ảnh: internet
Câu 73: Theo Aristotle, 10 phạm trù của những sự vật tồn tại là gì?
Aristotle đưa ra 10 phạm trù của những sự vật tồn tại: bản thể, số lượng, chất lượng, tương quan, địa điểm, thời điểm, vị trí, hành động, sở hữu, và chịu ảnh hưởng. Mỗi thuật ngữ này được định nghĩa bởi Aristotle theo rất giống cách thức chúng ta định nghĩa chúng ngày nay, trừ trường hợp bản thể (being substance). Theo Aristotle, có bản thể chính yếu và những bản thể tùy phụ. Bản thể chính yếu là một tổng thể sự vật, như một con người hay một con chó. Bản thể tùy phụ là đặc tính của sự vật, như là có lý trí hay lòng trung thành.
Về các thành phần còn lại: số lượng là số của một số điều nào đó, lượng hay đo lường toán học; mối tương quan là một sự liên kết hay so sánh giữa các sự vật, như là trên, dưới, trước hay sau; nơi chốn chỉ tới nơi mà sự vật vật chất hiện diện; thời gian vừa là khoảng biến cố trôi qua và vừa là thời điểm cụ thể tính theo đồng hồ hay lịch; vị trí đề cập tới cách mà vật gì đó được định hướng, ví dụ, nghiêng bên trái hay lộn ngược; hành động chỉ tới hoạt động, như chơi đàn harp hay chữa bệnh; sở hữu vừa liên hệ đến việc sở hữu điều gì đó hơn là người sở hữu (cái ví của bạn chẳng hạn) hay là điều gì đó xảy đến cho bạn, như có thời gian vui vẻ; bị tác động chỉ đến tác động của điều này trên điều kia, ví dụ, thể chất bạn bị tác động bởi sức nóng khi bạn bỏ tay vào ngọn nến đang cháy.
Phần chính của sự hiện hữu theo Aristotle là bản thể chính yếu. Bản thể chính yếu là một thứ cụ thể, như là một con bò trên một cánh đồng, một con chó, hay một cây bên ngoài vườn Lyceum. Những bản thể tùy thuộc là những nhóm mà bản thể chính yếu thuộc về, như là giống bò, giống chó hay cây trồng. Bản thể chính yếu có các tùy thể là những tính chất có thể thay đổi mà chúng ta gọi là thuộc tính chỉ có thể tồn tại trong chúng; ví dụ, cao, mập, lông hay xanh. Mọi tri thức về khoa học của chúng ta là bản thể thứ yếu vốn chính chúng không thật sự tồn tại nhưng là trừu xuất trong tâm trí của chúng ta dựa trên bản chất chung của những thành phần trong những nhóm có bản thể chính yếu tương tự.
Câu 74: Bốn nguyên nhân mà Aristotle xác định là gì?
Tri thức khoa học cung cấp những lý giải nguyên nhân của chủng loại chân thực của sự vật. Aristotle khẳng định rằng có bốn nguyên nhân: mô thể, chất thể, tác thành và cùng đích. Ý niệm về con chó của bạn là những gì làm loài thú đó là con chó – đó là bản chất của chó. Nguyên nhân chất thể của con chó là vật chất mà nó được cấu tạo nên – chất thể. (Aristotle tin rằng chất thể hay thực tại vật chất thì giống nhau trong mọi loài nhưng thể hiện cách riêng bởi những hình thức cụ thể của chúng.)
Nguyên nhân tác thành của con chó là sự ra đời của nó và thứcc ăn và nước uống mà nó hấp thu. Nguyên nhân cùng đích của con chó đó là mục đích hay chức năng tối hậu như là con chó – sự phát triển toàn bộ như là một con chó và khả năng của chúng để trở thành bạn trung thành trợ giúp con người nói chung, và vì đó là con chó của bạn – “của bạn” một cách cụ thể. Mô thể là thực tại của một bản thể và chất thể là tiềm thể của nó. Con chó con cụ thể mà bạn mang về nhà lần đầu có tiềm năng vật chất để trở nên một thụ tạo tốt đẹp trọn vẹn.
Câu 75: Ý niệm của Aristotle về “tác nhân bất biến” là gì?
Theo Aristotle, mọi thành phần trong tự nhiên đều phát triển, thay đổi, đi vào tồn tại, và vượt qua tồn tại ngang qua sự vận hành của bốn nguyên nhân. Tuy nhiên, ở đây, siêu hình học và triết học khoa học của Aristotle mang âm hưởng thần học, không giống như của Plato, các chuỗi nhân quả không thể là vô hạn, vì vậy phải có một nguyên nhân đầu tiên, cái gì đó không chịu tác động bởi nguyên nhân ngoài nó, một “tác nhân bất biến”. Tác nhân bất biến, đó là nguyên nhân của mọi thứ vốn không thể là một nguyên nhân tác thành, chất thể hay thậm chí là một nguyên nhân mô thể, bởi vì tất cả những thứ đó đều được chứa đựng trong những vật tồn tại. Tác nhân bất biến là nguyên nhân cứu cánh tối hậu mà mọi thứ nhắm đến. Đó là điều tốt đẹp nhất và là mục đích của cuộc sống, và Aristotle nói với chúng ta rằng nó là “noûs” —hay tâm trí – và bản chất của nó là tư tưởng, luôn luôn hoạt động. Nó suy tư về chính mình: noûs chiêm ngắm noûs.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book, (Visible Ink Press, 2010), 36-37.