Ảnh từ Internet

Môn học: Triết học con người
Giáo sư: Phạm Trung Hưng, S.J.
Học viên: Nguyễn Quang Huy, S.J.

 

Lời chào của con người khác với lời chào của con vật. Trong đời sống, lời chào của con người mang dáng dấp của những thực hành lễ nghi. Đồng thời, chào là đối diện với người khác trong tương quan tha nhân. Vì vậy, tôi nên chào mọi người với tâm thế nào? Xã giao, hời hợt hay đi vào tương quan của sự hiện hữu?

 

Một cách nào đó, lời chào là một cử chỉ quen thuộc thường thấy trong đời sống, của loài vật cũng như con người. Những con kiến thường cụng đầu khi chúng gặp nhau. Ở nơi con người, dường như có sự diễn tả phong phú hơn. Họ thường chào nhau theo nhiều cách, tùy mỗi vùng miền văn hóa. Có nơi dùng cách bắt tay, hoặc ôm hôn, có nơi chào nhau bằng câu hỏi, hoặc đơn giản gật đầu. Chào dường như phổ biến và được xem trọng. Song những lời chào này cho ta những ý nghĩa gì, hay chỉ là những nghi thức bên ngoài? Hay điều gì có thể xem là bản chất của lời chào? Hay lời chào nói gì về con người?

Trước tiên, lời chào của con người dường như có nhiều điểm khác biệt so với loài vật. Việc chào và kiểu chào của loài kiến dường như cố định và thường hằng, được lặp đi lặp lại với mọi đối tượng. Song ở con người, sự diễn tả tuy phong phú nhưng có lẽ mang những phức tạp của nó. Sự cố định, thường hằng và lặp lại có khi không luôn luôn được đảm bảo. Con người có thể đi ngang qua nhau, có thể chào nhưng cũng có thể né tránh, có thể chào cách lịch sự nhưng cũng có thể chào cách khinh bỉ. Đôi khi thái độ né tránh và khinh bỉ này cũng được xem là điều bình thường.

Trong đời sống, chào dường như mang dáng dấp hay hình ảnh của một thực hành nghi lễ nào đó. Nho giáo hiểu điều này như nghi thức của Lễ.[1] Chữ Lễ ấy mang ý nghĩa thánh. Gốc của chữ này gần với lễ nghi thánh (holy ritual), hoặc cử hành thánh hiến (sacred ceremony). Lễ đại diện cho toàn bộ truyền thống và quy ước xã hội (social convention). Có một cái khuôn (pattern) được giả định để theo, nhờ đó con người được uốn nắn, trở thành một con người thực và tròn đầy. Mỗi người đều tham dự vào hiến lễ (sacrifice) với sự nghiêm túc và chân thành, với kỹ năng được tiếp thu và sự dấn thân, làm nên cái tinh thần trong lễ, làm nên sự hòa điệu các cử chỉ của hai bên. Chính mối hợp nhất giữa sự hiện diện cá vị với kỹ năng thực hành làm cho lễ có tính thánh. Trong lễ, sự đáp lễ trở nên tức thời (spontaneity) mà không đòi nỗ lực. Và sự hoàn hảo của nghi lễ thể hiện nét đẹp và thiêng liêng. Chẳng hạn, khi ra đường, ta thấy người khác, cười với họ, bắt tay họ, họ cũng tức thời bắt tay ta tự nhiên, cười với ta, đó được xem là sự hòa điệu, có nét đẹp trong đó.

Sự sống trong lễ được diễn tả như sự ‘hiện diện’ của chúng ta với nhau. Có cái sống động và sự diễn tả tức thời của hành động, kèm theo sự tôn trọng và tin tưởng trong đó, hoặc sự diễn tả sẽ theo kiểu vô hồn, hoặc đôi khi vô nghĩa. Lễ có một sức mạnh, nơi đó theo những phương pháp lễ nghi mà hành vi xã hội được hòa hợp trong xã hội văn minh. Sức mạnh này phụ thuộc trước tiên việc học, nó không bẩm sinh.

Lễ cũng mang ý nghĩa luân lý, những cử chỉ như bắt tay hay thỉnh cầu là đặc trưng của tương quan con người trong cái người nhất: ta ít giống cái gì khác trong thế giới nhất khi không xem người khác như những đối tượng vật lý, như những con vật hoặc ngay cả các thụ tạo dưới người để lèo lái, đe dọa, bắt buộc. Nghi lễ thánh có thể xem như một sự mở rộng được trau chuốt rõ ràng, mạnh mẽ, và sắc nét của sự giao thiệp văn minh hằng ngày.

Nho giáo cũng dùng nghi lễ thánh như một ẩn dụ về hiện hữu con người. Nó thống nhất và thấm vào không chỉ các khía cạnh đặc trưng, ngôn ngữ và khía cạnh ma lực (magic) của con người mà còn luân lý và tôn giáo của hiện hữu con người. Ẩn dụ này tập trung vào khía cạnh thánh trong hiện hữu con người. Lễ nghi đưa đến không chỉ sự hài hòa và vẻ đẹp của các hình thái xã hội (social form), tính cố kết và phẩm giá tối đa (ultimate dignity) của giao tế con người; nó cũng đem đến sự hoàn hảo luân lý tiềm ẩn trong việc đạt đến cùng đích của mỗi người bằng giao tế với người khác như những hữu thể cùng phẩm giá, như những người tự do cùng thông dự vào lễ. Hơn nữa, hành động theo nghi lễ là hoàn toàn mở ra với người khác; vì nghi lễ thì cộng đồng (public), được chia sẻ, trong suốt; nếu không, hành động sẽ trở nên kín đáo, mờ và quanh co, hay đơn thuần đòi buộc cách chuyên quyền. Chính trong sự tham dự đẹp, xứng hợp, chia sẻ và cởi mở với người khác mà con người nhận ra mình. Đời sống con người trong tính toàn thể của nó cuối cùng xuất hiện như một nghi lễ rộng lớn, tức thời và thánh thiện: cộng đồng của con người.

Như vậy, bản thân nghi lễ dường như không chỉ nằm ở nghi thức bề mặt theo khuôn, nó đòi sự dấn thân, mở ra, cùng tham dự, và chiều sâu của nó là con người.

Bên cạnh khía cạnh lễ nghi, chào dường như cũng nói lên sự đối diện giữa người chào và các đối tượng và ngược lại. Điều này được diễn tả trong suy tư của Levinas khi ông nhìn về khuôn mặt của tha nhân.[2] Đó là khuôn mặt của sự tự diễn tả mà tôi không thể quy giản thành ý niệm hay hình ảnh trong đầu. Điều này muốn nói đến tính vô hạn của tha nhân. Một khuôn mặt có sự hiện hiện sống động, nó là sự biểu đạt (expression). Khuôn mặt nói. Sự diễn tả của khuôn mặt đã là cuộc chuyện trò. Hiện diện bằng sự biểu đạt có nghĩa là nói. Đôi mắt phá bỏ tấm mạng che-ngôn ngữ của đôi mắt, bất khả che giấu. Đôi mắt không chiếu sáng; nó nói. Khuôn mặt mở cuộc trò chuyện nguyên thủy mà lời đầu tiên của nó là bắt buộc, vốn không ‘nội tâm (interioity)’ nào cho phép né tránh. Chính cuộc chuyện trò đó đòi buộc sự bước vào trò chuyện, sự khởi đầu của cuộc trò chuyện mà duy lý ngỏ lời, một ‘thúc đẩy’ vốn thuyết phục ngay cả ‘người không muốn nghe’ và vì vậy tìm thấy tính phổ quát thực của lý trí.

Lời chào cách nào đó mang ý nghĩa của cả hai suy tư trên đây. Lời chào như mang ý nghĩa nghi thức, tức những diễn đạt cử chỉ bên ngoài mang dáng dấp của một thực hành theo khuôn, nhưng có tính thánh, có tinh thần, sức sống, sự hòa điệu và cái hồn. Lễ rốt cuộc tạo thành cái chung của cộng đồng cùng chia sẻ lễ, hay cộng đồng con người tràn ngập lễ. Lời chào cũng mang ý nghĩa hiện diện, đó là sự hiện diện của tôi ở đây trước tha nhân, trước một khuôn mặt nói và mời gọi tôi bước vào tương quan. Hai khía cạnh lễ nghi và hiện diện này như bổ túc cho nhau, hay có thể nói hai chiều. Trong Nho giáo, lễ có phần như một thúc đẩy, dẫn đến một sự tập luyện nghiêng nhiều về tính tôn ti, cấp bậc. Lễ đòi hỏi tôi mở mình ra với người khác như những người cùng phẩm giá, cùng tham dự vào lễ, nhờ đó giúp nhận biết mình. Hoặc giao tế như có cái gì quan trọng để đạt mục đích, và dẫn đến văn minh. Thì đến Levinas, lời chào dường như mở rộng cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Vì nó phát xuất từ khuôn mặt tha nhân, tức lời mời gọi từ bên ngoài tôi, thúc đẩy tôi tôn trọng, yêu mến và đến với họ. Cái thúc đẩy của lễ nghi và khuôn mặt tha nhân như vậy dường như làm cho lời chào không còn chỉ ở bề mặt xã giao, mà thực sự đi vào trong ý nghĩa nào đó về nhân sinh.

Hành động hợp với lễ nghi và hợp với lời mời gọi có lẽ có điểm chung. Cả hai đều có chút gì đó bó buộc, vì lễ có nét lý tưởng, còn lời mời gọi hẳn cũng hàm chứa sự bó buộc. Sự bó buộc có lẽ nhắm đến sự hài hòa chung như đích đến. Hay nói cách khác, lời chào không còn phụ thuộc vào ý muốn của ta. Như vậy, việc chào ở loài kiến tạm gọi là thường hằng và cố định cũng cần được lặp lại ở con người. Hoặc những diễn đạt của sự né tránh hay khinh bỉ có lẽ đang nói đến một thực tại của sự bất hòa, của sự chưa hòa điệu, chưa hòa hợp. Tình trạng phân biệt chủng tộc, màu da, phân biệt giàu nghèo,…cách nào đó biểu hiện cho thực tại ấy. Sự hiện diện sống động qua khuôn mặt, qua đôi mắt nếu xét trong thực tại này có thể nói trở nên không còn ý nghĩa, không còn quan trọng nữa. Chúng cho thấy dường như có sự bất thường của cái nhìn nhân sinh. Điều này muốn nói đến nhu cầu của việc tái hợp, tái thiết cái bình thường.

Những người tôi đang gặp đây và sẽ gặp dường như đều muốn nói với tôi điều gì đó. Tôi sẽ chào với một sự xã giao đơn thuần, hoặc tránh né, hoặc chỉ nhìn bằng ánh mắt, vỗ vai, hay một câu hỏi. Hoặc đơn thuần chẳng có gì ràng buộc tôi phải chú tâm và chào họ. Điều này dường như cho thấy có những cấp độ khác nhau của lời chào, từ những hoàn cảnh không đòi hỏi tôi phải chào, đến cái đơn thuần xã giao, và cho đến sự biểu đạt mối tương quan mật thiết hơn. Các liên hệ càng thân thiết, lời chào dường như càng đơn giản hơn nhưng sâu sắc hơn, có thể gọi đó là những cái chào thân quen. Cũng có cấp độ của những lời chào cảm thông, liên đới, nên một. Khi đó, tôi đặt mình vào hoàn cảnh của người tôi chào và nên một với họ. Chào em bé, tôi nên một với em, chào người khiếm khuyết, tôi cũng nên một với họ.  Lời chào cũng đi từ sự hiện hữu đến lời chào của sự hiện diện ngay bên, vượt qua mọi rào cản để chạm đến trọn vẹn người kia với niềm tin tưởng, tôn trọng và yêu mến, cũng có cả sự hy sinh. Lời chào lúc ấy như mang ý nghĩa thánh hiến thực sự (sacred). Chào để tôi hiện diện với tha nhân và tha nhân hiện diện với tôi. Hiện diện chứ không chỉ hiện hữu, vì có khi hiện hữu có đó nhưng chưa là hiện diện, tha nhân còn đứng ngoài tôi, dù có thể đang mời gọi tôi. Đó có thể là một mối tương quan đang rạn nứt, hoặc một mối tương quan còn e dè. Lời chào lúc ấy có khi làm nên lời hòa giải, hoặc đưa đến một khởi đầu mở ra cho tôi nhiều hiểu biết hơn về tha nhân và bản thân. Như vậy, có thể việc tôi chào ai cần một bước tiến sâu hơn đến việc tôi đã thực sự chào họ thế nào. Lời chào như để tôi diễn tả chính mình và đón nhận tha nhân, chào với tâm hồn.

Cuối cùng, vì là lời mời gọi và hướng đến ổn định xã hội, lời chào như đòi hỏi có sự luyện tập lâu dài, cuộc luyện tập và thực hành luôn mãi trên con đường con người trở thành một hiện hữu tròn đầy, một hiện hữu đang trở thành, đang trên đường.

 

Tài liệu tham khảo

  • FINGARETTE, Herbert. Confucius- The Secular as Sacred (New York: Harper & Row, 1972)
  • LEVINAS, Emmanuel. Totality and Infinity, trans. Alphonso Lingis (London: Martinus Nijhoff Publishers, 1979)

[1] Herbert Fingarette, Confucius- The Secular as Sacred (New York: Harper & Row, 1972), tr.1-17

[2] Emmanuel Levinas, Totality and Infinity, trans. Alphonso Lingis (London: Martinus Nijhoff Publishers, 1979), các trang 55, 66, 201