(Hình ảnh từ internet)

Môn học: Triết Học Đạo Đức

Giáo sư: Vũ Uyên Thi, SJ

Học viên: Bùi Đức Thiện, SJ

Dẫn nhập

Triết gia nữ người Mỹ, Judith Jarvis Thomson, thể hiện quan điểm ủng hộ việc phá thai qua bài viết Lời Biện Hộ cho Việc Phá Thai[1]. Bà lập luận, dù bào thai[2] là một con người, có quyền sống, phá thai vẫn có thể chấp nhận về mặt đạo đức trong trường hợp bị hãm hiếp hay sử dụng biện pháp ngừa thai thất bại[3]. Bài viết này sẽ bàn luận sơ lược về những lập luận ủng hộ phá thai của Thomson với tiền giả định bào thai là một con người qua ba phần. Trước hết là những lập luận của Thomson đối với việc phá thai. Kế đến là hai phản ứng trái chiều: phản đối và ủng hộ những lập luận của Thomson, lần lượt được đư ra bởi hai triết gia Beckwith và Boonin. Cuối cùng là một vài phê bình của người viết dành cho những lập luận của Thomson về vấn đề phá thai.

I. Những lập luận đối với phá thai

1. Những lý lẽ phản đối phá thai của Thomson

Người ta phản đối phá thai với những lý lẽ khác nhau. Một cách chung, bào thai là một con người từ lúc thụ thai. Mọi người có quyền sống. Bào thai cũng có quyền sống. Người mẹ có quyền quyết định những gì xảy ra trên cơ thể của cô. Nhưng, quyền quyết định của người mẹ không lớn hơn quyền sống của một con người. Do vậy, không được giết bào thai, phá thai không được phép tiến hành.[4]

Trong trường hợp người nữ bị bệnh lý, chẳng hạn: các bệnh lý tim mạch, cô ta sẽ chết khi mang thai. Dù cả hai đều có quyền sống bình đẳng, nhưng người nữ cũng không được phá thai. Nếu phá thai, người ta sẽ giết một người vô tội cách chủ động, nếu không phá thai, không phải là giết người nữ[5], nhưng để cho cô ta chết theo diễn tiến bệnh lý có sẵn. Việc này khác với hành động giết người nữ. Vì vậy, thai phụ cần để yên cho bào thai phát triển.[6]

Ngoài ra, người nữ có trách nhiệm đặc biệt với bào thai vì cô ta là mẹ,[7] nên người nữ có thai không được phép phá thai. Thomson đã không đồng ý với những lý lẽ phản đối phá thai này.

2. Lý lẽ ủng hộ phá thai của Thomson

Theo Thomson, dù bào thai là con người, người ta vẫn được phép phá thai. Bà đã đưa ra những câu chuyện loại suy để biện hộ cho việc phá thai.

Trước hết, trong trường hợp bị cưỡng hiếp, người nữ có thai giống như trường hợp có một người[8] bị bắt cóc để gắn vào một nghệ sĩ violon đang bị bệnh thận. Chỉ có duy nhất người đó có nhóm máu phù hợp để giúp người nghệ sĩ. Trái thận của người giúp sẽ lọc chất độc trong người nghệ sĩ. Chỉ với hơn chín tháng trợ giúp, nghệ sĩ violon sẽ phục hồi lại sức khỏe như ban đầu. Như vậy, trong trường hợp này, phải chăng quyền sống của người nghệ sĩ sẽ lớn hơn quyền quyết định của người giúp, đặc biệt nếu anh ta phải gắn vào người nghệ sĩ suốt đời? Theo Thomson, người ta có quyền tháo gỡ người nghệ sĩ ra khỏi cơ thể của người giúp, mà không vi phạm đạo đức. Tương tự, quyền quyết định của người nữ trên cơ thể lớn hơn quyền sống của bào thai, nên người nữ được phép phá thai. Điều này không vi phạm quyền sống của bào thai.[9]

Tiếp đến, đối với trường hợp người nữ có thai do quan hệ tự nguyện quên sử dụng biện pháp ngừa thai, bào thai cũng giống như tên trộm lẻn vào một căn nhà đã được chủ nhà mở cửa sổ, vì căn nhà ngột ngạt. Rõ ràng, tên trộm không có quyền trên căn nhà. Giống như vậy, bào thai cũng không có quyền trên cơ thể của người mẹ.[10]

Kế đến, trong trường hợp sử dụng biện pháp ngừa thai không hiệu quả[11], bào thai giống như các hạt giống người[12] bay trong không khí như phấn hoa. Dù cửa sổ của căn nhà đã được rào chắn cẩn thận, nhưng vẫn có lỗ hổng. Có một hạt giống bay vào căn nhà và phát triển thành một cây người[13]. Theo Thomson, cây người này không có quyền sử dụng căn nhà. Theo đó, quyền của người nữ trên thân thể không thể bị lấy đi bởi quyền sống của bào thai.[14]

Ngoài ra, với trường hợp người nữ bị bệnh lý, bào thai cũng giống như đứa trẻ lớn rất mau cùng với một người trong căn nhà nhỏ chật chội. Tốc độ lớn của đứa bé đe dọa đến sự sống của người đó. Theo Thomson, trong trường hợp này, người nữ giống như căn nhà chứa bào thai và là người ở cùng với bào thai. Chỉ có hai người vô tội liên hệ với nhau, trong đó, một người đe dọa mạng sống của người kia. Theo bà, người ngoài không được can thiệp, nhưng với quyền tự vệ, người bị đe dọa có thể chống lại. Cô ta có quyền bảo vệ đời sống, chống lại sự đe dọa của bào thai, nên được phép phá thai.[15]

Những câu chuyện loại suy của Thomson cho thấy, người ta được phép phá thai vì quyền của người nữ trên cơ thể, lớn hơn quyền sống của bào thai. Mặt khác, theo Thomson, người nữ không có một trách nhiệm đặc biệt đối với bào thai dù có mối liên hệ sinh học[16]. Họ có thể từ chối trách nhiệm này nếu phải đòi hỏi hy sinh quá lớn cho bào thai.[17]

II. Những phản ứng đối với lý lẽ ủng hộ phá thai của Thomson

Những câu chuyện loại suy của Thomson gây nên hai phản ứng trái chiều lần lượt của hai triết gia Beckwith và Boonin. Trong đó, câu chuyện đáng chú ý nhất là câu chuyện người nghệ sĩ violon.

1. Phản đối quan điểm của Thomson

Theo Beckwith, câu chuyện người nghệ sĩ violon có một vài vấn đề chưa thuyết phục ở khía cạnh đạo đức.

Trước hết, Thomson đã thiếu sót khi tiền giả định nghĩa vụ đạo đức của cha mẹ đối với con cái mang tính tự nguyện khi đưa ra câu chuyện người nghệ sĩ violon. Giả sử, người mẹ quyết định giữ thai. Đứa trẻ được sinh ra. Mối liên hệ giữa cha mẹ và đứa trẻ này mang tính bắt buộc và được pháp luật ủng hộ. Như vậy, mối liên hệ này không chỉ dừng lại dựa trên mối liên hệ sinh học, nhưng trở thành một quy tắc chung trong một khế ước xã hội, trong đó những người yếu thế cần được bảo vệ. Ngoài ra, khi loại bỏ trách nhiệm của cha mẹ đối với bào thai, Thomson chưa chỉ ra được lý do cụ thể loại bỏ trách nhiệm này.[18]

Kế đến, lý chứng của Thomson phá hủy nền đạo đức gia đình. Thomson chỉ chú ý đến khó khăn người nữ phải chịu khi có con, nhưng quên rằng, người nữ cũng có nhiều niềm vui, hạnh phúc trong đời sống gia đình, trong việc vui vầy chăm sóc con cái.[19]

Thêm vào đó, đối với Beckwith, đứa con và người nghệ sĩ violon có sự khác biệt về quyền sử dụng thân thể. Trước hết, bào thai chưa sinh ra hoàn toàn phụ thuộc tự nhiên vào cơ thể người nữ, có một môi trường ổn định phát triển trong tử cung. Vì vậy, có một lời gọi mời tự nhiên phải chăm sóc bào thai từ người nữ, dù có muốn hay không. Với nghệ sĩ violon, để tồn tại, anh ta phải được gắn vào người khác, hoàn cảnh không tự nhiên[20], chịu tác động và theo dõi bởi những y bác sĩ có trách nhiệm chăm sóc anh ta. Ngoài ra, nếu Thomson đồng ý bào thai hoàn toàn là con người, thì tại sao quyền đòi hỏi được chăm sóc đầy đủ của con người đó lại không có trước khi sinh?[21]

Không những thế, theo Beckwith, Thomson không nhận ra, phá thai thực sự giết người, không phải điều trị. Thai kỳ không phải bệnh lý để điều trị. Vị ân nhân không buộc phải giúp đỡ nghệ sĩ violon giống như một người không bị buộc phải hiến thận cho người bệnh, nhưng người nữ phải có trách nhiệm đối với bào thai vì cô ta là mẹ. Vì vậy, cô không được giết bào thai.[22]

Như vậy, câu chuyện loại suy người nghệ sĩ violon thiết tưởng không tương ứng để bảo vệ lập trường phá thai trong trường hợp bị cưỡng hiếp. Nhưng, Beckwith vẫn chưa chỉ rõ trách nhiệm của người nữ đối với bào thai. Vì thế, nếu chứng minh người mẹ không có trách nhiệm đặc biệt với bào thai, thì quan điểm của Thomson được củng cố. Boonin đã thực hiện công việc này.

2. Bảo vệ quan điểm của Thomson

Theo Boonin, nếu vấn đề trách nhiệm được giải quyết, Lời Biện Hộ cho Việc Phá Thai của Thomson xem như không chỉ áp dụng cho người nữ bị cưỡng hiếp mà ngay cả những người không bị cưỡng hiếp. Ông đã chia vấn đề trách nhiệm ra làm hai loại gồm: ngầm ý ưng thuận[23] và buông bỏ[24].[25]

Loại ngầm ý ưng thuận áp dụng cho người nữ giao hợp tự nguyện. Đối với loại này, người ta cho rằng, vì hoạt động giao hợp mang tính tự nguyện, người nữ ngầm ý cho bào thai quyền sử dụng cơ thể mình. Thế nên, người nữ có trách nhiệm với bào thai, nên không được phá. Boonin không đồng ý. Theo ông, trách nhiệm của người nữ trong trường hợp giao hợp tự nguyện có sự nhầm lẫn giữa tình trạng tự nhiên xảy ra và hoạt động giao hợp tự nguyện được biết trước có thể dẫn đến có thai. Trách nhiệm ngầm ý ưng thuận chỉ phù hợp với tình trạng tự nhiên xảy ra dẫn đến có thai, còn hoạt động giao hợp tự nguyện không có sự ưng thuận ngầm ý. Nói cách khác, trong hoạt động giao hợp tự nguyện, người nữ chỉ có trách nhiệm với người nam, không có trách nhiệm với kết quả của hành động giao hợp. Thế nên, người nữ không có trách nhiệm với bào thai, nên được phép phá thai.[26]

Loại buông bỏ áp dụng cho trường hợp người nữ từ chối sự ngầm ý ưng thuận. Trong loại này, người nữ có trách nhiệm một phần với bào thai, như một người có trách nhiệm với một người bị nạn cần trợ giúp. Boonin cho rằng, người nữ không có loại trách nhiệm này. Theo ông, người ta cần có sự phân biệt trách nhiệm giữa việc P xuất hiện và việc P cần sự trợ giúp theo việc P xuất hiện[27]. Người nữ chỉ có trách nhiệm với việc P xuất hiện, chứ không có trách nhiệm với việc P cần sự trợ giúp. Vì không có trách nhiệm giúp đỡ, nên người nữ được phép phá thai.[28]

Như vậy, Boonin đã phủ nhận hai loại trách nhiệm liên quan đến việc có thai của người nữ. Tức là, ông đã phủ nhận trách nhiệm của người nữ đối với bào thai. Nếu Thomson chỉ dừng lại ở khái niệm chung chung, từ chối trách nhiệm cha mẹ với bào thai, và bị Bechwith phản đối, thì Boonin đã củng cố quan điểm phá thai của Thomson bằng việc bác bỏ trách nhiệm của người nữ với bào thai. Theo Boonin, nếu lý lẽ của Thomson thành công trong việc ủng hộ phá thai cho trường hợp bị cưỡng hiếp, thì cũng có thể áp dụng cho trường hợp không bị cưỡng hiếp.[29] Tuy nhiên, những câu chuyện loại suy của Thomson có thực thỏa đáng? Người nghệ sĩ violon, tên trộm, hạt giống người có thể thay thế cho bào thai trong việc loại suy được không? Phải chăng mối liên hệ sinh học giữa cha mẹ và con cái không đủ mạnh để ràng buộc trách nhiệm của họ với con cái? Thậm chí, phải chăng người nữ không thể hy sinh mạng sống vì sự sống của bào thai? Như vậy, phải chăng phá thai được phép về mặt đạo đức trong mọi trường hợp?

III. Đôi dòng phê bình Thomson

Những câu chuyện loại suy của Thomson đề cao quyền của người nữ trên cơ thể của mình hơn so với quyền sống của bào thai. Cô có thể từ chối hay chấp nhận để cho bào thai được phát triển. Mặt khác, với những lập luận của Boonin, dường như người nữ không cần có trách nhiệm với bào thai, khiến cho việc phá thai không vi phạm đạo đức.

Tuy vậy, có nhiều điểm còn khúc mắc về: tính tương hợp, lợi ích, nguyên nhân dẫn đến cái chết, ý hướng, trách nhiệm đặc biệt do mối liên hệ sinh học và quyền tự vệ trong những câu chuyện loại suy của Thomson.

Trước hết, trong câu chuyện người nghệ sĩ violon, việc phá thai và việc tháo gỡ người nghệ sĩ violon ra khỏi người giúp không có sự tương hợp hoàn toàn về sự toàn vẹn. Để cho nghệ sĩ violon chết, người ta chỉ cần tháo ống dẫn nối liền cơ thể của người cho và cơ thể người nghệ sĩ. Sau khi tháo gỡ, cơ thể của người nghệ sĩ được giữ nguyên vẹn và cái chết tự nhiên đến với anh do bệnh lý có sẵn trước đó, chứ không ai dùng thuốc độc để giết ông. Trong khi đó, ngoại trừ hai phương pháp rất hiếm sử dụng trong phá thai vì rất nguy hiểm cho thai phụ gồm: mở tử cung[30] để lấy thai ra và cắt tử cung[31] bỏ thai có nét giống với trường hợp tháo gỡ người nghệ sĩ violon, các phương pháp phá thai thường sử dụng đều trực tiếp băm vằm, chọc phá bào thai ra từng phần hoặc sử dụng thuốc độc giết chết bào thai trong tử cung.[32] Vì vậy, sự toàn vẹn trong hai trường hợp không giống nhau. Chính khác biệt về sự toàn vẹn thân thể giữa hai trường hợp xem ra làm cho việc phá thai mang tính giết người, phi đạo đức, còn việc tháo gỡ người nghệ sĩ giống như việc từ chối giúp đỡ một bệnh nhân đang trong cơn thập tử nhất sinh đòi hỏi quá khả năng người giúp.

Mặt khác, vấn đề lợi ích khiến cho câu chuyện loại suy người nghệ sĩ violon có vẻ bất hợp lý. Giữa người nghệ sĩ violon và người giúp, chỉ có lợi ích một chiều. Người nghệ sĩ sống được nhờ sự giúp đỡ của vị ân nhân gắn vào. Trong khi đó, người nữ và bào thai có thể có lợi ích hai chiều. Một mặt, bào thai có môi trường phá triển lâu dài và ổn định, sau khi sinh ra có thể được nuôi nấng đến tuổi trưởng thành. Mặt khác, theo một số nghiên cứu, phụ nữ có thai có tỉ lệ ung thư vú giảm[33] và tỉ lệ tự tử ở phụ nữ trong nhóm có thai giảm so với người nữ không có thai[34].

Bên cạnh đó, hành động phá thai và hành động tháo gỡ người nghệ sĩ vĩ cầm có sự khác biệt rất lớn về nguyên nhân gây ra cái chết. Trong trường hợp nghệ sĩ violon, nếu tháo gỡ khỏi người cho, cái chết của anh ta là do căn bệnh sẵn có từ trước. Trong trường hợp phá thai, bào thai bị giết chết. Người ta có thể từ chối người cần giúp đỡ khi việc giúp đỡ làm thiệt hại lợi ích của họ. Tuy nhiên, họ phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức nếu giết người dù trực tiếp hay gián tiếp. Nói cách khác, người nữ chọn phá thai không dừng lại ở ý nghĩa chấm dứt thai kỳ, nhưng là giết một con người chưa được sinh ra[35].

Trong câu chuyện tên trộm lẻn vào nhà, Thomson cũng đã bộc lộ những điểm thiếu thuyết phục. Một tên trộm lẻn vào nhà có mục đích cướp phá căn nhà, lấy đi các đồ vật có giá trị, vi phạm luật pháp. Bào thai là một con người đang trong tiến trình phát triển, chưa ra đời. Bào thai không có ý định cướp phá hay làm tổn hại sức khỏe của người mẹ. Rõ ràng, nếu tình cờ, căn nhà không khóa cửa, một em bé đi lạc vào sẽ khác rất nhiều so với một tên trộm. Có thể nói, em bé không gây thiệt hại nào cho căn nhà vì sự ngây thơ trong trắng. Ngược lại, tên trộm sẽ cướp phá đồ đạc trong căn nhà.

Trong câu chuyện hạt giống người hay câu chuyện tên trộm, người chủ có quyền trên căn nhà. Cây người hay tên trộm không có quyền. Tương tự, người nữ có quyền trên cơ thể. Bào thai không có quyền đòi hỏi điều gì trên cơ thể của người nữ. Vì vậy, người nữ không có trách nhiệm ràng buộc chăm sóc bào thai. Theo Thomson, mối liên hệ sinh học giữa mẹ và con không thể khiến người mẹ có một trách nhiệm đặc biệt với bào thai. Điều này có vẻ thiếu thuyết phục. Nếu đứa con được cha mẹ nuôi dưỡng trưởng thành phải có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lúc già yếu do mối liên hệ sinh học, thì ngược lại, cha mẹ phải có trách nhiệm đặc biệt đối với bào thai, bằng cách tạo môi trường an toàn để bào thai phát triển và lớn lên thành một người trưởng thành. Không có mối liên hệ sinh học, có lẽ người chồng chẳng cần phải chăm sóc đứa con là kết quả của cuộc giao hoan giữa họ và người nữ, để mặc cho người vợ chăm sóc con cái. Rõ ràng, điều này không đúng về mặt đạo đức. Trách nhiệm của người cha trong việc chăm sóc con cái không chỉ mang tính tự nguyện, nhưng còn được sự hỗ trợ của luật pháp tại một số quốc gia.[36]

Những lập luận làm rõ người nữ không có trách nhiệm với bào thai của Boonin ở phía trên dường như củng cố lập trường ủng hộ phá thai cho Thomson. Tuy nhiên, có một vài thiếu sót trong việc bảo vệ Thomson của Boonin. Trong loại ưng thuận ngầm ý, người nữ chỉ có trách nhiệm với hành động quan hệ với người đàn ông, không có trách nhiệm với bào thai. Luận điểm này của Boonin có sai sót nhỏ. Một người say rượu gây ra tai nạn cần có trách nhiệm với việc lái xe và với người bị thương do tai nạn anh ta gây ra dù cố ý hay không cố ý. Luật pháp quy định rõ ràng việc lái xe với nồng độ cồn vượt quá mức quy định sẽ bị phạt và xác định rõ án dân sự hoặc hình sự đối với người gây ra tai nạn trong trường hợp lái xe say xỉn gây tai nạn. Tương tự, người phụ nữ không chỉ có trách nhiệm với kết quả của hoạt động giao hợp, tức là bào thai, nhưng còn có cả trách nhiệm với hành động giao hợp gây ra kết quả có thai.

Bên cạnh đó, trong loại buông bỏ, người nữ chỉ có trách nhiệm với việc xuất hiện của P, nhưng không cần có trách nhiệm với việc P cần sự trợ giúp dường như dẫn đến những hậu quả đáng tiếc nếu lập luận này đúng. Bởi lẽ, nếu không có trách nhiệm ngăn cản bào thai là một con người đến cái chết, thì cũng chẳng cần ngăn cản người khác làm những điều ít nguy hiểm hơn. Như thế, chẳng ai cần phải quan tâm đến ai trong xã hội. Điều này rõ ràng bất hợp lý. Vì vậy, người mẹ phải có trách nhiệm giúp đỡ bào thai để bào thai được ra đời và phát triển.

Mặt khác, bào thai không làm cho người nữ có thai, nhưng chính cha mẹ tạo nên bào thai trong tử cung. Bào thai là kết quả do chính cha mẹ tạo nên. Khi người ta gây ra tai nạn, họ phải có trách nhiệm với hậu quả tai nạn xảy ra. Người ta không được giết bỏ người đó để loại bỏ trách nhiệm.[37]

Trong trường hợp người mẹ bị bệnh, Thomson đồng ý phá thai vì bào thai đe dọa mạng sống của người mẹ, nên người mẹ có quyền phá thai với quyền tự vệ. Quyền tự vệ trong trường hợp này cần được xem lại. Đối với quyền tự vệ, một trường hợp tự vệ thông thường của mẹ đối với bào thai có ba yếu tố liên quan với nhau. Thứ nhất, (1) sự hiện diện liên tục của bào thai đe dọa giết chết mẹ, (2) bào thai có hành vi giết mẹ không chính đáng[38], (3) bào thai có trách nhiệm trong việc giết mẹ và vì vậy, đã sai phạm đạo đức khi giết mẹ. Cả ba yếu tố này phải thỏa mãn, mẹ mới được xem xét cho phép giết bào thai để tự vệ. Dù điều kiện (1) thỏa mãn, nhưng bào thai không giết mẹ cách không chính đáng, đồng thời mẹ chết là do bệnh lý chứ không phải do chính bào thai giết mẹ. Cả hai trong ba yếu tố không thỏa mãn, nên người mẹ không được được phá thai với quyền tự vệ.[39]

Có lẽ, những điểm khúc mắc trong những câu chuyện loại suy của Thomson cho thấy việc phá thai không nên được thực hiện. Không những thế, xét theo quan điểm của triết gia Kant, phá thai dường như mang tính phi đạo đức lẫn phi lý trí vì hành động này phá hủy thân xác một con người.

Theo Kant, lý trí của con người hiện diện nơi thân xác, nên thân xác có một giá trị hết sức to lớn đối với con người. Vì vậy, nếu phá hủy thân xác của một con người qua việc phá thai, người ta không chỉ phi đạo đức nhưng còn phi lý trí.[40] Ở một khía cạnh khác, nếu dựa trên quy luật phổ quát của Kant, việc phá thai được phép sẽ dẫn đến lập luận: nếu bạn trước sau như một nghĩ rằng phá thai được phép, bạn sẽ đồng ý rằng người ta sẽ giết bạn trong hoàn cảnh tương tự bạn như bào thai. Rõ ràng, bạn không thể đồng ý cho người khác giết bạn, nên bạn cũng không đồng ý được phép giết bào thai.[41]

Kết luận

Mục đích của Thomson trong việc trình bày những lập luận biện hộ cho việc phá thai không phải để chứng minh phá thai luôn đúng hay luôn sai.  Những câu chuyện loại suy của bà ủng hộ phá thai trong những trường hợp người nữ bị cưỡng hiếp hay có thai do biện pháp ngừa thai thất bại. Bà không ủng hộ những trường hợp phá thai đối với thai nhi đã lớn, chẳng hạn thai đã được 7 tháng. Việc phá thai trong những trường hợp như vậy thật nhẫn tâm.[42] Như vậy, có thể nói, bà không hoàn toàn ủng hộ việc phá thai, nhưng chỉ trong những trường hợp thai ở giai đoạn đầu trong những trường hợp bị cưỡng hiếp và ngừa thai thất bại. Những câu chuyện của bà nhấn mạnh quyền của người mẹ lớn hơn quyền sống của bào thai. Nhưng, bà chưa đưa ra lý do thuyết phục để khẳng định người nữ không có trách nhiệm đối với bào thai vì mối liên hệ sinh học.

Beckwith không đồng ý với câu chuyện loại suy người nghệ sĩ violon khi trình bày những điểm không tương ứng giữa bào thai và người nghệ sĩ violon. Việc phân biệt này khiến lập luận của Thomson trở nên thiếu vững chắc. Theo ông, Thomson chưa có sự phân biệt rõ giữa trách nhiệm cứu sống một người và trách nhiệm không cứu sống người đó. Nhưng, Beckwith cũng chỉ bàn trách nhiệm của người nữ với bào thai một cách chung chung, chưa rõ ràng.

Boonin đã bảo vệ quan điểm của Thomson bằng cách phản đối trách nhiệm của người nữ với bào thai. Ông phản đối cả hai loại trách nhiệm liên quan gồm: ngầm ý ưng thuận và buông bỏ. Nói chung, người nữ không có trách nhiệm với tình trạng có thai tự nhiên xảy ra sau khi giao hợp, cũng như không có trách nhiệm giúp bào thai phát triển. Vì vậy, người nữ được phép phá thai.

Nhưng thực sự, những câu chuyện loại suy của Thomson dường như trở thành bất loại suy[43] vì sự khập khiễng khá lớn giữa bào thai và người nghệ sĩ violon về tính tương hợp, lợi ích, nguyên nhân dẫn đến cái chết giữa hai bên. Ngoài ra, tên trộm và bào thai có sự khác biệt nhau về ý hướng. Đồng thời, người nữ phải có trách nhiệm với bào thai vì mối liên hệ sinh học, bởi lẽ nếu mọi người đã công nhận trách nhiệm phải có của người con trưởng thành đối với cha mẹ về khía cạnh đạo đức, thì cũng cần công nhận chiều ngược lại, nghĩa là trách nhiệm của cha mẹ đối với bào thai chưa ra đời. Không những vậy, lập luận của Boonin nếu đúng sẽ dẫn đến những hậu quả, người ta chẳng cần có trách nhiệm trong việc ngăn cản người khác gặp nguy hiểm. Vì vậy, dường như những lập luận của Thomson trong việc bảo vệ phá thai còn thiếu thuyết phục.

Bên cạnh đó, việc dùng quyền tự vệ của người mẹ trong vấn đề phá thai có vẻ không ổn. Người mẹ chỉ có thể sử dụng quyền tự vệ trong trường hợp thai nhi tấn công mẹ cách không chính đáng, và bao thai có trách nhiệm trong việc giết chết mẹ. Trong khi đó, người nữ chết do bệnh lý và bào thai không làm bất cứ điều gì để giết người mẹ.

Ngoài ra, theo Kant, việc phá thai phá hủy thân xác, dẫn đến phá hủy lý trí của con người. Không những vậy, xét theo quy luật tổng quát, không ai muốn bản thân bị giết nếu họ trong hoàn cảnh như một bào thai. Suy rộng ra, việc phá thai được phép có thể dẫn đến việc giết người bị giảm nhẹ, đặc biệt không chỉ trong trường hợp một bào thai, nhưng có thể xảy ra đối với trường hợp của những con người khuyết tật, thiểu năng, hay những con người được xem ít có đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Người ta sẽ ngụy tạo trong các vụ án giết người.

Như vậy, có thể kết luận, có nhiều lý do hợp lý để phản đối và nhiều lý do không hợp lý để chấp nhận những lập luận bảo vệ phá thai của Thomson. Quan điểm ủng hộ cho việc phá thai của Thomson còn có nhiều điểm chưa ổn. Vì vậy, nếu dựa trên những lập luận của Thomson để ủng hộ cho việc phá thai trong trường hợp bị cưỡng hiếp hay sử dụng biện pháp ngừa thai thất bại, người ta sẽ gặp nhiều điều bất cập.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. BECKWITH, Francis J., Personal Bodily Rights, Abortion, and Unplugging the Violinist, International Philosophical Quarterly Vol.XXXII, No. I Issue No. 125, 1992.
  2. BOONIN, David -Vail, A Defense of “A Defense of Abortion”: On the Responsibility Objection to Thomson’s Argument in Ethics, Vol.107, No.02, The University of Chicago Press, 1997.
  3. BRODY Baruch, Thomson on Abortion in Philosophy & Public Affairs, Vol. 1, No.3, Spring, 1972.
  4. CANNOLD, Leslie, The Abortion Myth: Feminism, Morality, and the Hard Choices Women Make, Hanover: University Press of England, 2000.
  5. CLARK, R. M. & T. Chua, Breast Cancer and Pregnancy: The Ultimate Challenge, The Royal College of Radiologists, 1989.
  6. GENSLER, Harry J., A Katian Argument Against Abortion in Philosophical Studies 48, D.Reidel Publishing Company, 1985.
  7. GISSLER, Mika, Hemminki, Elina, & Lonnqvist, Jouko, Suicides after pregnancy in Finland, 1987-94, British Medical Journal, Vol. 313, No.7070, 1996.
  8. GORDON, Doris, letter to the editor, Life Report, Maryland Right to Life, 1979.
  9. KACZOR, Christopher, The Ethics of Abortion – Women’s rights, human life, and the question of Justice, London: Routledge, 2011.
  10. RACHELS James, The Elements of Moral Philosophy, 6th , ed. Stuart Rachels, McGraw-Hill: New York, 2010.
  11. SCHMUTZ, Stephanie D., Infanticide or Civil Rights for Women: Did the Supreme Court Go Too Far In Stenberg v. Carhart, Houston Law Review, 39,529, 2002.
  12. THOMSON, Judith Jarvis, A defense of Abortion in Ethics-Contemporary Readings, ed. Harry J.Gensler, Earl W.Spurgin, and James C.Swindal, London: Routledge, 2005.

[1] Tiếng Anh: A Defense of Abortion.

[2] Tiếng Anh: fetus

[3] Tiếng Anh: contraceptive failure. Sử dụng biện pháp ngừa thai thất bại hiểu theo hai nghĩa gồm: quên sử dụng biện pháp ngừa thai trong giao hợp tự nguyện và sử dụng biện pháp ngừa thai không hiệu quả.

[4] Judith Jarvis Thomson, A Defense of Abortion in Ethics-Contemporary Readings, ed. Harry J.Gensler, Earl W.Spurgin, and James C.Swindal (London: Routledge, 2005), 267.

[5] Trong bài viết này, các danh từ: thai phụ, người nữ, người mẹ đều chỉ đến những người phụ nữ mang thai.

[6] Judith Jarvis Thomson, A Defense of Abortion, 268.

[7] Judith Jarvis Thomson, A Defense of Abortion, 271.

[8] Xin giả sử đó là một người đàn ông gắn vào nghệ sĩ violon cũng là người đàn ông để việc trình bày ngắn gọn và xúc tích.

[9] Judith Jarvis Thomson, A Defense of Abortion,267.

[10] Judith Jarvis Thomson, A Defense of Abortion,267.

[11] Không có biện pháp ngừa thai nào đạt hiệu quả 100%. Vì vậy, có một số trường hợp dù dùng biện pháp ngừa thai nhưng vẫn có thai.

[12] Tiếng Anh: people-seeds.

[13] Tiếng Anh: person-plant.

[14] Judith Jarvis Thomson, A Defense of Abortion,268.

[15] Judith Jarvis Thomson, A Defense of Abortion,268-269.

[16] Mối liên hệ sinh học được hiểu là mối liên hệ di truyền cha mẹ sinh ra con cái.

[17] Judith Jarvis Thomson, A Defense of Abortion,271.

[18] Francis J.Beckwith, Personal Bodily Rights, Abortion, and Unplugging the Violinist, (International Philosophical Quarterly Vol. XXXII, No. I Issue No. 125, 1992) 111-112.

[19] Francis J.Beckwith, Personal Bodily Rights, Abortion, and Unplugging the Violinist, 112.

[20] Tiếng Anh: artificially.

[21] Francis J.Beckwith, Personal Bodily Rights, Abortion, and Unplugging the Violinist, 114.

[22] Francis J.Beckwith, Personal Bodily Rights, Abortion, and Unplugging the Violinist, 115-116.

[23] Tiếng Anh: The Tacit Consent Version.

[24] Tiếng Anh: The Negligence.

[25] David Boonin-Vail, A Defense of “A Defense of Abortion”: On the Responsibility Objection to Thomson’s Argument in Ethics, Vol.107, No.02 (The University of Chicago Press, 1997), 288-290.

[26] David Boonin-Vail, A Defense of “A Defense of Abortion”, 290-295.

[27] “You are responsible for the fact that P exists and you are responsible for the fact that, given that P exists, P stands in need of your assistance.” Cf. David Boonin-Vail, A Defense of “A Defense of Abortion”, 301.

[28] David Boonin-Vail, A Defense of “A Defense of Abortion”, 300-304.

[29] David Boonin-Vail, A Defense of “A Defense of Abortion”, 313.

[30]Tiếng Anh: hysterotomy. Phương pháp này được sử dụng khi cổ tử cung bị bít chặn do khối u, thai không thể ra ngoài.

[31]Tiếng Anh: hysterectomy. Phương pháp này được sử dụng trong trường hợp ung thư tử cung.

[32]Các phương pháp phá thai phổ biến gồm: nạo hút thai (Dùng dụng cụ nạo vét thai trong tử cung, cho đến khi lấy toàn bộ thai ra ngoài), nong hút thai (Dùng dụng cụ nong tử cung, hút từng phần thai ra ngoài), chọc hút thai từng phần (Giống như nong hút, nhưng trước khi hút, thai được chọc phá ra từng phần), dùng thuốc kích thích đẩy thai ra ngoài (Thai phụ được cho uống thuốc, thuốc này có tác dụng giết chết thai, sau đó thai phụ được cho uống thuốc có tác dụng co bóp tử cung, đẩy thai ra ngoài). Cf. Stephanie D. Schmutz, Infanticide or Civil Rights for Women: Did the Supreme Court Go Too Far In Stenberg v. Carhart (Houston Law Review, 39,529, 2002), 552-553.

[33]R.M.Clark & T.Chua, Breast Cancer and Pregnancy: The Ultimate Challenge, (The Royal College of Radiologists, 1989), 11-18.

[34]Gissler, Mika, Hemminki, Elina, & Lonnqvist, Jouko, Suicides after pregnancy in Finland, 1987-94 (British Medical Journal, Vol. 313, No.7070, 1996), 1431-1434.

[35]Leslie Cannold, The Abortion Myth: Feminism, Morality, and the Hard Choices Women Make, (Hanover: University Press of England, 2000), 60.

[36] Christopher Kaczor, The Ethics of Abortion – Women’s rights, human life, and the question of Justice, (London: Routledge, 2011), 166-167.

[37] Doris Gordon, Letter to the editor, Life Report (Maryland Right to Life, 1979), 7.

[38] Tiếng Anh: The feotus is unjustly attempting to take mother’s life.

[39] Baruch Brody, Thomson on Abortion in Philosophy & Public Affairs, Vol. 1, No.3 (Spring, 1972), 335-337.

[40] James Rachels, The Elements of Moral Philosophy, 6th, ed. Stuart Rachels (McGraw-Hill: New York, 2010), 133-134.

[41] Harry J.Gensler, A Katian Argument Against Abortion in Philosophical Studies 48 (D.Reidel Publishing Company, 1985), 63-66.

[42] Judith Jarvis Thomson, A Defense of Abortion,267.

[43] Tiếng Anh: disanalogy.