Chương Trình Thần Học Giáo Dân
Đào Tạo Giáo Dân – Trí Thức Trẻ Cho Giáo Hội

MÔ TẢ MÔN HỌC

Môn nền tảng (3 ECTS/ môn)

Giáo lý tổng quan – diễn giải

Nguyễn Hai Tính SJ, STD, Nguyễn Hữu Phong SJ

Môn Giáo lý Tổng quan và Diễn giải là môn học thuộc về phần tín lý của giáo lý Công Giáo. Nội dung môn học dựa trên nội dung cuốn sách cùng tên của Lm. Nguyễn Hai Tính, Dòng Tên, tiến sĩ tín lý. Cuốn sách được viết một cách súc tích, hệ thống, và gần gũi với những vấn nạn của người Việt Nam. Theo đó, nội dung môn học được chia làm hai phần: (1) Phần phương pháp với những bài bàn về Đức tin, Mạc khải… ; và (2) phần nội dung đức tin với những bài Sáng tạo, Giáo Hội…

Môn Giáo lý Tổng quan và Diễn giải không nhằm cung cấp mọi kiến thức về Kinh tin kính nhưng sẽ cố gắng tạo ra một bầu khí đối thoại tích cực nhằm giúp học viên áp dụng kiến thức vào đời sống đức tin của mình một cách hiệu quả. Nói cách khác, môn học không dừng ở kiến thức, nhưng giúp học viên biết đặt vấn đề, đào sâu vấn đề, và nối kết đức tin vào cuộc sống của mình. Người hướng dẫn sẽ trình bày nội dung cơ bản của chủ đề. Còn lại, học viên đọc thêm để đào sâu và mở rộng chủ đề.

Tổng quan Luân lý Kitô giáo

Nguyễn Minh Triệu SJ, STD, Nguyễn Thanh Hùng SJ, STL

Khóa học này trình bày cái nhìn tổng quát về thần học luân lý Công giáo cho các học viên, bao gồm các nền tảng, các nguồn, các nguyên lý và các phương pháp. Qua khóa học này, học viên sẽ được tiếp cận với lịch sử đa dạng và phong phú của nền thần học luân lý trong truyền thống Giáo Hội, nhờ vậy, họ sẽ ý thức hơn, hiểu hơn, và cảm kích hơn với những hướng dẫn luân lý của Giáo Hội. Khóa học sẽ cung cấp cho học viên các khái niệm và nguyên lý nền tảng trong thần học Luân lý như tình yêu và công bình, tự do và lương tâm, cảm xúc và kinh nghiệm, hành vi luân lý, luật luân lý và luật tự nhiên. Ngoài ra, khoá học sẽ giúp học viên phân tích và hiểu các nguyên lý luân lý qua các ví dụ cụ thể.

Đọc hiểu Thánh Kinh

Cao Gia An SJ, SSD, Nguyễn Hữu Khanh SJ, STL

Môn học nhằm giúp cho học viên có một số kiến thức cần thiết về Kinh Thánh Công Giáo như sơ lược về lịch sử và văn hoá Kinh Thánh, ngôn ngữ và các tác giả Kinh Thánh, các khái niệm căn bản như quy điển và linh hứng. Học viên cũng được giới thiệu một số nguyên tắc căn bản để có thể đọc và hiểu các bản văn Kinh thánh, đặc biệt là những khái niệm và bản văn khó hiểu và thách đố như khái niệm thưởng phạt, bạo lực, những hình ảnh dường như mâu thuẫn của Thiên Chúa, hoặc cả những đoạn Kinh Thánh tối nghĩa. Cuối cùng, điều quan trọng là học viên được giúp để thêm lòng yêu mến và tập có những thái độ thích hợp khi đọc Kinh Thánh để có thể rút ra được ý nghĩa và những bài học hữu ích cho hành trình sống đức tin của mình.

Đi vào hành trình Linh Đạo I-nhã

Hưng Phạm SJ, STD, Lê Văn Luận SJ, Nguyễn Hữu Phong SJ

Linh đạo I-nhã thường được biết tới qua những buổi tĩnh tâm linh thao hay qua những hoạt động của quý cha, quý thầy Dòng Tên hay những thành viên trong gia đình I-nhã (thí dụ, C.L.C, quý hội dòng nam nữ). Gần đây, hiện tượng “Đức Thánh Cha Phanxicô,” xuất thân từ một tu sĩ Dòng Tên, gây thêm sự chú ý, khơi dậy lên lòng ao ước tiếp tục thu hút mọi thành phần trong Giáo Hội và xã hội muốn tìm hiểu, học hỏi, và đào sâu hơn về một linh đạo đã từng được biết tới như một phương thức sống Kitô Giáo cụ thể, sống động, hội nhập, và dấn thân một cách táo bạo đi “Tìm Chúa trong mọi sự.”
Để đáp lại những thao thức đó, “Đi vào hành trình Linh Đạo I-nhã” giúp các học viên hiểu thêm về nền tảng của linh đạo I-nhã trong truyền thống linh đạo Kitô Giáo cũng như hệ thống hoá những nguyên lý căn bản của linh đạo bắt đầu từ kinh nghiệm của con người I-nhã. Khi đã nắm bắt được nền tảng và nguyên lý, “Đi vào hành trình Linh Đạo I-nhã” sẽ giúp học viên tìm hiểu thêm và áp dụng linh đạo này vào đời sống hàng ngày, cách thức cầu nguyện cũng như phân định nội tâm và những cách thức ứng xử và hành xử trong xã hội.

Môn phân ngành (3 ECTS/ môn)

 Ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Giáo Hội

Nguyễn Hữu Khanh SJ, STL, Trần Thanh Tân SJ, STD, Lê Văn Luận SJ

Phân ngành: Sống Đức Tin Trưởng Thành

Khóa học giúp các học viên hiểu về Giáo Hội (ekklesia) theo Kinh Thánh và Truyền Thống của Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt qua giáo huấn của Công đồng Vatican II. Các chủ đề sẽ được thảo luận trong khóa học bao gồm Giáo Hội như bí tích, Giáo Hội như Dân Chúa, Giáo Hội như sự hiệp thông huyền nhiệm và cộng đoàn các môn đệ của Đức Kitô. Thêm vào đó, học viên sẽ tìm hiểu về tương quan giữa giáo hội phổ quát và giáo hội địa phương, cấu trúc và sứ mạng của Giáo Hội cũng như ơn gọi của người giáo dân trong thế giới hôm nay. Tín điều về Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền cũng sẽ được giải thích trong khóa học để giúp học viên hiểu lời tuyên xưng của họ trong Kinh Tin Kính.

Luân lý y-sinh-tính dục

Nguyễn Anh Huy SJ, Nguyễn Minh Triệu, S.J, STD.

Phân ngành: Sống Đức Tin Trưởng Thành

Với chủ đề Thân thể: Nhân tố để kiến tạo tình yêu trọn vẹn, khóa học này giới thiệu cho các cặp vợ chồng trẻ những chiều kích nền tảng của luân lý tính dục dưới nhãn quan thần học Kitô giáo. Dưới cái nhìn của Kitô giáo, tính dục là một quà tặng mà Thiên Chúa trao ban cho con người, thế nên, con người có trách nhiệm sử dụng quà tặng này một cách có trách nhiệm và trổ sinh hoa trái cho bản thân mình và tha nhân. Là một quà tặng của Thiên Chúa dành cho con người, người Kitô hữu được mời gọi sử dụng khả năng tính dục để diễn tả tình yêu phu phụ trong gia đình và hoa trái của tình yêu đó chính là con cái. Khóa học cũng cho thấy, việc sử dụng món quà đó một cách sai lầm có thể khiến con người đau khổ và bất hạnh. Ngoài ra, hiểu được nỗi bận tâm của các bậc làm cha mẹ, khoá học cũng trình bày những yếu tố cơ bản trong việc giáo dục giới tính cho con cái.

Phân định nội tâm và đời sống thiêng liêng

Nguyễn Văn Đức SJ, Nguyễn Đại Nguyên SJ

Phân ngành: Sống Linh Đạo I-nhã

Những lo toan và áp lực của cuộc sống dễ khiến con người mệt mỏi và quên mất một Thiên Chúa đang hiện diện và đồng hành với mình. Không ít người cảm thấy cô đơn khi phải chiến đấu một mình vì nghĩ rằng Thiên Chúa xa lạ với cuộc sống và các vấn đề của con người. Khóa Học Phân Định Nội Tâm và Đời Sống Thiêng Liêng giúp các học viên trở về với nguồn cội của Đời Sống Giáo Hội qua cầu nguyện với Lời Chúa và phân định thiêng liêng. Nhờ cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa, mỗi Kitô hữu có thể lắng nghe, nhận ra sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, linh đạo thánh I-nhã cung cấp cho học viên khả năng biết phân định và trưởng thành hơn trong đời sống thiêng liêng. Cụ thể, khóa học về linh đạo I-nhã cũng giúp các học viên tái khám phá giá trị tuyệt đối của Lời Chúa nhờ đó họ có thể hiểu và yêu mến Lời Chúa, đặc biệt ngày càng tháp nhập sâu xa hơn vào đời sống và sứ mạng của Giáo Hội ngang qua Lời Chúa.

Christus Vivit – linh đạo người trẻ trong Giáo Hội

Lê Văn Luận SJ

Phân ngành: Sống Linh Đạo I-nhã

Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Hằng Sống (ĐGH Phanxicô, 2018) là kết quả của Thượng Hội Đồng dành riêng cho người trẻ. Tông huấn không chỉ là mong chờ từ phía các vị chủ chăn trong Giáo Hội, nhưng còn thể hiện phong phú thực tế đời sống của người trẻ với những thách đố lẫn hy vọng. Người trẻ được khuyến khích để sống đức tin cách năng động và sáng tạo, dùng tài năng Chúa ban để tham gia tích cực vào sứ mạng của Giáo Hội.

Christus Vivit có thể được xem như một con đường thiêng liêng giúp người trẻ sống tròn đầy ơn gọi và sứ mạng của mình trong Giáo Hội. Khoá học giúp học viên đào sâu nội dung của tông huấn, phản tỉnh và ứng dụng nội dung đã học vào hoàn cảnh hiện tại của mình.

Giáo Huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo

Nguyễn Minh Triệu SJ, STD, Trần Khắc Bá SJ, PhD, Bùi Quang Minh SJ, MA

Phân ngành: Tác Nhân Biến Đổi Xã Hội

Nhờ Bí tích rửa tội, người Kitô hữu trở thành công dân của Nước Trời, tuy nhiên, không vì thế mà họ không thuộc về và không có trách nhiệm gì trong cuộc sống thế này. Đúng hơn, người Kitô hữu nhờ được cảm nếm trước mầu nhiệm Nước Trời được mời gọi trở nên muối men và ánh sáng cho trần gian ngang qua việc tham gia vào các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, không ít người cảm thấy bối rối khi tham gia vào các hoạt động xã hội. Làm sao tôi có thể làm chứng cho Chúa trong công việc của tôi, đâu là những hướng dẫn của Giáo hội cho tôi nếu tôi là một bác sĩ, là một kỹ sư, là một giáo viên, hay là một người công nhân tại một nhà máy?

Môn học Giáo huấn xã hội Công giáo sẽ cung cấp cho học viên những nguyên lý nền tảng để giúp người Kitô hữu giải đáp phần nào các câu hỏi trên. Qua khóa học này, học viên sẽ được tiếp cận với các khái niệm nền tảng trong GHXH như phẩm giá con người, liên đới, công ích, tình yêu, công bình,… Khóa học cũng cung cấp cho các học viên những nguyên tắc căn bản để giúp học viên phân định và đưa ra những chọn lựa đúng đắn khi đối diện với các vấn nạn của xã hội. Không chỉ dừng lại ở bình diện lý thuyết, môn học sẽ giúp học viên áp dụng các nguyên tắc luân lý vào các vấn đề cụ thể như chiến tranh, bất công, hối lộ, các hành vi xúc phạm sự sống, vấn đề di dân hay môi trường…

Lịch sử Giáo Hội Việt Nam

Nguyễn Mai Kha SJ, EHD, Nguyễn Huy Hoàng SJ, EHL

Phân ngành: Tác Nhân Biến Đổi Xã Hội

Ngày 18.1.1615 đánh dấu mốc khởi đầu công cuộc truyền giáo tại Việt Nam của các nhà thừa sai Dòng Tên, những người đã thành công trong việc thiết lập các giáo đoàn, là bước khởi đầu của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Từ bước khởi đầu này, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam trải qua các giai đoạn lịch sử với nhiều thăng trầm, gắn liền với các chuyển biến lịch sử cả trong nước lẫn thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành và phát triển Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Khóa học này nhằm cung cấp một cái nhìn sơ lược về hoàn cảnh lịch sử hình thành và phát triển của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Qua đó, học viên sở đắc được kiến thức nền tảng về lịch sử của Giáo Hội địa phương trong viễn tượng gắn liền trong lịch sử Giáo Hội hoàn vũ.

Các biến cố lịch sử diễn ra và được thuật lại không đơn thuần là dữ kiện, mà còn bộc lộ ý nghĩa ẩn chứa đằng sau những biến cố ấy. Qua đó, người học có thể nhận ra căn tính của cha ông và cội nguồn của chính bản thân mình.

Lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam có thể được chia làm 4 giai đoạn như sau:

  • 1615-1773: Khởi đầu công cuộc truyền giáo
  • 1773-1885: Kiên vững trong thử thách
  • 1885-1960: Lớn mạnh và trưởng thành
  • 1960-nay: bén rễ sâu và tiếp tục phát triển

Môn tự chọn (2 ECTS/ môn)

Triết học vui

Trần Khắc Bá SJ, PhD, Bùi Quang Minh SJ, MA, Vũ Uyên Thi SJ, PhL

Môn học này mong ước mở ra cánh cửa rộng về thế giới triết học và kiến tạo một kinh nghiệm ngạc nhiên về tri thức và lề lối tư duy. Về phương diện thực tiễn, môn này bao gồm những hướng dẫn đầu tiên giúp học viên làm quen và có một góc nhìn tổng quan về triết học, khởi đầu với những câu hỏi nền tảng mà truyền thống tây phương đã đặt ra: về thế giới tự nhiên và xã hội loài người, về nhận thức và đạo đức, chính trị, tôn giáo và thẩm mỹ. Bộ môn này cố gắng trình bày một cách tổng quát triết học theo ba chiều kích: các chủ đề triết (phần I), các giai đoạn lịch sử (phần II) và thực hành suy tư từ các bản văn kinh điển của triết học (phần III). Nhờ môn học này, học viên có thể nắm bắt được những mối quan tâm triết học, hiểu như một tập hợp cách ngành học, đã và đang được tra vấn dọc theo dòng lịch sử. Đồng thời, họ cũng sẽ có những kinh nghiệm làm việc trên các bản văn triết học và làm quen với thuật ngữ chuyên môn.

Người trẻ và Tình yêu Kitô Giáo

Hoàng Minh Tố Nga, PhD

Tình yêu là sức sống của tuổi trẻ. Tình yêu càng là yếu tố thiết yếu cho bạn trẻ Công Giáo khi sống lời mời gọi mến Chúa yêu người. Khoá học Người trẻ và Tình Yêu Kitô giáo giúp học viên hiểu hơn về tình yêu, đặc biệt là tình yêu đôi lứa, tình yêu hôn nhân gia đình dưới nhãn quan của thần học Công Giáo lẫn của khoa học về tâm lý con người.
Bên cạnh nội dung kiến thức, khóa học còn giúp học viên phản tỉnh, ứng dụng các nguyên tắc của tình yêu Kitô giáo vào các mối tương quan khi sống trong bối cảnh văn hoá xã hội Việt Nam hiện thời.

Giá trị cốt lõi cho người trẻ Công Giáo

Vũ Đức Trí Thể

Giữa bộn bề lo âu và áp lực của công việc/học hành, người trẻ đang chịu một áp lực rất lớn của việc “chưa kịp lớn đã phải trưởng thành”. Chưa kể, đứng giữa vòng xoáy của thông tin, cộng thêm áp lực từ gia đình và bạn bè đồng trang lứa, người trẻ dễ rơi vào tình trạng hoang mang trong việc định hướng cuộc đời mình. Nên lấy gì làm trọng tâm đây? Tiền bạc, sự thành công trong sự nghiệp, làm tròn bổn phận của con cái, hay mưu cầu hạnh phúc cá nhân?

Môn học này được tạo ra để giúp người trẻ nhận biết được tầm quan trọng của việc theo đuổi một cuộc đời có giá trị. Từ việc lựa chọn triết lý sống “lấy giá trị làm nền tảng”, người trẻ biết chuyển dịch và lồng ghép mọi phương diện của cuộc sống xoay quanh những giá trị cốt lõi, lựa chọn cho mình một “hệ giá trị” phù hợp với tinh thần của một Kitô hữu giữa Giáo Hội và xã hội. Qua đó, người trẻ sẽ tự tin hơn, có nội lực vững vàng hơn để biết dùng cuộc đời mình sao cho thật hữu ích.

Tông huấn Niềm Vui Tình Yêu

Nguyễn Văn Đức SJ

Gia đình là nền tảng và là tương lai của Giáo hội và xã hội. Dù đang sống trong đời sống hôn nhân, độc thân, góa bụa, ly hôn, thánh hiến hay linh mục, thì tất cả đều có chung nhiệm vụ là củng cố và khích lệ đời sống các gia đình.

Vào tháng 3 năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô công bố tông huấn Amoris Laetitia, Niềm Vui Tình Yêu, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ và khuyến khích các gia đình thực hiện những cam kết hàng ngày và đồng hành với họ vượt qua những thử thách họ phải đối mặt trong cuộc sống. Đức Thánh Cha mời gọi tất cả các Kitô hữu đọc Tông Huấn này cách cẩn thận, để hiểu, yêu thương và trân trọng cuộc sống gia đình, bởi vì “gia đình không phải vấn đề; trên hết và trước hết, gia đình là một cơ hội,” (AL, số 7).

Trường Thần Học SJVN giới thiệu tới anh chị em khóa TÌM HIỂU TÔNG HUẤN NIỀM VUI TÌNH YÊU, với mong ước khóa học này sẽ giúp anh chị em hiểu và trân trọng đời sống gia đình của mình dưới sự soi sáng, hướng dẫn và đồng hành của Giáo Hội. Nhờ đó, các gia đình Kitô giáo sẽ ngày càng được củng cố và thăng tiến, đồng thời có thể tham gia tích cực hơn vào sứ mạng chung của Giáo Hội.

Dẫn Nhập Tư Tưởng Và Giá Trị Truyền Thống Việt Nam

Nguyễn Đình Khánh SJ, PhD

Tin Mừng của Chúa Giê-su đã đem đến cho dân Việt sự giàu có hơn về đời sống tinh thần nhờ hội nhất những giá trị mới mẻ của đức tin với những giá trị truyền thống của dân tộc, đúng như lời Tin Mừng: “Đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.” (Mt 13, 52). Để sống trọn vẹn hơn sự hội nhất đó, không chỉ cần am hiểu cái “mới” mà còn cần am tường cả cái “cũ”. Môn học “Dẫn Nhập Tư Tưởng Và Giá Trị Truyền Thống Việt Nam” nhằm cung cấp cho học viên một cái nhìn khái quát về những tư tưởng và giá trị truyền thống. Cụ thể, học viên sẽ thông qua lối tiếp cận với các trường phái tư tưởng: Bản địa và Tam giáo (Nho giáo – Đạo Giáo – Phật giáo) để tìm hiểu về tư tưởng và giá trị truyền thống của dân Việt. Các bài giảng sẽ được kết hợp với trình bày nhóm, cũng như thảo luận và phản tỉnh cá nhân để “ôn cố tri tân” dưới ánh sáng của đức tin.

Hope Teatalk – Bàn trà chia sẻ đức tin

Lê Văn Luận SJ

Hope Teatalk (Bàn Trà Hy Vọng) là không gian chia sẻ, thảo luận các chủ đề liên quan đến đời sống đức tin. Đến với bàn trà Hy Vọng, mỗi học viên có cơ hội để được chia sẻ ý kiến của mình, và lắng nghe ý kiến từ các học viên khác.

Bàn Trà Hy Vọng hưởng ứng lời mời gọi sống tinh thần hiệp hành của Giáo Hội, lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần ngang qua hoàn cảnh khác nhau của mỗi người. Chủ đề gần gũi, sự lắng nghe trong tôn trọng, cách thức tổ chức đơn sơ và thiêng liêng sẽ là những đặc nét của Bàn Trà Hy Vọng.

Hiểu để tham dự tích cực Mầu nhiệm Thánh Lễ

Nguyễn Anh Huy SJ

Môn học cung cấp một vài nền tảng thánh kinh-lịch sử-thần học giúp học viên tìm hiểu Mầu nhiệm Thánh Lễ ở tận bản chất, như một toàn thể, ngang qua ba chiều kích: (1) chiều dọc: lịch sử; (2) chiều ngang: văn hóa và cộng đồng; (3) chiều sâu: biểu tượng và ý nghĩa. Tiếp đến, dựa trên nền tảng thần học phụng vụ, môn học trình bày một lối tiếp cận sáng tạo giúp khám phá năng động của Thánh Lễ và ý nghĩa thần học của từng nghi thức trong Thánh Lễ.

“Lex orandi, lex credendi, lex vivendi” (Luật cầu nguyện, luật đức tin, luật sống): những gì chúng ta cử hành trong lễ phụng vụ cũng là những gì chúng ta tin và cách chúng ta sống. Mục đích của môn học không đơn thuần dừng lại ở kiến thức, nhưng còn nhắm tới việc tham dự Thánh Lễ tích cực và sống Mầu nhiệm Thánh Lễ nơi từng học viên.

Đức tin và khoa học

Nguyễn Hữu Khanh SJ, STL

Khóa học này tra vấn về mối liên hệ giữa đức tin và khoa học. Khác biệt giữa những huyền thoại Thánh Kinh (Thiên Chúa sáng tạo trời đất và con người) và các lý thuyết khoa học (như Big Bang hay thuyết tiến hoá) khiến nhiều người nghĩ đức tin đối lập với khoa học. Nhưng liệu đức tin và khoa học có phải là kẻ thù của nhau, hay chúng là những “đối tác” tiềm năng trong hành trình tìm kiếm chân lý? Phải hiểu như thế nào về Thiên Chúa, vũ trụ, và con người dưới ánh sáng của đức tin lẫn khoa học? Có hay không một sự hội nhất giữa tri thức dựa trên lý trí và tri thức dựa trên mặc khải? Những câu hỏi này sẽ phần nào được giải đáp khi chúng ta tìm hiểu về tương quan giữa đức tin và khoa học, và nhất là đào sâu ý nghĩa một số lý thuyết nền thuộc khoa vật lý, thiên văn, và sinh học hiện đại dưới ánh sáng đức tin.

Suy tư và dự án (viết bài luận, làm dự án)

Tutors SOH

Dựa trên kiến thức đã học, kết hợp với suy tư và góc nhìn cá nhân, học viên nghiên cứu và thực hiện bài viết ngắn (10 trang) về chủ đề mà mình quan tâm. Học viên sẽ được các giảng viên đồng hành và hướng dẫn trong quá trình viết bài. Bài viết đạt yêu cầu có thể được xuất bản vào tập san của chương trình SOH và của SJJS.
Bên cạnh bài viết suy tư, học viên cũng có thể thực hiện các dự án hữu ích đóng góp cho sự phát triển của xã hội và cho Giáo Hội. Học viên có thể trao đổi với giảng viên SOH về ý tưởng của dự án, xin đồng hành và hướng dẫn trong quá trình viết và thực hiện dự án.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *