Bài đọc: (Gr 1, 4-5.17-19)
1
4Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng:
5“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi;
trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi,
Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.”
17Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng.
Hãy trỗi dậy! Hãy nói với chúng
tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi.
Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ;
nếu không, trước mặt chúng,
chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn.
18Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi
nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ:
từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh,
các tư tế và toàn dân trong xứ.
19Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được,
vì –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA–
có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.”
Tìm hiểu nội dung bản văn
Các nhà nghiên cứu bản văn Kinh Thánh nhìn nhận rằng sách Giê-rê-mia là bộ sách được biên soạn qua nhiều giai đoạn và chất liệu khá phức tạp. Dựa vào bản văn hiện thời, chúng ta có thể xác lập cấu trúc của bộ sách.
Ở chương 1-25, sau phần giới thiệu về ơn gọi của ngôn sứ (chương 1) là một loạt các lời lên án, tố cáo lối sống sa đọa của vua và con cái nhà Giu-đa. Kế đến, chương 26-45 là phần trình thuật “thương khó” của Giê-rê-mia, trong đó có phần sách An Ủi (chương 30-31). Chương 46-51 có nội dung sấm ngôn chống lại dân ngoại. Cuối cùng, chương 52 của sách trình thuật về lịch sử thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ. Như thế, đoạn sách chúng ta sắp tìm hiểu nằm ngay phần đầu giới thiệu về ơn gọi và cái giá phải trả của việc lãnh nhận sứ mạng ngôn sứ của Chúa.
Trong trình thuật giới thiệu về ơn gọi của ngôn sứ Giê-rê-mia (Gr 1,2-19), phần giới thiệu ơn gọi được nhấn mạnh ở các câu 4-10 và 17-19. Trong cụm đối xứng ấy, Giê-rê-mia được gọi bằng ngôi thứ hai số ít, “אַתָּה” – “ngươi”. Điều đó chứng thực việc ngôn sứ được Chúa gọi. Cấu trúc nội dung song đối được lặp lại trong hai cụm bản văn đối xứng. Không xét các câu 6-16, có thể tạm coi các câu 4-5 là phần mở đầu và 17-19 là phần nội dung trình thuật ngôn sứ được Đức Chúa gọi.
Ngay câu 4-5, nội dung của bản văn cho thấy Đức Chúa đã chọn gọi Giê-rê-mia để làm ngôn sứ cho Người ngay từ khi vị ngôn sứ chưa hình thành trong dạ mẹ (x.Is 6; Ed 1-3; Am 7,10-17). Sứ mạng ngôn sứ không chỉ nhắm đến đối tượng là con cái nhà Giu-đa nhưng là cho mọi dân tộc (x. Gr 46-51). Ngay sau đó, các câu 17-19 cho thấy sứ mạng và cái giá phải trả cho việc lãnh nhận sứ mạng ngôn sứ. Người ấy sẽ mạnh dạn nói lời của Đức Chúa (x. Xh 12,11; 2V 4,29) và vì lời Chúa mà trở thành cái gai trong mắt nhiều người, từ vua chúa, tư tế, đến toàn dân. Đối lại, Đức Chúa cũng hứa sẽ làm cho vị ngôn sứ trở nên mạnh mẽ khiến không ai có thể đánh gục được. Như một chiến binh của Đức Chúa, vị ngôn sứ hiên ngang tiến vào trận chiến với những kẻ chống đối vì biết chắc chắn rằng Đức Chúa hùng mạnh ở với Ngài và sẽ giải thoát Ngài như lời chính Chúa đã hứa (c.19).
Có thể thấy, ơn gọi và sứ mạng của ngôn sứ Giê-rê-mia như vị chiến binh của Đức Chúa là hình bóng tiên trưng cho Đức Giê-su trong trình thuật Tin Mừng hôm nay (Lc 4,21-30). Trong đó, Đức Giê-su loan báo căn tính và sứ mạng của mình nhưng dân làng Nazareth đã không đón nhận và họ tấn công Người. Tuy nhiên, không ai có thể làm Đức Giê-su nản lòng trước sứ mạng mà Chúa Cha đã ủy thác cho Ngài.
Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj
Tham Khảo
John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.487-491.
Thomas, Dr. Constable’s Notes on Jeremiah, Sonic Light, 2012, tr.17-21.
CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011.