(Hình ảnh từ internet)
Bài viết môn: Siêu Hình Học
Học Viên: Lê Hoàng Nam, S.J
Cái đẹp không chỉ thu hút sự quan tâm của con người trong đời sống thường ngày; nó còn làm đối tượng suy tư của rất nhiều triết gia trong lịch sử triết học. Plato nói đến ý niệm Đẹp như là cái mà mọi vật hướng về (Symposium 210-212a); Kant dành cả một tác phẩm đồ sộ (Phê Bình Năng Lực Thẩm Mỹ) để bàn về cái đẹp. Người ta thường bàn về cái đẹp và ai cũng phấn đấu để đạt được cái đẹp. Thế nhưng, mỗi người lại có cái nhìn khác nhau về nó. Vậy, cái đẹp là gì? Cái đẹp có tính chủ quan hay khách quan? Ta tìm gặp cái đẹp ở đâu? Bài viết sẽ cố gắng trả lời những vấn đề này.
Cái đẹp không chỉ thu hút sự quan tâm của con người trong đời sống thường ngày; nó còn làm đối tượng suy tư của rất nhiều triết gia trong lịch sử triết học. Plato nói đến ý niệm Đẹp như là cái mà mọi vật hướng về (Symposium 210-212a); Kant dành cả một tác phẩm đồ sộ (Phê Bình Năng Lực Thẩm Mỹ) để bàn về cái đẹp. Người ta thường nói về cái đẹp như điều mà ai cũng phấn đấu để đạt được. Thế nhưng, mỗi người lại có cái nhìn khác nhau về nó. Vậy, cái đẹp là gì; tính chủ quan của nó được thể hiện như thế nào ở cấp độ thường nghiệm cũng như siêu hình, xét như là một trong bốn đặc tính siêu nghiệm của hữu thể?
Thật khó để có thể đưa ra một định nghĩa hoàn toàn đúng đắn và đầy đủ về cái đẹp. Người ta vẫn hay nghĩ về cái đẹp như là cái gợi lên trong mình sự thích thú hay hài lòng, mà không dùng đến những suy tư hay khái niệm nào, nhưng chỉ nguyên bằng việc nhận biết sự vật một cách tự nhiên thôi. Chẳng hạn, khi ta ngắm cảnh hoàng hôn, thấy có những vờn mây giăng cuối trời, có vệt nắng lam chiều đang loang nhạt, rồi chút gió thoảng qua, ông mặt trời dần khuất núi… Ta chỉ hồn nhiên đưa mắt nhìn chiêm ngưỡng, chẳng suy tư biện luận gì, mà tâm hồn thấy an bình thư thái, không mảy may có tham vọng chiếm hữu. Ta thấy trong lòng có chút cảm xúc, gợi lên trong ta sự thích thú an vui. Ta gọi cảnh hoàng hôn ấy là đẹp.
Thật vậy, đánh giá một điều gì đấy là đẹp thường mang tính chủ quan vì chẳng ai có thể đưa ra một tiêu chí chung, phổ quát để dựa vào đó kết luận về mỹ tính của điều ấy. Tuy nhiên, có lẽ nhiều người sẽ đồng ý với Thomas Aquinas rằng một vật sẽ đẹp khi nó có sự hài hòa (cân xứng nơi chính nó và với môi trường chung quanh), khi nó toàn bích (được trau chuốt, mài dũa cách công phu) và khi nó sáng tỏ (có thể được nắm bắt bởi trí năng, thị giác hay thính giác). Thế nhưng, một vật đạt đến mức độ nào là hài hòa, là toàn bích, là sáng tỏ? Chủ quan tính về cái đẹp có lẽ xuất phát từ đây.
Thực tế cho thấy chủ quan tính ảnh hưởng rất nhiều trong việc truy nhận cái đẹp. Cái đẹp có dính dáng phần nào đến sự thỏa mãn mà việc chiêm ngưỡng mang lại; mà sự thỏa mãn của mỗi người mỗi khác. Có người thích những thanh âm của dương cầm, có người mê sự dìu dặt của tiếng sáo, người khác thì chuộng hơn tiếng rộn rã của kèn tây… Màu tím gợi lên nét đượm buồn nơi kẻ này và làm họ thích thú, nhưng màu xanh mới là lựa chọn của người kia. Tranh Picasso có thể thu hút bao con người trên toàn thế giới, khiến họ sẵn sàng bỏ ra cả một sản nghiệp để mong chiếm hữu, nhưng có thể chẳng có ý nghĩa gì với nhiều người khác. Họ không thích, chỉ đơn giản là vì nó không khơi lên sự thích thú nơi họ, chứ chẳng có chuyện đúng sai. Tính chủ quan là thế!
Suy tư siêu hình cố gắng đưa ra lời giải thích cho tính chủ quan này: khi không có sự cân xứng giữa khả năng nhận biết của con người với vẻ đẹp mà con người ấy đang cố nắm bắt, họ sẽ không thấy được cái đẹp. Như thế, có thể nói, bằng cách nào đấy, khả năng của trí năng quy định cái đẹp, nó khiến mỗi người có thể nhận thức được cái đẹp hay không. Theo đó, nếu có người không thấy được cái đẹp thì có thể do khả năng nhận biết của anh ta chưa ngang tầm với cái đẹp đang tiềm ẩn nơi sự vật mà anh chiêm ngắm. Một người không có kiến thức về nghệ thuật thật khó có thể hiểu những bức tranh trừu tượng muốn diễn tả điều gì.
Thực ra, dù việc cảm nhận cái đẹp có thể tùy mỗi người, nhưng bản thân cái đẹp thì vượt trên con người. Đẹp là đẹp tự tại nơi sự vật. Cái đẹp do số đông gán ghép thì chỉ là ý kiến và rất mau qua (ví dụ như những bài hát tuổi teen có một thời gian rất nổi nhưng rồi nó cũng bị giới hạn bởi thời gian). Còn cái đẹp tự thân sẽ tồn tại lâu dài (chẳng hạn như có những bài hát mà ta gọi là bất hủ). Nó đẹp, ta mới yêu thích nó, chứ ta không gán cái đẹp cho nó, dù rằng trong khá nhiều trường hợp, cảm nhận của ta bị ảnh hưởng bởi cái bề ngoài hay bởi tập quán, thành kiến có sẵn. Cái đẹp nơi sự vật thì nằm trong nội tại của nó, nhưng nó có thể cân bằng với tri giác của người này mà không cân bằng với người khác. Chính điều ấy đã là nguyên do cho tính chủ quan về cái đẹp mà mọi người vẫn hay nói tới.
Theo quan điểm của Kant, cái đẹp mang tính phổ quát, nghĩa là ai cũng phải đồng ý rằng nó đẹp. Bởi lẽ, để đánh giá một vật là đẹp, ta phải gạt bỏ hết mọi tư lợi, thành kiến… để cái đẹp tự tỏ lộ cho ta. Như thế, khi đã tự do hoàn toàn, ra khỏi sự chủ quan, thì cái đẹp mà ta cảm nhận đã vươn đến tầm phổ quát.[1]
Quan điểm này của Kant nghe có vẻ hợp lý nhưng rất khó thực hiện, vì lẽ ta không thể nào thoát ra khỏi trí năng ta được. Hễ còn có sự bất tương xứng giữa cảm thụ của trí năng và vẻ đẹp mà ta chiêm ngưỡng thì chủ quan tính trong việc nhận biết cái đẹp vẫn còn. Điều cần thực hiện là phải giáo dục, bồi bổ thêm tri thức để có thể đưa hai yếu tố này đến sự cân bằng. Có như thế, trí năng ta mới có thể bắt gặp được nét đẹp đang ngự trị trong sự vật mà ta đang chiêm ngắm.
Chẳng hiểu vì sao, nhưng có lẽ ai cũng muốn bản thân trở nên đẹp. Nhìn dưới khía cạnh siêu hình, cái đẹp dường như không phải là điều gì đó xa xôi để con người cố gắng tìm về; nó ở ngay bên, nếu không muốn nói là ngay trong lòng hiện hữu. Hiện hữu nào cũng mang trong mình nét đẹp, nét đáng quý, nét khiến người ta vui thỏa khi lặng nhìn. Chủ quan tính của chủ thể trong việc cảm nhận cái đẹp xảy đến khi không có sự cân bằng giữa trí năng với cái đẹp đang hiển lộ cách ẩn kín trước mặt mình. Thế nên, khi đạt được sự cân bằng này, cái đẹp sẽ được tỏ lộ cho ta.
[1] x. SAMUEL ENOCH STUMPT, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, chuyển dịch bởi Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy, Hà Nội, NXB Lao động, 2004, tr 261.