Môn học: Triết học Đạo Đức
Giáo sư: Vũ Uyên Thi, S.J.
Học viên: Phạm Quang Khanh, S.J.
Tôi tự ra luật cho chính mình, chứ không phải người khác ra luật cho tôi. Luật tôi đặt ra cho mình phải được áp dụng một cách phổ quát. Tức là, tôi làm điều gì thì điều đó sẽ trở thành mẫu để mọi người làm theo. Đó là những điều có thể nói về khái niệm tự trị tính (Autonomy) của Immanuel Kant. Vậy, một cách cụ thể, tự trị tính là gì? Và tự trị tính nên được hiểu như thế nào?
Dẫn nhập
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, con người dường như trở nên “máy móc” và khó lường hơn. Lối sống thờ ơ vô cảm đã làm chủ không ít người. Thậm chí, nhiều người hoang mang không biết phải sống thế nào. Bởi lẽ, chính những người lập pháp và hành pháp đôi khi cũng lừa dối họ. Vì thế, hơn lúc nào hết, câu hỏi “làm thế nào để sống tốt?” cần được đặt ra và xem xét một cách kỹ càng. Bài viết này là một nỗ lực đi tìm câu trả lời qua việc tìm hiểu khái niệm “tự trị tính” trong đạo đức học của Immanuel Kant.
- Tại sao Kant đặt ra vấn đề tự trị
Thực ra, ngay từ thời cổ đại, Aristotle đã bàn tới đời sống tốt, đời sống hạnh phúc của con người qua đường đức hạnh. Ông đưa ra các nguyên tắc cho hành động của con người, trong đó có sự trung dung, hay có thể gọi là “phương kế hành động ôn hòa.”[1] Nhưng Kant chưa thỏa mãn với nguyên tắc trung dung ấy. Bởi lẽ theo Kant, làm sao có thể biết được ở mức độ nào là trung dung và mức độ nào là không. Chẳng hạn, giữa tính keo kiệt và phóng khoáng, ta biết dừng lại ở mức độ nào cho hợp lý. Hơn thế, con người vừa có lý trí lại vừa có đam mê, nên lý trí cũng dễ bị đam mê “dắt mũi” để hùa theo những sở thích của đam mê và lòng yêu mình. Như vậy, lý trí chưa có một nguyên tắc hành động cho riêng mình. Chính ở điểm này mà Kant, vốn nổi tiếng với “đặc sản” tiên thiên tổng hợp không hề phụ thuộc kinh nghiệm, đã đi tìm một nguyên tắc đạo đức độc lập không hề phụ thuộc bất cứ thứ gì. Nguyên tắc đó chính là tự trị – một trong ba công thức phát biểu của mệnh lệnh tuyệt đối.
- Tự trị tính trong đạo đức học của Kant
Để hiểu được tự trị tính, thiết tưởng cần đặt nó trong bối cảnh các mệnh lệnh của Kant. Ông cho rằng có hai loại mệnh lệnh: “tương đối” và tuyệt đối. Tương đối được hiểu theo nghĩa là phương tiện để đạt tới một điều mong muốn khác, một mục đích khác. Chẳng hạn, nếu tôi muốn chơi đá banh giỏi, thì tôi phải thường xuyên ra sân tập luyện. Những mệnh lệnh dạng này không có tính bắt buộc triệt để, vì nếu tôi không muốn thì tôi đâu nhất thiết phải làm. Tuy nhiên, mệnh lệnh tuyệt đối thì khác, vì “nó áp dụng cho mọi người và sai khiến làm một hành động được cho là cần thiết do chính nó chứ không phải vì một mục đích nào khác, nghĩa là nó cần thiết một cách khách quan.”[2] Mệnh lệnh tuyệt đối được Kant phát biểu dưới dạng ba công thức.
Ở công thức thứ nhất, công thức quy luật phổ quát, ông viết: “Hãy chỉ hành động theo phương châm mà qua đó bạn có thể đồng thời muốn nó trở thành một quy luật phổ quát.”[3] Tức là, nếu tôi làm một hành động A, thì hành động ấy phải trở thành một luật phổ quát. Vậy, làm thế nào để biết được hành động A’ là không thể phổ quát? Kant dựa vào tính mâu thuẫn để trả lời cho câu hỏi này. Hành động A’ sẽ không được phổ quát hóa, nếu nó mâu thuẫn nội tại. Chẳng hạn, nếu hành động thất hứa của tôi được phổ quát hóa, tức là mọi người đều thất hứa, thì sẽ chẳng còn ai tin tưởng vào ai. Như thế, hành động thất hứa không thể được phổ quát. Vấn đề được đặt ra là tại sao lại không được mâu thuẫn?
Kant trả lời qua công thức thứ hai, công thức xem con người là mục đích: “Hãy hành động theo cách mà bạn đối xử với con người, dù là nơi chính con người bạn hay nơi người khác, luôn luôn đồng thời như là một mục đích tự tại, chứ không bao giờ chỉ như là phương tiện.”[4] Đối với Kant, con người là tuyệt đối vì con người chứa đựng lý trí. Con người tồn tại như một mục đích tự tại. Vì lý do đó, nguyên tắc thứ hai được xem như là nền cho mệnh lệnh tuyệt đối.
Từ hai công thức trên, Kant đưa ra công thức thứ ba, công thức về tính tự trị. Đây được xem là công thức bao hàm nhất khi phát biểu về mệnh lệnh tuyệt đối. Kant viết như sau: “Tự trị tính của ý chí là một đặc tính trở thành luật cho chính mình, hoàn toàn độc lập khỏi bất kỳ đặc tính nào của những đối tượng của sở thích và ý muốn. Tự trị tính chính là việc luôn chọn lựa theo một cách thế sao cho trong cùng một ý muốn, các châm ngôn (maxim) của sự chọn lựa phải đồng thời là một quy luật phổ quát.”[5] Hiểu một cách cặn kẽ, tự trị chính là việc tôi phải tự ra luật cho chính mình, chứ không phải người khác ra luật cho tôi. Bên cạnh đó, luật tôi đặt ra cho mình phải được áp dụng một cách phổ quát. Tức là, tôi làm điều gì thì điều đó sẽ trở thành mẫu để mọi người làm theo. Hiểu như vậy, tự trị tính trong mỗi người tựa như một “ông chủ” đầy gương mẫu. Ông chủ ấy không chỉ ra luật cho mình thực thi, nhưng còn ra luật cho người khác, cho vũ trụ, và thậm chí cho cả Thượng Đế nữa. Do đó, nếu ai hoàn toàn tuân theo tự trị tính, họ sẽ hành động chẳng khác nào Thượng Đế. Khi ấy, người đó và Thượng Đế sẽ có điểm chung là quy luật luân lý. Đó là lý do tại sao Kant viết: “quy luật này không hề hạn chế nơi con người mà thôi, trái lại áp dụng vào mọi hữu thể tận có lý tính và ý chí; vâng, thậm chí bao hàm cả Hữu thể vô tận với tư cách là Trí tuệ tối cao.”[6]
Khi đặt trong các tương quan so sánh, ta có thể hiểu thêm gì về tự trị tính? Trước nhất là trong tương quan với ngoại trị tính (heteronomy). Nếu như tự trị tính là nguyên tắc tối thượng của quy luật luân lý, hoàn toàn không phụ thuộc vào các đối tượng của ý chí, thì ngoại trị tính “dựa trên sự hình dung về những đối tượng chất liệu – cảm tính mà chúng ta muốn biến chúng thành hiện thực bằng hành động.”[7] Nói một cách nôm na, ngoại trị tính giống như ông vua bù nhìn bị điều khiển bởi nhiều yếu tố bên ngoài, còn tự trị tính là “ông vua” của chính mình. “Ông vua” ấy có đặc điểm là hoàn toàn độc lập. Trước nhất, ông độc lập với tất cả những quyền bính bên ngoài. Dù ai nói ngả nói nghiêng, thì lòng ông vẫn “vững như kiềng ba chân.” Bởi chưng, ông có luật cho riêng mình và ông biết là nó đúng. Thứ đến, ông độc lập với chính những ao ước của mình. Ông làm chủ được bản thân và hành xử vượt trên mọi cảm xúc. Ông là con người của lý trí và ý chí.
Tuy vậy, vẫn có người thắc mắc rằng liệu tự trị có giống với tự phát hay không? Ý chí, trong khái niệm tự trị, được xem là có khả năng trở thành luật cho chính nó, tức nó sẽ hành động dựa trên nền tảng của những nguyên tắc do mình đặt ra.[8] Nếu vậy thì nó đâu có gì khác với tự phát? Thưa có, ý chí hành động không chỉ dựa trên những nguyên tắc do mình đặt ra, nhưng còn dựa trên những nguyên tắc tự đặt ra vốn là “độc lập với mọi đặc điểm thuộc về đối tượng của ý muốn.”[9] Đó chính là điểm khác biệt.
- Một vài phê bình về tự trị tính của Kant
Có thể nói, việc tìm ra một nguyên tắc chung về đạo đức không phải là chuyện dễ dàng, nếu không muốn nói rằng đó là một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, Kant đã đưa ra một nguyên tắc tự trị thật là đặc sắc, và triết thuyết của ông được nhiều người ủng hộ. Nói như Austin Fagothey, S.J., triết thuyết của ông thật đáng ngưỡng mộ vì nó nhận ra phẩm giá của con người.[10] Phẩm giá ấy được thể hiện trước nhất ở việc con người được tự do thỏa sức sáng tạo. Và, cái hay là ở chỗ, sự sáng tạo đó không phải là tùy tiện theo nghĩa làm bậy. Bởi vì, Kant cho con người một cái khung (form) của luật để những sáng kiến trở thành nội dung lấp đầy chiếc khung đó. Kế đến, phẩm giá con người còn được thể hiện ở chỗ họ có quyền tự quyết về chính mình và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Trong thế giới tự trị của Kant, tất cả đều là những con người “trưởng thành” và mẫu mực. Họ biết mình phải sống ra sao và phải hành động như thế nào. Giữa một khung trời bao la của các hành động hỗn độn, họ có thể xây một bức tường để phân loại rạch ròi: một bên được phép làm và một bên không. Xét về khía cạnh đạo đức, đó chẳng phải là một thế giới đáng mơ ước hay sao?
Tuy nhiên, tự trị tính của Kant không phải là không có những điểm hạn chế. Điểm hạn chết trước nhất là ở khả năng chỉ ra cho người ta thấy được ý chí tự do. Đối với ông, không có ý chí tự do thì sẽ chẳng có đạo đức. Tuy nhiên, trong bàn luận của ông về tự do thì luôn có một sự lẫn lộn giữa tự do chọn lựa và tự do độc lập.[11] Đối với Kant, ta chẳng thể có được những kiến thức lý thuyết nào về bản thể, và rốt cuộc ông nói rằng chúng ta cần thừa nhận thực tại của tự do từ “quan điểm thực tiễn.”[12] Và, trong một căn phòng toàn những điều tốt, Kant chưa giúp con người thấy được sự ưu tiên khi phải lựa chọn.
Thứ đến, theo như cách hiểu của Kant về tự trị tính, thì Thượng Đế, xét về mặt lý trí, dường như chẳng có quyền thế gì trước mọi con người. Con người được Kant mặc cho một lý trí và ý chí siêu phàm, được đưa lên tận mây xanh để ngự trị trên chín tầng trời cao. Và còn nữa, nếu xét con người là một tổng thể gồm lý trí, ý chí và tình cảm, thì Kant đã làm cho con người trở thành “khuyết tật” với lối sống “trọng nam khinh nữ” độc quyền của ông. Với ông, tiếng nói của tình cảm không hề có trọng lượng. Nói như Micheal D.Moga, S.J., thế giới của Kant là một thế giới của cái tôi đơn độc, cái tôi hoàn toàn tách mình ra khỏi mọi mối tương quan.[13]
Kết luận
Giữa một xã hội hỗn tạp và đa chiều về cung cách sống cũng như lối hành xử, thì tự trị tính của Kant quả là một phương án hay cho câu hỏi: “làm thế nào để sống tốt?” Với tự trị tính, con người có thể đứng vững mà không bị nghiêng về bên này, hay ngả về bên kia trước những lôi kéo của cuộc đời. Và, tự trị tính sẽ trở nên tốt hơn nếu như nó biết bớt đi “cái tôi” cá nhân của mình để mở ra lắng nghe và xem xét tiếng nói của tình cảm.
[1] S.E. Frost, JR., Những vấn đề cơ bản của Triết học, Đông Hương and Kiến Văn trans (Hà Nội: NXB Từ Điển Bách Khoa, 2008), 115.
[2] Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn and Lưu Văn Hy trans (Hà Nội: NXB Lao Động, 2004), 257.
[3] Immanuel Kant, Grounding for the Metaphysics of Morals, James W.Ellington trans (USA: Hackett Publishing Company, Inc, 1985), 30.
[4] Immanuel Kant, Grounding for the Metaphysics of Morals, 36.
[5] Immanuel Kant, Grounding for the Metaphysics of Morals, 44.
[6] Immanuel Kant, Phê phán lý tính thực hành, Bùi Văn Nam Sơn trans (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tri Thức, 2007), 60.
[7] Immanuel Kant, Phê phán lý tính thực hành, 97.
[8] Philip Stratton-Lake, Kant: Duty and Moral Worth (London: Routledge Group, 2005), 118-119.
[9] Philip Stratton-Lake, 118-119.
[10] Austin Fagothey, S.J., Right and Reanson: Ethics in theory and practice (USA: the C.V. Mosby Company, 1976), 130.
[11] Austin Fagothey, S.J., 130.
[12] Ted Honderich, Hành trình cùng triết học, Lưu Văn Hy trans (Hà Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, 2002), 576.
[13] Micheal D.Moga, S.J., The Worlds of Human Morality (Philippines: St Pauls Philippines, 2007), 171.