1. Bài đọc (St 2,18-24)
18ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” 19ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. 20Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. 21ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. 22ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.
23Con người nói:
“Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!
Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.”
24Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.
2. Tìm hiểu nội dung bản văn
Chương 2 của sách Sáng Thế diễn tả một việc tạo dựng của một vị Thiên Chúa gần gũi với con người. Ngài tạo dựng vũ trụ và con người một cách thủ công: nặn đất, thổi hơi, … Trong đoạn trích bài đọc 1 hôm nay (St 2,18-24) Thiên Chúa tạo dựng bằng cách rút xương sườn người nam để tạo nên người nữ, một “người trợ tá tương xứng” của chính người nam ấy.
Việc tạo dựng người nữ cho thấy sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho con người đầu tiên. Ngài là Thiên Chúa tốt lành, đã không muốn con người cô đơn nhưng muốn cho con người hạnh phúc vì có được người bạn đồng hành tương hợp. Đây cũng chính là điều thể hiện chiều kích xã hội tính của con người. “Tương xứng” có nghĩa là thích hợp với nhau, có khả năng thông chia những tình cảm vui buồn, chia sẻ cho nhau những âu lo về cuộc sống vật chất lẫn tinh thần, và có khả năng bổ túc cho những thiếu sót của nhau. Theo nghĩa đó, các thụ tạo khác trong thiên nhiên không thể là “trợ tá tương xứng” của con người (cc.19-20). Ở đây, chúng ta thấy được vai trò quan trọng và cần thiết của người nữ đối với cuộc sống của người nam. Hơn nữa, nói theo thánh Âu-tinh, vì có người nữ trong vai trò đối xứng và bổ túc cho người nam, nên lời chúc phúc sinh sôi nảy nở con cái của Thiên Chúa dành cho con người được ứng nghiệm (St 1,28).
Thêm nữa, Thiên Chúa tạo dựng một người nữ từ một người nam. Chúng ta có thể rút ra bài học từ đây rằng mỗi người chúng ta sẽ chỉ có thể có một “người trợ tá tương xứng” mà thôi. Điều này góp phần khẳng định tính “một vợ một chồng” trong hôn nhân Công Giáo.
Bên cạnh đó, việc Thiên Chúa cho con người đầu tiên là A-đam chìm vào giấc ngủ khi Người tạo dựng nên E-và, người trợ tá tương xứng của ông, cho thấy rằng vấn đề tạo dựng nên người nữ thực sự là một mầu nhiệm. Ở câu 22, Thiên Chúa rút xương sườn của A-đam và từ đó tạo nên E-và; và thậm chí ở câu 23, A-đam đã gọi tên người nữ trợ tá Thiên Chúa dẫn tới cho ông là E-và vì được tạo thành bởi chất liệu rút ra từ thân mình A-đam. Điều đó không nhằm muốn nói người nữ lệ thuộc vào người nam, nhưng muốn xác định vai trò bình đẳng giữa người nam và người nữ. Thực vậy, cả hai người A-đam và E-và đều được Thiên Chúa tạo dựng nên bởi cùng một chất thể; cả hai cùng trở nên hình ảnh của Thiên Chúa, tức là đều có nhân phẩm Thiên Chúa ban tặng ngang nhau.
Do vậy, khi Thiên Chúa dẫn E-và tới cho A-đam, ông đã thốt lên vui sướng “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (c.23). Câu nói “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” là cách nói của người Do Thái khi muốn nhấn mạnh đến quan hệ của những người nào đó mật thiết như trong một gia đình với nhau (x. St 29,14; 37,27; Tl 9,2; 2 Sm 5,1; 19,13.14). Như thế chúng ta có quyền hiểu câu này là A-đam minh định trước mặt Thiên Chúa rằng E-và là người có quan hệ mật thiết với mình. Chúng ta cũng hiểu rằng ông nhìn nhận người trợ tá E-và là vợ, là người nhà của mình.
Có thể nói, trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, người nam và người nữ trợ tá tương xứng sẽ gắn bó với nhau một cách mật thiết đến mức “một xương một thịt” (c.24). Đó là một sự hợp nhất chặt chẽ trong cả tâm hồn lẫn thân xác và được chính Thiên Chúa tác thành. Đây là nền tảng của giáo huấn hôn nhân Công giáo (x. Mc 10,2-9; Mt 19,3-6; Ep 5,31). Vậy nên, việc ly dị là không thể chấp nhận được trong hôn nhân Công giáo, vì nó đi ngược lại với ý muốn sáng tạo ban đầu của Thiên Chúa dành cho con người. Nó còn thể hiện sự bất tuân phục Thiên Chúa và cấu thành tội nghiêm trọng. Điều này một lần nữa sẽ được khẳng định bởi chính Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay (Mc 10,2-16), nhấn mạnh ở câu 9: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly.”
Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj
Tham Khảo
CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.34.
Tremper Longman III and David Garland, The Expositor’s Bible Commentary, Vol.1, Zondervan, 2008, tr.94-97.