Môn học: Triết học Đạo Đức
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học viên: Trần Văn Đỉnh, S.J.
Trong cuộc sống thường ngày, con người luôn được đặt trong những mối tương quan, nhất là tương quan giữa người với người. Trong những mối tương quan như vậy, thái độ của con người là điều quan trọng. Vậy, phải chăng tôn trọng và yêu thương người khác là điều bắt buộc hay chỉ là một lời mời gọi? Tác giả bài viết dựa vào tác phẩm “The Metaphysic of Morals” của Immanuel Kant để đưa ra lời đáp cho vấn nạn vừa nêu.
Dẫn nhập
Sau khi tác phẩm Grounding for the Metaphysics of Morals ra đời, học thuyết đạo đức của Immanuel Kant bị nhiều người cho là quá khô cứng, duy lý trí, không có tình cảm hay tình yêu trong hành động. Cũng vậy, người ta muốn hướng tới một con người toàn thể với lý trí cùng tình cảm và khát khao nữa. Và để trả lời cho những hiểu lầm liên quan đến ví dụ người sống bổn phận bác ái trong việc giúp đỡ người khác khi tâm hồn đã tắt ngấm lòng thương cảm,[1] Kant đã đề cập đến sự yêu thương và tôn trọng người khác như hai lực đẩy nhân đức trong tác phẩm ít được nhiều người biết đến The Metaphysic of Morals. Liệu tôn trọng và yêu thương được xem là một bổn phận đòi buộc hay chỉ là một lời mời gọi và chúng được đòi hỏi ở mức độ nào?
- Tôn trọng người khác
Trước hết, luật đạo đức của Kant đòi hỏi đối xử với con người không được như phương tiện. Ngay trong tác phẩm nền tảng về đạo đức của mình, Grounding for the Metaphysics of Morals, Kant đã đưa ra nguyên tắc “cùng đích trong chính nó”. Theo đó, mọi người phải hành động theo cách thức đối xử với con người như cùng đích chứ không phải chỉ là phương tiện, dù đối với chính mình hay người khác.[2] Nhưng tại sao việc coi con người như cùng đích nơi chính mình lại là một quy tắc đạo đức? Với Kant, quy tắc đạo đức cần đặt nền trên một điều gì đó có giá trị tuyệt đối tự thân trong sự tồn tại của nó. Mà “con người và nói chung tất cả mọi sinh vật có lý trí, tồn tại như mục đích tự thân, không chỉ đơn thuần là phương tiện để ý chí này hay ý chí kia tùy tiện sử dụng.”[3] Là một chủ thể mang tính lý trí đạo đức thực tiễn, con người được tôn trọng và đề cao hơn bất cứ điều gì khác. Vì thế, con người không được đánh giá mình chỉ như phương tiện đối với mục đích của người khác, hoặc thậm chí là cho chính mục đích nào đó của mình nhưng là cùng đích nơi chính mình. Điều này nghĩa là, con người mang phẩm giá nơi mình: một giá trị nội tại mang tính tuyệt đối. Vì thế, con người có quyền đòi hỏi tất cả mọi hữu thể có lý trí khác tôn trọng và tôn trọng chính mình trong sự công bằng và bình đẳng với người khác.[4] Thế nhưng, Kant khẳng định rằng một hữu thể được coi là có lý trí khi người ấy thực sự tôn trọng và làm theo luật đạo đức với ý hướng ngay lành.[5]
Trong cuốn sách triển khai về các nhân đức, The Metaphysic of Morals, Kant có chút sửa đổi khi cho rằng con người có phẩm giá tự thân và được tôn trọng bất kể người ấy có xứng đáng hay không. Điều này nghĩa là luật đạo đức đòi buộc mỗi người phải tôn trọng nhau dù người kia không xứng đáng để mình tôn trọng.[6] Cũng vậy, chính mỗi người có vị thế cho riêng mình để đòi hỏi người khác tôn trọng. Nhưng đâu có dễ để đối xử với người xấu xa, đồi bại một cách tôn trọng? Kant cho rằng điều này không phải là một luật pháp lý, nhưng là một luật đạo đức. Theo đó, ta được mời gọi để tôn trọng mọi người vì họ là một hữu thể có lý trí, bất kể họ có xứng đáng với điều ấy hay không, bất kể họ có giá trị hay tài năng gì, bất kể địa vị xã hội của họ. Chính ở điểm này, việc tôn trọng người khác là một mệnh lệnh tuyệt đối và vô điều kiện với ý hướng không được coi người khác chỉ như một phương tiện. Như thế, đối tượng của sự tôn trọng là tất cả mọi người, vậy sự tôn trọng ấy liên quan đến điều gì?
Trước hết, Kant xét sự tôn trọng khởi đi từ sự tôn trọng chính mình như cùng đích. Theo đó, con người không được coi khinh hay làm hạ giá phẩm cách đạo đức của mình bằng những hành động hay thái độ đáng chê trách và hèn hạ. Kant liệt kê một số thói xấu như nói dối, sử dụng không đúng mực đồ ăn, đồ uống, tình dục. Ông cũng đề cập đến thói xấu thờ ơ với những nhu cầu trong mức cần thiết để duy trì sự sống của chính mình.[7] Với Kant, tôn trọng chính mình nghĩa là chu toàn các bổn phận liên quan đến con người như một sinh vật sống cũng như một hữu thể đạo đức.[8]
Một khi biết tôn trọng chính mình, con người cũng cần phải tôn trọng người khác như cùng đích nơi chính họ, nghĩa là như một hữu thể sống và có lý trí, có đạo đức. Cũng vậy, con người không được đối xử với người khác chỉ như phương tiện để thỏa mãn những đam mê hay khoái lạc của mình trong những hành động đầy tính kiêu ngạo hay khinh miệt.
Để làm rõ việc tôn trọng người khác khi không coi người khác chỉ như phương tiện, Kant đưa ra ví dụ về lời hứa suông. Thật vậy, khi một người muốn vay tiền người kia và anh ta biết mình không thể trả. Anh ta cũng biết rằng nếu anh ta không hứa sẽ trả thì người kia sẽ không cho mượn. Và khi anh ta đưa ra lời hứa suông ấy, anh ta đã sử dụng bạn mình như phương tiện để lấy tiền, không coi bạn mình như cùng đích đáng phải tôn trọng. Nhưng trong trường hợp này, nếu người bạn được nói cho biết hoàn cảnh của anh ta và đồng ý cho anh ta mượn tiền, anh ta vẫn được cho là tôn trọng bạn. Vậy phải chăng việc không coi người khác chỉ là một phương tiện chỉ cần sự đồng thuận của người kia hay của chính mình mà thôi?
Để trả lời cho vấn đề này, Kant đưa ra ví dụ về việc tự tử và giết người. Theo ông, hai trường hợp này tuy có khác nhau về đối tượng và sự đồng thuận nhưng đều trái với mệnh lệnh tuyệt đối. Việc lấy đi sinh mạng của người khác là hành động trái ngược với ý chí của người bị hại. Trong khi đó, việc tự tử là chọn lựa của người muốn chết. Với Kant, cả hai hành động đều không coi chính mình và người khác như là cùng đích. Giết người để được lợi hay đạt mục đích nào đó, tự tử để giảm bớt nỗi đau khổ của mình đều là hành động coi con người như đồ vật để chỉ sử dụng như là một phương tiện. Hơn thế, cả hai hành động này đều đi ngược lại với nguyên tắc đặt lý trí là nền tảng trong hành động vì khi giết người hay tự sát, con người giết chết thân xác vốn là thứ duy trì để lý trí được tồn tại.[9]
Nhưng nếu một người muốn dùng cái chết của mình để cứu đất nước hay một hành vi tử đạo để cứu người khác thì sao? Nếu một người bị một bệnh nghiêm trọng và y khoa đương thời không thể chữa trị. Anh ta cũng biết nếu mình tiếp tục sống, anh ta có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh mạng của người khác. Anh ta muốn tự tử vì lợi ích của người khác, anh ta bị xem là làm ngược lại với bổn phận đạo đức không? Những hành động anh hùng này được cho là một trong những khía cạnh của tình yêu không? Kant bỏ ngỏ những vấn đề như thế như là những hành động anh hùng, không thể được coi là một mệnh lệnh tuyệt đối đòi buộc tất cả mọi người.
Cũng xem xét vấn đề đồng thuận của người khác trong việc tôn trọng, Kant đưa ra quan điểm phản đối việc thủ dâm và quan hệ ngoài hôn nhân. Thật thế, dù cả hai trường hợp đều có sự đồng thuận của đương sự nhưng những hành động này chỉ đáp ứng mong muốn tình dục chứ không tôn trọng nhân tính của chính mình hay làm hạ phẩm giá của người bạn tình. Trong trường hợp này, con người dùng chính mình hay người khác như công cụ để thỏa mãn và đáp ứng dục tính hay những khuynh hướng của mình. Vậy đằng sau những khẳng định này là gì? Phải chăng, với quan điểm của Kant, con người không sở hữu chính mình để muốn làm gì thì làm? Như thế, con người không có quyền tự chủ cá nhân để tự do lựa chọn cách dùng cơ thể của chính mình sao? Hẳn là Kant đã khẳng định rằng con người không được coi mình hay người khác như những đồ vật hay tài sản để sở hữu chính mình và người khác nhưng là chính cùng đích trong đời mình.[10] Hơn nữa, tự chủ là khi tôi tự ra luật cho chính mình theo mệnh lệnh tuyệt đối. Mà mệnh lệnh tuyệt đối đòi buộc tôi đối xử với chính tôi và mọi người bằng sự tôn trọng như là cùng đích chứ không phải phương tiện. Theo đó, tôi không thể sử dụng cơ thể mình tùy thích.
Như thế, Kant đã nói về sự tôn trọng với người khác và chính mình như là một đòi buộc mang tính bổn phận. Theo đó, con người cần phải tôn trọng mọi người, không loại trừ một ai. Sự tôn trọng ấy mang tính phổ quát và tuyệt đối trên ý hướng không được coi con người chỉ như phương tiện. Nếu chỉ dừng lại ở sự tôn trọng dựa trên công bằng, không thiên tư, người ta sẽ nói học thuyết của Kant không có chỗ cho sự ưu tiên, thiên tư và cá vị nào – những điều vốn là những đặc tính của tình yêu. Vậy Kant đã xem tình yêu có vị trí nào trong học thuyết đạo đức của mình và ông đã xem xét nó như thế nào?
- Yêu thương người khác
Vấn đề đầu tiên được đặt ra là Kant hiểu về tình yêu theo nghĩa nào. Kant phân chia làm hai loại: tình yêu không hợp lý (pathalogical love) và tình yêu thiết thực (practical love). Một thứ xuất phát từ khuynh hướng hưởng lợi ích nào khác và một thứ xuất phát từ bổn phận.[11] Trong The Metaphysic of Morals, Kant khẳng định chỉ có tình yêu mang tính thiết thực là bổn phận mà thôi.[12] Theo Kant, tình yêu ở đây không thể hiểu như là một cảm xúc bởi cảm xúc được định nghĩa như là khả năng có sự vui thích hay bất mãn.[13] Do đó, khi được hiểu như là một bổn phận mang tính phổ quát, tình yêu không phải là điều vui thích nơi sự thành toàn hay những giá trị của người khác hay cũng không phải đam mê của bản thân. Bên cạnh đó, nếu là một bổn phận, tình yêu không thể mang tính cảm xúc bởi cảm xúc nơi chính đặc tính của nó không thể có được bằng cách thúc ép hay ra lệnh khi mình muốn có tình cảm với người khác. Như thế, với Kant, tình yêu được hiểu là tình yêu thực tế, không phải tình yêu cảm xúc. Tình yêu ấy luôn gắn liền với châm ngôn hành động khởi từ đức ái.[14] Cảm xúc, nếu có, là điều đến sau hành động bác ái mà thôi. Nói cách khác, con người có một khuynh hướng tự nhiên trong việc yêu thương người khác và tình cảm yêu thương là điều sẽ đến trong tâm trí khi ta thực hiện những hành động yêu thương.[15]
Khi xét đến một hành động vì bổn phận, Kant chú trọng đến yếu tố tốt tự thân của ý hướng ngay lành hay thiện chí. Trong bổn phận sống bác ái hay giúp đỡ người khác, yếu tố nào liên quan đến thiện chí? Với Kant, tình yêu theo nghĩa thông thường là niềm vui sướng xuất phát từ sự hoàn thiện của người khác. Và chính điều này dẫn con người đi đến “khao khát giúp đỡ người khác vì chính họ.”[16] Theo cách nói này, tình yêu được xem như là động lực hành động. Thực vậy, phương châm sống bác ái không chỉ là hành động theo cách thức nào đó nhưng là hành động được đặt nền trên động lực tình yêu. Chính ở điểm này, Kant cho thấy rõ ràng hơn ý niệm về ý hướng ngay lành vốn là cái tốt tự thân như là điều cốt yếu cấu thành nên một hành động tốt. Như thế, hành động theo phương châm tình yêu được đặt nền trên động lực tình yêu chứ không phải cảm xúc, khuynh hướng hay sự vui thích nào đó. Chính vì điều này, tình yêu được hiểu theo nghĩa là hành vi bác ái có tính phổ quát.
Theo đó, hành vi bác ái dành cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai. Thật thế, vì dựa trên hành động chứ không phải cảm giác, con người cũng phải có bổn phận giúp đỡ người mình không thích, không ưa hay không có chút thương cảm nào. Mà một hành động tình yêu bao hàm một thái độ hay động lực xuất phát từ ước mong điều tốt đẹp cho người khác chứ không phải thái độ ghen ghét, đố kỵ, giận hờn. Thêm vào đó, tình yêu phổ quát không cho phép con người dùng sự yêu thương, quan tâm đến người này để hãm hại người khác. Nói cách khác, tình yêu phổ quát không có nghĩa là cảm giác ưa thích, mến mộ hay lôi cuốn cách phổ quát nhưng là một phương châm hành động bác ái phổ quát. Và niềm vui, hạnh phúc mà ta có là thứ đến từ chính lý trí vốn khao khát đối xử với người khác như cùng đích vì phẩm giá của chính họ.
Nhưng trong giới hạn và khả năng một người có thể giúp đỡ người khác, đâu là điều được ưu tiên nhất? Thật thế, mỗi người, với những hoàn cảnh, tính khí, tài năng khác nhau, có biết bao điều cần được giúp đỡ và phát triển. Với Kant, điều con người cần tập trung nhất là khả năng và sức mạnh lý trí của người khác. Điều này cũng bao hàm việc giúp người khác hạnh phúc như là một hữu thể sống và có đạo đức. Và nếu có thể giúp, thì mức độ đòi hỏi việc dấn thân sẽ là như thế nào? Sự dấn thân ấy cần phải đủ mạnh mẽ để vượt qua tất cả mọi cản trở khiến người ấy không giúp người khác với lòng yêu mình hay sự vô cảm.
Vậy tình yêu hiểu theo nghĩa phổ quát của Kant sẽ giải quyết thế nào với trường hợp những kẻ thù? Kant nói rằng con người phải có bổn phận tha thứ cho người khác. Điều này nghĩa là “tránh đáp trả sự thù hằn của người khác bằng lòng căm giận xuất phát từ ý muốn trả thù.”[17] Nhưng đó không phải là sự khoan dung dễ dàng cho những hành vi sai trái. Về phía chủ thể, nó cũng bao hàm việc tránh thái độ của một người bề trên vì mỗi người có những lỗi lầm của riêng mình và cũng cần sự tha thứ. Cũng thế, so sánh về nhiều mặt, mỗi người dù có giá trị tự thân hay xứng đáng đến mức nào chăng nữa cũng không tránh khỏi việc phạm sai lầm. Do đó, mỗi người cũng cần đến sự tha thứ của người khác. Với Kant, sự tha thứ, cũng như tình yêu và sự tôn trọng, không nhất thiết phải đi kèm theo với tình cảm như sự thông cảm hay thương xót. Đó là một bổn phận, một hành động có phương châm rõ ràng bất kể người được tha thứ có mối tương quan tốt với mình hay chính mình có lòng cảm thương với người ấy hay không. Sự cảm thương hẳn là thứ đến sau những hành động tha thứ.
Để xây dựng học thuyết đạo đức các nhân đức của mình, Kant đưa ra hai nhân đức tôn trọng và yêu thương. Giữa chúng liệu có tương quan nào đó hay Kant chỉ liệt kê như những nhân đức quan trọng mà thôi?
- Mối tương quan giữa tôn trọng và yêu thương người khác
Kant từng nói, tình yêu và sự tôn trọng là hai lực khác nhau. Trong khi tình yêu hướng người ta đến gần nhau hơn, sự tôn trọng lại có khuynh hướng tạo một sự cách biệt nơi con người với nhau.[18] Nói cách khác, tình yêu mang chiều kích thiên tư, trong khi sự tôn trọng mang chiều kích công bằng.
Nhiều người có thể hiểu lầm rằng Kant coi tình yêu trái ngược với sự tôn trọng. Nhưng rõ ràng, Kant muốn nói đến hai lực đẩy theo hướng ngược nhau.[19] Ở đây, Kant muốn nhấn mạnh đến sự gắn kết và ràng buộc của chúng để đưa về mức trung dung cân bằng. Thật vậy, sự tôn trọng đòi buộc mỗi người phải có sự trung dung trong các nhu cầu của mình. Điều này nghĩa là người ấy cần phải giữ một khoảng cách nhất định với người khác trong khi theo đuổi mục đích đời mình hay khi giúp người khác đạt đến cùng đích của chính họ.[20] Trong khi đó, bổn phận sống bác ái với người khác đòi buộc một sự đến gần bằng việc biến cùng đích của người khác thành cùng đích của mình, miễn sao điều ấy không trái đạo đức.[21] Nói cách khác, việc sống tình yêu với người khác vẫn đòi hỏi một sự tôn trọng nào đó để người được giúp đỡ không bị xâm phạm đến tính tự trị – tự do, hay bị xúc phạm và tổn thương. Ngược lại, việc tôn trọng người khác cũng đòi buộc một sự tiến đền gần của sự quan tâm chứ không thờ ơ trước nhu cầu hay cùng đích của người khác. Theo cách hiểu này, tình yêu và sự tôn trọng sẽ không đi đến những thái quá. Tình yêu ấy sẽ không khiến người ta bị kéo lại gần nhau bằng thứ tình yêu vị kỷ, thứ tình yêu khiến người khác lệ thuộc mình. Cũng thế, sự tôn trọng vẫn giữ khoảng cách nhưng không đến mức thờ ơ, lạnh lùng và vô cảm với nhu cầu của tha nhân.
Nói tóm lại, cả hai nhân đức yêu thương và tôn trọng đều dựa trên điều cơ bản là sự tôn trọng phẩm giá của người khác.[22] Nếu như với bổn phận tôn trọng người khác, mệnh lệnh tuyệt đối là không được coi người khác chỉ như một phương tiện, thì với bổn phận yêu thương, đó là coi người khác như là cùng đích nơi chính họ. Nếu như sự tôn trọng mang một lực đẩy khiến con người giữ khoảng cách với nhau, thì sự yêu thương đẩy mọi người đến gần nhau. Từ đó, hình thành một châm ngôn sống phổ quát cho từng nhân đức. Với đức tôn trọng, con người cần giới hạn sự tự trọng (sự tôn trọng chính mình) bằng phẩm giá con người có lý trí nơi người khác. Với đức bác ái, con người cần làm cho cùng đích người khác trở nên cùng đích của chính mình.
- Phê bình
Người ta có thể đặt vấn đề đối với tính phổ quát trong bổn phận tôn trọng và yêu thương người khác của Kant. Thật vậy, Kant xây dựng một học thuyết mang tính phổ quát, tuyệt đối và vô điều kiện nghĩa là áp dụng cho mọi trường hợp không thay đổi. Thế nhưng, tôn trọng và yêu thương mỗi người đòi hỏi mỗi khác vì nếu không điều thường được cho là tôn trọng và yêu thương người này lại trở thành điều xúc phạm người khác. Hơn nữa, trong một số trường hợp đòi hỏi những giá trị khác nhau, khi ấy đâu là điều phải chọn lựa? Với Kant, luật phổ quát ấy chỉ mang tính hình thức của luật nhưng vẫn mở ra trong sự tôn trọng với những hành động cụ thể. Còn nội dung của luật cần phải được chủ thể suy xét theo lý trí của mình xem châm ngôn hành động và cùng đích tương ứng nào được xem là có giá trị đạo đức. Nhưng điều quan trọng nhất chính là thái độ đạo đức căn bản của chủ thế mà Kant đã từng nói là ý hướng ngay lành. Tuy nhiên, Kant cũng đề cao nghệ thuật điều chỉnh theo “khôn ngoan thực hành thuần túy.”[23] Theo đó, vai trò của chủ thể trong việc hình thành châm ngôn luân lý cho chính mình trong việc lượng giá là rất quan trọng.[24] Cũng chính nhờ khôn ngoan thực hành thuần túy, mỗi người sẽ giải quyết được mối giằng co giữa bổn phận hoàn thiện bản thân và mưu cầu lợi ích cho người khác. Với Kant, mức độ giúp đỡ người khác “tùy thuộc vào nhu cầu thực sự của mỗi người và với sự nhạy bén của mình, mỗi người tự quyết định cho chính mình.”[25]
Muốn thế, Kant đưa ra mệnh lệnh tối thượng trong tất cả các bổn phận đối với chính mình là việc tự biết chính mình. Tự biết hay tự thăm dò, tìm kiếm, xem xét chính mình không phải vì sự toàn thiện đạo đức. Điều này nghĩa là, con người phải có bổn phận “kiểm tra trái tim mình – xem nó tốt hay là xấu, động cơ hành động là tinh tuyền hay pha tạp, nguốc gốc của hành động là do chính mình hay do hoàn cảnh ngoại tại. Sự dò xét thâm cung tâm hồn này phải khởi đi từ sự khôn ngoan.”[26] Sự khôn ngoan ấy bao gồm việc hướng tới cùng đích của con người và phải loại bỏ những cản trợ nội tại để có thể dọn đường cho ý chí ngay lành.
Người ta cũng có thể đặt vấn đề với Kant rằng bổn phận nhân đức của Kant mang tính mục đích luận hơn là bổn phận luận. Phải chăng Kant đi theo hướng mục đích luận của Aristotle khi hướng tới việc hoàn thiện bản thân và phát triển hạnh phúc của tha nhân? Mục đích luận của Kant không phải là thứ mục đích mang tính vật chất (material) nhưng mang tính hình thức (formal).[27] Điều này nghĩa là thứ cùng đích mang tính khách quan cho ta biết phải theo đuổi gì và đưa đến một khao khát vươn tới. Thêm vào đó, điều Kant hướng tới không phải là hạnh phúc theo nghĩa thường nghiệm như Aristotle, nhưng là cùng đích được xác định bởi lý trí và đặt nền trên chính nó như là cùng đích.[28] Với Kant, quy luật ấy là mệnh lệnh tuyệt đối và cùng đích tương ứng với mệnh lệnh ấy chính là phẩm giá con người.
Cũng vậy, khi xét đến hạnh phúc của người khác như là cùng đích của chính mình, cái nhìn của Kant cũng rất khác với quan điểm của phái Duy Lợi. Kant dựa trên quy chuẩn nền tảng là lý trí đòi buộc, không phải là quy tắc tối đa hóa hạnh phúc của người khác. Với Kant, sẽ thật xứng đáng nếu tôi cải thiện hạnh phúc người khác trong mức mà tôi có thể hơn là tôi không làm. Tuy nhiên, sẽ chẳng xứng đáng hơn việc tôi làm cho hai người hạnh phúc hơn là cho duy một mình bạn.[29]
Một vấn đề đặt ra cho Kant là cách hiểu về nhân đức và chủ thể nhân đức của ông so với cách hiểu của Aristotle. Với Kant, nhân đức là “sức mạnh đạo đức của ý chí con người trong việc hoàn thành bổn phận.”[30] Sức mạnh này cần thiết để chiến thắng và vượt qua tất cả những khuynh hướng hay những nết xấu đi ngược lại với đạo đức. Theo đó, cách hiểu của ông về người đạo đức như là người có thể chế ngự các khuynh hướng và nết xấu của mình. Cách hiểu này khác với cách hiểu của Aristotle liên quan đến đạo đức. Với Aristotle, nhân đức là sự trung dung hay hòa hợp giữa hai thái cực và cảm xúc như là một biện pháp thử cho việc xác định một người có nhân đức hay không.[31] Theo Aristotle, nếu một người cảm thấy vui thích, an ủi khi thực hiện một hành động đạo đức, người ấy là người nhân đức. Ngược lại, nếu người ấy có cảm xúc khó chịu hay không được thoải mái khi thực hiện hành động đạo đức như thế, đó là dấu hiệu cho thấy người ấy còn kém nhân đức.[32] Do đó, bằng ngôn ngữ của Aristotle, người nhân đức mà Kant nói tới chỉ là loại người thứ hai khi luôn phải chiến đấu trong sự vất vả, khó khăn mà thôi. Nhưng đây chỉ là trò chơi ngôn ngữ mà Wittgenstein đề cập tới và cũng là vấn đề cách nhìn tích cực và tiêu cực mà thôi.[33] Theo đó, Aristotle nhìn con người với những trường hợp hướng tới thánh nhân mặc dù cũng khó để đạt tới. Ngược lại, Kant hướng tới những trường hợp những khuynh hướng tự nhiên trở nên những rào cản để con người sống bản chất lý trí của mình.
Nhưng sự kết hợp giữa học thuyết của Kant và Aristotle có thể đem lại học thuyết đạo đức cách toàn diện. Thật thế, cả hai đều khởi đi từ sự nhìn nhận con người có lòng yêu mình và vì thế luôn ở trong cuộc chiến đi ngược lại với khuynh hướng xấu. Vì thế, nhân đức cần sự tự chủ, trung dung vì hữu thể giới hạn và không hoàn hảo có thể có những khuynh hướng dẫn tới điều ác. Ngược lại, con người cũng cần nuôi dưỡng những ước ao, cảm xúc và sự vui thú phù hợp với nguyên lý của lý trí vì chúng giúp dễ dàng đi tới hành động vì bổn phận và lý tưởng con người đạo đức của Kant hay thánh nhân của Aristotle. Muốn thế, con người cần trải qua một tiến trình phân định và hành động theo khôn ngoan thực hành. Trong tiến trình ấy, con người có nguyên lý để hành động theo các quy luật phổ quát, vô điều kiện hướng tới hạnh phúc và thịnh vượng.[34]
Kết luận
Như thế, với Metaphysics of Virtue, Kant đã khẳng định việc tôn trọng và yêu thương người khác là một bổn phận đạo đức. Bổn phận này mang tính phổ quát, nghĩa là tôn trọng và yêu thương không phân biệt bất kỳ ai dù người ấy có xứng đáng hay không. Những bổn phận này dựa trên mệnh lệnh tuyệt đối không coi người khác chỉ như phương tiện nhưng là mục đích nơi chính họ. Những bổn phận này cũng xuất phát từ động lực ý hướng ngay lành vốn mong ước người khác hạnh phúc khi đặt cùng đích của họ như là của mình. Hai bổn phận này không tách rời nhưng ràng buộc và gắn bó với nhau trong cùng một bổn phận và được thực hiện trong một tiến trình bằng sự phân định của khôn ngoan thuần túy thực hành.
Bằng việc đề cập đến hai nhân đức này, Kant cũng cho thấy rõ hơn về bản chất con người vừa có lòng yêu mình vừa có tấm lòng hướng đến người khác. Nhưng hơn cả, sự tôn trọng và yêu thương vẫn là một cuộc chiến không ngừng để phẩm giá con người được thể hiện cách đầy đủ trong tương quan người với người. Muốn thế, con người cần đi vào thâm cung hay cõi nội của lòng mình để xem xét ý hướng trong mỗi hành động bởi nếu cứ chú tâm đến cái ngã bên ngoài có thể mất luôn cái ngã nội tại của mình. Và với cuộc chiến với chính mình cùng lý tưởng con người nhân đức, Kant vẫn để ngỏ trường hợp của những anh hùng hiến tế (sacrifice) đời mình cho người khác với tất cả sự bền bỉ, chân thành và tận tâm như là một lời mời gọi. Để được như thế, con người vẫn được mời gọi vừa phải tiến vào chỗ sâu thẳm của cõi nội nơi ý hướng của mình và cũng cần biết tiến vào sự sâu thẳm trong tương quan với người đồng loại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Aristotle. Nicomachean Ethics, Terence Irwin trans., (Indianapolis: Hackett Publishing Company, 1985).
Kant I. Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, James W. Ellington trans., (Indianapolis: Hackett Publishing Company, 1994).
_____, The Metaphysical Principles of Virtue, James W. Ellington trans., (Indianapolis: The Bobbs-Merrill Company, 1964).
Klagge J. C. Virtue: Aristole or Kant?, (Atlanta: Virginia University Press, 1989).
Sandel M. Phải Trái Đúng Sai, 4th ed., Hồ Đắc Phương trans., (Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Trẻ, 2014).
Denis L. A Kantian Conception of Human Flourishing, in Perfecting Virtue: New Essays on Kantian Ethics and Virtue Ethics, edited by Lawrence Jost et Julian Wuerth, (Cambridge: University Press, 2011).
Wood A. The Final Form of Kant’s Practical Philosophy, in Kant’s Metaphysics of Morals, edited by Mark Timmond, (Oxford: Oxford University Press, 2002).
[1] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, James W. Ellington trans., (Indianapolis: Hackett Publishing Company, 1994), 11.
[2] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 36.
[3] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 11.
[4] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, James W. Ellington trans., (Indianapolis: The Bobbs-Merrill Company, 1964), 97.
[5] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 40-41.
[6] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue,130.
[7] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 93-94.
[8] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue,80-81.
[9] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 82 – 85. Also see, Michael Sandel, Phải Trái Đúng Sai, 4th ed., Hồ Đắc Phương trans. from the original: Justice: What’s the Right Thing to Do? (Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Trẻ, 2014), 180-2.
[10] Michael Sandel, Phải Trái Đúng Sai, 192.
[11] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 11.
[12] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 59-60.
[13] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 82.
[14] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 9.
[15] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 57-8.
[16] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 59-61.
[17] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 125-6.
[18] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 112.
[19] Điều ngược với tình yêu phải là sự vô cảm, thờ ơ chứ không phải sự tôn trọng.
[20] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 127.
[21] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 114.
[22] Immanuel Kant, Ethical Philosophy: Grounding for the Metaphysics of Morals, 34-5.
[23] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 55.
[24] Đây là điều giống với quan điểm của Aristotle về khôn ngoan thực hành nhưng Kant nhìn khôn ngoan này với cái nhin tiên thiên.
[25] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 51.
[26] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 103-4.
[27] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 9.
[28] Allen Wood, The Final Form of Kant’s Practical Philosophy, in Kant’s Metaphysics of Morals, edited by Mark Timmond, (Oxford: Oxford University Press, 2002), 14.
[29] Allen Wood, The Final Form of Kant’s Practical Philosophy, 14.
[30] Immanuel Kant, The Metaphysical Principles of Virtue, 64.
[31] Aristotle, Nicomachean Ethics, Terence Irwin trans., (Indianapolis: Hackett Publishing Company, 1985), 37-8.
[32] Aristotle, Nicomachean Ethics, 34.
[33] James C. Klagge, Virtue: Aristole or Kant?, (Atlanta: Virginia University Press, 1989), 7-9.
[34]Lara Denis, A Kantian Conception of Human Flourishing, in Perfecting Virtue: New Essays on Kantian Ethics and Virtue Ethics, edited by Lawrence Jost et Julian Wuerth, (Cambridge: University Press, 2011), 241.