QUY CHẾ HỌC TẬP KHỐI THẦN
- Công nhận môn học & chuyển tín chỉ
Kết quả các môn đã học ở trường khác có thể được công nhận tại Học Viện. Số lượng môn học được công nhận sẽ không vượt quá 30% tổng lượng chương trình Thần Học. Học viên từng theo học ở trường khác 4 môn học trở lên chỉ được phép thi tốt nghiệp ở hạng thông thường (ordinary comprehensive examination) (x. Bản Quy Định Thi Sát Hạch Toàn Diện Chương Trình Thần Học, số 8§4).
Giám Học sẽ xem xét và quyết định công nhận các môn học. Các môn này phải có kết quả trên trung bình (14/20) và có số tín chỉ tương ứng với môn học đó tại Học Viện.
- Đăng ký môn học liên thông giữa các trường
Học viên có thể đăng ký môn học ở trường khác với sự đồng ý của Giám Học, và của vị hữu trách của trường tiếp nhận.
Môn học đăng ký liên thông có thể được công nhận nếu có kết quả trên trung bình (14/20). Trong trường hợp cần thiết, Giám Học có quyền yêu cầu học viên làm bài kiểm tra để công nhận môn học.
- Dừng việc học
Học viên có từ hai môn học dưới trung bình (10/20) sẽ không được xét tốt nghiệp chương trình Cử Nhân Thần Học.
Nếu thi trượt hai lần kỳ thi Tổng Kết Thần Học, học viên bị loại khỏi chương trình Cử Nhân Thần Học.
- Tạm hoãn việc học
Nếu vắng mặt một học kỳ, học viên phải làm đơn tạm hoãn việc học theo mẫu của Học Viện. Trong thời gian tạm hoãn, học viên không được theo học tại một trường khác. Thời hiệu làm đơn là sáu tuần sau khi bắt đầu mỗi học kỳ. Ngoài ra, học viên phải làm đơn xin rút khỏi các môn học đã đăng ký (nếu có).
- Quy định về hạn kỳ/ thời hạn
Theo thường quy, thời hạn chương trình Cử Nhân Thần Học là năm (5) năm kể từ ngày nhập học. Thời hạn này bao gồm cả thời gian tạm hoãn việc học.
- Phục hồi việc học
Nếu không xin tạm hoãn việc học mà vắng mặt trong hai học kỳ liên tiếp, học viên phải làm đơn xin phục hồi việc học. Giám Học sẽ xem xét và quyết định tiến trình phục hồi việc học.
- Gia hạn
Nếu vượt quá thời hạn 5 năm, học viên phải làm đơn xin gia hạn và ghi rõ thời lượng gia hạn. Giám Học sẽ xem xét và chuẩn nhận đơn này.
- Phục hồi việc học và gia hạn thời gian
Nếu vắng mặt hai học kỳ liên tiếp và vượt quá thời hạn 5 năm, học viên phải làm đơn xin phục hồi việc học và đơn xin gia hạn, đồng thời ghi rõ thời lượng gia hạn. Giám Học sẽ xem xét và chuẩn nhận hai đơn này.
- Thâu nhận lại
Nếu vắng mặt ba học kỳ liên tiếp mà không có đơn xin tạm hoãn việc học, học viên sẽ bị loại khỏi chương trình. Học viên phải làm đơn xin được thâu nhận lại nếu muốn quay lại chương trình. Giám Học sẽ xem xét và chuẩn nhận đơn này.
- Thời hạn công nhận tín chỉ
Nếu vượt quá thời hạn năm (5) năm, môn học sẽ không được công nhận tín chỉ.
- Tín chỉ hay dự thính
Tất cả các khoá học trong chương trình sẽ được tích luỹ tín chỉ. Ngoài ra, học viên có thể đăng ký học dự thính nếu được sự cho phép của Giám Học.
- Thay đổi từ tín chỉ sang dự thính và ngược lại
Nếu muốn chuyển đổi môn học tích luỹ tín chỉ sang dự thính hoặc ngược lại, học viên phải làm đơn xin chuyển đổi tín chỉ. Đơn này phải được sự chấp thuận của Giám Học và được thực hiện trước thời hạn do Học Viện ấn định.
- Rút khỏi, thêm vào, thay thế khoá học
Học viên muốn rút khỏi, thêm vào, thay thế khoá học phải làm đơn xin. Đơn này phải được sự chấp thuận của Giám Học và thực hiện trước thời hạn do Học Viện ấn định. Nếu học viên không làm đơn theo quy định, môn học đó sẽ có kết quả <10/20 (rớt). Tương tự, việc thay thế hay thêm vào khoá học cũng không có hiệu lực nếu học viên không làm đơn theo quy định. Trong thời gian chờ được xét duyệt, học viên phải tham dự các khoá học đã đăng ký.
- Quá tải
Số lượng tín chỉ thông thường cho mỗi niên học là 60 tín chỉ ECTS. Học viên muốn đăng ký vượt số tín chỉ này phải được sự chấp thuận của Giám Học.
- Yêu cầu phúc khảo điểm
Tiến trình phúc khảo điểm có thể được thực hiện từ phía học viên hoặc giáo sư. Lí do phúc khảo phải chính đáng, được giải thích bằng văn bản đi kèm với những chứng cứ xác đáng (bài thi, bài thuyết trình, các bài luận). Học viên xin phúc khảo phải được giáo sư chấp thuận trước khi đệ trình lên Giám Học. Thời hạn phúc khảo là 10 ngày sau khi Học Vụ công bố điểm số môn học.
- Yêu cầu dự lớp
Học viên phải tham dự đầy đủ các giờ lớp của môn học. Nếu học viên vắng mặt quá 25% giờ lớp, giáo sư có quyền loại học viên ra khỏi môn học và cho kết quả <10/20 (rớt), hoặc học viên được xem như tự rút khỏi môn học mà không xin phép.
- Đồng hành cá nhân thay cho dự lớp
Trong trường hợp đặc biệt, học viên có thể xin giáo sư đồng hành cá nhân thay vì tham dự giờ học tập trung ở lớp. Tuy vậy, trong trường hợp này, học viên cần thống nhất với giáo sư về bài đọc, bài làm, bài nghiên cứu. Để lấy điểm môn học, học viên phải tham dự kỳ thi cuối môn, hoặc nộp bài nghiên cứu thay cho kỳ thi.
Học viên cần có sự chấp thuận của Giám Học trước khi sắp xếp với giáo sư để xin đồng hành cá nhân. Đơn xin đồng hành cá nhân được làm theo mẫu của Học Viện.
- Hệ thống quy đổi điểm
(Xem mục Mục “Học vụ” – “Thang điểm và Xếp loại” tại trang chủ)
- Tiêu chuẩn học thuật chương trình Cử Nhân Thần Học
Học viên thuộc chương trình cử nhân phải đạt điểm trung bình học kỳ tối thiểu là 16/20 (B) để có thể tiếp tục chương trình học.
Học viên có từ hai môn học <8/20 sẽ không được xét tốt nghiệp chương trình Cử Nhân Thần Học.
Học viên phải học lại nếu đạt kết quả môn học <8/20. Đối với các môn học tự chọn hoặc seminar, học viên có thể chọn thay thế môn học khác tương ứng.
Học viên đạt điểm trung bình toàn bộ chương trình từ 17 trở lên (B+) đủ tiêu chuẩn dự thi Tổng Kết Thần Học hạng danh dự (honors comprehensive examination).
- Đánh giá kết quả môn học
Kết quả môn học được đánh giá dựa trên các phương thức khác nhau như tham dự lớp, bài viết (bài nghiên cứu, phản tỉnh, báo cáo), bài viết giữa kỳ và bài viết cuối môn,… theo ấn định của giáo sư. Học viên tại Học Viện được khuyến khíchiết bài thu hoạch mỗi khoá học với độ dài 2500 – 3000 từ, không tính Thư Mục Tham Khảo.
Các tiêu chuẩn đánh giá kết quả môn học, trọng phần tương ứng, cách thức tính điểm phải được ấn định rõ trong phần mô tả môn học (syllabus) và được giải thích cho học viên từ đầu môn học. Kết quả cuối môn học được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Đối với môn học do nhóm giáo sư dạy, kết quả cuối môn được tính trung bình cộng của các giáo sư.
Đối với các môn phức hợp bao gồm từ hai phân môn trở lên do một vị giáo sư dạy (vd: Thánh Vịnh và Văn Chương Khôn Ngoan), kết quả cuối môn được tính theo mức trung bình cộng của các phân môn. Học viên thi rớt phân môn nào thì chỉ cần thi lại phân môn ấy.
- Thi lại
Kết quả cuối môn học trong khoảng từ 8 đến dưới 10/20 thì phải thi lại; dưới 8/20 phải học lại. Trong trường hợp thi lại, điểm số sẽ được cải thiện tối đa lên mức 10/20, hoặc bị rớt xuống dưới 8/20 và phải học lại.
- Quy định Thi Sát Hạch Toàn Diện Thần Học
- Học viên thuộc chương trình cử nhân thần học (STB) phải được sát hạch toàn diện hiểu biết thần học sau khi hoàn tất tất cả những môn học đòi buộc. Kỳ thi này nhằm đánh giá xem mỗi học viên có đạt đủ kiến thức thần học về sứ điệp Ki-tô giáo hầu có thể thực thi hiệu quả sứ vụ của họ.
- Thông thường, kỳ thi này được tổ chức vào học kỳ cuối cùng của chương trình bốn năm thần học căn bản.
- BGH tại Học Viện có trách nhiệm soạn thảo và định rõ danh sách những đề tài bao hàm toàn diện chương trình thần học. Danh sách này cần được điều chỉnh theo tính cập nhật hóa của chương trình giảng dạy. Để bảo đảm mức tương đương trong trình độ học và tiêu chuẩn thi, ban soạn thảo có thể đối chiếu với các đề tài thi của các trường thần học Dòng Tên khác.[1]
Danh sách các đề tài dọn thi hiện thời bao gồm những tín điều và giáo lý đức tin được Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng trong Kinh Tin Kính (The Niceno-Constantinopolitan Creed). Các đề tài đó nhằm giúp thí sinh liên kết những điều đã học hỏi trong các môn về Kinh Thánh, Thần Học Hệ Thống, Giáo Phụ và Giáo Sử, Luân Lý, Tu Đức và Mục Vụ trong tiến trình ôn tập và tổng hợp.
Các đề tài hoặc dữ liệu giúp chuẩn bị thi được phát cho thí sinh ít là ba tháng trước ngày thi.
- Ngoài ra, phán đoán về thần học luân lý và áp dụng giáo luật được khảo sát kỹ lưỡng hơn trong một kỳ thi riêng khi thí sinh kết thúc khóa học về Mục Vụ Bí Tích Giải Tội (Ad Audiendas Confessiones).
- Tiến trình dọn thi là điểm nhắm quan trọng của kỳ thi bao hàm toàn diện này. Các học viên cần tổ chức để ôn tập và chuẩn bị chung theo nhóm với nhau. Họ cũng có thể chủ động tiếp xúc các giáo sư liên hệ để xin hướng dẫn và bổ túc.
- Tuỳ theo điều kiện cho phép, đồng thời để tránh gây hoang mang làm phương hại đến tiến trình ôn tập và chuẩn bị của thí sinh, thành phần ban giám khảo chỉ được công bố hai ngày trước buổi thi.
- Tùy vào kết quả học tập, thí sinh được xét thi một trong hai hình thức sau đây.
- Mẫu 1: Sát hạch toàn diện thần học theo hạng bình thường hoặc Thi Toàn Diện Bình Thường (The Ordinary Comprehensive Examination).
Hình thức thi này kéo dài 60 phút trước một ban giám khảo gồm ba vị giáo sư. Căn bản của buổi thi này dựa trên 10 luận đề thần học, hoặc các câu hỏi và đề tài được chuẩn bị trước, theo cấp độ tuy bình thường nhưng vẫn duy trì được tính cách toàn diện. Mỗi giám khảo sát hạch thí sinh 20 phút.
Ba tuần trước ngày thi, thí sinh thi cấp bình thường phải nộp bài 10 luận đề cho Giám Học. - Mẫu 2: Sát hạch toàn diện thần học theo hạng danh dự hoặc Thi Toàn Diện Danh Dự (The Honors Comprehensive Examination).
Hình thức thi toàn diện danh dự này kéo dài 90 phút trước một ban giám khảo gồm ba vị giáo sư. Tiến trình chuẩn bị cho cuộc thi danh dự này tạo cơ hội cho các học viên đạt tiêu chí của chương trình thần học một cách xuyên suốt hơn, và hấp thụ được toàn bộ chương trình thần học một cách cá nhân và sáng tạo hơn.
- Mẫu 1: Sát hạch toàn diện thần học theo hạng bình thường hoặc Thi Toàn Diện Bình Thường (The Ordinary Comprehensive Examination).
- Điều kiện về kết quả học tập
-
- Học viên đạt kết quả trung bình toàn bộ môn học từ 17/20 được chấp thuận cho thi toàn diện hạng danh dự (honors).
- Học viên đạt điểm trung bình môn học từ 16 đến dưới 17 có thể làm đơn xin thi toàn diện hạng danh dự. BGH sẽ xem xét và chuẩn nhận đơn này.
- Nhằm mục đích lượng giá trình độ kiến thức của các học viên Dòng Tên trong tiến trình phân định về khả năng theo học chuyên sâu hơn hoặc nhận tuyên khấn lần cuối, nếu cần, Giám Tỉnh và BGH có thể cứu xét cho một học viên Dòng Tên thi toàn diện theo Mẫu II.
- Nếu đã học từ 4 môn trở lên tại một học viện khác trước khi theo học tại Học Viện, học viên chỉ được phép thi theo hình thức thông thường.
- Tiến trình thi Toàn Diện Danh Dự (Mẫu II)
-
- Kỳ thi toàn diện danh dự gồm 2 phần
- Mỗi vị trong ban 3 giám khảo sát hạch thí sinh 20 phút trên căn bản dựa vào những đề tài thần học của kỳ thi toàn diện thông thường.
- Sau phần giải lao, thí sinh trình bày bài luận thần học tổng kết của mình trong vòng 10 phút. Ba giám khảo sát hạch thí sinh thêm tổng cộng 20 phút nữa dựa trên chi tiết của bài luận thần học đó.
Mỗi giám khảo cho điểm riêng dựa trên toàn bộ những gì thí sinh ứng đáp trình bày. Phần sát hạch đầu chiếm 2/3 và phần sát hạch sau chiếm 1/3 tổng số điểm chung kết của kỳ thi. Giám khảo cho điểm dựa trên thang số 20.
- Về bài luận văn tổng kết
Bài luận văn trong tiến trình thi danh dự nhằm giúp học viên thống nhất được những đề tài thần học bằng cách đào sâu một tiêu điểm nhất định. Thí sinh có thể bao gồm những lãnh vực chính trong danh sách những đề tài thần học giúp dọn thi. Khi viết bài luận văn, thí sinh cần tham khảo với giáo sư hướng dẫn hầu có thể nối kết một cách sáng tạo những chủ đề trong nội dung đức tin Công Giáo với đề luận mình chọn để trình bày cách mạch lạc và thuyết phục.
- Bài luận văn cần mang những đặc tính: (i) Viết, (ii) Cá vị, (iii) Tích cực, và (iv) Toát yếu
- Viết (written). Bài luận văn dài ít nhất là 20 trang và không quá 30 trang A4, đánh máy cách hàng (double-spaced), chừa lề thông thường, dùng mẫu chữ Times New Roman 12.[2] Bài tổng kết này phải thật súc tích, rõ ràng và mạch lạc. Người viết cần chú tâm đến điểm nhấn mạnh của Công Đồng Vatican II về tính thích nghi trong trình bày thần học: “Chính Giáo Hội ngay từ buổi đầu của lịch sử mình đã ra sức diễn tả sứ điệp của Chúa Kitô bằng những ý niệm và ngôn ngữ của nhiều dân tộc. Hơn nữa, Giáo Hội còn cố gắng dùng sự khôn ngoan của các triết gia để làm sáng tỏ sứ điệp ấy. Làm như thế nhằm thích nghi Phúc Âm trong mức độ có thể, với tầm hiểu biết của mọi người cũng như với các đòi hỏi của các nhà hiền triết. Rao giảng Lời mạc khải cách thích nghi như vậy còn phải là luật lệ cho mọi công cuộc truyền giáo.” (Gaudium et Spes, 44).
- Cá vị (personal). Thí sinh có tự do để khởi đầu bài luận tổng hợp với một đề tài giáo lý đức tin bắt nguồn từ kinh thánh, các giáo phụ, tư tưởng thần học, hoặc một lập luận nổi bật của các nhà thần học chính chuyên… Trong phần khai triển và lập luận, người viết cần quảng diễn và nối kết được đề tài đó cách mạch lạc, hấp dẫn và thuyết phục với toàn bộ các đề tài chủ yếu trong giáo lý đức tin Công Giáo, được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
- Tích cực (positive). Bài luận tổng kết được coi là chưa đủ nếu chỉ liệt kê một danh sách những khó khăn đối nghịch với đức tin Ki-tô giáo. Các điểm giáo lý cốt lõi cần được dẫn giải, khai triển, lập luận cách xây dựng và sáng tạo.
- Toát yếu (synoptic). Như một đề cương tổng hợp thần học của thí sinh, bài viết cần phải vắn gọn nhưng bố cục chặt chẽ, nội dung súc tích, ý tưởng ăn khớp với nhau.
- Ba tuần trước ngày thi, thí sinh được thi toàn diện danh dự phải nộp bài 10 luận đề và luận văn tổng kết đã được giáo sư hướng dẫn chấp thuận. Bài 10 luận đề và Luận văn tổng kết được in ra thành 5 bản và nộp cho Giám Học.
- Trong phần bảo vệ, thí sinh cần chuẩn bị để
- Làm sáng tỏ những điểm hàm ý hoặc những điểm còn tối nghĩa;
- Bảo vệ hoặc bàn cãi quan điểm của mình;
- Nêu được nền tảng Kinh Thánh cho những khẳng định của mình;
- Bình luận những công bố quan trọng từ Huấn Quyền về tín lý có liên quan đến điều mà thí sinh tán thành;
- Tham chiếu những giải quyết quan trọng của Giáo Hội về những đề tài tín lý và phụng vụ từng được bàn luận theo chiều dày của lịch sử Giáo Hội.
- Đánh giá kỳ thi Toàn Diện Thần Học
Trong kỳ thi Toàn Diện Thần Học, mỗi thành viên Ban Giám Khảo cho điểm dựa trên toàn bộ phần thi của học viên. Nếu đa số thành viên Ban Giám Khảo cho điểm rớt, học viên sẽ rớt kỳ thi mà không cần tính trung bình cộng điểm từ các Giám Khảo. Nếu đa số thành viên Ban Giám Khảo cho điểm đậu, học viên sẽ đậu và nhận điểm chung cuộc được tính theo trung bình cộng điểm từ các Giám Khảo.
Mức điểm đậu đối với thí sinh thi hạng thông thường là 13, đối với thí sinh hạng danh dự là 16.
Trong trường hợp bị rớt, học viên được phép thi lại chỉ một lần duy nhất. Nếu vượt qua kỳ thi lại, điểm chung cuộc đối với thí sinh hạng thông thường chỉ là 13, đối với thí sinh hạng danh dự chỉ là 16. Học viên rớt kỳ thi lại sẽ bị loại khỏi chương trình cử nhân thần học.
- Đánh giá kết quả kỳ thi Nghe Giải Tội
Trong kỳ thi Nghe Giải Tội, học viên nhận kết quả Đậu hoặc Rớt. Nếu rớt, học viên được thi lại tối đa hai lần. Nếu nhận kết quả Đậu Có Điều Kiện, học viên phải gặp lại Giám Khảo để được khuyên bảo.
- Điểm trung bình cuối khoá
Điểm trung bình cuối khoá của chương trình Cử Nhân Thần Học được tính theo trung bình cộng của tất cả các môn học có trong chương trình. Trong đó, trọng phần mỗi môn học sẽ tương ứng với số tín chỉ của môn học đó. Đối với học viên tốt nghiệp hạng danh dự, tiêu chuẩn xét hạng danh dự sẽ tuân theo quy định ở mục 21.
- Đánh giá hạng danh dự cho chương trình Cử Nhân Thần Học
Đối với học viên tốt nghiệp được xét duyệt hạng danh dự, kết quả cuộc thi Toàn Diện Thần Học được tính 30% tổng lượng chương trình (Quality Point Index – QPI).
Học viên đạt hạng danh dự dựa theo kết quả chung cuộc: Cum Laude (17.00-17.99), Magna cum Laude (18.00-18.99), Summa cum Laude (19.00-20.00).
- Chọn lựa thủ khoa lớp cử nhân thần học
Thủ Khoa lớp Cử Nhân Thần Học phải hội đủ các tiêu chuẩn sau: (a) tốt nghiệp hạng tối thiểu là Cum Laude, (b) sở đắc khả năng lãnh đạo và tham gia các hoạt động của trường và của cộng đoàn tu trì, và (c) có khả năng viết và phát biểu diễn văn ra trường. Định mức các tiêu chuẩn chiếm tỉ trọng: 40% việc tham gia hoạt động của Học Viện, 30% kết quả học tập, 20% bầu chọn của các học viên cùng lớp, 10% những hoạt động bên ngoài Học Viện.
Học Vụ thu thập hồ sơ ứng viên thi hạng danh dự: bảng điểm tổng chương trình thần học, CV (curriculum vitae) của ứng viên, bản sao luận văn của các ứng viên, điểm chung cuộc kỳ thi Toàn Diện Thần Học.
Sau kỳ thi Toàn Diện Thần Học, Học Vụ chuyển hồ sơ của ứng viên cho BGH.
BĐDHV sẽ đề cử với BGH ứng viên phát biểu ra trường theo các tiêu chuẩn được đặt ra. Đề cử này phải dựa trên ý kiến tham vấn của ít nhất ¾ học viên cùng lớp.
BGH xét duyệt hồ sơ có liên quan và kết quả đề cử của BĐDHV để chọn ra học viên phát biểu ra trường (valedictorian).
[1] Tại Học Viện, các học viên sẽ được hướng dẫn 30 tiết để biết hệ thống hóa các đề tài thần học cơ bản thành hồ sơ 10 luận đề, tổng hợp và soạn thảo chúng thành tập tài liệu dự thi.
[2] Về độ dài bài luận, ước chừng sẽ dao động trong khoảng 37.000 đến 45.000 ký tự, bao gồm ký tự trắng, cước chú, mục lục, thư mục, nhưng không kể trang bìa và phụ lục.