Trong Kinh Thánh không thấy “hãy tha thứ và bỏ qua”. Nếu có thể quên những gì người khác đã làm cho mình, bạn sẽ không cần phải tha thứ cho họ. Chính vì chúng ta nhớ rất rõ ràng đến từng chi tiết những lời nói và hành động người khác đã xúc phạm đến mình, nên sự tha thứ có giá trị và đáng khen.

Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ của Ngài tha thứ cho kẻ thù của họ, yêu mến những người ghét họ, và cầu nguyện cho những kẻ bách hại họ. Thật không dễ tha thứ khi bạn nhớ những gì kẻ thù đã nói và đã làm. Một số Kitô hữu nghĩ rằng quên cũng giống như tha thứ. Không phải vậy. Sự tha thứ có nghĩa là tôi không còn nhắc lại với những người tôi đã tha thứ rằng tôi đã tha thứ cho họ.

Sự tha thứ của người Kitô hữu không chỉ mang nghĩa không tìm cách trả thù, mà còn là việc cố gắng không cứ mãi nghĩ về và hoài nhắc đi nhắc lại những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Tha thứ có nghĩa là cho ai đó một cơ hội khác, cũng như việc chúng ta cầu xin Thiên Chúa tha thứ và cho chúng ta một cơ hội khác. Tha thứ không có nghĩa là chúng ta từ chối quá khứ hay vờ xem chẳng có hậu quả nào ảnh hưởng đến những lựa chọn và hành động của chúng ta. Bên cạnh hành động tha thứ vĩ đại của Đức Kitô trên thập giá khi Ngài đang bị đóng đinh: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34), sau đây là hai ví dụ tương tự khác.

Vào tháng 7 năm 1902, khi Maria Goretti gần 12 tuổi, một cậu bé 19 tuổi tên là Alessandro đã đâm chết cô khi cô không chịu lời mời nhục dục của anh ta. Khi cô đang hấp hối, cô nói với mẹ, với bác sĩ và y tá rằng cô đã tha thứ cho kẻ tấn công cô với những gì anh ta đã làm. Ở tuổi 12, cô đã cho thấy sự dư tràn tinh thần anh dũng.

Alessandro bị kết án và tuyên phạt 30 năm lao động khổ sai. (Anh ta được coi là trẻ vị thành niên vì chỉ mới 19 tuổi lúc phạm tội giết người. Vào thời điểm đó, 21 tuổi mới là tuổi trưởng thành). Sau 6 năm thi hành án, anh gặp một thị kiến về việc Maria Goretti nói với anh rằng cô đã tha thứ cho anh. Anh xin gặp một linh mục, xưng thú tội ác của mình và nhận được ơn tha thứ của Bí Tích Hòa Giải. Khi được thả ra vào năm 1932, Alessandro đến nhà bà Goretti để xin bà tha thứ. Bà mở cửa và nhìn thấy mặt đối mặt, mắt nhìn mắt người đàn ông ba mươi năm trước đã giết cô con gái Maria 11 tuổi của mình. Bà nói nếu Chúa Giêsu và con gái Maria của bà có thể tha thứ cho anh, bà cũng phải tha thứ cho anh. Cả hai đều tham dự Lễ Giáng Sinh vào ngày hôm sau, và anh đã xin giáo dân giáo xứ và người dân ở thị trấn tha thứ cho mình. Anh đã dành phần đời còn lại của mình trong thinh lặng như một tu huynh giáo dân tại một tu viện Phanxicô.

Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tha thứ cho tên ám sát Mehmet Ali Agca vào năm 1981 và vào thăm anh ta trong nhà tù sau khi ngài hồi phục vết thương. Các tài liệu được phát hành gần đây từ Stasi, cựu cơ quan gián điệp Đông Đức cho thấy KGB và điện Kremlin thực ra là những kẻ đứng sau âm mưu ám sát giáo hoàng. Họ sợ rằng ảnh hưởng của ngài lên khối Đoàn Kết và người Ba Lan sẽ lớn mạnh đến mức ngài có thể và cuối cùng sẽ trở thành chất xúc tác để hủy hoại năm mươi năm thống trị của Liên Xô. Nếu Cộng sản Ba Lan chuyển sang chế độ dân chủ, thì toàn bộ Hiệp ước Warsaw sẽ gặp nguy hiểm. Họ thoáng biết rằng toàn thể Liên bang Xô viết sẽ sớm tan rã.

Agca, một người Thổ Nhĩ Kỳ 23 tuổi, đã được chi nhánh KGB ở Bungari (theo một ủy ban nghị viện năm 2006 của Ý) dùng đến để ám sát Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981 (ngày kỷ niệm cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria với ba trẻ ở Fatima, Bồ Đào Nha năm 1917), ngài đã đến Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma và hòa vào đám đông khán giả 20.000 người trong một cuộc diễu hành ngoài trời thường kỳ của giáo hoàng. Sau bài nói chuyện, khi chiếc xe hơi màu trắng của Đức Thánh Cha đang chầm chậm đi qua đám đông (thường được gọi một cách đáng yêu là Popemobile), từ khoảng cách mười lăm feet Agca đã bắn bốn phát súng từ khẩu súng lục 9 mm vào Đức Thánh Cha.

Mặc dù vết thương hầu như gây tử vong, vị giáo hoàng vẫn sống sót qua vụ xả sung ấy. Từ giường bệnh viện, ngài nói với báo chí rằng ngài đã tha thứ cho Agca. Sau khi hồi phục từ cuộc giải phẫu và bình phục hoàn toàn, Đức Thánh Cha đã viếng thăm kẻ sát nhân đang bị giam giữ. Ngài đi vào trong phòng giam, nơi Agca bị giam và chính ngài đã nói ra những lời tha thứ. Agca không bao giờ cải đạo sang Công Giáo, nhưng Đức Thánh Cha tiếp tục liên lạc với gia đình anh, đặc biệt sau khi anh bị trục xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ để chấp hành một án tù khác mà anh đã đào tẩu xảy ra trước vụ nả súng vào giáo hoàng.

Như Maria Goretti, Đức Gioan Phaolô II đã cho thế giới thấy rằng sự tha thứ là một điều có thể.

Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 241-243.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *