1. Bài đọc: (Xp 3,14-18a)

3

14Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on,

hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi!

Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi.

15Án lệnh phạt ngươi, ĐỨC CHÚA đã rút lại,

thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.

Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là ĐỨC CHÚA.

Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ.

16Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giê-ru-sa-lem:

“Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời.”

17ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi,

Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng.

Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ,

sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi.

Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng

18như trong ngày lễ hội.

2. Tìm hiểu nội dung bản văn

Ngôn sứ Xô-phô-ni-a đã thi hành sứ mạng của mình vào khoảng những năm 640-622 trước Công Nguyên. Trong thời gian ấy, nhà Giu-đa phần đông đã bỏ Đức Chúa mà chạy theo các thần ngoại, các vua chúa lân bang thì lăm le muốn đem quân thôn tính Giu-đa. Những người còn tin tưởng vào quyền năng của Đức Chúa được ngôn sứ Xô-phô-ni-a an ủi với những lời tiên tri về việc Đức Chúa sẽ giải thoát dân Người.

Trước đó, vua Khít-ki-gia-hu (716-687 TCN) bị vua của Át-sua là Xan-khê-ríp đem quân tiến đánh nên đã quy hàng và triều cống nhiều vàng bạc châu báu. Đến thời vua Mơ-na-se (687-642 TCN), con của vua Khít-ki-gia-hu, còn cho du nhập vào Ít-ra-en nhiều thứ tôn giáo ngoại lai khiến ông và cả dân phạm tội với Đức Chúa. Tiếp đến là thời của vua A-môn (642-640 TCN). Vua này cũng chạy theo thần ngoại như cha mình. Ông bị ám sát và triều đình rơi vào tay vị vua 8 tuổi là Giô-si-gia-hu (640-609 TCN). Tuy nhiên, tình hình tôn giáo sau đó cũng không thay đổi gì. Dân vẫn chạy theo ngẫu tượng, vật chất mà lãng quên Đức Chúa. Tinh thần thế tục ấy còn len lỏi vào ngay giữa hàng lãnh đạo tôn giáo trong dân. Trong bối cảnh ấy, Thiên Chúa không bỏ mặc dân Người nhưng đã dùng môi miệng ngôn sứ Xô-phô-ni-a để cảnh tỉnh dân về lối sống cần được canh tân của họ để tránh cơn giận của Đức Chúa và tiên báo niềm vui giải thoát mà Chúa dành cho những ai hết lòng trông đợi Người.

Sau phần hạch tội Giu-đa và kêu gọi dân sám hối (Xp 1,2-2,3), Xô-phô-ni-a tuyên cáo hạch tội chư quốc (Xp 2,4-15) cũng như dân thành Giê-ru-sa-lem (Xp 3,1-8). Tiếp đến là những lời hứa Thiên Chúa giải thoát dân Người (Xp 3,9-20). Như thế, bài đọc chúng ta tìm hiểu nằm trong phần tiên báo về những lời hứa ơn an ủi dành cho con cái Xi-on.

Qua miệng ngôn sứ Xô-phô-ni-a, Thiên Chúa tuyên bố tha thứ cho những tội con cái Ít-ra-en đã phạm, rút lại những án phạt của Người và đẩy lui những thù địch đang vây hãm dân (cc.14-15). Người hứa sẽ ngự giữa dân và làm cho dân nên vững mạnh đến nỗi không còn phải sợ gì nữa (cc.16-17a). Thiên Chúa là vị cứu tinh, vị anh hùng giải thoát đến và cư ngụ giữa dân Người. Đây là yếu tố then chốt để cho thấy sự hùng mạnh và tự do của dân được tuyển chọn. Ngài thực sự là vị Vua đáng được muôn dân mơ ước và trông đợi. Như thế, sau thời gian khổ cực, dân Chúa được thanh luyện và những ai còn sót lại, tức là những người trung thành với Đức Chúa hay những người thống hối lỗi lầm mà quay về với Người thì sẽ được Người yêu thương, bao bọc và giải thoát. Đó sẽ là những ngày của lễ hội niềm vui và bình an (cc.17b-18). Người ta dễ dàng nhận thấy rằng có nhiều điểm tương đồng của đoạn tuyên sấm này với những đoạn thánh vịnh miêu tả cảnh vương quốc hùng mạnh của Thiên Chúa (Tv 47.93.96-99). Một điều rõ ràng là để có thể đón nhận ơn giải thoát của Đức Chúa, con cái Ít-ra-en cần phải sám hối vì những lỗi lầm của mình và trung thành, tin tưởng vào quyền năng của Đức Chúa.

Cũng như vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 3,10-18), ông Gioan đã lên tiếng kêu gọi dân sám hối, thực hành những việc bác ái và công bình để sẵn sàng đón Chúa đến ngự giữa và giải thoát dân. Người sẽ là vị Thiên Chúa hùng mạnh và vinh quang mà dân hằng trông đợi. Người sẽ giải thoát dân khỏi tình trạng nô lệ và mọi vây hãm ràng buộc của kẻ thù.

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj

Tham Khảo

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.2054-2055.

John Barton and John Muddiman, The Oxford Bible Commentary, Oxford University Press, 2001, tr.606.