Môn: Social Ethics
Giáo sư: Phạm Văn Ái, SJ.
Học viên: Nguyễn Khánh Duy, SJ.
Di cư và tị nạn là một trong những vấn đề lớn của thời đại, đặc biệt, tại các quốc gia hồi giáo cực đoan như Syria. Vấn đề này từ lâu cũng là mối bận tâm của Giáo hội. Nhiều giáo huấn Giáo hội cho thấy việc đứng về phía những người di dân và tị nạn phản ánh chính chọn lựa căn bản của Giáo hội là ưu tiên dành cho người nghèo. Chọn lựa đứng về phía họ chính là chọn lựa của Tin Mừng. Bài viết này tìm hiểu vấn nạn di dân dưới ánh sáng giáo huấn Giáo hội. Tác giả trở về với Kinh Thánh để tìm lại nền tảng thần học của di dân; từ đó trả lời cho vấn nạn vì sao Giáo hội đứng về họ; và cuối cùng, đề nghị một vài giải pháp cho vấn nạn di dân đang bủng phát ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở Âu Châu.
I. Dẫn nhập.
Di cư không phải là hiện tượng mới mẻ đối với con người. Lịch sử của nhân loại đã chứng kiến những cuộc di cư có từ rất sớm[1]. Hiện tượng di cư theo nghĩa nào đó được ví như một thứ “động cơ” làm dịch chuyển lịch sử nhân loại. Những biên cương mới về địa lý được vẽ lại, những vùng đất mới được khám phá, những câu chuyện mới được viết nên[2]. Di cư luôn là một hiện tượng như bao hiện tượng khác vẫn có trong xã hội con người. Nhưng ngày hôm nay, di cư trở nên vấn đề cấp bách. Cuộc khủng hoảng di dân hiện nay tại Châu Âu đã cho thấy sự cấp bách này. Trước tình hình ấy, Giáo Hội đã không đứng ở ngoài. Từ trước đó rất lâu, ngày thế giới về di dân và tị nạn đã được thiết lập và cho đến nay đã là lần thứ 101. Cùng với đó là nhiều những thông điệp của các Đức Giáo Hoàng về di dân đã cho thấy sự quan tâm của Giáo Hội. Bài viết sau đây đưa ra những phản tỉnh thần học cho thấy tại sao Giáo hội luôn chọn lựa đứng về phía những người di dân. Dựa theo mô hình see-judge-act, bài viết gồm 3 phần. Đầu tiên là khái quát về bối cảnh di dân, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tị nạn ở Châu Âu hiện nay. Tiếp đến là những phản tỉnh thần học về vấn nạn này dưới ánh sáng của Kinh Thánh và những giáo huấn của Giáo Hội. Cuối cùng là một số đề nghị, vừa mang tính chính trị vừa mang tính mục vụ, cho vấn nạn di dân cách cụ thể trong bối cảnh của làn sóng di dân từ Syria và một số nước Trung Đông tìm đường vượt biển sang Châu Âu.
II. Di cư trong bối cảnh hiện nay.
Di cư là đi ra khỏi quê hương của mình để đến sinh sống một nơi khác, tại một vùng đất mới. Có nhiều lý do dẫn tới việc di cư. Có thể vì chiến tranh, vì kinh tế, vì thiên tai hay biến đổi khí hậu, vì chính trị hoặc tôn giáo. Ngày nay, nói đến di cư, người ta không thể không nói đến vấn đề toàn cầu hóa, đây cũng là một lý do thúc đẩy sự gia tăng việc di cư trên khắp thế giới. Nói cho cùng, lý do của di cư chính là để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Có thể phân chia di cư thành các loại như sau. Nếu dựa vào sự tự do, thì có di cư ép buộc như nhiều người buộc phải rời bỏ chỗ ở của mình vì chiến tranh hoặc thiên tai và di cư tự nguyện như những người đã chọn đến nơi này hay nơi kia để làm việc hay đoàn tụ gia đình. Nếu dựa theo phạm vi địa lý, thì có di cư quốc nội và di cư quốc tế. Người di cư trong trường hợp phải chạy trốn ra nước ngoài để thoát cảnh hiểm nguy, ngược đãi, hoặc bắt bớ bởi một quyền lực ở nước mình còn được gọi là người tỵ nạn[3]. Theo thống kê con số người tị nạn hiện nay là khoảng 51,2 triệu người.[4]
Càng ngày càng có nhiều người di cư. Riêng di cư quốc tế, theo thống kê của tổ chức di trú quốc tế, từ số lượng 154 triệu người vào năm 1990 đã tăng lên 175 triệu vào năm 2000. Đến năm 2013 có khoảng 232 triệu người di cư trên khắp thế giới. Số lượng người di cư chiếm 3,2% dân số thế giới, có nghĩa rằng cứ 31 người thì có 1 người di cư.[5] Còn di cư quốc nội, tức chỉ di cư ở trong quốc gia mình sinh sống, theo ước tính có khoảng 763 triệu người, tức cứ 7 người thì có một người di cư[6].
Theo thống kê năm 2013, đã có 435.000 người xin tị nạn ở Châu Âu, trong đó nhóm người xin tị nạn đông nhất đến từ Syria với 50.470 người.[7] Trong khi đó, cũng tại quốc gia này trong bảy tháng đầu năm 2015, đã có 126.232 người xin tị nạn tại châu Âu. Ngoài Syria[8], một số lượng lớn người tị nạn đến từ Afghanistan, Iraq, Albania, Eritrea, và Pakistan. Trong những tháng vừa qua, cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu luôn là chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông. Cho đến nay đã có 760.979 người dân các nước Trung Đông như Syria, Iraq,… liều chết vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu, trong đó con số chết hoặc mất tích là 3.406 người[9].
Người di dân và tị nạn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Trên đường đi đến quốc gia nhập cư, họ có thể bị lợi dụng để làm tiền, bị chèn ép và bóc lột bởi những nhóm buôn người qua Châu Âu. Có nhiều người đã chọn hành trình đi đến Thổ Nhĩ Kỳ, rồi từ đó vượt biển khoảng 7 km đến Hy Lạp, nhưng chỉ với khoảng cách ngắn ngủi này mà người di dân và tị nạn phải trả đến 1200 USD[10]. Trong khi đó, họ phải đi trên những phương tiện quá tải hay phải vượt biển trên những con thuyền mong manh với nhiều nỗi nguy hiểm chờ chực họ. Nhiều những thương lái đưa người vượt biển chỉ tìm cách moi tiền, vô trách nhiệm, và bỏ mặc người xin tị nạn giữa đường hoặc trong cơn hoạn nạn như trường hợp cậu bé 3 tuổi Aylan Kurdi bị chết đuối dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ[11].
Tại các trại ty nạn, nhiều người di dân và tị nạn phải sống trong những nơi không xứng với phẩm giá con người. Riêng tại Li-băng, một nước nghèo mà cũng có đến 1 triệu người tị nạn Syria, tức cứ 4 người dân thì có 1 người tị nạn Syria. Đã có ít nhất 40% số người tị nạn Li băng phải sống trong điều kiện hết sức tồi tệ mà quyền con người không được bảo đảm. Họ phải sống trong những nơi tồi tàn, không có đủ các phương tiện sinh hoạt tối thiểu[12]. Tại các nước trung chuyển hay nhập cư, nhiều người di dân và tị nạn bị đối xử tệ bạc, họ trở thành đối tượng của nạn kỳ thị chủng tộc, bị gạt ra bên lề xã hội, bị coi như là một trong những nguồn gốc gây nên bất ổn trong xã hội.
III. Phản tỉnh thần học dựa trên Thánh Kinh và giáo huấn Giáo Hội.
Trước vấn nạn di cư, Giáo hội luôn chọn đứng về phía những người di dân và bảo vệ quyền lợi của họ. Tại sao? Bởi vì chọn lựa này đã được nói nói đến trong Kinh Thánh. Thật vậy, nơi mạc khải Kinh Thánh, những người khách lạ, những khách ngoại kiều…mà ngày hôm này là những người di dân, người tị nạn, người nhập cư…là những đối tượng cần phải yêu thương chăm sóc. Xác tín này có được là do phẩm giá con người, nói khác đi là con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Xác tín này cũng có được vì nơi biến có nhập thể, Đức Kitô đã làm người, đã “di cư” đến với con người, đã trải qua kinh nghiệm của di dân để cứu chuộc con người. Và Giáo hội đã và đang diễn tả chọn lựa ấy trong các giáo huấn của của mình.
- Kinh Thánh: người di dân được yêu thương chăm sóc.
Cả lịch sử cứu độ có thể nói là Cựu Ước cho thấy dân Israel đã từng trải qua kinh nghiệm của những người di dân như thời gian sống tại Ai-cập, biến cố xuất hành, và hành trình 40 năm trong sa mạc… Có lẽ trong trong chính kinh nghiệm di cư, phải sống tha hương nơi đất khách quê người, họ đã cảm thấy Thiên Chúa yêu thương chăm sóc cho họ, nên việc phải yêu thương những khách ngoại kiều và di dân đã trở thành giới luật của người Do Thái[13]. Tân Ước qua thánh sử Matthew đã vẽ nên chân dung của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse như là những người di dân, hay đúng hơn là người tị nạn. Trước sự đe dọa của Hêrôđê muốn lùng giết tất cả trẻ em dưới 2 tuổi, các ngài đã phải lánh nạn tại Ai cập. Tiếp đến trong chương 25, thánh sử còn cho thấy Đức Giêsu hiện thân ở nơi những người nghèo đói, khách lạ… (x. Mt 25, 35) Khi giúp đỡ những người này là giúp đỡ cho chính Đức Giêsu. Có thể nói, Thánh Kinh cho thấy xác tín rằng những người di dân được Thiên Chúa yêu thương, quan phòng và che chở. Thực vậy, con người, cách riêng những người di dân và tị nạn, họ được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
- Con người: mang hình ảnh Thiên Chúa.
Chân lý căn bản này được nói đến nhiều trong Kinh Thánh. Con người dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1:26-27, 5:1-3, 1 Cor 11:7, Gb 3:9). Không phải theo hình ảnh nào khác mà là hình ảnh Thiên Chúa. Ngay từ khởi đầu của hiện hữu, con người đã có một sự liên hệ sâu xa với Thiên Chúa[14]. Chính nguồn gốc thánh thiêng này là nền tảng để hiểu về phẩm giá con người cũng như những quyền căn bản của con người. Do đó, con người cần được nhìn nhận trong trật tự thánh thiêng, trong mối tương quan gần gũi với Thiên Chúa, chứ không nhìn theo những mô hình xã hội-chính trị mà trong đó con người có thể bị xem như những vấn đề cần phải giải quyết hay bị xem như những nguy cơ gây bất ổn cho xã hội[15]. Não trạng coi những người di dân và tị nạn, đặc biệt những người nhập cư bất hợp pháp, như những gánh nặng cho xã hội vẫn còn thấy ở nhiều nơi[16]. Nếu đưa ra định nghĩa những người di dân và tị nạn, trên hết và trước hết, họ chính là những con người mang hình ảnh Thiên Chúa, là những con người với trọn vẹn phẩm giá của một ngôi vị, không phải như cái gì đó mà một ai đó[17], nhưng không phải như một ai đó xa lạ mà như anh chị em đồng loại bất kể những khác biệt màu da, chủng tộc và ngôn ngữ. Thật vậy, con người không chỉ được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng còn được liên đới cách sâu xa với Đức Kitô, Đấng đã trở nên như những người “di dân” qua biến cố nhập thể.
- Đức Kitô: trở nên người “di dân”.
Con Thiên Chúa đã rời bỏ thế giới thần linh của mình mà đến với thế giới con người để trở nên như con người và cứu độ con người. Karl Barth đã miêu tả biến cố nhập thể như: “the way of Son of God into the far country.”[18] Nhập thể như là hành trình của Ngôi Lời Thiên Chúa đi vào “vùng xa xôi, hẻo lánh;” cách nào đó như là hành trình “di cư.” Theo nghĩa đó, Con Thiên Chúa đã mang lấy thân phận của những người “di dân và tị nạn” khi chấp nhận đến với một thế giới mới – thế giới con người để làm cho phận người trở nên có ý nghĩa và giá trị. Quả vậy, nơi Đức Kitô, con Thiên Chúa đã vượt qua biên cương giữa thần linh với con người, giữa những siêu việt, tuyệt đối và linh thánh với những gì hữu hạn, mong manh và tội lỗi[19]. Đúng hơn, Đức Kitô đã phá vỡ biên cương ngăn cách con người với Thiên Chúa. Nếu hình ảnh Thiên Chúa nơi con người bị “nhơ bẩn” bởi tội nguyên tổ, thì nơi biến cố nhập thể và cứu chuộc của Đức Kitô đã được khôi phục và trở nên hoàn hảo.
Tin Mừng Matthew còn cho thấy rằng chính Con Thiên Chúa đã không chỉ “di cư” đến trần gian qua biến cố nhập thể, nhưng chính Ngài còn thực sự trải qua kinh nghiệm của những người ti nạn khi phải cùng Đức Maria và Thánh Giuse đi lánh nạn ở Ai Cập trước sự lùng bắt của vua Hêrôđê. Nếu những kinh nghiệm hốt hoảng và sợ hãi, lo âu và mệt mỏi…của những người tị nạn ngày nay khi vượt biển tìm đường đến Châu Âu, thì chính Đức Giêsu ngày xưa đã từng nếm trải. Có khác chăng, đó là Ngài vượt qua những sa mạc để đến Ai-cập ngày xưa thay vì vượt biển như những người dân tị nạn Syria và Trung Đông ngày nay. Đức Kitô đã trải qua kinh nghiệm của những người di dân để trở nên khuôn mẫu lý tưởng cho họ. Ngài lấy kinh nghiệm con người, đặc biệt đã trở nên như những di dân cho thấy Thiên Chúa không ngừng yêu thương và luôn đứng về phía họ. Đây cũng là chính chọn lựa của Giáo Hội ngày hôm nay.
- Giáo hội: chọn lựa đứng về phía người di dân.
Thực vậy, Giáo Hội luôn đề cao phẩm giá con người. Phẩm giá ấy là thánh thiêng, bất chấp những biến đổi tôn giáo, sắc tộc, xã hội hoặc văn hoá, có hay không có quốc tịch…Khởi đi từ phẩm giá cao quý của ơn gọi làm người mà mới có những quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền di cư. Đức Piô XII khẳng định trong Exsul Familia rằng người di dân có quyền được sống xứng đáng với phẩm giá của mình. Họ có quyền di cư đến nơi nào đó để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đức Gioan XXIII còn thêm rằng họ không chỉ có quyền tự do di cư nhưng còn có quyền không di cư, tức là quyền ở lại quê nhà. “Mỗi con người có quyền tự do di chuyển và định cư ở trong đất nước của họ; và khi có lý do chính đáng, họ có quyền di chuyển và định cư ở một nơi nào đó khác” để bảo đảm cuộc sống của họ[20]. Con người có quyền di cư[21] cũng như có quyền không di cư. Họ có tự do định cư bất cứ nơi nào mà họ xét thấy là tốt nhất để hiện thực những khả năng, khát vọng và hoạch định của họ. Nói như thế không có nghĩa là Giáo Hội phủ nhận việc mỗi quốc gia không có quyền đặt quy định đối với những người di dân. Các quốc gia có tự do đưa ra những chính sách về di dân của riêng mình, có quyền làm chủ đường biên giới của họ[22], nhưng phải được công ích chi phối[23]. Nói khác đi, những chính sách ấy phải bảo đảm tôn trọng phẩm giá con người.
Giáo hội không ngừng kêu gọi sự liên đới với người di dân và tị nạn. Giáo hội xem thế giới như một gia đình nhân loại duy nhất, thế giới là một gia đình anh chị em duy nhất, mà nơi đó mọi người có trách nhiệm và liên đới với nhau. Sự liên đới là điều quan trọng đối với vận mệnh của thế giới. Tình liên đới nhân loại đem lại lợi ích cho chúng ta, đồng thời đây cũng chính là bổn phận[24]. Ngày nay, “việc thiếu tình huynh đệ giữa những con người và giữa các dân tộc là nguyên nhân sâu xa của việc chậm phát triển”[25]. Nói cách khác, việc thiếu sự liên đới trong tình huynh đệ đã làm xấu đi vấn nạn di dân. Do vậy, Giáo hội đã không ngừng mời gọi thay đổi quan điểm về những di dân và người tị nạn, cần vượt qua một thái độ phòng vệ và sợ hãi, dửng dưng hay loại trừ để đi đến một nền văn hóa gặp gỡ và chia sẻ. Đó là văn hóa duy nhất có khả năng kiến tạo một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, một thế giới tốt đẹp hơn.[26]
VI. Những đề nghị cụ thể.
Về chính trị. Những dòng người tị nạn tràn vào châu Âu đang tạo nên một thánh đố lớn. Đây không phải là thách đố riêng của một quốc gia nào đó, nhưng là thách đố chung của toàn Châu Âu. Vì là thách đố chung nên cần phải có trách nhiệm chung. Các quốc gia Châu Âu cần có sự hợp tác và chia sẻ, cùng chung tay để vượt qua thách đố này. Đáng tiếc khi có một số quốc gia thoái thác trách nhiệm, nhưng cũng có những quốc gia rất quảng đại và sẵn sàng mở rộng vòng tay đối với người tị nạn như nước Đức.
Liên minh Châu Âu cần xem xét và sửa đổi điều luật Dublin[27]. Đó là đưa ra các hạn ngạch về số lượng người có thể xin tị nạn cao hơn cho các nước thành viên dựa trên thu nhập bình quân, tỉ lệ thất nghiệp, dân số…vv cũng như kêu gọi các nước khác góp tay giải quyết cơn khủng hoảng, trong đó có các nước phát triển ở phía Đông như Úc, New Zealand, và các nước châu Á khác, đặc biệt là các nước Hồi giáo như Brunei và Malaysia. Một giải pháp toàn cầu giúp giải quyết tận căn gốc rễ của một trong những nguyên nhân dẫn đến di dân và tị nạn là giúp chấm dứt chiến tranh và ổn định chính trị tại Syria cũng như một số nước trên thế giới.
Về mục vụ. Những ai được trao sứ mạng giảng dạy trong Giáo hội cần cố gắng mở rộng kiến thức và hiểu biết về di dân cũng như xem xét các chiều kích thần học và mục vụ về di dân trong chương trình đào tạo linh mục, tu sĩ và tu sĩ. Bên cạnh đó, giúp thay đổi nhận thức của người giáo dân qua việc học hỏi giáo huấn xã hội của giáo hội, đặc biệt về vấn đề di cư và tị nạn, nhằm tránh thái độ dửng dưng, thờ ơ và kỳ thị với người, là điều cần thiết.
Các giáo xứ cũng như giáo phận cần thể hiện sự liên đới với những người di dân và tị nạn, không chỉ là chăm sóc mục vụ, nhưng còn qua việc lên tiếng nói thay cho họ, giúp thực phẩm, nơi ở, chăm sóc y tế và trợ giúp pháp luật đối với những người di dân và tị nạn bất kể tình trạng của họ như thế nào. Một cách cụ thể đối với làn sóng di dân vào Châu Âu hiện nay, các gia đình công giáo trong điều kiện có thể hãy đón nhận những người di dân và tị nạn vào tạm sống trong nhà của mình cũng như giúp đỡ họ bao nhiêu có thể. Bên cạnh những chương trình mục vụ di dân của từng giáo phận và giáo xứ, cần có sự cộng tác nhiều hơn giữa các tổ chức này để có hiệu quả lớn hơn.
Kết luận.
Giáo hội chọn lựa đứng về những người di dân và tị nạn phản ánh chọn lựa căn bản của Giáo hội là ưu tiên cho người nghèo. Có nhiều nguyên nhân đưa đến di dân và tị nạn, có thể do nghèo đói, chiến tranh…nhưng họ đều là những người nghèo theo nghĩa họ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, bị bỏ rơi, bị coi như người xa lạ ở bên lề xã hội. Chọn lựa đứng về phía họ chính là chọn lựa của Tin Mừng. Ai cũng có thể là người thân cận của tôi, khi Chúa đặt tôi trước sự hoạn nạn cũng như hoàn cảnh khó khăn của họ, và Chúa cho tôi có đủ điều kiện để giúp đỡ họ. Tuy nhiên chọn lựa này đã gặp không ít khó khăn đến từ căn bệnh vô cảm của thời đại. Căn bệnh ấy làm cho người ta chỉ biết sống ích kỷ cho bản thân mình đến độ không còn quan tâm đến người khác. ĐTC Phanxicô đã cảnh báo nguy cơ của căn bệnh này khi nói: “dửng dưng và im lặng đối với thảm cảnh người di dân và tị nạn là mở đường cho sự đồng lõa, khi chúng ta chứng kiến như khán giả cái chết vì ngộp thở, vì kiệt lực, bạo lực và đắm tàu”[28].
Quả vậy, chọn lựa đứng là về phía người di dân và tị nạn là chấp nhận một mối nguy cơ nào đó. Lẫn trong dòng người tị nạn có thể có những phần từ khủng bố IS. Đây là lý do tại sao một số nước vẫn còn chưa sẵn sàng mở cửa với người tị nạn, họ sợ những phần tử ấy có thể gây họa cho nước họ sau này[29]. Trong thời đại vốn đã đầy những thứ không chắc chắn và thiếu an toàn, lại phải chấp nhận thêm những nguy cơ nào đó khi chọn lựa đứng về phía những người nghèo, những người di dân, những người tị nạn. Nhưng điều đó đáng để suy nghĩ và chọn lựa. Bước theo Đức Kitô luôn mời gọi người ta phải chấp nhận những nguy cơ hay rủi ro nào đó, phải liều mất mạng sống vì Thầy và tha nhân. Những “ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được.” (Mt 10:39)
Thư mục tham khảo
- Pacem in Terris.
- Gaudium et Spes.
- Caritas in Veritate.
- Populorum progressio.
- Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân ngày thế giới di dân và tị nạn 2016.
- Sứ điệp của Đức Benedicto XVI nhân ngày thế giới di dân và di cư năm 2012.
- Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Nxb Tôn Giáo. 2007.
- Barth, Karl. The Doctrine of Reconciliation: Church Dogmatics. trans. G. W. Bromiley, ed. G. W. Bromiley and T. F. Torrance. New York. 2004.
- Groody, Daniel G., C.S.C. Crossing The Divine: Foundation of A Theology of Migration and Refugees. Theological Studies 70(2009).
- Cruz, Gemma Tulud. Toward an Ethics of Risk: Catholic Social Teaching and Immigration Reform. Studies in Christian Ethics 24(3).
- Strangers no longer: Together on the journey of hope. A pastoral letter concerning migration from the Catholic Bishops of Mexico and the United States. 2003.
- Smugger’s Gove. Time Magazine (October 19, 2015).
- History of human migration. https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_human_migration.
- IDMC – At a glance – Global Overview 2014: People Internally Displaced By Conflict And Violence and Blog Post. http://www.internal-displacement.org/assets/library/Media/201405-globalOverview-2014/8.-GO-2014-At-a-Glance-Final-Eng.pdfvà http://www.internal-displacement.org/blog/2014/a-record-333-million-displaced-by-conflict-and-violence-worldwide-with-nigeria-in-the-top-5-countries-most-affected.
- United Nations Department of Economic and Social Affairs (UN DESA) – Trends in International Migrants Stock: The 2013 Revision (United Nations database, POP/DB/MIG/Stock/Rev.2013, Table 1).
- Refugees welcome? How UK and Germany compare on migration. http://www.theguardian.com/world/2015/sep/02/refugees-welcome-uk-germany-compare-migration.
- Eurostat – Data in Focus 3/2014. http://epp.eurostat.ec.europa.eu/cache/ITY_OFFPUB/KS-QA-14-003/EN/KS-QA-14-003-EN.PDF.
- Missing Migrants Project, Mediterranean Update 03 November 2015. http://www.iom.int/infographics/missing-migrants-project-mediterranean-update-03-november-2015.
19. Migrant crisis: The truth about the boy on the beach Aylan Kurdi. http://www.express.co.uk/comment/expresscomment/604590/Migrant-crisis-the-truth-about-the-boy-the-beach-Aylan-Kurdi.
- Destitute Syrian refugees in Jordan and Lebanon may return to warzone. http://www.theguardian.com/global-development/2015/sep/11/destitute-syrian-refugees-jordan-lebanon-may-return-to-warzone.
- United Nations Department of Economic and Social Affairs (UN DESA) – Technical Paper No. 2013/1 – Cross-national Comparisons Of Internal Migration: An Update On Global Patterns And Trends. http://www.un.org/en/development/desa/population/publications/pdf/technical/TP2013-1.pdf.
- Brown, Aaron. ‘Just wait…’ Islamic State reveals it has smuggled thousands of extremists into Europe. http://www.express.co.uk/news/world/555434/Islamic-State-ISIS-Smuggler-THOUSANDS-Extremists-into-Europe-Refugees.
[1] History of human migration, từ https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_human_migration/.
[2] Gemma Tulud Cruz, Toward an Ethics of Risk: Catholic Social Teaching and Immigration Reform, Studies in Christian Ethics 24(3) p. 294-310, trang 294.
[3] Từ di dân ám chỉ chung đến những người sống kinh nghiệm di cư. Trong bài viết này, người viết muốn nhắm đến những ai bị buộc phải rời chỗ sinh sống của mình, phải đi tị nạn vì chiến tranh, nghèo đói, thiên tai…Vì vậy, người viết thường sử dụng cụm từ di dân và tị nạn.
[4] IDMC – At a glance – Global Overview 2014: People Internally Displaced By Conflict And Violence and Blog Post, từ http://www.internal-displacement.org/assets/library/Media/201405-globalOverview-2014/8.-GO-2014-At-a-Glance-Final-Eng.pdf và http://www.internal-displacement.org/blog/2014/a-record-333-million-displaced-by-conflict-and-violence-worldwide-with-nigeria-in-the-top-5-countries-most-affected, truy cập ngày 4/11/2015.
[5] United Nations Department of Economic and Social Affairs (UN DESA) – Trends in International Migrants Stock: The 2013 Revision (United Nations database, POP/DB/MIG/Stock/Rev.2013, Table 1), truy cập ngày 4/11/2015.
[6] United Nations Department of Economic and Social Affairs (UN DESA) – Technical Paper No. 2013/1 – Cross-national Comparisons Of Internal Migration: An Update On Global Patterns And Trends , từ http://www.un.org/en/development/desa/population/publications/pdf/technical/TP2013-1.pdf, truy cập ngày 4/11/2015.
[7] Eurostat – Data in Focus 3/2014, từ http://epp.eurostat.ec.europa.eu/cache/ITY_OFFPUB/KS-QA-14-003/EN/KS-QA-14-003-EN.PDF.
[8] cuộc nội chiến 2011 giữa quân chính phủ và phe nổi dậy cũng như sự đàn áp của nước Hồi giáo tự xưng ISS đã đẩy người dân đến việc phải trốn chạy. Có đến khoảng một nửa dân Syria đã phải bỏ quê hương vì cuộc chiến. Trung bình cứ 60 giây thì có một gia đình Syria phải di tản vì nội chiến. Số người tị nạn nhanh chóng lên đến 2.5 triệu người vào năm 2013, và cho đến nay là khoảng 4 triệu người. Không phải ai cũng có điều kiện để vượt biển sang châu Âu, đã có nhiều người trong số họ, phải đến những trại tạm cư ở các nước láng giềng như Li-Băng, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.
[9] Missing migrants project, mediterranean update 3 november 2015, http://www.iom.int/infographics/missing-migrants-project-mediterranean-update-03-november-2015, truy cập ngày 4/11/2015/
[10] Smugger’s Gove, Time Magazine, October 19, 2015, p. 52.
[11] Migrant crisis: The truth about the boy on the beach Aylan Kurdi, http://www.express.co.uk/comment/expresscomment/604590/Migrant-crisis-the-truth-about-the-boy-the-beach-Aylan-Kurdi, ngày 4/11/2015.
[12] Destitute Syrian refugees in Jordan and Lebanon may return to warzone, http://www.theguardian.com/global-development/2015/sep/11/destitute-syrian-refugees-jordan-lebanon-may-return-to-warzone, truy cập 4/11/2015.
[13] “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, là Thần các thần, là Chúa các chúa, là Thiên Chúa vĩ đại, dũng mãnh, khả uý, là Đấng không thiên vị ai và không nhận quà hối lộ,18 là Đấng xử công minh cho cô nhi quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn áo mặc.19 Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai-cập.” (Đệ nhị luật, 10:18-19)
[14] Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo, nxb Tôn Giáo, 2007, số 109.
[15] Daniel G. Groody, C.S.C, Crossing The Divine: Foundation of A Theology of Migration and Refugees, Theological Studies 70(2009), tr. 645.
[16] Refugees welcome? How UK and Germany compare on migration, từ http://www.theguardian.com/world/2015/sep/02/refugees-welcome-uk-germany-compare-migration, ngày 4/11/2015.
[17] Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo, số 108.
[18] Karl Barth, the Doctrine of Reconciliation: Church Dogmatics, trans. G. W. Bromiley, ed. G. W. Bromiley and T. F. Torrance, New York, 2004, 157-210.
[19] Daniel G. Groody, C.S.C, tr. 649.
[20] Pacem in Terris, 25.
[21]Gaudium et Spes, 65.
[22] Strangers no longer: Together on the journey of hope, a pastoral letter concerning migration from the Catholic Bishops of Mexico and the United States, 2003, số 36.
[23] Gaudium et Spes, 26.
[24] Caritas in Veritate, số 43
[25] Populorum progressio, số 66.
[26] Sứ điệp của Đức Benedicto XVI nhân ngày thế giới di dân và di cư năm 2012, từ http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/SuDiep/DiDan/SuDiepDiDan2012.htm, truy cập ngày 8/11/2015.
[27] Điều luật này yêu cầu người xin tị nạn (asylum seekers) phải đăng ký tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân đến, và quốc gia này sẽ chịu trách nhiệm xem xét giải quyết yêu cầu xin tị nạn. Điều luật Dublin thực tế không công bằng, vì các nước ven biển và tiếp giáp với các quốc gia đang gặp chiến tranh như Ý, Hy Lạp sẽ phải tiếp nhận một lượng người xin tị nạn lớn hơn nhiều so với các nước sâu trong địa phận châu Âu. Đức và Phần Lan đã quyết định vô hiệu hoá điều luật Dublin và tiếp nhận tất cả các đơn xin tị nạn với cam kết không gửi trả họ về quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân đến. Xem thêm tại: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/09/150905_migrants_crisis_explained.
[28]Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân ngày thế giới di dân và tị nạn 2016, từ http://vi.radiovaticana.va/news/2015/10/01/sứ_điệp_đức_thánh_cha_ngày_thế_giới_di_dân_và_di_di_cư_2016/1176046, truy cập ngày 8/11/2015.
[29] Aaron Brown, ‘Just wait…’ Islamic State reveals it has smuggled thousands of extremists into Europe, từ http://www.express.co.uk/news/world/555434/Islamic-State-ISIS-Smuggler-THOUSANDS-Extremists-into-Europe-Refugees, truy cập ngày 8/11/2015.