Bài đọc: (1Sm 26,2.7-9)

26

2Vua Sa-un lên đường và xuống sa mạc Díp, cùng với ba ngàn quân tinh nhuệ của Ít-ra-en, để tìm bắt ông Đa-vít trong sa mạc Díp.

 7Đang đêm, ông Đa-vít và ông A-vi-sai đến chỗ quân binh. Vua Sa-un đang nằm ngủ trong trại binh, cây giáo của vua cắm xuống đất, ở phía đầu vua, còn ông Áp-ne và quân binh thì nằm chung quanh.

8Ông A-vi-sai nói với ông Đa-vít: “Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai.” 9Ông Đa-vít nói với ông A-vi-sai: “Đừng giết vua ! Có ai tra tay hại đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu ?”

Tìm hiểu nội dung bản văn

Sách Sa-mu-en nằm trong bộ các sách lịch sử (thuật lại lịch sử của dân Do Thái). Sách này gồm 2 quyển mang nội dung kể về những sự kiện đặc biệt trong bước ngoặt lịch sử dân Chúa từ thời các thủ lãnh sang thời quân chủ. Những gì chúng ta biết về bộ sách này hiện nay bắt nguồn từ những cảo bản trong tình trạng hư hoại nhiều. Với nhiều lý do khách quan khác nữa, vấn đề thời kỳ hình thành bản văn, lịch sử tính của các sự kiện trong nội dung của sách có nhiều điểm khó có thể xác định rõ ràng. Tuy vậy, điều chắc chắn là nội dung của sách đã trở nên nguồn nuôi dưỡng đời sống đức tin của dân Chúa.

Trong bản Kinh Thánh tiếng Do Thái và La-tinh, 2 quyển sách Sa-mu-en được gộp thành một khối thống nhất và được đặt nằm trong mảng các sách từ Giô-suê tới sách Các Vua quyển 2.  Còn trong bản LXX bằng tiếng Hy-lạp thì 2 tập sách Sa-mu-en được gộp với 2 tập sách Các Vua để tạo thành bộ 4 quyển sách Các Triều Đại (hay Các Vua).

Hai tập sách Sa-mu-en có nội dung liền mạch với nhau:

1 Sm 1-7: Trình thuật về những câu chuyện của ông Sa-mu-en

1Sm 8-15: Trình thuật về những sự kiện xoay quanh ông Sa-mu-en và ông Sa-un

1Sm 16 – 2Sm 1: Trình thuật về những chuyện xoay quanh vua Sa-un và Đa-vít

2Sm 2-20: Những chuyện về vua Đa-vít

2Sm 21-24: Những câu chuyện khác (phụ lục)

Như thế, bài đọc chúng ta tìm hiểu nằm trong khối những câu chuyện kể liên quan đến hai nhân vật chính là vua Sa-un và Đa-vít. Theo sau những câu chuyện kể thời gian Đa-vít ở trong triều đình phục vụ cho vua Sa-un (1Sm 16 -19,7) là câu chuyện vua Sa-un truy sát Đa-vít khiến cho ông phải trốn đi (1Sm 19,8 – 21,16). Sau đó, ông Đa-vít cầm đầu một nhóm thủ hạ để chiến đấu với những kẻ thù tìm giết mình (1Sm 22-26). Cuối cùng là chuyện ông Đa-vít đến với người Phi-li-tinh (1Sm 27 – 2Sm 1,27). Có thể thấy, đoạn trích bài đọc (1Sm 26,2.7-9) nằm trong bối cảnh vua Sa-un dẫn quân truy sát Đa-vít và thủ hạ.

Sau khi được những người vùng Díp đến báo tin nơi Đa-vít đang trú ẩn, lửa ghen tỵ với vinh quang và tài năng của Đa-vít thúc giục vua Sa-un dẫn theo 3,000 quân tinh nhuệ của Ít-ra-en lên đường truy sát Đa-vít. Đến đêm, vua cùng quân lính đi ngủ và không phòng bị kỹ lưỡng. Chính lúc đó, Đa-vít và quân của ông rõ ràng có cơ hội hành thích vua Sa-un. Ông A-vi-sai, cháu của Đa-vít (1Sb 2,16) đã xin được kết liễu vua Sa-un (c.8). Tuy nhiên, ông Đa-vít đã không đồng tình và ngăn cản A-vi-sai. Ông Đa-vít không sát hại vua Sa-un, người luôn tìm cách giết mình, bởi vì Đa-vít kính sợ Đức Chúa. Thật vậy, ông Sa-un là người được Chúa xức dầu phong vương (c.9). Câu chuyện tiếp diễn hấp dẫn với việc ông Đa-vít lấy cây giáo và bình nước của vua Sa-un đi xa một đoạn rồi lớn tiếng gọi vua, kể cho vua nghe mình đã hành xử thế nào với vua và cầu xin Đức Chúa chứng giám và phân xử giúp mình. Nhà vua biết chuyện và rút quân về, không tuy sát Đa-vít nữa. (1Sm 10-25).

Cách hành xử của Đa-vít trong câu chuyện trên trở nên gương mẫu cho người biết kính sợ Chúa, giữ luật của Người: vì Chúa mà tha thứ cho những người đã ra tay bắt bớ mình. Lối hành xử của người Ki-tô hữu đối với kẻ hại mình còn được kiện toàn hơn nữa nhờ lời dạy của Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay (Lc 6,27-38). Theo đó, người Ki-tô hữu được chờ đợi để vì lòng yêu mến Chúa mà biết sẻ chia, cho đi mà không mong chờ đền đáp; không chỉ tha thứ nhưng còn làm phúc cho những người bắt bớ, vu khống mình.

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj

Tham Khảo

John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.212-213.

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.495-500.546-547.