của con người (là tìm kiếm điều tốt – hạnh phúc) và ý niệm về Quan phòng (mọi sự đều được cai quản trong trật tự đi tới điều tốt), triết gia Boethius đã lập luận cho thấy mọi bất công với con người thực chất vẫn nằm trong trật tự công bình, thực chất chúng không tồn tại. Vậy Boethius đã lập luận như thế nào? Cách lập luận của ông có hạn chế gì không?

 

Dẫn nhập

Theo chân lý mạc khải, người tín hữu Công Giáo tin vào một Thiên Chúa tuyệt đối tốt lành toàn năng, Đấng tạo dựng mọi sự tốt lành và luôn cai quản mọi sự trong trật tự khôn ngoan công bình. Nhưng có một thực tế là con người vẫn cứ phải đối diện với những bất công ngang trái như một thực tại nhan nhản khắp nơi: lắm khi ở hiền lại gặp ác, ở dữ lại gặp lành! Đối diện với những bất công như thế, người ta không khỏi trăn trở: Liệu thế giới này có thực sự được cai quản, vận động trong một nguyên lý trật tự sáng suốt? Nếu có, làm sao có thể hiểu được những bất công như vậy? Theo dòng lịch sử triết học, đã có nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra cho vấn đề này. Thời Trung Cổ, trong tác phẩm “Niềm an ủi triết học”, triết gia Boethius cũng trăn trở và đưa ra quan điểm của ông. Với giới hạn của mình, trong bài viết này, sau khi trình bày sơ lược về bối cảnh của vấn đề trong tác phẩm, người viết sẽ cố gắng tiếp cận và diễn giải phần nào những quan điểm về vấn đề bất công của tác giả Boethius; tiếp theo để có cái nhìn rộng hơn, người viết cũng sẽ liên hệ quan điểm này với tư tưởng của một vài triết gia Hy Lạp Cổ Đại và Kitô Giáo Trung Cổ; và cuối cùng sẽ là một vài thiển ý nhận xét của cá nhân người viết về quan điểm của tác giả Boethius.

  1. Bối cảnh vấn đề bất công được đặt ra trong tác phẩm Niềm an ủi triết học

“Niềm an ủi triết học” là một tác phẩm gồm 5 quyển được viết dưới dạng đối thoại, thơ và văn xuôi xen kẽ nhau. Tác phẩm được tác giả Boethius sáng tác trong thời gian ông bị cầm tù. Trong cảnh tù tội, cận kề cái chết, ông đau khổ tuyệt vọng khi thấy mình đột nhiên bị số mệnh quay lưng, bị tước đoạt hết mọi may mắn, của cải, danh dự, quyền lực…; ông bất bình vì thấy mình bị đối xử thật bất công. Và khi đó, ông đã tìm thấy nơi những tư tưởng triết học một sự cứu chữa. Triết học được ông hình dung như một bà hoàng khả kính khả ái đã đến để an ủi và chữa lành ông.

Sau khi nghe Boethius than vãn về những khốn cùng và đau khổ của mình, “nàng triết học” đã chỉ ra những nguyên nhân khiến ông đau khổ (Quyển I). Tiếp theo, nàng cho ông thấy bản chất của những may rủi (Quyển II) và hạnh phúc đích thực là gì (Quyển III). Rồi liền đó chính là vấn đề cùng luận giải về bất công được đưa ra (quyển IV), trước khi bàn về sự biết trước của Thượng Đế và tự do của con người (Quyển V). Bước vào quyển IV, Boethius thắc mắc về vẻ thắng thế của sự dữ trong thế giới; và để giúp người tù Boethius sáng tỏ tăm tối giải tỏa bất bình ấy, nàng triết học đã chứng minh: bất công thực chất không tồn tại.

  1. Quan điểm về vấn đề bất công trong tác phẩm Niềm an ủi triết học của Boethius
    • Bất công không tồn tại khi xét tới cùng đích của con người

Những quan niệm đầu tiên về bất công được tác giả Boethius đưa ra dựa trên nhận định nền tảng rằng mọi con người đều nhắm đến điều tốt – hạnh phúc đích thực. Và con người sẽ lầm lạc khi cho rằng hạnh phúc ấy đạt được nơi sự giàu sang, khoái lạc hay quyền lực, danh vọng trần gian. Con người chỉ đạt được hạnh phúc ấy nơi Thượng Đế, Đấng Chí Thiện Tối Cao.[1] Dựa trên nền tảng này, Boethius cho thấy không như vẻ ngoài, thực chất kẻ dữ luôn bất lực và người lành luôn đạt được điều mình muốn; thực chất, kẻ dữ luôn bị phạt và người lành luôn được thưởng.

Ở đoạn văn xuôi thứ 2, Boethius lập luận như sau: Sự thành công của hành vi con người hệ tại ở hai yếu tố là ước muốn (will) và khả năng (power); và thực tế mọi người, người xấu lẫn kẻ tốt, đều có cùng một mục đích, tức ước muốn, là nhắm đến đạt được điều tốt hay hạnh phúc đích thực. Mà chỉ người tốt mới có thể làm được việc tốt còn kẻ xấu thì không. Do đó, người tốt đạt được điều mình muốn, còn kẻ dữ thì bất lực. Tới đoạn văn xuôi thứ 3, Boethius tiếp tục đưa ra một lập luận khác: Mục đích của hành động luôn là phần thưởng cho hành động đó. Mà chỉ người tốt mới có thể làm được điều tốt. Do đó người tốt luôn được thưởng. Và do điều tốt thì trái ngược với điều xấu nên kẻ xấu thì luôn bị trừng phạt. Theo tác giả Boethius, kẻ dữ cũng không được xem là tồn tại một cách đúng nghĩa bởi họ đánh mất cùng đích và bản chất của tất cả hiện hữu là tốt.[2]

Như vậy, dựa trên tiền đề mọi người đều mong ước tìm kiếm điều tốt – hạnh phúc đích thực, và bản chất của hiện hữu là tốt, Boethius đã lập luận và đi đến kết luận: bất công không hiện hữu. Tiếp theo, bất công còn được tác giả cho thấy là không tồn tại trong ý niệm về sự Quan Phòng.

  • Bất công không tồn tại trong ý niệm về sự Quan Phòng

Nhìn về vũ trụ, có những triết gia cho rằng mọi sự trong vụ trụ này diễn ra một cách ngẫu nhiên hay hỗn độn, lại có những triết gia cho rằng vũ trụ này được điều hành bởi một lý trí thần thiêng trong một trật tự khôn ngoan. Triết gia Boethius là người theo quan điểm thứ hai. Bắt đầu đoạn văn xuôi thứ 6, ông đưa ra ý niệm về sự Quan Phòng (Providence). Quan Phòng được ông trình bày trong sự liên kết chặt chẽ với Vận Mệnh (Fate) như hai mặt của cùng một đồng xu. Theo đó, mọi sự và mọi chuyển động đều có nguyên nhân, trật tự và mô thức từ tâm trí không đổi của Thượng Đế. Tâm trí thần thiêng này thiết lập những quy luật đa dạng mà nhờ đó vạn vật được điều hành trong khi vẫn đảm bảo được tính đơn giản của chính nó. Khi việc điều hành này được nhìn thuần túy từ phía tâm trí thần thiêng thì nó được gọi là Quan Phòng. Còn khi nó được xem xét từ phía những điều được sắp đặt và điều hành, nó được gọi là Vận Mệnh.[3]

Tác giả Boethius phân biệt: Quan Phòng là lý trí thần thiêng, là điều thuộc về Đấng Cai Quản Tối Cao của tất cả mọi sự và là thứ điều hành tất cả mọi sự. Trong khi đó, Vận Mệnh thuộc về tất cả những gì chuyển động và là sự sắp đặt mà bởi đó Quan Phòng đưa tất cả vô trật tự của nó. Mặt khác, Vận Mệnh thiết lập những vật cụ thể trong chuyển động một khi chúng đã được đặt vào trong một mô thể, không gian và thời gian của chúng. Như thế, Quan Phòng mở ra cho thấy tất cả mọi sự mang thời tính đều luôn diễn ra ở thì hiện tại trong cái nhìn của lý trí thần liêng (Đấng Quan Phòng). Đồng thời, nó cũng mở ra cho thấy những sự kiện đang diễn ra trong thời gian, điều thường được gọi là Vận Mệnh. [4]

Mặc dù khác biệt như vậy nhưng theo tác giả Boethius, Quan Phòng và Vận Mệnh có sự phụ thuộc lẫn nhau vì tiến trình của Vận Mệnh xuất phát từ sự đơn giản của Quan Phòng và Quan Phòng được thực hiện qua Vận Mệnh. Điều này giống như một người thợ nhận từ tâm trí anh mô thể của một sản phẩm mà anh định làm, và sau đó anh thiết lập việc làm nó bằng cách tạo ra những hành động liên tục trong thời gian. Những hành động này luôn là hiện tại đơn giản trong tâm trí của người thợ. Cũng giống vậy, Thượng Đế bởi sự Quan Phòng của Ngài, đơn giản và không đổi, sắp đặt mọi sự để chúng được hoàn thành ngay cả khi mọi vật tự chúng diễn ra bởi Vận Mệnh trong nhiều cách thế và trong tiến trình của thời gian.[5]

Từ nền tảng là ý niệm về Quan Phòng và Vận Mệnh như trên, nàng triết học của tác giả Boethius đi tiếp tới việc chỉ ra rằng có một mầu nhiệm trong trật tự của những điều đang diễn ra mà ở đó lý trí siêu việt thực hiện điều mà người tăm tối không hiểu. Nàng lập luận: những điều dường như rối loạn không phù hợp theo bạn chẳng qua là do bạn thấy điều đó xảy đến trái với những gì bạn nghĩ là phải lẽ, là chính đáng, là đáng được mong đợi. Bạn cho rằng đó là sự mất trật tự, nhưng kỳ thực bạn đã không nhận ra trật tự đang điều khiển chúng. Mọi sự đều được điều hành bởi một trật tự đúng đắn của chính nó, trật tự hướng mọi sự đi đến điều tốt. Sự phán đoán của con người là không chắc chắn. Chỉ có Thượng Đế, Đấng Điều Hành và “bác sĩ” của tâm trí con người, mới có thể biết được điều gì thực sự là tốt và cách để đi tới điều tốt. Theo lập luận này, một số luận chứng có khả thể hiểu với lý trí con người được đưa ra như: Một người mà bạn có thể thấy là công chính là đáng tôn vinh lại có thể là một người không phải như vậy trong sự Quan Phòng hay trong tâm trí của Đấng Quan Phòng, Đấng thấu suốt mọi sự. Mặt khác, một sự trừng phạt dành cho một người xấu có thể ngăn cản họ phạm tội hoặc có thể thúc đẩy họ hoán cải. Nhưng một sự giàu có tốt đẹp dành cho kẻ xấu ấy cũng có thể giúp người tốt tự chứng tỏ nhân đức của mình. Cũng là tình huống người xấu được hưởng điều kiện tốt đẹp ấy lại có thể mang lại hiệu quả tốt là giúp anh ta thay đổi lối sống của mình. Thêm nữa, chính những kẻ xấu cũng có thể trở thành nhân tố giúp kẻ xấu thay đổi. Bởi khi sống cùng nhau, một trong số họ sẽ cảm thấy hệ quả của sự xấu gây ra trên mình. Họ có thể ghét kẻ xấu và chống đối kẻ xấu bằng cách quyết định thay đổi để trở nên tốt. Như thế, hệ luận cuối cùng được rút ra ở đây là: Mọi sự xảy ra đều tốt đẹp. “Mọi sự xảy đến dù là ngọt ngào hay đắng cay đều có mục đích của nó là phần thưởng hoặc thử thách với người tốt hoặc sự trừng phạt giúp sửa chữa với kẻ xấu. Chúng đều là tốt vì đều dẫn đến sự chính đáng hoặc hữu ích.” [6]

Như vậy, dựa trên ý niệm Quan Phòng, dù mọi sự diễn ra trong nhiều cách thế nhưng đều nằm trong trật tự cai quản thần linh, đều sinh ích và đi tới sự tốt đẹp, tác giả Boethius đã lập luận cho thấy bất công thực chất không tồn tại.

  1. Quan điểm về bất công của Boethius trong sự liên hệ với tư tưởng của một vài triết gia Hy Lạp Cổ Đại và Kiô Giáo Trung Cổ
    • Liên hệ tới tư tưởng của một vài triết gia Hy Lạp Cổ Đại

Khi đọc những quan điểm về bất công của triết gia Boethius được trình bày như trên, người đọc như nhận ra trong đó nhiều viện dẫn, dấu ấn, nhưng có sự tinh lọc và biến cải, của một số tư tưởng Hy Lạp Cổ Đại, cụ thể là của phái Khắc Kỷ, Plato, Tân Plato và Aristotle.

Thực vậy, người đọc thấy phát biểu tiền đề điều thiện cao nhất là hạnh phúc và là cùng đích mà mọi con người nhắm tới, như được tác giả Boethius viện dẫn từ tư tưởng của Aristotle trong tác phẩm Nicomachean Ethics.[7] Tuy nhiên ở đây, ông chỉ rõ hơn hạnh phúc tối thượng chính là Thượng Đế. Người đọc cũng nhận ra tư tưởng đề cao những giá trị tinh thần và sự dứt bén khỏi những giá trị trần gian như một sự giải thoát tâm hồn, và đặc biệt là lập luận kẻ dữ sẽ đau khổ nếu thực hiện được hành vi xấu của họ ở đây có thể được tìm thấy trong tác phẩm Gorgias của Plato.[8] Bên cạnh đó, trong quan niệm về bất công và Quan Phòng của Boethius, người đọc như bắt gặp tư tưởng siêu hình của Aristotle về một động cơ đệ nhất bất động gây ra chuyển động vạn vật. Và đậm nét nhất có lẽ là tư tưởng của phái Khắc Kỷ về một thế giới được điều khiển, an bài bởi Logos (lý tính) trong trật tự toàn thể mà ở đó, con người cần hiểu và sống theo quy luật của vũ trụ, biết sống tự chủ, an nhiên đón nhận mọi khó khăn trắc trở.[9] Tuy nhiên, phái Khắc Kỷ không có sự phân biệt rõ Quan Phòng và Định Mệnh như tác giả Boethius. Cuối cùng, trong quan niệm của tác giả Boethius, người đọc cũng như gặp lại phát biểu của Plotinus rằng, cái ác không phải là một bản thể nhưng chỉ là sự khiếm khuyết một cái gì hay thiếu sự hoàn thiện cũng như bóng tối là sự vắng mặt của ánh sáng.[10] Tuy nhiên ở đây không có ý tưởng về sự luân hồi.

Như thế, trong quan điểm của mình về vấn đề bất công, tác giả Boethius cho thấy ông có tiếp thu, sử dụng với sự chọn lọc và cải biến rất nhiều tư tưởng của các triết gia Hy Lạp Cổ Đại.

  • Liên hệ tới tư tưởng thánh Augustine và Thomas Aquinas

Quan điểm về bất công của Boethius như cũng tìm thấy nhiều điểm tương hợp và phát triển trong tư tưởng của những triết gia Kitô Giáo tiêu biểu thời Trung Cổ như thánh Augustine và thánh Thomas Aquinas.

Thực vậy, nói về hạnh phúc, ngay đầu tác phẩm Tự Thuật, thánh Augustine đã tuyên xưng : “Vì Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, nên tâm hồn chúng con áy náy không ngừng, cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa.”[11] Và ngài nói về sự ác trong Quyển 7, đoạn XII, đoạn XVIII: “Nếu sự vật đã mất hết sự tốt lành thì cũng hoàn toàn phi hữu; và bao lâu nó còn hiện hữu thì còn tốt lành. Vậy tất cả những gì hiện hữu là tốt lành; còn sự dữ mà con đang tìm hiểu nguyên nhân, thì không phải là một thực thể, vì nếu là thực thể, thì là tốt lành…Tuy nhiên giữa các thành phần riêng rẽ của tạo vật có những yếu tố này không thích hợp với những yếu tố nọ, làm cho người ta tưởng chúng xấu. Nhưng chính những yếu tố đó thích hợp với các yếu tố khác thì lại thấy là tốt lành, và tự chúng là tốt lành.”[12] Như vậy, thánh Augustine đã quan niệm: Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt lành, thực chất sự dữ không tồn tại. Còn với thánh Thomas Aquinas, trong Tổng luận thần học quyển II bàn về toàn phúc, ngài cũng chỉ rõ cùng đích con người là hạnh phúc, là chính Chúa.[13] Trong phần I, bàn về việc Thiên Chúa cai quản vũ trụ và cái ác, ngài cũng quan niệm tất cả vạn vật được Thiên Chúa tạo ra với mục đích hướng thiện. Tất cả các sự vật trong thế giới đã được tạo dựng và sắp đặt trong một trật tự tốt nhất có thể. Cái ác không phải là điều gì khẳng định nhưng là thiếu vắng cái thiện.[14] Ở vấn đề 48 ngài khẳng định: Điều ác không thể biểu thị một hữu thể, một mô thể, hoặc một bản tính và hạn từ điều ác biểu thị sự khiếm diện điều thiện…[15] Không dừng lại, thánh Thomas còn triển khai sâu rộng rất nhiều vấn đề liên quan như nguyên nhân sự ác, tự do, luật tự nhiên, luật vĩnh cửu, sự thông dự của con người vào sự cai quản của Thiên Chúa v.v.

Như vậy, một sự tương hợp và phát triển những quan niệm của tác giả Boethius trong tư tưởng của thánh Augustine và thánh Thomas Aquinas là điều có thể được tìm thấy.

  1. Một vài nhận xét

Đến đây, người viết xin được đưa ra một vài nhận xét thiển cận của mình khi đọc quan niệm về vấn đề bất công của tác giả Boethius trong tác phẩm Niềm an ủi triết học.

Đầu tiên, có lẽ những quan niệm về bất công dựa trên ý niệm về hạnh phúc và Quan phòng mà triết gia Boethius đưa ra có thể được xem là giá trị bởi nó giúp con người phần nào hiểu được mầu nhiệm sự dữ và có một thái độ lạc quan, tìm được an ủi khi phải dối diện với vấn nạn bất công. Giá trị của quan điểm cũng có thể được nhìn nhận ở chỗ nó được đưa ra và lập luận cách rất lôgic mạch lạc. Điều này cho thấy tác giả thực sự là một người được huấn luyện về lôgic. Cùng với đó, có lẽ một điểm đặc biệt cần được nhận ra là: Trong những lập luận của mình, tác giả Boethius chỉ sử dụng những tư tưởng triết học Hy Lạp Cổ Đại mà gần như hoàn toàn không viện dẫn Kinh Thánh, hay dùng những chất liệu chuyên biệt Kitô Giáo nào. Nhiều người cho rằng có điều này là do ông đã chối từ việc tuyên xưng đức tin Kitô Giáo, lại có những ý kiến cho thấy nói vậy là không chính xác,[16] nhưng người đọc thấy có một sự rõ ràng ở đây là: những điều được sử dụng, trình bày trong quan niệm của Boethius hoàn toàn không có gì nghịch với những chân lý mạc khải. Trái lại, nó giúp hiểu được phần nào chân lý mạc khải Kitô Giáo. Do đó, thiết tưởng sẽ thật hữu lý khi xem đây là một cố gắng của tác giả Boethius trong việc đưa triết học Hy Lạp vào thần học, làm tác phẩm của ông mang tính thần học tự nhiên và có thể tiếp cận đối tượng độc giả phổ quát bao gồm những người ngoài Công Giáo.[17] Trong quan điểm của tác giả Boethius, người đọc nhận thấy: Ông đã cung cấp những luận chứng lôgic làm cho những chân lý mạc khải có thể phần nào hiểu được bằng lý trí tự nhiên, góp phần cho thấy thần học và đức tin không nghịch với triết học và lý trí.

Dĩ nhiên, quan điểm về bất công của tác giả Boethius có thể còn bỏ ngỏ những khúc mắc như: Nếu Thiên Chúa luôn quan phòng chi phối để dẫn đưa mọi sự đến điều tốt đẹp thì vai trò của con người là gì? Con người có cần cố gắng để cải tạo xã hội, hạn chế bất công? Nếu con người không thể biết trật tự quan phòng mọi sự, liệu con người có rơi vào tình trạng tương đối hóa mọi sự, không chắc điều gì là đúng và dửng dưng với mọi sự? Nếu một hình phạt có thể giúp ngăn đe, một may mắn có thể giúp thức tỉnh, làm kẻ xấu trở nên tốt hơn thì sẽ phải giải thích sao về việc bao kẻ xấu đã chết trong tình trạng tội lỗi?… Nhưng quả thực thật khó để trong một điều kiện khó khăn, một tác phẩm như Niềm an ủi triết học có thể bàn luận thấu đáo mọi khúc mắc về một vấn nạn nan giải như vấn nạn sự dữ và bất công.

Kết luận

Dựa trên tiền đề về cùng đích, bản chất của con người (là tìm kiếm điều tốt – hạnh phúc) và ý niệm về Quan phòng (mọi sự đều được cai quản trong trật tự đi tới điều tốt), triết gia Boethius đã lập luận cho thấy mọi bất công với con người thực chất vẫn nằm trong trật tự công bình, thực chất chúng không tồn tại. Tuy còn những khúc mắc, nhưng đây là một quan điểm triết lý giá trị giúp con người có thể phần nào hiểu được ý nghĩa của những những bất công đau khổ và có thể đương đầu với chúng với một thái độ tích cực.

Quan điểm của triết gia Boethius ở đây cũng thể hiện một cố gắng của lý trí con người khi đứng trước huyền nhiệm sự dữ, cố gắng mở ra và vươn tới những chân lý mạc khải. Lý trí có thể hiểu phần nào mạc khải; Đức Tin và lý trí thực sự không đối nghịch nhưng hòa hợp và song hành. Có lẽ, đây cũng chính là một trong những sứ điệp nổi bật, quan trọng nhất mà nền triết học Trung Cổ muốn diễn tả và chuyển tải.

[1] Boethius, The Consolation of Philosophy, translated with an introduction and notes by Richard Green, Macmillan Publishing Company New York, 77. (Luận điểm này đã được tác giả chứng minh rõ ràng trong Quyển III)

[2] Ibid, 77-83.

[3] Ibid, 91.

[4] Ibid, 91.

[5] Ibid, 92.

[6] Ibid, 94-96.

[7] Aristotle, Nicomachean Ethics, translated by Terence Irwin, Hackett Publishing Company, 1985, 1-17.

[8] Plato, Plato’s Gorgias, literally translated, with an introductory essay, containing a summary of the argument by E. M. Cope, Cambridge and London, 1864, 33, 41.

[9] William S. Sahakian, Mabel Lewis Sahakian, Ideas of Great of Philosophes, New York, 1969, 39-40.

[10] Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, NXB Lao Động Hà Nội 2004, 110.

[11] Thánh Augustine, Tự Thuật, NXB Tôn Giáo, 2007, 175.

[12] Ibid, 441-442.

[13] Thánh Thomas Aquino, Tổng Luận Thần Học, Quyển II, Phần I, tập 1, Dịch giả: Lm Jos Trần Ngọc Châu, 22-24, 67-69.

[14] Thánh Thomas Aquino, Tổng Luận Thần Học, Về việc Thiên Chúa cai quản vũ trụ, Phần I, vấn đề 103-119, phiên dịch và dẫn nhập Joachim Nguyễn Văn Liêm, O.P. TP. HCM, 2003, 20-51.

[15] Thánh Thomas Aquino, Tổng Luận Thần Học, Thiên Chúa Tạo Thành và các thiên thần, Phần I, vấn đề 44-64, phiên dịch và dẫn nhập Joachim Nguyễn Văn Liêm, O.P. TP. HCM, 2001, 149.

[16] John Marenbon, Early Medival Philosophy (480-1150), Taylor and Francis, 2002, 42.

[17] Henry Chadwick, Boethius, The Con solation of Music, Logic, Theology and Philosophy, Oxford University  Press, 238. Routledge History of Philosophy, Volume III, Medival Philosophy, edited by John Marenbon, 23.