Cha Phaolô Đậu Văn Hồng, tiến sĩ triết học, đã giảng dạy tại Học viện thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam trong khoảng thời gian hơn 10 năm. Hiện tại cha phụ trách giảng dạy 3 môn: Triết Trung Cổ, Hữu Thể Luận và Triết Học Khải Nghĩa. Nhân dịp kết thúc niên học 2017-2018, chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngắn với cha. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện.
– Con kính chào cha! Xin hết lòng cám ơn cha vì cha đã dành thời gian cho cuộc chuyện trò này. Thưa cha, cơ duyên nào đưa cha đến với triết học và rồi cha trở thành giáo sư triết?
Chào thầy. Rất vui mỗi khi có dịp trao đổi và chia sẻ. Nói đến cơ duyên thì cũng là nói đến ngẫu nhiên. Vậy đó, ngẫu nhiên một khi được chấp nhận thuận tình thì trở thành vận mệnh và sứ vụ. Tiến bước trong triết học để rồi đóng vai đồng hành và chỉ bảo (thật ra, chẳng dám tự nhận mình là giáo sư đâu!), đó chính là vận mệnh xuất phát từ 6 năm thụ huấn triết học ở Học Viện Công Giáo Paris tại Pháp kể từ tháng 9 năm 1994. Đúng là chuyến xuất ngoại và hành trình dẫn tới việc bảo vệ luận án tiến sĩ (viết về Paul Ricœur) không hẳn là trong ngạch, thẳng đường, nhưng tất cả đã diễn ra trót lọt. Tuy nhiên, nhìn lui về quá khứ, không thể không ghi nhận hai gương mặt đã ghi dấu ấn sâu đậm, vừa khích lệ vừa lôi cuốn, trên hành trình triết học của chính mình: thầy Nguyễn Khắc Dương vào thời gian đại học và cha Jean Maïs vào giai đoạn tốt nghiệp trung học. Thêm nữa, trong nghĩa vụ hướng dẫn giới trẻ nơi này nơi kia thời còn là chủng sinh, mình vẫn thích lựa chọn hình thức hỏi thưa, nghĩa là đón nhận vấn nạn và gợi mở giải đáp: duyệt lại câu hỏi, mở rộng và nâng cao vấn đề thay vì khẳng định một giải đáp dứt khoát. Hình thức lựa chọn vừa phần nào phù hợp với những năng khiếu sẵn có vừa giúp phát huy những năng khiếu được phú bẩm ấy. “Cậu có thói quen suy nghĩ chín chắn, kỹ lưỡng và có một cách thức vận dụng từ ngữ vừa chuẩn xác, vừa có lựa lọc và vừa phong phú về mặt nội hàm”, đó là lời nhận xét của một số bạn hữu thân tình đầy khích lệ.
Đi thụ huấn về, đâu phải đương nhiên đủ sức làm người dạy triết. Đúng hơn là do nhu cầu và hoàn cảnh của một giai đoạn mà Giáo Hội còn thiếu vắng nhân sự trong lãnh vực triết học. Thế là mình được đề nghị và mình chấp nhận làm người đồng hành, người đàn anh trong bộ môn triết học với nhiều thế hệ trẻ tiếp nối nhau.
– Tư tưởng kinh viện quan niệm: “Triết học là nữ tỳ của thần học.” Là một linh mục giáo sư triết, cha có nhận thấy một khoảng cách hay phân cấp nào giữa triết và thần không ạ?
Đó là kiểu nói của một thời, có lẽ từ thánh Toma. Nhưng thánh Toma cũng đã từng làm cho kiểu nói ấy trở thành mờ nhạt khi nhiều lần nhấn mạnh sự sóng đôi giữa lý trí và đức tin cũng như đã chủ trương sự đồng qui giữa hai thể loại chân lý, tự nhiên và siêu nhiên, một do bởi lý trí và một đến từ mạc khải: hai nẻo đường luôn khả dĩ tương hợp với nhau. Thiết tưởng kiểu nói “triết học chỉ là nữ tỳ” không còn thích hợp nữa, nhất là sau thông điệp Fides et Ratio của ĐTC Gioan Phaolô II. Hình ảnh ví von giúp nhận ra sự cân bằng giữa đôi cánh lý trí và đức tin không còn nhường chỗ cho bất cứ ý tưởng cạnh tranh hay so đo nào giữa hai bộ môn triết học và thần học nữa. Vấn đề đáng quan tâm hơn, đó là làm sao xây dựng và phát huy được một sự kết hợp và hoà quyện tốt đẹp giữa hai bên.
Lại nữa, khi tìm hiểu triết học thời Trung Cổ, mình không thể nào không phản bác một thứ quan điểm hời hợt và thiên lệch vốn, một cách dai dẳng, cho rằng do sự xâm lấn của tôn giáo và đức tin mà tầm vóc của triết học đã bị thu hẹp và triết học đã nên khô héo. Phải nói rằng, ngược lại, sự kết hợp giữa lý trí và đức tin đã chắp cánh và bồi thêm sức sống để cho triết học đã tươi nở, trổ sinh nhiều hoa trái và nhiều viễn ảnh đầy hứa hẹn : triết học và thần học dường như đã lẫn lộn với nhau và hầu như không tách rời khỏi nhau. Có thể nói điều này cũng đang nghiệm đúng cho mình khi tác vụ mục tử lại được thực thi chủ yếu ngang qua trách nhiệm đồng hành với người khác trong sinh hoạt triết học.
Nếu tạm phân chia 3 cấp độ: hiền triết, triết gia và thợ truyền đạt triết học, thiết nghĩ mình chỉ nằm ở cấp cuối thôi. Tuy nhiên, mình tin tưởng và hy vọng nhiều nơi những đóng góp mặc nhiên, không lộ liễu, không áp đặt, không khống chế của những nguồn mạch phát xuất từ nơi đức tin và từ nơi tâm hồn của một linh mục thuộc về Giáo Hội. Mình dường như xác tín rằng không có sự đối kháng giữa thần học đích thực và triết học chân chính. Tự thân, triết học mở lối cho đức tin, còn đức tin thì bảo vệ và tăng sức cho triết học. Nói cho đúng, người ta không thể nhân danh triết học để tuyên bố mình là hữu thần hay vô thần….
– Có những người khi học triết thì đâm ra nghi ngờ đức tin của mình thì sao, thưa cha?
Triết học dở dang sẽ dẫn đến vô tín, thậm chí dẫn đến suy đồi và vô luân. Có những định kiến bất ổn và ngang ngược vốn bắt triết học phải là một thứ luận lý học thuần tuý bao gồm những lý lẽ dùng để tranh cãi hơn thua. Một số khác chỉ muốn mường tượng triết học như một thứ sinh hoạt chuyên sản xuất những lý thuyết, những chủ trương, những lập trường sao cho độc đáo, khác người, hầu thu hút sự chú ý và tìm cầu sự tôn vinh bản thân. Khủng hoảng và xáo trộn sở dĩ xảy ra là do ở chỗ đó. Thế nhưng, đừng vì thế mà đổ lỗi cho triết học. Đó không phải hoặc chưa phải là triết học.
– Việc học triết hiện nay tại các trường đại học ở Việt Nam khiến nhiều người ngộ nhận về triết học. Trong kinh nghiệm nhiều năm dạy triết, cha thấy thế nào với nhận định học triết chỉ toàn lý thuyết trừu tượng và thuần lý trí?
Triết học bị hiểu lầm là chuyện thường tình. Người ta không thực sự nhập cuộc, chỉ đứng ngoài nhìn vào thì thử hỏi làm sao đánh giá đúng đắn được? Nếu người ta cho rằng triết học chỉ là trừu tượng, chỉ bay lượn trên mây trên gió, thử hỏi người ta dựa vào đâu? Có lẽ ở các trường đại học hiện nay không có một bộ môn triết học đúng nghĩa mà chỉ có bộ môn lý luận chính trị, và lý luận nói cho cùng chưa phải là triết học. Trong khuôn khổ đào tạo của Giáo Hội, rất có thể cũng còn những phương cách truyền đạt hay dạy triết nặng tính bài vở, kiến thức hay giáo điều. Nếu đảm nhận bộ môn triết học mà chỉ hài lòng với việc cung cấp một số lượng kiến thức nào đó theo phương thức thuộc lòng và nhai lại thì đúng là góp phần làm cho người ta lầm tưởng rằng triết học chỉ là lý thuyết trừu tượng. Thật ra, triết học đâu chỉ cậy dựa vào đầu óc, triết học còn phải bắt nguồn từ nơi sự thâu nhận của trọn vẹn con người, gồm cả thinh lặng, suy niệm, ngắm nhìn và lắng nghe nữa chứ.
Xét cho cùng, những người thực sự tấn tới trong sinh hoạt triết học luôn chỉ là thiểu số. Những người hiểu lầm chiếm đa số thì cũng không sao, thiết tưởng không cần phải biện bạch hay tranh cãi. Hữu xạ tự nhiên hương mà.
– Một trong những cách để đánh giá việc học triết là bài viết. Cha có thể cho chúng con biết các tiêu chí để đánh giá một bài viết triết học tốt?
Bài viết triết học đàng nào cũng phải là một bài văn. Mà một bài văn hay thì đòi phải đạt tới một mức độ nào đó về nghệ thuật văn chương: dàn bài và bố cục hẳn hoi, mệnh đề, câu cú và từ ngữ phải được trau chuốt. Đương nhiên, ẩn khuất bên dưới và trồi vượt hẳn hơn nữa về mặt đòi hỏi, đó chính là khả năng triết học và kèm theo đó là tinh thần và thái độ triết học. Chính vì thế mà người lượng giá triết học mong muốn tìm gặp được một số đường nét như sau:
Thứ nhất, bài viết không rơi vào khuynh hướng giản lược hay hệ thống hóa tư tưởng phong phú và sinh động của các tác giả một cách dễ dàng, với giọng điệu chắc nịch và giáo điều. Nếu nại tới quan điểm của một tác phẩm triết sử hay của một nhà bình giải nào đó thì cần phải trích dẫn hoặc quy chiếu hẳn hoi. Cần tránh phát biểu một cách khái quát, chung chung, ôm đồm và võ đoán. Tinh thần triết học hệ tại chỗ không a dua và sao chép những mệnh đề lơ lửng, hấp tấp và vô thừa nhận như thế.
Thứ hai, bài viết cần tránh tật tán tự, nghĩa là không chạy theo liên tưởng để thêu dệt dông dài, vòng vèo, vun dồn và dư thừa. Nguy cơ là ở chỗ mạch văn bị lu mờ và thậm chí hư hỏng. Về điểm này, không nên ganh tị hoặc bắt chước người giảng dạy vì người giảng dạy vốn ở trong thể văn nói và vốn ý thức mình đang đi ra và sẽ phải đi vào. Bài viết đã có phần chú thích để thay thế. Thay vì tán tự, rất nên thỉnh thoảng chêm vào những ví dụ hay hình ảnh cụ thể, thích hợp để minh hoạ những ý tưởng và lập luận quan trọng vốn chưa được diễn đạt cho đủ minh bạch và thấu tai.
Thứ ba, phát biểu điều gì thì phải phát biểu cho có chừng mực, có cân đo và có chỗ cậy dựa (trích dẫn và qui chiếu mỗi khi cần thiết). Một mặt, người đọc chờ đợi một sự đan kết khả dĩ hoà điệu giữa hai hướng phân tích và tổng hợp. Mặt khác người đọc cũng rất nhạy cảm đối với một vận trình diễn đạt có liên ý và mạch lạc với những cách thức chuyển tiếp ý nhị và duyên dáng, từ câu này sang câu kia, đoạn trước sang đoạn sau, phần trên sang phần dưới. Cho dầu chiều kích luận lý (logic) tự nó chưa đủ để tạo nên phẩm chất triết học, bài viết không thể không chăm sóc chiều kích ấy.
Thứ tư, bài viết cần thận trọng và dè dặt mỗi khi thẩm định một tư tưởng hay bình luận một lập trường. Tránh tán dương vội vã hoặc chê bai hấp tấp. Thái độ triết học hệ tại chỗ không đề cao hoặc hạ giá bất cứ ai một cách bốc đồng và dễ dàng. Đúng hơn, bài viết cần chứng tỏ cho người đọc một nỗ lực tiếp cận nhẫn nại, khiêm tốn, một thái độ trân trọng và lịch thiệp tối đa đối với con người và tư tưởng mà mình có cơ hội gặp gỡ: sao cho tư tưởng của tác giả được khai triển khả dĩ thấu triệt, trung thực để rồi, thay vì dừng lại ở đó, sẽ vạch thêm lối nẻo đi tiếp của mình và đồng thời hé mở một vài viễn ảnh hoặc cửa ngõ khả dĩ dị biệt và hứa hẹn về mặt khai mở hành trình thâu nhận chân lý.
Quả thế, tinh thần triết học không hệ tại chỗ chất vấn cho bằng tra vấn. Chất vấn là đối đầu, cãi lý để bắt bẻ. Tra vấn là mở ra trước những điều được đón nhận hay được trao gửi, mở ra để nghe cho tỏ, thấy cho rõ và diễn lại cho khả dĩ tới nơi tới chốn. Cần khám phá tối đa những triển vọng và tiềm lực ẩn chứa nơi các bản văn mình tiếp cận. Vấn đề không phải là tranh cãi hơn thua, nhưng là khiêm nhượng và nhẫn nại lắng nghe, ghi nhận để rồi đi tiếp xa hơn nữa hay để có cơ hội lựa chọn đi đường khác, hướng khác khả dĩ đáng mong ước hơn.
Sau nữa, cần phải điều chỉnh cách hiểu về chiều kích ứng dụng của triết học. Có thể nói triết học không nhắm cung cấp “bài học thực hành”, nghĩa là không mang tính thực dụng hiểu theo nghĩa hiện đại. Triết học chẳng qua chỉ gợi mở hướng nẻo và chân trời, chỉ đề nghị một ít thiết bị, chất liệu để mỗi người tiếp nhận có thể dùng làm vốn liếng áp dụng cho riêng mình. Vì vậy, vấn đề áp dụng cần phải được đề cập sao cho thật tế nhị. Cần coi chừng kẻo kết luận sẽ thu hẹp tầm vóc của cả bài viết hoặc thậm chí làm giảm thiểu giá trị và công lao khảo cứu, nếu không nói triệt tiêu luôn cả bài viết.
– Cha có thể cho chúng con vài lời khuyên để có thể học triết tốt không ạ?
Con người tự bản chất là triết gia rồi. Học triết là khơi dậy và phát huy tiềm lực sẵn có nơi bản thân mình thôi. Tiên vàn, người học triết cần tránh đồng hoá việc học triết với việc tích luỹ kiến thức. Đừng nhất nhất đòi hỏi phải có giáo trình in sẵn và đừng bám lấy giáo trình theo kiểu thuộc lòng. Giáo trình triết học chỉ có giá trị trong mức độ thôi thúc, khích lệ, hướng dẫn học viên luyện tập tự mình suy tư và tự mình diễn đạt. Triết học đòi phải dấn thân, nhập cuộc và khổ công luyện tập, có thể nói tựa như luyện tập thể dục thể thao vậy.
Vậy luyện tập gì? Thưa luyện tập trình tự tư tưởng và luyện tập nghệ thuật diễn đạt. Luyện tập suy tưởng, và từ suy tưởng luyện tập diễn đạt sao cho thấu triệt, chất chứa và chuẩn xác tối đa. Một công việc luyện tập như thế đòi phải khởi đầu bằng cách dựa dẫm và men theo những bước chân đi trước của những nhà tư tưởng vốn đã chiếm giữ một vị trí và một thế giá đáng kể trong lịch sử triết học. Cần phải bám theo ai đó để tập đi thì mới mong về sau mình sẽ tự bước đi một cách độc lập và vững chãi. Mà đã dựa dẫm và men theo thì chớ tìm cách gồng mình kháng cự: không vội vã đòi thâu tóm, đóng khung và định nghĩa. Nguy cơ xảy ra sẽ là bị dẫm chân tại chỗ hoặc bị bỏ lại bên lề. Cần phải mềm mại, uyển chuyển, sẵn sàng buông bỏ những điều tâm đắc, những khuôn thước và những định nghĩa đã từng sẵn trước và đã từng in sâu nơi mình. Buông bỏ thì không tránh khỏ tiếc xót, lo âu và sợ hãi. Tuy nhiên, người luyện tập có quyền vững tin rằng cái được sẽ quý hoá hơn nhiều so với cái mất do ở bước tiến khả dĩ đáng kể hơn của cảm thức ngay chính nơi mình cũng như do ở một sự du nhập khả dĩ thâm sâu hơn vào trong vòng bao bọc, dưỡng nuôi và nâng đỡ của chính chân lý.
Suy cho cùng, học triết không nhắm kiến thức nhưng nhắm một sự vận dụng trọn vẹn con người sao cho tấn tới hơn và hoàn chỉnh hơn. Hiểu như thế thì học triết cũng là đồng thời tìm cầu một phương pháp, một kỹ thuật, hay đúng hơn, một tập quán trí thức cho mình. Bằng cách dấn thân luyện tập suy tưởng và diễn đạt, trong khiêm tốn, nhẫn nại và tin cậy, mỗi người sẽ tự tạo được cho mình một quán tính triết học khả dĩ thích hợp và hữu hiệu.
– Cũng hơn 10 năm cha giảng dạy tại Học viện Dòng Tên, xin cha chia sẻ đôi chút cảm nhận của cha về Học viện của chúng con.
Với những sức lực, nhiệt tình và tâm huyết bỏ ra hơn 10 năm nay để đồng hành và dẫn dắt anh em học triết ở Học viện Dòng Tên này, thú thật mình đã không hề hối tiếc. Hơn hẳn nơi các cơ sở và môi trường khác mà mình cũng liên đới trong việc giảng dạy, ở đây, mình được khích lệ và an ủi rất nhiều nhờ ở truyền thống học hành nghiêm chỉnh, cần mẫn và khả dĩ thấu đáo của anh em. Có sự thôi thúc lẫn nhau, nêu gương cho nhau và trợ giúp nhau. Có nỗ lực tìm hiểu bằng cách đặt câu hỏi, tranh luận, có lúc tranh luận đến mức sôi nổi. Ngoài ra, với khả năng ngoại ngữ ngày một tấn tới, một số anh em đã tỏ ra xuất sắc trong công việc khảo cứu, với những kết quả có thể nói hữu ích cho nhiều người. Ở đây, hơn hẳn những nơi khác, mình như cảm thấy những mong mỏi và hy vọng về một nền tảng trí thức tốt đẹp và về những triển vọng trổ sinh hoa trái, đặc biệt trong ngành triết học, sẽ rất là khả thi.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có một vài trường hợp người học viên tỏ ra cứng cỏi và thiên về thái độ phản kháng, phản kháng không mấy tích cực. Rồi cũng có sự kiện lớp này hay khoá này trổi vượt hơn lớp kia, khoá kìa, có lẽ do qui luật của năng động tập thể. Chung qui lại, những bất cập hay bất đồng, xét trong mối hỗ tương, cũng chỉ là những biểu hiện của cùng một ước nguyện mang tính xây dựng : sao cho mỗi người được nên thăng tiến hơn, quân bình hơn và trưởng thành hơn.
Ngoài ra, thiết tưởng cũng nên ghi nhận về tác dụng hai chiều, vừa thuận lợi, tích cực nhưng cũng vừa có thể bất lợi, tiêu cực của những nếp suy nghĩ, những lập luận, một số vốn liếng từ ngữ và khái niệm đượm tính chất nội bộ, dường như đông cứng. Có lẽ cũng nên vận dụng một ít ý thức phản tỉnh để tránh làm cho những yếu tố này trở thành rào cản và trở ngại trước một chiều hướng phát triển khả dĩ phổ quát, đại đồng hơn khởi từ một cằn tính luôn cần được bảo toàn của học viện.
– Kính thưa cha, Học viện Dòng Tên vừa ký liên kết với trường LST Loyola và đã được tòa thánh phê chuẩn chương trình học cũng như đồng ý cấp bằng STB (cử nhân thần học của Giáo Hội) cho các học viên theo học ở đây, cha có muốn gửi gắm ưu tư hay lời nhắn nhủ nào đến chúng con trong biến cố đặc biệt này không thưa cha?
Gaudium et spes! Xin chúc mừng, đồng thời xin chia sẻ niềm vui và hy vọng cùng với học viện. Một bước tiến, một dấu ấn, một biến cố nói lên tầm vóc đi lên của học viện, trong tương quan với thế giới và Giáo hội hoàn vũ. Sát nhập hay hợp thức hóa để kết nối với một đại học mang tầm vóc quốc tế thì sẽ kéo theo việc nâng cao mức độ đòi hỏi cả đối với các học viên lẫn đối với các giáo sư. Triển vọng tiến bộ và vươn cao hẳn khá là rõ rệt. Việc xiết chặt, luyện lọc, điều chỉnh, cố sức, cả về mặt phương pháp, nội dung giảng dạy và học tập lẫn về mặt phẩm chất và nhu cầu cập nhật của bài vở cũng như khả năng chuyên nghiệp… tất cả sẽ rất hứa hẹn về mặt thành quả. Tuy nhiên, nguy cơ về sự chênh lệch giữa hình thức và nội dung, giữa cơ chế và thực lực vẫn có thể xảy ra. Một nỗ lực rướn gắng và thúc ép, một cách vô tình, có thể dẫn đến một ít mất mát và loại bỏ đáng tiếc đối với một số giá trị nào đó tuy ẩn khuất nhưng không kém quý hoá.
Cùng với tâm tình hân hoan chúc mừng, xin cũng sẻ chia với học viện đôi chút lo âu trong bối cảnh “vạn sự khởi đầu nan”. Cầu chúc Học viện thành đạt, nhờ ơn Chúa, trong những ước mơ, dự phóng, công trình tốt đẹp, với một tương lai xán lạn.
– Mùa Chay sắp bước vào cao điểm Tuần Thánh, chắc hẳn độc giả của dongten.net cũng mong muốn nhận những lời khuyên dạy hay những chia sẻ thiêng liêng từ cha.
Cùng với phụng vụ Mùa Chay, triết học cũng cổ võ chúng ta tiến sâu vào giữa lòng cuộc sống. Chấp nhận đánh mất sự sống để được ban tặng sự sống. Nói theo ngôn ngữ của Ricœur, chấp nhận đánh mất chính mình để tìm gặp lại chính mình, một chính mình nên khác, đổi mới, hoàn thiện hơn. Qui luật thối rữa, mục nát của hạt lúa mì không thể không thách thức chúng ta về một quyết định dấn thân theo Đức Kitô trên bước đường chịu đau khổ và chịu chết của Ngài. Triết học đưa dẫn chúng ta tiến tới trên đường trở thành hiền nhân, thánh nhân. Đức tin Kitô giáo qua chu kỳ Mùa Chay và Phục Sinh dìu dắt chúng ta ngày một nên đích thực hơn con cái của sự sống lại, của sự sống viên mãn. Chúng ta đang trên đường, Mùa Chay đang được lặp lại theo chu kỳ. Tuy nhiên, thời giờ luôn vắn vỏi, phù du, lời mời gọi hoán cải luôn thôi thúc, cấp bách bởi lẽ Tình Yêu không chấp nhận trì hoãn, ngưng trệ và ì ạch. Xin cho Mùa Chay đang trôi qua và Tuần Thánh đang đến tạo được những biến đổi sâu xa nơi trọn vẹn mỗi con người chúng ta trong tương quan với tha nhân và trong tương quan với Đấng Tuyệt Khác mà chúng ta không ngừng tin tưởng, thờ lạy.
Cám ơn thầy đã đặt câu hỏi cuối cùng này. Không phải mình trả lời cho người khác, nhưng là trong phản tỉnh tự trả lời cho chính mình.
Cám ơn về toàn bộ cuộc phỏng vấn. Hy vọng những chia sẻ và trao đổi trên đây thắt chặt thêm tình huynh đệ giữa chúng ta, giúp chúng ta ngày một hiểu nhau hơn, yêu mến nhau hơn, nhất là góp thêm phần hữu hiệu cho chúng ta trên bước đường phục vụ nối gót Chúa Giê-su.
Con xin hết lòng cám ơn cha vì những chia sẻ hết sức chân tình và quý báu. Chúng con cầu chúc cha Tuần Thánh thật sốt sắng. Xin Chúa giữ gìn cha, bạn cho cha có được sức khỏe thể xác và sự khôn ngoan thánh thiện để cha tiếp tục dìu dắt chúng con trên hành trình tìm kiếm chân lý.
Thực hiện: Jos. Nguyễn Minh Vương, SJ.