(Bổ sung tài liệu vào môn nguyên tội và ân sủng-Lm. Nguyễn Tiến Dưng, AA)
I. Những khác biệt
- Những điểm khác biệt giữa Tin lành và Công giáo-Bản tính con người.
- Tin Lành giảng dạy rằng bản tính con người bị băng hoại hoàn toàn. Vì thế, con người mất tự do và sức lực để làm điều tốt về mặt luân lý, cũng như khả năng tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa vì yêu Chúa, chứ không phải để sáng danh mình hoặc vì sợ bị luận phạt. Đối với Martin Luther, tự do xấu xa tận căn.
- Ngược lại, giáo huấn Công giáo Rô-ma khẳng định rằng bản tính con người không hoàn toàn bị băng hoại. Chắc chắn là tự do làm điều tốt yếu đi một cách sâu thăm, nhưng không mất đi. Sự tự do này vẫn tốt, ngay cả khi nó không thành toàn. Con người không bị kết án khi hoàn thiện giới răn của Thiên Chúa vì sự kính sợ phán xét công minh cũng như sự trừng phạt của Ngài.
- Dục vọng.
- Người Tin lành hiểu dục vọng như một phần cấu thành của sự băng hoại bản tính. Vì thế nó được hiểu là tội: không phải là tội hiện tại theo nghĩa luân lý, nhưng là tội nơi mỗi người, nguồn gốc của mọi tội về mặt đạo đức, vì thế nó còn được gọi là « tội tổ tông truyền ».
- -Ngược lại, người Công giáo không xem dục vọng là tội. Dục vọng vẫn còn nơi nhũng người đã được rửa tội. Dù dục vọng đến từ tội và dễ dàng cúi mình trước tội, nhưng những ai chiến thắng dục vọng một cách can đảm nhờ ân sủng của Đức Ki-tô thì sẽ nhận được triều thiên vinh hiển.
- Sự thụ động của con người.
- Người Tin lành dạy rằng -vì bản tính con người hoàn toàn bị băng hoại và vì ơn cứu độ chỉ đến từ Đức Ki-tô – con người hoàn toàn thụ động trước mặt Thiên Chúa: trong sự công chính hóa tội nhân, tất cả sự cộng tác của con người hoàn toàn bị khai trừ. Luther đã viết như thế này: « Con người được đặt ở giữa như con vật thồ; nếu là Thiên Chúa điều khiến nó, thì nó đi đến nơi Thiên Chúa muốn… Nếu là Satan điều khiển nó, thi nó đi đến nơi Satan muốn. Nó không còn tự do đế chạy về bên này hay về bên khác…»[1].
- Ngược lại, giáo huấn của Công giáo dạy rằng, khi được ân sủng của Thiên Chúa chạm tới và khi được sám hối, con người cộng tác phần mình vào sự công chính hóa khi con người đồng thuận một cách tự do vào hành động thánh hóa của Thiên Chúa và chấp thuận hành động này.
- Ân sủng công chính hóa.
- Người Tin lành dạy rằng ân sủng công chính hóa hoàn toàn đồng nghĩa với tình yêu tha thứ của Thiên Chúa và với sự chuyển động mà qua đó nó hướng về con người với một cách thức luôn luôn mới mẽ; như thế, ân sủng chỉ là một thực tại từ phía Thiên Chúa mà thôi. Luther đã diễn tả như sau: «Ân sủng, như tôi hiểu ở đây, theo nghĩa chính xác, là đặc ân của Thiên Chúa, chứ không phải là «chất lượng» của linh hồn, như những thần học gia mới giảng dạy»[2].
- Ngược lại, giáo huấn của Công giáo dạy rằng ân sủng của sự công chính hóa, chính tự nó, là một thực tại trong tâm hồn con người, thực tại này có nguồn mạch từ tình yêu của Thiên Chúa và biến đổi, tái tạo con người từ bên trong. Tóm lại, với Giáo hội Công giáo, con người, tự nó, luôn là «ai đó» trước mặt Thiên Chúa, dù nó là tội nhân hay là không.
- Chỉ bởi Đức Tin.
- Người Tin lành nhán mạnh rằng con người nhận được ân sủng của sự công chính hóa chỉ duy nhờ Đức tin, tức là qua sự tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ Đức Ki-tô, Đấng không vương vấn tội tình. Bản Tuyên Tín ở Augsbourg khẳng định: « Con người không thể được công chính hóa trước mặt Thiên Chúa nhờ vào chính sức lực, việc làm hay công trạng của mình; ngược lại, con người được công chính hóa qua đức tin nhờ vào công nghiệp Đức Ki-tô… »[3].
- Ngược lại, giáo huấn của Giáo Hội Công giáo dạy rằng đức tin và sự tín thác chỉ được công chính hóa khi kết hợp với đức cậy được trao ban bởi Thiên Chúa, và với đức ái, một sực cộng tác tích cực tương ứng với ân sủng của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là Đấng làm cho công chính hóa, chứ không phải đức tin của con người. Ngược lại, con người cộng tác vào sự công chính hóa qua việc đón nhận ân sủng.
- Sự xác tín về phần rỗi.
- Người Tin lành dạy rằng Đức tin- nhờ lời hứa của Thiên Chúa- tạo nên và là sự xác tín cho phần rỗi, nhờ ân sủng, nhờ sự tha tội; trong trường hợp ngược lại, đức tin này không thực sự là đức tin. Khi bày tỏ lập trường của mình khác với lập trường cứa Huấn quyền Luther đã viết: « …Như tôi đã nói: không ai có thể được công chính hóa, nếu không nhờ vào đức tin, và điều này cần thiết đến nỗi nó phải tin với một sự xác tín rằng nó được công chính hóa và nó không được nghi ngờ một chút nào là nó không nhận được ân sủng. Quá thật, nếu nó nghi ngờ và nếu nó ở trong tình trạng không xác tín, thì qua hành động này, nó không được công chính hóa, nhưng nó loại bỏ ân sủng ».
- Ngược lại, Giáo hội Công giáo xác tín rằng, vì sự bất toàn khi thực thi đức ái, người tín hữu không bao giờ có thể chắc chắn rằng mình ở trong tình trạng thật của ân sủng. Và vì thế, họ phải « biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ » (P1 2.12).
- Công việc và công trạng.
- Đối với người Tin lành, những công việc tốt được hoàn thiện khi có đức tin vào ân sủng của Thiên Chúa là hoa trái của ân sủng, nhưng nó không thiết lập nên «công trạng» gì trước mặt Thiên Chúa. Theo họ, những hoa trái này tự bản chất thuộc về chính hành động công chính hóa của Thiên Chúa, nên nó khai trừ tất cả công trạng.
« … Họ khôn khéo trình bày với sự nhạo báng chống lại thần học…Đó là những người nói rằng con người, khi hoàn thiện những gì là trong khả năng sức lực của mình, xứng đáng với ân sủng của Thiên Chúa và cuộc sống »[4].
Quả thực, người ta không thể ép Thiên Chúa trao ban ân sủng, ngay cả thông qua các bí tích.
- Ngược lại, giáo huấn Công giáo xác tín rằng những công việc tốt đẹp được hoàn thiện, nhờ sức mạnh của ân sủng, qua đó con người được công chính hóa, xứng đáng có công trạng trước mặt Thiến Chúa, không phải vì khả năng mà con người có thể hoàn thiện các công việc này, nhưng nhờ ân sủng và công nghiệp của Đức Ki-tô. Ân sủng của Thiên Chúa trao ban cho một đối tác có khả năng trả lời, chứ không chỉ là một tiếng vọng của tiếng nói Ngài.
II. Sự hiểu biết lẫn nhau về sự công chính hóa
Đây là bản văn được Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II phê chuẩn, với sự đồng thuận trước đó của ĐHY Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Chúng ta chọn một sô điểm liên quan trực tiếp đến vấn đề công chính hóa.
- Đức tin chung của chúng ta tuyên tín rằng sự công chính hóa là hành động của Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha đã sai con của Ngài xuống trần thế để cứu độ người tội lỗi. Nhập thể, chết và sống lại của Đức Ki-tô là nền tảng và tiền đề của sự công chính hóa. Do đó, sự công chính hóa có nghĩa là chính Đức Ki-tô là sự công chính của chúng ta, chúng ta tham dự vào sự công chính này nhờ Chúa Thánh Thần và theo thánh ý của Chúa Cha. Chúng ta cùng tuyên xưng: chỉ qua ân sủng nhờ đức tin vào hành động cứu chuộc của Đức Ki-tô, chứ không phải dựa vào công trạng của chúng ta mà chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận và chúng ta lãnh nhân Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới con tim chúng ta, ở với chúng ta và kêu mời chúng ta hoàn thiện những công việc tốt lành.
- Tất cả mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi lãnh nhận ơn cứu độ trong Đức Ki-tô. Chỉ trong Ngài chúng ta được công chính hóa khi chúng ta nhận sự cứu độ trong đức tin. Chính đức tin là hồng ân của Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong cộng đoàn những người tin qua Lời Chúa và qua các Bí tích và dẫn đưa các tín hữu về sự đổi mới cuộc sống mà Thiên Chúa sẽ hoàn thiện trong cuộc sống vĩnh hằng.
- Chúng ta cùng xác tín rằng sứ điệp về sự công chính hóa dẫn chúng ta một cách đặc thù đến với tâm điểm của chứng tá Tân Ước về hành động cứu chuộc của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô: sứ điệp này dạy chúng ta là những tội nhân rằng chúng ta chỉ xứng đáng nhận được sự sống mới nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót thứ tha cho chúng ta và đổi mới mọi sự, một lòng thương xót mà làm cho chúng ta chỉ tận hiến và lãnh nhận trong đức tin và chúng ta chẳng bao giờ xứng đáng dưới bất cứ dạng thức nào.
- Sự bất khả và tội của con người đối diện với sự công chính hóa.
- Chúng tôi cùng tuyên tín rằng con người hoàn toàn lệ thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa cho phần rỗi của mình. Tự do của họ đối diện với người khác và với các sự vật trong thế giới này không phải là tự do để đạt được phần rỗi của họ. Điều này có nghĩa: là một tội nhân, con người được đặt dưới sự phán xét của Thiên Chúa và bất khả tự hướng về Thiên Chúa nhằm được cứu độ, hoặc là xứng đáng được công chính hóa trước mặt Thiên Chúa, hay là đạt tới sự cứu độ nhờ chính sức lực của mình. Sự công chính hóa chỉ được khai mở bởi ân sủng. Vì người Công giáo và người Tin lành cùng tuyên tín điều này, ta có thế nói:
Khi người Công giáo khẳng định rằng, một khi chuẩn bị cho sự công chính hóa và sự đón nhận nó, con ngươi « cùng cộng tác » qua sụ đồng thuận của con người với hoạt dộng thánh hóa của Thiên Chúa, họ xem sự đồng thuận cá nhân như là hiệu quả của ân sủng, chứ không phải là hoa trái thu lượm được từ chính sực lực của con người.
PS: Như thế sự đáp trả của con người không đơn thuần là một tiếng vọng ; nhưng nó cũng không được xem là công trạng. Đó là sự đáp trả của một chủ thể được thiết lập, nhưng luôn nhờ vào ân sủng, về điểm này, anh em Tin Lành cũng đồng ý với người Công giáo.
Với sự hiểu biết của người Tin Lành, con người bất khả cộng tác với Thiên Chúa, vì là tội nhân con người chống lại, một cách chủ động, Thiên Chúa và với hành động cứu chuộc của Ngài. Người Tin lành không chối từ việc con người có thế chối từ hoạt động của ân sủng. Khi họ khẳng định rằng con người chỉ có thể nhận sự công chính hóa, qua đó, họ phủ nhận tất cả khả năng của một sự cộng tác đơn thuần của chính con người vào sự công chính hóa của mình, nhưng không phải là sự tham dự tròn đầy và cá vị trong đức tin, chính đức tin này cũng được khai mở bởi Lời Chúa.
- Sự công chính hóa thứ tha tội lỗi và làm cho con người nên công chính.
- Chúng tôi cùng tuyên xưng rằng, qua ân sủng, Thiên Chúa thứ tha tội cho con người và cùng lúc Ngài giải phóng con người khỏi quyền lực của tội bằng cách trao tặng cho nó sự sống mới trong Đức Ki-tô, một khi con người chung phần với Đức Ki-tô trong đức tin. Thiên Chúa không quy trách tội của nó, nhưng khai mở trong nó, nhờ Thánh Thần, một đức ái hành động. Hai chiều kích hành động của Thiên Chúa không được tách rời nhau. Sự tha thứ tội lỗi và sự hiên diện thánh hóa của Ngài nối kết nội tại với nhau, nhờ đó con người trong đức tin gắn kết với Đức Ki-tô, Đấng trong con người của Ngài, là sự công chính của chúng ta (1 Cr 1, 3).
Khi người Tin lành nhấn mạnh rằng sự công chính của Đức Ki-tô là sự công chính của chúng ta, họ muốn khẳng định rằng sự tha thứ tội lỗi nhận được sự công chính, trước mặt Thiên Chúa trong Đức Ki-tô và rằng sự sống của con người chỉ được tái tạo trong tương quan với Đức Ki-tô. Khi họ nói rằng ân sủng của Thiên Chúa là tình yêu thứ tha, họ không khước từ sự tái tạo cuộc đời của những người ki-tô hữu. Nhưng muốn khăng định rằng sự công chính hóa luôn ở tình trạng tự do so với sự cộng tác của con người và nó không phụ thuộc vào kết quả của sự tái sinh của ân sủng trong con người.
Khi người Công giáo khẳng định rằng sự tái sinh của hữu thể từ bên trong được trao ban cho người tín hữu bởi việc đón nhận ân sủng, họ muốn nhấn mạnh tới ân sủng tha thứ của Thiên Chúa luôn gắn liền với hồng ân của một đời sống mới được diễn đạt bằng một tình yêu hành động qua Thánh Thần ; điều này cũng muốn nói rằng họ không khước từ ân sủng cua Thiên Chúa luôn hiện diện, trong sự công chính hóa, độc lập với sự cộng tác của con người.
- Sự công chính hóa qua ân sủng nhờ đức tin.
- Chúng tôi cùng tuyên xưng rằng tội nhân được công chính hóa nhờ đức tin vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô; sự cứu độ này được ban tặng cho con người qua Thánh Thần trong Bí tích rửa tội như là nền móng của đời sống ki-tô hữu. Trong đức tin làm cho công chính hóa, con người đặt sự tín thác của mình trong lời hứa xót thương của Thiên Chúa, một sự tín thác bao hàm niềm hy vọng vào Thiên Chúa và tình yêu. Đức tin chủ động trong tình yêu: vì thế nên người ki-tô hữu không thể và không được hiện hữu mà không sinh hoa trái. Nhưng những gì trong con người có trước và theo sau ân sủng tự do của đức tin không phải là nguyên nhân cua sự công chính hóa và nó không xứng đáng với sự công chính hóa.
Theo sự hiểu biết của anh em Tin lành, Thiên Chúa công chính hóa tội nhân chỉ qua đức tin (sola fide) …Giáo huấn về « công chính hóa chỉ qua đức tin » tách biệt, chứ không chia cắt sự công chính hóa và việc tái tạo đời sống như là kết quả cần thiết của sự công chính hóa và nếu không có kết qủa này thì có nghĩa là không có đức tin trước đó. Ở đây nhấn mạnh tới nền tảng dẫn tới việc tái tạo. Sự tái tạo đời sống được sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa trao tặng cho con người trong sự công chính hóa. Sự công chính hóa và tái tạo đời sống nối kết với nhau nhờ Đức Ki-tô trong đức tin.
Sự hiểu biết của người Công giáo cũng nhấn mạnh tới tính chất căn bản của đức tin trong sự công chính hóa ; vì không có đức tin thì không có sự công chính hóa. (…) Nếu sự hiếu biết của người Công giáo nhấn mạnh tới việc tái tạo đời sống nhờ ân sủng công chính hóa, sự tái tạo này trong đức tin, đức cậy và đức mến luôn luôn phụ thuộc vào tính nhưng không của ân sủng từ Thiên Chúa, nó không cần tới một sự cộng tác vào sự công chính hóa mà qua đó chúng ta có thể tự hào trước mặt Thiên Chúa (Rm 3, 21). Nói cách khác, Thiên Chúa không bao giờ ngồi vào bàn để mở ra một cuộc mặc cả.
- Tình trạng tội nhân của người được công chính hóa.
- Chúng tôi cùng tuyên xưng rằng, trong bí tích rửa tội. Thánh Thần nối kết con người với Đức ki- tô, làm cho họ công chính và đổi mới thật sự họ. Dù vậy, người được công chính hóa, trong cuộc đời của mình, luôn luôn phụ thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa, Đấng làm cho họ công chính hóa vô điều kiện. Họ không thoát khỏi quyền lực của tội lỗi (xem Rm 6, 12-14). Họ không được đặc ân tránh khỏi các cuộc chiến trường kỳ chống lại đam mê sự ích kỷ của con người cũ, dẫn tới sự chống đối Thiên Chúa (xem GI 5, 16 ; Rm 7,.7. 10). Ngay cả người được công chính hóa cũng phải liên tục kêu cầu sự tha thứ của Thiên Chúa như trong kinh Lạy Cha (Mt 6, 12 ; 1 Ga 1.9). Họ luôn được mời gọi sám hối và hoán cải, và như thế sự tha thứ lại đươc trao ban cho ho.
Người Tin lành khẳng định người tín hữu vừa là « người công chính vừa là tội nhân ». Họ công chính vì được Thiên Chúa thứ tha tội lỗi nhờ Lời và bí tích. Đức K-tô ban sự công chính của Ngài cho họ nhờ đức tin và trong đức tin. Tuy nhiên tội vẫn ngự trị trong họ (1Ga 1,8: Rm 7. 17. 20), vì họ vẫn không ngừng cậy tin vào các tà thần và không yêu mến Thiên Chúa đúng mức. Sự chống lại Thiên Chúa này là một tội thật sự. Nhưng nhờ Đức Ki-tô, tội này không còn thống trị người ki-tô hữu, nhưng bị thống trị bởi Đức Ki-tô. (…) Tội không còn kết án họ và không dẫn họ tới sự chết đời đời. Khi người Tin lành khẳng định rằng người được công chính hóa vẫn là tội nhân và rằng sự chống lại Thiên Chúa thật sự là một tội, họ không khước từ việc người được công chính hóa, nhờ Đức Ki-tô, không còn tách rời khỏi Thiên Chúa và rằng tội của họ là một loại tội bị thống trị.
Người Công giáo nghĩ rằng ân sủng của Đức Ki-tô được trao ban qua bí tích rửa tội xóa bỏ những gì thật sự là tội lỗi, những gì đáng bị kết án (Rm 8,1). Tuy nhiên, họ khẳng định rằng khuynh hướng đến từ tội và hướng về tội (dục vọng) vẫn còn hiện hữu trong con người. (…) Khi nhìn nhận, để được cứu độ nhờ Đức Ki-tô, họ muốn khẳng định rằng khuynh hướng chống lại Thiên Chúa không xứng đáng để bị luận phạt đời đời và khuynh hướng này không chia cắt người được công chính hóa khỏi Thiên Chúa. Nhưng nếu người được công chính hóa tự ý muốn xa rời Thiên Chúa và không chắp hành đủ các giới răn của Ngài, người đó cần nhận bí tích hòa giải và sự binh an nhờ lời thứ tha lại trao ban cho họ nhờ công trình cứu chuộc của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô.
- Lề luật và Tin Mừng.
- Chúng tôi cùng tuyên xưng rằng con người được công chính hóa nhờ đức tin vào Tin Mừng «chứ không phải làm những gì Luật dạy » (Rm 3, 28). Đức Ki-tô đã hoàn thiện luật và vượt qua luật khi Ngài chính là con đường cứu độ qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chúng tôi cũng tuyên xưng rằng các giới răn của Thiên Chúa vẫn giữ hiệu lực cho những người được công chính hóa và Đức Ki- tô, qua lời và cuộc đời của Ngài, đã diễn tả thánh ý của Thiên Chúa, một thánh ý định hướng các hoạt động của người được công chính hóa.
Người Tin lành chú ý tới điều này: sự phân biệt và sự nối kết giữa luật và Tin Mừng là căn bản cho sự hiểu biết về sự công chính hóa. Trong chuyên ngữ thần học, luật là sự đòi buộc và sự tố cáo cuộc đời được gửi tới mọi người và cả người ki-tô hữu khi họ là tội nhân, khi nhìn nhận tội lỗi, ngõ hầu, trong đức tin vào Tin Mừng, họ hoàn toàn quay về với lòng thương xót của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô, chỉ duy nhất Ngài là cho con người nên công chính.
Lề luật như là con đường cứu độ, được hoàn thiện và vượt qua bởi Tin Mừng, người Công giáo có thể nói rằng Đức Ki-tô không phải là một nhà luật pháp như Môsê. Khi người Công giáo khằng định rằng người được công chính hóa phải tôn trọng các giới răn của Thiên Chúa, họ không phủ nhận rằng ân sủng cho đời sống vĩnh hằng chính là lời hứa, một cách nhân hậu, cho con cái Thiên Chúa qua Đức Ki-tô.
- Xác tín về sự cứu độ.
- Chúng tôi cùng tuyên xưng rằng các tín hữu có thể tin vào lòng thương xót và lời hứa của Thiên Chúa. Ngay cả vì yếu đuối của bản thân và muôn vạn đe dọa làm chìm đắm đức tin, họ có thể, nhờ sự chết và phục sinh của Đức Ki-tô, xây dựng trên hiệu quả của ân sủng từ Thiên Chúa trong Lời và trong bí tích và có sự xác tín về ân sủng này.
Những anh em Tin lành đặc biệt nhấn mạnh rằng, trong thử thách, người tín hữu không được cậy dựa vào chính mình, nhưng trong đức tin, nhìn vào Đức Ki-tô và chỉ tín thác vào một mình Ngài mà thôi. Trong sự tín thác vào lời hứa của Thiên Chúa, họ có xác tín về sự cứu độ của mình, nhưng sự xác tín này không trở thành một bảo chứng khi họ chỉ dựa vào chính mình.
Những người Công giáo có thể chia sẻ lo âu của người Tin lành hệ tại ở việc thiết lập đức tin trên thực tại khách quan của lời hứa từ Đức Ki-tô và không trừu tượng hóa những kinh nghiệm cá nhân nhưng chỉ tín thác vào lời hứa của Đức Ki-tô. Với Công đồng Vatican II, người Công giáo khẳng định: tin có nghĩa là tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa, Đấng giải phóng khỏi những tăm tối của tội lỗi vả sự chết và dẫn đưa tới sự sống vĩnh hằng. Như thế, người ta không thế vừa tin vào Thiên Chúa lại vừa nghi ngờ khả năng nơi lời hứa của Ngài. Không ai có thể nghi ngờ lòng thương xót của Thiên Chúa và công trạng của Đức Ki-tô. Nhưng mỗi người phải lo phần rỗi của mình khi nhìn đến những yếu đuối và những thiếu sót của mình. Khi biết những thất bại của mình, người tín hữu phải tin chắc rằng Thiên Chúa muốn cứu độ họ.
- Những việc làm tốt đẹp của người được công chính hóa.
- Chúng tôi cùng tuvên xưng rằng những những công việc tốt đẹp của đời sống ki-tô hữu trong đức tin, đức cậy và đức mến- là kết quả và là hoa trái của sự công chính hóa. Một khi người được công chính hóa sống trong Đức Ki-tô và hành động-trong ân sủng-lãnh nhận, họ mang lại những hoa trái tốt lành, phù hợp với ngôn ngữ Thánh Kinh. Kết quả của sự công chính hóa, đối với người ki-tô hữu, một khi họ chống lại tội lỗi một cách triền miên, là sự dân thân mà họ phải hiện thực hóa ; đó là lý do tại sao Đức Giê-su và những bản văn của các tông đồ ra lệnh cho người ki-tô hữu phải hoàn thiện những công việc của tình yêu.
Theo quan niệm của người Công giáo, những công việc tốt đẹp được thực hiện nhờ ân sủng và tác động của Chúa Thánh Thần cộng tác vào sự thăng tiến trong ân sủng ngõ hầu sự công chính nhận được từ Thiên Chúa được bảo toàn và sự hiệp thông với Đức Ki-tô được đi vào chiều sâu hơn. Khi người Công giáo giữ « tính chất công trạng » của những công việc tốt đẹp, họ muốn nói rằng theo sứ điệp Kinh Thánh, một sự ân thưởng từ trời cao được hứa cho những công việc này. Họ muốn nhấn mạnh tới tinh thần trách nhiệm của con người trên công việc của họ. Họ cũng không phản đối xem những công việc tốt đẹp là một hồng ân, họ càng không phản đối việc xem sự công chính hóa là một ân sủng không đến từ công trạng.
Người Tin lành cũng chia sẻ ý tưởng về sự bảo toàn ân sủng và một sự thăng tiến trong ân sủng và đức tin. Nhưng họ nhấn mạnh rằng sự công chính của người tín hữu, khi được Thiên Chúa chấp nhận và tham dự vào sự công chính của Đức Ki-tô, thì luôn hoàn hảo và họ cũng khẳng định cùng lúc rằng những hoa trái này có thể tăng trường trong suốt đời sống ki-tô hữu. Khi họ hiểu những công việc tốt lành là hoa trái và dấu hiệu của sự công chính hóa chứ không phải là công trạng cá nhân, họ hiểu đời sống vĩnh hằng như là ân thưởng không đến từ công trạng theo nghĩa sự hoàn thiện lời hứa của Thiên Chúa dành cho những người tin, phù hợp với ngôn ngữ của Tân Ước.
[1] Martin LUTHER, De servo arbitrio: WA 18, 635, 17 s: MLO V, tr. 53, 635.
[2] Martin LUTHER, Contre Latomus: WA 8, 106, 10.
[3] CA 4, 1-3: BSLK 56, 2-10
[4] Martin LUTHER, Disputatio de homine, WA 39 I, 176, 21-23. 5 La Documentation catholique, 19 octobre 1997, n° 2168.