Hannah Arendt (1906 – 1975)
(Hình ảnh từ Internet)
Bài viết môn: Hiện Tượng Luận
Giáo sư: Antôn Trần Khắc Bá, S.J
Học Viên: F.x. Đoàn Công Trình, S.J
Nếu Heidegger lấy cái chết như điểm soi chiếu cho một Dasein luôn khắc khoải khi bị quăng ném vào thế giới, thì Arendt lại xem biến cố hạ sinh như khởi điểm cho hiện hữu ý nghĩa của con người. Trong khi Heidegger phát triển triết học theo hướng hiện tượng luận về bản thể học, thì Arendt muốn dấn thân vào triết học hành động. Nói khác đi, bà triển khai hiện tượng luận hiện sinh, nghĩa là quan sát con người với những điều kiện cụ thể làm nên đời sống con người thực sự. Mối tương quan liên chủ thể trong hiện tượng học được Arendt triển khai cách sâu sắc trong hành động của con người dù là trong môi trường gia đình, chợ búa, tác phẩm nghệ thuật hay các hoạt động chính trị được thể hiện qua hành động và diễn thuyết. Đây là những điều mà Heidegger chưa đề cập đến….
Dẫn nhập
Nếu người ta chỉ có thể xác định được mình là ai khi đặt bản thân trong tương quan với tha nhân, thì thái độ mở ra trong các tương quan với thế giới luôn là một trong những đòi hỏi căn bản đối với con người trong việc thiết lập các mối tương quan. Theo Hannah Arendt, mối tương quan liên chủ thể được thể hiện rõ nét qua các hoạt động căn bản của con người là lao động (labor), tạo tác (work) và hành động (action- gồm hành động và diễn thuyết).
Bài viết này bàn về “mối tương quan liên chủ thể” trong Điều Kiện Con Người[1] của Hannah Arendt. Trước hết, người viết trình bày một đánh giá và so sánh tổng quát về môi trường sống của con người thời cổ điển và hiện đại. Tiếp theo là những lập luận được rút ra từ tác phẩm để bàn về đặc tính liên chủ thể của con người. Sau cùng là một vài nhận định của người viết và kết luận.
- Từ đời sống chiêm niệm (Vita Contemplativa) đến đời sống hoạt động (Vita Activa)
Arendt cho thấy xã hội Athen cổ đại đã có cái nhìn không đúng về con người vì họ đề cao đời sống chiêm niệm hơn đời sống hoạt động. Ở Athen cổ đại, đời sống chiêm niệm chỉ dành cho những người tự do, gồm ba bậc. Đời sống của các triết gia là cao quý nhất, kế đến là đời sống của chính trị gia, và sau cùng là đời sống của những người biết thưởng thức niềm vui kịch nghệ.[2] Đặc điểm chung của đời sống chiêm niệm là quan tâm đến “cái đẹp” cho con người, chứ không quan tâm đến những cái thiết yếu và hữu dụng cho đời sống con người. Trong khi đó, đời sống hoạt động như chỉ thuộc về những thành phần không có quyền công dân gồm nô lệ, các tù binh chiến tranh, và thợ thủ công chiếm đa số (những người đi lại tự do). Sự phân biệt và đề cao đời sống chiêm niệm có lẽ có nguồn gốc từ cái nhìn về con người trong xã hội.
Để phân biệt hai hạng người sống đời chiêm niệm và hoạt động, người cổ đại dùng thuật ngữ con vật biết lao động (animal laborans) để chỉ về những người lao động, người thợ, và ngay cả những nghệ nhân[3]; và dùng thuật ngữ con vật có lý trí (animal rational) để chỉ về những người tham gia vào chính trị. Nói cách khác, người Athen cổ đại không chú trọng đến đời sống hoạt động vốn biểu thị qua các hoạt động của lao động và tạo tác (chế tạo và sáng tác), mặc dầu họ có quan tâm đến hoạt động chính trị, nhưng đó cũng chỉ là hoạt động được dành cho một số người chứ không phải cho toàn thể mọi người trong xã hội.
Quả thật, người Hy Lạp cổ đại cho rằng lao động là làm những công việc nặng nhọc nên không xem đó là một nghề nghiệp, vì bản chất của nô lệ là lao động để sản xuất nhằm đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho đời sống của thân chủ và chính mình. Nhưng, việc sử dụng nô lệ để lao động không phải vì giá cả rẻ mạt hay vì lợi nhuận cho chủ nhân, cho bằng đó là cách để ngăn chặn lao động khỏi những hoạt động của đời sống con người. Nếu công dân cũng lao động như nô lệ, mà nô lệ không được xem là người, thì công dân không còn được xem là người nữa. Đây chính là nền tảng mà những thể chế nô lệ được bảo vệ và biện minh. Điều này được thể hiện rất rõ trong trong Cộng Hòa của Plato và Chính Trị của Aristotle.
Arendt phê bình thái độ quá đề cao đời sống chiêm niệm mà quên đi đời sống hoạt động của xã hội cổ đại. Bà cho rằng, mọi người đều cần đời sống hoạt động. Do đó, cần phải có một sự dịch chuyển từ đời sống chiêm niệm sang đời sống hoạt động. Vì chính trong đời sống hoạt động, con người mới có khả năng khám phá, xác định được mình và thể hiện mình. Đời sống hoạt động gồm hoạt động lao động (labor) nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo nhu cầu sinh tồn cho mình và cho người khác; thứ đến là hoạt động tạo tác (work) nhằm chế tạo và sáng tác những vật hữu dụng để xây dựng thế giới sống (world-life); sau cùng là hành động (action) qua khả năng diễn thuyết và hành động hầu thông đạt chính mình cho người khác. Đó là những hoạt động căn bản của con người. Quả thật, qua lao động và tạo tác, con người được nối kết với trái đất (the earth) và thế giới con người (the human world); qua hành động diễn thuyết, con người đạt đến đỉnh cao của đời sống hoạt động, vì diễn thuyết và hành động luôn đặt con người trong mối tương quan liên chủ thể với người khác.
- Tương quan liên chủ thể- đặc tính của đời sống hoạt động
Môi trường công (public realm) mang tính chính trị ở Athen cổ không có chỗ cho những con người tác tạo và người lao động. Nhưng với sự phát triển của yếu tố “thị trường,” họ cũng dần có “môi trường công” cho mình. Đó là cái chợ, nơi họ có thể trao đổi, trưng bày thành quả lao động và những sản phẩm hữu dụng của họ với người khác.[4] Chính cái chợ làm cho mối tương quan liên vị giữa người lao động, người tạo tác và người khác được định hình. Cái chợ đã mở rộng hơn chân trời tương giao cho người lao động và người thợ so với chân trời nhỏ hẹp vốn chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình (môi trường tư).
Thế nhưng, cái chợ mới chỉ là bước đầu giúp thiết lập và xây dựng các tương quan với người khác, còn nghệ thuật mới giúp chân trời tương giao của con người tác tạo mở rộng hơn nữa khi họ tạo nên các tác phẩm nghệ thuật.[5] Chính các tác phẩm nghệ thuật làm cho mạng lưới tương quan của “người thợ” được rộng mở hơn, vì khi người ta thưởng lãm những công trình nghệ thuật thì mối tương giao được thiết lập giữa người thưởng lãm và nghệ nhân. Arendt cho rằng, nếu không có các tác phẩm nghệ thuật thì những bài diễn thuyết hùng hồn hay những hành động vĩ đại cũng có thể bị lãng quên bởi không để lại dấu vết nào. Như thế, hành động và diễn thuyết cần sự giúp đỡ của nghệ nhân, văn nhân, nhà thơ, sử gia, hay những người xây dựng tượng đài, v.v., bởi vì không có họ thì nội dung diễn thuyết và hành động sẽ đi vào quên lãng.[6] Thực ra, không gì có thể tồn tại lâu dài, nhưng qua bàn tay của nghệ nhân, những thứ phải chết trở nên bất tử, những cái thông thường hay phù du trong cuộc sống lại trở nên lâu bền trong tác phẩm nghệ thuật. Nhờ nghệ thuật, nhịp cầu tương giao giữa nghệ nhân và người thưởng lãm nghệ phẩm được thiết lập; và những câu chuyện hay những hành động anh hùng còn được bảo tồn và lại được mở ra như một thông điệp đối với hậu thế. Nói cách khác, qua các tác phẩm nghệ thuật mà người ta thực hiện khả năng hành động và diễn thuyết nhằm thông tri cho người khác thế giới của mình, hay thế giới mà mình tri nhận.
Theo Arendt, qua biến cố hạ sinh, con người được mời gọi góp phần xây dựng thế giới, nhưng khi bắt đầu hành động và diễn thuyết với nhau, con người khẳng định và đảm nhận chính mình như là một con người chính trị. Chính khi bắt đầu diễn thuyết và hành động, con người mới “tự thêm mình” vào thế giới. Hành vi “thêm vào” ấy như biến cố sinh hạ lần thứ hai vậy. Sự thêm vào này không bị bắt buộc bởi những nhu cầu sinh học thuộc về lao động, cũng không bởi tính hữu dụng giống như tác tạo, nhưng nó tỏ lộ sự độc đáo duy nhất của sự xuất hiện của tôi trước mắt người khác như một con người trên thế giới này này. Chỉ tôi mới có thể diễn tả sự độc đáo và riêng biệt của chính tôi, và chỉ có tôi có thể tương giao chính mình chứ không phải là những nhu cầu sinh học hay ước muốn nào đó. Chính vì sự độc đáo và bình đẳng này mà tôi cần hành động và diễn thuyết để người khác có thể hiểu tôi. Như thế, yếu tố bình đẳng và độc đáo trở nên những điều kiện căn bản trong mối tương quan giữa tôi và người khác.[7] Nói tóm lại, nhờ hành động và diễn thuyết, tôi có thể xác lập các mối tương quan với người khác và thế giới.
Trên thực tế, dù ở đâu và khi nào, các vấn đề con người hệ tại ở mạng lưới những mối liên hệ với nhau, bởi lẽ một cuộc đời không có diễn thuyết và không có hành động thì kể như đã chết với thế giới. Thực vậy, khi đặt mình trong mối liên hệ với người khác, các câu chuyện về cuộc đời mỗi người mới được phát sinh. Nhờ đó, những câu chuyện có thể được ghi nhận bằng các bản văn, tượng đài, tác phẩm nghệ thuật, hay kịch nghệ nơi sân khấu, v.v. Qua tất cả, chúng ta hiểu biết nhiều hơn về các những “anh hùng” trong những câu chuyện, mà từ đó, mà các mối tương quan liên chủ thể được xác lập. Như thế, trong diễn thuyết và hành động, người ta được tỏ lộ chính căn tính của mình, nghĩa là, người ta chỉ ra họ là ai, tỏ lộ cách năng động những căn tính cá nhân độc đáo của họ và vì thế làm họ xuất hiện trong thế giới con người.[8]
Với Arendt, môi trường công giúp hành động và diễn thuyết không còn gói gọn trong phạm vi chính trị (hiểu theo nghĩa chặt) như trước đây nữa. Không gian mà con người hiện diện cùng nhau trong thể thức của diễn thuyết và hành động là ở bất cứ nơi đâu, và bất cứ khi nào. Bà viện dẫn câu ngạn ngữ cổ nói: “Bất cứ nơi nào bạn đi, bạn sẽ là một chính khách.” Câu nói này đem lại ý nghĩa quan trọng vì chúng diễn tả tính thuyết phục của hành động và diễn thuyết để tạo nên một không gian chung giữa những người tham dự vào “môi trường của nó,” dù ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào. Đó là không gian mà ở đó tôi xuất hiện cho người khác như người khác xuất hiện cho tôi, nơi đó làm con người phân biệt hẳn với các loài khác cùng cư trú trên trái đất.[9]
- Một vài nhận định của người viết
Qua Điều Kiện Con Người, có thể thấy Arendt nhìn con người với cái nhìn toàn thể (holism) chứ không chỉ là những phần riêng rẽ. Như vậy, có thế thấy một số điều nổi bật trong tác phẩm này.
Thứ nhất, điều mà Arendt quan tâm không phải là lao động, tác tạo hay hành động diễn thuyết cho bằng cái năng động diễn ra trong các khía cạnh ấy. Cái năng động ấy chính là mối tương quan liên chủ thể trong mọi môi trường sống của con người, dù là cổ điển hay hiện đại, dù là phạm vi gia đình, chợ búa hay xã hội. Thật vậy, theo Arendt, cả môi trường tư lẫn môi trường công đều có những tương quan liên chủ thể, nhưng ở những cấp độ khác nhau. Trong môi trường tư, mối tương quan liên vị diễn ra những người cùng huyết thống, cùng chia sẻ mối bận tâm sinh tồn và những nhu cầu tình cảm cũng như cái đẹp, nên mạng lưới tương quan trong phạm vi nhỏ hẹp. Còn trong môi trường công, mối tương quan liên chủ thể diễn ra trong sự bình đẳng và độc đáo của mỗi công dân được thể hiện qua hành động và diễn thuyết nhằm xác lập các mối tương quan liên vị, nên mạng lưới này rất rộng lớn. Như vậy, nếu môi trường sống của con người ngày càng rộng mở hơn, thì chân trời tương giao giữa các chủ thể sẽ càng ngày càng lớn hơn.
Thứ hai, sự đan quyện những chủ đề trong hiện tượng luận về các hoạt động của con người của Arendt đã cho thấy cơn khủng hoảng về ý nghĩa của lao động trong hiện tại. Trong khi xã hội cổ đại coi khinh lao động thì xã hội hiện đại lại quá đề cao nó. Đây là chủ trương của não trạng kinh tế, lợi nhuận. Não trạng này dẫn đến hệ quả là biến người lao động thành những “cỗ máy sản xuất.”[10] Người lao động chỉ biết làm và làm theo dây chuyền sản xuất, đến nỗi có thể chẳng biết ai là người đang đứng bên cạnh mình. Vì quá mỏi mệt với công việc và áp lực hiệu quả công việc, nên người lao động không còn thời gian tương tác với người khác nữa. Điều này được chứng minh tỏ tường kể từ cuộc cách mạng công nghiệp và giải phóng lao động đến nay.[11] Trong các công ty và xí nghiệp, người ta chỉ còn quan tâm đến lợi nhuận nên càng tạo ra nhiều sản phẩm càng tốt. Trong sản xuất, máy móc đã dần thay thế cho con người nên môi trường công của con người ngày càng bị thu hẹp. Quả vậy, không có gì làm cho con người trở nên vật hóa nhanh cho bằng cơ giới hóa lao động. Chính trong hoàn cảnh này mà mối tương quan liên chủ thể bị mất đi hay ít nhất cũng bị lãng quên.
Thứ ba, Arendt cũng muốn đặt lại vấn đề tự do của con người đối với khoa học kỹ thuật. Liệu rằng khi sử dụng máy móc, hay kỹ thuật khoa học nói chung, con người có được tự do hơn hay bị lệ thuộc hơn.[12] Đó cũng chính là phê bình của Heidegger đối với não trạng quá thượng tôn khoa học kỹ thuật của con người hiện đại được ông đề cập trong The Question Concerning Technology.
Thứ tư, Arendt muốn bổ túc và đôi lúc phê bình tư tưởng của Heidegger. Chẳng hạn như bà cũng dùng nghệ phẩm để nói về chân trời tương giao giữa nghệ nhân và người thưởng lãm; bà cũng phê bình não trạng quá tôn sùng khoa học kỹ thuật của thời hiện đại, v.v. Nhưng, nếu Heidegger lấy cái chết như điểm soi chiếu cho một Dasein luôn khắc khoải khi bị quăng ném vào thế giới, thì Arendt lại xem biến cố hạ sinh như khởi điểm cho hiện hữu ý nghĩa của con người. Trong khi Heidegger phát triển triết học theo hướng hiện tượng luận về bản thể học, thì Arendt muốn dấn thân vào triết học hành động. Nói khác đi, bà triển khai hiện tượng luận hiện sinh, nghĩa là quan sát con người với những điều kiện cụ thể làm nên đời sống con người thực sự. Mối tương quan liên chủ thể trong hiện tượng học được Arendt triển khai cách sâu sắc trong hành động của con người dù là trong môi trường gia đình, chợ búa, tác phẩm nghệ thuật hay các hoạt động chính trị được thể hiện qua hành động và diễn thuyết. Đây là những điều mà Heidegger chưa đề cập đến.
Kết luận
Với nhãn quan sắc bén và tinh tế, Arendt cho thấy đâu là ý nghĩa là giá trị của con người trong các hoạt động căn bản của con người. Arendt cho thấy con người, xét như một hữu thể tại thế vốn gắn liền với thế giới, luôn bị điều kiện hóa bởi thế giới nên không thể tách mình ra khỏi mối tương quan với những hữu thể đồng đẳng khác. Bà cũng muốn nhắc nhớ về đặc tính căn bản của con người trước cuộc khủng hoảng do não trạng quá đề cao khoa học kỹ thuật hiện đại. Như thế, Điều Kiện Con Người như một lời cảnh tỉnh cho con người thời đại: đừng quên đặc tính liên chủ thể của con người.
Tài liệu tham khảo:
Hannah Arendt. The Human Condition. 2nd Edit., Univesity of Chicago Press, 1958.
Học viện Dòng Tên. Triết sử Cận Hiện Đại. Lưu hành nội bộ, 2018.
[1] Hannah Arendt, The Human Condition, 2nd ed., (Univesity of Chicago Press, 1958).
[2] x. Arendt, 13.
[3] x. Arendt 13
[4] X. Arendt 161
[5] X. Arendt, 167
[6] X. Arendt, 173-174.
[7] X. Arendt, 178
[8] X. Arendt, 180.
[9] Cũng có thể thấy hành động và diễn thuyết được tái hiện lại cách tài tình trên các sân khấu. Ở điểm này, các diễn viên là những người đã tái hiện lại được cốt truyện về những anh hùng. Thực ra, các diễn viên không chỉ lặp lại câu chuyện nhưng họ còn làm cho câu chuyện trở nên sống động qua tài năng diễn xuất của mình (mimesis). Chỉ có các diễn viên có thể truyền đạt lại ý nghĩa một cách đầy đủ, chứ không chỉ là những câu chuyện tự nó. Điều này giải thích tại sao nhà hát là một loại hình chính trị quá xuất sắc, chỉ có không gian của con người có tính chính trị biến đổi vào trong nghệ thuật.[9] Như vậy, con người trong thực tế được đảm bảo bằng sự hiện diện với người khác, bởi sự xuất hiện với tất cả mọi người (x. Arendt, 197-199).
[10] X. Arendt, 162.
[11] X. Arendt, 147
[12] X. Arendt, 151.