Các học viện của Dòng Tên luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giai đoạn huấn luyện Triết học. Lý do là vì Triết học “là một trong những phương thế chính yếu mà Dòng dùng để huấn luyện anh em mình, vốn là những người đang trăn trở về những vấn đề thách đố nhân loại, là những người đã hình thành cho mình thói quen suy tư phê bình tích cực về những vấn đề đó, cũng như về những giải pháp cho vấn đề vốn đã được đưa ra trong quá khứ và hiện nay, là người nắm bắt được lịch sử các tư tưởng và có thể nối kết chúng với những nền văn hóa hiện thời” (Học Quy Tổng Quát, số 72). Thêm nữa, “việc học cổ võ và kích thích những điều thường bị chết ngạt do chính cách sống và suy nghĩ của con người thời nay, đặc biệt là óc suy tư và ý thức về các giá trị sâu xa hơn và siêu việt” (Quy Luật Bổ Sung, số 82).
Học viện Dòng Tên không chỉ muốn trao truyền kiến thức và nền huấn luyện Triết học ấy cho các tu sĩ của mình, nhưng còn muốn chia sẻ thao thức và góp phần vào việc huấn luyện trí thức cho mọi ứng viên giáo sĩ, tu sĩ và thừa tác viên tông đồ giáo dân. Qua chương trình đào tạo Triết học trong 3 năm, Học viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam cung cấp cho các Triết sinh một nền đào tạo Triết học trong nhân sinh quan của thánh Inhaxiô Loyola với những phương tiện cần thiết trong hành trình truy tầm chân lý và phê bình các vấn đề cuộc sống trong tinh thần nhận định cá nhân và cộng đoàn, óc hài hước, tinh thần cầu thị và kỹ năng cộng tác.
Với tinh thần ấy, trong bốn ngày (17-20/05/2021), tại Học viện Thánh Giuse diễn ra kỳ thi bảo vệ khóa luận và tổng kết chương trình Triết học của 22 Triết sinh (Khóa 2018-2021) trước Hội đồng Giám khảo. Kỳ thi cho mỗi Triết sinh gồm 2 phần: phần bảo vệ khóa luận 30 phút (10 phút trình bày ngắn gọn, 20 phút hỏi đáp) và phần thi tổng kết cuối chương trình Triết 20 phút (hỏi đáp dựa trên 10 luận đề mà các Triết sinh đã viết). Sau đó là 10 phút hội ý chấm điểm của Hội đồng Giám khảo.
(Các giáo sư trong Hội đồng Giám khảo gồm cha Giuse Vũ Uyên Thi, S.J, cha giáo Phaolô Đậu Văn Hồng và cha Giám học Triết Giuse Bùi Quang Minh S.J)
Các chủ đề, các địa hạt Triết học, các triết gia được chọn để thực hiện khóa luận vừa phong phú vừa độc đáo: từ Thượng cổ đến Đương đại, từ Đông phương (Trung Hoa, Việt Nam) đến Tây phương (Đức, Pháp, Anh, Mỹ,…). Đó không chỉ là những mối bận tâm của riêng Triết học, nhưng cách riêng, là những thao thức và ưu tư của mỗi anh em Triết sinh khi đối diện với cuộc sống, kiếp nhân sinh và khát khao hướng về siêu việt. Đó cũng là thành quả và “hoa trái” của anh em sau nhiều năm tháng “cưu mang và thai nghén”, và cũng không thiếu những ngày mất ăn mất ngủ “vật lộn” với các bản văn và tư tưởng.
Hội đồng Giám khảo đánh giá các Triết sinh có những đề tài thực tiễn, nghiên cứu thấu đáo, suy tư sâu xa, và thực hành thao tác Triết học một cách nghiêm túc; đồng thời khích lệ các Triết sinh không chỉ “học triết” nhưng còn phải “hành triết” vì đó là cuộc sống của mỗi người. Và để hiện thực hóa khát khao ấy, chắc hẳn bên cạnh lý trí, ai cũng phải cần lấy cho mình một con tim vì đích đến cuối cùng của hành trình Triết học không phải là các nguồn triết lý của nhân loại nhưng là tìm biết Thiên Chúa.
Ước mong, sau khi đã thủ đắc được phần nào “thói quen Triết học” trong 3 năm học Triết tại Học viện Thánh Giuse, nay các Triết sinh đã “trở nên thân thuộc hơn với kinh nghiệm nhân sinh và đặc biệt là với việc chúng ta loan truyền niềm tin cho người khác” và sẵn sàng đem tinh thần Triết học vào trong đời sống và sứ mạng của mình, hầu làm vinh danh Chúa hơn và mưu ích cho các linh hồn hơn.
Ban truyền thông
Học Viện Dòng Tên