Ảnh từ Internet

Môn học: Kitô Học
Giáo Sư: Nguyễn Hai Tính, S.J.
Học viên: Vũ Quốc Toản, M.I.

                       

Thánh Phaolô khẳng định, Đức Kitô là Đấng hòa giải con người với Chúa Cha bằng chính thân xác bằng xương bằng thịt của Ngài (1:22). Bài viết này là một tiểu luận này nhằm tìm hiểu, phân tích và chú giải “Thánh thi Đức Kitô”, trong thư gởi tín hữu Côlôxê 1:15-20 (được xem là đỉnh cao Ki tô học của Thánh Phaolô); Qua đó, tác giả cho thấy, Thánh Phaolô đã đưa ra những khẳng định Kitô học quan trọng nhằm đáp trả lại những triết thuyết sai lạc của Ngộ Đạo Thuyết.

Dẫn nhập

Thánh Phaolô viết lá thư này tới các tín hữu ở Côlôxê với mục đích giải quyết vấn đề đang xảy ra ở đây. Trong Giáo Hội tiên khởi ở Côlôxê, có những lời dạy sai lạc của nhóm lạc thuyết gọi là Thuyết Ngộ Đạo. Họ không tán thành với một đức tin đơn giản của các Kitô hữu thời đó và muốn biến đức tin này thành một triết lý trong hệ thống triết học thời bấy giờ. Thuyết Ngộ Đạo phủ định thần tính và nhân tính của Đức Kitô. Như vậy, Trong thư gửi tín hữu Côlôxê, đặc biệt là trong chương 1:15-20, Phaolô đã đưa ra những khẳng định quan trọng về Đức Kitô.

  1. 1. Đức Kitô là Thiên Chúa

          Phaolô khẳng định chính Đức Kitô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình (1:15). Ở đây ngài sử dụng từ eikon trong tiếng Hy Lạp, được dịch là “hình ảnh”(image). Hình ảnh ở đây có thể được hiểu theo hai nghĩa: nghĩa là “đại diện” (representation) hay cũng có nghĩa là “sự tỏ hiện” (manifestation). Khi Phao lô dùng từ này, ngài muốn truyền tải thông điệp rằng chính Đức Kitô là sự tỏ hiện trọn hảo của Thiên Chúa Cha, muốn biết Thiên Chúa Cha như thế nào thì chúng ta phải nhìn vào Đức Kitô. Đức Kitô cũng là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa Cha, Ngài tỏ hiện trong hình dáng chúng ta có thể hiểu, nhận biết và có thể thấy được.

          Trong trình thuật sáng tạo, Thiên Chúa phán: “Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Ta…”, vì thế Thiên Chúa đã tạo dựng con người. Trong chính hình ảnh của Ngài, Ngài đã tạo dựng nên họ (St 1:26-27). Từ “eikon” được sử dụng trong sách Sáng thế diễn tả rằng chính con người được tạo nên không là gì khác ngoài “eikon” của Thiên Chúa, đó chính là ý nghĩa nhân sinh đích thực của con người[1]. Vì con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, và vì Đức Kitô là sự tỏ hiện của Thiên Chúa Cha nên con người sẽ cùng được chia sẻ bản tính của Ngài trong phép rửa, và trong chính nơi Ngài cũng thể hiện ý nghĩa nhân sinh của con người. Nơi Đức Kitô là sự trọn hảo của thiên tính và nhân tính[2].

  1. Đức Kitô và các tạo vật

          Theo Thuyết Ngộ Đạo, chính thế lực thù nghịch với Thiên Chúa đã tạo dựng nên mọi sự. Nhưng Phaolô khẳng định chính Chúa Con mới là ngọn nguồn của mọi tạo vật, bản văn đã đưa ra bốn điều khẳng định rất quan trọng về Chúa Con:

          1).“Ngài là Trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo”(1:15). Chúng ta phải rất cẩn thận về nghĩa trong câu này. Khi chuyển dịch như vậy làm cho ta có thể lầm hiểu là Chúa Con được tạo dựng nên đầu tiên, nhưng trong tiếng Hípri và Hy Lạp thì từ “prototokos” (firstborn, trưởng tử), không mang ý niệm về thời gian. Có hai nghĩa ta cần lưu tâm: thứ nhất:“Trưởng tử” (Prototokos) có nghĩa là danh dự hoặc một tước hiệu được ban cho. Ví dụ dân Ít ra en là trưởng tử của Thiên Chúa (Xuất hành 4:22), nghĩa là dân Ít-ra-en mang vinh dự là dân được Chúa chọn, yêu thương và sủng ái. Thứ hai: “trưởng tử”(Prototokos) cũng là tước hiệu của Mêsia. Trong sách Thánh vịnh nói về lời hứa cho dân liên quan đến Đấng Mêsia: “Phần ta, Ta sẽ đặt Người làm Trưởng Tử, cao cả hơn vua chúa trần gian” (Tv 89:28). Rõ ràng từ “trưởng tử” (prototokos) ở đây không được hiểu theo nghĩa thời gian, nhưng nó mang nghĩa trong việc trao ban danh dự hoặc tước hiệu (special honour). Khi thánh Phaolô nói Đức Kitô là Trưởng tử của muôn loài, có nghĩa là vinh quang và danh dự của tất cả mọi loài đều thuộc về Ngài.

          2). “Trong Người, muôn vật được tạo thành”(1:16a). Tất cả mọi loài, mọi nơi, mọi tầng khởi đi từ Chúa Con, vì Chúa Con là khởi nguyên (Originator) của mọi loài. Chính Chúa Cha bắt đầu sự sống cho toàn thể vũ trụ qua Con của Ngài (Gioan 1:3, Do Thái 1:2), và Chúa Con là Đấng tác thành vạn vật. Phaolô đưa ra một loạt các tạo vật thuộc mọi tầng lớp và mọi loài: “trên trời cùng dưới đất, hữu hình và vô hình, dẫu là hàng dũng lực thần thiêng, hay là bậc quyền năng thượng giới…”, như một lời đáp trả với lời dạy sai lạc của Thuyết Ngộ Đạo. Ngài khẳng định rằng chính Đức Kitô trổi vượt trên chuỗi truyền thể mà họ đưa ra, Ngài không phải là một vị thần trong chuỗi này.

          3) “Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người”(1:16b). Đức Kitô không chỉ là ngọn nguồn của tạo vật, nhưng Ngài còn là đích đến của tạo vật. Nghĩa là mọi tạo vật được dựng nên cho Ngài, khi các tạo vật thờ phượng và yêu mến Ngài thì vinh quang và danh dự của Ngài sẽ được tỏ hiện. Lịch sử đang di chuyển đến một đích điểm, khi mọi tạo vật sẽ chúc tụng danh Đức Giêsu (1Côtintô 15:25, Philipphê 2:10-11, Khải Huyền 19:16)[3].

          “Cho Người” (Eis auton): có những người coi đây là tính mục đích Kitô học của công cuộc tạo dựng, nghĩa là vì Con và để cho Con được vinh quang mà Thiên Chúa tạo dựng mọi sự. Có những người khác lại cho rằng muôn loài được tạo thành để quy phục Con. Cả hai lối giải thích đều có giá trị. Quả đúng là các thư Phaolô thường chỉ dùng “Eis auton” cho Chúa Cha mà thôi, nhưng một điểm nối thêm ra mang tính Kitô học như thế chẳng gây thiệt thòi gì cho Chúa Cha cả: Thánh thi không lí luận bằng ngôn ngữ cạnh tranh; nếu bài thánh thi không nói gì đến Chúa Cha cả thì không phải là quên, mà là vấn đề liên hệ đến đấng trung gian[4].

          4) “Tất cả đều tồn tại trong Người” (1:17). Nghĩa là Chúa Con không chỉ là ngọn nguồn, là khởi nguyên và đích đến của mọi tạo vật, nhưng ở giữa khoảng thời gian khởi nguyên và đích đến đó. Chính Ngài làm cho mọi vật được kết nối với nhau, chuyển động trong trật tự theo như ý của Ngài. Mọi quy luật vận động trong vũ trụ không chỉ là quy luật khoa học nhưng còn là quy luật thánh thiêng nữa.

          Vì thế trong tương quan với các tạo vật, Chúa Con là khởi nguyên và là kết thúc. Ngài là sức mạnh làm cho mọi sự gắn kết và tồn tại. Ngài là Đấng Sáng tạo, là Đấng gìn giữ và là đích đến của muôn loài. Ngài là đấng cùng hành động với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng (Gioan 1:3) và cũng trong tư cách là Đấng đứng đầu mọi sự (Do Thái 1:3)[5].

  1. Đức Giêsu trong tương quan với Hội Thánh

            “Ngài là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại”(1:18c). Thánh Phaolô đưa chúng ta quay về với sự kiện trung tâm liên quan đến niềm tin và kinh nghiệm trong Giáo Hội thời sơ khai là sự Phục Sinh. Đức Kitô không chỉ là một nhân vật đã sống và đã chết như chúng ta được nghe và biết. Nhưng qua sự Phục Sinh, Ngài là Đấng đang sống, chúng ta đang gặp và có kinh nghiệm với Ngài, Ngài là Đấng đang sống ngay lúc này giữa lòng Giáo Hội[6].

          “Để trong mọi sự Ngài đứng hàng đầu”(1:18d). Chính sự Phục Sinh của Đức Kitô làm cho Người trổi vượt trên tất cả mọi loài trên trời cùng dưới đất. Nhờ sự Phục Sinh, Ngài cho thấy rằng chính Ngài đã chiến thắng hết thế lực phản nghịch, không có một thế lực nào có thể thống trị được Ngài. “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người”(1:19). Trong văn chương của Thuyết Ngộ Đạo, từ “pleroma” (fullness, viên mãn) có ý liên hệ tới chuỗi các truyền thể là thế giới của các hữu thể thần thiêng được cho là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Nhưng khi thánh Phaolô dùng từ này ngài có ngụ ý nói đến quyền năng và ân sủng cứu độ tuyệt đối nơi Đức Kitô (Cv 5:31, 17:31)[7]. Trong tiếng Hy Lạp, từ “katoikesai” (dwell, hiện diện nơi) mang nghĩa là ở lại vĩnh viễn. Điều này trái ngược với các giáo thuyết sai lạc khi cho rằng Đức Kitô chỉ mang trong Ngài quyền năng thánh thiêng trong một khoảng thời gian nhất định. Từ “viên mãn”(fullness) ở đây chỉ ra rằng năng quyền của Đức Kitô trên Hội Thánh và muôn loài là vô tận. Quyền năng này Ngài có được là qua sự Phục sinh của Ngài hơn là đến từ bản tính Thiên Chúa trong Ngài[8].

  1. Đức Kitô là trung gian hòa giải muôn loài với Chúa Cha

          “Cũng như muốn nhờ Ngài, mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình, nhờ máu Người đổ ra trên thập giá Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (20). Mục đích Đức Kitô đến là để mang sự hòa giải, Ngài đến để hàn gắn lại vết rạn nứt giữa Thiên Chúa và con người. Một điều chúng ta cần phải nhớ đó là mục tiêu hòa giải vẫn là với Thiên Chúa. Kinh thánh Tân ước không nhắc đến việc Thiên Chúa được hòa giải nhưng luôn nói đến con người được hòa giải, vì Thiên Chúa chỉ luôn dành cho con người tình yêu mà thôi. Cái giá cho công cuộc hòa giải chính là máu đổ ra trên thập giá qua cái chết của Đức Kitô. Như Phaolô khẳng định trong thư gửi tín hữu Rôma: “Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8:32). Qua cái chết của Đức Kitô Thiên Chúa muốn diễn tả rằng Thập Giá chính là phương cách duy nhất để Ngài có thể chiến thắng được trái tim con người, Ngài mời gọi con người đáp trả tình yêu này.

          Hòa giải mọi loài dưới đất thì có thể dễ hiểu, nhưng hòa giải mọi sự trên trời thì sao? Mọi loài trên trời có cần cứu độ hay không? Cũng có ý kiến cho rằng các tạo vật dẫu ở trên trời cũng cần phải được hòa giải với Thiên Chúa, như lời Kinh thánh trong Cựu ước: “Người bắt lỗi cả các thiên sứ của Người” (Gióp 4:18), “Ngay các tầng trời, cũng chẳng thanh sạch trước mắt Người” (Gióp 15:15). Vì thế, ngay cả các thiên thần cũng cần được hòa giải qua thập giá Đức Kitô. Còn Origen thì giải thích rằng câu này ám chỉ đến Satan và bè lũ của nó, cuối cùng cũng phải nhờ công nghiệp Đức Kitô mà được hòa giải với Chúa Cha. Có ý kiến lại cho rằng đây không có ý nói đến các thiên thần được hòa giải với Thiên Chúa, nhưng chính các thiên thần hòa giải với con người. Vì con người lỗi phạm với Thiên Chúa nên các thiên thần giận dữ với con người, chính công nghiệp của Đức Kitô cất khỏi các thiên thần cơn giận này để minh chứng rằng Chúa yêu con người dường nào[9].

Tóm tắt những khẳng định về Đức Kitô trong Côlôxê 1:15-20

Một số học giả cho rằng, đoạn thư Côlôxê này (Col 1:15-20) là đỉnh cao Kitô học trong Kinh Thánh, gọi là “ Thánh thi Đức Kitô”. Thánh thi này mang âm hưởng thể thơ của Hípri hơn là văn chương Hy Lạp, là lời khẳng định tột đỉnh về con người và sứ mệnh nơi Đức Kitô. Đức Giêsu Đấng trổi vượt trên mọi loài được nhìn với các khía cạnh: thứ nhất nhấn mạnh đến vị trí trổi vượt của Ngài trên mọi loài, thứ hai nhấn mạnh công cuộc cứu chuộc của Ngài trong vai trò là Đấng Cứu Thế. Đối với các Kitô hữu ở Côlôxê hay bất cứ nơi đâu, hay đối với chúng ta là những người còn hoài nghi về vai trò của Đức Kitô trong thế giới, những khẳng định về Ngài trong sáu câu ở đoạn này có thể cho chúng ta lời giải đáp thích đáng[10].

Thư mục tham khảo:

  1. William Barclay, The letters to the Philippians, Colossians and Thessalonians. Published by The Westminster Press (R). Louisville, Kentucky 40202 http://www.dannychesnut.com/Bible/Barclay/Philippians,%20Colossians,%20Thessalonians.htm (accessed March 15, 2017).
  2. Thomas L. Constable, Notes on Colossians, 2016 Edition. http://www.soniclight.com/constable/notes/pdf/colossians.pdf (accessed March 15, 2017).
  3. Phạm Xuân Uyển, SDB, Các thư Phaolô. Nhà xuất bản Đồng Nai, 4/2015.

[1] William Barclay, The letters to the Philippians, Colossians and Thessalonians

[2] Phạm Xuân Uyển, SDB, Các thư Phaolô, trang 551

[3] Thomas L. Constable, Notes on Colossians, page 20

[4] Vũ Phan Long, OFM, Tìm hiểu các thư của thánh Phaolô, trang 223

[5] Phạm Xuân Uyển, SDB, Các thư Phaolô, trang 552

[6] William Barclay, The letters to the Philippians, Colossians and Thessalonians

[7] Phạm Xuân Uyển, SDB, Các thư Phaolô, trang 553

[8] Thomas L. Constable, Notes on Colossians, page 23

[9] William Barclay, The letters to the Philippians, Colossians and Thessalonians

[10] Thomas L. Constable, Notes on Colossians, page 25