Gottfried Wilhelm Leibniz (1646 – 1716)
Hình từ Internet
Môn học: Hữu Thể Luận
Học viên: Bùi Đức Thiện,S.J.
Giáo sư: Lm. Đậu Văn Hồng
Khao khát giải thích bản chất sự vật luôn là nỗi khắc khoải của nhiều triết gia. Mỗi triết gia đều cố gắng giải thích sự hiện hữu ấy bằng những khái niệm làm nền để có thể dựa vào đó mà có cái nhìn về sự vật hiện tượng. Suy tư triết học của Leibniz không nằm ngoài những nỗ lực ấy. Khái niệm chính yếu trong triết học của Leibniz là bản thể đơn giản mà ông gọi là monad. Bài viết này sẽ trình bày khái niệm Monad trong tác phẩm Đơn Thể Luận (Monadology) của ông qua ba phần. Trước hết là một số yếu tố liên quan đến việc Leibniz đi đến khái niệm về Monad. Kế đến là đặc điểm của Monad. Cuối cùng là một vài bàn luận liên quan đến sự khép kín của Monad.
Mục Lục
Dẫn nhập
Khao khát giải thích bản chất sự vật luôn là nỗi khắc khoải của nhiều triết gia. Mỗi triết gia đều cố gắng giải thích sự hiện hữu ấy bằng những khái niệm làm nền để có thể dựa vào đó mà có cái nhìn về sự vật hiện tượng. Suy tư triết học của Leibniz không nằm ngoài những nỗ lực ấy. Khái niệm chính yếu trong triết học của Leibniz là bản thể đơn giản mà ông gọi là monad. Bài viết này sẽ trình bày khái niệm Monad trong tác phẩm Đơn Thể Luận (Monadology) của ông qua ba phần. Trước hết là một số yếu tố liên quan đến việc Leibniz đi đến khái niệm về Monad. Kế đến là đặc điểm của Monad. Cuối cùng là một vài bàn luận liên quan đến sự khép kín của Monad.
I. Nguồn gốc của khái niệm Monad[1]
Leibniz đi đến khái niệm Monad có lẽ vì không đồng ý với quan điểm về bản chất sự vật của các triết gia trước đó.
Trước hết, nhiều thế kỷ trước thời của Leibniz, những nhà triết học nguyên tử như Democritus và Epicurus đã nói rằng mọi sự vật được cấu tạo bởi các nguyên tử nhỏ. Điều này có vẻ không làm cho Leibniz cảm thấy vừa lòng. Những nguyên tử mà các nhà triết học này nói đến được mô tả như là các vật thể có thể trải dài rộng và là những mảnh vật chất không thể giản lược được. Theo Leibniz, một phần tử vật chất như thế được xem như không có sự sống, trơ lỳ và phải nhận chuyển động từ một vật gì khác bên ngoài nó. Vì vậy, xem ra Leibniz đã bác bỏ quan điểm của các nhà triết học nguyên tử.[2]
Kế đến, Leibniz dường như cũng không cảm thấy thỏa mãn với quan điểm của Descartes. Theo Descartes, có hai bản thể (substance) độc lập gồm: tư duy (thinking) và quảng tính (extension). Bản thể tư duy giống như tinh thần (spirit/mind) trong con người được thể hiện nơi niềm vui, nỗi đau, ý chí, … Bản thể quảng tính giống như thân xác trong con người được diễn tả qua sự thay đổi hình thể, sự phân chia, nghỉ ngơi, vận động…[3] Theo Leibniz, nếu xem có hai bản thể độc lập như trên thì khó có thể giải thích được làm thế nào hai bản thể có thể tương tác với nhau như là thân xác và tinh thần trong con người cũng như trong Thiên Chúa.[4]
Để giải quyết vấn đề này, Spinoza đã cố gắng giải thích rằng có một bản thể duy nhất với hai thuộc tính người ta có thể nhận biết được là tư duy và quảng tính. Theo Leibniz, điều này dường như không thỏa đáng vì như thế sự phân biệt giữa Thiên Chúa, con người và thiên nhiên sẽ không còn. Không những vậy, mọi thực tại được giản lược trong một bản thể duy nhất dẫn đến đánh mất sự phân biệt các yếu tố khác nhau trong thiên nhiên.[5]
Có thể nói, các quan điểm trước thời của Leibniz về bản chất sự vật chưa làm thỏa mãn Leibniz. Có lẽ ông đòi hỏi một bản thể phải chứa sự sống hay lực năng động, trong đó, bản thể đó phải có khả năng tự tác động và không chịu sự tác động từ một lực bên ngoài nào. Nếu Descartes và Spinoza xem quảng tính bao gồm kích thước và hình thù hiện thực của sự vật là cơ sở để xây dựng lý thuyết của họ, thì Leibniz muốn xem lực hay năng lượng trở thành cơ sở nền tảng để xây dựng một khái niệm mới. Đó là khái niệm về Monad hay đơn thể.
II. Monad
1. Monad là gì?
Monad không gì khác hơn là bản thể đơn giản (simple substance) (M1)[6]. Có hai yếu tố cần làm rõ gồm: bản thể (substance) và đặc tính đơn giản.
Trước hết, từ ngữ bản thể (substance) Leibniz sử dụng có lẽ bắt nguồn từ trường phái triết học Aristotle. Trong tác phẩm Metaphysica, Aristotle quan tâm đặc biệt đến nghĩa bản thể vừa chỉ cái-nền hay cái-nằm-dưới, vừa có đặc tính tách rời và là một cái gì đó đặc thù.[7] Nói cách khác, bản thể mang tính độc lập, không phụ thuộc và phải là một cái gì đó nhất định.
Có thể Leibniz đã mượn ý nghĩa này của bản thể để xây dựng khái niệm monad. Vì vậy, theo ý nghĩa đó, đối với Leibniz, dường như monad hướng đến những sự vật riêng biệt mà sự hiện hữu và đặc điểm của những sự vật này thẩm định cho tư tưởng và những lời phát biểu về những sự vật nhất định.
Yếu tố thứ hai là tính đơn giản. Theo Leibniz, monad mang đặc tính đơn giản vì chúng không có phần tử (M1). Không có phần tử không phải là không thể không có, nhưng dường như phần tử được gắn với cái toàn thể. Phần tử đóng vai trò như một yếu tố chức năng, nhưng không hoàn toàn là cái toàn thể. Chẳng hạn, mảnh vỡ của trái bóng bàn không thể gọi là trái bóng bàn được, nhưng mảnh vỡ ấy vẫn được xem như một phần tử của trái bóng bàn. Người ta không thể có khái niệm về mảnh vỡ của một trái bóng bàn nếu trước đó không có hiện hữu trái bóng bàn. Như vậy, dù monad mang đặc tính đơn giản vì không có phần tử, nhưng sự hiện hữu của monad đã nói đến sự tồn tại của phần tử gắn chặt với monad. Nhưng làm thế nào để có thể biết monad hiện hữu?
Leibniz tin rằng monad hiện hữu vì có sự hiện hữu của những phức chất do sự kết tập của các bản thể đơn giản (M2). Có lẽ dựa trên quan sát thực tế xung quanh, vì các vật thể giác quan thông thường có thể nhận biết được có thể được chia thành nhiều phần nhỏ hơn, nên Leibniz đã giả thiết rằng mọi vật thể đều là những phức chất (compounds).
2. Những giải thích về monad
Từ những khái niệm khởi đầu về monad, Leibniz đã dẫn người ta đến phát biểu phủ định và khẳng định về monad.
Trước hết, vì không có phần tử, monad không có sự trải rộng hay quảng tính, cũng không có hình dạng, không có tính chất phân ly (M3), không bị tan rã hay bị phá hủy bởi bất cứ phương tiện tự nhiên nào (M4). Ngược lại, monad cũng không được hình thành bởi bất cứ phương tiện tự nhiên nào, và cũng không được tạo nên nhờ sự kết tập (M5). Những đặc tính này của monad dẫn đến kết quả là monad không có kích thước. Vì vậy, sẽ không đúng nếu miêu tả monad giống như một điểm hay một chấm theo nghĩa toán học. Theo Leibniz, những monad này mới là những nguyên tử thực sự cấu tạo nên sự vật (M3).
Kế đến, không giống như các phức chất khác được hình thành và kết thúc qua việc kết tập từ các phần tử và tan rã thành các phần tử, các monad chỉ có thể hình thành và kết thúc bằng con đường tạo dựng và hủy diệt đồng thời cùng một lúc (M6). Các monad hoàn toàn không chịu sự tác động của việc tổng hợp hay mục nát.
Một trong những đặc điểm phủ định có lẽ nổi bật nhất là thuộc tính không có cửa sổ của monad (M7). Hình ảnh ẩn dụ này dường như nói đến nội giới trong đó monad không chịu sự tác động của các yếu tố bên ngoài. Không những vậy, vì không có phần tử, nên monad cũng không chịu sự tác động của các phần tử với nhau như các phức chất. Nói cách khác, nội giới của monad có một sự cân bằng mà nơi sự cân bằng này monad không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nội tại và ngoại tại. Monad như một thế giới riêng hài hòa, như một tiểu vũ trụ có sự tự cân bằng, không chịu sự tác động từ ngoại giới hay nội giới của chính monad.(M78)
Mặc dù không thể diễn tả monad một cách trực tiếp vì đặc tính đơn giản và siêu nghiệm (transcendental), nhưng Leibniz cũng đã cố gắng có những phát biểu khẳng định đối với các bản thể đơn giản này. Có lẽ có hai lý do khiến cho Leibniz cần phải miêu tả thuộc tính của monad. Thứ nhất, nếu monad không có một sự khẳng định nào đó, điều này đồng nghĩa monad không tồn tại. Thứ hai, mỗi monad cần phải nét đặc trưng (quality) để mọi monad được đánh đồng như nhau. (M8) Vậy, monad có thể có những phát biểu khẳng định nào?
Trước hết, tuy mỗi monad không chịu sự tác động từ bên ngoài, nhưng mỗi monad cũng có sự thay đổi giống như sự vật được tạo thành khác (M10). Sự thay đổi này diễn ra liên tục theo một nguyên lý nội tại như là một lực chủ động (active force) và được xem là nguyên lý thay đổi của mỗi monad (M10-11). Mỗi monad đều có những chuỗi thay đổi đặc thù làm nên tính riêng biệt và đa dạng của các bản thể đơn giản (M12). Không những vậy, dù không có phần tử, nhưng sự thay đổi cũng diễn ra tại mỗi đơn vị thay đổi và tạo nên tính đa bội (multipicity), hình thành nhiều chiều hướng thay đổi theo nhiều cách thức khác nhau bên trong mỗi monad (M13). Như vậy, có thể nói tính đa bội không chỉ có bên trong từng monad nhưng còn có ở trong mỗi đơn vị thay đổi. Vì vậy, không thể có hai monad giống nhau (M9).
Kế đến, tình-trạng-lưu-hoạt (passing state) cho mỗi sự thay đổi trong từng đơn vị hay trong bản thể đơn giản được gọi là sự-tri-giác (perception) (M14). Nói cách khác, sự tri giác là một tình trạng chuyển biến liên quan và thể hiện tính đa bội trong sự thống nhất nơi các monad. Hoạt động của nguyên lý nội tại để có sự biến chuyển từ sự-tri-giác này thành sự-tri-giác khác là khát-vọng (appetition) hay một sự tự-nhận-thức (self-consciousness). Có thể nói, khát-vọng như nguồn gốc của sự thay đổi. Khát-vọng luôn tìm đến một sự trọn vẹn của sự-tri-giác, nhưng có lẽ không bao giờ đạt được. Tuy nhiên, khát-vọng vẫn luôn đạt được một điều gì đó và dẫn đến sự-tri-giác mới (M15). Sự-tri-giác và mọi thứ phụ thuộc vào sự-tri-giác không thể giải thích theo những nguyên lý cơ học (mechanical principles), tức là qua hình ảnh và sự chuyển động hay qua bất cứ một yếu tố trung gian nào, nhưng chỉ tìm thấy sự-tri-giác trong các bản thể đơn giản (M17).
Thứ ba, các monad đều có chung-tố (entelechy) như là hiện thể của sự hoàn hảo nhất đinh. Trong các monad, có một sự-tự-kiện-toàn (self-sufficiency) nhất định là nguồn gốc của những hoạt động nội tại và làm nên những hoạt-động-tự-động-vô-hình (incorporeal automata) làm nên sự hoàn hảo của monad(M18).
Thứ tư, tuy mỗi monad tạo thành đại diện cho toàn vũ trụ, nhưng cũng đại diện cho thân xác (M62). Thân xác tương ứng với monad mà chung-tố là hồn luôn gắn liền với thân xác. Sự hợp nhất giữa hồn và xác tạo nên một hữu thể sống. Nếu mỗi monad như một hình ảnh của vũ trụ và vũ trụ có một sự điều hòa theo một cách thức riêng hoàn hảo thì monad cũng có sự điều hòa như vậy. Trong mối liên hệ với monad, thân xác cũng có sự điều hòa theo một cách thức riêng hoàn hảo ấy (M63).
Nếu như Descartes coi thân xác và linh hồn độc lập nhau theo kiểu chủ nghĩa nhị nguyên và Spinoza đã đồng nhất thân xác và linh hồn thành một thực thể thì Leibniz đã xem sự hợp nhất giữa hồn và xác như một tấm gương phản ánh vũ trụ thần linh (M63). Chính hình ảnh ẩn dụ tấm gương cho thấy thân xác như một sự giới hạn phản ánh một vũ trụ có tính thần linh mang tính vô hạn đã giúp cho Leibniz tránh được thuyết phiếm thần của Spinoza, vì không thể đồng nhất một bên vô hạn và một bên hữu hạn, nhưng không thể tách rời vì mỗi bên đều là một hình ảnh phản chiếu.[8]
Như vậy, có thể nói, Leibniz đã không xem sự hoàn hảo và đầy đủ của monad như một cuộc chiêm ngắm bên ngoài, cho bằng là một sự thống nhất hài hòa được nhìn từ cái nội tại bên trong. Như vậy, phải chăng sự hoàn hảo của monad có được là do chính sự khép kín của monad hay vì đã có sự hoàn hảo đó rồi mà monad trở nên khép kín và không chịu sự tác động của bên ngoài?
III. Sự khép kín của monad
Theo những điều đã trình bày, monad có một sự tự cân bằng, không chịu sự tác động của bên ngoài. Có lẽ chính sự tự cân bằng này khiến cho monad có sự hoàn hảo trong mức có thể trên con đường đến chung-tố mà monad phải đạt đến.
Dường như có một sự tự mâu thuẫn (self-contradiction) trong khái niệm monad của Leibniz. Một mặt, các monad không chịu sự tác động từ bên ngoài và không chịu sự tác động lẫn nhau (M7), nhưng mặt khác, các monad cũng lại tác động lý tưởng lên nhau (M51). Rõ ràng, Leibniz có lẽ đã lâm vào một tình trạng khá khó xử. Tức là, nếu monad có một sự khép kín không có sự trao đổi với bên ngoài thì làm thế nào monad có sự trao đổi thông tin và tác động lẫn nhau được?
Thực sự, không thể xem hình ảnh không có cửa sổ của monad như một thế giới bịt bùng, trong đó monad không có một sự liên lạc nào với bên ngoài, nhưng trái lại, hình ảnh không cửa sổ muốn nói đến một vị thế riêng trong đó các monad hiện hữu diễn tả về thế giới. Một vị thế riêng diễn tả những nét đặc thù và cụ thể.
Có thể nói, chính nhờ sự khép kín mà monad không chịu sự tác động của ngoại giới với nhiều hỗn mang. Nếu để cho ngoại giới tác động, monad sẽ không còn làm chủ được những thay đổi diễn ra bên trong monad. Những thay đổi bên trong nội giới đã được điều chỉnh nhờ sự tự hài hòa thì nếu có những hỗn mang tác động có lẽ sự hài hòa bên trong monad sẽ bị gãy khúc vô phương. Vì vậy, có lẽ nhờ sự khép kín mà monad có được sự hoàn hảo.
Tuy nhiên, ngược lại, sự hoàn hảo thiết định ban đầu khiến cho monad không cần phải nhận chịu sự tác động từ bên ngoài (M78). Trong sự hoàn hảo, monad không cần thiết phải tác động lên các monad khác, nhưng cũng không để cho các monad khác tác động. Có lẽ sự hoàn hảo ấy cũng là lý do khiến cho monad khép kín không thể nhận chịu sự tác động.
Quả thật, không dễ dàng để có thể kết luận cuối cùng mối liên quan giữa sự hoàn hảo và khép kín của monad. Một điều có thể được gợi ra ở đây là cả hai thuộc tính này đều nhận chịu sự tác động của Thiên Chúa như là monad tuyệt đối phải có (M38-M39) chi phối sự hình thành và hủy diệt của monad (M42-43). Vì mỗi monad chỉ có sự tác động theo nguyên lý nội tại và vì thế không thể tác động ảnh hưởng lên nhau, nhưng dựa trên mối liên hệ với Thiên Chúa, các monad có sự tác động lẫn nhau (M51). Nói cách khác, việc theo gót sau sự hoàn hảo của Thiên Chúa dẫn đến sự tác động ảnh hưởng lên nhau của mỗi monad. Trong sự tác động này, khía cạnh chủ động hay bị động chỉ là sự khác biệt về cái nhìn tại điểm quan sát (M52). Có thể nói Thiên Chúa không cần phải có cửa sổ để đi vào hay đi ra trong việc tác động lên các monad, nhưng Thiên Chúa đã ở trong chính các monad như là khởi nguyên của monad được tạo thành.
Kết luận
Có thể monad của Leibniz được xây dựng dựa trên những quan sát sự vật xung quanh dù có vẻ mang tính lý thuyết và khó hình dung vì sự ngắn gọn trong cách trình bày, nhưng khái niệm về monad như là một bản thể đơn giản, duy nhất và độc đáo lại có thể được như là một giải thích khá hợp lý cho thế giới vật chất với nhiều phức chất được cấu tạo từ những phần tử khác nhau. Không những vậy, sự hoàn hảo mà mỗi monad cố gắng đạt đến trong sự thay đổi liên tục như diễn tả sự thay đổi liên tục của thực tại, nhưng vẫn giữ trong những thay đổi đó sự cân bằng và hài hòa.
Tuy nhiên, việc xây dựng khái niệm đơn thể xem ra vẫn như một công việc đào sâu và mở rộng quan niệm về chủ thể truyền thống trước thời Leibniz. Monad đứng ở một vị trí tách biệt có một sự tự hài hòa, không phụ thuộc vào ngoại tại. Nội giới của monad có lẽ cũng xem như một sự bất khả xâm phạm. Chính trong sự tách biệt ấy, monad của Leibniz có vẻ như một chủ thể còn khiếm khuyết bởi lẽ sự hiện hữu của sự vật, xét cho cùng, không phải như một sự hiện hữu đơn độc, nhưng là một sự hiện hữu liên hệ với các sự vật khác. Phải chăng, vì thế, thế giới hài hòa tốt đẹp của Leibniz được xây dựng dựa trên khái niệm monad sẽ khó có thể giải thích được trước những bất ổn đang diễn ra hằng ngày nơi sự vật? Hình ảnh không có cửa sổ của monad có lẽ vì monad đã mở ngỏ với thế giới trong sự tương tác dưới sự chi phối của Monad tuyệt đối là Thiên Chúa, nhưng thực sự vẫn chỉ dừng lại ở tại nhà mình, chứ không phải được đặt trong mối liên hệ với với các monad khác. Dù có lẽ còn ít nhiều khiếm khuyết, nhưng khái niệm monad của Leibniz trong tác phẩm Monadology sẽ phần nào soi lối cho Heidegger xây dựng quan niệm về Dasein sau này.[9]
[1] Monad có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp μονάς, có lẽ xuất hiện đầu tiên trong tác phẩm Phaedo của Plato có nghĩa là cái một hay cái đơn nhất [X.Anthony Savile, Leibniz and the Monadology (London and New York: Routledge, 2000), 82]
[2] X. Leibniz, Discourse on Metaphysics – Correspondence with Arnauld, and Monadology with an Introduction by Paul Janet, George R.Montgomery chuyển ngữ (Chicago: The Open Court Publishing Company, 1908), 196, 190.
[3] X. René Descartes, Meditations on First Philosophy with Selections from the Objections and Replies, Michael Moriartry chuyển ngữ (Oxford: Oxford University Press, 2008), 19, 22.
[4] X. Leibniz, Discourse on Metaphysics, 29, 39.
[5] X. Samuel Enoch Stumpf, Philosophy – History and Problems, 5th, (New York: McGraw-Hill, 1994), 256.
[6] Tác phẩm Monadology được chia thành 90 phần đánh số theo thứ tự. Bài viết sử dụng bản dịch từ tiếng Pháp của tác giả Anthony Savile trong tác phẩm Leibniz and the Monadology. Để thuận tiện, việc trích dẫn xin được ghi M, số thứ tự. Trong đó, M là Monadology và số thứ tự được đánh số.
[7] X. Aristotle, Metaphysica, D.Ross chuyển ngữ, (Great Britain: Oxford University Press), Book Z, 2.
[8] X. James Luchte, “Mathesis and Analysis: Finitue and The Infinite in the Monadology of Leibniz”, HeyJ XLVII, (2006), 533.
[9] X. Đậu Văn Hồng, “Dẫn vào hữu thể luận: Tra vấn chức năng meta” (Nha Trang: Đại chủng viện Sao Biển, giáo trình lưu hành nội bộ, biên soạn cho niên khóa 2001-2002), 139.