Bài đọc: (Hc 27,5-8)

27

5Có thử lửa mới biết bình thợ gốm,

nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay.

6Xem quả thì biết vườn cây,

nghe lời miệng nói biết ngay lòng người.

7Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng:

muốn biết người, phải nghe miệng nói năng.

8Theo đuổi sự công chính, rồi ra con sẽ đạt,

con sẽ mặc lấy nó như tấm áo huy hoàng.

 

Tìm hiểu nội dung bản văn

Huấn Ca là bộ sách được viết bằng tiếng Híp-ri do một nhân vật có tên Giê-su, con ông Xi-ra. Bản  dịch bằng tiếng Hy-lạp của sách này được Giáo hội nhìn nhận trong bộ các sách quy điển. Còn bản văn tiếng Híp-ri thì bị thất lạc vào thời Trung Cổ. Mãi cuối thế kỷ 19 và đến nửa đầu thế kỷ 20, người ta mới tìm thấy dấu tích của nó.

Dựa vào các sự kiện được kể đến trong nội dung bản văn, chúng ta có thể xác định rằng sách Huấn Ca được viết khoảng những năm 198-174 TCN và được chuyển ngữ sang tiếng Hy-lạp vào năm 132 TCN.

Trong thời kỳ Hy-lạp hóa, dân Do Thái bị ảnh hưởng bởi những giá trị tư tưởng, văn hóa ngoài truyền thống cha ông. Ý thức rằng dân Do Thái là dân của Đức Chúa đầy khôn ngoan, tác giả đã viết lại những giá trị sống mà Đức Chúa mong muốn dân Người theo đuổi. Qua đó, tác giả muốn cho thấy rằng dân không việc gì phải chạy theo lối sống của dân ngoại nhưng cần ý thức hơn về giá trị của các lời Đức Chúa phán truyền.

Với lối viết tương tự như sách Châm Ngôn và Giảng Viên, phù hợp cho việc truyền khẩu, sách Huấn Ca cũng không có một bố cục chặt chẽ nhưng chứa đựng nhiều chủ đề đan xen lẫn nhau. Tuy nhiên, để dễ nắm bắt nội dung, chúng ta có thể tạm chia sách thành 2 phần, ngoài lời tựa và phụ chương.

  • Phần 1: từ đầu tới 42,14: những châm ngôn nhiều thể loại nhằm ca ngợi Đức Khôn Ngoan.
  • Phần 2: 42,15 – 50: những lời suy tư về công trình của Đức Chúa trong thiên nhiên và lịch sử.
  • Phụ lục: chương 51: lời tạ ơn và những lời kêu gọi tìm kiếm Đức Khôn Ngoan

Như thế, đoạn (Hc 27,5-8) nằm trong phần thứ nhất của sách Huấn Ca. Trong đó, sự khôn ngoan vốn được cho là đến từ Đức Chúa được thể hiện qua việc biết lắng nghe để phân định tốt, xấu.

Bình gốm được xác định tốt hay không là nhờ vào việc tôi luyện trong lửa; còn người tốt hay xấu thì được đánh giá qua điều người ta nói ra (c.5). Tương tự với (c.7), người khôn ngoan không vội vàng kết luận người khác tốt hay xấu nhưng biết từ tốn để tâm xem điều người ta nói ra có theo đuổi sự thiện hảo, hợp với ý muốn của Đức Chúa hay không. Hai câu 5 và 7 là biểu hiện của nguyên tắc khôn ngoan được đề cập ở câu 6: xem quả thì biết cây, nghe lời nói để xác định tính tình và ý hướng của người nói. Nói khác đi, người khôn ngoan cần để ý phân tích lời được nói ra để xem thử lời ấy có tác động tích cực hay tiêu cực đến cuộc đời mà rút ra nhận định về chủ thể nói những lời ấy là tốt hay xấu.

Để làm được như thế, người ta cần tập luyện nhân đức khôn ngoan cách xác tín và bền bỉ (c.8). Mà đức khôn ngoan thì bắt nguồn từ chính Đức Chúa. Do vậy, người chìm đắm trong đức khôn ngoan chính là người luôn sống trong tương quan thiết thân với Thiên Chúa và đi trên con đường Chúa hướng dẫn, tuân giữ các giới răn của Người.

Quy tắc phân định vừa nêu chính là điều Đức Giê-su nhắc nhở các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 6,39-45), cần xem xét với thái độ thành thật và khiếm tốn những gì người khác hay chính bản thân mình thể hiện ra bên ngoài để biết được những thúc đẩy còn nằm sâu bên trong tâm hồn, “vì lòng có đầy thì miệng mới nói ra”.

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj

Tham Khảo

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.1433-1436.1483.