(Hình minh hoạ từ internet)
Môn học: Triết Ấn
Giáo sư: Hoàng Sỹ Quý, S.J.
Học Viên: Lê Hoàng Nam. S.J.
Đối với Ấn Độ, Upanisad giữ địa vị số một trong cả địa hạt tôn giáo lẫn triết học. Mọi người Ấn đều nhìn nhận uy tín của nó vì nó là cố gắng đầu tiên của người Ấn về mặt suy tưởng triết học và cũng vì nó tiếp tục Veda – Kinh thánh cổ nhất của Ấn Độ. Trong Brhad-Aranyaka-Upanisad (BAU). II.5.9, có câu: “Ātman ấy là Brahman”. Tư tưởng xem Ātman chính là Brahman quả là một tư tưởng cao siêu, và mang đậm tính triết lý. Muốn hiểu được tư tưởng này, thiết tưởng trước hết cần phải tìm hiểu ý nghĩa của Ātman và của Brahman, sau đó, xem xét đến ý nghĩa việc đồng hóa này trong triết học Ấn Độ.
Dẫn Nhập
Đối với Ấn Độ, Upanisad giữ địa vị số một trong cả địa hạt tôn giáo lẫn triết học. Mọi người Ấn đều nhìn nhận uy tín của nó vì nó là cố gắng đầu tiên của người Ấn về mặt suy tưởng triết học và cũng vì nó tiếp tục Veda – Kinh thánh cổ nhất của Ấn Độ. Upanisad là một loại sách đa tạp[1], do nhiều tác giả sáng tác, thu tập, biên ghi, nhưng tựu trung, nội dung của nó gồm bốn điểm chính yếu là (1) chủ trương nhất nguyên thuyết, (2) tên Nhất thể Brahman-Ātman, (3) mục đích là tìm giải thoát chứ không tìm lợi lộc, dù ở dưới đất hay trên trời, (4) đường dẫn tới đích ấy là con đường minh minh trí.
Trong Brhad-Aranyaka-Upanisad (BAU). II.5.9, có câu: “Ātman ấy là Brahman”[2]. Cách chung, Brahman được xem là cái không gian (akasa) bên ngoài con người, lại được đồng hóa với Ātman là cái không gian bên trong con người.[3] Brahman cũng còn được ví như là cái ánh sáng chiếu sáng trên hết mọi cái cao và ở những cõi trời mà cao hơn không còn chi nữa, lại chính là Ātman, cái ánh sáng bên trong con người.[4] Tư tưởng xem Ātman chính là Brahman quả là một tư tưởng cao siêu, và mang đậm tính triết lý. Muốn hiểu được tư tưởng này, thiết tưởng trước hết cần phải tìm hiểu ý nghĩa của Ātman và của Brahman, sau đó, xem xét đến ý nghĩa việc đồng hóa này trong triết học Ấn Độ.
- Brahman là gì?
Có thể nói, Brahman trong Upanisad có nguồn gốc từ Nhất Thể trong Veda. Trong các kinh văn thời Veda, người ta đã thấy len lỏi vào đấy những tư tưởng sặc mùi nhất nguyên (cái MỘT – moniste). Cái MỘT ở đây, lúc đầu chỉ mang tính phẩm định từ hay con số mà thôi, sau mới trở thành một bản tính và một Thể, gọi là Nhất thể. Nhất thể này u minh, huyền bí, không thể quan niệm nổi là cái gì. Ở một số dòng huyền thoại, Ngài có tên là Purusa, hay Prajapati, hay Agni. Trong các kinh brahmana, những tên gọi này được dần dần thay thế bằng danh từ Brahman. Sang đến Upanisad, Brahman vẫn giữ nguyên bộ mặt phiếm nguyên và vai trò nền tảng vũ trụ. Ngài ở trong sự vật vừa như cái phiếm thể, lại vừa như cái phiếm hồn, nghĩa là “cái hồn của tất cả.”[5] Ngài là nền tảng của mọi loài.[6]
Theo ngữ nguyên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng danh từ Brahman là do gốc Brh mà ra, và Brh có nghĩa là “mạnh lên”. Theo Ramanuja, tiếng Brahman chỉ một thực thể “có năng lực bành trướng vô hạn định”[7]. Theo Renou, Brahman còn là năng lực huyền bí “điều khiển bằng ẩn ngữ những liên đới” và trỏ về phía cái Vị mà yếu tính là vô tả. Trong Bhagavad-gita sau này, Brahman được coi như hình thức vũ trụ tính của Tuyệt đối, là cái pháp lực huyền kỳ của Ngài mà nhờ đấy, Ngài tác tạo vũ trụ trên chính thân Ngài.[8] Như vậy, trong suốt dòng biến chuyển về ngữ nghĩa, cốt yếu của ý niệm Brahman gắn liền với vũ trụ và với một cái gì thần thiêng, huyền bí. Brahman trở thành vị Tuyệt đối vừa tàng ẩn trong vũ trụ, vừa vượt xa nó. Là nguyên nhân bản thể của vũ trụ, Ngài đồng thời cũng là nguyên nhân mô phạm của tất cả nữa.
Trong Veda, Brahman liên hệ mật thiết với vũ trụ và bản thân nó cũng đầy tính thần thiêng, huyền bí. Chính Brahman đã sinh ra vũ trụ bằng hiến tế chính mình.[9] Sinh ra vũ trụ rồi, Hóa công (dưới danh hiệu là Brahman hay Prajapati) nhập vào vũ trụ ấy để nó có Ātman (nghĩa là có hồn) và nhờ đó vũ trụ được củng cố, được hoàn thiện (su-krta).[10] Như thế, tất cả mọi vật trong trời đất đều sống động trong Brahman, Chandogya-Upanisad (ChU) .III.14.1 gọi Brahman là tajjalan, nghĩa là Cái mà từ đó vũ trụ sinh ra, trong đó vũ trụ sống và khi tiêu tan đi, vũ trụ trở về. Dù đối với các tiền Upanisad, Brahman phân biệt với tất cả nhưng Ngài cũng có mặt trong tất cả như cái nền tảng và cái Thể của tất cả. Tất cả chỉ có nơi Brahman nên biết được Brahman thì cũng nắm và biết được tất cả.
BAU.II.3.1 và Taittiriya (TU). II.6 cho rằng Brahman có hai hình thức: hình thức thô cục và tinh vi, hiển và vô hiển, khả tử và bất tử, Sat và Tyam. Sau này, Prasna-upanisad đặt tên cho hai hình thức này là Thượng-Upanisad (param brahma) và Hạ-Upanisad (aparam brahma). Ở khía cạnh hạ đẳng, Brahman được đồng hóa với những thực tại hữu hình, biến dịch và khả tử. Ở khía cạnh thượng đẳng, Ngài không có phẩm cách, không có bản vị. Hẳn là hồi đầu, khía cạnh thuần túy siêu việt của Brahman chưa được xác định (như trong Maitry-upanisad sau này). Nói cho cùng, hai hình thức thượng đẳng (chưa hẳn là siêu việt) và hạ đẳng này chỉ là hai khía cạnh của cùng một Brahman.
Nói tóm lại, Brahman là cái Một ở nơi phức số, là an tĩnh giữa biến dịch, là tinh tấn và không vấn vương. Brahman nằm trong vũ trụ như cái nền tảng, cái trung tâm, cái điểm đặc sệt mà từ đó mỗi sự vật tới nhận lấy hữu thể cho mình. Brahman là cái Thực của Thực hữu (Satyasya satyam).[11] Nhưng Ngài cũng siêu việt trên vũ trụ vì nhờ sự hiến tế thân xác Ngài mà vũ trụ mới được sinh ra. Theo Upanisad, Brahman không có hình thức hay màu sắc, do đó, không thể được biết bằng giác năng. Ngài lớn hơn những gì lớn nhất và nhỏ hơn những gì nhỏ nhất, vì Ngài vượt ra ngoài không gian. Lý trí không quan niệm nỗi Ngài nên Upanisad gọi Ngài là Cái ấy (Tat), là Im lặng (santi) và chỉ có thể diễn tả Ngài bằng tiếng tiêu cực Neti Neti, nghĩa là không phải thế này cũng không phải thế kia. Nếu nói theo từ vựng Lão học, Ngài là Đạo vô danh.
2. Ātman là gì?
Brahman là ý niệm quan trọng bậc nhất của Upanisad, nhưng Ātman cũng có một vị thế không kém. Trong các Veda, từ Ātman rất ít được dùng và hẳn là từ Veda đến Upanisad, ý niệm Ātman đã trải qua nhiều biến đổi về mặt nội dung. Về ngữ nguyên của từ này, người ta vẫn chưa tìm được câu trả lời rõ ràng. Thông thường, nguồn gốc của nó xoay quanh bốn chữ: AN (thở), VA (thổi), AT (động) và TMAN (tự mình).
Về mặt ý nghĩa, Atman được dùng nhiều hơn cả với nghĩa “hơi thở (sống)”[12]. Vì mang sức sống trong mình như thế, nên đôi khi Ātman trở thành đồng vị ngữ (apposition) của tiếng khác, trong ý nghĩa “làm cho sống động”. Không những thế, Ātman còn là chính sự sống và là thể xác (cái được sống động do sự sống). Như vậy, Ātman chính là cái nền tảng, cái trung tâm, cái cốt yếu nói chung. Ngoài ra, ý nghĩa của từ Ātman có lẽ còn bị tiêm nhiễm bởi nội dung của đại danh từ Ātman (hợp bởi tiếp đầu ngữ A và đại danh từ TMAN), có nghĩa là chính mình, tự mình, cho mình… Theo thời gian, do thiếu sự chú ý, ý nghĩa của đại danh từ Ātman đã chuyển sang danh từ Ātman làm cho danh từ này có thêm một nghĩa nữa là cái chính mình. Cả hai ý nghĩa nói trên đều nhấn mạnh đến một sức kết tụ, nên mới trùng lắp với nhau trong cùng một tiếng như thế.
Trong Veda, Ātman có khi được dùng để chỉ thân mình đối lập với tứ chi, có khi chỉ hồn sống đối lập với thân thể, khi thì chỉ ngã. Trong Anuvyakhyana (AV).X.8.44, Ātman trở nên cái mà yếu tính là bất tử.[13] Vì thế, theo satapatha brahmana, sở dĩ xưa kia deva và asura chết là vì họ không có Ātman. Isa-upanisad cũng khẳng định rằng ai hủy Ātman (vì không biết bản tính của Ngã là bất tử) thì đi về thế giới tối tăm của quỷ. Vậy có thể coi Ātman là cái hồn làm cho con người sống, biết, muốn và bất tử. Phần nào như nó đã có gì linh thiêng, siêu việt rồi vậy. Nó không hề được coi là sinh ra và biến dịch với vũ trụ. Theo Atharva-veda và Satapatha-Brahmana II.2.2.8-14, Ātman là cái nền tảng cần thiết người ta phải dựa vào để được bất tử.
Sang đến các Upanisad đầu tiên, Ātman còn giữ nguyên những ý nghĩa ấy: cái nền tảng, cái cốt yếu, cái trung tâm, cái chiều sâu cuối cùng của con người, cái chiều sâu bất tử đồng nhất với Tuyệt đối, chiều sâu mà dựa vào đó, con người có thể xưng Tôi trước mặt tất cả những cái khác được coi là Không-tôi, cái khách vật.
Ātman là chiều sâu nội giới của con người và cái chiều sâu ấy đồng thời cũng là trực tri, nghĩa là không còn biết qua biểu tượng hay qua trung gian nữa. Đó là một cái biết không phân biệt khách chủ, tựa như nắm muối tan loãng trong nước, chỉ còn vị muối vậy. Cái biết này thường được đồng hóa với cái biết của người ngủ.[14] Nhờ thứ tri thức siêu đẳng này mà Ngã trở thành nguyên nhân của mọi sự sáng bên trong và bên ngoài.[15] Tuy nhiên, loại tri thức này chưa phải là siêu việt xét về mặt bản tính.
Đến thời Mandukya Upanisad và Maitrya-Upanisad, ta lại thấy xuất hiện một loại tri thức siêu việt, được gọi là trạng thái thứ tư, vượt hẳn trên ba trạng thái Tỉnh, Mơ, Ngủ.[16] Đó là trạng thái không phân biệt đối tượng ngoài hay trong, không còn tri giác và suy tưởng, không còn hiểu biết hoặc diễn tả gì được. Đó là trạng thái thứ tư đồng nhất với Ātman. Cái Ātman ấy vượt ra ngoài sự đo lường. Ngài khác biệt với ba trạng thái kia như thể chỉ có hai phần: một bản tính chung và duy nhất của ba trạng thái đầu và cái kia là bản tính siêu việt của một mình Ngài.
3. Ý nghĩa của câu nói “Ātman ấy là Brahman”
Tư tưởng “Ātman ấy là Brahman” được nói đến trong BAU.II.5.9, một trong những tác văn Upanisad cổ nhất của người Ấn. Khi diễn tả điều này, BAU đã nói đến sự tổng hợp của cả hai mặt của thực tại là khách vật và nội tâm. Sự đồng nhất này mạnh mẽ đến độ hai tiếng này thường dùng lẫn lộn với nhau. Lúc này, chưa có sự phân tách hai phần của Brahman (như đã nói ở trên) nên việc đồng hóa Atman với Brahman có lẽ chỉ nằm ở mức độ người ngủ, chứ chưa đạt mức trạng thái siêu việt. Trong các Upanisad hạ (đặc biệt là Mandukya Upanisad và Maitrya-Upanisad), ta thấy có trạng thái thứ tư và sự phân tách Brahman thành hai bản tính. Hai bản tính này của Brahman cũng là hai bản tính của Ātman.[17]
Sự đồng nhất như thế cho thấy, trong nhãn quan Upanisad, Brahman đã mang tới cho chiều sâu con người cái nội dung vũ trụ tính và thần thiêng, bất tử và siêu việt. Trước đây, con người là thành phần vũ trụ thì nay con người lại bao gồm cả vũ trụ trong mình. Cái Ngã đã trở nên thần thánh và cái siêu việt thể, cái hạnh phúc không nằm ở đâu xa, nhưng nằm ngay trong chính Ngã. Vị Purusa, Đấng đã hiến tế chính mình làm nên vũ trụ, ngự trị trong cái chiều sâu và khuất ẩn của trái tim, nơi giang san của Ngã. Cái Ngã ấy còn là chính thực tại của hơi thở và sự sống. Brahman là Vô cực; Vô cực ấy ở trong tim, trùng khít với chiều sâu của con người, cũng là nền tảng của vũ trụ nữa. Ngoại giới đã trở thành một với nội giới.
Khi Brahman là Ātman, Ngài đã trở thành chiều sâu của con người, và như thế, cứu cánh cũng nằm ngay nơi tâm hồn con người. Trước đây, con người đi tìm cứu cánh ở ngoài mình, xa mình. Giờ đây, bằng minh trí, họ đi vào trong mình và có thể đạt tới cứu cánh ngay ở đời này. Cái minh trí này giúp ta trở nên một với Brahman-Ātman và có được sự hạnh phúc khôn tả. Maitry-Upanisad (MU).VI.34 cho rằng hạnh phúc này không thể phác họa bằng ngôn từ nhưng chỉ dùng tâm trí mà hiểu thôi. BAU.III.5.1 thì nói: biết Ātman ấy rồi thì không còn ước ao con cái, của cải hay sự đời gì nữa; chẳng còn gì ở ngoài để giới hạn ta nữa. Thân xác này có chết đi thì nghiệp cũng hết và không còn tái sinh nữa. Tìm về cái nền tảng sâu thẳm trong mình, con người sẽ thoát ra khỏi vòng biến dịch, không còn luân hồi.
Ta thấy tư tưởng này của người Ấn rất khác biệt với Tây phương. Ở Tây phương, người ta chú trọng đến hình thể, nên luôn phóng mình ra phía ngoài. Càng hướng ngoại, họ càng hướng xuống và chỉ đi tìm vơ vét sở hữu cho mình. Như thế, họ chỉ chú tâm tìm những cái vụn vặt để thỏa mãn cho ham muốn của mình: tiền bạc, lợi danh, khoái lạc… Cứ theo con đường ấy, càng ngày họ càng bị lệ thuộc và sa xuống hố sâu. Trái lại, triết Ấn dạy người ta con đường thăng hoa chính mình bằng cách đi vào sâu trong con người mình. Nơi đấy, họ sẽ thấy được thứ ánh sáng soi đường đích thực, là cái cao cả siêu việt bao trùm vũ trụ đang ngự trị nơi thâm cung cõi lòng mình.
Ngoài ra, ta lại thấy quan điểm này của người Ấn có phần giống với Lão giáo bên Trung Hoa. Theo Lão giáo, cái Đạo – căn nguyên của mọi sự – nằm ở giữa, ngay trong chính con người, tự cái điểm được gọi là Hoa vàng (kim). Muốn gặp Đạo, phải trở về chính cái chiều sâu ấy. Đây không phải là một hình thức bỏ đời nhưng là nhìn đời trong một ánh sáng mới, ánh sáng của Hằng cửu. Cái cao cả nhất không nằm ở đâu xa nhưng nằm ngay trong con người mình rồi.
Kết luận
Ai cũng có một khát vọng hết sức tự nhiên và mãnh liệt là được sống. Thế mà Upanisad lại chủ trương một sự giải thoát khỏi sống, dù là ở chốn dương trần hay trên trời cao. Khúc quặt tôn giáo này quả là một cuộc cách mạng trong tư tưởng người Ấn. “Ātman ấy là Brahman.” Kỳ diệu thay, cái Tuyệt đối lại ở trong mình. Con người phàm trần nhờ đấy đã hóa thành thần thiêng. Cõi lòng nhỏ bé lại là nơi ngự trị của toàn thể cái linh thiêng vũ trụ, của chân lý siêu vời khôn lường khôn tả. Chẳng cần đi đâu xa, về với lòng mình thì sẽ tìm được giải thoát.
Quan niệm như thế, quả thực triết học Ấn Độ đã vừa đi sát với cuộc sống con người, lại cũng vừa chắp cánh cho nó bay vút lên, hòa mình với huyền nhiệm; giúp ta vừa chìm sâu vào nội giới vừa bay bổng lên cao. Thật không sao hiểu nỗi, làm sao từ thời ấy mà người Ấn đã có thể thấu triệt được điều này? Không biết Thượng Trí nào đã ban cho tâm thức người Ấn một minh triết như vậy? Tôi bất chợt nghĩ đến vị Thiên Chúa của mình. Ngài thật cao cả đấy nhưng đã hạ mình, chấp nhận cõi lòng nhỏ bé của tôi làm nơi ngự trị. Ngài vẫn luôn ở đó, chờ đợi tôi đến với Ngài, bằng tiếng khẽ từ bên trong.
[1] Mang danh hiệu là Upanisad thì có đến hơn trăm tập, nhưng Upanisad quan trọng thì không tới hai chục tập (Xem Hoành sơn Hoàng Sỹ Quý, Triết sử Ấn Độ (phần I và II), Sài gòn: NXB. Hưng Giáo Văn Đông, 1970-1974, tr 96)
[2] Tiếng Sankrit: ayam atman brahman. Câu này còn được diễn đạt cách tương tự ở BAU. IV.4.5.
[3] Chandogya-Upanisad. III.12.7-8
[4] Chandogya-Upanisad.VI.8.7
[5] Tiếng Sankrit: vaisvanara-atman
[6] Satapatha-Brahmana.VI.1.1.8
[7] An-avadhika-atisaya-brhat (BS-RBh. I.1.2)
[8] Nhờ sức ôn nhiệt do Dương thể mang tới ủ ấp, trong Mẹ nước (nước nguyên sơ chứ không phải nước theo nghĩa ngày nay) bỗng kết tụ một trứng vàng. Từ quả trứng vàng, con người nguyên sơ thoát sinh. Con người này là Hiến tế, đã được hy sinh đi để vũ trụ từ thân nó phát xuất. (Xem Hoành sơn Hoàng Sỹ Quý, Sđd, tr 103-104)
[9] Một phần làm nên mọi vật dưới đất (cái biến dịch), ba phần còn lại làm nên những sự trên trời (cái bất biến).
[10] Brahman cũng được ví như đất thó, cái chất liệu căn bản mà từ đó, các sự vật như chum, bình… được làm nên.
[11] BAU.II.1.20
[12] RV.I.34.7: Ātman là sinh khí của các cơ thể. Một trong những nguồn gốc của tiếng Ātman chắc đúng là An, aniti, nghĩa là thở.
[13] “Kẻ nào biết Ātman minh trí (dhira), không già (ajara) nhưng trẻ trung (yavana), thì kẻ ấy không sợ sự chết”.
[14] mà sau này còn được đồng hóa với Đêm Brahman, khi tất cả mọi vật được thu hồi vào trong Brahman
[15] Câu chuyện trong BAU.IV.3.2-6: huyền nhiệm sỹ cho rằng thứ ánh sáng cốt yếu và cuối cùng dẫn dắt con người chính là Ngã, ngự trị trong tâm hồn mình.
[16] Mandukya-Upanisad, từ câu 3 đến 7, diễn tả 4 trạng thái: kẻ thức, kẻ mơ, kẻ ngủ say và trạng thái siêu việt.
[17] MU.VII.11.8 nói rằng: “Nơi ba phần, một phần Brahman ở, nơi phần chót, ba phần brahman ở: để thưởng nghiệm cái thực và cái không, đại ngã có hẳn hai bản tính. Phải, Ngài là Vị có hai bản tính”. Đoạn này lấy lại của RV.X.90 về Purusa bốn phần, một phần làm nên vũ trụ, ba phần kia làm nên cái bất tử trên trời. Hình thức bất tử này đã trở nên cái Thể của một Ātman siêu việt và khác biệt hẳn về bản tính với Ātman hạ đẳng.