1. Bài đọc
25 ĐỨC CHÚA ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Mô-sê. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục. Khi Thần Khí đậu xuống trên các ông thì các ông bắt đầu phát ngôn, nhưng việc đó không tái diễn nữa.
26 Bấy giờ có hai người ở lại trong trại, một người tên là En-đát, một người tên là Mê-đát. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều. Thần Khí đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại.
27 Một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Mô-sê rằng: “Ông En-đát và ông Mê-đát đang phát ngôn trong trại! “
28 Ông Giô-suê con ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Mô-sê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ! “
29 Nhưng ông Mô-sê trả lời: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ! ” Vì ĐỨC CHÚA đã ban Thần Khí của Người trên họ.
2. Tìm hiểu nội dung bản văn (Ds 11,25-29)
Đoạn sách Dân số này nằm trong bối cảnh trình thuật việc dân Ít-ra-en ở trong sa mạc, đang trên đường tiến về vùng đất Hứa, lại than thở việc thèm đồ ăn. Thực ra, vì “một đám dân ô hợp” sống giữa con cái Ít-ra-en thèm ăn đã tạo nên hiệu ứng đám đông khiến chính dân Ít-ra-en cũng thèm ăn lây và bắt đầu than khóc vì thèm các mùi vị đồ ăn trong khi đã chán ngấy man-na Chúa ban (Ds 11,4-6). Chính điều này làm cho Mô-sê cảm thấy việc dẫn dắt dân trở nên gánh quá nặng cũng như khiến Đức Chúa nổi giận (Ds 11,10). Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ giải quyết tất cả những điều đó vì Ngài quyền năng và yêu thương con cái Ít-ra-en (Ds 11,16-23; 31-35).
Trước việc dân đã mau quên phép lạ man-na Chúa làm và ương ngạnh đòi hỏi, ngoái đầu về Ai Cập, nơi họ là những người nô lệ, Mô-sê đã cầu xin Đức Chúa giúp ông nhẹ gánh và Đức Chúa đã nhận lời ông. Người truyền cho Mô-sê triệu tập 70 người là kỳ mục và ký lục trong dân lại ở Lều Hội Ngộ, nơi Thiên Chúa gặp gỡ đại diện dân là Mô-sê để phán truyền các thánh chỉ của Người (Ds 11,16).
Sau khi triệu tập 70 người, có lẽ 68 người có mặt và hai người vắng là En-đát và Mê-đát. Thiên Chúa giải quyết vấn đề gánh nặng cho Mô-sê bằng cách lấy một phần Thần Khí (ruah: là gió, hơi thở, thần khí, điều đến từ thượng giới) trên Mô-sê mà đặt lên 70 kỳ mục khiến các ông bắt đầu nói lời ngôn sứ hay phát ngôn (Ds 11,24-26). Đó cũng là dấu chỉ Thiên Chúa chuẩn nhận các kỳ mục là những người sẽ phụ trợ Mô-sê để dẫn dắt dân, và cũng là một hiện tượng xuất thần hay đặc sủng được thấy ở (1 Sm 10,13; 19,20-24). Việc chia sẻ Thần Khí ở đây không được hiểu theo nghĩa số lượng khiến sau khi chia sẻ thì Mô-sê mất đi 1 phần Thần Khí. Đó thực ra là một ơn, đặc sủng xuất phát từ nguồn là Đức Chúa và chỉ được hiểu là điều Chúa ban cho 70 kỳ mục để phụ trợ cho Mô-sê. Hơn nữa, việc Thần Khí Đức Chúa đậu trên hai vị vắng mặt ở Lều Hội Ngộ còn cho thấy rằng Thiên Chúa không thể bị giới hạn và Ngài có thể thi ân giáng phúc bất kỳ nơi nào Ngài muốn.
Khi các kỳ mục ở Lều Hội Ngộ nhận được ơn thánh và phát ngôn thì hai vị vắng mặt nhưng được Mô-sê chọn trước cũng được ơn này thì Giô-suê, người theo phụ việc cho Mô-sê từ bé, đã lên tiếng phản đối. Ông cho đó là một sự bất công khi mà người khác đến Lều để nhận ơn thì họ không phải đến nhưng cũng có ơn. Thế nhưng, đối lại với thái độ ghen tỵ của Giô-suê, ông Mô-sê không những tỏ thái độ vui mừng vì ơn thánh xuống hết trên 70 người, mà còn ước mong “toàn dân của Chúa đều là ngôn sứ” nữa (Ds 11,29). Ông Mô-sê mong cho dân đều là ngôn sứ để hiểu biết hơn về thánh ý nhiệm mầu của Đức Chúa mà sống theo ý muốn thánh thiện của Người. Điều này cho thấy lối suy nghĩ của Mô-sê tốt lành, khác hẳn so với sự ích kỷ của dân. Ông được kể là “người hiền lành nhất đời” (Ds 12,3).
Điều mong ước ấy của Mô-sê có thể thấy như một sự tiên báo cho tất cả mọi người dân Thiên Chúa nhờ bí tích Thánh Tẩy, được thông phần ơn tư tế, vương đế và ngôn sứ của Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người để cứu độ con người. Hơn nữa, hình ảnh ông Mô-sê hiền lành, trung tín với Thiên Chúa và giữ vai trò đứng đầu dân có thể được thấy và kiện toàn nơi Đức Giê-su. Như trong Tin Mừng hôm nay, chính Đức Giê-su cũng không hề cảm thấy bị tổn thương hay ganh tỵ khi có người không thuộc nhóm tông đồ lại lấy danh của Ngài để trừ quỷ (Mc 9,38-43.45.47-48). Điều cốt yếu không phải là ai làm ai nhận lãnh Thần Khí nhưng là việc Thần Khí đã được ban cho đại diện dân Người. Cũng vậy, điều quan trọng không phải là người trừ quỷ thuộc nhóm tông đồ hay không, nhưng là việc quỷ bị trừ nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa.
Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj
Tham Khảo
CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.261.
John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.118-119.
John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative: A Biblical Theological Commentary, Zondervan, 1992, tr.385-386.