(Hình ảnh từ Internet)
1. Lời Chúa
4 Trong cuộc hành trình lên núi Khô-rếp, ngôn sứ Ê-li-a đi một ngày đường trong sa mạc. Ông đến ngồi dưới gốc một cây kim tước. Ông xin cho được chết và nói: “Lạy ĐỨC CHÚA, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.”5 Rồi ông nằm dưới cây kim tước đó và thiếp đi. Nhưng này có một thiên sứ đụng vào người ông và nói: “Dậy mà ăn! “6 Ông đưa mắt nhìn thì thấy ở phía đầu ông có một chiếc bánh nướng trên những hòn đá nung và một hũ nước. Ông ăn bánh, uống nước, rồi lại nằm xuống.7 Thiên sứ của ĐỨC CHÚA trở lại lần nữa, đụng vào người ông và nói: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa.”8 Ông dậy, ăn bánh và uống nước. Rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa. (1V 19,4-8)
2. Tìm hiểu 1V 19,4-8
Sau khi xin Chúa cho lửa xuống nhận của lễ toàn thiêu trên núi Các-men để chứng tỏ cho dân Ít-ra-en biết Người thật là Đức Chúa Toàn Năng, có nhiều người (nhất là những người tin theo thần Ba-an) căm thù tiên tri Ê-li-a vì đã làm họ mất tầm ảnh hưởng. Khi ấy, vua A-kháp cứng lòng tin đã kể mọi chuyện mà ông Ê-li-a đã làm cho bà I-de-ven. Bà ta đã cho người tới dọa sẽ tìm giết ông Ê-li-a. Do vậy, ông trỗi dậy và trốn vào hoang mạc, tiến dần về núi Khô-rếp để thoát thân.
Câu 4: Chính Ê-li-a tự mình đi một ngày đường vào trong hoang mạc Ả Rập. Ông không cảm thấy an toàn chừng nào chưa vượt ra khỏi lãnh thổ Giu-đa. Ông dừng chân nghỉ dưới gốc cây kim tước (רֹתֶם), không phải là cây bách xù tán rộng nhưng là một giống câu xòe hình rẻ quạt, ít chút bóng râm có thể chắn bụi cát sa mạc, thường thấy ở khu suối nước và các thung lũng vùng bán đảo Sinaitic. Dưới gốc cây này là nơi có thể tránh gió nóng và nắng mà người ta hay chọn để dựng trại, ngồi nghỉ hay ngủ một giấc. (Robinson, Palestine I. tr. 203).
Giống như một số tiên tri như Mô-sê và Giô-na, tiên tri Ê-li-a cũng có lúc thốt lên lời cầu xin được chết. Cụm từ “đủ rồi” không có nghĩa là “xét như một con người, tôi sẽ phải chết nên tôi ước gì chết ngay lúc này” hay “tôi đã chịu quá nhiều đau khổ rồi”; nhưng là “tôi đã sống đủ lâu rồi.” Cũng có nhà chú giải cho rằng lúc này, tiên tri Ê-li-a đã kiệt sức vì mệt mỏi và áp lực. Ông bị nắng nóng thiêu đốt, cơn đói cào cấu ruột gan, tâm hồn thì nặng trĩu. Những điều đó dường như tăng gấp đôi trong sự tĩnh mịch của hoang mạc và khiến ông thiếp đi.
Theo sau đó là một câu: vì tôi chẳng hơn gì cha ông. Có người cho rằng ông thấy mình không đáng để được sống thọ như các tiền nhân. Thực ra, sống lâu, tuổi già, nhìn dưới nhãn quan Cựu Ước thì đó là món quà đặc biệt mà Chúa ban (Tv 61, 7; 102, 25; Châm ngôn 3, 2; 4,10; 09,11; 10,27). Tuy nhiên, có lẽ ở đây, ông Ê-li-a muốn nói rằng mình chỉ là một con người yếu đuối, không mạnh mẽ hơn các bậc cha ông, cũng như những người đi trước, ông cũng không thể làm một cuộc cách mạng thay đổi thế giới. Quả thật toàn bộ cuộc đời và sứ mạng của Ê-li-a không có mục đích nào khác ngoài việc đưa con cái Ít-ra-en quay trở lại với Thiên Chúa của họ; vì để đạt mục đích này mà ông phải gánh chịu những vất vả và cùng cực.
Thật ra, trước đó, khi ở trên núi Các-men, ông nghĩ rằng mình đã đạt được cùng đích thì hàng loạt sự kiện bất thường và khó hiểu xảy đến; trong sự thánh thiện nhất và sự hy vọng được chúc phúc nhất của mình, ông lại thấy mình bị thất vọng, vua và dân bỏ rơi ông, toàn bộ công lao và khó nhọc đời ông là vô ích; nơi sâu thẳm nhất, nỗi đau khổ đầy cay đắng tràn ngập tâm hồn ông. Trong tâm trạng ấy, ông bắt đầu hành trình vào hoang mạc; và giờ đây, khi ông ngồi đó với nỗi mệt mỏi và kiệt sức, nỗi đau khổ và buồn bực kéo ghì mặt ông xuống, thì điều tự nhiên và con người hơn với ông, một người bị đau khổ suốt nhiều năm, là cầu xin Chúa cất khỏi mình những gánh nặng và cho mình đến bước đường còn lại của cuộc đời; “đó là nỗi buồn đau thánh thiện mà người thường không thể có, đang bao trùm lấy ông lúc bấy giờ và khiến ông phải thốt lên lời nguyện: Đủ rồi!” (Menken.).
Câu 5-8. Một thiên thần chạm vào Ê-li-a. Mặc dù từ ngữ מַלְאָךְ ở câu 2, dùng trong sứ điệp của I-de-ven, nhưng ở đây nó không ám chỉ đến một sứ giả nhân loại mà là sứ giả của Thiên Chúa (5,7). Các thiên sứ thường được thấy thời các tổ phụ (St 18,2-6; 19,1-22; 28,12; 32,1.24-29) và thời các thủ lãnh (Tl 6,11-21; 13,3-20), giờ đây được nối dài tới Ê-li-a.
Trong câu 6, chi tiết bánh nướng trên hòn đá nung chỉ diễn tả rằng Ê-li-a đã tìm thấy một chiếc bánh của người Ả-rập thường ăn thời ấy. Chiếc bánh ấy được tả như chiếc gối với cụm từ “ở phía trên đầu ông”.
Thiên sứ đã đụng vào Ê-li-a và gọi ông dậy ăn. Ông ăn xong nhưng dường như chưa hết mệt nên lại nằm nghỉ tiếp. Đến lần thứ 2, thiên sứ gọi ông dậy ăn rồi nói thêm rằng hành trình Ê-li-a đi sẽ không đơn giản, sẽ vượt ngoài sức của ông. Thực ra, quãng đường Ê-li-a đi chỉ khoảng 200 dặm. Nếu đi bộ thì mất chừng 1 tuần là có thể tới núi Khô-rếp. Qua việc nhắc nhở của thiên sứ, chúng ta được nhắc lại về hình ảnh dân Do Thái vượt qua sa mạc sau khi rời khỏi Ai-cập. Quãng đường ấy cũng chỉ mất khoảng 40 ngày nhưng dân đã phải tốn mất 40 năm để thực hiện nó.
Trong câu 8, nhiều nhà chú giải thời xưa hiểu rằng Ê-li-a không có thứ lương thực nào nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy, không loại trừ khả năng tiên tri Ê-li-a đã ăn rễ cây hay thứ quả của những cây ông thấy dọc đường đi. Mặc dù vậy, nếu chỉ riêng có những thứ thức ăn vừa kể trên thì chẳng thể đủ nuôi sống ông. Do đó, chúng ta tin tưởng rằng, bằng nhiều cách, Thiên Chúa đã bổ sức và nâng đỡ tiên tri Ê-li-a trên đường. Điều này cũng khiến chúng ta liên tưởng ngay đến Tấm Bánh Hằng Sống, Bánh Trường Sinh là chính Đức Giê-su Ki-tô và hiểu thêm rằng “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi lời Thiên Chúa phán ra” (Mt, 44; Đnl 8,3; Kn 16,26).
Tác giả: Giuse-Tuân Vũ Chí Thành SJ
Tham khảo
- Lange, J. P., Schaff, P., Bähr, W., Harwood, E., & Sumner, B. A. (2008). A commentary on the Holy Scriptures : 1 Kings (tr.218). Bellingham, WA: Logos Research Systems, Inc.
- Fuller, A., Barnes’ Notes on the Bible Vol.3: 1 Samuel-Esther, Ages Software Rio, WI USA, 2000, tr.266-268.