Bài đọc: (Gr 17,5-8)

17

5ĐỨC CHÚA phán như sau:

Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời,

lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa,

và lòng dạ xa rời ĐỨC CHÚA!

6Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa

chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ,

hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra,

nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy,

trong vùng đất mặn không một bóng người.

7Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA,

và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân.

8Người ấy như cây trồng bên dòng nước,

đâm rễ sâu vào mạch suối trong,

mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì,

lá trên cành vẫn cứ xanh tươi,

gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại,

và không ngừng trổ sinh hoa trái.

Tìm hiểu nội dung bản văn

Ngôn sứ Giê-rê-mia sống ở nửa cuối thế kỷ thứ VII đến đầu thế kỷ thứ VI TCN, thời kỳ thoái trào và sụp đổ của đế quốc Át-sua và thời kỳ hưng thịnh của đế quốc Ba-by-lon. Lúc này, vương quốc Ít-ra-en ở miền Bắc đã sụp đổ, chỉ còn lại vương quốc Giu-đa với Đền Thờ Giê-ru-sa-lem ở miền Nam. Vương quốc Giu-đa nhỏ bé nằm giữa hai đế quốc lớn là Ba-by-lon và Ai-cập vốn đang tiến đánh lẫn nhau để định quyền trên vùng Levante (phía Đông Địa Trung Hải). Trong bối cảnh đó, vua Giu-đa đã không lắng nghe những lời sấm can thiệp của ngôn sứ Giê-rê-mia là hãy tránh đối đầu với Ba-by-lon đang thời thịnh trị để có thể bảo toàn đất nước và Đền Thờ, nhưng toan tính theo suy nghĩ riêng, không tin tưởng vào Thiên Chúa, nên đã ngả mình xin được hỗ trợ từ Ai-cập; để rồi bị Ba-by-lon đánh bại, chuốc lấy cảnh lưu đày cho dân và sự sụp đổ hoàn toàn cho đất nước…

Sách Giê-rê-mia được biên soạn phức tạp và lâu dài, bao gồm 52 chương được phân thành 4 phần (ch.1-25; 26-45; 46-51; 52). Ở phần đầu, ngoài chương 1 kể lại ơn gọi của ngôn sứ Giê-rê-mia, 24 chương tiếp theo của sách Giê-rê-mia trình thuật những sấm ngôn và diễn từ tiêu cực tiên báo sự sụp đổ của vương quốc Giu-đa. Đan xen trong những lời sấm và diễn từ đó là những đoạn trần thuật với giọng văn ai ca, nêu bật tâm trạng nội tâm của chính ngôn sứ (11,18-12,6; 15,10-21; 17,4-18; 18,18-23; 20,7-18). Có thể thấy, đoạn trích (Gr 17,5-8) chúng ta tìm hiểu nằm trong số những đoạn diễn tả tâm tình trong thâm tâm của ngôn sứ Giê-rê-mia trước cảnh nhiễu nhương của thời cuộc.

Dễ dàng nhận thấy đoạn trích (Gr 17,5-8) được chia thành 2 khổ thơ đối xứng giữa một bên là lời chúc lành và bên còn lại là lời chúc dữ. Điểm khá đặc biệt là phần chúc dữ lại được sắp xếp nằm trước những lời chúc phúc. Nội dung của những lời nguyền rủa được dành cho những ai cậy dựa vào sức con người mà quay lưng lại với Gia-vê Thiên Chúa. Mặc dù bản văn không đề cập trực tiếp đến việc thờ ngẫu tượng nhưng hình ảnh lòng dạ xa rời Đức Chúa mà cậy vào sức con người đã nói lên điều đó (c.5). Người như thế bị chúc dữ, mãi bất hạnh và như cây chết khô vì thiếu nước (c.6). Hai câu này thể hiện tâm trạng của vị ngôn sứ đau khổ trước tình cảnh của vương quốc Giu-đa, khi mà vua và dân chỉ toan tính dựa vào sức phàm nhân mà không tin tưởng vào Chúa, lãng quên giao ước với Người. Đối lại, người biết tựa nương nơi Chúa và tin tưởng vào quyền năng hùng mạnh của Người thì được chúc lành (c.7). Người ấy được ví tựa như cây trồng bên dòng nước, lúc nào cũng được tươi tốt và sinh nhiều hoa trái (c.8). Họ trở nên những con người hạnh phúc và bình an. Đây được coi là lời mang hy vọng cứu độ của Đức Chúa dành cho những ai tin tưởng và trung thành với giao ước của Người.

Với nội dung hai khổ theo thể văn thánh vịnh ở trên, chúng ta thấy được hình ảnh hai con đường, hai lối sống: một là cậy vào sức riêng mà không biết kính sợ và vâng theo lời Chúa thì chuốc lấy đau khổ, bất hạnh; một là tin tưởng và sống theo thánh ý Chúa thì được hạnh phúc bình an. Có thể nói rằng chỉ có nhưng ai chọn đặt niềm tin của mình vào quyền năng Chúa và sống theo giáo huấn của Người thì mới được chúc lành mà thôi. Đó cũng chính là lối sống được Chúa chúc phúc mà Đức Giê-su nhắc nhở các môn đệ trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Lc 6,17.20-26).

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj

Tham Khảo

John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.503-504.

Thomas, Dr. Constable’s Notes on Jeremiah, Sonic Light, 2012, tr.17-21.

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.1706-1707.