Emmanuel Levinas
(1906-1995)

Môn học: Triết học Đạo đức
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học viên: Nguyễn Đình Minh Trị, S.J.

Trong đời sống hằng ngày, con người thường xuyên có những kinh nghiệm mặt đối mặt. Những lúc như vậy, khuôn mặt diễn tả biết bao cung bậc cảm xúc khác nhau: nào là vui, là buồn, là nóng giận và hiền lành… Có thể nói, những kinh nghiệm đó luôn mới và hết sức đặc biệt. Từ những kinh nghiệm nhân sinh này, Levinas đã dành nhiều trang giấy trong tác phẩm Totality and Infinity của mình để khai triển suy tư triết học đạo đức của ông. Vậy ông đã khai triển như thế nào?

 

Có thể nói, triết học đạo đức của Levinas được gợi hứng từ triết lý của Heidegger. Thật vậy, ông đánh giá cao tác phẩm Hữu thể và thời gian của Heidegger, vì tác phẩm này diễn tả sâu sắc về hữu thể khi xét nó như một động từ hơn là một danh từ. “Triết học vì thế đã là một nỗ lực để trả lời cho vấn đề về sự quan trọng của hữu thể như một động từ.” Hữu thể trong bối cảnh ấy chính xác là việc nắm bắt động từ “hữu thể”.[1]

Tuy nhiên, Levinas cũng phê phán chiều hướng tổng hợp của triết học phương Tây, trong đó có cả Heidegger, dù đã đi đến đỉnh cao là triết học của Hegel.[2] Ông muốn vượt qua hữu thể học để đi đến điều tốt hơn. Từ đó, ông phát triển triết lý về khuôn mặt tha nhân và khám phá vị thế ưu việt của triết thuyết đạo đức học.

Từ hữu thể đi đến Đấng khác[3]

Phê phán đầu tiên của ông là về cái tại-hữu, tư tưởng chính yếu của hữu thể học Heidegger. Phần nào giống với tư tưởng của Heidegger, cái tại-hữu đối với Apollinaire như là một sự tròn đầy và là niềm vui. Ngược lại, Levinas phê phán rằng: “tại-hữu là hiện tượng của hữu thể phi cá vị: ‘nó’”. Nó cũng giống như việc mô tả trời đang mưa. Trong những miêu tả đó, không có một chủ thể cá vị nào. Nghĩa là trong khi các triết gia nỗ lực tìm kiếm cái tại-hữu, thì việc tìm kiếm ấy như một việc ở vòng ngoài. Họ chỉ tìm kiếm một cái tại-hữu chung chung đúng với mọi cá nhân, mà quên đi chiều kích cá vị của từng cá nhân ấy.

Ông bắt đầu phê phán của mình về tại-hữu bằng câu chuyện về đứa trẻ đang ngủ, nhưng cứ nghe tiếng rì rầm của bố mẹ nó bên kia phòng. Trong bối cảnh ấy, cái tại-hữu cũng tương tự như âm thanh rì rầm vô định. Đứa trẻ chẳng biết đó là gì, nhưng biết là có đó, giống như khi nó đặt vỏ ốc kề sát tai của nó. “Nó là một âm thanh dội lại sau mọi phủ nhận về âm thanh đó” (như tiếng rì rầm ở phòng kế bên). Âm thanh ấy không hiện hữu mà cũng không vô hữu. Nó dường như ở giữa sự hiện hữu và hư vô.[4] Điều đó làm cho nó khó chịu.

Thêm nữa, khi nói đến tại-hữu, Heidegger thường dùng khái niệm về thao thức (anxiety), để miêu tả về trạng thái mong muốn nắm bắt được hữu thể. Levinas thì phủ nhận điều đó. Thật ra không có sự thao thức nào cả, nhưng đúng hơn điều đó giống như chứng mất ngủ (như kinh nghiệm của một đứa trẻ khó chịu nghe tiếng rì rầm bên kia phòng). Điều không làm cho nó có thể thoát ra được, là một thứ gì đó “khách quan”, không bắt nguồn từ chính nó. Có lẽ chỉ có cái chết mới là một sự phủ định hoàn toàn cho sự vô định đó, nơi mà bản nhạc ấy kết thúc (để đối lại với khái niệm âm giai nền của Heidegger).[5]

Tiếp nối dòng suy tư ấy, Levinas đề xuất một phương thức để thoát khỏi tại-hữu, âm thanh vô định ấy. Ông đề xuất rằng: một người không được đặt để chính mình vào trong ego nhưng phải lấy ego ấy ra khỏi chính mình. Việc giúp rời bỏ sự quá trân trọng đối với ego này, chính là tương quan xã hội với Đấng khác trong mối quan hệ vô-vị-lợi (ra khỏi ego). Như vậy, ông muốn nói rằng, để vượt ra hữu thể cần phải hướng về Đấng khác, để thấy được trách nhiệm của mình với Đấng ấy và trở thành hữu-thể-cho-người-khác.[6]

Từ Đấng khác cho đến khuôn mặt

Trong đời sống hằng ngày, con người thường xuyên có kinh nghiệm mặt đối mặt với nhau. Điều đó đơn giản bởi vì con người sống trong xã hội và hay tương tác với nhau. Khuôn mặt trong những tương tác hằng ngày đó diễn tả biết bao cung bậc cảm xúc: vui, buồn, nóng giận, hiền lành,… Có thể nói những kinh nghiệm đó luôn luôn mới và độc nhất trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Mặt khác, kinh nghiệm mặt đối mặt cũng là một kinh nghiệm cá biệt, một-đối-một. Những cung bậc cảm xúc ấy được trao ban cho nhau một cách cá vị, cụ thể, riêng biệt và tương tác. Bốn mắt nhìn nhau chẳng nói nên lời, nhưng khuôn mặt đã diễn tả còn hơn lời nói. Từ những kinh nghiệm nhân sinh này, Levinas đã dành nhiều trang giấy trong tác phẩm Totality and Infinity của mình để khai triển suy tư triết học đạo đức của ông.

Nhưng trước tiên cần phải hiểu Levinas định nghĩa thế nào về khuôn mặt. Tất nhiên, khuôn mặt có những đặc điểm bên ngoài dễ nhận thấy: màu mắt, sống mũi, gò má,… Tuy nhiên, đằng sau ấy là khuôn mặt diễn tả biết bao điều. Theo Levinas, đặc nét đầu tiên của khuôn mặt chính là sự trần trụi của nó: khuôn mặt là nơi trần trụi và nghèo nàn nhất của con người. Khi nhìn vào khuôn mặt ấy, người khác dễ dàng thấy được sự yếu đuối của một người và dễ dàng có xu hướng làm hại người ấy. Tuy nhiên, chính khuôn mặt ấy cũng ra lệnh cho người khác không được giết người.[7]

Như vậy, khuôn mặt phải được hiểu là tất cả ý nghĩa của một con người. Trong ý nghĩa này, khuôn mặt không thể được “nhìn thấy”. Tư tưởng của bạn không thể nắm bắt được khuôn mặt. “Nó không thể được chứa”. Mỗi lần gặp gỡ, nó đưa bạn đi xa hơn. Nói một cách khác, nó không làm cho bạn cứ thoả mãn với hiểu biết của mình về nó, mà đòi hỏi bạn phải khám phá và học hỏi về nó mãi. Vì thế, ý nghĩa của khuôn mặt làm cái tôi thoát khỏi tính nội tại nơi hữu thể. “Cái nhìn” (vision) thì ngược lại. Nó đi tìm kiếm tương hợp. Levinas gọi cái nhìn là “hữu thể hấp thụ tuyệt vời”. Hơn nữa, khuôn mặt dẫn trực tiếp đến đạo đức. Như ví dụ ở trên, khuôn mặt như ra lệnh cho tôi không được giết tha nhân của mình.[8]

Để làm rõ hơn, Levinas trình bày mối quan hệ giữa diễn ngôn (discourse) và khuôn mặt. Diễn ngôn và khuôn mặt gắn chặt với nhau. Nghĩa là, qua khuôn mặt, tôi nói với Đấng khác và Đấng khác nói với tôi. Khuôn mặt diễn tả mối quan hệ chân thực với Đấng khác; nó là diễn ngôn hay đúng hơn nó là trách nhiệm hay lời đáp trả cho mối quan hệ chân thực. Thật khó để im lặng trước sự hiện diện của Đấng khác hay của tha nhân. Có thể là đôi ba câu chào xã giao (thời tiết, công việc đang làm,…), nhưng đằng sau đó là lời đáp trả lại ngài và vừa là nhận trách nhiệm đối với ngài. Ngoài ra, Levinas lưu ý rằng, phải hiểu diễn ngôn khác với kiến thức, nó không có tham vọng nắm bắt trọn vẹn hữu thể hay xem hữu thể như đối tượng. Nghĩa là, luôn luôn khám phá xem khuôn mặt muốn nói gì với ta, thậm chí là ra lệnh cho ta như thế nào, dạy ta như thế nào.[9]

Lời mời gọi nơi khuôn mặt của Đấng khác

Có sự nâng cao nơi khuôn mặt của Đấng khác. Khi bắt gặp một ánh mắt nơi tha nhân, ta sẽ “nghe thấy” mệnh lệnh “bạn không được giết” (Giả sử trong chiến tranh, bạn đang mặt đối mặt với kẻ thù của mình và chuẩn bị giết anh ta). Tuy nhiên, chúng ta cũng thường kinh nghiệm về sự thiếu thốn của Đấng khác hay tha nhân ở những nơi chúng ta đến trong cuộc sống hằng ngày. Nơi ánh mắt của họ đang kêu mời, thậm chí là gào thét để yêu cầu chúng ta giúp đỡ trong cảnh khó nghèo của họ. Điều mà Levinas nói rằng: “đó là sự nghèo khó cho những ai tôi có thể làm tất cả và đối với những ai tôi nợ họ”.

Đối với những ý kiến phản bác lại rằng: “trái ngược lại, trong những trường hợp khác, cuộc gặp gỡ với Đấng khác diễn ra trong trạng thái của bạo lực, ghét bỏ và khinh bỉ”; Levinas trả lời rằng, các mối quan hệ liên vị giữa con người với nhau phải đặt nền tảng trên cuộc gặp gỡ với Đấng khác. Tuy nhiên, tiếp theo đó cuộc gặp gỡ phải diễn ra với những người khác, là điều kiện để ra luật và thiết lập công lý. Khi đối mặt với Đấng khác, tôi nợ Ngài mọi thứ, nhưng có một ai khác nữa. Lúc đó tôi sẽ hỏi rằng: ai là người thân cận của tôi. Chỉ khi đó, khi ưu tiên mối quan hệ với Đấng khác và sau là với tha nhân, công lý mới được thiết lập. [10]

Vị thế ưu việt của đạo đức học

Câu nói nổi tiếng của Levinas: “Đạo đức không là một nhánh của triết học, nhưng là triết học thứ nhất.”[11] Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là chính đạo đức là “triết học”, hay nói cách khác đạo đức là một cuộc đi tìm kiếm sự khôn ngoan (hay yêu mến sự khôn ngoan). Cuộc tìm kiếm ấy không duy nằm nơi chủ thể nữa. Cuộc tìm kiếm ấy đòi hỏi chủ thể gặp gỡ Đấng khác và tha nhân; đúng hơn là nơi khuôn mặt của Đấng khác và của tha nhân. Như vậy, tương quan giữa chủ thể và tha nhân trong những cuộc gặp gỡ ấy chính là đạo đức.

Hơn nữa, đối với ông, ông đang tìm kiếm triết lý đạo đức chứ không phải xây dựng nó. Nghĩa là, đạo đức ấy không hẳn là dựa trên phê phán của ông đối với việc tìm kiếm hữu thể như nơi Heidegger. Hay nói cách khác, việc phê phán của ông về cái tại-hữu không phải để xây dựng một hệ thống đạo đức mới vượt lên hữu thể học. Ông chỉ đang tìm kiếm ý nghĩa của triết đạo đức, một nền triết học đã có sẵn ngoài kia, chứ không xây dựng một hệ thống các điều luật.[12]

Suy tư cá nhân

Trước tiên, ánh nhìn nơi tha nhân trong triết lý J.P. Sartre đòi hỏi tôi, nhưng hiểu theo nghĩa đánh mất tự do của tôi. Ánh mắt ấy đòi buộc tôi phải tự vệ và chiến đấu để thoát khỏi sự áp đặt ấy. Theo nghĩa sâu xa hơn nơi J.P. Sartre, tôi cần quay trở về với chính mình và xem tha nhân như chính họ. Còn ánh nhìn nơi tha nhân trong triết lý của Levinas cũng là một sự đòi buộc nhưng để tôi được hiện diện chân thực hơn. Sự hiện diện ấy không phải chỉ bằng cách chiêm niệm khuôn mặt của tha nhân nhưng phải là ở việc đáp trả lại những đòi hỏi, mời gọi ấy.

Thứ đến, liệu Levinas có hiểu sai Heidegger không khi cho rằng cuộc truy tìm hữu thể, hay đúng hơn là chuẩn bị cho âm giai nền tỏ lộ chỉ là việc một đứa trẻ nghe một âm thanh vô định bên kia phòng, vừa hiện hữu vừa vô hữu. Đây là một câu hỏi khó trả lời đối với người viết. Nhưng đằng sau đó, điều mà Levinas muốn nhấn mạnh đó là đạo đức. Hoàn cảnh hoang tàn của chiến tranh vô nghĩa lúc bấy giờ, đòi buộc Levinas tìm kiếm một hướng đi cho triết học.Trong bối cảnh ấy, ông khám phá nơi đạo đức những đòi buộc trong tương quan liên vị với nhau và phải đặt nền tảng vững chắc nơi Đấng khác để thoát khỏi sự sa đọa của hiện trạng lúc ấy.

Nếu vậy, có phải ông đã đi từ tổng hợp hay thiên kiến để khai triển triết lý của mình không? Nếu hỏi ông câu ấy, chắc hẳn rằng ông sẽ trả lời: “Tôi đi tìm kiếm nền đạo đức chứ không xây dựng nó.” Như vậy, điều đó đúng với Levinas theo nghĩa ông khai triển triết học theo một thực tại đạo đức có trước, chứ không phải thiên kiến của ông. Thực tại đạo đức ấy rất gần gũi và rõ ràng, chính là nơi khuôn mặt của mỗi người và của Đấng khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Levinas, E. (1979). Totality and Infinity. the Hague: Martinus Hijhoff.

Levinas, E. (1985). Ethics and Infinity. Quezon: Claretian Publicatians.

[1] E. Levinas, Ethics and Infinity, (Quezon, Claretian Publicatians, 1985), 38.

[2] E. Levinas, Ethics and Infinity, 76.

[3] Levinas phân biệt giữa Other (viết hoa) và other (viết thường). Tôi xin tạm dịch Other (viết hoa) là Đấng khác và other (viết thường) là tha nhân.

[4] E. Levinas, Ethics and Infinity, 47-49.

[5] E. Levinas, Ethics and Infinity, 49-50.

[6] E. Levinas, Ethics and Infinity, 52.

[7] E. Levinas, Ethics and Infinity, 85-86.

[8] E. Levinas, Ethics and Infinity, 86-88.

[9] E. Levinas, Ethics and Infinity, 87-88.

[10] E. Levinas, Ethics and Infinity, 88-90.

[11] E. Levinas, Totality and Infinity, (the Hague: Martinus Hijhoff, 1979), 304.

[12] E. Levinas, Ethics and Infinity, 90-91.