Ảnh từ Internet

Môn học: Triết học đạo đức
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học viên: Nguyễn Đình Minh Trị, S.J.

 

Hạnh phúc là điều mà bao người vẫn hằng mong mỏi ước ao. Tuy nhiên, để đạt được hạnh phúc, con người cần phải làm gì? Hành trình tìm đến hạnh phúc nên được khởi hành từ đâu? Trong  tác phẩm NICOMACHEAN ETHICS của mình, Aristote chỉ ra hành trình đi đến hạnh phúc ngang qua các nhân đức. Vậy hành trình đó sẽ được tiến hành một cách cụ thể như thế nào?

 

Tác phẩm Nicomachean Ethics của Aristotle muốn diễn tả về một hành trình thủ đắc các nhân đức để đạt được hạnh phúc. Trên hành trình ấy, chiêm niệm và hoạt động là hai khái niệm hay đúng hơn là hai đề tài nổi bật vì cả hai đều được nhấn mạnh trong việc hình thành đạo đức của một người. Có thể tóm lại hành trình của Aristotle trong bốn chặng: thứ nhất, đi tìm điểm chung về thuật ngữ điều tốt (the good); khi đã đạt được một điểm chung nào đó thì sẽ đến chặng tiếp theo là hành động; thứ ba là chặng nhận định và cuối cùng là chặng chiêm niệm. Để làm rõ từng chặng đường đó, tôi chỉ tập trung vào các cuốn I, II, VI và X trong Nicomachean Ethics.

Hành trình nào cũng có một điểm khởi, hành trình đi đến hạnh phúc cũng vậy.

1. Bắt đầu từ những điểm chung

1.1. Điểm khởi

Để luận điểm của mình vững chắc, Aristotle bắt đầu đi tìm những điểm khởi chung nhất. Điểm khởi đầu tiên của Aristotle nằm ở ngay đầu tác phẩm: điều tốt là cùng đích của mọi sự, trong đó có con người. Thứ hai, các hành động của con người đều hướng về một mục đích nào đó. Mục đích ấy không chỉ của cá nhân nhưng còn hướng về một thể chế. Tất nhiên, cả hai mục đích (nơi cá nhân và thể chế) đều tốt, nhưng cũng giống như Plato, Aristotle cho rằng mục đích hướng đến một thể chế thì tốt hơn. Thứ ba, sự chính xác trong lĩnh vực đạo đức không giống như trong lĩnh vực toán học. Điều này đòi hỏi một người có kinh nghiệm hơn là một thần đồng. Nghĩa là dù thần đồng có thể giỏi về toán (anh có thể tính toán chính xác từng con số) nhưng chưa chắc anh đã có kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề đạo đức (anh chưa có kinh nghiệm để giải quyết cách “chính xác” từng khúc mắc đạo đức trong cuộc sống). Cuối cùng, Aristotle khẳng định rằng đối tượng cao nhất hay mục đích cao nhất trong đạo đức đó là hạnh phúc.

Sau khi đưa ra các điểm khởi chung, Aristotle bắt đầu tiếp cận vấn đề ở mặt trái của nó, nghĩa là tránh những dị biệt. Nói cách khác, ông nhận thức rõ sự đa dạng trong quan niệm về hạnh phúc khiến mọi người bất đồng như thế nào. Nguyên nhân chính yếu là do con người chú tâm nhiều vào những tiểu tiết, là nguồn gốc của sự khác biệt. Từ đó dẫn đến những cãi vã, thậm chí là giận hờn xa cách. Để tránh việc quá chú tâm vào những tiểu tiết như vậy, mỗi người cần hướng đến cái nhìn tổng quan hay khởi điểm của vấn đề. Aristotle đề nghị một phương thế tốt đẹp để có cái nhìn tổng quát hay cái nhìn về điểm khởi chung là được dạy dỗ, giáo dục hay trở thành một “thính giả ngoan ngoãn” (adequate audience) từ những người khôn ngoan. Tóm lại, điều cần thiết là mỗi người làm sao có thể có những kiến thức cơ bản về khởi điểm (I 4).

Có lẽ Aristotle hiểu rõ sự khác biệt khiến cho mọi người khó đi đến sự thống nhất như thế nào, nên ông tiếp tục làm rõ những sự khác biệt mà các tiền nhân của ông đã khai triển ra như vậy. Sự khác biệt phát sinh từ việc đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Sự thiện phổ quát là gì? Phải chăng nó bao hàm tất cả các sự thiện khác như nhiều triết gia trước ông đã khẳng định, trong đó có cả thầy mình là Plato. Câu trả lời của Aristotle là không (I 6). Tiếp tục, ông cũng phủ nhận luôn lý thuyết về sự tồn tại ý niệm của từng sự vật và từng người.[ii] Ông cho rằng lý thuyết của Plato làm mất đi sự đa nghĩa của sự thiện, sự đa nghĩa mà Aristotle đã khai triển trong nguyên tắc đạo đức của mình (khi nói về một sự thiện nào đó, người nói cần lưu ý rằng mình đang áp dụng trong lĩnh vực nào). Sự thiện không thể hoàn toàn chính xác trong từng hoàn cảnh, vì vậy, phải có chỗ cho nhận định trong từng hoàn cảnh cụ thể ấy.

Đến đây, có một câu hỏi mà nhiều người hay đặt ra. Đó là phê phán của Aristotle về Plato có chính xác không? Trước tiên phải nói rằng để trả lời rốt ráo câu hỏi này dường như là điều bất khả thi vì đây là một vấn đề đang được tranh luận nhiều và không nằm trong mục đích của bài viết. Tuy nhiên, cách hiểu như vậy về Plato không phải là ít. Ngoài ra, ý hướng phê phán của Aristotle về Plato rõ ràng chỉ muốn làm rõ lý thuyết của ông và nhất là tránh đi việc quá sa đà vào những khác biệt. Hơn nữa, những khía cạnh được làm rõ ở trên cũng nhằm mục đích dọn đường cho hướng đi chính của đạo đức mà Aristotle nhắm tới, đó là hành động. Hành động cụ thể cho từng trường hợp, từng đối tượng. Như Aristotle đã kết luận “một người dệt vải và một thợ mộc sẽ được lợi ích cho nghề nghiệp của ông ấy như thế nào khi hiểu biết chính sự thiện.” (I 6) Điều này sẽ được đề cập rõ hơn trong phần sau.

1.2. Vì sao hạnh phúc là mục đích tối hậu

Sau khi đã phê bình những khác biệt của tiền nhân, Aristotle đi tìm lời giải đáp cho vấn đề làm sao hạnh phúc có thể là mục đích cho mọi người được. Những điều khác như danh vọng và tiền tài con người vẫn theo đuổi nó bao đời nay đấy thôi. Aristotle giải quyết bằng cách dùng nhiều lập luận để chứng minh hạnh phúc là mục đích tối hậu của con người.

Đầu tiên, ông giải quyết vấn đề nếu có những sự thiện khác nhau trong những lĩnh vực khác nhau thì đâu là sự thiện thật sự trong các lĩnh vực đó. Bằng cách phân biệt rõ giữa mục đích cao nhất (“mục đích vì chính nó”) và mục đích thứ yếu, Aristotle chỉ ra rằng “mục đích vì chính nó” đó là hạnh phúc. Ví dụ, con người theo đuổi tiền tài, danh vọng có khi là vì chính nó. Nhưng thật ra, họ cũng tìm những điều đó để có được hạnh phúc. Như vậy, hạnh phúc mới là mục đích thật sự mà họ theo đuổi (I 7).

Tương tự, hạnh phúc cũng là tự đủ nơi chính nó. Ở đây, tự đủ không phải là cô lập chính mình, nhưng tự đủ phải hiểu theo nghĩa liên đới với mọi người, với gia đình, xã hội và đất nước. Tuy nhiên, Aristotle cũng lưu ý rằng thật vô lý khi phải mở rộng sự liên đới này quá xa (ví dụ như mở rộng đến ông bà tổ tiên) (I 7).

Cuối cùng, Aristotle nại đến chức năng. Chức năng của con người khác với của mọi sự vật khác vì con người có lý trí. “Chức năng của con người là hành xử của linh hồn theo lý trí hoặc không thể không theo lý trí.” Chức năng đó là sống trọn vẹn ý nghĩa nhất và sống hạnh phúc. Theo Aristotle, không cần phải bàn cãi khi nói rằng đã có chức năng chính yếu nào đó thì phải thực hiện nó một cách tốt đẹp và đúng mức. Ví dụ, con dao là để cắt, viết là để ghi,… Điều này cũng áp dụng cho con người. Aristotle còn khẳng định mỗi chức năng sẽ hoàn thành một cách trọn vẹn khi nó thực hiện theo nhân đức phù hợp với nó, hoặc nếu có nhiều nhân đức thì hoàn thành theo nhân đức nào toàn thiện nhất (I 7).

Tóm lại, để đi tìm nguyên lý tiên khởi, mỗi người không nên sa đà vào những sự việc nhỏ lẻ; thay vì vậy, họ nên đi tìm một nguyên lý chung cho mọi sự. Khi đã có cái nhìn bao quát, mọi người có thể đi tìm lý lẽ vì sao hạnh phúc là mục đích cuối cùng của con người. Tuy nhiên, Aristotle nhắc nhở rằng những suy tư, lý luận này không phải chỉ để suy tư nhưng là để hướng đến một điều khác thực tế hơn, đó là hành động.

2. Chặng đường hành động

2.1. Tập trung vào hành động

Trong đầu tác phẩm này, Aristotle nhấn mạnh rất nhiều về hành động ngay cả lúc ông đang bàn luận về các lý thuyết và các tư tưởng. Ví dụ, khi phê phán về xu hướng người trẻ hay hướng chiều về các cảm xúc, Aristotle nhắc nhở họ rằng “mục đích là hành động chứ không phải kiến thức.” (I 4) Và dù đào sâu về lý thuyết và suy tư bao nhiêu nữa, dường như những bàn luận ấy chỉ để hướng đến hành động. Vì vậy, khi bắt đầu bàn về nhân đức, ông liền nhắc lại rằng ông không tìm hiểu vì lý thuyết thuần túy, mà chỉ khảo sát những gì liên quan đến những hành động, nghĩa là, những cách nào mà chúng có thể xảy ra (II 2).

Tất nhiên, hành  động không phải là phương thế duy nhất để đạt được hạnh phúc hay sự thiện. Sự thiện là một tổng hòa các yếu tố. Có khi sự thiện có được do món quà của thượng đế, có được do học hỏi hay đôi khi sự thiện có được nhờ may mắn. Nhưng sự thiện có được do học hỏi, tập luyện chiếm vị trí quan trọng trong các yếu tố kể trên. Như Aristotle nói: “So với may mắn, thật hữu lý khi xem sự thiện có thể đạt được bằng cách chúng ta thủ đắc nó như thế nào.” (I 9). Cũng giống như cuộc thi Olympic, không ai có thể chiến thắng mà không làm gì cả nhưng phải chiến đấu, nghĩa là hành động đúng và chiến thắng được trong giải đấu (I 8). Thêm nữa, điều này không thể thực hiện được trong ngày một ngày hai. Điều này đòi hỏi thời gian, công sức và dấn thân. Vì vậy, Aristotle xem sự bắt đầu như là một nửa của chặng đường rồi vì nhiều vấn đề sẽ được làm rõ nhờ sự khởi đầu đó (I 7). Sự khởi đầu hành động ấy sẽ hướng tới những thói quen, hay còn gọi là các nhân đức, cần được thủ đắc. Để lớn lên trong nửa chặng đường còn lại cũng phải biết rõ về các đặc tính của các nhân đức mà phần tiếp sau đây sẽ khai triển.

2.2. Đặc tính của nhân đức tính cách

Có hai đặc tính mà Aristotle khẳng định về nhân đức. Điều trước tiên cần phải biết đó là những tình trạng nhân đức sẽ “tự động bị hủy hoại vì sự trễ nải và sự thái quá” (II 2). Như trường hợp khi một người học quá sức, người đó sẽ bệnh và không thể tiếp tục việc học của mình nữa. Ngược lại, khi người ấy chểnh mảng trong việc học, người ấy sẽ dậm chân tại chỗ, nói đúng hơn là sẽ thụt lùi.

Trái lại, một khi áp dụng nguyên tắc trung dung trên đây (không thái quá, cũng không bất cập), người thực hành sẽ lớn lên trong nhân đức. Hơn nữa, người đó sẽ dễ dàng sống trung dung hơn. Ví dụ, để khỏe mạnh người thực tập phải ăn uống nhiều và quen chịu đựng. Theo chiều ngược lại, những người khỏe mạnh là những người càng có khả năng làm những việc này. Tương tự, việc tiết chế niềm vui khiến người thực tập sẽ trở nên điềm đạm, và việc trở nên điềm đạm là khả năng tốt nhất của việc tiết chế niềm vui. Tóm lại, khi người thực tập rèn luyện các hoạt động này, người ấy sẽ có nhân đức; và khi người ấy có nhân đức thì càng dễ thực hiện những hoạt động này.

Thứ đến, Aristotle xác định rõ đặc tính thứ hai của nhân đức bằng cách tìm hiểu xem nó là điều nào trong những điều này: cảm xúc, khả năng và trạng thái – ba hình thức xảy ra trong linh hồn. Rõ ràng, nhân đức không phải là cảm xúc hay khả năng. Aristotle lý luận rằng vì không ai chê trách một người chỉ bằng việc dựa vào cảm xúc sự giận dữ hay sợ hãi của họ, nhưng dựa vào nhân đức. Cũng không ai đánh giá họ là tốt khi dựa vào khả năng giận dữ hay sợ hãi ấy. Họ chỉ bị đánh giá dựa trên trạng thái của người đó. Mọi người đánh giá một nhân đức vừa trên trạng thái trọn vẹn của nó vừa trên điều làm nó thực hiện tốt chức năng tốt của mình. Ví dụ, nhân đức của con người là trạng thái được ghi dấu bởi việc người đó trở nên một người tốt và sẽ chu toàn chức năng của mình (II 6).

Tuy nhiên điều này khác với những điều sai trái. Có những điều tự bản chất nó không phải là thái cực nào cả, ví dụ, như việc giết người, trộm cướp hay ngoại tình (II 6). Vì thế, không thể lý luận rằng những điều đó có những tình trạng trung dung của nó.

2.3. Cách thức thủ đắc nhân đức

Với những diễn giải ở trên của Aristotle, nhân đức có vẻ như đơn giản và dễ thủ đắc. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, ví dụ sống quảng đại bằng cách bố thí, rất khó khi xác định phải đưa cho ai, bao nhiêu, khi nào, vì điều gì,… Điều đó cần phải có kinh nghiệm và rèn luyện. Aristotle đưa ra hai chỉ dẫn chính: tránh những gì là trái ngược với trung dung và giảm thiểu những điều xấu (II 9). Thêm nữa, mỗi người phải xem mình hay nghiêng hướng về điều nào? Mỗi người có một sự nghiêng hướng khác nhau. Ví dụ, bình thường mọi người rất dễ hướng theo những gì là vui thú. Một người càng thực tập giảm bớt được chiều hướng ấy càng tự chủ hơn. Tóm lại, khi biết được thiên hướng xấu ấy, mỗi người cố gắng sửa lại trong mức độ trung dung (II 9). Một phương thế khác cũng hữu ích là đôi khi người thực tập có thể để cho mình sai lệch một chút. Nghĩa là nghiêng một chút về các thái cực để biết mình hơn vì thật khó để xác định trong từng trường hợp cụ thể mình đang thái quá hay trung dung. Những khi cố ý làm lệch như thế, họ dễ điều chỉnh lại hơn (II 9).

2.4. Vấn đề

Tác giả James Rachels cho rằng đạo đức về nhân đức gặp phải vấn đề không trọn vẹn vì nó thiếu nền tảng nguyên khởi. Cụ thể, tôi phải trả lời một người vừa cắt một kiểu tóc lạ như thế nào khi được hỏi, chân thành (trả lời rằng: “Tóc anh xấu quá.”) hay tế nhị (trả lời rằng: “Tóc anh có vẻ lạ nhỉ.”). Tác giả cho rằng nhân đức trung thực và nhân đức tử tế đối kháng hay bất nhất trong trường hợp cụ thể ấy.[iii] Tuy nhiên, tác giả đã thiếu sót trong việc vận dụng nguyên tắc đạo đức của Aristotle. Ngay từ đầu cuốn Nicomachean Ethics của mình, Aristotle đã đưa ra nguyên tắc: trong trường hợp cụ thể không thể áp dụng nguyên tắc phổ quát một cách hoàn toàn chính xác. Sâu xa hơn khi xét về nền tảng đạo đức nhân đức của Aristotle, ông đã đưa ra nguyên tắc nền tảng cũng ở đầu tác phẩm Nicomachean Ethics. Con người đều hướng tới hạnh phúc và hạnh phúc chung thì quý giá hơn hạnh phúc của cá nhân.

Trở lại với ví dụ mà Rachels đưa ra, thật sự rất khó khi phải chọn giữa hai nhân đức. Vì thế cho nên, Aristotle đã đi xa hơn trong triết lý về đạo đức của mình. Đạo đức không chỉ dừng lại ở nhân đức, được hình thành do thói quen, mà phải có sự suy xét hay sự khôn ngoan thực tiễn.

3. Chặng đường nhận định

Aristotle đẩy xa hơn khi khẳng định rằng mỗi người không chỉ hành động theo thói quen nhưng còn phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể phải hành xử như thế nào. Có năm trạng thái (state) mà linh hồn nắm bắt sự thật bằng cách đón nhận hay từ chối: kĩ năng, kiến thức khoa học, khôn ngoan thực tiễn, khôn ngoan lý thuyết và hiểu biết (VI 3). Ở đây, người viết chỉ tập trung vào khôn ngoan thực tiễn vì đây cũng là đề tài chính của cuốn thứ sáu trong tác phẩm này.

Trước tiên, Aristotle định nghĩa rõ ràng về thuật ngữ khôn ngoan thực tiễn nơi một người. Đó là cách thức anh/cô ta chủ ý chọn một cách đúng đắn điều gì là tốt và thuận lợi cho chính mình, nhưng không phải là một cách manh mún, nhưng theo một cách trọn vẹn (VI 5 ). Nói cách khác, nó không chỉ là sự khôn ngoan trong một lĩnh vực cụ thể nào đó như nghề nghiệp, nhưng là sự khôn ngoan xét trong tổng thể đời sống của một con người. Một cách cụ thể hơn, Aristotle diễn tả những mối quan tâm của khôn ngoan thực hành là những sự kiện nhân sinh và những gì con người có thể chủ ý hướng tới (VI 7). Nói rõ hơn, Aristotle nhấn mạnh về sự trọn vẹn của khôn ngoan thực hành, nó nhắm trực tiếp đến toàn thể con người (sự kiện nhân sinh) chứ không phải là một mảng riêng biệt nào (y khoa, sinh học,…). Ngoài ra, Aristotle chú ý rằng phải hiểu rõ vì sao phải “chủ ý hướng tới” (deliberate). Vì trong thực tế, sẽ có những ngã ba đường khiến người thực tập phải chọn cái này hoặc cái kia. Tất nhiên, tiêu chuẩn để chủ ý chọn lựa đó chính một mục tiêu mà anh/cô ta đang theo đuổi.

Tuy nhiên, thuật ngữ “chủ ý” vẫn có thể gây nhiều lầm lẫn. Ví dụ chủ ý và tra vấn thì khác nhau, bởi vì chủ ý là tra vấn về một điều gì đó. Chủ ý cũng khác với “đoán giỏi” (guesswork) vì đoán giỏi thì thiếu lý trí và đôi khi quá vội. Chủ ý cũng không phải là bất cứ loại niềm tin nào hay khoa học nào. Vì nó không phải sự thật (của niềm tin) hay sự chính xác (của khoa học) (VI 9 ). Tóm lại, sự chủ ý là một việc suy xét cẩn thận hướng về một đối tượng nào đó.

Hơn nữa, khôn ngoan thực hành vừa gắn liền với điều cụ thể vừa gắn liền với điều phổ quát. Ví dụ, một cách phổ quát, ai cũng biết bữa ăn nhẹ giúp tăng cường sức khỏe; và một cách cụ thể, một người phải biết thức ăn nhẹ nào giúp tăng cường sức khỏe. Việc hiểu biết cụ thể như vậy đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Đó là lý do vì sao người kinh nghiệm sẽ hành xử tốt hơn những người chỉ có kiến thức (VI 7).

Tóm lại, thói quen (nhân đức tính cách) cần đến khôn ngoan thực hành. Nhưng khôn ngoan thực hành có cần đến nhân đức tính cách không? Aristotle khẳng định rằng cả hai đều cần đến nhau (VI 13). Đến đây, có lẽ Aristotle đã dẫn người đọc đi khá xa trong con đường đi tới hạnh phúc. Tuy nhiên, xa là cụ thể ở chỗ nào? Có lẽ Aristotle sẽ trả lời rằng, chúng ta đã gần đến đỉnh cao rồi.

4. Đỉnh cao chiêm niệm, nhưng chưa phải là đến đích

Sau khi đã tra xét về phần lớn các hình thức nhân đức, Aristotle bắt đầu khai triển hình thức có thể đạt được hạnh phúc nhất, chiêm niệm. Chiêm niệm là hình thức có thể đạt được hạnh phúc nhất vì nó là “thực hành tốt nhất trong chúng ta về điều tốt nhất của các đối tượng, những gì là hằng hữu và vững bền”, “có thể duy trì nó liên tục”, “mang niềm vui của sự thanh khiết và vững bền tuyệt vời”, “ít phụ thuộc nhất vào người khác, trong khi nhân đức đạo đức yêu cầu những người khác như là những đối tượng của hoạt động của nó”, và “dường như chỉ được yêu bởi chính nó” (X 7). Thoạt nghe, những điều trên dường như chỉ là những suy tư thuần túy. Tuy nhiên, có lẽ những suy tư này dựa trên chính kinh nghiệm của những người từng trải, chứ không phải là những suy tư thuần túy của những người trẻ (I 3). Ngoài ra, đối tượng của chiêm niệm không phải là việc nghiên cứu những đối tượng bình thường nhưng là những đối tượng cao nhất. Nó không hoàn toàn thuộc về con người nhưng là hành vi thần linh. Con người có được nó chỉ do yếu tố thần linh ấy có trong con người. Vì vậy, Aristotle khẳng định con người chỉ thi thoảng mới có thể đạt được hình thức ấy.

Nhưng như vậy, con người có quá siêu thực như động cơ đệ nhất chăng? Có phải khi chiêm niệm rồi, con người tách biệt hoàn toàn với thế giới, giống như nhiều người hiểu về động cơ đệ nhất của Aristotle chỉ là chiêm ngắm chính mình không? Một lần nữa, tạm gác lại việc trả lời về hành vi của động cơ đệ nhất, bài viết chỉ trả lời về hoạt động của con người khi chiêm niệm. Con người không hoàn toàn tách biệt với thế giới vì ba lý do. Thứ nhất, con người không thể chiêm niệm chính điều toàn thiện như động cơ đệ nhất mãi được, vì con người không phải là động cơ đệ nhất. Nói rõ hơn, con người chỉ đôi khi đạt được hình thức chiêm niệm ấy. Vì vậy, con người vẫn phải gắn liền với những thực tại thế giới này. Đi xa hơn nữa, hạnh phúc của con người không chỉ nằm trong chiêm niệm mà là trong tổng thể, dù chiêm niệm là hành vi hạnh phúc nhất (hạnh phúc nhất không có nghĩa là có và chỉ có nó thôi) (X 9). Thứ hai, theo Aristotle, con người vẫn phải đem những điều mình ra thực tế để kiểm nghiệm. Như vậy, con người không thể tin tưởng hoàn toàn vào những điều mình đã chiêm niệm (X 9). Cuối cùng, khi con người chiêm niệm về đối tượng cao nhất ấy, không có nghĩa là con người chiêm ngưỡng chính mình hay con người không đóng mình lại, nhưng khi đó họ mở ra với điều cao cả hơn, là động cơ đệ nhất và là hạnh phúc đích thực. Tóm lại, mặc dù chiêm niệm là đỉnh cao nhưng chỉ thi thoảng có được trạng thái ấy, con người vẫn phải tiếp tục bước tiếp.

Vậy tại sao Aristotle không đưa chiêm niệm này lên trên phần đầu để làm nổi bật sự quan trọng của nó? Cũng như luận điểm thứ nhất ở trên, con người khác với động cơ đệ nhất. Để đạt được hình thức chiêm niệm trên, con người phải thủ đắc được các hình thức nhân đức khác (nhân đức tính cách, khôn ngoan thực tiễn). Nhờ đó, với kinh nghiệm sống khi rèn luyện các nhân đức trên, con người mới có “đủ sức” để cảm nếm trọn vẹn được chiêm niệm. Điều đó thể hiện qua cách ông sắp xếp thứ tự các nhân đức, từ đơn sơ nơi những quan niệm về sự thiện, đến thực tiễn hơn nơi nhân đức tính cách, rồi phải có nhận định về khác biệt nơi khôn ngoan thực hành và cuối cùng là chiêm niệm.

Tóm lại, Aristotle muốn đề nghị một con đường mà mọi người có thể vươn đến được. Ở đó, lý thuyết và thực hành hòa quyện vào nhau. Trước tiên, ông đưa ra lý thuyết của mình và gián tiếp phê phán các lý thuyết trước ông. Ông nói rõ lý thuyết mà ông đề ra chỉ có thể hiểu nơi những người có kinh nghiệm, chứ không dành cho những người trẻ, dù có những tài năng tự nhiên nào đó. Nói cách khác, lý thuyết của ông dựa trên cả kinh nghiệm thực tế và lý lẽ, chứ không chỉ là lý luận suông. Sau khi tạm đặt nền cho lý thuyết, ông bắt đầu con đường hoàn thiện chức năng của mình (để đạt được hạnh phúc) bằng chặng đường đầu tiên, chặng đường nhân đức tính cách. Từ đó, mỗi người đi đến những chặng đường tiếp theo, khôn ngoan thực hành và cuối cùng là chiêm niệm. Tuy nhiên, chiêm niệm không phải là chỉ thuần chiêm ngắm nhưng còn hướng ra thực tế để kiểm chứng những điều mà mình chiêm niệm. Thêm nữa, người thực hành vẫn cần nhắc nhở mình rằng cùng đích của mình là hạnh phúc; hạnh phúc không chỉ nơi chiêm niệm dù là chặng đường đạt được hạnh phúc nhất nhưng là toàn thể cả trong thực hành, những điều kiện bên ngoài và cả may mắn nữa. Đến đây, chiêm niệm và hoạt động hòa quyện vào nhau. Chiêm niệm để gặp được sự thiện tối hảo, hoạt động để kiểm chứng “khả năng” chiêm niệm của mình.

THƯ MỤC THAM KHẢO

Aristotle. Nicomachean’s Ethics. C. D. C. Reeve dịch. Indianapolis: Hackett Publishing Company, 2014.

Rachels, James. The Elements of Moral Philosophy. Stuart Rachels biên tập. New York: McGraw-Hill, 2010.

[i] Thật ra, tôi chỉ tập trung vào một vài chương của cuốn thứ X có đề cập đến việc chiêm niệm.

[ii] Aristotle phản biện rằng từng con người có cùng một bản tính và bản tính ấy cũng không hòa hợp với “những cái một” (ones) hay ý niệm, tới mức từng người chính là sự thiện. Vì thế cho nên không thể có các ý niệm tương ứng với từng người.

Thus it is clear that it will not be some common universal – that is, a “one.” For then it would not be said of things in all the categories but only in one.

We might also raise puzzles about what they even mean by each-thing-itself if indeed of both human-itself and human there is a single account—namely, that of human. For insofar as each is human, they will not differ at all, and neither will the corresponding “ones,” insofar as each is good. (I 6)

[iii] James Rachels, The Elements of Moral Philosophy, Stuart Rachels biên tập, (New York: McGraw-Hill, 2010), 170-172.