- Làm thế nào và tại sao triết học Do thái cũng như Hồi giáo lại trở thành một bộ phận trong truyền thống Kinh viện?
Những người Hồi giáo Ả-rập, Berbers và những người Hồi giáo khác đã xâm lược nước Tây Ban Nha thuộc Kitô giáo vào năm 711 như là một phần trong những chiến dịch quân sự Hồi giáo của họ. Những cuộc xâm lăng quân sự này được kéo theo bởi tính chất của sự thuộc địa hoá vốn thúc đẩy sự trao đổi văn hoá lâu dài. Những người Hồi giáo có khuynh hướng bao dung với Do thái giáo cũng như Kitô giáo bởi vì nó cũng là một tôn giáo độc thần “của Kinh thánh” (tức là, giống cả Hồi giáo và Kitô giáo, Do thái giáo đã có cuốn Kinh Thánh riêng của mình về một Thiên Chúa). Kết quả của sự bao dung đối với cả những người Do thái và Kitô hữu của những nhà lãnh đạo Hồi giáo, mà truyền thống Kinh viện, vốn có gốc rễ là một truyền thống Kitô giáo, đã đi tới kết hợp cả triết học Do thái và Hồi giáo.
- Hồi giáo đã khởi đầu như thế nào?
Tiên tri Muhammad (570-632) sinh ra ở Saudi Arabia và qua đời ở thành phố Medina. Ông là người sáng lập Hồi giáo. Năm 40 tuổi, ông đã kinh nghiệm một cuộc thần hiện, trong đó Thiên thần Gabriel đã hiện ra với ông trong lúc ông đang suy niệm. Cho tới năm 60 tuổi, ông vẫn tiếp tục trải nghiệm những cuộc mạc khải vốn xác định ông như là cao điểm trong truyền thống các tiên tri từ Abraham trong Cựu Ước, hay Kinh thánh của người Do thái, cho tới Đức Giêsu thành Nazareth trong Tân Ước. Bản chép lại về những cuộc thần khải của ông là nền tảng của cuốn Qur’an, hay Koran, Kinh thánh của Hồi giáo.
Muhammad đã có một mệnh lệnh từ trời để truyền bá tôn giáo mới này. Trong vòng 100 năm đầu của Hồi giáo, jihad, hay thánh chiến, đã lan rộng tới Pháp, nơi vua Charles Sledgehammer thất bại trước những người Hồi giáo tại thành Tours; ở Tây ban nha, những người Moors đã xây dựng những khu vườn thơm ngát và những toà nhà đẹp đẽ, nổi bật trong đó là những thư viện nguy nga ở Córdoba, Granada, Seville và Toledo. (Ảnh hưởng văn hoá Hồi giáo vẫn rõ rệt trong kiến trúc của Tây ban nha cho tới ngày nay).
- Có đúng là cuộc xâm lược quân sự ở Âu châu là một phần của thực hành tôn giáo của Hồi giáo trong suốt thời kỳ Trung cổ không?
Đúng vậy, nhưng Hồi giáo không chống lại Kito Giáo. Thực tế, là một trong ba tôn giáo lớn “của sách”, Hồi giáo có nhiều điểm chung với Kito giáo cũng như với Do thái giáo. Giáo lý của Hồi giáo gồm một niềm tin vào một Thiên Chúa, tầm quan trọng của cầu nguyện, ý niệm về một giáo hội hay tình anh em giữa tất cả những thành viên của tôn giáo và đòi buộc phải quan tâm tới người nghèo. Điểm khác biệt với Kito giáo là Hồi giáo loại bỏ ý niệm về Ba ngôi của Công giáo, những đòi buộc ăn chay và các hình thức thanh tẩy thân xác vào những ngày thánh khác, và thiết yếu cho mỗi tín hữu Hồi giáo phải đi tới hay hành hương thánh địa Mecca ít nhất một lần trong đời. Hồi giáo cũng chia sẻ cùng một tầm quan trọng của Thiên Chúa và tôn kính với các tiên tri thời Cựu Ước như Do thái giáo, mặc dù khác với Do thái giáo, Hồi giáo có một khái niệm rõ ràng về Thiên đàng.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book, (Visible Ink Press, 2010), 65 – 66 .