Môn học: Ngũ Thư
Giáo sư: Phạm Tuấn Nghĩa, S.J.
Học viên: Trương Hoàng Sơn, S.J.
Bài viết chú giải đoạn sách Dân số 12,1-16.[1] Trình thuật kể lại câu chuyện bà Miriam và ông Aharon chống đối và nói phạm đến ông Môsê. Thiên Chúa phạt bà Miriam phải chịu phong hủi, nhưng nhờ lời chuyển cầu của Môsê, bà lại được chữa lành. Tác giả phân tích nội dung trình thuật để cho thấy nét nổi bật trong tính cách của Môsê, người được chính Thiên Chúa gọi là tôi tớ của ngài. Dù chịu đau khổ vì chống đối, Môsê cho thấy ông hiền lành với tha nhân và khiêm hạ trước mặt Thiên Chúa. Từ phân tích này, tác giả đối chiếu hình ảnh Môsê với Đức Kitô và rút ra cung cách sống cho người môn đệ, người được mời gọi bước theo Đức Kitô trên con đường Người đi.
- Bối cảnh
Đoạn Ds 12,1-16 nằm trong phần nói về hành trình của dân Israel trong sa mạc (chs. 11-14) tiến về đất hứa Canaan. Trên hành trình này, ông Môsê đã phải chịu nhiều đau khổ không chỉ từ những người đồng bào Israel (x. 11,1-14; 14,1-10), nhưng còn từ chính những người thân cận, là bà Miriam và ông Aharon (x. 12,1-16). Là thân cận không chỉ theo nghĩa tương quan máu mủ ruột thịt, nhưng hơn nữa, sự thân cận đến từ việc cùng chia sẻ một sứ mạng Chúa trao.
- Năng động của bản văn
Ds 12,1-16 kể về cuộc hành trình dân Israel đi từ núi Sinai đi Paran. Và trên hành trình này, chuyện xảy ra là bà Miriam và ông Aharon, cả hai đều là người thân của ông Môsê, đã có hành vi chống đối ông Môsê. Thiên Chúa đã nổi giận với họ. Sau khi trách họ, Ngài đã phạt Miriam bị phong hủi. Ông Aharon đã nài xin ông Môsê thứ tội và cầu cùng Chúa chữa cho Miriam. Ông Môsê đã cầu nguyện với Chúa và bà Miriam được khỏi bệnh sau bảy ngày.
- Phân tích bản văn
- Ông Môsê chịu sự chống đối của Miriam và Aharon, và được Thiên Chúa bênh vực
Việc được Thiên Chúa tuyển chọn và trao quyền lãnh đạo dân Israel (x. Xh 3,1-20) không miễn thứ cho Môsê khỏi phải chịu nhiều đau khổ. Thực vậy, ông Môsê đã phải chịu đau khổ bởi những người ngoài Do Thái, đặc biệt là vua Pharaoh (x. Xh 5,22-23). Ông còn chịu nhiều khốn khổ hơn nữa bởi chính những người anh em đồng bào của mình, chẳng hạn, khi dân không có của ăn và nước uống họ đã kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê (x. 11,1-14). Sách Dân Số ghi lại rằng ông Môsê “lấy làm khổ tâm” (11,10) và đã kêu xin với Đức Chúa rằng: “Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn, ấy là nếu con đẹp lòng Ngài! Đừng để con thấy mình phải khổ nữa!” (11,14-15).
Ước nguyện của ông Môsê về việc sẽ không còn phải đau khổ nữa đã không thành sự. Trái lại, ông Môsê xem ra còn phải chịu đau khổ hơn nữa, và lần này là bởi bà Miriam và ông Aharon, là chị và anh của ông Môsê, và đã cùng với ông kề vai sát cánh thi hành sứ mạng Thiên Chúa trao phó là đưa dẫn dân ra khỏi Ai Cập, đi trong sa mạc về Đất Hứa (x. Mk 6,4).[2] Vậy bà Miriam và ông Aharon đã làm gì khiến ông Môsê phải khổ?
Câu 12,1 cho chúng ta biết rằng ông Môsê phải chịu khổ vì bị bà Miriam và ông Aharon “phản đối”. Chữ “phản đối” được dịch từ thành ngữ Do Thái דִּבֵּר בְּ (spoke against) hàm ý sự nổi loạn, sự chống đối, và phản ánh thái độ tiêu cực nơi người nói, chứ không chỉ là sự càm ràm לוּן (murmur) mà thôi (x. Xh 15,22–26; 17,3–6).[3]
Chúng ta thấy, Miriam và Aharon thực ra có quyền nói lên ý kiến của mình. Tuy nhiên, cách nói diễn tả sự bực dọc, và mang tính chống đối như thế xem ra là thái quá, hệ quả là đã làm cho ông Môsê bị tổn thương, gây bất an, và sự bất hòa giữa họ với nhau. Sách Huấn ca dạy rằng: “Đáng nguyền rủa thay kẻ nói xấu, nói hành, kẻ nói lời hai ý, gây chia rẽ giữa bao người đang hòa thuận . . . Ăn nói thì phải cân nhắc đắn đo, miệng con phải như là cửa có khóa. Hãy ý tứ đừng để lỡ lời, kẻo vấp ngã trước kẻ rình rập con.” (Hc 28,13.25-26).
Vấn đề được đặt ra là tại sao bà Miriam và ông Aharon lại có thái độ này đối với ông Môsê?
Kinh Thánh kể rằng bà Miriam và ông Aharon đã phản đối ông Môsê vì ông đã cưới vợ người Cút (c. 1). Và họ đã nói với ông Môsê rằng: “Đức Chúa chỉ phán với một mình Môsê sao? Người đã chẳng phán với cả chúng ta nữa ư?” (c. 2).
Việc ông Môsê cưới thêm người vợ thứ hai, và là người Cút, một người không phải là Do Thái, theo thánh Ambrosio, cho thấy rằng Giáo Hội của Chúa cũng bao gồm cả những người không phải là Do Thái.[4]
Như thế, việc bà Miriam và ông Aharon chỉ trích ông Môsê vì đã cưới một phụ nữ người Cút làm vợ xem ra chỉ là cái cớ hoặc lý do bề nổi của một phản ứng sâu xa hơn nơi họ đó là lòng ghen tỵ đối với ông Môsê.[5] Họ muốn có được quyền bính ngang hàng với ông Môsê xét như là người lãnh đạo Israel và là trung gian duy nhất chuyển trao sứ điệp của Chúa cho dân trong việc giải phóng đồng bào ra khỏi Ai Cập và đưa về Đất Hứa.[6]
Thực ra, giống như ông Môsê Thiên Chúa cũng chọn Miriam và Aharon như ngôn sứ của Ngài để dìu dắt dân, và vì thế họ cũng được Thiên Chúa tỏ mình ra, i.e., được Thiên Chúa nói với (speak to) (x. Xh 4,15; 15,20; Mk 6,4; Ds 12,6).[7] Tuy nhiên, vượt trên Miriam và Aharon những người chỉ được gián tiếp gặp Đấng Thánh, ông Môsê được gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa, cũng như được Ngài trao “tất cả nhà của Ngài” cho ông (x. 12,7-8).[8] Nói khác đi, không phải Miriam hay Aharon, nhưng chỉ một mình ông Môsê được Thiên Chúa tuyển chọn thay mặt Ngài để lãnh đạo dân Israel.[9] Thực vậy, khi nghe biết chuyện bà Miriam và ông Aharon cư xử không đúng mực với ông Môsê, Thiên Chúa đã gọi cả ba đến Lều Hội Ngộ (x. 12,4). Tại đây, Thiên Chúa đã khẳng định vị thế độc tôn của ông Môsê; ông không giống các ngôn sứ khác, trong đó có Miriam và Aharon, khi Ngài nói: “Nhưng, với Môsê tôi tớ Ta thì khác” (c. 7).[10] Hơn nữa, khi Thiên Chúa lặp lại hai lần cụm từ “Môsê tôi tớ Ta” (cc.7-8), Ngài muốn cho bà Miriam và ông Aharon biết rằng Môsê là đại diện của Ngài. Và vì thế, trong trường hợp này, việc chỉ trích ông Môsê cũng bao hàm việc xúc phạm đến chính Thiên Chúa nữa.[11] Ngài đã phạt bà Miriam phải bị phong cùi (x. 12,10) .
- Ông Môsê: hiền lành và khiêm nhường
Liền ngay sau những lời chống đối của bà Miriam và ông Aharon, sách Dân số viết: “Ông Mô-sê là người hiền lành nhất đời” (12,3). Xem ra, sách thánh muốn mô tả cho chúng ta một bức tranh với hai gam màu tương phản. Một bên, là Miriam và Aharon với thái độ hung dữ, cộc cằn; một bên là Môsê với sự hiền lành và khiêm nhường. Bên này là nhóm người, bên kia chỉ đơn phương một mình.
Từ עָנָו (c. 3) trong tiếng Do Thái được các học giả dịch hoặc là hiền lành, hoặc là khiêm nhường. Thiết nghĩ, chúng ta có thể dịch từ ấy bằng cụm từ hiền lành và khiêm nhường. Bởi lẽ, khi xem xét cách phản ứng của Môsê, chúng ta nhận ra nơi ông có cả hai thái độ này: vừa hiền lành với Miriam và Aharon, vừa khiêm nhường trước Thiên Chúa.
Hiền lành với tha nhân
Khi Miriam và Aharon có những lời lẽ không hay nhắm vào mình, Môsê giữ thinh lặng (x. 12,1-8). Thực ra, với vị thế là một nhà lãnh đạo cũng như với biết bao việc tốt đẹp đã làm (x. Xh 14,31), ông Môsê có quyền và uy tín trong dân và vì thế, ông có thể nói vài lời để khẳng định vai trò và giá trị của mình. Mặt khác, chúng ta có thể tin rằng thái độ im lặng này của ông Môsê cũng có thể khiến người khác nghĩ rằng ông hèn nhát, hoặc nhu nhược. Hoặc, chọn lựa thinh lặng của Môsê cũng có thể khiến người khác tin rằng việc làm của bà Miriam và ông Aharon như trên là đúng; nếu thế, Môsê, Aharon và Miriam đều có quyền đại diện cho Chúa nói Lời của Ngài cho dân; chuyện này xảy ra sẽ khiến dân hoang mang và bối rối không biết nghe ai, nhất là khi có sự bất đồng ý kiến giữa cả ba.
Tuy nhiên, ông Môsê vẫn kiên định với chọn lựa của mình, ông giữ thinh lặng, không nói lời nào. Ông đang chịu đựng sự yếu đuối của người khác, chịu đựng nỗi đau tinh thần đang dày xéo tâm hồn ông.[12] Ông nhẫn nại trong đau khổ, và không phản kháng, không dùng quyền để đánh trả, trái lại vẫn giữ thái độ hiếu hòa và tôn trọng tha nhân.[13]
Ở góc độ tâm lý, chúng ta có thể tin rằng ông Môsê đang phải chịu nỗi đau quá lớn đến nỗi ông không thể nói thành lời như cách ông vẫn làm trước đó (x. 11,10-15).
Cũng có thể, ông Môsê im lặng cách hiền từ như vậy bởi vì ông hiểu và cảm thông với yếu đuối của những người chống đối mình. Thực vậy, ông Môsê đã từng thiếu tin tưởng vào Chúa khi được Ngài kêu gọi (x. Xh 3,7-4,17). Lúc này nhớ lại, có lẽ tự thẳm sâu tâm hồn ông Môsê ý thức rõ bản thân là người bất toàn, và không xứng đáng để làm người lãnh đạo dân. Chính Thiên Chúa muốn thế nên ông vâng phục. Bởi đó, việc bà Miriam và ông Aharon có ganh tỵ với ông, mà sâu xa hơn, đó là việc họ thiếu tin tưởng vào quyết định chọn và dùng người của Chúa, đối với ông Môsê có thể hiểu được. Đã từng nghi ngờ về việc Chúa tuyển chọn mình, ông Môsê giờ đây thấu hiểu, cảm thông và thương xót bà Miriam, ông Aharon. Thái độ nội tâm này cũng góp phần giải thích tại sao khi được Thiên Chúa bênh vực, và chứng kiến người chống đối mình là Miriam bị phạt phải phong cùi, ông Môsê không có thái độ đắc thắng vì thấy công lý thuộc về mình. Trái lại, ông thinh lặng, khiêm tốn hạ mình trước Thiên Chúa và hoàn toàn phó thác mọi sự trong tay Ngài.
Khiêm nhường trước Thiên Chúa
Chắc chắn những lời nói khó nghe của Miriam và ông Aharon đã khiến ông Môsê bị tổn thương nặng nề. Tuy nhiên, ông đã không nói gì, thay vào đó ông im lặng để cầu nguyện với Chúa. Ông cần sức mạnh thiêng liêng để có thể đón nhận thực tế đau đớn này. Chúng ta có thể tin như thế, bởi vì khi nhớ lại bao lần trước đó, khi gặp biến cố xảy đến, Môsê thường chạy đến với Thiên Chúa và bày tỏ cùng Ngài nỗi niềm của bản thân, đồng thời xin Chúa chỉ dạy (x. Ds 5,1.5.11; 11,2.10-15; Xh 32,30-35; 33,12-17. . .). Thực vậy, trước khi biến cố này diễn ra, Môsê đã từng than thở với Chúa về nỗi khổ vì bị dân chống đối:
Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con lại không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên con? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: “Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ, mà đem vào miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng? . . . Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn – ấy là nếu con đẹp lòng Ngài! Đừng để con thấy mình phải khổ nữa! (11,11-15).
Lời cầu nguyện tha thiết này của ông Môsê chứng tỏ ông đã, đang phải chịu một áp lực quá lớn, và sức chịu đựng của ông dường như đã tới giới hạn lớn nhất của nó. Tuy nhiên, sự thật là, ông Môsê chưa hết đau khổ. Lúc này, ông đang chịu một thử thách mới lớn hơn. Trong tĩnh lặng của tâm hồn, ông đang cầu nguyện với Chúa, một lời cầu nguyện không lời. Ông cầu nguyện gì với Chúa? Có lẽ, vì ý thức vai trò lãnh đạo dân ông đang có không đến từ chính mình, trái lại, đến từ ý muốn tự do chọn lựa của Thiên Chúa, nên ông Môsê dâng lên Chúa lời kinh phó thác; và ông hiểu rằng không cần phải biện minh cho mình về ơn huệ nhưng không mà ông đã lãnh nhận.[14] Mặt khác, vì hiểu hơn rằng dù là từ người ngoài hay là từ người thân, đau khổ vẫn luôn có đó như là một phần của ơn huệ đi theo và thi hành Ý Chúa.[15] Vì thế, ông Môsê đã chấp nhận trong bình an và tĩnh lặng của tâm hồn, mà không xin Chúa cất khỏi ông nỗi đau này như trước đó ông đã làm (x. 11,15). Ông khiêm tốn để Chúa sử dụng, kể cả việc để ông chịu đau khổ thế này, theo như Ý Ngài muốn. Sau cùng, sự thinh lặng của ông Môsê diễn tả việc ông hoàn toàn tin tưởng và tùy thuộc Chúa trong cách Ngài phán xử những người chống đối mình.[16]
Có thể nói, chính nhờ hướng trọn tâm trí về Chúa, ông Môsê có được sức mạnh thiêng liêng để sống hiền lành với người chống đối mình. Không những thế, ông còn sẵn lòng làm trung gian chuyển cầu cho họ.
Ông Môsê: trung gian chuyển cầu
Bà Miriam bị phạt phải phong cùi vì đã phạm tội xúc phạm đến Chúa và tôi tớ của Ngài là Môsê (x. 12,10). Ông Aharon không bị phong cùi như bà Miriam có lẽ là vì ông chỉ đóng vai trò phụ trong sự việc chống đối ông Môsê.[17] Và ông này đã đến với ông Môsê, nhìn nhận tội lỗi của mình và xin ông Môsê đừng kết tội, cũng như đừng để cho Miriam phải chết yểu vì bệnh phong (x. 12,11-12). Rõ ràng, giờ đây Miriam và Aharon đã thấy rõ hậu quả hành vi chống đối của mình, cũng như nhìn nhận hơn vai trò lãnh đạo dân Israel, và cũng là người trung gian duy nhất của Chúa cho dân mà Thiên Chúa đã trao cho Môsê.[18] Lời khẩn nài của ông Aharon vì thế cũng hàm ý xin ông Môsê rủ thương mà cầu nguyện cùng Chúa tha hình phạt cho bà Miriam.[19]
Ông Môsê đã kêu cầu Đức Chúa cho bà Miriam như lời khẩn nài của ông Aharon. Ông cầu nguyện rằng: “Ôi, lạy Chúa, xin chữa lành cô ấy!” (12,13). Lời nguyện của ông Môsê dù ngắn, nhưng thật tha thiết và chất chứa niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Là tha thiết bởi vì bà Miriam chính là người chị của ông Môsê; mặt khác, từ kinh nghiệm bản thân, ông hiểu và cảm thông với yếu đuối là sự thiếu lòng tin của bà Miriam. Vì thế, vượt trên lẽ thường là sự thù hận dành cho kẻ chống đối mình, Môsê bằng sự hiền lành và khiêm nhường đã cầu nguyện cho bà Miriam như thể là cho chính ông vậy.[20] Là chất chứa niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa bởi vì ông Môsê xác tín vào ơn gọi làm trung gian chuyển cầu của mình, cũng như vào lời Chúa hứa: “Ta sẽ ở với ngươi . . . Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,12.14). Thực vậy, theo lời cầu của ông Môsê, mặc dù Thiên Chúa không tha hết hình phạt, nhưng Ngài giảm nhẹ, và cho thời hạn chịu bệnh của bà Miriam xuống còn bảy ngày. Chúng ta thấy, dù ngắn nhưng lời nguyện chuyển cầu của ông Môsê thật là có sức mạnh và hiệu quả bởi vì ông “được nghĩa với Chúa” (Xh 33,12. 17; x. 11,15).[21] Nói khác đi, mặc dù Thiên Chúa tự do để ban ân sủng như Ngài nói: “Ta thương ai thì thương, xót ai thì xót” (Xh 33,19), tuy nhiên Ngài luôn lắng nghe lời nguyện cầu của các tôi tớ Ngài, những người có tương quan gắn bó thân thiết với Ngài. Mặc dù bị hại, nhưng ông Môsê vẫn kêu xin Thiên Chúa chữa lành cho người đã chống đối mình, cũng như trở nên trung gian hòa giải giữa Thiên Chúa và bà Miriam.
- Nhận xét và áp dụng
Cũng giống như Môsê, không ít vị ngôn sứ phải chịu nhiều đau khổ khi bằng lòng đáp lại tiếng Chúa mời gọi để thi hành sứ mạng Ngài ủy thác, chẳng hạn Giêrêmia (x. Gr 15,10-21; 20,7-18), Amos (x. Am 7,10-17). Chúa Giêsu khi vâng lời Cha vào trần gian thi hành sứ mạng cứu độ con người, cũng đã phải trải qua nhiều đau khổ (x. Mc 8,31-33; 9,30-32; 10,32-34). Tuy nhiên, Chúa Giêsu thì vượt hơn ông Môsê, vì Ngài là Thiên Chúa Chí Thánh chịu đau khổ để cứu độ con người.
Thực vậy, nếu Môsê bị những người thân cận là bà Miriam và Aharon chống đối, thì hơn ông Môsê, Chúa Giêsu không chỉ bị chính những người cùng quê ở Nazareth chối từ trong thời gian rao giảng công khai. Nhưng, trong cuộc thương khó Chúa Giêsu bị môn đệ Giuđa Iscariot phản bội, bị Phêrô chối ba lần tại dinh Philatô, còn các tông đồ khác thì chạy trốn bỏ lại Thầy Giêsu cô đơn một mình lúc Ngài buồn sầu đau khổ nhất. Ngài còn bị những người Do Thái thù ghét, bắt bớ, sỉ nhục và nộp cho người La Mã đem đi đóng đinh vào thập giá. Dầu vậy, Chúa Giêsu “chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7). Bởi đó, không phải Môsê, Chúa Giêsu mới đích thực là người hiền lành và khiêm nhường nhất trên đời (x. Mt 11,29).
Sau lời nài xin của ông Aharon, ông Môsê cầu nguyện cho bà Miriam và nhờ lời cầu nguyện của ông, mà Miriam được giảm hình phạt, thì cũng vượt hơn Môsê, khi không cần ai nài xin, Chúa Giêsu đã chủ động cầu nguyện cùng Cha tha thứ cho những người bắt bớ, giết hại mình. Đặc biệt hơn, bằng việc hiến mình chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu không chỉ giải thoát con người khỏi tình trạng tội lỗi, nhưng còn nâng con người lên trong thân phận làm con của Thiên Chúa, như lời Thánh Phaolô nói: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô . . . Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người” (Ep 1,5.7). Nói khác đi, Chúa Giêsu đích thực là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, nhờ đó con người được thứ tha tội lỗi và được cứu độ trở nên con cái của Cha Trên Trời.
Tóm lại, có thể thấy đau khổ, thử thách là một phần trong hành trình dấn thân phụng sự Thiên Chúa. Sách Huấn Ca dạy rằng: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để chịu thử thách” (Hc 2,1). Chúa Giêsu nói về đau khổ hay thập giá như dấu chứng của đời môn đệ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo” (Lc 9,23). Thậm chí, Đức Giêsu còn cho thấy đỉnh cao của thử thách thập giá hiện diện nơi các tương quan thân thuộc nhất: “Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10,35-36). Nói khác đi, khi bước theo Chúa Giêsu và sống tinh thần Tin Mừng, người môn đệ chắc chắn sẽ gặp phải những chống đối từ tinh thần thế gian nghịch lại với Tin Mừng, tinh thần ấy có khi chẳng ở đâu xa, nhưng hiện diện nơi chính những gì thân thuộc nhất mà Ngài gọi là “người nhà.”
Khi viết Hiến Pháp Dòng Tên, Thánh I.Nhã cũng đã nêu rõ điểm này trong đời sống một Giêsu hữu: “Bất cứ ai mang trang phục tôi tớ mà Chúa chúng ta là Đức Kitô đã mang đều phải chịu chỉ trích, chế nhạo và sỉ nhục, cũng như nhiều điều khác tương tự, có khi do người ngoài, có khi do chính anh em trong Nhà hay trong Dòng” (Hiến Pháp, số 102).
Do đó, khi đối diện với đau khổ thập giá, người môn đệ nói chung và Giêsu hữu nói riêng được mời gọi học theo cách hành xử của Môsê, và nhất là của Chúa Giêsu, sống hiền lành và khiêm nhường, đồng thời cầu nguyện cho những người bắt bớ, thù nghịch với mình, qua đó thi hành sứ mạng làm trung gian hòa giải giữa Thiên Chúa và con người.
Thư Mục Tài Liệu Tham Khảo
- Ashley, T. R. (1993). The Book of Numbers. The New International Commentary on the Old Testament (220). Grand Rapids, MI: Wm. B. Eerdmans Publishing Co.;
- Barton, J., & Muddiman, J. (2001). Oxford Bible commentary (Nu 12:1). New York: Oxford University Press.
- Budd, P. J. (2002). 5: Word Biblical Commentary : Numbers. Word Biblical Commentary (136). Dallas: Word, Incorporated;
- Carson, D. A. (1994). New Bible commentary : 21st century edition. Rev. ed. of: The new Bible commentary. 3rd ed. / edited by D. Guthrie, J.A. Motyer. 1970. (4th ed.) (Nu 12:1). Leicester, England; Downers Grove, Ill., USA: Inter-Varsity Press;
- Clarke, A. (1999). Clarke’s Commentary: Numbers (electronic ed.). Logos Library System; Clarke’s Commentaries (Nu 12:10). Albany, OR: Ages Software; Lange, J. P., Schaff, P.,
- Cole, R. D. (2001, c2000). 3B: Numbers (electronic ed.). Logos Library System; The New American Commentary (201). Nashville: Broadman & Holman Publishers;
- Conrad E. L’Heureux (1990). Numbers. The New Jerome Bible Commentary (85). Englewood, New Jersey: Prentice Hall, Inc.
- Duguid, I. M., & Hughes, R. K. (2006). Numbers : God’s presence in the wilderness. Preaching the Word (160). Wheaton, Ill.: Crossway Books.
- Gingrich, R. E. (1996). The Book of Numbers (22). Memphis, TN.: Riverside Printing.
- Keil, C. F., & Delitzsch, F. (2002). Commentary on the Old Testament. (1:704). Peabody, MA: Hendrickson.
- Kuske, P. W. (2002). Numbers (2nd ed.). The People’s Bible (100). Milwaukee, Wis.: Northwestern Pub. House.
- Lange, J. P., Schaff, P., Lowrie, S. T., & Gosman, A. (2008). A commentary on the Holy Scriptures : Numbers (69). Bellingham, WA: Logos Research Systems, Inc.
- Levine, B. A. (2008). Numbers 1-20: A new translation with introduction and commentary (328). New Haven; London: Yale University Press.
- Lienhard, J. T., & Rombs, R. J. (2001). Exodus, Leviticus, Numbers, Deuteronomy. Ancient Christian Commentary on Scripture OT 3. (219). Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press.
- Lowrie, S. T., & Gosman, A. (2008). A commentary on the Holy Scriptures : Numbers (68). Bellingham, WA: Logos Research Systems, Inc.
- Olson, D. T. (1996). Numbers. Interpretation, a Bible commentary for teaching and preaching (73). Louisville: John Knox Press.
- Riggans, W. (2001, c1983). Numbers. The Daily study Bible series (104). Louisville: Westminster John Knox Press;
[1] Đoạn Ds 12,1-16 và các trích dẫn Thánh Kinh khác trong bài viết này đến từ Bản dịch của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=400, (09/12/2015)
[2] Barton, J., & Muddiman, J. (2001). Oxford Bible commentary (Nu 12:1). New York: Oxford University Press.
[3] Budd, P. J. (2002). Vol. 5: Word Biblical Commentary : Numbers. Word Biblical Commentary (136). Dallas: Word, Incorporated; Levine, B. A. (2008). Numbers 1-20: A new translation with introduction and commentary (328). New Haven; London: Yale University Press.
[4] Lienhard, J. T., & Rombs, R. J. (2001). Exodus, Leviticus, Numbers, Deuteronomy. Ancient Christian Commentary on Scripture OT 3. (219). Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press.
[5] Ashley, T. R. (1993). The Book of Numbers. The New International Commentary on the Old Testament (220). Grand Rapids, MI: Wm. B. Eerdmans Publishing Co.; Cole, R. D. (2001, c2000). Vol. 3B: Numbers (electronic ed.). Logos Library System; The New American Commentary (201). Nashville: Broadman & Holman Publishers; Duguid, I. M., & Hughes, R. K. (2006). Numbers : God’s presence in the wilderness. Preaching the Word (160). Wheaton, Ill.: Crossway Books.
[6] Carson, D. A. (1994). New Bible commentary : 21st century edition. Rev. ed. of: The new Bible commentary. 3rd ed. / edited by D. Guthrie, J.A. Motyer. 1970. (4th ed.) (Nu 12:1). Leicester, England; Downers Grove, Ill., USA: Inter-Varsity Press; Conrad E. L’Heureux (1990). Numbers. The New Jerome Bible Commentary (85). Englewood, New Jersey: Prentice Hall, Inc.
[7] Levine, B. A. (2008). 328; Kuske, P. W. (2002). Numbers (2nd ed.). The People’s Bible (100). Milwaukee, Wis.: Northwestern Pub. House.
[8] Barton, J., & Muddiman, J. (2001). Oxford Bible commentary (Nu 12:1); Cole, R. D. (2001, c2000), 203.
[9] Budd, P. J. (2002), 132.
[10] Budd, P. J. (2002), 137; Keil, C. F., & Delitzsch, F. (2002). Commentary on the Old Testament. (1:704). Peabody, MA: Hendrickson.
[11] Carson, D. A. (1994). (Nu 12:1); Kuske, P. W. (2002), 104.
[12] Lange, J. P., Schaff, P., Lowrie, S. T., & Gosman, A. (2008). A commentary on the Holy Scriptures : Numbers (69). Bellingham, WA: Logos Research Systems, Inc.
[13]Gingrich, R. E. (1996). The Book of Numbers (22). Memphis, TN.: Riverside Printing.
[14] Budd, P. J. (2002), 136; Carson, D. A. (1994). (Nu 12:1); Duguid, I. M., & Hughes, R. K. (2006), 162.
[15] Levine, B. A. (2008), 329.
[16] Keil, C. F., & Delitzsch, F. (2002). Commentary on the Old Testament. (1:701-706); Cole, R. D. (2001, c2000), 202.
[17] Kuske, P. W. (2002), 100; Clarke, A. (1999). Clarke’s Commentary: Numbers (electronic ed.). Logos Library System; Clarke’s Commentaries (Nu 12:10). Albany, OR: Ages Software; Lange, J. P., Schaff, P., Lowrie, S. T., & Gosman, A. (2008). A commentary on the Holy Scriptures : Numbers (68). Bellingham, WA: Logos Research Systems, Inc.
[18] Kuske, P. W. (2002), 105.
[19] Olson, D. T. (1996). Numbers. Interpretation, a Bible commentary for teaching and preaching (73). Louisville: John Knox Press.
[20] Kuske, P. W. (2002), 105; Keil, C. F., & Delitzsch, F. (2002). Commentary on the Old Testament. (1:705); Barton, J., & Muddiman, J. (2001). Oxford Bible commentary (Nu 12:1).
[21] Riggans, W. (2001, c1983). Numbers. The Daily study Bible series (104). Louisville: Westminster John Knox Press; Keil, C. F., & Delitzsch, F. (2002). Commentary on the Old Testament. (1:705).