HỌC VIỆN THÁNH GIUSE – DÒNG TÊN VIỆT NAM
Khuôn Mặt Người Lạ Trong Siêu Hình Học Của Emmanuel Lévinas
Bộ môn: Siêu hình học
Giáo sư hướng dẫn: Fr. Giu-se Vũ Uyên Thi, S.J.
Học viên thực hiện
Phan Gia Khuê, S.J.
Tháng 08 năm 2021
Abstract
Về siêu hình học theo Emmanuel Lévinas, trước hết bài viết đề cập đến phê bình của ông đối với hữu thể luận của Heidegger. Tiếp đến, với những đòi hỏi nảy sinh từ việc phê bình, ông sẽ phục dựng siêu hình học trong khía cạnh siêu việt tính, đó cũng là tương quan ưu tiên của Dị Biệt trước Tương Đồng. Từ đây, không khó để đi đến kết luận về vị trí của đạo đức học với tư cách là triết học đệ nhất, được cô đọng trong ý tưởng mà Lévinas gọi là khuôn mặt của tha nhân.
Mở đầu
Ich bin du, wenn
ich ich bin.
Tôi là bạn, khi
tôi là tôi.
<[Paul Célan]
Lévinas đã mở đầu chương thứ IV[1], “Hoán vị” (Substitution), trong tác phẩm kinh điển Otherwise than being or Beyond essence bằng câu thơ lạ lùng này của Paul Célan, và cũng xem đó như đại diện cho những ý tưởng chính mà ông sẽ khai triển.
Emmanuel Lévinas được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Do Thái chính thống. Xuất thân này, trong bối cảnh lịch sử[2] lẫn truyền thống giáo thuyết, rồi đây cũng sẽ là điểm khởi phát cho những suy tư độc đáo của ông. Tư tưởng Lévinas có thể được phân loại vào hiện tượng luận và hữu thể luận ngang qua những ảnh hưởng của Husserl và Heidegger, nhưng hơn thế, nó còn thấm đẫm tinh thần tri thức của Do Thái giáo. Tương tự một số triết gia đương thời theo hướng tiếp cận liên chủ thể (intersubjectivity), chẳng hạn như Martin Buber, Gabriel Marcel, Luce Irigaray,… ý tưởng của Lévinas cũng nhấn mạnh đến mối tương quan giữa chủ thể-bản ngã và khách thể-tha nhân. Thế nhưng điều khác biệt nòng cốt ở đây là đối với Lévinas, mối tương quan ấy không phải là một đối thoại bình đẳng mang tính hỗ tương, mà cán cân nghiêng hẳn về phía tha thể: tương quan siêu việt (transcendental relation) lôi kéo tôi ra khỏi biên giới của hữu-thể-tôi để đối diện hoàn toàn trước khuôn mặt tha nhân.
Tôi hiện hữu qua tha nhân và cho tha nhân, nhưng đó không phải là sự tha hóa: tôi được gợi hứng.[3]
Trong hoàn cảnh hậu hiện đại, khi những phần tử của thế giới dường như được ấn loát bởi những khuôn đúc hàng loạt, những hình hài tương tự, những khuôn mặt từng ngày lướt qua không dấu vết mà cái-nào-cũng-như-cái-nào[4], khi người ta mất đi sự định vị về mọi thứ, kể cả chính mình nơi một thế giới bị đồng hóa như vậy, vì cái gì phổ quát thì cũng đều có thể được thay thế, thì thông điệp của Lévinas về một khuôn mặt không thể giản lược của tha nhân quả thật khiến tất cả phải rúng động.
Thông điệp đậm tính nhân văn mà Lévinas trình bày không phải chỉ đơn thuần là hệ quả từ kinh nghiệm chủ quan của cá nhân ông, mà đó là một hệ thống rành mạch, hợp lý. Ông tiến hành trước hết với việc phê bình những tư tưởng đương thời, đặc biệt là nhắc nhiều đến Heidegger. Tiếp đến, với những đòi hỏi nảy sinh từ việc phê bình, ông sẽ phục dựng siêu hình học về siêu việt tính. Đó là tương quan ưu tiên của Dị Biệt (l’Autre) trước Tương Đồng (le Même). Từ đây, dựa trên hiện tượng học của Husserl, không khó để Lévinas đi đến kết luận về vị trí của đạo đức học với tư cách là triết học đệ nhất.
Đó cũng là trình tự mà bài viết này sẽ được triển khai.
Chương 1: Dòng chảy thời đại – Tái khám phá siêu hình học về siêu việt tính
Hans-Georg Gadamer, một người đương thời với Lévinas, đã nói rằng, ý thức mang nặng lịch sử đến nỗi nó thuộc về lịch sử hơn là ông chủ của lịch sử: “ý thức là hữu thể hơn là ý thức”[5]. Tư tưởng của một người thật ra là phản ứng của người ấy đối với cảnh ngộ lịch sử của thế giới mà anh ta được cưu mang. Khoảng giữa của thế kỷ XX là một khúc quanh đầy xáo động xảy đến nơi mọi tủy cốt của đời sống, đến nỗi chỉ trong vòng một vài mươi năm, khuôn mặt của thế giới đã hoàn toàn biến dạng. Trong bầu không khí nơi xảy ra cuộc chuyển mình vồn vã ấy, những tư tưởng đòi hỏi xét duyệt lại toàn bộ truyền thống triết học Tây phương bắt đầu nảy nở. Lévinas cũng là một trong số họ, và đã tiến về phía cánh tả xa hơn cả, đến nỗi từ điểm nhìn ấy, ông đã tỏ ra rất khác biệt so với dòng chảy của ý thức hệ Tây phương.
Trước hết, Lévinas đồng ý với kết luận của Heidegger trong việc giải cấu trúc toàn bộ lịch sử triết học Tây phương với điểm khởi phát của nó là triết học Socrates.
Kể từ sau Heidegger, các triết gia thích đề cập đến “hữu thể luận” hơn là “siêu hình học”[6], và điều đó có lý do chính đáng. Thứ nhất, Tây phương vốn dĩ đã quá ngán ngẩm bất cứ ý tưởng nào dính dáng đến siêu hình học với những “tín điều” vô thưởng vô phạt về một thế giới méta mà không ai có thể kiểm chứng. Thứ đến, lời cáo buộc của Heidegger đối với truyền thống triết học Tây phương về sự “lãng quên câu hỏi về hữu thể” đã phần nào có tác dụng gợi lên một sự thức tỉnh, để từ đó trào lưu nhắc nhớ về hữu (l’être) và hữu thể (l’étant) diễn ra nhiệt thành như một động thái hối lỗi. Ngay cả với chính Lévinas, những suy tư của Heidegger về hữu (l’être) luôn song hành với lộ trình suy tư của ông không chỉ như một mục tiêu mà còn chủ yếu bởi vì câu hỏi về hữu cấu thành một yếu tố thiết yếu trong bất kỳ một suy tư đến nơi đến chốn nào. Theo cách giải thích của Lévinas, hữu thể luận của Heidegger là một đổi mới tuyệt vời của truyền thống triết học Tây phương vốn đã kế thừa từ Parmenides. Do đó, cần phải phê bình kỹ lưỡng Heidegger nếu người ta muốn biết mình đang đứng ở vị trí nào, với tư cách là những người thừa kế truyền thống đang trải qua cuộc khủng hoảng của nền văn minh đương đại.[7]
Điều mà Lévinas nhận thấy trong triết học của Heidegger là hữu thể luận và hiện tượng luận không đối lập nhau. Heidegger quan tâm đến hai vấn đề chính: hữu thể luận nền tảng và Dasein – sự diễn đạt kinh nghiệm (nơi hiện hữu người). Lévinas viết rằng Sein und Zeit của Heidegger “nhằm mục đích mô tả hữu hoặc hiện hữu người, chứ không phải bản chất của anh ta”[8]. Từ điểm nhìn này, khẳng định quan trọng đầu tiên được chỉ ra ở đây, như đã nói, là triết học của Heidegger chủ yếu hướng đến việc giải thích mối quan hệ giữa hữu và hữu thể.
Tuy nhiên, Lévinas tiếp tục phê bình thêm rằng, nếu Heidegger đã phần nào đúng đắn trong công cuộc giải cấu trúc toàn bộ lịch sử triết học Tây phương để chỉ ra tham vọng bá quyền của nó, tức là mưu toan muốn giản lược hữu thể chỉ còn như là một vật tồn tại đơn thuần, ở trước hay nơi tầm tay – một đối tượng khả tri, thì chính Heidegger, khi đề xuất về một “hữu thể luận nền tảng” cũng lại rơi vào cùng một tham vọng đó.[9]
“Chủ nghĩa vị kỷ” (egoism) của hữu thể luận vẫn còn đó… Chiếm hữu trước hết là hình thức mà những cái dị biệt bị biến thành tương đồng, bằng cách cùng trở thành cái của tôi. Khi tố cáo quyền lực tối cao của bá quyền mang tính kỹ thuật của con người [nơi triết học Socrate], Heidegger lại đề cao quyền lực mang tính tiền-kỹ thuật của sự chiếm hữu [nơi triết học tiền-Socrate]. Các phân tích của ông chắc chắn không bắt đầu với vật-khách thể, nhưng chúng [chỉ] mang dấu ấn của những cảnh quan tuyệt vời mà sự vật đề cập đến. Hữu thể luận trở thành hữu thể luận của tự nhiên, sự phong nhiêu phi cá thể, người mẹ hào phóng không diện mạo, ma trận của những hữu thể đặc thù và chất thể vô tận cho mọi thứ.[10]
Chính vì vậy, Lévinas muốn tiến xa hơn để đi đến một sự đoạn tuyệt dứt khoát với mẫu hình của truyền thống triết học Tây phương. Mối tương quan đặc biệt này đã được Jacques Derrida phân tích một phần trong tiểu luận Violence and metaphysics. Derrida nói rằng nét đặc trưng trong tư tưởng của Lévinas là mong muốn giải phóng tư duy khỏi sự thống trị của cái tương đồng (le même) và cái tôi (le soi):
tư tưởng… tìm cách tự giải phóng khỏi ách thống trị của Hy Lạp vốn dựa trên cái Tương Đồng và Nhất Thể… như thể khỏi sự áp bức chính mình – một sự áp bức chắc chắn có thể ví như là chẳng còn cái dị biệt nào khác trong thế giới, một sự áp bức hữu thể luận hoặc siêu việt tính, nhưng cũng đồng thời vừa là nguồn gốc vừa là vô can của mọi áp bức trên thế giới. Cuối cùng, một tư tưởng tìm cách tự giải phóng mình khỏi một triết học… “bị đóng chặt trong khái niệm về tổng thể (totality), vốn thống trị triết học Tây phương”.[11]
Lévinas nhận ra rằng hữu thể luận, trong khi là thủ phạm, không thể là phương cách để thực hiện cuộc khai phóng này. Bởi lẽ, hữu thể hiển nhiên phải mang lấy sự toàn triệt hay tổng thể (totalité) nơi mình. Sự phân minh này tạo nên một mối chia cắt triệt để đối với những gì nằm bên ngoài làn ranh của hữu thể, tức cái vô cùng (infini) nơi tha thể. Vì thế, nó cần một thông lộ nào đó khác.
Lévinas tiến hành công cuộc khai mở thông lộ này khi ông khám phá ra rằng, chỉ có mối tương quan siêu việt giữa các hữu thể mới là phương cách rốt ráo. Ngay chính Heidegger cũng đã phần nào nhận ra điều này. Heidegger cho rằng, Dasein hiểu về hữu bởi vì nó “vượt ra ngoài” hữu thể và theo đó mở ra với hữu thể của chính nó cũng như của vạn vật. Đây là nghĩa cơ bản nhất mà Heidegger gán cho cho siêu việt tính cũng như suy tư về hữu.[12]
Triết học diễn tả chính mình như là một sự nhận thức về hữu thể. Trong quyển sách này [Totality and Infinity], siêu hình học mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Nếu hướng vận động của nó dẫn đến sự siêu việt như vậy, thì siêu việt không có nghĩa là sự chiếm hữu [nhận thức] về cái sự vật là, mà là sự kính ngưỡng đối với nó.[13]
Chính đòi hỏi của siêu việt tính này mà tư tưởng Lévinas minh nhiên phải chuyển động trong bối cảnh méta của siêu hình học (meta-physics), điều mà hữu thể luận hay hiện tượng luận không đủ thẩm quyền đề cập. Bởi vì “vận động của những [hữu thể] tách biệt không thể cùng bình diện với vận động của siêu việt tính”[14]. Vì vậy, khi nêu ra vấn đề về siêu việt thì cũng cùng lúc nói về siêu hình học.
Chương 2: Dị Biệt (l’Autre) và Tương Đồng (le Même)
Như vừa đề cập trên đây, Lévinas hướng hiện tượng học vào một lộ trình vượt khỏi những quan niệm mang tính hữu thể luận về hữu thể, để hướng đến tha thể. Theo dòng chảy này, nếu mối bận tâm của Heidegger là hố thẳm giữa hữu và hữu thể, thì đối với Lévinas đó lại là mối duyên nợ giữa Dị Biệt (l’Autre, the Other, cái khác nhau, cái nằm ngoài, tha thể) và Tương Đồng (le Même, the Same, cái giống nhau, cái cùng/chung, chủ thể).
Với một lối tiếp cận ngược chiều, Lévinas cho rằng toàn bộ hữu thể luận của triết học Tây phương là một công cuộc “giản lược cái Dị Biệt thành cái Tương Đồng”[15].
Triết học Tây phương thường là một hữu thể luận: một sự giảm trừ cái Dị Biệt thành cái tương đồng bằng cách chèn vào một thuật ngữ trung gian và trung tính nhằm đảm bảo việc hiểu biết hữu thể.[16]
Trong Tương Đồng, hữu thể luận ra sức tìm kiếm hoặc dồn ép những hình hài, những âm sắc của tha tính nơi Dị Biệt, để biến chúng thành những ý niệm mang tính phổ quát mà nhận thức có thể nắm bắt. Trong khi giải cấu trúc siêu hình học, Derrida cũng đã từng manh nha chỉ ra rằng đó không phải là một học thuyết mà là một “cỗ máy” có cấu trúc đáng ngờ. Nó mang dáng dấp của một tham vọng đế quốc ẩn dưới cái gọi là tính khả tri. Cơ chế đó cậy dựa vào một sự khủng bố, vì nó tìm cách loại trừ mọi khác biệt, hay tha tính.[17]
Sự trung hòa Dị Biệt – cái rồi sẽ trở thành một chủ đề hoặc một đối tượng xuất hiện… – đích xác là sự giảm thiểu [đang nói đến] vào cái Tương Đồng. Biết theo cách thức hữu thể luận có nghĩa là ngạc nhiên nơi một hữu thể (l’etant) khi đối mặt với cái không phải là hữu thể này (l’etant), mà là kẻ lạ mặt này, theo cách thức nào đó mà nó bị phản bội, đầu hàng, bị đẩy đến đường chân trời giới hạn của nhận thức nơi mà nó tự đánh mất mình và rồi xuất hiện, tự mở ra để nắm bắt, trở thành một khái niệm. Biết, suy cho cùng có nghĩa là kéo Hữu thể ra từ hư vô hoặc giảm trừ nó thành hư vô, loại bỏ khỏi nó tha tính của nó.[18]
…
Đối với sự vật (the things), công việc của hữu thể luận bao gồm việc hiểu rõ cá thể (cái đơn lẻ tồn tại) không phải ở tính cá thể của nó mà là tính tổng quát của nó (trong đó chỉ có khoa học). Mối liên hệ với Dị Biệt đạt được ở đây chỉ thông qua thuật ngữ thứ ba mà tôi tìm thấy trong chính mình. Vì vậy, lý tưởng chân lý theo trường phái Socrate là dựa trên bản chất của sự tự đủ nơi cái Tương Đồng, sự đồng nhất trong tính duy ngã của nó, chủ nghĩa vị kỷ của nó. Triết học là một quy ngã luận (egology).[19]
Như vậy, mọi nhận thức mang tính hữu thể luận về Dị Biệt luôn tước đoạt khỏi chúng những gì làm nên chúng, tức là tha tính của chúng. Theo cách này, hữu thể luận bao giờ cũng diễn đạt về Dị Biệt theo những đường nét bởi cái biết mang tính chủ quan. Nói như vậy, liệu sẽ còn một khả thể nào đối với tri thức?
Đối với Lévinas, động thái thích hợp khi tiếp cận Dị Biệt, nhìn chung được ông gọi là một Khao khát mang tính siêu hình (Metaphysical Desire). Động thái này mang một nguyên lý siêu hình mà cách nào đó cũng tương tự như nghịch lý trong chuyển động của Zeno, nghĩa là mỗi bước tiến của chủ thể về phía tha thể thì cũng cùng lúc đích nhắm của nó lùi xa hơn.[20]
Khao khát mang tính siêu hình có một ý định khác; nó khao khát vượt ra khỏi mọi thứ có thể hoàn tất nó một cách đơn giản. Nó giống như sự tốt lành – Khao khát không lấp đầy nó, nhưng đào sâu nó thêm mãi.[21]
Theo Lévinas, tự bản chất, Khao khát siêu hình khác hẳn với cái được gọi là nhu cầu[22]. Đó là sự khác biệt mà truyền thống triết học châu Âu đã không chú ý đến. Khi chủ thể kinh nghiệm về nhu cầu, tương quan giữa cái Tôi và nhu cầu của nó có thể được diễn tả như sự thiếu hụt. Đối với nhu cầu, ví dụ như đói, thì những thứ giáp mặt Tôi với tư cách là cái Dị Biệt (chẳng hạn như thức ăn) sẽ trở thành một phần của Tôi. Như Lévinas đã nói, “tha tính của chúng do đó được tái hấp thu vào bản sắc của riêng tôi”. Vì vậy, khi nói đến nhu cầu, ‘cần một cái gì đó’ có nghĩa là liên hệ với một cái gì bên ngoài bản thân Tôi, theo cách thức phủ nhận tha tính của nó (khi đồng hóa tha tính ấy với bản sắc của tôi).[23]
Ngược lại với nhu cầu, Khao khát siêu hình là một khao khát quy hướng hoàn toàn về tha tính, (và đây là điểm nòng cốt trong tư tưởng Lévinas). Nó là một chuyển động hướng tới cái ngoại tại và dị biệt. Như Lévinas giải thích, “Khao khát [siêu hình] không đồng nghĩa với một nhu cầu không được đáp ứng; nó nằm ngoài sự hài lòng và không hài lòng ”[24]. Khao khát này là mô thức cho mối tương quan mang tính siêu việt giữa con người với dị biệt. Nó khác những khao khát thông thường vốn chỉ là những tác vụ cần được đáp ứng, chẳng hạn như “bánh mì tôi ăn, mảnh đất tôi ở, quang cảnh tôi chiêm ngưỡng”[25]. Ngược lại, khao khát siêu hình “có xu hướng hướng tới một cái gì đó hoàn toàn khác, hướng tới cái dị biệt một cách tuyệt đối.”[26]
Nhiệm vụ chính phía sau tất cả những nỗ lực này cốt ở suy tư về cái-Dị-Biệt-trong-cái-Tương-Đồng… mà không rơi vào ý nghĩa rằng cái Dị Biệt chỉ như là một cái Tương Đồng khác mà thôi… Thuật ngữ “trong” ở đây không có nghĩa là một sự đồng hóa: Dị Biệt làm xáo trộn hoặc đánh thức Tương Đồng; Dị Biệt làm phiền Tương Đồng, hoặc truyền cảm hứng cho Tương Đồng; hoặc Tương Đồng khao khát Dị Biệt, hay là trông ngóng nó.[27]
Đến đây, khi nhấn mạnh đến sự quy chiếu hoàn toàn về cái Dị Biệt (l’autre), tức hữu thể (étant), Lévinas rốt cuộc đưa đến một lập trường trái ngược với Heidegger, vốn ưu tiên chú tâm đến hữu (l’être) hơn là hữu thể (l’étant).
Một cách đương nhiên, siêu hình học sẽ đạt được sự kiện toàn của nó nơi đạo đức. Bởi vì chỉ trong mối tương quan đạo đức, Dị Biệt mới có thể phô bày trước mặt nhận thức tất cả mọi tha tính vốn không thể giản lược của nó.[28] Như vậy, không phải là Lévinas chối từ truyền thống suy tư của hữu thể luận, nhưng là mang lại cho nó một lối tiếp cận mới. Nói cách khác, ‘hiểu về hữu thể’ có nghĩa là tìm thấy khả thể về một tương quan đạo đức với Dị Biệt. Vì lẽ này, Lévinas xem đạo đức siêu hình là triết học đệ nhất. Ông đã mở đầu tác phẩm quan trọng nhất của mình, Totality and Infinity, bằng những lời đầy khiêu khích như sau:
Mọi người sẽ dễ dàng đồng ý rằng, điều quan trọng nhất là biết liệu chúng ta có bị lừa gạt bởi đạo đức hay không.[29]
Chương 3: Khuôn mặt người lạ – Đạo đức học là triết học đệ nhất
[Trong phạm vi bàn luận này, khi không còn dàn trải bao quát trong toàn bộ siêu hình học mà được thu hẹp vào lãnh vực của đạo đức, nghĩa là tương quan giữa người với người, Dị Biệt (l’Autre) được hiểu trực tiếp là tha nhân. Vì vậy ở phần này, để thuận tiện diễn đạt trong tiếng Việt, chúng tôi sẽ sử dụng cách dịch của l’Autre là Tha nhân.]
Đời người không giống như một căn phòng, nơi chỉ việc đẩy cánh cửa mở ra là có thể nắm bắt được mọi thứ bên trong. Đời người có lẽ gần hơn với đường đi, nó là một hành trình, và theo cách nói của Heidegger, là hữu – một động từ: “Khuôn mặt là hiện diện sống động; nó là sự diễn đạt… Khuôn mặt biết nói”.[30] Nhưng vì bản năng con người vốn dễ hình dung về nơi chốn hơn là về đường đi, nên ảo vọng giản lược tha nhân thành một đối tượng khả tri từ đó mà nảy sinh. Lévinas muốn phá tan tham vọng này, bằng một ý niệm đơn giản, nhưng lại hàm chứa sức chấn động ghê gớm: khuôn mặt (visage) của Tha nhân.
Trong Totality and Infinity, Lévinas mô tả đơn vị cơ bản (nghĩa là không thể giản lược được) của hiện tượng học là khuôn mặt của Tha nhân: “Cách mà tha nhân tỏ bày mình, vượt khỏi mọi ý niệm về tha nhân trong tôi, chúng ta gọi đó là khuôn mặt”.[31] Nó gây rúng động bởi nơi đó, người ta lập tức nhận ra “tình trạng bấp bênh tột độ của một cái gì duy nhất”.
Nơi đây, Lévinas sẽ tỏ cho thấy rõ ràng hơn cả về tính ưu tiên của tha thể trước chủ thể. Khuôn mặt của Tha nhân trần trụi và túng thiếu, do đó nêu lên một đòi hỏi mạnh mẽ về trách nhiệm đối với nó. Trong bối cảnh này, bởi đòi hỏi hoàn toàn quy hướng về phía tha thể, bản ngã sẽ được định nghĩa tùy theo nét mặt của Tha nhân – kẻ đặt gánh nặng trách nhiệm lên một người và đòi hỏi siêu việt tính của hữu thể người ấy, như thể bản ngã trở nên bị bao bọc, định nghĩa và giới hạn bởi mối quan hệ hướng về Tha nhân này. Lévinas đối lập cái tổng thể (totalité) của bản ngã và hữu thể với cái vô cùng (infini) của Tha nhân. Tha nhân là một vị trí siêu việt khi người ta vượt ra khỏi khuôn bao của bản ngã để liên hệ với cái Khác, với tha tính và sự khác biệt, trong một mối liên kết đạo đức mang tính siêu việt. Tha nhân, trong tư cách là ngoại diên đối với hữu thể, hiệu triệu và đòi hỏi sự hiện hữu của một người nhất thiết phải hướng đến trách nhiệm đối với Tha nhân.
Một trách nhiệm ám ảnh, một người là một nỗi ám ảnh, vì tha nhân vây bọc lấy tôi, đến mức anh ta biến tôi thành một con tin (hostage).[32]
Hẳn nhiên, dáng vẻ của khuôn mặt, cái không thể giản lược và được tiếp cận không phải chỉ như một sự tượng trưng (sự mô phỏng lại cho nhận thức) này, rõ ràng là một diễn đạt mang tính hiện tượng luận. Hơn nữa Lévinas đã khai triển chúng theo những tư tưởng mang định hướng trong bối cảnh của đạo đức. Ông tìm thấy sự tương trợ này nơi hiện tượng luận của Husserl.
Hiện tượng luận của Husserl đã kiến tạo một khả thể cho thông lộ dẫn từ đạo đức [nơi chủ thể] đến ngoại tại [nơi tha thể] mang tính siêu hình.[33]
Trong mọi mối bận tâm, vấn đề cốt yếu mà con người, xét như là hữu thể, phải đặt ra trước hết đó là việc thẩm định (justify) chính mình. Vậy mà công việc này lại hoàn toàn phụ thuộc vào cách thức mà nó phản ứng trước tha nhân, tức là đạo đức. Vì thế, đối với Lévinas, đạo đức đương nhiên là triết học đệ nhất, từ đó mà những vấn đề triết học khác khởi phát.
Trong vô cùng, sự khẩn thiết hướng về chính mình được khởi phát từ một [tương quan] đối ngẫu mặt-giáp-mặt. Vì vậy anh ta không còn [tìm cách] chứng minh Thiên Chúa, vì đây là một trường hợp tiên-chứng (preceding proof), và tự nó là siêu hình học. Đạo đức, trong khi vượt ra khỏi tầm quan sát lẫn sự chắc chắn, sẽ vạch ra một cấu trúc của ngoại tại theo cách ấy. Đạo đức không phải là một nhánh của triết học, nhưng là triết học đệ nhất.[34]
Kết luận
Có thể nói, chủ ý của Lévinas là muốn thiết lập một hệ thống trong đó đạo đức được xem như triết học đệ nhất, đồng thời hồi phục giá trị của siêu hình học bằng tư tưởng về siêu việt tính triệt để của tha thể trong tương quan với chủ thể.[35] Chính sự nhấn mạnh đặc biệt đến vị trí của tha thể này mà triết học Lévinas ngày càng trở nên nguồn gợi hứng cho thần học, chủ nghĩa nhân văn mới cũng như những phong trào đấu tranh cho nhân quyền.
Tuy nhiên, cũng có không ít những ý kiến trái chiều. Theo đó, giới học thuật phản đối Lévinas về thái độ tiêu cực mà ông quy cho truyền thống triết học Tây phương. Chẳng hạn, mong ước hiểu biết về con người liệu có nhất thiết dẫn đến một chủ trương bạo lực, bá quyền, đế quốc, đàn áp và xóa bỏ tha tính?[36]
Dù sao đi nữa, việc tranh luận về mặt tri thức bao giờ cũng sẽ kéo dài thăm thẳm đến nỗi chẳng ai chắc chắn được hồi kết. Nhưng trong đời người ngắn ngủi của chính mình, khi con người không có đủ thời gian để kiểm định tất cả, thì chắc chắn họ cũng có đủ cơ hội để quyết định về một đời sống đức hạnh và chan hòa với thế giới. Vì suy cho cùng, mục đích của sự hiểu biết cũng chỉ là để con người sống một cuộc đời tốt lành và có ý nghĩa hơn mà thôi.
Danh mục tài liệu tham khảo
Bouwman, Benjamin. 2013. Lévinas’ Platonic Inspiration. Hamilton.
Derrida, Jacques. 1998. Monolingualism of the Other; or, The Prosthesis of Origin. Dịch bởi Patrick Mensah. Stanford: Stanford University Press.
—. 1978. Writing and Difference. Dịch bởi Alan Bass. Chicago: University Of Chicago Press.
Grondin, Jean. 2012. Introduction to metaphysics: from Parmenides to Lévinas. Dịch bởi Lukas Soderstrom. New York: Columbia University Press.
Lévinas, Emmanuel. 1998. Discovering Exitence with Husserl. Dịch bởi Richard A. Cohen & Michael B. Smith. Illinois: Northwestern University Press.
—. 1985. Ethics and infinity. Dịch bởi Richard A. Cohen. Pittsburgh: Duquesne University Press.
—. 2000. God, Death and Time. Dịch bởi Bettina Bergo. Stanford: Stanford University Press.
—. 1998. Of God Who Comes To Mind. Dịch bởi Bettina Bergo. Stanford: Stanford University Press.
—. 1981. Otherwise Than Being, or Beyond Essence. Dịch bởi Alphonso Lingis. Pennsylvania: Duquesne University Press.
—. 1989. The Lévinas Reader. Biên tập bởi Seán Hand. Oxford: Basil Blackwell.
—. 1969. Totality and Infinity: An Essay On Exteriority. Dịch bởi Anphonso Lingis. Pennsylvania: Duquesne University Press.
Morgan, Michael L. 2007. Discovering Lévinas. New York: Cambridge University Press.
Peperzak, Adriaan. 1993. To The Other: An Introduction to the Philosophy of Emmanuel Lévinas. West Lafayette: Purdue University Press.
Sandford, Stella. 2000. The Metaphysics of Love: Gender and Transcendence in Lévinas. London: The Athlone Press.
Stump, Semuel Enoch. 1999. Socrates to Sartre : a history of philosophy. 6. McGraw-Hill.
[1] Emmanuel Lévinas, Otherwise Than Being, Or Beyond Essence, dịch bởi Alphonso Lingis (Pennsylvania: Duquesne University Press, 1981), 99.
[2] Trong Chiến tranh thế giới II, vì chính sách bài Do Thái của Đức Quốc Xã, bố và các anh trai cùng những người thân khác của Lévinas đã bị giết trong trại tập trung.
[3] Emmanuel Lévinas, Otherwise Than Being, Or Beyond Essence, op. cit., 114.
[4] Năm 1962, Andy Warhol thực hiện một tác phẩm kỳ lạ: Campbell’s Soup Can. Ông thực hiện 32 bản in lụa của cùng một mẫu nhãn hiệu lon súp Campbell, chỉ khác nhau một chi tiết nhỏ là dòng chữ in hương vị của mỗi lon. Tác phẩm này được xem như điểm khởi đầu của nghệ thuật hậu hiện đại, phản ánh một xu hướng pop art (bình dân), phổ thông, tiêu dùng và sự ấn loát hàng loạt của nền sản xuất công nghiệp.
[5] Cf. Jean Grondin, Introduction to metaphysics: from Parmenides to Lévinas, dịch bởi Lukas Soderstrom, (New York: Columbia University Press, 2012), 235-236.
[6] Cf. Ibid., 243.
[7] Cf. Adriaan Peperzak, To The Other: An Introduction to the Philosophy of Emmanuel Lévinas, (West Lafayette: Purdue University Press, 1993), 13.
[8] Emmanuel Lévinas, Ethics and Infinity, dịch bởi Richard A. Cohen, (Pittsburgh: Duquesne University Press, 1985), 40.
[9] Cf. Jean Grondin, op. cit., 243.
[10] Emmanuel Lévinas, Totality and Infinity: An Essay On Exteriority, dịch bởi Anphonso Lingis, (Pennsylvania: Duquesne University Press, 1969), 46.
[11] Jacques Derrida, Writing and Difference, dịch bởi Alan Bass, (Chicago: University Of Chicago Press, 1978), 82-83.
[12] Cf. Jean Grondin, op. cit., 209.
[13] Emmanuel Lévinas, Totality and Infinity: An Essay On Exteriority, op. cit., 302.
[14] Ibid., 148.
[15] Ibid., 43.
[16] Ibid.
[17] Cf. Jean Grondin, op. cit., 243; Cf. Jacques Derrida, Monolingualism of the Other; or, The Prosthesis of Origin, dịch bởi Patrick Mensah, (Stanford: Stanford University Press, 1998), 23: “bên trong ngôn ngữ có một sự khiếp đảm, dịu mềm, trừu tượng hay chói lói; đó là chủ thể của chúng ta”.
[18] Emmanuel Lévinas, Totality and Infinity: An Essay On Exteriority, op. cit., 43-44.
[19] Ibid., 44.
[20] Cf. Benjamin Bouwman, Lévinas’ Platonic Inspiration, (McMaster University, 2013), 13.
[21] Emmanuel Lévinas, Totality and Infinity: An Essay On Exteriority, op. cit., 34.
[22] Ibid., 117.
[23] Cf. Ibid., 33-34.
[24] Ibid., 179.
[25] Ibid., 33.
[26] Ibid.
[27] Emmanuel Lévinas, Of God Who Comes To Mind, dịch bởi Bettina Bergo, (Stanford: Stanford University Press, 1998), 80.
[28] Emmanuel Lévinas, Totality and Infinity: An Essay On Exteriority, op. cit., 300.
[29] Ibid., 21.
[30] Ibid., 66.
[31] Ibid., 50.
[32] Emmanuel Lévinas, God, Death and Time, dịch bởi Bettina Bergo, (Stanford: Stanford University Press, 2000), 138.
[33] Emmanuel Lévinas, Totality and Infinity: An Essay On Exteriority, op. cit., 29.
[34] Ibid., 304.
[35] Cf. Jean Grondin, op. cit., 245.
[36] Ibid., 245-246.