1. Bài đọc:
(Kn 2,12.17-20)
Còn quân vô đạo,…chúng bảo nhau :
12 Ta hãy gài bẫy hại tên công chính,
vì nó chỉ làm vướng chân ta,
nó chống lại các việc ta làm,
trách ta vi phạm lề luật,
và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.
17 Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
18 Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
19 Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,
để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
20 Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.”
Sai lầm của phường vô đạo.
(Bản dịch của Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
2. Tìm hiểu ý nghĩa nội dung bản văn
Sách Khôn Ngoan được viết tại Ai Cập và bằng tiếng Hy-lạp. Thời gian sách này ra đời chỉ khoảng 30-50 năm trước Chúa Giáng Sinh. Thế nhưng, người ta hay gán tác giả sách này với vua Sa-lô-môn. Dường như tác giả sống trong vùng đan xen văn hóa Do Thái – Hy-lạp và nhiều con cái Ít-ra-en đã chạy theo văn hóa Hy Lạp mà phản bội niềm tin cha ông truyền lại, nên giọng văn cho chúng ta thấy tiếng kêu gọi trung thành với những điều luật của Thiên Chúa. Đoạn trích bài đọc 1 này (Kn 2,12.17-20) nằm trong mạch văn của những lời diễn tả lối sống và kết cục của phường vô đạo đối nghịch với người công chính trung thành giữ luật Thiên Chúa đã ban cho các tiền nhân (Kn 1-5).
Dĩ nhiên, lối sống của những người trung thành với luật Chúa, được coi là người công chính, trở nên đối đầu với những người còn lại. Có thể nói, chính thái độ sống của người công chính đã không ngừng tố cáo lối sống của những người lạc xa lệnh truyền của Thiên Chúa. Đó cũng chính là lý do người công chính bị kẻ vô đạo tìm cách bách hại (c.12; công chính = dikaios, Lat. iustus, cc.10,12,16,18; 3:1).
Tiếp đến, ở câu 17 xuất hiện cụm từ “con Thiên Chúa”. Thực ra, cụm từ này được dùng để chỉ dân tộc hoặc người Ít-ra-en (x. Xh 4,22-23; Đnl 14,1; Is 1,2; Hs 11,1). Sau khi có những nhóm người trong con cái Ít-ra-en chạy theo lối sống xa rời niềm tin của cha ông thì cụm từ này được hiểu là chỉ đến những người công chính hoặc dân Chúa trong viễn cảnh tương lai (x. Hs 2,1); có khi trong mạch văn, cụm từ này được gán cho một nhân vật cụ thể như thấy ở (2 Sm 7,14; Tv 2,7; Hc 4,10). Trong thực tế, mặc dù nhiều người Ít-ra-en gọi Thiên Chúa là cha (x. Hc 23,1.4; 51,10; Tv 89,27) nhưng không một ai dám tự xưng mình là con Thiên Chúa cả.
Lối suy nghĩ độc ác của phường vô đạo để bách hại người công chính trong đoạn trích này tương tự với kiểu âm mưu của người gian ác muốn hãm hại người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa trong (Tv 22 và Is 42,1-9; 49,1-13; 50,4-9; 52,13-53,12). Một cách rõ ràng hơn, lối suy nghĩ độc ác của phường vô đạo đã thể hiện nơi chính những kẻ thù của Đức Giê-su. Chính vì thế mà những giáo phụ của Ki-tô giáo và những tín hữu sơ khai đã giải thích hình ảnh “người công chính”, “con Thiên Chúa” ở đây chính là Đức Giê-su.
Trong đoạn trích (Kn 2,12.17-20) này, phường vô đạo đã có những động thái giống với những gì những người lãnh đạo Do Thái đối xử với Đức Giê-su: gài bẫy, hạ nhục, tra tấn, kết án cho chết…Tất cả những điều đó làm ứng nghiệm hình ảnh người công chính, Con Thiên Chúa nơi Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài.
Đức Giê-su cũng đã nhiều lần tiên báo về cuộc thương khó và phục sinh của Ngài, cụ thể trong bài Tin Mừng hôm nay (Mc 9,30-37). Đức Giê-su cũng nói rõ rằng Ngài sẽ bị đối xử như thế nào. Nếu để ý thì chúng ta sẽ bắt gặp nhiều điểm tương đồng giữa người công chính trong bài đọc (Kn 2,12.17-20) hôm nay và chính Đức Giê-su. Điều đó giúp chúng ta vững tin hơn rằng Đức Giê-su chính là Con Thiên Chúa, Đấng Mê-si-a đến để cứu độ chúng ta.
Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj
Tham Khảo
John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.655.
CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.1385-1387. 1392-1393.