Isaac Newton (1643-1727). Ảnh: historicmysteries
240. Isaac Newton là ai?
Isaac Newton (1642–1727) là một trong những nhà khoa học và triết học tự nhiên vĩ đại nhất của truyền thống Phương Tây. Nhà thơ người Anh Alexander Pope đã viết văn bia nổi tiếng:
Tự nhiên và các quy luật của tự nhiên nằm ẩn trong màn đêm;
Chúa nói, “Hãy để Newton đến” và tất cả đều bừng sáng.
Newton đã đưa ra ý nghĩa chặt chẽ, hợp lý về mặt toán học cho lý thuyết của Copernicus, những khám phá của Kepler và Tycho Brahe, cũng như những khám phá của Galileo. Ông đã hợp nhất tương tác giữa trái đất và thiên thể trong một hệ thống vũ trụ toàn diện, hệ thống này đã hỗ trợ việc nghiên cứu xa hơn trong hơn 300 năm. Quan điểm khoa học của ông về vũ trụ có một vị trí dành cho Chúa của Kitô giáo, điều này được đánh giá cao vào thời của ông. Các phương trình của Newton vẫn hữu ích cho việc tính toán chuyển động trong phạm vi trung tâm của các vật thể có kích thước trung bình gần bề mặt Trái đất. (Lý thuyết của Newton không hữu ích cho nghiên cứu hạt dưới nguyên tử và các phép đo được thực hiện theo năm ánh sáng.)
241. Một số thành tựu trong sự nghiệp của Newton
Newton (1642–1727) sinh ra ở Lincolnshire, nước Anh và theo học đại học Cambridge, tốt nghiệp cử nhân năm 1665. Từ năm 1665 đến 1667, trong thời gian làm việc độc lập tại nhà khi Cambridge bị đóng cửa vì bệnh dịch, ông đã phát hiện ra định lý nhị thức, các nguyên tắc cơ bản của phép tính, nguyên tắc hiện đại về cách ánh sáng được cấu tạo và những điều cơ bản trong lý thuyết vạn vật hấp dẫn của ông. Ông giữ chức Giáo sư Toán học Lucasian tại đại học Cambridge sau năm 1669 và là thành viên của Hiệp hội Hoàng gia từ năm 1671 đến năm 1703. Sau đó ông giữ chức chủ tịch Hiệp hội cho đến cuối đời. “Hệ thống thế giới” của Newton hay lý thuyết thống nhất của ông về cơ học và vật lý toán học đã được xuất bản trong tác phẩm Philosophiae Naturalis Principia Mathematica (Các Nguyên lý Toán học của Triết học Tự nhiên).
242. Isaac Newton có được khen thưởng vì những khám phá khoa học của mình không?
Trong hoàn cảnh tương đối nghèo và không có của cải gia đình hay người bảo trợ, Newton cuối cùng đã nhận được vị trí xứng đáng là Tổng đốc Xưởng đúc tiền Hoàng gia vào năm 1695. Như việc đóng góp của Copernicus (1473–1543) trong việc phục hồi tiền ở Ba Lan khoảng 170 năm trước đó, Newton cũng phụ trách dự án phức tạp đúc lại tiền của nước Anh. (Việc đúc lại tiền liên quan đến việc thu hồi tất cả các đồng tiền đang lưu hành và đổi chúng lấy những đồng tiền mới.)
Có lẽ giống như Copernicus, và cũng hưởng lợi từ Định luật Gresham (một nguyên tắc tiền tệ nói rằng “tiền xấu đuổi tiền tốt” ra khỏi lưu thông), Newton biết rằng sự hiện diện của những đồng xu xấu có nghĩa là mọi người đang tích trữ những đồng xu tốt. Đây là một vấn đề kinh tế quan trọng vào thời điểm đó vì nền kinh tế nước Anh dựa trên tiền mặt và các giao dịch phụ thuộc vào việc có đủ tiền mặt hoặc tiền xu làm bằng bạc đang lưu hành hay không. Quá trình đúc lại tiền của Newton yêu cầu thu hồi tất cả các đồng xu bạc đã bị cắt xén vì giá trị kim loại của chúng (các khối theo nghĩa đen được cắt xén xung quanh đường tròn) và phát hành lại những tiền đúc bằng máy không thể bị cắt xén. Newton cũng chủ trương rằng những kẻ làm giả sẽ bị treo cổ!
243. Newton và chúng có liên quan gì đến Chúa?
Newton (1642–1727) đã sử dụng mô hình hình học Euclid để chứng minh các tiên đề toán học mô tả hệ thống thế giới. Ông cho rằng thế giới bao gồm các cơ thể vật chất, hoặc các khối được tạo thành từ các hạt rắn hoặc đứng yên hoặc chuyển động theo ba định luật chuyển động. Trước các định luật chuyển động này là một “lời chú giải” (scholium), trong đó Newton nêu dẫn các điều kiện của toàn bộ hệ thống của ông, đó là: thời gian tuyệt đối, không gian tuyệt đối, vị trí tuyệt đối và chuyển động tuyệt đối.
Đối với Newton, bản thân vũ trụ giống như một chiếc hộp khổng lồ không bao giờ chuyển động. (Những điều tuyệt đối này trở nên rất quan trọng trái ngược với thuyết tương đối của Albert Einstein.) Theo Newton, Chúa đóng một vai trò tích cực trong hệ thống của ông theo nhiều cách: Ngài là nguyên nhân đầu tiên của toàn bộ hệ thống thiên thể; Ngài giữ cho các ngôi sao và hành tinh không va vào nhau; Ngài tạo ra không gian và thời gian tuyệt đối; và Ngài sửa chữa những bất thường trong chuyển động của các hành tinh và sao chổi, những thứ có thể làm suy yếu toàn bộ sự hài hòa của vũ trụ. Đối với Newton, Chúa không chỉ tồn tại bên ngoài tự nhiên với tư cách là linh hồn phi vật chất và siêu việt, mà Chúa còn là người cai trị và điều chỉnh thực tế và thiết thực của vũ trụ vật chất. Newton viết, “bấy nhiêu đó liên quan đến Thiên Chúa; còn để nói về người từ sự hiện diện của các sự vật, chắc chắn điều này thuộc về lãnh vực của Triết học tự nhiên.” (Đây là khoa học tôn giáo trong thời đại tôn giáo).
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book (Visible Ink Press, 2010), 106-107.