Boethius
(480-524)

Môn học: Triết học Trung Cổ
Giáo sư: Đậu Văn Hồng
Học viên: Phạm Quang Khanh, S.J.

 

Thiên Chúa là Đấng toàn năng và Ngài hiểu biết mọi sự. Ngài không chỉ biết những gì tôi làm hôm nay, nhưng còn biết những gì ngày mai tôi sẽ thực hiện. Về phía tôi, ngày mai tôi sẽ làm gì, đọc sách hay viết bài, là sự tự do chọn lựa của tôi. Thế là, dường như có một điều gì đó không ổn. Nếu Thiên Chúa biết rằng ngày mai tôi đọc sách, thì khả thể viết bài sẽ khép lại trước sự tự do chọn lựa của tôi. Điều này nảy sinh vấn đề hòa giải giữa sự tiền tri bất khả sai lầm, hay sự quan phòng của Thiên Chúa, và ý chí tự do của con người. Khái niệm “vĩnh cửu” trong tác phẩm Niềm An Ủi Triết Học của Boethius có thể được xem như một lời giải cho vấn đề vừa nêu.

 

Dẫn nhập

Trong đời sống tâm linh, nhất là đối với các Kitô hữu, cụm từ “Thiên Chúa vĩnh cửu” dường như không hề xa lạ. Thế nhưng, hiểu về đặc tính vĩnh cửu của Thiên Chúa không phải là chuyện dễ dàng. Và, lại càng khó hơn nữa khi ta nói về đặc tính ấy. Với ước mong tìm về Đấng Tuyệt Đối, người viết mon men tìm hiểu tư tưởng vĩnh cửu được Boethius trình bày trong tác phẩm Niềm An Ủi Triết Học.

Sau khi đề cập tới bối cảnh xuất hiện của khái niệm vĩnh cửu, người viết sẽ khám phá cách hiểu về vĩnh cửu tính của Boethius. Dựa trên những gì ông trình bày, người viết, trong giới hạn về khả năng và thời gian, sẽ cố gắng đặt khái niệm vĩnh cửu trong viễn ảnh của triết học Trung Cổ để có được cái nhìn bao quát  hơn.

  1. Bối cảnh xuất hiện khái niệm vĩnh cửu trong Niềm An Ủi Triết Học

 “Niềm An Ủi Triết Học” ra đời trong hoàn cảnh tác giả của nó là Boethius đang bị cầm tù và đứng bên bờ vực của cái chết. Dù sống trong những ngày tháng cuối đời, nhưng Boethius đã để lại cho hậu thế nói chung, và cho triết học nói riêng, một tác phẩm có nhiều giá trị. Bằng cả thơ ca lẫn văn vần, “Niềm An Ủi Triết Học” nói tới nhiều vấn đề khác nhau. Nếu như bốn quyển đầu của tác phẩm bàn về đau khổ, hạnh phúc, may rủi…thì quyển cuối cùng nhắc tới mối liên hệ giữa tri thức, hay sự quan phòng của Thiên Chúa, và tự do ý chí của con người. Ngay đầu phần văn xuôi thứ 3 của quyển thứ 5, Boethius đã nêu vấn đề: nếu Thiên Chúa tiền tri mọi sự và Ngài không thể sai lầm, thì mọi sự phải tất yếu xảy ra.[1] Điều này có nghĩa là gì? Về phía Thiên Chúa, nếu Ngài biết mọi sự, thì chắc chắn Ngài không chỉ biết những gì tôi làm hôm nay, nhưng còn biết những gì ngày mai tôi sẽ thực hiện. Về phía tôi, ngày mai tôi sẽ làm gì, đọc sách hay viết bài, là quyền tự do chọn lựa của tôi. Thế là, dường như có một điều gì đó không ổn. Bởi lẽ, nếu Thiên Chúa biết được ngày mai tôi sẽ làm gì, thì đâu là sự tự do của tôi. Nếu Thiên Chúa biết rằng ngày mai tôi đọc sách, thì khả thể viết bài sẽ khép lại trước sự tự do chọn lựa của tôi. Điều này nảy sinh vấn đề hòa giải giữa sự tiền tri bất khả sai lầm, hay sự quan phòng của Thiên Chúa, và ý chí tự do của con người. Chính trong vấn đề này mà khái niệm “vĩnh cửu” của Boethius xuất hiện.

  1. Khái niệm vĩnh cửu trong tác phẩm Niềm An Ủi Triết Học

Mở đầu phần văn xuôi thứ 6, Boethius viết: “theo như phán đoán chung của những ai có lý trí, thì Thiên Chúa là vĩnh cửu.”[2] Vậy, vĩnh cửu là gì? Ông trả lời: “Vĩnh cửu là sự sở hữu đời sống bất tận vừa trọn vẹn vừa hoàn hảo cùng một lúc.”[3] (tiếng Latin: interminabilis vitae tota simul et perfecta possesio; tiếng Anh: Eternity is a possession of life, a possession simultaneously entire and perfect, which have no end.)

Liên quan tới khái niệm vĩnh cửu, các triết gia thường hiểu theo hai chiều hướng khác nhau. Thứ nhất, vĩnh cửu mang nghĩa tồn tại trong mọi lúc, mọi khoảnh khắc[4]. Theo nghĩa này, sự tồn tại là tồn tại trong thời gian. Thứ hai, vĩnh cửu mang nghĩa tồn tại phi thời gian[5], tức là không lệ thuộc thời gian, không chịu ảnh hưởng của thời gian. Vậy, từ vĩnh cửu mà Boethius sử dụng được hiểu theo nghĩa nào?

Với những gì được trình bày trong quyển thứ năm của tác phẩm, xem ra Boethius sử dụng từ ngữ vĩnh cửu theo nghĩa phi thời gian, tức không lệ thuộc thời gian. Một cách cụ thể, từ câu 1 tới câu 12 trong phần văn xuôi thứ sáu, Boethius phân biệt sự vĩnh cửu của Thiên Chúa với sự vật hữu hạn.

Theo Boethius, bất cứ điều gì tồn tại trong thời gian thì đều có quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng phải theo một trình tự nhất định từ quá khứ tới hiện tại và đến tương lai. Cuộc sống của con người là một ví dụ. Cuộc sống ấy có quá khứ là ngày hôm qua, hiện tại là hôm nay và tương lai là ngày mai. Điều đáng chú ý là ở chỗ, con người không thể sở hữu cùng một lúc toàn thể thời gian cuộc đời của mình giống như Thiên Chúa. Nếu con người đang sống trong hiện tại của ngày hôm nay, thì họ không thể nào quay về với quá khứ của ngày hôm qua, và cũng chưa thể đạt tới tương lai của ngày mai. Thậm chí, ngay khi ta đang nghĩ về giây phút hiện tại, thì chỉ trong tích tắc, giây phút ấy đã trở thành quá khứ khiến ta không thể sở hữu được nữa. Vì lý do đó, Boethius quả quyết rằng, bất cứ cái gì lệ thuộc vào thời gian thì không thể được gọi là vĩnh cửu. Ông còn chỉ ra một cách tận căn hơn khi cho rằng, ngay cả một thế giới mà Aristotle quan niệm là không có khởi đầu và không có kết thúc thì cũng không được coi là vĩnh cửu. Bởi lẽ, nó không bao gồm cùng một lúc tất cả đời sống vô hạn, trong đó có tương lai còn chưa tới. Boethius cũng phản đối những ai đồng hóa một thế giới không có khởi đầu trong thời gian và không có kết thúc (theo cách nói của Plato) với sự vĩnh cửu của Đấng Tạo Hóa. Vì lẽ rằng, đặc điểm sở hữu cùng một lúc sự sống vô tận như là hiện tại thì chỉ có ở nơi Thiên Chúa mà thôi. Vậy, ta phải dùng từ ngữ nào để nói về các sự vật? Boethius cho rằng: “nếu chúng ta muốn áp dụng một cái tên cho đúng với các sự vật, thì chúng ta hãy theo Plato và nói rằng Thiên Chúa là vĩnh cửu (eternal), còn thế giới là trường tồn (perpeptual).”[6]

Vậy là, Boethius đã phân biệt khá rõ ràng giữa vĩnh cửu và trường tồn. Nếu như trường tồn tính ở nơi vạn vật được hình thành bởi hàng loạt những khoảnh khắc vô tận trong thời gian, thì sự vĩnh cửu của Thiên Chúa vượt ra khỏi thời gian. Thế nhưng, một câu hỏi được đặt ra ở đây là: trong cái vĩnh cửu vượt ra khỏi thời gian đó, nó có hàm chứa một sự kéo dài hay không? Đã có một số nhà bình giải cho rằng “mặc dù là phi thời gian nhưng nó vẫn liên quan tới sự kéo dài”[7] và do đó đã xuất hiện khái niệm ‘sự kéo dài không phụ thuộc thời gian,’ hay bên ngoài thời gian. Đó quả là một “khái niệm khó, và nhiều người cho rằng nó không mạch lạc.”[8] Vì thế, ở đây người viết chỉ dựa vào bối cảnh cũng như dựa vào chính “định nghĩa” về vĩnh cửu trong “Niềm An Ủi Triết Học” để đi tìm một cách hiểu dựa trên bản văn.

Trong tác phẩm “Niềm An Ủi Triết Học”, Boethius viết: “Vĩnh cửu là sự sở hữu đời sống bất tận vừa trọn vẹn vừa hoàn hảo cùng một lúc.” Với từ ngữ “cùng một lúc,” ông muốn nói rằng mọi sự xảy ra trong đời sống của Thiên Chúa không có bất kỳ sự nối tiếp nào. Nơi Ngài, chẳng hề có sự phân tách quá khứ, hiện tại hay tương lai. Trong tri thức của Ngài, “không có một sự vật quá khứ hay tương lai nào vắng mặt.”[9] Đó là tri thức về cái ở hiện tại chứ không phải tri thức về những điều trong tương lai. Ngài nhìn thấy mọi sự, quá khứ, hiện tại, tương lai như chúng ta nhìn thấy điều đang xảy ra ở hiện tại.[10]

Một cách cụ thể, từ câu 15 tới câu 24 của quyển thứ năm, Boethius cho rằng Thiên Chúa sống trong hiện tại vĩnh cửu nên tri thức của Ngài vượt lên trên mọi chuyển động của thời gian. Để rõ ràng hơn, Boethius đã đặt lời vào miệng Nữ Triết Gia khi nàng so sánh giữa cái nhìn hiện tại của Thiên Chúa và cái nhìn hiện tại của con người. Với khả năng của mình, con người có thể nhìn thấy cùng một lúc hai sự việc đang diễn ra: một người đang đi bộ trên đường và mặt trời chiếu sáng trên bầu trời. Cái nhìn của con người không hề lấy đi tự do của hai sự việc đó. Đồng thời, con người vẫn có thể phân biệt được hai sự việc ấy: sự việc một người đi bộ trên đường là tự ý tự nguyện, còn sự kiện mặt trời chiếu sáng trên bầu trời là tất yếu. Tương tự như vậy, khi nhìn xuống mọi sự trên trái đất, tri thức của Thiên Chúa không làm xáo trộn bản chất của chúng.

Chi tiết hơn, Nữ Triết Gia đã giải thích về hai loại tất yếu. Thứ nhất là loại tất yếu tuyệt đối: chẳng hạn như mọi người đều phải chết. Thứ hai là tất yếu có điều kiện: ví dụ như khi ta thấy một người đang đi bộ thì tất yếu người đó phải đang đi bộ. Và trong khi đi bộ, người ấy sẽ tiến về phía trước, dù chẳng có sự tất yếu nào buộc người đi bộ phải làm như vậy. Như thế, khi Thiên Chúa tri nhận các sự vật thì chúng là tất yếu vì đang được Thiên Chúa biết, nhưng khi xét ở nơi bản thân các sự vật ấy, chúng hoàn toàn tự do. Vậy là, với cách hiểu về vĩnh cửu tính, Boethius cho rằng sự quan phòng của Thiên Chúa không làm mất đi tự do ý chí của con người.

Mặc dù khái niệm vĩnh cửu của Boethius đã mang đến những thành công nhất định trong việc hòa giải giữa sự quan phòng của Thiên Chúa và tự do ý chí của con người, nhưng không phải là nó không có những vấn đề nảy sinh. Theo Sharon M.Kaye, một trong những hàm ý kỳ lạ từ quan niệm của Boethius là Thiên Chúa không biết năm nay là năm nào.[11] Chẳng hạn, mọi người đều biết và hiểu rằng năm nay là năm 2016, cho dù họ sống tại các nơi khác nhau trên toàn thế giới. Nhưng theo Boethius, Thiên Chúa không sống trong sự tiếp nối của thời gian, nên đối với Ngài, năm nay không phải là năm 2016. Và còn thêm một vấn đề khác nảy sinh nơi cụm từ “cùng một lúc” của Boethius. Theo đó, thời điểm tôi sinh ra là cùng lúc với vĩnh cửu tính, và thời điểm ông bà tôi sinh ra cũng cùng lúc với vĩnh cửu tính. Vậy, chẳng lẽ thời điểm tôi sinh ra lại cùng lúc với thời điểm ông bà tôi sinh ra. Bởi lẽ, chúng ta không thể nói rằng thời điểm tôi sinh ra là cùng lúc với một phần của vĩnh cửu tính, còn thời điểm sinh ra của ông bà tôi thì cùng lúc với một phần khác của vĩnh cửu tính.[12]    

  • Khái niệm vĩnh cửu trong viễn ảnh của Triết học Trung Cổ

Nhìn chung, Boethius vẫn được coi là người đã “khai sinh” khái niệm kinh điển về vĩnh cửu. Tuy nhiên, khi nhìn trong viễn ảnh Triết học Trung Cổ, xem ra khái niệm ấy đã được “thành hình” nơi Augustinô, để rồi Ansenmô và Tôma Aquinô tiếp tục bổ sung.

Khi phân tích về ý niệm thời gian trong tác phẩm Tự Thuật, Augustinô viết: “không có thời gian nào đồng vĩnh cửu với Thiên Chúa.”[13] Điều này có nghĩa là, sự vĩnh cửu vượt ra khỏi thời gian mà Boethius đề cập trong “Niềm An Ủi Triết Học” đã “khởi đầu” nơi Augustinô. Hơn thế, theo cách hiểu của Augustinô, thời gian không thể được xem là thứ tồn tại trước tạo dựng. Thời gian là “thành phần” trong trật tự tạo dựng. Nói cách khác, Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự không phải trong thời gian, nhưng với thời gian. Mối liên hệ của Thiên Chúa với tạo dựng cũng không giống như mối liên hệ giữa các tạo dựng với nhau. Và như vậy, Augustinô đã bàn tới khái niệm vĩnh cửu trong mối liên hệ với thời gian. Và có lẽ, khi nói về hai thành đô trong tác phẩm “Thành đô Thiên Chúa,” Augustinô cũng hàm ý rằng đô thị trần thế mang tính thời gian, còn đô thị Thiên quốc thì vượt trên thời gian.

Nếu như Augustinô đã đặt nền cho khái niệm vĩnh cửu của Boethius, thì Ansemô cũng góp phần làm phong phú thêm khái niệm này. Với định nghĩa “Thiên Chúa là một cái gì mà người ta không thể nghĩ được một cái gì lớn hơn,”[14] Ansenmô nói tới một Hữu Thể Hoàn Hảo. Hữu Thể ấy là đơn giản và không thể bị phân tách thành quá khứ, hiện tại hay tương lai. Hữu Thể ấy cũng không hề bị giới hạn bởi thời gian. Hơn nữa, theo những gì được đề cập trong Proslogion 2, Thiên Chúa của Ansenmô không chỉ vượt ra ngoài thời gian, nhưng còn cả không gian nữa. Đó là đóng góp đáng kể của Ansemô cho khái niệm vĩnh cửu mà Boethius đã đưa ra.

Với Tôma Aquinô, vĩnh cửu tính của Thiên Chúa được đề cập qua nhiều khía cạnh khác nhau. Nhưng có lẽ khía cạnh nổi bật hơn cả được biểu lộ qua những suy tư về bản chất của Thiên Chúa và bản chất của thời gian. Liên quan tới bản chất của Thiên Chúa, Tôma Aquinô, trong phần I của tác phẩm Tổng luận Thần học, đã nhấn mạnh tính bất biến của Ngài khi đưa ra 3 lý do. Thứ nhất, Thiên Chúa hoàn toàn hiện thể, không có tiềm thể ở nơi Ngài. Thứ hai, Thiên Chúa hoàn toàn đơn giản, Ngài không được kết hợp bởi những thành phần. Thứ ba, Thiên Chúa không có giới hạn, Ngài hoàn hảo. Do đó, ta nói rằng Thiên Chúa vĩnh cửu. Liên quan tới bản chất của thời gian, Tôma Aquinô cho rằng thời gian hàm chứa sự thay đổi. Vì vậy, Thiên Chúa bất biến thì không thể nào được “định lượng” bởi thời gian. Ngài vượt ra khỏi thời gian.

Tóm lại, trong viễn ảnh Triết học Trung Cổ, khái niệm vĩnh cửu có sự nối kết từ Augustinô tới Tôma Aquinô. Với Augustinô, thời gian được tạo dựng, nên Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng, không hề bị ràng buộc bởi thời gian. Tới lượt Boethius, Thiên Chúa là phi thời gian, vượt ra ngoài thời gian. Chưa dừng lại ở đó, Ansenmô bổ sung thêm đặc tính vượt không gian vào khái niệm vĩnh cửu ấy. Cuối cùng, Tôma Aquinô, với những ảnh hưởng của Aristotle, đề cập tới khái niệm vĩnh cửu nơi tính bất biến của Thiên Chúa.

Kết luận

            Theo dòng lịch sử triết học, đã có những quan điểm khác nhau về “Ki-tô tính” nơi Boethius. Thậm chí, ông từng bị xem là kẻ không hành đạo trong tác phẩm “Niềm An Ủi Triết Học”. Thế nhưng, với khái niệm vĩnh cửu, Boethius đã cho thấy một Thiên Chúa hoàn toàn vượt khỏi thời gian. Cách nhận biết cùng một lúc của Ngài cũng rất khác biệt so với cách nhận thức của con người. Vì thế, sẽ không quá phóng đại khi nói rằng Boethius, với khái niệm vĩnh cửu tính của mình, đã du nhập luận lý vào thần học. Và có lẽ, luận lý ấy không đơn thuần là luận lý, nhưng nó còn là luận lý học trong lòng của thần học huyền nhiệm. Thiết tưởng, đây cũng là điều mà Triết học Trung Cổ muốn nói với tất cả những ai khao khát tìm kiếm Thiên Chúa. Ngài là Đấng tỏ lộ trong Đức Tin và Ngài không hề mâu thuẫn với lý trí con người.

[1] X. Boethius, Consolation of Philosophy, Joel C.Relihan dịch (USA: Hackett Publishing Company, Inc., 2001), 130.

[2] Boethius, Consolation of Philosophy, 144.

[3] Boethius, Consolation of Philosophy, 144.

[4] McGrade biên tập, The Cambridge companion to Medieval Philosophy (England: Cambridge University Press, ?), 51.

[5] McGrade biên tập, The Cambridge companion to Medieval Philosophy, 51.

[6] Boethius, Consolation of Philosophy, 146.

[7] McGrade biên tập, The Cambridge companion to Medieval Philosophy, 53.

[8] McGrade biên tập, The Cambridge companion to Medieval Philosophy, 53.

[9] Boethius, Consolation of Philosophy,145.

[10] Jorge J.E.Gracia, Gregory M.Reichberg, and Bernard N.Chumacher biên tập, The Classics of Western Philosophy – A reader’s Guide (Australia: Blackwell Publishing, 2003),107-108.

[11] X. Sharon M.Kaye, Beginners guides Medieval Philosophy (England: Oneworld Publications, 2008), 88.

[12] X. Antony Kenny, A New History of Western Philosophy, Volume II (USA: Oxford University Press, 2005), 285.

[13] Augustinô, Tự thuật, Phạm Gia Thoan biên tập (Hồ Chí Minh: NXB Tôn giáo, 2007), 678.

[14] Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn and Lưu Văn Hy dịch (Hà Nội: NXB Lao Động, 2004), 500.