(Hình ảnh từ internet) 

Môn Học: Triết Học Đạo Đức
Học Viên: Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Giáo Sư: Phạm Văn Ái, S.J.

Sống trong xã hội, có lẽ không ai phủ nhận rằng “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Đã có tổ chức, phải có luật. Luật là điểm quy chiếu cho tập thể. Thế nhưng, liệu luật có phải là chìa khóa vạn năng cho mọi vấn đề luân lý? Chắc hẳn không! Bởi nếu chỉ có luật, xã hội sẽ chỉ là cái xác vô hồn, như thánh Phaolô nói: “Văn tự thì giết chết” (2 Cr 3, 6). Vậy, cái gì mới tạo nên một xã hội sống? Như một câu trả lời, bài viết này là một nỗ lực tìm hiểu khái niệm Epikeia – cái có thể chi phối cả luật, cái tinh thần của luật, vốn được Aristote thiết lập (Nicomachean Ethics); thánh Tôma Aquinô phát triển (Tổng Luận Thần Học); và Hội Thánh Công Giáo áp dụng.

Sống trong xã hội, có lẽ không ai phủ nhận “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Đã có tổ chức, phải có luật. Luật là điểm quy chiếu cho tập thể. Thế nhưng, liệu luật có phải là chìa khóa vạn năng cho mọi vấn đề luân lý? Chắc hẳn không! Bởi nếu chỉ có luật, xã hội sẽ chỉ là cái xác vô hồn, như thánh Phaolô nói: “Văn tự thì giết chết” (2 Cr 3, 6). Vậy, cái gì mới tạo nên một xã hội sống? Đó là Epikeia – cái có thể chi phối cả luật, cái tinh thần của luật. Bài viết này là một nỗ lực tìm hiểu khái niệm Epikeia vốn được Aristote thiết lập (Nicomachean Ethics); thánh Tôma Aquinô phát triển (Tổng Luận Thần Học); và Hội Thánh Công Giáo áp dụng.

Tiên vàn, theo từ nguyên Hy Lạp, Epikeia nghĩa là “phù hợp”, “thích hợp”, “lập luận” (reasoning).[1] Dựa vào đó, Aristote cho rằng “bản chất của Epikeia là một sự sửa đổi (correction) luật do những thiếu sót xuất hiện từ tính phổ quát của nó”.[2]

Trước khi phân tích Epikeia, ta thử tìm hiểu giá trị của luật. Đối với Aristote, vì mọi tri thức và hành động đều hướng về cộng đồng, luật cũng được thiết lập để làm thăng tiến hạnh phúc cộng đồng.[3] Cộng đồng là nơi con người cùng nhau mưu cầu hạnh phúc cho mình. Từ đó, luật ra đời. Luật là thước đo và nền tảng để bảo vệ lợi ích tập thể. Khi anh tôn trọng luật nghĩa là anh tôn trọng quyền lợi của tập thể. Và khi tập thể được thăng tiến, chính anh, thành viên của tập thể, cũng được thăng tiến. Vậy, luật thì thiết yếu cho xã hội. Ví dụ, ta có luật không giết người. Nếu mọi người đều tôn trọng luật này thì sẽ không có ai bị chết một cách oan uổng. Đó không chỉ là hạnh phúc cho cộng đồng mà còn cho từng cá nhân.

Những điều nêu trên giả thiết rằng luật, sau khi đã thống nhất, phải được áp dụng cho mọi người trong cộng đồng. Đây là tính phổ quát hiển nhiên của luật. Tuy nhiên, chính tính phổ quát này lại làm luật bị thiếu sót. Thực ra, không phải luật nào cũng có thể áp dụng mọi lúc mọi nơi cho mọi người trong mọi tình huống. Có những trường hợp loại trừ vốn nằm ngoài văn bản luật. Ví dụ, luật bảo rằng không được giết người. Nhưng ta phải làm sao khi một kẻ cướp lăm lăm khẩu súng trên tay đòi ám hại gia đình ta? Lúc này, hiển nhiên luật “không giết người” không thể được thực hiện vì hành động giết kẻ cướp kia là một hành động tự vệ.

Quả thế, nếu Trang Tử bên Trung Quốc cho rằng “Ý tại ngôn ngoại”, Aristote cũng thừa nhận, luật lệ sẽ không thể diễn giải hết được tinh thần của nhà lập pháp. Không sai! Những nhà lập pháp ý thức sự biến chuyển khôn dò của xã hội vốn đối nghịch với những luật lệ vô hồn, chết cứng. Khi viết luật, những nhà lập pháp thường cố gắng diễn tả rõ ràng chi tiết đến mức có thể; nhưng họ cũng ý thức những điều họ viết luôn cần phải được hiểu bằng tinh thần, cần phải được áp dụng một cách khôn ngoan. Cho nên, ta không lấy làm lạ nếu hàng năm vẫn có những dự luật bổ sung, sửa đổi hoặc thay đổi hoàn toàn mới trong một tổ chức nào đó. Cụ thể, tổng thống Argentina hiện nay đang đưa ra dự luật cho phép hôn nhân đồng tính. Nhưng luật này có phù hợp với tinh thần những nhà lập pháp buổi đầu chăng? Điều đó ta không lạm bàn.

Dưới nhãn quan đó, khi nói rằng Epikeia là một sự sửa đổi (correction) luật, Aristote không muốn phủ nhận giá trị của luật nhưng muốn nhấn mạnh giá trị của tinh thần luật. Luật là do con người soạn. Những gì nhà lập pháp soạn so với ý của họ vẫn còn một khoảng cách không nhỏ. Vì thế, Epikeia đúng hơn không phải để sửa đổi (correction) nhưng để kiện toàn (perfect) luật. Epikeia, trong mắt Aristote, đã trở thành một khái niệm, một nguyên tắc tất yếu để mỗi cá nhân tìm thấy hạnh phúc của mình trong cộng đồng.

Tôi thiết nghĩ cũng nên đề cập thêm về mối tương quan giữa Epikeia và nhân đức công bằng. Aristote phân biệt hai loại công bằng: Công bằng phổ quát và công bằng cụ thể. Công bằng phổ quát chỉ có trong một xã hội hoàn hảo. Ở đây, ta nói đến công bằng cá biệt (particular justice). Nơi đâu có hình phạt được thực thi cho những tội ác cụ thể hoặc những hành động bất công, nơi ấy có nhân đức công bằng cá biệt.[4] Như thế, công bằng ở đây được hiểu là hành động đảm bảo luật được thực thi. Nói cách khác, công bằng được đặt nền tảng trên luật. Con người trong cộng đồng cư xử với nhau dựa hoàn toàn trên luật một cách đồng đẳng. Nhân danh công bằng, anh không giết tôi và tôi không giết anh. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu có công bằng không khi một người giàu sụ tuyên bố anh hay chị ta không có trách nhiệm đối với những người nghèo khổ lam lũ ngay bên cạnh? Và một xã hội đơn thuần đặt nền trên sự công bằng như thế liệu có phải là một xã hội hạnh phúc chăng?

Theo tôi, sự công bằng có chăng chỉ duy trì được cơ cấu giúp xã hội không loạn mà thôi. Đó là tình trạng thấp nhất của hạnh phúc, như trong chương 38 sách Lão Tử chép:

“Đạo mất rồi sau mới có đức, đức mất rồi sau mới có nhân, nhân mất rồi sau mới có nghĩa, nghĩa mất rồi sau mới có lễ. Lễ là biểu hiện sự suy vi của trung tín (trung hậu, thành tín), là đầu mối của sự hỗn loạn.”

Có lẽ vì cùng một lý do ấy, Aristote, trong cuốn Nicomachean Ethics cũng ưu tiên Epikeia hơn công bằng.[5] Nói như thế không có nghĩa Aristote xem công bằng thì hoàn toàn thua kém so với Epikeia. Ta nên nhớ rằng Aristote vẫn thường xem công bằng là nhân đức vĩ đại nhất trong các nhân đức.[6] Điều Aristote muốn nói là công bằng và Epikeia không hoàn toàn giống nhau cũng không hoàn toàn khác nhau.[7] Chúng có mối tương quan hỗ tương. Trong khi công bằng giúp ổn định xã hội dựa trên luật thì Epikeia lại giúp luật trở nên uyển chuyển. Nói cách khác, nếu công bằng chỉ giúp người ta giữ luật của văn bản thì Epikeia lại giúp tìm đến tinh thần của nhà lập pháp. Trong khi bản chất của luật là định hướng xã hội, Epikeia lại định hướng luật. Do vậy, trong mắt của Aristote, nếu phải chọn lựa, Epikeia vẫn được ưu tiên hơn. Đó cũng là ý nghĩa “kiện toàn luật” của Epikeia.

Thừa hưởng tất cả những lập luận của Aristote, thánh Tôma Aquinô tiếp tục đào sâu khái niệm Epikeia và khẳng định rằng Epikeia là một nhân đức. Câu hỏi là: Tại sao trở thành một nhân đức lại quan trọng trong quan điểm về Epikeia? Câu trả lời sẽ quy về Luật tự nhiên – nền tảng trong lập luận của Tôma Aquinô.

Trước tiên, ta xem thử nhân đức là gì. Trong Tổng Luận Thần Học của Tôma Aquinô, nhân đức được định nghĩa là thói quen làm việc tốt.[8] Như thế nào là “tốt”? Nếu Aristote giải thích “tốt” là làm thăng tiến hạnh phúc của cộng đồng, thì thánh Tôma muốn khai thác bản chất “tốt” của con người thông qua Luật tự nhiên.

Dựa vào sách Sáng Thế, Tôma Aquinô tin rằng bản chất tốt của con người là một điều tự nhiên được Thượng Đế phú bẩm từ thuở lọt lòng mẹ. Ở đây, “tự nhiên” không chỉ là những điều bất tất nhưng còn là một trật tự huyền nhiệm của vũ trụ mà Thượng Đế tạo dựng. Theo đó, Luật tự nhiên trở thành cái gì đó đúng đắn, vượt xa những đặt định giới hạn của con người.[9] Nhưng làm sao con người nhận ra bản chất “tốt” của mình? Nhờ tri thức bẩm sinh đạt được qua lý trí đúng đắn.

Từ “đúng đắn” (right) có gốc từ là recta, nghĩa “thẳng ngay”. Thánh Tôma không tin rằng cứ hành động tự nhiên là tốt về luân lý nhưng hành động ấy luôn phải thông qua lý trí đúng đắn.[10] Thực vậy, đối với thánh Tôma, lý trí phải là nền tảng cho tri thức vì lý trí là tặng phẩm Thượng Đế dành riêng cho con người. Nhưng nói cho cùng, lý trí chỉ thực sự đúng đắn, thẳng ngay khi lý trí ấy biết nhận định và tiếp nhận những tri thức được đặt định hết sức tự nhiên trong vũ trụ huyền bí. Bằng cách trầm mình vào chiêm ngắm tự nhiên, lý trí hiển nhiên sẽ nhận ra những chân lý bất diệt vốn vượt trên những suy luận tầm thường của con người. Đó chính là tri thức bẩm sinh (knowledge by connaturality). Và cái gọi là tự nhiên ở đây không hề bị giới hạn bởi nó dẫn lý trí con người đến Đấng sáng tạo, đến huyền nhiệm cuộc đời. Như thế, lý trí đúng đắn là một lý trí biết cởi mở trước tự nhiên huyền nhiệm của tạo hóa. Nói cách khác, lý trí đúng đắn là tiếng nói của lương tâm (synderesis).[11]

Quay trở lại câu hỏi: tại sao trở thành nhân đức lại quan trọng trong quan niệm về Epikeia? Trước, ta thừa nhận nhân đức thì đáng mơ ước vì nó xây dựng hạnh phúc con người. Sau, nhờ lý trí đúng đắn, con người nhận ra một quy luật luôn sôi sục trong lòng: “làm lành lánh dữ” (do good, avoid evil). Cái “lành” ở đây là điều đáng tìm kiếm vì nó dẫn con người đến hạnh phúc đích thực. Cho nên, con người được mời gọi thực tập quy luật này liên tục và biến nó thành một thói quen. Chính nhờ đặc tính tốt được lặp đi lặp lại mà một nhân đức được thiết lập. Vì hai lý do ấy, khi đưa Epikeia vào vị trí của nhân đức, thánh Tôma muốn đề cao giá trị của nó trên con đường tìm kiếm hạnh phúc.

Thêm nữa, Luật tự nhiên có bản chất không ngừng hướng con người tìm đến Luật vĩnh cửu – Thượng Đế. Nhờ mở lòng ra với tự nhiên, con người sẽ liên tục khám phá được những chân trời mới của chân lý. Chân lý thì sống động. Ngược lại, luật văn bản lại luôn cứng nhắc, trơ ì. Vì thế, nương theo đặc tính sống động của Luật tự nhiên, Epikeia trở thành một nhân đức đáng giá. Chẳng phải thế sao khi chính Epikeia mới làm cho luật trở nên phù hợp với thời đại, nơi chốn nhất định? Thật vậy, chính nhân đức Epikeia, chứ không phải luật văn bản, mới đem lại nguồn sống tươi trẻ cho xã hội.

Câu hỏi bây giờ là: Làm sao Epikeia lại có thể là một nhân đức? Câu trả lời được tìm thấy trong cuốn Tổng Luận Thần Học, quyển II, phần 2, câu hỏi 120. Tác giả thừa nhận luật thì tốt nhưng luôn có khiếm khuyết; vì thế, sự linh hoạt luôn cần thiết để phục vụ lợi ích chung. Ví dụ: luật nói rằng phải trả lại vật được ký thác. Tuy nhiên, nếu một người đang nổi giận và muốn đòi lại cây súng đã được ký thác để giết người thì ta có nên trả không? Câu trả lời là không! Vì không trả thì đem lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng: anh chàng đang nổi giận ấy sẽ tránh được tội giết người và không có ai khác phải chết. Thánh Tôma cho rằng, khi làm như thế, Epikeia phát huy giá trị phục vụ cộng động của nó. Tác giả kết luận: Epikeia là một nhân đức. Nói cách khác, Epikeia là nhân đức bởi vì nó phục vụ cho lợi ích tập thể và vì thế đáng được thực tập để trở thành một thói quen.

Mở rộng hơn, ta thử tìm hiểu quan điểm Epikeia trong Giáo Hội Công Giáo. Tiên vàn, ai cũng phải ghi nhận rằng Giáo Hội sử dụng tư tưởng của Tôma Aquinô. Giáo Hội thừa nhận Luật tự nhiên và thêm rằng Luật tự nhiên sẽ dẫn dắt con người đến Luật vĩnh cữu – Đấng Tạo Hóa. Chính Giáo Hội cũng phải khiêm nhường nhìn nhận Giáo Hội không có sẵn câu trả lời cho mọi tình huống luân lý.[12] Điều Giáo Hội làm chủ yếu là đưa ra những quy tắc giúp nhận định. Nghĩa là, Giáo Hội cũng đề cao Epikeia và trả lại cho lương tâm một vị trí độc tôn. Tất nhiên, Giáo Hội không khuyến khích một lương tâm thích làm gì thì làm, nhưng Giáo Hội luôn tôn trọng một lương tâm đã được huấn luyện, một lương tâm nơi con người ý thức mình đang gặp gỡ Đấng Chí Tôn.[13]

Một ví dụ điển hình là việc Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nghiêm túc suy xét việc sử dụng bao cao su ở Châu Phi trong nỗ lực ngăn chận sự lan tràn căn bệnh AIDS thế kỷ.[14] Những phương pháp tránh thai nhân tạo trước nay vẫn bị lên án trong Giáo Hội. Tuy nhiên, đứng trước sự đau khổ của những người bị ảnh hưởng, Đức Thánh Cha đã tuyên bố trong tác phẩm Ánh Sáng Thế Giới, do nhà báo Peter Seewalt phỏng vấn, rằng “có lẽ là khả dĩ trong một vài trường hợp riêng lẻ như người đàn ông mại dâm dùng bao cao su.”[15] Tất nhiên, Đức Giáo Hoàng không cổ súy dùng bao cao su. Nhưng ít ra Đức Thánh Cha đã cho thấy một sự linh hoạt rất Epikeia trong việc thực thi luật lệ. Xét cho cùng, con người viết nên luật và luật là vì con người.

Dù đáng mơ ước nhưng Epikeia cũng có điểm yếu. Điểm yếu được thể hiện trong cách sử dụng Epikeia. Tôi ghi nhận rằng trong cách sử dụng, luật dù khô cứng nhưng an toàn trong khi Epikeia dù uyển chuyển nhưng khó lường. Nói “khó lường” vì bởi sự lạm dụng Epikeia của Marsilius ở thế kỷ XIV mà làm bùng phát sự ly giáo của phương Tây trong những thế kỷ sau đó.[16] Dù yêu mến Epikeia, tôi cũng phải đồng ý với sáu kết luận về cách sử dụng Epikeia trong bài nghiên cứu của Stanfill Benns.[17] Bà muốn nhấn mạnh rằng chúng ta phải hết sức cẩn thận trong việc sử dụng Epikeia vì nếu ai cũng lạm dụng nó, thế giới sẽ loạn.

Tóm lại, Epikeia giống như một chìa khóa mở ra cho xã hội con người tính khả dĩ của hạnh phúc. Chẳng phải sống trong tinh thần luật thì hạnh phúc hơn lăm lăm giữ luật pháp định đó sao? Chẳng phải Chúa Giêsu đã tuyên bố “Ngày Sa-bát là vì con người chứ không phải con người vì ngày Sa-bát” (Mc 2, 28) đó sao? Và chẳng phải thánh Âu Tinh đã nói “Yêu đi rồi làm gì thì làm” hay sao? Chính nhờ Epikeia mà con người luôn giữ được cho mình thái độ cởi mở trước những niềm vui của cuộc sống, những bất ngờ của chân lý, và những huyền bí của Thượng Đế. Luật thì quan trọng, nhưng tinh thần luật lại quan trọng hơn gấp bội.

[1] James T. Bretzke, A Morally Complex World: Engaging Contemporary Moral Theology, (Liturgical Press, 2004), 226.

[2] Aristote, Nicomachean Ethics, Book V, JT, TI, DR.

[3] Aristote, Nicomachean Ethics, Book V, JT, TI.

[4] http://en.wikipedia.org/wiki/Aristotelian_ethics#Justice (Truy cập 21/03/2013):
“particular justice is where punishment is given out for a particular crime or act of injustice.”

[5] Aristote, Nicomachean Ethics, Book V, JT, TI, DR.
“Justice and equity coincide, and although both are good, equity is superior.” (Book V, JT, TI, DR).

[6] Aristote, Nicomachean Ethics, Book V, DR, JT.

[7] Aristote, Nicomachean Ethics, Book V, JT, DR.

[8] Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, Hồi I của Phần 2, câu hỏi 55.

[9] Phạm Văn Ái, S.J., Handout “Natural law”, (lưu hành nội bộ tại Học viện thánh Giuse, Dòng Tên Việt Nam, 03/2013).

[10] Phạm Văn Ái, S.J., Handout “Natural law”.

[11] Phạm Văn Ái, S.J., Handout, “Conscience”, (lưu hành nội bộ tại Học viện thánh Giuse, Dòng Tên Việt Nam, 03/2013).

[12] Catholic Encyclopedia – Canon Law. http://www.newadvent.org, (truy cập 21/03/2013)
“In every society, but especially in a society so vast and varied as the Church, it is impossible for every law to be applicable always and in all cases.”

[13] Phạm Văn Ái, S.J., Handout, “Conscience”.

[14] http://www.hdgmvietnam.org/ (Truy cập 22/03/2013)

[15] http://www.hdgmvietnam.org/ (Truy cập 22/03/2013).

[16] http://www.Betrayedcatholics.com (Truy cập 20/03/2013).
                Stanfill Benns, Origin and use of Epikeia.

[17] http://www.Betrayedcatholics.com (Truy cập 20/03/2013).

“1. Epikeia applies only to positive human law.

  1. Its use must involve something posing a sudden risk that needs immediate remedy.
  2. Certain limits are imposed upon its use:
  3. In cases of doubt it must not be used. Instead, one must act according to the letter of the law and consult the proper authority.
  4. It cannot be applied to incapacitating and invalidating laws, or irritant laws, whose universal observance is demanded by the common good.
  5. It cannot be applied to laws originating from the Divine law, and the laws governing jurisdiction are demonstrably of Divine origin as shown above.
  6. It should be appealed to only in absolute necessity.
  7. It must therefore be used with great prudence.
  8. Great care should be taken to avoid acting out of self-interest or against the comon good.
    6. Habitual and general use of epikeia is an obvious abuse.”