Bài đọc: (Nkm 8,2-4a.5-6.8-10)

8

2Hôm ấy là ngày mồng một tháng thứ bảy, ông Ét-ra cũng là tư tế đem Sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. 3Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc Sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật.

4a Kinh sư Ét-ra đứng trên bục gỗ đã đóng sẵn để dùng vào việc này. 5Ông Ét-ra mở sách ra trước mặt toàn dân, vì ông đứng cao hơn mọi người. Khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy. 6Bấy giờ ông Ét-ra chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: “A-men! A-men!” Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy ĐỨC CHÚA. 8Ông Ét-ra và các thầy Lê-vi đọc rõ ràng và giải thích Sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc.

9Bấy giờ ông Nơ-khe-mi-a, tổng đốc, ông Ét-ra, tư tế kiêm kinh sư, cùng các thầy Lê-vi là những người đã giảng giải Luật Chúa cho dân chúng, nói với họ rằng: “Hôm nay là ngày thánh hiến cho ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc.” Sở dĩ ông nói thế là vì toàn dân đều khóc khi nghe lời sách Luật. 10Ông Ét-ra còn nói với dân chúng rằng: “Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của ĐỨC CHÚA là thành trì bảo vệ anh em.”

Tìm hiểu nội dung bản văn

Sách Nơ-khe-mia nằm ngay sau sách Ét-ra. Có lẽ đó là vì các nhân vật và sự kiện xảy ra với dân Chúa được ghi nhận ở hai sách này là cùng thời điểm với nhau thời hậu lưu đày (thế kỷ V-IV TCN; thời vua Artaserse I Longimano (465-423). Thực ra, các học giả mới xác định  thời gian Nơ-khe-mia được giao trách vụ tổng trấn kinh lược Giê-ru-sa-lem hầu chắc là vào năm 445 TCN, thời vua Artaserse I; còn thời gian hoạt động của Ét-ra tại Giê-ru-sa-lem thì vẫn trong vòng tranh luận vì chỉ thấy ghi nhận là vào thời Artaserse nhưng không rõ là vua đệ nhất hay đệ nhị). Tuy nhiên, chúng ta có thể ghi nhận rằng nếu Ét-ra là người dấn thân cho công cuộc cải tổ đời sống tôn giáo thì Nơ-khe-mia được nhắc tới như người đóng góp cho việc cải tổ tình hình xã hội.

Sách Nơ-khe-mia có thể được chia thành 4 phần: 7 chương đầu của sách trình thuật lại cuộc đời của Nơ-khe-mia, một người Do-thái lưu đày, từ khi nhận được tin về tình trạng bi thương của Giê-ru-sa-lem trước sự cáo gian của những người lãnh đạo tỉnh Sa-ma-ria đến khi ông tác động đến vua Ba-tư để về quê hương chấn chỉnh đời sống vật chất và xã hội. Từ chương 8-10, sách Nơ-khe-mia kể lại chuyện ông Ét-ra tuyên đọc luật Chúa cho dân. Đoạn Kinh Thánh (Nkm 8,2-4a.5-6.8-10) chúng ta đang tìm hiểu nằm ở phần này. Hai chương 11 và 12 kể lại việc ông Nơ-khe-mia tái phân bố dân cư và hoàn tất việc xây dựng tường thành Giê-ru-sa-lem. Chương cuối bàn tới những cuộc kinh lược và chấn chỉnh các vấn đề khác của ông Nơ-khe-mia.

Một điều không thể phủ nhận rằng việc tái thiết tường thành Giê-ru-sa-lem là rất quan trọng vì nhờ đó mà dân có được không gian thánh dành riêng cho việc phụng thờ Đức Chúa và tránh được những ảnh hưởng của các tôn giáo ngoại lai. Ngày được chọn để công bố luật Chúa được nhắc ở câu 2 chính là ngày lễ Kèn (Lv 23,23-25) để báo hiệu tháng có những hoạt động tôn giáo được Chúa chỉ định trong các sách Luật. Hình thức công bố luật được tác giả thuật lại rất long trọng (cc.4-8) cho thấy tầm mức quan trọng của luật Chúa đối với dân lúc này, sau thời gian dài chịu cảnh tha hương, lưu đày. Tất cả đàn ông, đàn bà và những đứa trẻ tới tuổi khôn đều ra quảng trường để được nghe luật Chúa (c.2). Các sách luật được hiểu là bộ Ngũ Thư rất dài nên thời gian từ sáng tới trưa thì không thể nào đọc hết được. Có lẽ, ông Ét-ra đã chỉ đọc những đoạn chính yếu mà thôi (c.2).

Các câu 3, 8 và 9 có thể làm đọc giả thắc mắc vì sao lúc thì nói ông Ét-ra là người đọc sách Luật, lúc khác lại nói ông Ét-ra và các thầy Lê-vi đọc sách Luật cho dân. Điều đó có thể hiểu được. Lý do có thể phỏng đoán là vì sách Luật quá dài nên một mình ông Ét-ra đọc thì quá mệt nên ông đã nhờ các thầy Lê-vi đọc phụ. Tuy nhiên, một lý do khác có lẽ khả dĩ hơn là vì vấn đề ngôn ngữ. Từ lần dân đi lưu đày sang Babylon lần đầu tiên năm 597 TCN đến khi hồi hương và tái thiết tường thành Giê-ru-sa-lem (khoảng năm 445 TCN) là thời gian không hề ngắn. Trong thời kỳ biến động về chính trị từ đế quốc Át-sua bành trướng tới đế quốc Ba-tư mở rộng bờ cõi, tiếng A-ram đã trở nên ngôn ngữ phổ biến trong đời sống và giao dịch. Trong khi đó, sách Luật lại được viết bằng tiếng Híp-ri. Do vậy, có lẽ còn rất ít người đọc được bản văn của sách Luật. Chúng ta có thể suy luận rằng ông Ét-ra đã đọc bản văn tiếng Híp-ri và các thầy Lê-vi đã giúp thông dịch sang tiếng A-ram để toàn dân có thể hiểu được.

Một hình ảnh xúc động được gợi lên qua các câu 9-10. Toàn dân bật khóc khi nghe Luật Chúa. Cõ thể đó là vì đã lâu họ chưa được nghe lời Chúa dạy trên vùng đất được hứa ban cho cha ông họ. Cũng có thể đó là vì họ hiểu được rằng vì không trung thành với lề luật mà họ đã phải chịu cảnh ly loạn một thời gian. Tuy nhiên, một lý do khác có thể đoán biết là vì họ đã hiểu rõ được căn tính dân tộc của mình, một dân tộc được Chúa chọn và chúc lành. Dân Do Thái đã khóc vì vui mừng khi nhận ra được căn tính của mình, căn tính đã bị lu mờ trong thời gian lưu đày. Trong bối cảnh như thế, ông Nơ-khe-mia, ông Ét-ra và các thầy Lê-vi đã an ủi và khích lệ dân chúng vui mừng lên vì niềm vui của Thiên Chúa là sức mạnh bảo vệ dân và ngày hôm nay là ngày dành để thánh hiến cho Chúa. Như thế, Thiên Chúa đã ân xá cho toàn dân và hôm nay là ngày vui mừng vì dân được Chúa yêu thương, gìn giữ như lời giao ước.

Khung cảnh vui mừng và long trọng công bố sứ điệp Luật của Chúa cho dân được tái hiện trong bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay (Lc 1, 1-4; 4, 14-21), khi mà Đức Giê-su vào hội đường và công bố lời ân xá của Đức Chúa cho toàn dân được ứng nghiệm.

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj

Tham Khảo

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.817-820.847-848.

John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.308-311.