Jean Scot Erigene
(815-877)

Môn học: Triết học Trung Cổ
Giáo sư: Đậu Văn Hồng
Học viên: Đoàn Công Trình, S.J.

 

Theo dòng lịch sử triết học, Jean Scot Erigene là một nhân vật đã có những đóng góp đáng ghi nhận về mặt dịch thuật cũng như chính các tác phẩm của ông. Với tác phẩm De Divisione Naturae, Erigene đã tạo nên một nhịp cầu  nối kết đôi bờ tư tưởng Đông – Tây, giữa Hylạp và Latinh. Cách cụ thể, “Sự Phân Chia Thứ Nhất” trong tác phẩm là điểm mấu chốt cho thấy điều đó. Vậy, “Sự Phân Chia Thứ Nhất” là gì, và nó đã làm sáng tỏ vai trò cầu nối của Erigene ra sao?

 

Dẫn nhập

Nếu cần một nhịp cầu để nối đôi bờ tư tưởng Đông – Tây, giữa Hylạp và Latinh, thì nhịp cầu ấy có lẽ sẽ mang tên Jean Scot Erigene[1] (810 – 877). Thật vậy, chẳng những việc dịch rất nhiều tác phẩm từ Hylạp sang Latinh nói lên tầm quan trọng về tri thức của vị tu sĩ này, mà những công trình của riêng ông, đặc biệt là tác phẩm De Divisione Naturae[2]“Phân Chia Thiên Nhiên”- đã làm rõ vai trò là người nối kết và hòa giải giữa đôi bờ tư tưởng ấy. Tác phẩm của ông ra đời trong bối cảnh giao tranh văn hóa giữa Latinh và Hylạp dưới thời cải cách văn hóa của vua Charles ở thế kỷ thứ IX. Nó như là một nỗ lực dung hòa  giáo lý Kitô giáo, đặc biệt triết học của thánh Âutinh với Tân Plato, theo đường hướng và ngôn ngữ của Tân Plato. 

Từ lối tiếp cận cụ thể với bản văn, người viết cố gắng diễn tả những cách thức giải thích “Sự Phân Chia Thứ Nhất” trong cuốn thứ nhất của tác phẩm “Sự Phân Chia Thiên Nhiên.” Thế nên, sau khi nói ngắn gọn về tác phẩm và sự phân chia thiên nhiên, thì những cách thức giải thích sự phân chia thứ nhất sẽ được trình bày. Sau mỗi cách thức, người viết cố thử nối kết hoặc so sánh tư tưởng của Erigene với một hay hai tác giả khác, rồi mạo muội đưa ra một vài nhận định.

  1. Tác Phẩm “Phân Chia Thiên Nhiên” và “Sự Phân Chia Thiên Nhiên”

Tác phẩm “Phân Chia Thiên Nhiên” gồm năm cuốn, được viết vào khoảng năm 862 – 867 theo kiểu đối thoại giữa một vị thầy ẩn danh và học trò. Cuốn thứ nhất nói về thiên nhiên như một sự tự tỏ lộ của Thiên Chúa; cuốn thứ hai bàn về nguyên nhân nguyên thủy của thiên nhiên; cuốn thứ ba bàn về hậu quả tạo dựng; cuốn thứ tư bàn về việc sáng tạo từ hư không; và cuốn thứ năm bàn về cuộc trở về với Thiên Chúa của thụ tạo. Qua tác phẩm này, người ta có thể thấy rằng: với Erigene, mọi vật đều do Thiên Chúa, khởi đi từ Thiên Chúa và sau cùng cũng trở về với Ngài.

Theo Erigene, “thiên nhiên” [hay tự nhiên] phải là ‘toàn bộ thực tại,” nghĩa là bao gồm cả những vật hiện hữu và không hiện hữu. Như thế, thiên nhiên không chỉ là thế giới tự nhiên hay công trình tạo dựng, nhưng biểu thị mọi vật hiện hữu hay không hiện hữu, kể cả Thiên Chúa và mọi thực tại siêu nhiên. Do đó, ông phân chia toàn thể thiên nhiên (bao gồm cả Thiên Chúa lẫn các thụ tạo) thành bốn loại: (1) thiên nhiên tạo dựng và không được tạo dựng- nghĩa là Thiên Chúa được xem như là Đấng tạo dựng mọi loài; (2) thiên nhiên được tạo dựng và tạo dựng- các ý niệm của Thiên Chúa vốn được sáng tạo bởi Thiên Chúa và đến phiên chúng, tạo ra các cá thể; (3) thiên nhiên được tạo dựng và không tạo dựng- các cá thể được tạo dựng bởi các ý niệm của Chúa; và (4) thiên nhiên không tạo dựng và không được tạo dựng- Thiên Chúa là cùng đích của mọi loài. Từ sự phân chia đó, Erigene đưa ra năm cách thức giải thích “sự phân chia thứ nhất” mà ông coi đó như là sự phân chia nền tảng, để suy xét thế nào là vật hiện hữu hay không hiện hữu.

  1. Những Cách Giải Thích “Sự Phân Chia Thứ Nhất”
  2. Cách thứ nhất: theo tính khả giác

Trước hết Erigene muốn giải thích vật hiện hữu hay không hiện hữu dựa vào tính khả giác về vật ấy. Theo cách này, các sự vật có thể thâu nhận và hiểu biết bằng các giác quan hay trí hiểu thì hiện hữu; trong khi các sự vật hay các đối tượng vượt quá tính khả giác của chúng ta thì không hiện hữu. Theo cách thức của tính khả giác, Thiên Chúa không hiện hữu vì chúng ta không thể nhận biết khả giác về Ngài. [3]

Tuy nhiên, lý trí cũng phải công nhận còn có những thực tại không thể nhận biết trực tiếp bằng cả giác quan lẫn trí năng vì nó siêu vượt trên tất cả những gì ta có thể nắm bắt được. Thực tại ấy, nếu được hiểu chính xác, đó là Thiên Chúa. Thế nhưng, “Thiên Chúa không thể nhận biết bằng yếu tính vì không một yếu tính hay một bản chất nào là khả tri về chính mình.”[4] Thiên Chúa không thể bị giản lược thành đối tượng để nhận thức được. Thật ra, khi nói Thiên Chúa không thể nhận biết, Erigene muốn tránh cách nói khẳng định sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thiên Chúa vượt trên mọi hữu thể, nên ta không thể dùng các phạm trù như phẩm tính, lượng tính, vị trí, thời gian, v.v., để nói về Thiên Chúa. Chính thánh Âutinh cũng nói rằng, “nói Thiên Chúa không phải là cái gì thì dễ hơn định nghĩa Thiên Chúa là cái gì.”[5] Thật vậy, Thiên Chúa siêu vượt tất cả những gì có thể quan niệm được.         

  1. Cách thứ hai: theo tương quan trong cấp trật hiện hữu

Cách thức thứ hai là xem xét đến tương quan trong những cấp trậtnhững sự khác biệt của thiên nhiên được tạo dựng. Trong trật tự của thiên nhiên được tạo dựng, bắt đầu từ những hữu thể có năng lực hiểu biết – các thiên thần là những hữu thể cao nhất và gần Thiên Chúa nhất, đi xuống dưới là những thụ tạo có lý trí, tức con người, và không có lý trí là các sự vật gồm cả các nguyên lý của sự sống như dinh dưỡng và sự tăng trưởng. Đó là việc suy xét trật tự thứ bậc từ thiên nhiên tạo dựng đến với thụ tạo bé nhất.[6] Bên cạnh đó, Erigene sử dụng sự khác biệt trong các cấp trật qua việc kết hợp sự khẳng định và phủ định hữu thể. Theo cách này, một sự khẳng định về cấp trật thấp hơn thì sẽ phủ định các cấp trật cao hơn, và ngược lại. Chẳng hạn, “nếu con người là hữu thể, thì các thiên thần và Thiên Chúa không là hữu thể; ngược lại, nếu con người không là hữu thể, thì Thiên Chúa và thiên thần là hữu thể.”[7] Vậy, nếu ta nói con người hiện hữu thì thiên thần và Thiên Chúa không hiện hữu, hay trái lại. Thế nhưng, một mặt lý trí thuyết phục chúng ta rằng, chúng ta phải xác quyết vào sự hiện hữu của con người, nhưng mặt khác chúng ta cũng phải chân nhận rằng có những thực tại chúng ta không thể nắm bắt được vì chúng siêu vượt quá khả năng khả giác của ta, như đã bàn luận ở cách thức giải thích thứ nhất.

Theo Erigene, khi ta nói phủ định về một vật gì thì chúng ta phủ định thuần túy. Nhưng khi ta nói phủ định về Thiên Chúa, thì có nghĩa là ngài siêu vượt hơn tất cả những gì ta có thể cảm nghiệm hay diễn tả nơi các thụ tạo. Do đó, Erigene sử dụng “phương pháp phủ định”[8] của ông Dionysius, theo cách biện chứng, bằng ‘dạng thức hơn’ qua việc thêm vào từ “siêu” trước các thuộc tính nói về Thiên Chúa. Ông cho rằng, vì chúng ta không thể nói chính xác về Thiên Chúa dù ở thể khẳng định hay phủ định, nên “dạng thức hơn” có vẻ phù hợp hơn cả. Ví dụ, khi ta nói: “Thiên Chúa hiện hữu” thì ngay tức khắc ta phải nói: “Thiên Chúa không hiện hữu,” nhưng rồi ta phải đi đến kết luận “Thiên Chúa thì siêu hiện hữu.” Tuy “dạng thức hơn” không nói bất cứ điều gì cho ta về Thiên Chúa nhưng nó giúp ta ý thức tính siêu việt của Thiên Chúa khi buộc lòng ta phải giải thích hay nói về Ngài.

  1. Cách thứ ba: suy xét tính hiện thực của vật

Phương thế thứ ba để giải thích là xem xét vật trong hiện thực của nó hay vật biểu lộ trong hiện tại. Điều này có nghĩa là chỉ những vật nào có trong hiện thực, mới được gọi là hiện hữu, còn vật nào vẫn đang ở thể tiềm năng, thì không được coi là hiện hữu. Như thế, một vật được coi là hiện hữu khi chúng ở trong tình trạng của hiện thể, nghĩa là tình trạng đã được tỏ lộ ra qua mô thức, chất thể, nơi chốn hay thời gian. Bao lâu nó chưa tỏ lộ ra dưới dạng mô thể, chất thể, nơi chốn hay thời gian thì không được xem là hiện hữu. Dẫu cho “trong thời gian ngủ” của chúng, khi tiềm năng của những thụ tạo chờ đợi vươn lên, nó vẫn không được xem là hiện hữu. Nó chỉ được coi là hiện hữu khi nó được tỏ lộ trong việc sinh ra, lớn lên, hay đơm bông kết trái.[9]

Thánh Âutinh cũng bàn về điều này trong “nguyên lý hạt giống,” khi cho rằng tiềm thể tính có sẵn nơi vật. Thật vậy, Thiên Chúa đã tạo nên mọi sự rồi, nhưng Thiên Chúa không cho chúng cùng xuất hiện ở một thời điểm như nhau. Tuy nhiên, ngài không xác định hiện hữu như Erigene đang làm. Vì đối với thánh Âutinh, Thiên Chúa là hiện thể thuần túy hay cao nhất. Ngài luôn luôn có như Ngài phán trong Thánh Kinh: ‘Ta là Đấng Ta Là’- Ta là hiện hữu. Vậy, bản chất của Ngài là tồn tại. Nơi Thiên Chúa không có sự thay đổi từ không hiện hữu sang hiện hữu hay ngược lại.[10]

  1. Cách thứ tư: theo nhận thức bằng trí hiểu

Theo cách này, chỉ những vật nào được chiêm ngắm bằng trí năng mới là thật. Những vật được sinh ra qua việc mở rộng hay rút gọn của vật chất, và những sự can thiệp cũng như dịch chuyển của không gian và thời gian làm chúng thay đổi, mang chúng lại với nhau, hoặc làm tan rã thì không thật, nên chúng không hiện hữu. Những vật như thế thì không được coi là hiện hữu. Chẳng hạn, thân xác thì không được coi là hiện hữu vì nó có đó rồi lại mất đi.[11]

Người ta ta có thể nhận âm vang của học thuyết về sự soi sáng của thánh Âutinh ở cách thức thứ tư này. Thánh Âutinh cho rằng trí hiểu của chúng ta có được là do sự soi sáng của Thiên Chúa vào trong chúng ta. Như thế, trí hiểu của chúng ta có khả năng chiêm ngắm những thực tại vĩnh cửu, mà những thực tại vĩnh cửu vốn là Thiên Chúa mới là thật. Thực ra, “chiêm ngắm” cần được hiểu theo nghĩa là nhờ trí năng ta có thể vượt qua những giới hạn của nhận thức do tính chất thay đổi của đối tượng vật chất, còn Thiên Chúa thì vĩnh cửu, không thay đổi. Vì thế, Ngài hiện hữu.[12]

  1. Cách thức thứ năm: cụ thể hóa hình ảnh của Thiên Chúa

 Theo Erigene, những ai bị xa rời khỏi Chúa vì tội lỗi thì không hiện hữu, trong khi những ai được Thiên Chúa tái tạo nhờ ân sủng của Ngài thì hiện hữu. Khi con người đã đánh mất hình ảnh thánh thiêng và phẩm giá do phạm tội, con người không còn là hữu thể nữa. Nhưng khi họ được phục hồi bởi ân sủng của Người Con Yêu Dấu Duy Nhất của Thiên Chúa, con người được trở về với tình trạng nguyên thủy, nghĩa là trở lại bản chất trước đây là thụ tạo giống hình ảnh của Thiên Chúa. Chính lúc ấy con người được coi là hiện hữu.[13]

Erigene muốn đề cao vai trò của ân sủng như thánh Âutinh khi ngài giải thích rằng: những con người đầu tiên đã lạc lối và đã sa ngã trong một tình trạng không có sự sống (non-subsistence), nhưng nhờ vào Thiên Chúa mà mọi thụ tạo được hiện hữu và sống động. Thiên Chúa Cha kêu gọi con người ngang qua đức tin vào Người Con để họ được tái sinh trong Đức Kitô. Điều này cũng được hiểu về những người hằng ngày được Thiên Chúa gọi tiến về phía trước, nơi họ được được hiện hữu, được tỏ lộ trong toàn thể.[14]  

III. Một Vài Ghi Nhận

Bằng lối nói phủ định sự hiện hữu của Thiên Chúa qua cách thức thứ nhất và thứ hai, Erigene khéo léo đưa tới kết luận Thiên Chúa hiện hữu. Qua hai cách thức đầu tiên này, ta thấy Erigene đã vận dụng thuần thục phương pháp phủ định của cả thánh Âutinh lẫn Dionysius để giải thích cho tư tưởng mình. Như thế, ông cho rằng, dù chúng ta không thể nhận thức khả giác về Thiên Chúa, nhưng như lý trí đòi hỏi, chúng ta phải chân nhận có những hữu thể siêu việt vượt khả năng nhận thức của chúng ta. Sự hiện hữu của Thiên Chúa siêu việt hơn tất cả những gì ta có thể suy nghĩ và diễn tả.

Tiếp đến, ở cách thức thứ ba, ông dùng phương pháp khẳng định để chứng minh Thiên Chúa luôn luôn hiện hữu. Ở điểm này, ông đứng trên lập trường của thánh Âutinh khi cho rằng Thiên Chúa là hiện thể thuần túy nên Ngài luôn luôn hiện hữu. Thứ đến, ông giải thích vấn đề làm sao trí hiểu của chúng ta có khả năng vượt qua các đối tượng giác quan và thực hiện các phán đoán về các chân lý tất yếu và vĩnh cửu. Tư tưởng này hẳn là dựa trên nền của thánh Âutinh. Cuối cùng, bằng cách khẳng định vai trò của ân sủng, Erigene cho thấy con người là sự cụ thể hóa hình ảnh của Thiên Chúa. Càng sống trong ân sủng, con người càng giống Thiên Chúa, và càng sống trong tội lỗi, con người càng đi xa Ngài. Vậy, qua con người, ta biết được Thiên Chúa có, Ngài hiện hữu.

           Với năm cách thức giải thích “sự phân chia thứ nhất,” ta có thể thấy Erigene đã vận dụng tư tưởng của thánh Âutinh để làm nền tảng cho triết học của mình. Đồng thời, ta cũng thấy tư tưởng của Dionysius có ảnh hưởng sâu sắc trên triết học của Erigene, qua việc ông vận dụng cách thuần thục phương pháp phủ định và cách nói về Thiên Chúa và yếu tính của Ngài. Quả thật, Erigene không có sự tách biệt giữa Đấng Sáng Tạo và thụ tạo, nhưng có mối tương quan chặt chẽ vì Đấng Sáng Tạo tỏ lộ qua khả năng và các cấp trật thiên nhiên. Nói khác đi, ông không tách Đấng Sáng Tạo ra khỏi công trình tạo dựng của Ngài. Và như thế, nó cho thấy sự tỏ lộ của Thiên Chúa nơi Thiên nhiên. Do đó, năm cách thức giải thích về “sự phân chia thứ nhất” như “những luận chứng” nhằm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa vốn được xem là nền tảng của mọi vật, dù hiện hữu hay không hiện hữu. Như thế, Erigene đã dùng triết thuyết của mình để nối kết đôi bở tư tưởng Hylạp và Latinh, và giữa Kitô giáo và Tân Plato.

           Tuy nhiên, ta thấy năm cách giải thích của ông Erigene dường như chỉ dừng lại ở thể tĩnh khi xem xét sự vật mà thiếu đi tính năng động của thiên nhiên. Thứ đến, có vẻ như ông thích dùng cách nói lòng vòng để giải thích sự hiện hữu, cũng như thiếu sự phân biệt rõ ràng giữa Thiên Chúa và tạo vật. Nhưng dù xét theo tiêu chuẩn hay khía cạnh nào, như Samuel Enoch Stumpf nhận xét: Erigene vẫn là một học giả Hylạp lỗi lạc, ông nổi bật như là nhà tư tưởng gây ấn tượng nhất thời đó. [15]

Kết luận

           Những đóng góp của Erigene về mặt triết học cũng như dịch thuật không thể phủ nhận. Nỗ lực giải thích tư tưởng Kitô giáo bằng ngôn ngữ Hylạp và Tân Plato như thể khơi gợi cho nỗ lực đối thoại và hội nhập văn hóa sau này. Tư tưởng của ông cũng ảnh hưởng trên một số nhân vật vĩ đại, như thánh Bônaventura chẳng hạn. Dù về sau, tư tưởng của ông có thể không được giải thích đúng nên đã bị kết án là phiếm thần vì bị cho là đồng hóa Thiên Chúa với thiên nhiên. Tuy nhiên, có lẽ sẽ công bằng hơn nếu tư tưởng của ông được đọc hiểu “thiên nhiên là thể loại bộc lộ và diễn đạt, chứ thiên nhiên không đồng nhất với Thiên Chúa.”[16]

          THƯ MỤC THAM KHẢO:

Augustine. The Confessions. John K.Ryan dịch. Published Doubleday, 1960.

John Scot Erigene. On the Division of Nature. I.P. Sheldon- Williams dịch. The Dublin Institute For Advanced Studies,1968.

Đậu Văn Hồng. Triết Trung Cổ. Lưu hành nội bộ, 2017.  

Samuel Enoch Stumpf. Philosophy: History and Problems. McGraw-Hill, Inc., 1994.

[1] Còn được gọi là John Scotus Eriugena. Ông là một trong những dịch giả quan trọng nhất của cuộc cải tổ văn hóa do vua Charles ở thế kỷ thứ IX đề xuất. Vì biết tiếng Hylạp, Jean Scot Erigene đã dịch những tác phẩm “Thần học thần bí” của Denys và tác phẩm “Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người” của Maxim. Có thể nói, nhờ Erigene mà thế giới Trung Cổ đã biết được một số tác giả Hylạp (x. Hồng, Đậu Văn, Triết Trung Cổ, 60).

[2] Bản tiếng Anh “On the Division of Nature do I.P. Sheldon- Williams dịch.

[3] Erigene, John Scot., On the Division of Nature, I.P. Sheldon- Williams dịch., (The Dublin Institute For Advanced Studies,1968), 39.

[4] Erigene, 39.

[5] Stumpf, Samuel Enoch., Philosophy: History and Problems, (McGraw-Hill, Inc., 1994), 141.

[6] Erigene, 41.

[7] Ibid., 43.

[8] Theo Dionysius, có ba thời nhịp của thần học phủ định: thứ nhất là khẳng định; thứ hai là phủ định những gì đã được khẳng định; thứ ba là đưa tinh thần tiến vào vị thế bên trên tất cả mọi vị thể khẳng định và phủ định. (x. Hồng, Đậu Văn., Triết Trung Cổ, Lưu hành nội bộ, 42).

[9] Erigene, 43- 45.

[10] Stumpf, 141.

[11] Erigene, 45

[12] Stumpf, 130- 131.

[13] Erigene, 45

[14] Ibid., 45.                                                                                                                 

[15] Stumpf, 156.

[16] Hồng, Đậu Văn, Triết Trung Cổ, Lưu hành nội bộ, 63.