Ảnh từ Internet

Trong chương trước, chúng ta đã khảo sát các nguyên lý và giá trị cơ bản là nền tảng luân lý Kitô giáo và trách nhiệm của người môn đệ. Các giá trị này cung cấp tầm nhìn căn bản cho đời sống Kitô hữu. Nhưng các nguyên lý này không hiện hữu tách biệt khỏi thế giới thật với những con người thật và các quyết định thực tế. Việc áp dụng các nguyên tắc này sẽ là thách đố thực sự với lương tâm của người Kitô hữu. Trong chương này, chúng ta sẽ khảo sát ý tưởng giá trị luân lý và lương tâm như nền tảng cho tiến trình quyết định liên quan đến luân lý đối với người Kitô hữu.

  1. CON NGƯỜI

Bạn là ai? Điều gì làm cho bạn hoạt động? Đáp án cho các câu hỏi này được xác định bởi các tác động có phần vượt trên khả năng của bạn. Bạn được sinh ra với những điểm mạnh và điểm yếu ở một thời điểm cố định trong một gia đình và văn hóa nào đó. Tất cả các yếu tố này sẽ định hình bạn là ai với tư cách là một nhân vị. Nhưng, ở mức độ nào đó, bạn có thể chọn bạn sẽ trở thành người như thế nào. Khả năng chọn lựa của con người thực sự là khả năng quyết định chúng ta sẽ trở thành người nào, chúng ta sẽ cân nhắc điều nào là quan trọng, chúng ta sẽ tin điều gì, và chúng ta sẽ sống cuộc đời của mình thế nào. Có lẽ trong cuộc đời, không có gì quan trọng bằng việc chúng ta chọn lựa các giá trị của cuộc sống. Dần dần, chúng sẽ xác định chúng ta là ai.

Các giá trị luân lý là những giá trị giúp chúng ta trở nên “người hơn” đối với cá nhân lẫn xã hội. Chúng ta có quyền chọn hay bỏ các giá trị này. Khi chúng ta chọn và biến chúng thành một phần đời sống thường ngày của mình, các giá trị đó sẽ trở thành “nhân đức.” Các giá trị này là thái độ và khuôn mẫu ứng xử sẽ thấm sâu và cho biết chúng ta là ai với tư cách là con người. Tội là sự loại bỏ các giá trị này, và dĩ nhiên nó cũng có thể trở thành một phần cho biết chúng ta là ai. Vì tội cũng là chọn lựa và là cách để xác định chính chúng ta.

  1. TỘI VÀ NHÂN ĐỨC

Vì chúng ta đã khảo sát ý nghĩa của tội trong sách này rồi (x. chương 3), ở đây chúng ta sẽ cố gắng làm rõ hơn qua việc khảo sát bảy mối tội đầu và các nhân đức tương ứng mà các tội này còn thiếu.

  1. Kiêu ngạo. Trong tiếng Anh, từ “pride” (tự hào, kiêu hãnh) thường mang nghĩa tích cực và tốt. Ví dụ: tự hào với công việc, vẻ bên ngoài, v.v… Từ “pride” thường được hiểu với nghĩa lành mạnh là lòng tự trọng (self-esteem). Tuy nhiên, từ “pride” trong bảy mối tội đầu liên hệ đến một thực tế khác: kiêu ngạo. Kiêu ngạo là sự ngạo mạn, vẻ kiêu căng và xem mình là trung tâm của thế giới. Nó liên quan đến khả năng phóng đại quá cao tầm quan trọng của bản thân đồng thời hạ giá sự quan trọng của người khác. Kiêu ngạo theo truyền thống được xem như tội xấu nhất trong bảy mối tội đầu.
  2. Khiêm nhường. Đây là nhân đức mà những người kiêu ngạo còn thiếu. Khiêm nhường không phải là thiếu tự trọng (đôi khi người ta nghĩ như vậy). Ngược lại, khiêm nhường phát sinh từ lòng tự trọng được đặt nền trên chân lý. Trong tiếng Anh, từ “humility” (khiêm nhường) có nguồn gốc từ tiếng Latin humus (thuộc về cát bụi, thuộc về trái đất). Mọi hữu thể người, cho dù vĩ đại nhất, cũng chỉ là thọ tạo. Họ không phải là Thiên Chúa. Thế nên, người khiêm nhường nhận thức rõ mọi thứ họ có đều là ân ban. Họ không nhất thiết phải phủ nhận các tài năng họ có (đó là thứ khiêm nhường giả tạo), trái lại họ nhận ra mối liên hệ giữa họ với toàn thể công trình sáng tạo của Thiên Chúa và các tạo vật của Ngài.
  3. Đố kỵ. Đố kỵ là sự thất bại trong việc tự chấp nhận bản thân và thể hiện qua thái độ thèm muốn những điều người khác có. Người đố kỵ cảm thấy cuộc đời họ bị lừa dối nên thường chua chát và công kích người khác.
  4. Tin tưởng. Chúng ta có thể không minh nhiên thấy sự tin tưởng là đối trọng của đố kỵ, nhưng người có sự tin cậy nhận thức rằng cuộc đời không phải là cuộc ganh đua và nhận ra nền tảng quý giá nhất nơi mỗi người bắt nguồn từ việc tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa. Giá trị thực sự của cuộc sống không đặt trên nền tảng chúng ta có được người khác coi là giàu có nhất, đẹp nhất, khôi hài nhất hay thông minh nhất,…hay không. Lối suy tính như thế sẽ dần dẫn chúng ta đến lòng đố kỵ vì đặt nền trên sự so sánh và ganh đua. Sự tin tưởng, ngược lại, thúc đẩy chúng ta biết yêu quý bản thân với trọn vẹn con người của mình với tư cách là con cái Thiên Chúa.
  5. Tham lam. Đây là ao ước của cải cũng như sở hữu vật chất quá mức. Nếu chúng ta đo giá trị của của bản thân và của nhân loại bằng số tài sản và địa vị xã hội mà mình hoặc người khác có, thì chúng ta không thể tránh được lòng tham. Tội này tấn công trực diện vào lời mời gọi của Đức Giêsu để chỉ sống cho Nước Trời. Những người tham lam chỉ quan tâm đến một vương quốc mà thôi: đó là vương quốc của riêng cá nhân họ.
  6. Quảng đại và công bằng xã hội. Có hai nhân đức đối ứng với tội tham lam được liệt kê ở đây. Trước tiên là nhân đức quảng đại, tức là sẵn sàng chia sẻ thứ mình có với người đang cần. Không giống với tham lam, quảng đại quan tâm đến lợi ích chung của mọi người. Tuy nhiên, khi chia sẻ các nguồn tài nguyên của trái đất, người ta đòi hỏi thứ gì đó còn vượt trên cả quảng đại. Công bằng xã hội là nhân đức nhằm nỗ lực xây dựng một xã hội trong đó tất cả mọi người được quan tâm và được cung cấp cơ hội để sống đời sống xứng với nhân phẩm của mình.
  7. Dâm dục (ham muốn thể xác). Dâm dục là thái độ xuất phát từ tâm hồn. Dâm dục xem người khác như những đối tượng tình dục và có khuynh hướng dùng họ chỉ để thỏa mãn ham muốn tình dục. Dâm dục hạ phẩm giá con người, xem người khác như đồ vật và tước mất nhân tính của họ. (Dâm dục khác với cảm xúc tình dục hay sự hấp dẫn giới tính, cả hai điều này đều bình thường và có thể đưa tới sự kết hợp thân mật đích thực của con người.)
  8. Khiết tịnh. Người sống nhân đức này có khả năng hướng tính dục của mình đến các mối tương quan tình yêu và kết hợp thân mật. Khiết tịnh không chỉ giới hạn nơi các linh mục, nữ tu hay những người độc thân. Nó không đơn thuần chỉ là kiêng cữ quan hệ tình dục. Điều này đúng đối với những người không kết hôn, nhưng khiết tịnh cũng phải được thực hành bởi các đôi vợ chồng. Sự chung thủy không chỉ trong thân xác nhưng trong tâm hồn và cả trí óc nữa. Nói cách khác, khiết tịnh bao hàm cam kết liên lỉ để giữ tình yêu của đôi hôn phối sống động mãi mãi.
  9. Nóng giận. Là một trong số những tội vô cùng nghiêm trọng, nóng giận không chỉ liên quan đến cảm xúc mà còn liên quan đến thái độ của con tim. Nó gần giống với thù hận hơn là cảm giác tức giận đơn thuần. (Một số cơn tức giận hoàn toàn tốt. Nếu chúng ta không cảm thấy tức giận khi đối diện với bất công, vậy thì có điều gì đó không ổn nơi chính chúng ta rồi.)
  10. Kiên nhẫn. Từ “patience” (kiên nhẫn) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Latin hàm nghĩa chịu đựng, và người biết chịu đựng có thể dung thứ cho những giới hạn cũng như yếu đuối của người khác. Người kiên nhẫn thừa nhận rằng tình yêu vô điều kiện đòi hỏi nỗ lực rất lớn nơi chúng ta, và họ vui lòng yêu ngay cả khi tình yêu trở nên hết sức khó khăn. Không thể lấy ác báo ác nhưng phải biết chờ đợi và trì hoãn cơn giận để sau đó có thể phục hồi lại mối tương quan.
  11. Tham ăn. Tội này giống như “tội tham lam đối với thân xác.” Nó cũng tương tự như tội ham muốn xác thịt khi xem cơ thể đơn giản là một cỗ máy tạo ra khoái lạc, chiều theo thân xác trong việc ăn, uống hay lạm dụng thuốc. Cũng giống như tất cả các mối tội đầu kia, tội tham ăn đặt bản thân mình làm trọng tâm thu hút toàn bộ chú ý của mình.
  12. Tự chủ. Tham ăn đặt rất ít giới hạn hay ranh giới cho cách cư xử của chúng ta. Để trở thành một con người triển nở tràn đầy, chúng ta phải có khả năng rèn luyện tính tự chủ. Chúng ta phải biết tập luyện thực hành điều thiện. Điều này bao hàm cả cách chúng ta đối xử với cơ thể mình. Hiệu quả của tính tự chủ không những mang lại sức khỏe thể lý tốt hơn mà còn mang đến cho chúng ta cái nhìn lạc quan về tinh thần.
  13. Lười biếng. Chậm trễ là lười biếng, nhưng cụ thể hơn lười biếng nó ám chỉ sự biếng nhác tinh thần, không bao giờ sẵn lòng quan tâm đến điều tốt. Đó chính là sự thờ ơ lãnh đạm của tinh thần.
  14. Tình yêu. Tình yêu không chỉ là chuyện “dễ thương.” Tình yêu phải mang tính sáng tạo, nồng nhiệt, quan tâm đến người khác và có lòng trắc ẩn. Tình yêu là một cam kết sống trọn vẹn với cả con tim, trí óc, linh hồn và sức mạnh của người đó với tha nhân.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Tội nào trong số bảy mối tội đầu dường như hoạt động mạnh nhất và rõ nhất trong xã hội bạn đang sống? Tại sao? Tội nào trong số các tội này phổ biến nhất nơi các bạn trẻ? Nhân đức nào trong số các nhân đức trên được tôn trọng nhất trong văn hóa của bạn? Nhân đức nào mạnh nhất nơi con người của bạn? Nhân đức nào yếu nhất?

  1. LƯƠNG TÂM

Hàng kẻ giữa tội và nhân đức được phân tách và cảm nhận bởi chính lương tâm chúng ta. Việc hiểu các khái niệm Kitô giáo về lương tâm không dễ chút nào bởi vì có quá nhiều cách giải thích khác nhau, trong đó có những giải thích sai lầm về lương tâm. Vậy chúng ta hãy bắt đầu với định nghĩa về nó:

Lương tâm là nỗ lực và khả năng của con người nhằm khám phá ra điều tốt và thực hiện nó. Định nghĩa này có ba phần khác nhau:

Trước tiên, lương tâm là nỗ lực nhằm tìm kiếm điều tốt. Với ý nghĩa này, lương tâm “đã được phú sẵn” trong nhân tính của chúng ta. Trừ phi người đó mắc bệnh thần kinh hay tâm lý, nếu không anh ta hay chị ta đều có khuynh hướng bẩm sinh tìm kiếm điều tốt. Thế nên, lương tâm là phần thiết yếu trong nhân tính của mỗi người. Nó là một phần trong nhu cầu của con người để yêu và được yêu.

Thứ hai, lương tâm cũng là khả năng để hiểu và học hỏi sự khác biệt giữa điều tốt và điều xấu. Nói cách khác, lương tâm của chúng ta cần phải “được huấn luyện” và “học hỏi.” Không ai khi mới được sinh ra đã hiểu biết ngay điều gì là tốt. Chúng ta cần phải học hỏi. Chính yếu tố này dẫn tới lương tâm của mỗi cá vị có thể khác nhau. Văn hóa và tôn giáo khác nhau làm cho một số giá trị trở nên nhạy cảm hơn so với các giá trị khác. Một người có thể lớn lên trong môi trường có nhiều thuận lợi trong việc huấn luyện lương tâm lành mạnh hơn so với một người sinh ra trong môi trường khác.

Thứ ba, lương tâm là nơi phán đoán và quyết định thực sự những gì chúng ta sẽ thực hiện. Điều này diễn tả ý nghĩa của câu: “hãy làm theo lương tâm.” Lương tâm không phải là ý tưởng. Nó là một thực tại, một phần thuộc bản thể, nơi con tim và linh hồn của chúng ta. Lương tâm cho chúng ta có khả năng đưa ra những quyết định thực tiễn trong cuộc sống thực tế. Dĩ nhiên phần lớn chúng ta không nói lương tâm đang làm việc. Nói như thế, lương tâm sẽ giống với các hoạt động của trái tim hay lá phổi. Lương tâm thường tự động làm việc. Chúng ta chỉ nhận ra nó khi chúng ta được đặt trong tình huống xung khắc, khi chúng ta bị buộc phải chọn lựa, và sự lựa chọn đó không có sẵn và đơn giản chút nào.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Hãy cho một ví dụ để diễn tả việc một số người gặp thuận lợi trong việc phát triển lương tâm lành mạnh, trong khi những người khác gặp bất lợi như thế nào? Hãy cho một ví dụ về kinh nghiệm gần đây nhất bạn cảm thấy lương tâm thúc đẩy bạn theo một hướng nào đó.

Công đồng Vatican II mô tả các yếu tố của lương tâm như thế này:

Nơi tận sâu thẳm của lương tâm, con người khám phá ra một lề luật không do chính mình đặt ra nhưng lại phải tuân theo, và tiếng nói của luật lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải sống yêu thương và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác. Trong tâm hồn con người, tiếng nói ấy luôn vọng lên đúng lúc: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Thiên Chúa đã khắc ghi sẵn trong tâm hồn con người một lề luật, phẩm giá con người có được nhờ tuân giữ lề luật ấy và con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy. (Gaudium et Spes, số 16).

Việc huấn luyện và phát triển của lương tâm. Các trẻ sơ sinh đều có tiềm năng để phát triển lương tâm, nhưng không ai khi mới được sinh ra đã biết phân biệt điều tốt và điều xấu. Chúng ta học nó từ người khác. Lương tâm của chúng ta được huấn luyện bởi gia đình, xã hội và văn hóa, tôn giáo, giáo dục, và khả năng riêng của mỗi người nhằm hiểu biết và thực hiện điều thiện. Gia đình thường được xem là trường huấn luyện đầu tiên đối với các nấc thang giá trị và lương tâm. Các giá trị tồn tại ngay trong gia đình sẽ được dạy lại cho chúng ta ngay từ khoảnh khắc đầu tiên của cuộc đời. Về lâu về dài, các  giá trị này được chúng ta “nắm bắt” cũng như được dạy dỗ. Bởi đó, điều tôi muốn nói là chúng ta học biết các giá trị từ những người thân trong gia đình chính yếu không phải từ những lời họ nói cho bằng nhìn vào những hành vi họ thực hiện. “Hệ thống giá trị” của gia đình sẽ được truyền tải cách sống động trong cuộc đời chúng ta ngày này qua ngày khác.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Phân cấp những giá trị sau đây theo thứ tự tầm quan trọng đối với bạn. Hãy nhờ cha mẹ bạn phân cấp chúng. Thảo luận các khám phá của bạn.

            Sức khỏe                                                         được người khác tôn trọng

            Một nghề nghiệp có tiền thưởng                    đức tin tôn giáo

            Một gia đình đạo đức                                     vẻ đẹp bên ngoài

            Một hôn nhân hạnh phúc                                thông minh

            Một nền giáo dục tốt                                      óc hài hước

Các giá trị cũng được truyền tải nhờ văn hóa. Hãy liệt kê ba chương trình truyền hình thú vị nhất theo ý kiến của bạn. Các chương trình này truyền tải các giá trị gì? Bạn có nghĩ rằng các giá trị đó thực sự lành mạnh và tích cực không?

  1. CÁC QUAN ĐIỂM TÂM LÝ HỌC VÀ PHÁT TRIỂN LIÊN QUAN ĐẾN LƯƠNG TÂM

Sigmund Freud, cha đẻ của ngành tâm lý hiện đại, đã cố gắng mô tả sự phát triển của lương tâm qua việc phân chia cá tính con người thành ba thành tố: bản năng (id), siêu ngã (superego) và bản ngã (ego). Bản năng dùng nỗ lực tự nhiên để tìm niềm vui và sự an toàn. Điều này hiện diện ngay từ lúc mới sinh. Bản năng muốn được bảo vệ, được nuôi dưỡng, được thân thiện và được âu yếm. Bởi vì bản năng là luôn tìm kiếm khoái lạc, nên cần sự kiềm chế, và đây là nhiệm vụ của siêu ngã. Siêu ngã là tổng hợp các quy tắc và luật lệ do cha mẹ, xã hội và tôn giáo đặt ra. Các quy tắc này hướng dẫn cách cư xử của chúng ta, một khi không tuân theo, chúng ta có cảm giác tội lỗi. Tuy vậy, siêu ngã không thực sự đánh giá đúng các nấc thang giá trị. Chúng tự trở thành các quy tắc cho người khác. Cuối cùng, nhiệm vụ của bản ngã là quyết định xem tôi sẽ cân nhắc điều gì là quan trọng. Mặc dù thuật ngữ “bản ngã” thường được dùng với nghĩa tiêu cực, những ý nghĩa đó không được đề cập ở đây. Bản ngã chính là cái tôi (self), và cái tôi sẽ quyết định điều nào là đáng giá, quan trọng và điều nào thì không. Trong các thuật ngữ về lương tâm, siêu ngã có thể được gọi là lương tâm chưa trưởng thành, và bản ngã là lương tâm đã trưởng thành. Lương tâm chưa trưởng thành không nhận ra tại sao một điều gì đó là đúng hay sai. Nó đơn giản chỉ tuân theo các quy tắc và tìm cách tránh xa các rắc rối. Lương tâm trưởng thành có khả năng yêu thương và trao ban chính mình hơn nhiều.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Đâu là một vài hiệu quả tích cực của siêu ngã?  Và đâu là hiệu quả tiêu cực? Có bao nhiêu cảm giác đúng sai của riêng bạn được chính bạn chọn lựa?

Gần đây, các nghiên cứu về hành vi luân lý được thực hiện bởi những người như Jean Piaget và Lawrence Kohlberg. Piaget phân biệt hai giai đoạn trong nhận thức luân lý của trẻ em. Giai đoạn đầu tiên là “phụ thuộc” (heteronomous) và giai đoạn hai là “tự lập” (autonomous). Trong giai đoạn đầu tiên, việc đúng hay sai đơn giản được quyết định bởi yếu tố dựa vào các quy tắc đã được một nhân vật có thẩm quyền đặt ra. Quy tắc là vấn đề quan trọng và không có chỗ cho các ngoại lệ. Không cần thiết xem xét các động cơ thúc đẩy hành vi. Trong giai đoạn hai, các em (thường khoảng 7 đến 8 tuổi) bắt đầu phát triển cảm thức rộng hơn về lý do hỗ trợ cho các quy tắc đó. Các qui tắc được hiểu theo bối cảnh thực hành, và các em sẽ có một chút cảm thức thúc đẩy cần tuân theo các quy tắc ấy.

Kohlberg mở rộng tư tưởng của Piaget khi ông làm việc với các cậu bé và theo dõi sự phát triển của chúng cho đến tuổi trưởng thành. Kohlberg kết luận rằng mỗi cá nhân sẽ trải qua các giai đoạn các nhau khi lý luận về luân lý. Các giai đoạn này gắn liền với nhau và có tính liên tục. Theo Kohlberg, sáu giai đoạn của lý luận luân lý bao gồm:

  1. Sợ bị phạt. Ở mức độ này, đúng hay sai phụ thuộc việc người phạm lỗi có bị người có thẩm quyền bắt quả tang và phạt hay không. Vì thế, người ta sẽ lái xe chậm hơn tốc độ giới hạn vì không muốn bị phạt.
  2. Mong ước được phần thưởng. Ở mức độ này người ta sẽ hỏi: “Trong việc đó có điều gì dành cho tôi không?” Điều tốt phải là cái tốt dành cho tôi. Một người ở mức độ này có lẽ sẽ nghĩ: “Tôi sẽ tuân theo các điều răn để lúc chết tôi sẽ được lên thiên đàng.”
  3. Mong ước được người khác thích. Giai đoạn thứ ba nhận thức nhiều hơn những mong đợi của người khác. Ở giai đoạn này một người muốn dấn thân vào công việc, muốn được chấp nhận và được thích. Đây là giai đoạn bắt chước.
  4. Luật và cấp bậc. Tại giai đoạn này chính các quy tắc sẽ quyết định điều đúng và sai. Không nên lẫn lộn với giai đoạn một. Một người trong giai đoạn này sẽ không hành động vì sợ nhưng vì thực sự tôn trọng các quy tắc và tầm quan trọng của chúng.
  5. Liên hệ xã hội. Tại giai đoạn này, người ta nhận ra quy tắc phải phù hợp với nhu cầu của nhóm và có khả năng biến đổi để tiếp nhận quan điểm, cũng như những hiểu biết mới. Hiến Pháp Hoa Kỳ là một tài liệu liên quan đến giai đoạn năm vì nó có thể điều chỉnh được.
  6. Các nguyên tắc phổ quát. Một người ở giai đoạn sáu hành động theo các nguyên tắc phổ quát. Các nguyên tắc này là những giá trị trừu xuất và đúng trong mọi nền văn hóa và dân tộc. Các giá trị này bao gồm tình yêu, công bằng, đồng cảm, nhân phẩm của mỗi người, v.v… Việc làm của Mẹ Têrêsa cho người nghèo và người đang hấp hối tại Calcutta dường như là một ví dụ về ý tưởng của giai đoạn sáu.

Mặc dù các lý thuyết của Freud, Piaget và Kohlberg chắc chắn có sai sót, nhưng chúng vẫn giúp chúng ta nhận ra rằng lương tâm cần phải lớn lên và phát triển. Chúng chỉ ra rằng có một sự nhạy bén về luân lý đang lớn dần trong chúng ta, và chúng ta có thể phát triển chúng như chúng ta vẫn ngày càng trưởng thành hơn. Thực sự, lương tâm liên quan rất nhiều đến “cái tôi.” Theo nghĩa rộng, chúng ta trở thành chính những gì chúng ta xem là giá trị và quan trọng trong cuộc sống.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Thử đưa ra một ví dụ về cách thức niềm tin tôn giáo đôi khi cũng tương tự như sáu giai đoạn của Kohlberg. (Trong giai đoạn hai, đã có một ví dụ minh họa.)

  1. LUÂN LÝ KHÁCH QUAN VÀ CHỦ QUAN: LUẬT TỰ NHIÊN

Chúng ta thấy theo giáo huấn của Hội Thánh, một người bị buộc phải làm theo tiếng lương tâm của họ. Phải chăng điều này có ý nói lương tâm của người đó luôn luôn đúng? Điều này thật không thể, vì lương tâm của người này có thể đưa ra quyết định này trong khi lương tâm của người khác lại dẫn tới hướng đi khác. Chúng ta hãy xem xét ví dụ.

Sally được nuôi dưỡng trong một gia đình với tư tưởng phụ nữ có quyền kiểm soát cơ thể của mình. Phá thai là một trong các quyền đó. Cô ta sống trong đất nước cho phép phá thai là hợp pháp, và tôn giáo của cô xem phá thai là điều đáng tiếc chứ không phải là một sai trái. Cô đã có bốn người con rồi (một đứa ngoài kế hoạch) và gia đình cô đang gặp áp lực kinh tế. Khi cô có thai lần thứ năm, cô đã quyết định, trong lương tâm, thực hiện việc phá thai.

Jennifer lớn lên trong gia đình với tư tưởng sự sống con người là quà tặng thánh thiêng của Thiên Chúa, sự sống đó hiện hữu ngay lúc thụ thai. Vì vậy việc phá thai là sai trái. Cô ấy cũng là thành viên của Hội Thánh Công giáo mà Giáo Hội này phản đối việc phá thai. Cô ta chấp nhận tính thánh thiêng của sự sống trong lòng mẹ và giáo huấn của Hội Thánh. Khi cô mang thai đứa con thứ năm (tương tự như tình huống của Sally), cô ấy quyết định, theo lương tâm, phải sinh đứa bé.

Sally và Jennifer đã quyết định rất khác nhau. Không ai trong số họ phạm luật. Cả hai đều làm theo lương tâm. Vậy thì ai đúng trong trường hợp này?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta phải phân biệt giữa thực tại khách quan và chủ quan. Chân lý chủ quan là chân lý tôi nhận thấy đúng đắn. Đó là cách tôi nắm bắt các sự việc. Chân lý khách quan là chân lý đúng tự chính nó, không liên quan đến cách hiểu của tôi. Chẳng hạn nếu tôi nghĩ cỏ màu xanh dương, thì suy nghĩ đó có thể là khái niệm chủ quan thực sự của riêng tôi. Tuy nhiên trong thực tế, tôi lại bị bệnh mù màu. Cỏ chỉ có màu xanh dương đối với tôi. Còn trong thực tại nó màu xanh lá cây. Với một người bình thường, thì khách quan và chủ quan sẽ nhập thành một.

Liên quan đến luân lý, điều này sẽ phức tạp hơn một chút. Chúng ta xác định điều nào đúng một cách khách quan như thế nào? Có phải tất cả chỉ đơn thuần là tranh luận về ý kiến? Làm sao chúng ta chứng minh được một điều gì đó là chân lý luân lý? Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc quan sát các cảm thức chung: Chúng ta nên sống chung hòa bình hơn là sát hại nhau mà không có lý do chính đáng. Liệu một người có lý trí mà lại không đồng tình với cảm thức trên không? Sự khôn ngoan từ cảm thức chung dạy chúng ta rằng yêu tốt hơn hận thù, quan tâm tốt hơn lãnh đạm, sử dụng trí óc tốt hơn lãng phí chúng. Nói cách khác, một số quyết định sẽ đúng hoặc sai cách khách quan dựa trên nền tảng liệu chúng có làm chúng ta trở nên những người tốt hơn không. Đây là điều Công đồng Vatican II muốn nói khi đề cập đến việc có một thứ luật được viết trong trái tim của nhân loại. Luật này được gọi là “luật tự nhiên.” Luật tự nhiên nghĩa là con người không tự chế ra và xem điều gì là điều thiện – họ chỉ khám phá ra điều gì là điều thiện (hoặc có thể họ không khám phá được). Việc khám phá ra điều gì là điều thiện luân lý là nhiệm vụ của tất cả những ai có thiện tâm. Điều này đòi hỏi suy tư, nghiên cứu, và đối thoại. Công đồng Vatican II đã mô tả như thế này:

Nhờ trung thành nghe theo lương tâm, các Kitô hữu liên kết với những người khác để cùng tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý những vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội. (Gaudium et Spes, số 16).

Điều này giúp chúng ta quay trở lại khái niệm “lương tâm được huấn luyện” và ví dụ của cô Sally cũng như Jennifer. Lương tâm của họ được huấn luyện khác nhau. Mặc dù phá thai là một vấn đề gây tranh cãi vẫn chưa đi đến nhất trí cho đến thời điểm này, nhưng luân lý phải có nền tảng khách quan cho nó. Chúng ta phải tự hỏi vậy đâu là điều đáng yêu hơn, công bằng hơn và động lòng trắc ẩn hơn để thực hiện. (Chúng ta sẽ nhìn lại vấn đề phá thai cách trực tiếp hơn trong chương kế tiếp).

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Nhiều người nghĩ rằng trong các vấn đề luân lý, quan điểm này cũng tốt như quan điểm khác. Họ tin rằng bạn không thể tranh luận về quan điểm của người khác. Nhưng quan điểm của một người chỉ tốt khi có các bằng chứng hỗ trợ nó. Một số quan điểm thì tốt hơn các quan điểm khác. Vì chúng tiến gần hơn đến chân lý khách quan. Hãy cho một ví dụ minh chứng điều này trong một vấn đề luân lý nào đó.

  1. CÁC TRỞ NGẠI KHI TÌM CHÂN LÝ

Nếu luân lý được xác định nhờ việc tìm kiếm chân lý như Công Đồng đã tuyên bố, thì quả thật, chúng ta thường gặp các trở ngại trong việc tìm kiếm chân lý. Con người thường kháng cự lại chân lý vì nếu nhìn nhận chân lý đồng nghĩa với việc họ phải biến đổi. Ông Bernard Lonergan, một thần học gia người Canada, đã gợi ý bốn trở ngại khác nhau khi đi tìm chân lý. Ông gọi chúng là các thành kiến. Đầu tiên là chủ nghĩa vị kỷ. Chúng ta xem điều gì là tốt vì điều đó trực tiếp ảnh hưởng đến chúng ta. Điều gì tốt đối với tôi sẽ trở thành nền tảng cho điều thiện. Thế nên, tôi có thể gian lận các khoản thuế thu nhập của tôi và biện minh bằng cách này hay cách khác bởi vì điều đó có lợi cho tôi. Một phụ nữ có thể thực hiện việc phá thai, không phải vì cô ta tin điều đó là đúng, nhưng vì điều đó có lợi cho cô ta.

Trở ngại thứ hai là thành kiến nhóm. Đôi khi trở ngại này gắn liền với “chủ nghĩa tự tôn nhóm mình là nhất.” Trong trường hợp này, người ta đưa ra quyết định chỉ dựa trên những gì tốt cho nhóm của họ nhưng không tốt cho mọi người. Một chủ thuyết yêu nước khi không coi trọng quyền của nước khác sẽ mắc tội xuyên tạc sự thật.

Trở ngại thứ ba là thành kiến tâm lý. Ở mức độ này người ta sẽ ngăn chặn hay phủ nhận chân lý vì chân lý quá khó đến nỗi họ không thể chấp nhận nó. Chẳng hạn như người nghiện rượu rất hay phủ nhận những thứ đối với người khác đã quá rõ ràng: họ đang gặp phải một vấn nạn nghiêm trọng.

Trở ngại cuối cùng được gọi là thành kiến do cảm thức chung. Thường thường chẳng có gì là sai đối với cảm thức chung. Trong trường hợp này, trở ngại có liên quan đến tính thiển cận do không nhận ra các hiệu quả lâu dài. Phần lớn sự tổn hại của môi trường mà con người gây ra cho hành tinh này là kết quả của lối suy nghĩ như thế.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Thành kiến của cái tôi tự lộ ra khi chúng ta lý luận hay tạo ra các lời bào chữa cho sự ích kỷ của bản thân. Khi nào bạn hầu như thực hiện điều này?

Thành kiến nhóm thường đặt nền trên sự thiên vị. Hãy kể tên càng nhiều càng tốt các ví dụ về thành kiến nhóm trong văn hóa Mỹ.

Thành kiến tâm lý đòi hỏi sự can đảm nhận ra chính mình và sẵn lòng kiểm điểm xem điều gì đang điều khiển chúng ta. Bạn khảo sát hướng đi cuộc đời bạn bằng cách nào? Người nào giúp bạn trung thực với chính bạn?

  1. LƯƠNG TÂM CỦA TÍN HỮU CÔNG GIÁO

Như chúng ta thấy, con người có thể được lương tâm dẫn đi theo nhiều hướng khác nhau, tùy theo lương tâm đó được huấn luyện thế nào. Kitô hữu huấn luyện lương tâm của mình chính yếu dưới ánh sáng của giáo huấn, con người và cuộc đời Đức Giêsu Kitô. Đối với Kitô hữu, Đức Giêsu là “đường, là sự thật và là sự sống.” Ngài nắm vị thế chính yếu nhằm giúp các Kitô hữu hiểu cách thức họ nên sống. Chúng ta đã khảo sát một số giá trị then chốt trong chương vừa qua. Các giá trị Đức Kitô đưa ra phải được gìn giữ sống động trong chính cộng đồng Kitô hữu. Chính từ cộng đồng này, đặc biệt là các gia đình, các giá trị của Phúc Âm mới được lưu truyền cho chúng ta. Tuy nhiên, trong một số trường hợp và hoàn cảnh hôm nay, chúng ta rất khó nhận ra Đức Giêsu đã dạy điều gì. Ngài chẳng bao giờ nói một lời nào liên quan đến phá thai, chạy đua vũ khí hạt nhân, cái chết êm dịu, đạo đức y học và môi trường, quyền của con người được chết, quyền của phụ nữ, phân biệt chủng tộc, v.v… Cộng đồng Kitô hữu phải áp dụng giáo huấn của Đức Giêsu vào các vấn nạn mà con người đang phải đối diện trong mỗi thời đại và thế hệ. Đức giáo hoàng và các Giám mục đóng vai trò quan trọng với tư cách các thầy dạy (huấn quyền). Vai trò của họ là nhân danh cộng đoàn nhằm đưa ra các phát biểu liên quan đến vấn đề đức tin và luân lý. Họ không phải thực hiện điều này hoàn toàn đơn độc. Họ được trợ giúp bởi các thần học gia. Một số thần học gia là các học giả được đào tạo chuyên biệt trong các lĩnh vực liên quan đến các vấn đề luân lý. Bên cạnh đó, Đức giáo hoàng và các Giám mục cần phải nhạy cảm với sự khôn ngoan chung của cộng đồng Kitô hữu, tức là cảm thức đức tin, trong các lãnh vực liên quan đến phán đoán luân lý.

Người Công giáo có trách nhiệm hiểu biết và làm theo các giáo huấn của Hội Thánh liên quan đến các vấn đề luân lý. Điều này liên quan đến sự “đồng lòng.”

Trong những vấn đề liên quan đến đức tin và luân lý, các Giám mục sẽ đưa ra phán quyết nhân danh Đức Kitô và các tín hữu cần phải chấp nhận giáo huấn của các ngài và gắn bó với các ngài bằng thái độ tuân phục trong tinh thần đạo đức (Lumen Gentium, số 25).

Việc chỉ đơn thuần vâng phục giáo huấn của Hội Thánh thôi vẫn chưa đủ. Chúng ta là con người, không phải là những con hải cẩu được huấn luyện. Chúng ta cũng cần phải hiểu giáo huấn của Hội Thánh. Khi Đức giáo hoàng và các Giám mục dạy chúng ta nhân danh Hội Thánh, chúng ta phải cố gắng hết sức để tìm hiểu sự khôn ngoan chứa đựng trong giáo huấn đó. Về điểm này chúng ta có thể phân biệt giữa hai mức độ hiểu biết: tri thức khái niệm và tri thức được lượng giá. Ở mức độ đầu tiên, tôi hiểu điều Hội Thánh dạy về mặt tri thức. Tôi hiểu khái niệm của nó. Ở mức độ thứ hai tôi hiểu giá trị không chỉ nằm trong đầu nhưng còn nằm trong trái tim. Tôi hiểu tại sao giá trị đó quan trọng. Người Công giáo được mời gọi cố gắng đạt được cách hiểu thứ hai. Ở mức độ một, tôi có thể hiểu rằng việc gian lận là sai. Ở mức độ hai, tôi hiểu lý do tại sao nó sai. Tôi biết tôi phải là một người hội nhất, và biết tôi không thể gian lận vì gian lận xúc phạm đến chính con người của tôi.

Chúng ta không những cần phải hiểu giáo huấn mà còn phải tuân phục giáo huấn. Bình thường điều này không phải là vấn đề. Nếu chúng ta hiểu giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta sẽ tự nhiên muốn tuân phục, vì chúng ta đồng ý với giáo huấn đó. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta không đồng ý với giáo huấn của Hội Thánh. Vậy thì thế nào? Đây là câu hỏi rất khó trả lời vì có các vấn đề quá khác biệt nhau, cũng như con người ở những tình huống hết sức đa dạng. Tuy nhiên, chúng ta nợ Đức giáo hoàng và các Giám mục sự vâng phục, trừ phi, sau khi suy xét cẩn trọng và chúng ta tin trong lòng, tư vấn và cầu nguyện, chúng ta nhận ra Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện cách khác. Nói cách khác, giáo huấn của Hội Thánh vẫn được công nhận là đúng. Công đồng Vatican II dạy rằng: “Thái độ tuân phục trong tinh thần đạo đức này về mặt ý chí cũng như lý trí phải được đặc biệt dành cho huấn quyền đích thực của vị Giáo hoàng Rôma, ngay cả khi ngài không tuyên bố từ thượng tòa ‘ex cathedra’” (đó là sự bất khả ngộ) (Lumen Gentium, số 25). Thái độ tuân phục trong tinh thần đạo đức của lý trí và ý chí có nghĩa là chúng ta chấp nhận thẩm quyền giáo huấn của Giáo hoàng và các Giám mục nhân danh Hội Thánh. Tuy nhiên, nếu giáo huấn của Hội Thánh trái với niềm tin chắc chắn của chính chúng ta liên quan đến điều thiện và chân lý, thì quả thật, chúng ta rơi vào hoàn cảnh xung đột thực sự. Hội Thánh dạy rằng trong tình huống đó chúng ta cần phải làm theo lương tâm của mình. Nếu chúng ta phải bước trên lộ trình này (thường được xem là người bất đồng ý kiến), chúng ta cần tôn trọng các điều kiện sau:

  1. Chúng ta nên làm mọi cách trong khả năng để biết và hiểu giáo huấn của Hội Thánh cách đầy đủ.
  2. Chúng ta phải sẵn lòng cho phép huấn quyền lợi thế liên quan đến điều chúng ta nghi ngờ, và giả định quan điểm hay giáo huấn của huấn quyền là đúng.
  3. Chúng ta nên sẵn lòng tư vấn với vị có hiểu biết chuyên sâu về lãnh vực này.
  4. Chúng ta nên xem các Kitô hữu khác đáp lại giáo huấn của Hội Thánh như thế nào. (Nếu tôi là người duy nhất không đồng ý thì đó không phải là dấu hiệu tốt.)
  5. Cuối cùng, chúng ta nên giữ một thái độ cởi mở đối với vấn đề này và sẵn lòng suy nghĩ lại quan điểm của mình.

Niềm tin và luân lý. Luân lý Kitô giáo không đặt nền trên một hệ thống luật lệ hay quy tắc. Nó cũng không dựa trên ý kiến cá nhân. Luân lý Kitô giáo đặt nền trên chính con người của Đức Giêsu Kitô như trái tim và linh hồn của luân lý. Đức Giêsu đã không trở nên một người như chúng ta để rồi lại đưa ra một bộ điều răn mới. Thay vào đó, Ngài đã mặc khải cho chúng ta ý nghĩa của nhân loại, một cuộc sống được sống trong tình yêu, lòng trắc ẩn và phục vụ người khác. Tất cả luân lý Kitô giáo được tóm gọn nơi nghệ thuật làm người như Đức Giêsu đã làm và để Thần Khí của Thiên Chúa thúc đẩy. Là một cộng đoàn, chúng ta phải giúp nhau hiểu và sống viễn cảnh đó.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Câu hỏi liên quan đến quyền bất tuân gây ra các tranh luận sôi nổi trong Hội Thánh. Đâu là giới hạn đánh dấu một người bắt đầu bất tuân? Một người Công giáo có quyền bất tuân chống lại bất kỳ giáo huấn luân lý nào không? Có giới hạn nào không?

Các câu hỏi ôn tập

  1. Định nghĩa bảy mối tội đầu và các nhân đức tương ứng.
  2. Liệt kê ba mức độ của lương tâm.
  3. Định nghĩa bản năng, siêu ngã và cái tôi đồng thời liên hệ chúng với lương tâm.
  4. Mô tả hai giai đoạn nhận thức luân lý của Piaget.
  5. Sáu giai đoạn lý luận luân lý của Kohlberg là gì?
  6. Định nghĩa các từ “chủ quan” và “khách quan” và liên hệ chúng với luân lý.
  7. Luật tự nhiên nghĩa là gì?
  8. Bốn thành kiến hay các trở ngại trong tiến trình tìm kiếm chân lý là gì?
  9. Quyền tự do lương tâm là gì?
  10. Các thầy dạy có thẩm quyền về luân lý trong Hội Thánh Công giáo là ai?
  11. Đồng thuận và bất đồng thuận nghĩa là gì? Phản hồi thông thường của người Công giáo với giáo huấn Hội Thánh là gì?
  12. Các yếu tố nào phải được xem xét nếu một người không đồng thuận với giáo huấn của Hội Thánh?

Chuyển ngữ: Nhóm Học viên Dòng Tên

Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 253-267.