Chí Phèo-trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy

Môn học: Triết học con người
Giáo sư: Phạm Trung Hưng, S.J.
Học viên: Nguyễn Bá Dương, S.J.

 

“Chí Phèo” là một tác phẩm văn học có giá trị cao về mặt nhân văn lẫn nghệ thuật, và đã được đưa vào dạy trong chương trình phổ thông trung học. Nơi nhân vật Chí Phèo, tác giả bài viết cố gắng vẽ lên một bức tranh với gam màu sáng – tối và cả tình trạng “chạng vạng” nơi bản tính con người. Hơn nữa, bài viết cũng muốn gợi lên trong lòng người trẻ một thái độ thông cảm, đón nhận người cùng khổ cũng như gợi lên niềm hi vọng dù trong tăm tối của những người cùng khổ này.

Dẫn nhập 

“Tao muốn làm người lương thiện!”…“Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không? Chỉ có một cách… biết không! Chỉ có một cách là… cái này biết không?”

Ngay trong những câu nói sau cùng của Chí Phèo đã biểu lộ sự giằng co nội tâm dữ dội  giữa thiện và ác. Một sự giằng co làm xé lòng người đọc. Có bao giờ chúng ta tự hỏi bản thân hay nghĩ rằng người khác đã phải thốt lên câu nói tương tự Chí Phèo ở một mức độ nào đó chưa? Chính lúc đó, chúng ta có cơ hội để suy tư về bản tính con người qua ba điểm sau:

  1. Bản tính con người là ích kỷ, tham vọng, cạnh tranh
  2. Bản tính con người có khả năng vượt lên trên ích kỷ
  3. Sức mạnh nào khiến con người trở nên người hơn

    Trước khi chia sẻ cụ thể ba điểm trên, tôi xin giải thích một vài từ ngữ quy ước được dùng trong bài viết. Sáng và tối tượng trưng cho tính thiện và ác trong bản tính con người. Tình trạng chạng vạng là tình trạng gồm cả sáng và tối, hay cả thiện và ác trong bản tính con người. Thuật ngữ “ ý thức của ý thức – awareness of awareness” diễn tả mức độ ý thức cấp hai, tức là khả năng tự phản tỉnh (self-reflection) của bản tính con người. Từ đó, con người xác định “cái tôi” – “I” của mình. Theo Aristotle, thuật ngữ từ tiềm thể (potentiality) đến hiện thể (actuality) diễn tả tính tiềm năng trong bản tính con người sẽ được hiện thực hoá.

  1. Bản tính con người là ích kỷ, tham vọng, cạnh tranh

Trước hết, bối cảnh chung của Làng Vũ Đại được hoạ ra với đặc tính “ao tù đóng váng”, được bao vây bởi luỹ tre làng còn nặng óc định kiến. Hơn nữa, dân Làng còn tồn tại tệ nạn “quần ngư tranh thực” – tranh giành quyền lợi khốc liệt giữa những người có máu mặt. Trong đó có nhà Bá Kiến với bốn đời làm tổng lý uy thế nghiêng trời và bọn cường hào khác như Đội Tảo, Tư Đạm, Bát Tùng. Theo định nghĩa bản tính con người của Thomas Hobbes, chúng là mẫu người ích kỷ, tham vọng, cạnh tranh, ngấm ngầm chia rẽ loại trừ nhau nhưng vẫn hợp lại (social contract) với nhau để hà hiếp người nông dân thấp cổ bé họng. Chí Phèo là nạn nhân của xã hội suy đồi trên. Nam Cao kể lại “có lần lý Kiến thấy Chí Phèo vừa bóp đùi cho bà Ba, vừa run run!”  Thế rồi vì sự dâm ô của bà Ba và ghen tuông, ích kỷ của Bá Kiến, lão đã cậy quyền đẩy Chí vào tù tám năm trời. Đến khi ra tù, Chí Phèo như con quỷ của Làng Vũ Đại. Lúc này, Chí thực sự tham gia vào những “hợp đồng”[1] bán rẻ tâm hồn và thể xác mình cho Bá Kiến để làm tay sai cho lão, giúp lão “bình ổn” Làng Vũ Đại theo cách thức của lão: Nhưng này, anh Chí ạ, anh muốn đâm người cũng không khó gì. Ðội Tảo (đối thủ của Bá Kiến) nó còn nợ tôi năm mươi đồng đấy, anh chịu khó đến đòi cho tôi, đòi được tự nhiên có vườn.” Như vậy, khởi đi từ tính tư lợi của cả hai bên, Bá Kiến có Chí Phèo làm tay sai để bảo vệ quyền lực trong khi Chí Phèo được Bá Kiến cung cấp tiền để thoả mãn chuỗi ngày say sưa của hắn.

Nhìn một cách trung dung quan điểm của Hobbes, hợp đồng giúp con người được yên hàn, an toàn và cân bằng tính ích kỷ, vun vén của con người. Hợp đồng nói thẳng ra là để bảo vệ tư lợi đôi bên mà thôi, vì tránh đi xung đột cũng là có lợi cho mỗi cá nhân. Tuy nhiên, nhìn vào tương quan xã hội của Bá Kiến – Chí Phèo và cái nhìn về bản tính con người là ích kỷ của Hobbes, chúng ta tự hỏi: Tiêu chuẩn nào cho sự yên hàn và an toàn trong một xã hội đầy biến động và các giá trị chồng chéo lên nhau? Vì mỗi người đều nhắm thoả mãn thú vui riêng tư của mình. Cái thoả mãn của mỗi cá nhân cũng khác nhau. Thoả mãn của một người có thể là kiếm cơm đủ sống qua ngày. Người khác có thể là khao khát làm giàu tinh thần. Trong băng đảng tội phạm, mọi người thoả thuận và sống với nhau bằng cướp bóc. Trong một tập thể giáo viên, mỗi người cùng cộng tác cũng chỉ vì làm giàu kiến thức và kỹ năng sư phạm cho bản thân…Và thậm chí, cái thoả mãn của người này có thể gây đau khổ cho người kia nữa. Thử hỏi trên đời này có được mấy hợp đồng đều thỏa mãn ích kỷ, tư lợi đôi bên mà bền vững không? Vì vậy, đằng sau những hợp đồng tư lợi, con người vẫn khao khát điều gì đó trổi vượt hơn. Hai phần kế tiếp hi vọng gợi lên được điều trổi vượt đó.

  1. Bản tính con người có khả năng vượt lên trên ích kỷ

Chúng ta quay trở lại câu chuyện của Chí Phèo với hình ảnh rất nhân văn. Đó là chuyện tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở. Sau cái đêm ăn nằm với nhau như vợ chồng, bỗng nhiên Chí Phèo nhớ lại rất nhiều thứ. Theo ngôn ngữ triết học con người, Chí Phèo nhận ra cái ý thức của ý thức. Tức là Chí ý thức rằng mình đang ý thức tự thuật đời mình một cách chi tiết. Quá khứ của Chí Phèo cho thấy Chí là một người hiền lành, chất phát, tự trọng và khao khát yêu thương.

Lúc này, Chí Phèo không những đã tỉnh rượu mà còn thức tỉnh tính người lương thiện trong mình. Chí ý thức rất rõ điều gì đã và đang xảy ra với mình. Từ việc nhận ra cái ý thức của ý thức,  chí bắt đầu tự phản tỉnh (self-reflection) để khơi dậy tiềm thể lương thiện trong bản tính của mình. Từ đó, Chí có hi vọng hiện thực hoá hay hiện thể tính lương thiện của mình. Chí đã từng là chàng thanh niên hai mươi tuổi với ước mơ hạnh phúc bình dị và trong sáng, “hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.” Chí cũng nhớ lại những mời gọi vào hợp đồng tình ái của bà Ba, mà anh hoàn toàn có tự do để thực hiện mà không màng tới đạo đức hay luân lý. Nhưng, “người ta không thích cái gì người ta khinh. Vả lại bị một con đàn bà gọi đến nhà mà bóp chân! Hắn thấy nhục hơn là thích, huống hồi lại sợ. Quả thật, từ khi biết rằng con vợ chủ sai hắn làm một việc không chính đáng, hắn vừa làm vừa run”. Chí Phèo là một thằng không cha không mẹ, đi ở đợ hết nhà này đến nhà khác trong làng, chắc là không được giáo dục tử tế. Thế mà Chí biết làm điều xằng bậy như trên là trái lương tâm, là điều nhục nhã. Điều này chứng tỏ tiềm năng hướng thiện của con người là bất di bất dịch. Hơn nữa, Chí còn biết tình yêu không hệ ở nhục dục nhưng còn hướng đến tâm hồn cao thượng nữa. “Bà bảo hắn rằng: “Mày thực thà quá! Con trai gì hai mươi tuổi mà đã như ông già”. Hắn vẫn giả vờ không hiểu. Bà lẳng lơ bảo: “Chả nhẽ tao gọi mày vào chỉ để bóp chân thế này thôi ư?…” và thấy hắn dùng dằng, bà mắng xơi xơi vào mặt. Hắn chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì. Không, hắn chưa được một người đàn bà nào yêu cả.” Lúc này, mùi thơm của bát cháo hành sực lên mũi khiến Chí lần đầu tiên cảm nhận đây mới là tình thương. Vượt lên trên tình cảm nam nữ, Chí còn muốn làm nũng với Thị Nở như em bé làm nũng với mẹ. Rõ ràng, tâm hồn Chí khao khát yêu và được yêu như là một con người. Tình yêu biến đổi tâm tính Chí phèo khiến Chí muốn làm hòa làm bạn với mọi người. Giữa bức tranh ảm đạm về những hợp đồng ích kỷ ở Làng Vũ Đại, qua nhân vật dữ tợn Chí Phèo và dở hơi Thị Nở, Nam Cao vẫn họa lên bản tính con người là hướng thiện, sẵn sàng hợp tác xây dựng xã hội an bình. Vẫn còn đó bát cháo hành chan chứa tình người. Bát cháo hành biểu tượng cho lòng yêu thương, đồng cảm của tha nhân. Bát cháo hành đã làm thức tỉnh bản năng hướng thiện sẵn có trong mỗi người dù ở nơi bùn lầy.  

Mạnh tử nói:“ nhân chi sơ, tính bổn thiện”, hay David Hume cũng cho rằng bản tính con người là hướng thiện, là khả năng vị tha. Hume biện luận con người trước hết sẽ nghĩ đến lợi ích của các thành viên trong gia đình mình hay trong cùng cộng động. Chưa xét đến tính luân lý, chúng ta cũng thấy rằng vẫn có tính hướng tha ngay trong băng đảng trộm cướp. Thành viên trong băng đảng vẫn lo lắng, quan tâm cho ích lợi của băng đảng trên lợi ích của mình. Giống như Chí Phèo – Thị Nở, họ có chung một lý tưởng, một mối lưu tâm, họ tự nhiên thông cảm, chia sẻ và nâng đỡ nhau. Tôi nhớ đến câu chuyện của một chị bị nhiễm HIV. Vì thiếu sự quan tâm của bố mẹ và hoàn cảnh gia đình đặc biệt, chị trở thành gái đứng đường, chơi ma tuý, rồi nhiễm HIV. Nhưng nhờ sự quan tâm và săn sóc của Trung tâm bảo trợ, chị hoán cải, được cải tạo tốt, vượt lên số phận và là người tốt trong xã hội. Chị đồng cảm với thân phận gái điếm và dân chơi hơn ai hết. Chị quyết định tiếp cận trực tiếp với họ. Bằng cả con tim và lòng thương cảm, chị đã dẫn biết bao con người lầm đường lỡ bước hoán cải và quay về đời sống lương thiện. Vì vậy, sự hoán cải của Chí Phèo khởi xuất từ sự đồng cảm của Thị Nở vì Thị cũng là người dở hơi, xấu xí. Hay sự hoán cải của các cô gái đứng đường, nghiện ngập cũng xuất phát từ sự đồng cảm của một người đã có kinh nghiệm giống như họ vậy. Ngay trong những người lầm đường lỡ bước đã chứng minh tính thiện của bản tính con người nhờ vào tiềm năng hướng thiện bất di bất dịch. Vì vậy, bản tính con người nói chung là vượt lên trên ích kỷ, quan tâm đến lợi ích người khác. Đây là điều hợp lý.

  1. Sức mạnh nào khiến con người trở nên người hơn

Chúng ta lại tiếp tục với Chí Phèo. Chí Phèo đang chìm đắm trong hạnh phúc và hi vọng Thị Nở sẽ giúp hắn làm hoà với đời và trở thành người lương thiện. “Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được.” Tuy nhiên, ước mơ của Chí Phèo bị dập tắt ngay sáng hôm sau. Bà cô Thị Nở, đại diện cho thành kiến xã hội, đã ngăn cản Chí Phèo và đứa cháu ngớ ngẩn của bà đến với nhau. Tình yêu và khát vọng hoàn lương của Chí Phèo tan biến. Chí trở lại thành con quỷ của làng Vũ Đại. Chí uống rượu vác dao đến trước nhà Bá Kiến. Nhưng lần này không đòi tiền hay ăn vạ nữa, mà là đòi lương thiện. 

“Tao muốn làm người lương thiện!”…“Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không? Chỉ có một cách… biết không! Chỉ có một cách là… cái này biết không? – Hắn rút dao ra xông vào. Bá Kiến ngồi nhỏm dậy, Chí Phèo đã văng dao tới rồi. Bá Kiến chỉ kịp kêu một tiếng. Chí Phèo vừa chém túi bụi vừa kêu làng thật to.”

Tôi đồng ý với quan đểm cho rằng lúc này Chí Phèo không hề say cho dù Chí đã có uống rượu. Hơn nữa, đây là lúc Chí tỉnh táo nhất. Nói theo ngôn ngữ triết học con người, Chí đã tìm thấy Chí. Chí tự do vì đã nhận ra cái ý thức của ý thức trong Chí. Chí ý thức rất rõ về “cái tôi” bản chất lương thiện của mình bị tha hoá như thế nào, khao khát lương thiện của mình bị khước từ ra sao. Chí cũng ý thức rất rõ mình đang tìm một giải pháp để chứng mình mình là người lương thiện, đây là cách thức Chí hiện thực hóa tiềm năng lương thiện của mình trong đêm gặp gỡ Thị Nở. Chí được tự do để biểu lộ “cái tôi” lương thiện bị vùi lấp. Đó là giết kẻ đã cướp đi cuộc đời Chí và tự kết liễu đời mình. Tất nhiên, tôi không cổ võ lối hành xử kiểu giang hồ của Chí Phèo. Nhưng xét về bối cảnh thì Chí Phèo có thể làm được gì đây? Chí không có lối thoát ở cái Làng này. Vì vậy, cách giải quyết của Chí Phèo cũng là điều dễ hiểu. Chí ý thức mình vừa được tự do vừa bị nô lệ ngay trong khoảnh khắc anh cầm dao lao tới chém Bá Kiến. Chí muốn kết thúc kiếp làm quỷ ở Làng Vũ Đại. Khả năng tự phản tỉnh sự khao khát lương thiện chính là sức mạnh khiến Chí trở nên người hơn.

Sức mạnh khiến con người trở nên người hơn hệ ở hai yếu tố: ngoại tại – là lòng yêu thương, đón nhận của xã hội và nội tại – nỗ lực ý chí của cá nhân và sự chấp nhận để được người khác yêu. Ở Chí Phèo, ta thấy có yếu tố nội tại là khao khát hoàn lương nhưng thiếu đi yếu tố ngoại tại là sự kiên nhẫn đón nhận của xã hội. Sở dĩ Nam Cao viết Chí Phèo là vì ông chứng kiến cảnh người nông dân bị địa chủ áp bức, bóc lột, bị xói mòn về nhân cách trong một xã hội tù túng, ngột ngạt. Xã hội ngày nay khác nhiều so với bối cảnh trong chuyện Chí Phèo. Ngày càng có nhiều trung tâm xã hội, tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận trong cũng như ngoài nước, dòng tu, nhà chùa. Nơi đây, có những con người làm việc không biết mệt mỏi, tiếp nhận những mảnh đời bất hạnh và giúp họ hoà nhập với cộng đồng. Điều này chứng tỏ có một sức mạnh thần kỳ nơi bản tính con người khiến họ có thể thông cảm, chia sẻ gánh nặng của người khác, muốn người khác được sống hạnh phúc. Giống như lời của một Sơ, người chăm sóc bệnh nhân HIV thời kỳ cuối, nói với tôi rằng: “ Khi nhận một bệnh nhân, cho dù chỉ còn da bọc xương, thì đấy là vàng quý, là quà tặng mà Chúa ban cho tôi vậy.” Tóm lại, theo thiển ý, tôi nghĩ rằng tình yêu chính là sức mạnh khiến con người trở nên người hơn. Tình yêu giúp cảm hoá và khiến con người làm những điều dường như không thể. Chính vì tình yêu ấy là một năng lực siêu việt có sẵn trong mọi người, không biệt tôn giáo, quốc gia, giai cấp, giới tính nên tôi xin viết hoa thành chữ TÌNH YÊU.

Kết luận

Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao đã miêu tả xuất sắc sự giằng co giữa tính thiện – ác trong con người. Qua hai quan điểm về bản tính con người: Hobbes – bản tính con người là ích kỷ; Hume hay Mạnh Tử – bản tính con người là hướng thiện, vị tha; thật ra, nhìn nhận cách trung dung thì hai quan điểm này không mâu thuẫn, loại trừ nhau mà là tương phản như hình với bóng. Vì chính Mạnh Tử cũng cho rằng bản tính tốt của con người có thể bị mai một và bị cái ác xâm chiếm cơ mà. Đó là tình trạng “chạng vạng” của thực tại con người. Tuy nhiên, chạng vạng không có nghĩa là ba phải. Chạng vạng không có nghĩa là thoả thuận và cho phép cái ác tự do diễn ra trong bản tính con người nhưng là hiểu biết hơn về cái ác trong tôi. Từ đó, tôi biết đón nhận sự dữ trong tôi, và khao khát TÌNH YÊU làm sức mạnh khiến tôi trở nên người hơn.

[1] Tư tưởng của triết gia Thomas Hobbes