Ảnh từ Internet

Môn học: Siêu hình học
Giáo sư: Nguyễn Ngọc Hải, C.Ss.R.
Học viên: Trần Quang Huy, S.J.

 

 “Kinh nghiệm” là từ ta vẫn thường gặp và thường sử dụng trong đời sống thường ngày. Tuy vậy, chẳng mấy khi ta đặt “kinh nghiệm” dưới những lăng kính khác nhau để khám phá ra giá trị to lớn của nó. Bài viết dưới đây là một nỗ lực khám phá kinh nghiệm dưới những góc cạnh khác nhau. Nhờ vậy, kinh nghiệm trở nên thực sự có giá trị đối với tác giả trong việc sống tính “duy nhất” (unique) của bản thân.

Dẫn nhập     

Trong đời sống hằng ngày, người ta thường dùng hạn từ “kinh nghiệm” theo những nghĩa rộng hẹp khác nhau. Người ngồi ở bãi biển khi chiều dần buông nói rằng anh ta có kinh nghiệm ngắm hoàng hôn trên biển; một bạn trẻ gặp được thần tượng của mình, một ngôi sao ca nhạc như Mỹ Tâm chẳng hạn, cho rằng bản thân có kinh nghiệm với ngôi sao đó; con người nếm cảm kinh nghiệm phấn khích, lo âu, hạnh phúc xuyên suốt cuộc đời… Dường như kinh nghiệm là điều quá đỗi thân quen đến nỗi ta chẳng còn ý thức về nó nữa. Nhưng ý thức về kinh nghiệm để làm gì, hay nói cách khác liệu kinh nghiệm có giá trị gì không? Để trả lời câu hỏi vừa nêu, chúng ta hãy lần lượt đứng dưới góc độ nền tảng hữu thể luận, góc độ nhận thức, góc độ phương pháp truy tìm tri thức và góc độ giá trị để xem liệu kinh nghiệm có giá trị gì.  

1. Giá trị của kinh nghiệm xét dưới góc độ nền tảng hữu thể luận

            Khẳng định nền tảng của hữu thể luận là: “Hữu thể là chứ không thể không là”. Chính kinh nghiệm căn bản về hữu thể dẫn ta đến khẳng định không thể đảo ngược về hiện hữu: “Có cái gì đó”- một khẳng định không thể bị chối bỏ làm nền tảng khởi đầu cho hữu thể luận: “Cách khách quan, sự hiện hữu là chứ không thể không là”. [1] Thật vậy, kinh nghiệm vừa nêu chứng thực rằng thực tại xung quanh tôi tồn tại chứ không thể không-là. Bởi lẽ khi tôi có kinh nghiệm căn bản về một thực tại cụ thể nào đó, thì chắc chắn phải có điều-gì-đó đến với tôi, bằng không tôi sẽ không thể có trực giác nguyên ủy (original intuition) về cái-có-đó, mà điều-gì-đó đến với tôi phải có tương quan trong một mức độ nào đó với thực tại nói trên chứ không thể khác biệt cách hoàn toàn. Như thế, thực tại nói trên tồn tại chứ không thể không-là, và thực tại đó ôm lấy hai thành tố: sự hiện diện của việc-hiện-hữu của thực tại đó trong một mức độ nào đó và chủ thể ôm lấy việc-hiện-hữu vừa nêu. Tóm lại, chắc chắn là có sự hiện hữu và do đó ý niệm tôi có về sự hiện hữu không phải là một ý niệm rỗng mà là ý niệm có nội dung. Chính từ khẳng định vừa nêu mà chúng ta có nền tảng chắc chắn để tiếp tục dấn thân vào hữu thể luận nhằm truy tầm những quy luật, phẩm tính và cấu trúc căn bản của hữu-thể-xét-như-nó-là.

2. Giá trị của kinh nghiệm xét dưới góc độ nhận thức

            Kinh nghiệm căn bản về hữu thể chứng thực tính khách quan của tri thức con người trong một mức độ nào đó, bởi lẽ tri thức của tôi không chỉ được quyết định bởi cái-tôi-suy-tư như Descartes khẳng định, mà còn phụ thuộc vào thực tại đến với tôi. Thật vậy, mọi kinh nghiệm về một hữu thể nào đó nhất quyết phải khởi đi từ trực giác nguyên ủy về hữu thể. Trực giác đó chứng thực rằng có cái-gì-đó đến với tôi, và cái-gì-đó vừa nêu không thể khác biệt hoàn toàn với hữu thể nói trên. Như thế chúng ta rút ra được hai kết luận sau. Thứ nhất, con người có thể tri nhận thực tại khách quan trong một mức độ nào đó. Thứ hai, tri thức mà tôi có được phải mang tính khách quan trong một mức độ nào đó vì tri thức đó phụ thuộc phần nào vào thực-tại-như-nó-là, theo nghĩa là thực tại đó thật sự hiển tỏ cho tôi chứ tôi không thể tự mình quyết định thực tại là như thế nào như cái cách mà các nhà duy tâm quan niệm.

            Bên cạnh đó, chính ngang qua kinh nghiệm mà con người ý thức rõ hơn về bản thân. Tôi không thể biết gì về tôi nếu không trong tương quan với cái-khác-tôi (tha thể). Thật vậy, lý thuyết về Ý hướng tính (Intentionality) của Husserl cho thấy khuynh hướng của ý thức con người là phóng ra bên ngoài: “Ý thức luôn là ý thức về một đối tượng nào đó”, [2] do đó tôi chỉ có thể ý thức về tôi ngang qua tha thể. Kinh nghiệm chính là kết quả của việc tôi tương quan với tha thể như Leonardo Boff khẳng định: “Kinh nghiệm là sự hiểu biết mà một người nào đó đạt được khi người đó ra khỏi chính mình (ex) và khi nghiên cứu mọi góc độ và viễn cảnh (peri) của thế giới các sự vật và thực tại (ence) chung quanh mình”. [3] Như thế, chính kinh nghiệm giúp con người nhận rõ bản chất của mình hơn.

            Cuối cùng, kinh nghiệm chỉ ra phạm vi của nhận thức con người: nhận thức của con người không thể vượt qua chân trời hữu thể. Thật vậy, kinh nghiệm cho thấy rằng ta không thể suy tư về cái gì nếu không gắn cái gì đó với ý niệm hữu thể. [4] Theo nghĩa này mà chúng ta có thể lặp lại phát biểu của Parmenide: “Nghĩ về cái-không-gì nghĩa là không nghĩ” [5], miễn là ta ý thức rằng tiềm thể của một hiện thế thì không phải là cái-không-gì, mà không sợ sai lầm.

3. Giá trị của kinh nghiệm xét dưới góc độ phương pháp truy tìm tri thức

            Cách chung, mọi phương pháp truy tìm tri thứ đều phải khởi đầu từ kinh nghiệm. Thật thế, phương pháp truy tìm tri thức của khoa học là giả thuyết-diễn dịch, còn phương pháp của siêu hình học là hiện tượng luận-siêu nghiệm. [6] Ta dễ thấy là cả hai phương pháp này đều phải bắt đầu từ kinh nghiệm. Tổng quát hơn, có lẽ không ai có thể chối bỏ rằng mọi tri thức đều bắt đầu từ kinh nghiệm, [7] bởi lẽ nếu không có kinh nghiệm thì sẽ chẳng có tri thức nào cả. Do đó, mọi phương pháp truy tìm tri thức trong bất cứ một bộ môn khoa học nào đều phải khởi đi từ kinh nghiệm.

            Cách riêng, trong công cuộc truy tìm tri thức về hữu thể- cụ thể là tìm kiếm một “cấu trúc hữu thể”, hay nói cách khác là diễn tả “cái có đó” trong một cấu trúc khả tri về hữu thể- người ta phải khởi đi từ kinh nghiệm. Thật vậy, khởi từ kinh nghiệm mà con người thấy rõ tính đa bội, tính hữu hạn và tính bất tất của hữu thể hiện hữu, để rồi từ đó nhận ra rằng nguyên lý cấu trúc hữu thể hiện hữu đòi hai đồng nguyên lý như là điều kiện của tính khả tri: nguyên lý của việc hiện hữu (actus essendi) và nguyên lý định đạng hữu thể (essentia). [8] Thêm vào đó, cũng chính từ kinh nghiệm mà ta nhận thấy rằng mọi hữu thể hiện hữu đều biến dịch- chúng là và đồng thời đang trở thành một cách liên tục và nội tại, từ đó nhận ra rằng tự bản chất hữu thể hiện hữu đòi hỏi hai nguyên lý hiện thể và tiềm thể. [9]

4. Giá trị của kinh nghiệm xét dưới góc độ giá trị

            Tự bản chất, kinh nghiệm mang những giá trị không thể chối bỏ. Kinh nghiệm mang giá trị khách quan. Ta dễ thấy là kinh nghiệm mang tính chủ quan nhưng bảo nó là chủ quan hoàn toàn thì không đúng, bởi lẽ nơi kinh nghiệm căn bản về hữu thể, người ta tìm thấy hai nhịp: sự mở ra của chủ thể và sự hiển tỏ của khách thể. [10] Kinh nghiệm còn mang giá trị nhận biết chân thực vì trực giác nguyên ủy về sự hiện hữu- một kinh nghiệm đặc loại về sự hiện hữu- có giá trị nhận biết chân thực về hữu thể. [11] Bởi đó, ta dám khẳng quyết rằng con người có thể biết thực-tại-xét-như-nó-là trong một mức độ nào đó.

            Tôi cho rằng sẽ thật thiếu sót nếu chỉ bàn về biết bao giá trị của kinh nghiệm như ta đã làm mà lại bỏ sót ý nghĩa của nó đối với tôi. Do đó, tôi sẽ tạm kết bài viết này bằng những suy tư phản tỉnh về giá trị của kinh nghiệm cho tôi. Ở phần hai, ta đã thấy rằng chính ngang qua kinh nghiệm mà con người ý thức rõ hơn về chính mình. Cách cụ thể, chính trong tương quan với thực vật và thú vật mà tôi biết rằng mình không phải là chúng mà thuộc về một loài ưu việt hơn chúng: con người. Cũng chính trong tương quan với tha nhân mà tôi nhận ra rằng mình là một con người duy nhất (unique) như tôi là theo nghĩa là không thể tìm được một người khác giống y hệt tôi.

            Việc tự nhận biết chính mình giúp tôi nhận ra giá trị của mình. Vâng, tôi là duy nhất (unique) và tôi tìm được hạnh phúc trong việc đảm nhiệm tính duy nhất đó chứ không cần cố gắng “bắt chước y hệt” người khác nữa, dẫu cho người khác đó có là một nhân vật kiệt xuất như Cha Bề trên cả Dòng Tên đương nhiệm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hay thậm chí là cả Chúa Giêsu. Bên cạnh đó, việc tự nhận biết chính mình cũng làm tôi ý thức hơn sự hiện diện của tha thể tính nơi tôi. Bởi đó, như một lẽ đương nhiên, tôi được mời gọi để đến với tha nhân, và lời mời gọi đó như thể là một “mệnh lệnh tuyệt đối” như Levinas đã nói trong lý thuyết Đạo đức học của sự hoán đổi (alterity). [12] Vâng, cứ mỗi lần mở ra với tha nhân là một lần tôi “trở nên người hơn” và tôi sẽ thực thi “đặc ân làm người ấy” trong hành trình trở nên tròn đầy “như chính tôi là”.

CHÚ THÍCH

[1] x. Nguyễn Ngọc Hải, Những nẻo đường hữu thể (Lưu hành nội bộ), 134.

[2] Học viện Dòng Tên, Triết sử Cận-Hiện đại (Lưu hành nội bộ), 137.

[3] Nguyễn Ngọc Hải, Những nẻo đường hữu thể, 111-112.

[4] Thực tế cho thấy chúng ta vẫn có thể nghĩ về hư vô nhưng là trong mối tương quan với hữu thể: hư vô như là lột bỏ hoàn toàn cái-có.

[5] x. Nguyễn Ngọc Hải, Những nẻo đường hữu thể, 78.

[6] Ibid., 38.

[7] Tôi không nói là mọi tri thức đều bắt nguồn hoàn toàn từ kinh nghiệm.

[8] Tôi lấy tư tưởng chính từ quyển Những nẻo đường hữu thể của tác giả Nguyễn Ngọc Hải từ trang 179 đến trang 183.

            Thứ nhất, kinh nghiệm chứng minh rằng không tồn tại những thực tại hoàn toàn đồng nhất. Thật vậy, không tồn tại hai hòn đá giống nhau hoàn toàn, không thể có hai con người có thể hoán đổi cho nhau. Chính tôi ở thời điểm này cũng không giống hoàn toàn với tôi-hai-năm-trước mặc dù tôi vẫn là tôi. Chính tính đa bội của sự hữu cho thấy thực tại không thể chỉ là việc-hiện-hữu (actus essendi), vì như thế thì mọi thực tại phải đồng nhất với nhau, mà còn phải có sự đồng hiện diện của chủ thể ôm lấy actus essendi– cái mà ta gọi là yếu tính (essentia)- để biện minh cho tính đa bội.

            Tiếp nữa, kinh nghiệm cũng cho thấy mọi thực tồn, kể cả con người, đều hữu hạn và bị giới hạn trong không gian và thời gian, trong thành phần định lượng và trong chiều hướng định tính. Thế nhưng nơi mọi thực tồn phải có sự “nhập thể” của việc-hiện-hữu (actus essendi) vốn là vô hạn và vô định, và do đó không thể là nguyên lý của sự giới hạn. Thế thì phải có cái-gì-đó, đồng hiện hữu với actus essendi, trong nội tại của thực tồn làm nên tính hữu hạn của nó. Bởi thế, hữu thể hữu hạn chỉ có thể được giải thích trên nền tảng của một nguyên tắc kép: nguyên lý thứ nhất là actus essendi– nền tảng của tính tồn hữu- và nguyên lý thứ hai là essentia (yếu tính)- nguyên lý và nguồn gốc sự hữu hạn khách quan của hữu thể.

            Cuối cùng, kinh nghiệm lại một lần nữa cho ta thấy một sự thật nhức nhối nhưng không thể chối cãi là những tồn hữu, kể cả con người, là những tồn tại không thiết yếu: ngay lúc này tôi tồn tại nhưng đã có lúc và sẽ có lúc tôi không tồn tại. Làm sao một hiện hữu hiện thực lại có thể không hiện hữu nếu nơi hiện hữu hiện thực đó chỉ có sự hiện diện độc quyền của actus essendi. Một lần nữa, tương tự như hai bàn luận trên, chúng ta có thể khẳng quyết rằng tính bất tất của hữu thể đòi 2 đồng nguyên lý actus essendiessentia

[9] x. Nguyễn Ngọc Hải, Những nẻo đường hữu thể, 213-215.

[10] Ibid., 133-135.

[11] Ibid., 130-131.

[12] x. Andrew Cutrofello, Continential Philosophy (New York: Routledge, 2005), 158-167.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Cutrofello, A. Continential Philosophy. New York: Routledge, 2005.

Học viện Dòng Tên. Triết sử Cận-Hiện đại. Lưu hành nội bộ.

Nguyễn Ngọc Hải. Những nẻo đường hữu thể. Lưu hành nội bộ.

Peters, J. A. Metaphysics- A systematic survey. Pittsburgh: Duquesne University Press, 1963.