Môn học: Vô Thần Tổng quát
Giáo sư: Nguyễn Ngọc Hải, C.Ss.R.
Học viên: Nguyễn Huy Quý, S.J.
Friedrich Nietzsche được nhiều người biết đến với tư tưởng Thượng Đế đã chết và niềm đam mê của ông dành cho con người tại thế. Ông yêu mến con người và mong muốn làm một con người thực sự. Theo Nietzsche, vì con người, Thượng Đế không có quyền hiện hữu bất cứ giá nào. Vậy, Nietzsche muốn nói gì qua tư tưởng Thượng Đế đã chết? Điều Nietzsche nói có ý nghĩa gì với mỗi chúng ta? Bài viết là một nỗ lực trả lời cho những câu hỏi như thế.
Friedrich Nietzsche (1844-1900) là một nhà hiện sinh vô thần.[1] Ông sinh trong một gia đình Tin Lành đạo hạnh, có cha là mục sư. Ông mất đức tin Kitô giáo sau khi tiếp xúc và tìm hiểu các tác phẩm của các nhà vô thần: Cuộc Đời Của Jesus của David Strauss; các tác phẩm của Arthur Schopenhauer (1865); Lịch sử Chủ nghĩa Duy vật của Friedrich Albert Lange (1866). Thời đại học, Nietzsche đã tìm hiểu Phật giáo và bị quyến rũ thực thụ bởi giáo lý Vô Thường[2]. Nietzsche cũng phải đối diện nhiều với các bệnh tật nghiêm trọng và sự đau khổ về tình cảm cá nhân để vươn lên trong cuộc sống. Do đó, các kinh nghiệm đụng chạm trong đời sống của Nietzsche đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng phê phán tôn giáo của ông. Nhân danh con người, ông chống lại tôn giáo và các giá trị truyền thống.
I. Một số tư tưởng nền tảng của Nietzsche về phê phán tôn giáo
- Mời gọi trung thành với mặt đất
Theo Nietzsche, nhị nguyên thuyết của Plato vẫn còn sống trong Kitô giáo và vô thần tiềm ẩn trong thần học Tin Lành Đức.[3] Đây là căn nguyên dẫn đến người ta sống xa rời thực tế và mơ mộng hão huyền đến một nơi cực lạc khác mà quên mất bổn phận mình phải có là chu toàn đời sống hiện tại trên mặt đất này. Vì lẽ đó, Nietzsche kêu gọi con người sống “trung thành với mặt đất này,” hãy trân trọng những giá trị của thân thể. Có như vậy, sự sống thực sự mới thành khả thể. Ông lên án nếp sống khắc khổ và khinh thường thân xác: “Chính bọn bệnh hoạn, bọn chết dần chết mòn đã khinh dể thân thể và mặt đất này, đã bịa ra trời cao và những giọt máu giải phóng người ta.” [4] Mục đích của đời người ông nhắm đến không phải nằm nơi chủ nghĩa hư vô mà là kinh nghiệm hạnh phúc bắt nguồn từ một hoạt động tự do tự chủ.
- Đam mê của Nietzsche với con người tại thế
Sự quan tâm của Nietzsche đến con người tại thế được diễn tả qua sự nghi ngờ của ông về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ông không chịu đựng nổi cảnh tượng con người quằn quại đau khổ vì chân lý, biết bao hoài nghi và do dự liên quan đến sự sống còn của nhân loại không được giải đáp, trong khi một số người vẫn tin vào Thiên Chúa quan phòng, toàn tri, toàn năng, sở hữu chân lý. Ông phản ứng rất mạnh mẽ và quyết liệt vì cảm thấy con người bị lừa gạt để tin và đi theo một Thiên Chúa như thế. Con người đang phải đối diện với những hoàn cảnh ngặt nghèo và bi đát nhất đang chụp xuống trên đầu mà không tìm thấy chân lý và lối ra. Vì con người, theo ông, Thiên Chúa không có quyền hiện hữu bất cứ giá nào.
Qua Zarathustta, Nietzsche mong muốn làm một người thực sự. Ông mến con người với thái độ yêu thương. “Tôi yêu mến nhiều người, bởi vậy tôi coi thường một con người.” Ông không muốn tìm kiếm bạn đường nơi con người nhưng muốn đem đến cho họ một món quà, một sự giải thoát cho con người ngang qua ý chí quyền lực và con người hùng dũng. [5]
- Ý chí quyền lực
Nietzsche không chỉ chịu ảnh hưởng tư tưởng “Ý chí” u tối của Schopenhauer [6] mà còn phát triển Ý chí đó ở một tầm mức cao sâu hơn. Ý chí u tối mù mịt trở thành ý chí hùng cường đem lại sức mạnh, tự do và tự chủ tuyệt đối cho mỗi con người. Ý chí này thúc đẩy tất cả hành vi của con người với lòng ham muốn quyền lực cao độ, không phải là quyền lực đối với các kẻ khác mà là đối với chính mình. Theo ông, con người cần phải tôi luyện ý chí hùng lực để sáng tạo và vượt lên khỏi những thần linh của sóng gió biển khơi. Ý chí, xét như cảm xúc gắn liền với lệnh truyền, là dấu hiệu đặc trưng cho sự tự chủ và sức mạnh. Tự mỗi người phải biết ra lệnh và tự mình làm chủ.[7] Vậy nên, Nietzsche quan niệm một khát vọng, sức mạnh tự xác định chính mình và ý chí tự do để chủ thể tinh thần vĩnh biệt mọi tín ngưỡng, mọi ước muốn được một cái gì đó chắc chắn để đạt đến một tinh thần tự do và sáng tạo “tuyệt đối”.
- Thế giới của kẻ mạnh: người hùng (superman)
Với mong muốn mỗi con người đạt được ý chí hùng cường, Nietzsche đã đề cập tới các giá trị mới có thể tạo ra được, để thay thế các giá trị cổ truyền và dẫn tới quan niệm về một thứ “người hùng” (superman). Theo ông, số đông hay tập thể làm theo tập quán, trong khi người hùng thì độc lập, vững tâm và rất cá nhân. Trái với tôn giáo hứa hẹn các phần thưởng ở thế giới bên kia, người hùng xác nhận đời sống này gồm cả đau đớn. Người hùng là người sáng tạo ra các giá trị, là chủ của luân lý, là phản ảnh của sức mạnh và tính độc lập, không lệ thuộc vào những thói tục do luân lý cổ truyền tạo nên để nô lệ hóa con người. “Hãy luôn luôn trở nên chính mình, hãy là ông chủ và nhà điêu khắc để tạc nên chính mình.”[8] Người hùng phải dám suy nghĩ lấy, không để cho ai nghĩ hộ, dám nghĩ dám làm những cái chưa ai nghĩ hoặc làm, phải tự giác và tự giải thoát… không cảnh nô lệ nào nhục nhã bằng nô lệ tinh thần. Con người trở thành chúa tể của mình với các đức tính bạo dạn và vô cảm.[9] Vậy nên, triết lý người hùng của Nietzsche nhằm đả phá tất cả những học thuyết nào không giúp cho con người phát triển khả năng vô tận của hiện sinh, trong đó, ông coi hiện sinh tôn giáo là hiện sinh nô lệ, vô bổ. Bởi vậy, phải giết Thượng Đế, con người siêu nhân mới có cơ sở xuất hiện.
II. Phê phán tôn giáo
Phê bình đầu tiên của Nietzsche là về nguồn gốc tôn giáo. Nguồn gốc tôn giáo là những cảm giác quyền lực ở mức tột độ, là trí tuệ nguyên sơ và non yếu của nhân loại. Tôn giáo là một hiện tượng “nhân cách biến chất” và là một thứ cảm giác sợ sệt kinh hãi trước chính mình. Tiếp đến, theo Nietzsche, tin chỉ là một nhu cầu. Một niềm tin như thế có hai điểm yếu: bắt nguồn từ tâm lý sâu xa của con người rằng vì bản năng sinh tồn, ham sống sợ chết, muốn duy trì cuộc sống cá nhân vĩnh viễn, cho nên mới vọng tưởng như vậy; kết quả “sai lầm của việc giải thích các hiện tượng thiên nhiên nào đó”. Cuộc sống đích thực nằm ở ngay ở thế giới này nhưng Plato lại cho là tạm bợ, giả tạo và ảo ảnh.[10] Thêm nữa, cái bản năng yếu đuối của con người là yếu tố bảo tồn tôn giáo, siêu hình học và các loại xác tín khác. Nó cần được thay đổi bằng việc tập luyện cho mình một ý chí hùng cường, tự do tự chủ cả trong những đau khổ. Do đó, con người hùng dũng xuất hiện tự khắc tôn giáo sẽ bị loại trừ. Bên cạnh đó, niềm tin chỉ là khát khao nơi đâu vắng bóng ý chí, là tình trạng suy nhược bất thường của ý chí. Do đó, tôn giáo chỉ là sản phẩm của những kẻ bệnh tật, hèn yếu, không có can đảm để đấu tranh, sống cuộc sống hiện sinh ở đời này nên mới tạo ra những giá trị yếm thế, chối bỏ cuộc hiện sinh để mưu cầu cuộc sống hạnh phúc ở đời sau. Đứng về phía người cùng khổ đáng ra phải mạng vong, là cách các tôn giáo không dám đối diện với chính mình và muốn duy trì sức mạnh lãnh đạo, sự ảnh hưởng trên con người. Ông coi Kitô giáo là chân lý của kẻ yếu đuối và là một thứ duy đạo đức hiền lành. Cả đạo đức học lẫn tôn giáo đều thiếu điểm gặp gỡ thực tế. Do đó, thế giới mà Kitô giáo sống là hoàn toàn tưởng tượng, hạ giá, bóp méo và phủ định thế giới thực mà con người cần phải trung thành.
III. Thượng Đế đã chết
Nhiều người cho rằng điểm then chốt trong phê phán tôn giáo của Nietzsche là Thượng Đế của Kitô giáo. Thượng Đế chết là do con người lý trí gây nên và tất cả chúng ta là thủ phạm.[11] Thượng Đế chết là một hệ quả tự nhiên và hợp luận lý của thế giới quan siêu hình và tôn giáo đã được chấp nhận trong lịch sử văn hóa Tây phương.
Không còn Thượng Đế, con người tuy cảm thấy bóng tối chụp xuống trên đầu nhưng lại là cơ hội cho một ánh sáng mới chiếu rọi, con người được tự do ra khơi và có quyền làm mọi việc táo bạo. Với ông, Thiên Chúa là một ý tưởng làm cong queo những gì thẳng tắp và đảo ngược những gì đang đứng vững, đồng thời làm cho con người ra bạc nhược và nô lệ. Cái chết của Thượng Đế có nghĩa là sự sụp đổ toàn diện của một thế giới quan, sự giải thích về sự hiện hữu, cả một hệ thống giá trị, đạo đức diễn dịch ra từ thế giới quan này.
Vậy nên, Thượng Đế chết là dấu mốc mở ra một thời kỳ đen tối ở Âu châu, nhưng cần thiết để xây dựng một xã hội mới với những giá trị mới nơi mỗi người chính là người hùng.
IV. Nhận xét cá nhân
Phê phán tôn giáo của Nietzsche nhắm đến Thượng Đế mà người tin trình bày qua đời sống của họ hơn là chính Thượng Đế thật, Thiên Chúa của Apraham và Giacóp. Do đó, tư tưởng phê phán tôn giáo của ông có những ưu và khuyết cốt lõi. Trên hết, tư tưởng của Nietzsche phản ảnh được nếp sống tôn giáo đương thời. Những người tin dường như không chuyển tải hay làm chứng rõ ràng về Thiên Chúa. Thần học gia lại kết thân với vô thần khoa học của triết lý.[12] Tiếp đến, phê phán tôn giáo của Nietzsche có giá trị lay tỉnh cao. Những người có niềm tin khi đọc tác phẩm của ông chắc chắn sẽ phải nhìn lại cách sống và thể hiện niềm tin của mình. Ông gióng lên hồi chuông cảnh báo cách mà người tin sống đang phản lại Thượng Đế cũng là sự giật mình tỉnh giấc với niềm tin thiếu phân định và thể hiện một cách mù quáng. Bên cạnh đó, lời kêu gọi “trung thành với mặt đất này” đã làm nổi bật tính giá trị của trần thế. Muốn hướng vọng về trời cao hay tìm kiếm đời sau, con người đều phải bắt đầu từ mặt đất này, can đảm trong cuộc sống hiện sinh với thái độ tích cực. Thực tại chúng ta đang sống sẽ phản ánh chân thực nhất điều chúng ta muốn hướng tới, mục đích chúng ta muốn đạt được. Để có cái kết hậu, con người cần sống tốt, sống hết mình nơi mặt đất này trước đã. Thói ươn hèn của tư tưởng, thái độ nô lệ và thụ động là kẻ thù của con người tự do.
Tuy nhiên, tư tưởng đoạn tuyệt với truyền thống của Nietzsche chắc hẳn là một lời mời gọi sai lầm. Chúng ta không thể xây dựng được bất cứ giá trị nào nếu không có nền tảng, không có nguồn cội. Tuy rằng, có những điều chưa hay trong truyền thống chúng ta cần vượt lên, nhưng cái hay, cái đẹp có rất nhiều nơi truyền thống chúng ta cần gìn giữ và phát huy. Con người không là người nữa nếu vứt bỏ tất cả truyền thống. Ông cũng phủ nhận một trật tự hữu thể và tri thức có giá trị phổ quát, cũng như phủ nhận các giá trị đang thịnh hành, và mọi tín ngưỡng tôn giáo.[13] Kế đến, chúng ta thấy kiểu nói của Nietzsche là kiểu nói ngông cuồng. “Tham vọng của tôi là nói trong mười câu những gì bất cứ ai khác nói trong một cuốn sách, những gì bất cứ ai khác không nói được trong một cuốn sách.”[14] Ông dùng lời phê phán gay gắt đối với mọi tín ngưỡng tôn giáo nhất là Kitô giáo, phá đổ tất cả và đảo lộn các giá trị. Kiểu nói này hầu như chẳng có tính xây dựng cho con người và xã hội. Điều con người cần là khiêm tốn, biết vun đắp tình yêu, lòng thương xót và ân cần giúp nhau nhận ra bản chất vấn đề để hành động. Tiếp theo, Nietzsche có cái nhìn sai lạc về bác ái Kitô giáo. Ông cho rằng Kitô giáo vì không trả thù được nên làm bác ái để chứng tỏ sức mạnh của mình. Tuy nhiên, trong kinh nghiệm chúng ta thấy người ‘mạnh’ không phải là người trả thù hay áp đảo người khác cho bằng người sẵn sàng chấp nhận phần thua thiệt về mình ngang qua cử chỉ yêu thương và tôn trọng phẩm giá người khác. Bên cạnh đó, con người sẽ không là người hoàn bị nếu sống bạo dạn và vô cảm với người khác. Để đạt được nhân bản hơn, con người cần sống trong mối tương quan liên vị và quý trọng phẩm giá lẫn nhau. Nietzsche cũng đề cập đến niềm tin nhưng chỉ mới dừng ở nhân bản thì chưa đủ, con người muốn vượt lên chính mình và ngưỡng vọng trời cao thì cần có và sống đức tin vào Thiên Chúa.
Thư mục tham khảo
Cutrofello, Andrew, Continental Philosophy: A Contempoary Introduction, New York: Loutledge, 2005.
Gioan Nguyễn Ngọc Hải, C.Ss.R., Tổng Quát Về Vô Thần, Lưu hành nội bộ, 2015.
Vũ Kim Chính, S.J., Triết Sử Cận Hiện Đại, Lưu hành nội bộ, 2014.
Weger, Karl-Heinz, S.J., Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, (người dịch, chưa rõ), 1991.
http:// www.traitimtubi.com.
http://www.diendan.org.
[1] Vũ Kim Chính, S.J., Triết Sử Cận Hiện Đại, Lưu hành nội bộ, 2014, pp. 168-169. Cách chung, con đường triết học hiện sinh của Nietzsche là tìm ra ý nghĩa cuộc sống, không phải đi theo những bước sẵn có của truyền thống nhưng luôn tìm cái mới để thay thế.
[2] Dưới lăng kính Vô thường, mọi sinh linh cho đến thế giới sự vật, hiện tượng luôn luôn không ngừng trôi chảy như sự luân lưu bất tuyệt của một dòng sông. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn không phải là thông qua dòng chảy của các hiện tượng Vô thường để xác định một cái gì đó thường hằng bất biến như một tuyệt đối thể: Thượng Đế hay Brahman v.v…, mà trái lại, nếu Thượng Đế hay Brahman nhất thiết phải chịu sự chi phối bình đẳng của định luật Vô thường. Đức Phật dạy: “Tất cả pháp là Vô thường.” Nhưng cần lưu ý rằng: Vô thường không có nghĩa là không hiện hữu, mà đó là không có một thực thể đơn nhất, vĩnh hằng. cf. CLB Trái Tim Từ Bi, Cuộc Đời Và Tư Tưởng Của Nietzsche, http://traitimtubi.com/index.php/vi/news/Suu-Tam-Tieu-Luan/CUOC-DOI-VA-TU-TUONG-TRIET-HOC-FRIEDRICH-NIETZSCHE-344/#.VioKqW57TIU. (Access 15/09/2015).
[3] Weger, Karl-Heinz, S.J., (1991), Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, (người dịch, chưa rõ), p. 152.
[4] Gioan Nguyễn Ngọc Hải, C.Ss.R., Tổng Quát Về Vô Thần, Lưu hành nội bộ, 2015, p. 40.
[5] Cutrofello, Andrew, Continental Philosophy: A Contempoary Introduction, New York: Loutledge, 2005, p. 344-345.
[6] Tư tưởng của Schopenhauer thể hiện qua ba yếu điểm: (1) Vai trò vô cùng quan trọng của chủ thể. Schopenhauer chủ trương: Vũ trụ là cái nhìn của tôi. Câu này chứng tỏ không có một vũ trụ bất biến cho tất cả mọi người mà chỉ có những cái nhìn từ những quan điểm nhất định nào đó về vũ trụ. Schopenhauer xác định chủ thể tính là một trong những tính chất cơ bản của triết học Hiện Sinh. (2) Vai trò quan trọng gán cho ý chí. Các triết gia trước Schopenhauer đều coi trí tuệ là thành phần chủ lực trong con người. Tuy nhiên, Schopenhauer chủ trương và chứng minh rằng: “Ý chí mới là yếu tố căn nguyên và nền tảng trong con người, chính ý chí hướng dẫn và cai trị trí tuệ và tiềm năng.” Theo ông, chân lý bao giờ cũng là một thái độ của một người đối với một hoàn cảnh nhất định. Cho nên chỉ có chân lý khi có tôi và đối tượng của tôi. Không có chân lý viết sẵn cho tất cả mọi người. Thành thử các chân lý của các triết gia cổ điển chỉ là một mớ sáo ngữ, và ông viết: “Mớ tri thức khổng lồ của người học giả thường chỉ là một thứ tri thức chết, một tri thức trừu tượng, sáo ngữ.” (3) Vai trò quan trọng của thân xác và nhân vị. Schopenhauer cho rằng: “Chủ thể tri thức là một người sống thực, một nhân vị thân xác nhất định. Sở dĩ tôi nghĩ thế này mà không nghĩ như anh A, chị B và tất cả mọi người khác vì tôi là một nhân vị độc đáo.” Tóm lại, ba yếu tố chủ thể, ý chí và thân xác trong triết học Schopenhauer sau này sẽ là những thành tố quan trọng của triết học Hiện Sinh. cf. CLB Trái Tim Từ Bi, Cuộc Đời Và Tư Tưởng Của Nietzsche, http://traitimtubi.com/index.php/vi/news/Suu-Tam-Tieu-Luan/CUOC-DOI-VA-TU-TUONG-TRIET-HOC-FRIEDRICH-NIETZSCHE-344/#.VioKqW57TIU. (Access 15/09/2015).
[7] Weger, Karl-Heinz, ibid., p.
[8] cf. CLB Trái Tim Từ Bi, http://traitimtubi.com/index.php/vi/news/Suu-Tam-Tieu-Luan/CUOC-DOI-VA-TU-TUONG-TRIET-HOC-FRIEDRICH-NIETZSCHE-344/#.VioKqW57TIU. (Access 15/09/2015).
[9] Bạo dạn (audacia) giúp người hùng khẳng định ý chí không chút do dự; vô cảm (insensibilità) đặt người hùng trong điều kiện của sự bám vào bất cứ phương tiện gì không bị lay động bởi lòng trắc ẩn. Nơi người hùng, lòng trắc ẩn sẽ là một nhược điểm giống như sự sai sót trong phẩu thuật. cf. Gioan Nguyễn Ngọc Hải, ibid., p. 41.
[10] cf. Diễn Đàn Forum, Nietzsche: Nhân sinh quan khởi đi từ Nguồn gốc của bi kịch, http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/nhan-sinh-quan-nietzche. (Access 15/09/2015). Nietzsche cho rằng nét đặc trưng của Kitô giáo chỉ là “chủ nghĩa triết lý của Plato cho đại chúng.” Sự vọng tưởng vào một cõi hạnh phúc vĩnh hằng ở “thế giới bên kia,” trên thực tế, hoàn toàn không có gì là tương ứng với thực tại cả.
[11] Weger, Karl-Heinz, ibid., p. 156-157.
[12] ibid., p. 153.
[13] ibid., p. 152.
[14] ibid., p. 151.