Môn học: Ki-tô học
Giáo sư: Nguyễn Hai Tính, S.J.
Học viên: Nguyễn Huy Hoàng, S.J.
Nhắc đến thuật ngữ “phép lạ”, những người có não trạng thực nghiệm thường nghĩ đến những điều đi ngược lại với luật tự nhiên. David Hume là một ví dụ điển hình với định nghĩa “phép lạ là một sự kiện đi ngược với hay làm gián đoạn luật tự nhiên”. Thần học Công Giáo nhìn nhận rằng “phép lạ” là một hành động của Thiên Chúa, có vai trò như là một dấu chỉ để biểu đạt ý muốn của Thiên Chúa trong từng trường hợp cụ thể cho đối tượng được thực thi phép lạ. Karl Rahner là một thần học gia Công Giáo, có lẽ ông không đi ra ngoài dòng truyền thống Công Giáo, tuy nhiên, liệu ông có một kiến giải đặc sắc nào khác về vấn đề phép lạ? Bài viết này có tính chất lược tóm tư tưởng của Karl Rahner về vấn đề phép lạ trong tác phẩm Foundation of Christian Faith như là một chia sẻ về cách hiểu của một thần học gia hiện đại về vấn đề phép lạ. Cuối cùng, người viết cũng xin mạn phép chia sẻ một vài cảm nghĩ sau khi đã đọc qua và cố gắng hiểu tư tưởng của Karl Rahner về phép lạ.
Phép lạ của Chúa Giê-su có ý nghĩa gì trong tương quan giữa ta với Ngài trong đức tin?
Karl Rahner đầu tiên khẳng định Đức Giê-su (ĐGS) là người làm phép lạ (miracle-worker), tuy nhiên vấn đề đặt ra là điều này có ý nghĩa gì đối với tương quan đức tin giữa ta với Ngài? Cụ thể câu hỏi này sẽ được chi tiết hóa ở một vài khía cạnh: thường các trình thuật Tin Mừng đã tô son điểm phấn cho các phép lạ, vậy các phép lạ này còn lại gì khi ta lấy đi các dữ kiện lịch sử? Làm sao giải thích chính xác về những gì còn lại khi một số phép lạ (như việc chữa lành bệnh nhân một cách tức thời) không được xem như là một phép lạ do chính Thiên Chúa trực tiếp hành động theo thần học nền tảng cổ điển. Hoặc cuối cùng, câu hỏi có thể là: Có phải tất yếu phép lạ phải được đặt vào trong cuộc đời của ĐGS để những công bố/hay lời rao giảng của ĐGS được hợp pháp? Điều này nghĩa là: liệu các phép lạ có thực sự xảy ra hay chỉ là một sự bịa đặt nhằm tăng tính “khả tín” của sứ điệp mà Đức Giê-su rao giảng?
Giáo huấn chính thức của Giáo Hội và cái nhìn đương đại về phép lạ
Sau khi đặt ra một số vấn nạn chung về Phép lạ như trên, Rahner quay về với giáo huấn chính thức của Giáo Hội về các phép lạ: các phép lạ đã thực sự xảy ra và được thực hiện bởi Chúa Giê-su nhưng không có chức năng như nhau, không phải được sắp xếp ngang bằng xét về tầm quan trọng. Trong khi các phép lạ khác là chất liệu cho đức tin (object of faith) thì Phục Sinh là một phép lạ đỉnh cao, nó không chỉ là một biến cố làm chất liệu cho đức tin nhưng là nền tảng cho đức tin. Điều này có nghĩa là đức tin của chúng ta đến từ Phép lạ này, và nó thuộc về cấu trúc nội tại của đức tin chúng ta chứ không chỉ là yếu tố làm cho đức tin của ta trở nên mạnh hơn (là điều vốn thuộc về chức năng của các phép lạ khác – object of faith). Ở đây, Rahner không bàn thêm về Phục Sinh nhưng bàn luận chủ yếu của ông liên quan đến các phép lạ được thực hiện trong cuộc đời của Đức Giê-su. Phục Sinh vì mang tính chất đặc thù, sẽ được bàn đến ở một phần khác.
Khái niệm chung về phép lạ
Theo Rahner, Trong Tân Ước, một phép lạ là một semeion (một dấu hiệu) biểu hiện một hành động cứu độ của Thiên Chúa trong ân sủng và mặc khải. Vì là một dấu hiệu (sign) nên tự bản chất và trong cấu trúc của phép lạ, nó không có giá trị tự thân nhưng phụ thuộc và bị điều kiện hóa bởi bản chất riêng (respective nature) của phép lạ đó. Đồng thời, phép lạ luôn xảy ra trong lịch sử nên cũng tự bản chất nó vừa có tính biến thiên nhưng luôn hướng đến một đối tượng nhất định, hay nói cách khác, một phép lạ là một diễn từ cho một nhóm đối tượng khá xác định trong lịch sử chứ nó không là những sự kiện cứng nhắc (facta bruta). Điều này sẽ lý giải tại sao đối với người này biến cố kia là phép lạ trong khi đối với người khác, biến cố đó cũng “thường thôi”.
Tương quan giữa phép lạ và các quy luật tự nhiên
Sau khi đã đưa ra cái nhìn chung về thuật ngữ “phép lạ” được sử dụng trong Tân Ước, Rahner đi vào giải quyết vấn đề của thời đại liên quan đến quan niệm của David Hume. Ông nỗ lực đi tìm một sự giao hòa giữa quan niệm có tính duy lý, khoa học về phép lạ (trong bình diện luật tự nhiên) để thấy phần nào đó cái lý trong lĩnh vực này. Thoạt tiên, trên bình diện hiện tượng, Rahner như thể thấy phép lạ là một sự can thiệp vào các luật tự nhiên bởi Thiên Chúa hoàn toàn tự do, toàn năng và hoàn toàn trổi vượt trên thế giới này.
Tuy nhiên, Rahner nỗ lực đi tiếp trong việc giao hòa giữa cách hiểu phép lạ như là một hành động tự do của Thiên Chúa nhưng cũng phần nào phản ánh khía cạnh luật tự nhiên trong đó, ông tìm cách trả lời câu hỏi: làm thế nào để hiểu việc “phép lạ như một sự can thiệp vào các luật tự nhiên” không chối bỏ hay gây tác hại cho việc chúng ta hiểu đúng đắn về thực tại phép lạ hay chức năng của phép lạ như là một dấu chỉ trong đức tin nền tảng của chúng ta? Có lẽ cách nhìn theo hướng tiến hóa có thể giúp ích: thế giới vận động đi lên từ những điều/vật rất nhỏ, cái sau lớn hơn, vừa bao hàm vừa vượt qua cái trước (both preserving and surpassing), đồng thời cũng mở ra trước các khả thể cao hơn. Cái sau không bao giờ xâm hại (violate) những quy luật thuộc về cái trước, ở đây con người là một ví dụ: một sự kết hợp của các yếu tố (quy luật) hóa học, sinh học, vật lý học… Nơi con người, thế giới vật chất, sinh học đã được tháp nhập vào trong thế giới tinh thần lịch sử (historical spirit) mà không đánh mất đi các quy luật của chúng, đúng hơn ở đây có sự tháp nhập của dạng thức thấp trong dạng thức cao. Con người cũng thừa hưởng những quy luật sinh hóa, nhưng đồng thời con người cũng là một hữu thể tinh thần. Trong ý nghĩa này, con người là một phép lạ của các quy luật tự nhiên bởi đã vượt lên trên các quy luật sinh hóa (bằng chính đời sống tinh thần nơi mình) nhưng không hề xóa bỏ các quy luật này trên mình.
Rõ ràng ta thấy có một bước nhảy từ các quy luật hóa sinh sang các quy luật tinh thần, nên ở một mức độ nào đó có thể kết luận: “phép lạ” được cấu nên qua việc dạng thức cao hơn – vốn như ta thấy nó hiển hiện – không phát sinh từ dạng thức thấp hơn (the “miraculous” is constituted by the fact that the higher order cannot be derived from the lower order in which the higher order comes to appearance). Sự hiển hiện này gồm tỏ trong nó yếu tính của cả dạng thức thấp lẫn dạng thức cao. Mối tương quan giữa hai dạng thức thấp – cao này tồn tại phổ biến trong tự nhiên. Nơi con người, đó là cặp tương quan “bản tính người (man’s nature – theo lối diễn đạt của khoa học tự nhiên) với tự do
Phép lạ từ cái nhìn tương quan giữa con người và Thiên Chúa
Biện minh để thấy phần nào cái lý của khoa học không có nghĩa Rahner đồng thuận với quan niệm phép lạ là một “bước nhảy”, hay một sự xâm phạm luật tự nhiên. Thay vào đó, ông nhìn phép lạ dưới khía cạnh tương quan giữa con người/thế giới với Thiên Chúa. Lập luận đơn sơ là: Thiên Chúa một đàng đã tạo dựng thế giới với những cấu trúc và quy luật trong năng động của riêng nó, nhưng đàng khác, chính ngài cũng là một năng động chung quyết và tuyệt đối của thế giới và lịch sử này. Chính ngài đã thông truyền các đặc tính này cho thế giới. Vậy ngài can thiệp vào các quy luật tự nhiên để làm gì? Do đó, thay vì nhìn phép lạ dưới lăng kính các quy luật tự nhiên, ta nên nhìn phép lạ như là một dấu chỉ của hành động cứu độ của Thiên Chúa trong một cách thức tương hợp với việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình. Phép lạ nên được nhìn dưới lăng kính thần học thay vì chỉ đơn thuần là một điều siêu phàm trong tự nhiên.
Phép lạ như một lời mời gọi
Trong ý nghĩa như là một lời mời gọi này, phép lạ không chỉ đơn thuần là một sự kiện có ý nghĩa ngang bằng cho mọi người. Hơn thế, nó là một lời mời gọi trong những tình huống đặc thù cho những con người nhất định (chứ không là một lời mời gọi “đại trà” cho đám đông). Vì bản chất là một lời mời gọi, phép lạ không nên được xem như là một sự can thiệp vào các quy luật tự nhiên hay đi xa hơn những khả thể thống kê. Trong một tình huống nào đó, việc chữa lành tức thời một căn bệnh có thể là một lập luận cho sự hiện hữu của Thiên Chúa hay tình yêu của Ngài, và lập luận này liên quan đến những con người cụ thể. Họ có thể không nhận ra là có Thiên Chúa ngang qua biến có đó. Nhưng nếu một người nhận ra rằng Thiên Chúa thật sự hiện diện thì đời sống của anh ta thêm phần ý nghĩa, và như thế phép lạ thật sự là một lời mời gọi mà một người có thể chối từ (không nhận ra Thiên Chúa) hay đón nhận (nhận ra có Chúa).
Do thế, phép lạ giả định rằng người ta sẵn sàng để mình được mời gọi vào trong chiều sâu của sự hiện hữu, tự do và rộng mở đối với những điều tuyệt diệu của cuộc sống, hướng đến một sự thân mật với Thiên Chúa. Chắc chắn để đi vào chiều sâu thân mật này, mỗi người cần vượt qua những vướng bận thế gian, sẵn sàng tin và lắng nghe Thiên Chúa, đồng thời nhìn nhận cách chân thành sự hữu hạn của mình. Mỗi người cần biết lắng nghe trong từng biến cố của lịch sử để nhận ra một lời mời gọi nơi đó – một lời mời gọi đến từ cuộc đối thoại với Thiên Chúa trong từng biến cố lịch sử.
Nhiều phép lạ và phép lạ độc nhất – Phục Sinh
Sau cùng, lặp lại sự phân biệt giữa các phép lạ khác và phép lạ Phục Sinh, Rahner cho rằng chúng ta không “hạ giá” tầm quan trọng của các phép lạ nhưng phải thấy rằng các phép lạ trong Kinh Thánh xét như là những lời mời gọi đã không có ý nghĩa nhiều với chúng ta bởi chúng đã bị tách lìa khỏi chúng ta. Chúng là những lời mời gọi dành cho những ai kinh nghiệm chúng cách trực tiếp trong tình huống riêng của họ chứ nó không xảy ra cho chúng ta ngày nay.
Tầm quan trọng của các phép lạ chỉ được nhận ra qua phép lạ Phục Sinh vì Phục Sinh tương quan với chúng ta một cách trực tiếp, hay nói cách khác, chúng ta kinh nghiệm trực tiếp phép lạ Phục Sinh. Vì đặc tính của Phục Sinh là câu trả lời cho vấn nạn về ý nghĩa của mọi sự, nên chúng ta không cần đi vào trong những phép lạ riêng lẻ trong đời sống của Đức Giê-su. Chúng ta chỉ có thể nói rằng những phép lạ đó là một tổng thể không thể loại bỏ khỏi cuộc đời Đức Giê-su.
Một vài nhận xét cá nhân
Cha Rahner không đi vào lý giải phép lạ dưới lăng kính của các quy luật tự nhiên là một điều hợp lẽ vì nếu theo hướng này, chúng ta sẽ không thể đưa ra được bất cứ nhận định nào, bởi không bao giờ chúng ta hiểu hết được các quy luật trong tự nhiên. Nếu đã không hiểu được hết các quy luật trong tự nhiên thì làm sao ta biết điều này, hay điều kia là vượt trên các quy luật tự nhiên[1] để rồi kết luận đó là phép lạ. Tuy nhiên, ngài cũng tạo được một liên kết nào đó giữa khoa học với phép lạ qua khai triển “tính bao hàm của các quy luật” giữa những hữu thể đa phức và những hữu thể đơn giản. Một khoa học gia vẫn có thể cảm thấy dễ chịu khi gặp quan điểm này của Ngài trong khi điều này cũng chấp nhận được đối với đức tin Công Giáo, tất nhiên cha Rahner có lẽ đã không chủ đích cũng nhưng không chỉ dừng lại ở chỗ tìm cách nối kết khoa học với phép lạ như một nỗ lực “xoa dịu” não trạng duy lý, duy nghiệm.
Nhìn phép lạ như là một lời mời gọi con người đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa qua những biến thiên trong lịch sử (sự kiện lịch sử), một cách cá vị ta thấy phép lạ ở khắp nơi. Điều này lý giải tại sao trong đời sống thường nhật, ta thấy người này hay người nọ xác tín họ chứng kiến phép lạ trong khi nghe kể ra, ta thấy sự kiện chẳng có chi “đặc săc”. Như thế, cách nhìn “phép lạ như một lời mời gọi” giúp ta phần nào cảm thấy mình gần gũi Chúa, nhận thấy sự kì diệu của cuộc sống qua những điều thật đơn sơ. Cách hiểu này của ngài thật gần gũi với đời sống đức tin và tâm tình đạo đức bình dân. Có lẽ điểm đặc sắc có thể nhận thấy nơi cách luận giải của cha Rahner là sự nhấn mạnh đến sử tính của cuộc gặp gỡ và lời mời gọi (tính cụ thể của sự kiện: không gian, thời gian, đối tượng, thông điệp). Nhờ thế, đối với tôi, phép lạ luôn tồn tại trong đời sống, không chỉ xảy ra cho tôi và mời gọi tôi nhưng ngược lại, tôi cũng được mời gọi để khám phá ra những phép lạ trong đời sống thường nhật.
Tuy nhiên, tôi cũng phần nào chưa thấy thỏa đáng về nhận định của ngài liên quan đến tầm quan trọng của các phép lạ. Ngài lập luận rằng các phép lạ đã hoàn toàn xa cách chúng ta vì được thể hiện cho những con người thời trước ở một không gian nhất định. Nói cách khác, các phép lạ trong Kinh Thánh là chuyện của quá khứ trong khi ta thuộc về hiện tại. Đành rằng là vậy, nhưng nếu nhìn các trình thuật phép lạ ấy như “chất liệu để tin” (objects of faith) thì thực tế nó vẫn ở trong ta và vẫn luôn là một lời mời gọi sống động. Đành rằng Phục Sinh mới là nền tảng, mới làm nên ý nghĩa của các phép lạ, nhưng nếu các phép lạ đã là đối tượng của đức tin và nó đã được chuyển tải đến ta xuyên qua không gian và dọc suốt thời gian gần hai ngàn năm, há nó đã không là một phần trong cơ cấu đức tin của ta rồi chăng! Nếu không vậy làm sao ta lại cảm thấy Kinh Thánh mỗi ngày đọc có cái riêng, cảm nhận riêng, và được đánh động riêng, không ngày nào giống ngày nào. Mỗi khi ta cầu nguyện nhập cảnh trong một trình thuật phép lạ, ta cảm được lời mời gọi và sống theo xác tín có được, há đó chẳng phải là phép lạ cho ta chăng? Đó là phép lạ, đành rằng nó phân biệt với phép lạ đã xảy ra trong chính trình thuật Kinh Thánh nhưng Kinh Thánh chính là môi trường để phép lạ cùng loại xảy đến cho tôi (nhờ tiếp xúc với bản văn Kinh Thánh về trình thuật ấy), theo nghĩa này, các trình thuật phép lạ có một ảnh hưởng đáng kể trên hiện thực cuộc đời tôi.
Nhìn chung, khi đọc những kiến giải của thần học gia Rahner về phép lạ, tôi cảm thấy ngài có một cái nhìn cân bằng. Ngài không chối khoa học, nói đúng hơn ngài trân trọng khoa học và đã nỗ lực đến cùng để biện mình cho khoa học trong một lý luận về tính bao hàm và bước nhảy giữa các mức độ hiện hữu trong tự nhiên, để thấy trong một mức độ nào đó, phạm trù “luật thiên nhiên” cũng có thể được áp dụng để nói về phép lạ. Tuy nhiên, ngài đã đẩy vấn đề đi xa hơn tại nơi mà khoa học bế tắc – tương quan giữa con người với Thiên Chúa, hay cách chung: tương quan giữa Thiên Chúa với tạo vật. Trong chính tương quan này, tính hữu lý của phạm trù “luật thiên nhiên” bị phá bỏ, và ý niệm phép lạ như một cuộc gặp gỡ, một lời mời gọi chứng minh tính hữu lý của mình. Đọc kiến giải của ngài, tôi thấy đời mình là một phép lạ, tôi thấy mình mỗi ngày đón nhận nhiều phép lạ khác nhau và tôi cũng được mời gọi để khám phá những phép lạ vẫn đang diễn ra cho tôi, và quanh tôi.
[1] Walter Kasper, Jesus the Christ, New Editon (New York: T&T Clark International, 2011), tr. 79.