Chương 11

Công Đồng Vatican II

Công đồng Vatican II

Chúng ta không thể hiểu Giáo Hội hôm nay nếu không hiểu các sự kiện cũng như kết quả của Công đồng Vatican II. Mặc dù Công đồng đã khép lại cách đây hơn một phần tư thế kỷ, nhưng ảnh hưởng của Công đồng vẫn được nhận thấy trong toàn thể Giáo Hội. Công đồng mang lại thời kỳ canh tân trong Hội Thánh Công giáo mạnh mẽ hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử Giáo Hội.

  1. BỐI CẢNH DẪN ĐẾN CÔNG ĐỒNG: CUỘC BẦU CỬ ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII

Như chúng ta thấy trong chương trước đây, nhiều lần trong suốt bốn trăm năm sau cải cách của Tin Lành, Hội Thánh luôn ở thế phòng thủ. Trong thế kỷ XX, Hội Thánh dần dần bước ra khỏi vỏ kén đó. Nhiều cuộc bàn luận liên quan đến việc cải cách trong Hội Thánh diễn ra và có một vài dấu hiệu nhỏ cho thấy việc cải cách sắp xảy ra. Tuy nhiên, khi Đức Giáo Hoàng Pio XII băng hà năm 1958, Giáo Hội cũng không biết đây chính là thời điểm bắt đầu một thời kỳ mới trong lịch sử Giáo Hội. Việc bầu chọn Đức Hồng Y Angelo Roncalli làm tân Giáo hoàng được xem như một chọn lựa dung hòa. Ngài đã cao niên và được tiếng là thánh thiện, nhưng rất ít người dám hình dung ra việc ngài sẽ mang đến một tiến trình biến đổi phi thường trong Hội Thánh. Thực ra, có lẽ ngài được bầu vì mọi người nghĩ rằng ngài sẽ không làm lung lay con thuyền của Hội Thánh. Thế nhưng, ngài đã thổi luồng khí mới vào cánh buồm đó. Ngài chọn tước hiệu Gioan XXIII, và ngay lúc khởi đầu, ngài đưa ra đường hướng mới cho triều Giáo hoàng. Ngài tự mô tả mình như một mục tử và linh mục. Ngài thăm viếng bệnh nhân, người cao tuổi, và những người bị tù đầy. Có lẽ điểm quan trọng nhất là Đức Gioan XXIII tin vào điều thiện trong thế giới và khả năng tiến lên. Ngài nói:

Các ngôn sứ loan báo sự chết chóc luôn nói như thể ngay lúc này đây mọi thứ càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn so với quá khứ. Nhưng ta nhận thấy nhân loại đang bắt đầu một trật tự mới, và ta nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa trong trật tự mới này.

Đức Gioan XXIII là một người lạc quan. Ngài nhận ra bàn tay Thiên Chúa hoạt động trong sự tiến triển của nhân loại, và ngài tin rằng Giáo Hội phải tự mở chính mình để đến với thế giới hiện đại. Nếu Giáo Hội không thể nói về các vấn nạn cụ thể của con người trong thế giới này, Giáo Hội sẽ càng trở nên đứng bên lề của cuộc sống. Ngài cũng tin rằng các chia rẽ của Giáo Hội trong lịch sử do cuộc phân ly giữa đông và tây, cũng như cuộc cải tổ của Tin Lành đều gây ra tai tiếng xấu. Ngài tin rằng Giáo Hội là duy nhất, và mỗi người phải nỗ lực hết mình xây dựng sự hiệp nhất đó. Ôm ấp những ý tưởng đó, Đức giáo hoàng đã triệu tập Công đồng đại kết (ecumenical council) để tất cả giám mục trên toàn thế giới gặp gỡ nhằm suy nghĩ về ý nghĩa của Giáo Hội trong thế giới hiện đại. Với mục đích đó, Công đồng tự bản chất là một cuộc cách mạng. Trong quá khứ, các Công đồng hoàn vũ được triệu tập để đối phó với lạc giáo. Công đồng Vatican II thì khác. Mục đích của Công đồng không nhằm kết án, nhưng nhằm xây dựng, canh tân và trợ giúp Giáo Hội đối diện với những thách đố của thế kỷ XX. Công đồng sẽ không (không thể) thay đổi các giáo huấn nền tảng của Giáo Hội, nhưng như Đức giáo hoàng trình bày trong diễn văn khai mạc Công đồng:

Bản chất của giáo lý cổ xưa về kho tàng đức tin là một chuyện, nhưng cách chúng ta trình bày kho tàng đức tin đó là một chuyện khác. Chính cách thức trình bày đức tin là điều chúng ta cần xem xét nhiều hơn nữa.

Nói cách khác, Đức Gioan XXIII ám chỉ rằng Công đồng không được phép thay đổi giáo huấn thiết yếu của Giáo Hội, nhưng cần truyền đạt nó sao cho giáo huấn đó giúp ích cho những con người cụ thể đang sống trong thế giới cụ thể. Giáo Hội phải thích nghi cách truyền đạt cho phù hợp với không gian và thời gian.

Phản hồi cá nhân và thảo luận

 

Tại sao đối với Giáo Hội việc giữ sự hài hòa giữa quá khứ và tương lai là một việc quan trọng? Giáo Hội cố gắng duy trì điều gì trong quá khứ? Tại sao Giáo Hội cần thiết thay đổi hiện tại và tương lai?

 

  1. CÁC CUỘC HỌP CỦA CÔNG ĐỒNG

Công đồng Vatican II đã diễn ra bốn phiên họp từ năm 1962 đến năm 1965. Các phiên họp thường bắt đầu vào tháng 10 và kết thúc đầu tháng 12 hằng năm. Các nghị phụ đến với Công đồng bao gồm tất cả giám mục trên toàn thế giới và cố vấn của các ngài. Ngoài ra, các quan sát viên là giáo dân, các anh em Tin Lành, và Giáo Hội Chính Thống Đông phương cũng được chào đón. Hơn 2.500 tham dự viên có mặt tại phiên họp đầu tiên thu hút sự chú ý của công chúng khắp thế giới. Đức giáo hoàng Gioan XXIII qua đời vào tháng 06 năm 1963 khoảng giữa phiên họp thứ nhất và thứ hai. Đức Phaolô VI lên kế vị và tiếp tục Công đồng. Dưới sự lãnh đạo của ngài, không những công việc mà cả tinh thần của Công đồng đều được duy trì.

Người ta thường nghĩ là các giám mục tụ họp nhau và Chúa Thánh Thần sẽ nhẹ nhàng và nhanh chóng hướng dẫn họ đi đúng lộ trình. Tuy vậy, Chúa Thánh Thần làm việc qua những con người cụ thể, và con người thường không dễ dàng đồng thuận với nhau. Tại Công đồng, có nhiều quan điểm khác nhau, từ các vị giám mục quá bảo thủ không muốn thay đổi nhiều đến những vị quá cấp tiến muốn thay đổi mạnh mẽ, sâu rộng. Nhóm chiếm đa số các giám mục lại ở thế trung lập. Tuy vậy, rõ ràng Công đồng là một thất bại đối với nhóm tiểu số chỉ muốn duy trì tính nguyên trạng của Giáo Hội.

Nhiều “ủy ban” khác nhau đã gặp gỡ và viết ra bản trình bày quan điểm liên quan đến các vấn đề khác nhau. Các bản trình bày quan điểm này sẽ được tranh luận (đôi khi gắt gao), được viết lại và xem lại, cho đến lúc trở thành một tài liệu được hai phần ba các giám mục bỏ phiếu chấp thuận. Khi tiến trình này xảy ra, tài liệu này được chính thức chấp thuận và trở nên thành phần giáo huấn cao nhất với thẩm quyền của Giáo Hội. Trong quá trình diễn ra Công đồng, mười sáu tài liệu được trình bày liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau. Một chủ đề quan trong nhất rõ ràng là chủ đề về chính Giáo Hội. Đây không phải là Công đồng tranh luận về ngôi vị của Đức Giêsu hay ý nghĩa cứu độ hay có bao nhiêu bí tích; nhưng điểm tập trung của Công đồng bàn về ý nghĩa và vai trò của chính Giáo Hội.

Phản hồi cá nhân và thảo luận

 

Tiến trình của Công đồng là một ví dụ về cách Thiên Chúa hoạt động qua con người. Ngài không gởi Thần Khí tới mang theo ghi chú chỉ rõ đường đi. Trái lại, Thần Khí hoạt động qua đức tin và sự khôn ngoan của những người điều hành Công đồng. Thiên Chúa ngỏ lời với bạn như thế nào? Cũng tương tự như trên, Ngài ngỏ lời với bạn qua đức tin, sự khôn ngoan, sự thiện, v.v… Bạn có thể nghĩ ra một ví dụ trong chính cuộc sống của bạn lúc bạn tin rằng Thần Khí đang hướng dẫn bạn cách nào đó?

Đâu là các kết luận mà Công đồng Vatican II đạt được? Chúng quá rộng và bao quát đến nỗi chúng ta không thể bàn luận hết ở đây. Thay vào đó, chúng ta sẽ cố gắng tập trung vào các lãnh vực chủ chốt và những điểm mang lại các tác động sâu sắc nhất cho Giáo Hội.

  1. GIÁO HỘI: ÁNH SÁNG MUỐN DÂN (LUMEN GENTIUM)

Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) là một trong số các văn kiện quan trọng nhất của Công đồng. Tài liệu này mô tả chính bản chất và ý nghĩa của Giáo Hội. Ý nghĩa chính của Giáo Hội được tìm thấy trong tinh thần cũng như trong lời văn. Không giống với giáo huấn trước đây về Giáo Hội, văn kiện này không định nghĩa Giáo Hội chủ yếu trong các thuật ngữ chỉ phẩm trật. Một tài liệu như vậy đã được giới thiệu tại Công đồng và bị từ chối. Thay vào đó, trước tiên Giáo Hội được mô tả như một “mầu nhiệm” (xin xem chương các mô hình Giáo Hội). Giáo Hội là một mầu nhiệm vì ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong đó, và Giáo Hội vượt trên từ ngữ mà con người có thể dùng để diễn tả. Thứ hai, Giáo Hội được gọi là Dân Thiên Chúa, một hình ảnh trong Thánh Kinh nhấn mạnh lời mời gọi của Thiên Chúa cũng như trách nhiệm của toàn dân nhằm đáp lại lời mời gọi đó, đồng thời trở nên ánh sáng cho thế gian. Giáo Hội với tư cách là Dân Thiên Chúa tức là một dân lữ hành, một dân tộc đang tiến bước trên hành trình mà chính họ chưa hoàn toàn hiểu rõ được mục tiêu và kết quả. Khi nói như vậy, Công đồng muốn bỏ đi khái niệm trước đây luôn xem Giáo Hội là một “xã hội hoàn hảo” (đôi lúc Giáo Hội được định nghĩa như vậy). Chỉ sau khi Giáo Hội được mô tả như một mầu nhiệm và Dân Thiên Chúa, Giáo Hội mới được mô tả như một cơ cấu phẩm trật. Nói cách khác, cơ cấu phẩm trật chỉ có ý nghĩa khi liên hệ đến toàn bộ Dân Thiên Chúa và mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa.

Hơn nữa, một trong các chương của văn kiện này mang tựa đề “Lời kêu gọi nên thánh trong tòan thể Giáo Hội.” Công đồng rõ ràng mong muốn phá vỡ bức tường ngăn cách giữa giáo dân và giáo sĩ vốn xem giáo dân như những công dân hạng hai trong Giáo Hội. Công đồng minh xác rằng sự thánh thiện không chỉ nhắm đến một nhóm người có đặc quyền gì đó trong Giáo Hội. Thế nhưng, sự thánh thiện là ơn gọi dành cho tất cả mọi Kitô hữu.

Cuối cùng, Công đồng nhận thức rằng Giáo Hội hàm nghĩa rộng hơn so với Giáo Hội Công Giáo Rôma. Giáo Hội bao gồm tất cả những ai đã chịu phép rửa. (Chúng ta sẽ bàn vấn đề này nhiều hơn trong chương phía sau).

Phản hồi cá nhân và thảo luận

 

Theo Công đồng, mọi Kitô hữu đều được mời gọi sống thánh thiện. Điều này có ý nghĩa gì đối với bạn? Bạn có từng gặp ai mà theo bạn có thể được xem là thánh thiện?

  1. THẨM QUYỀN TRONG GIÁO HỘI

Công đồng Vatican II khẳng định vai trò của Đức giáo hoàng là người đứng đầu tối cao trong Giáo Hội, nhưng Công đồng đưa ra điều đó trong bối cảnh mới. Thẩm quyền của Đức giáo hoàng được bàn thảo trong bối cảnh thẩm quyền của các giám mục:

Công đồng quyết định tuyên xưng và công bố cho mọi người giáo lý về các Giám mục, những người kế vị các Tông đồ – cùng với Đấng kế vị thánh Phêrô là Đại diện Đức Kitô, và là Thủ lãnh hữu hình của toàn thể Giáo Hội – cũng là những người cai quản ngôi nhà của Thiên Chúa hằng sống. (LG, số 18)

Mặc dầu thẩm quyền duy nhất của Đức giáo hoàng được khẳng định, nhưng ngài vẫn được xem như người đứng đầu Giám mục đoàn. Ý nghĩa tinh thần này mời gọi sự kết hợp trong Giám mục đoàn (collegiality), trong đó Đức giáo hoàng liên kết với tất cả các Giám mục khác như những người được mời gọi nhận lãnh thẩm quyền trong Giáo Hội. Điều này trong bất kỳ trường hợp nào cũng không làm mất đi thẩm quyền của Đức giáo hoàng. Tuy vậy, nó đưa thẩm quyền về đúng khung cảnh nguyên thủy của nó. Thánh Phêrô cũng chỉ là một trong số các tông đồ cho dù ngài là người đứng đầu. Đức giáo hoàng cũng chỉ là một trong số các Giám mục cho dù ngài là “người có uy quyền nhất.”

Chúng ta thấy trong chương trước đây, thẩm quyền của Giáo hoàng và các Giám mục chính yếu là giảng dạy nhân danh Giáo Hội và điều hành Giáo Hội trong các công việc thích hợp. Công đồng cũng tái khẳng định sự bất khả ngộ của Đức giáo hoàng, các Giám mục khi hiệp nhất với Giáo hoàng, và toàn thể Giáo Hội trong các vấn đề thiết yếu liên quan đến đức tin.

Phản hồi cá nhân và thảo luận

 

Khái niệm “sự kết hợp trong Giám mục đoàn” (collegiality) là sự cộng tác và tôn trọng hỗ tương giữa các Giám mục. Với nghĩa này, toàn bộ Giám mục đều được “trao quyền” để hướng dẫn Giáo Hội. Giám mục không đơn thuần chỉ là đại diện của Đức giáo hoàng đối với thế giới, nhưng các ngài giảng dạy từ chính thẩm quyền riêng của mình. Bạn cho thể cho bất kỳ ví dụ nào từ trường học, nhà bạn hay công sở để trình bày cách thẩm quyền giúp người ta lớn mạnh thay vì đơn thuần cai trị con người?

  1. SẮC LỆNH ĐẠI KẾT (ECUMENISM)

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ với những lời sau:

Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tát cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian tin rằng Cha đã sai con. (Ga 17, 20-21)

Lời cầu nguyện của Đức Giêsu cho sự hiệp nhất của các môn đệ đụng chạm đến trái tim của rất nhiều nghị phụ tham dự Công đồng. Các chia rẽ hiện hữu trong Kitô giáo là một tai tiếng xấu về đức tin. Suốt thế kỷ hai mươi, nhiều giáo hội Tin Lành bắt đầu tiến trình đối thoại với mục đích hiệp nhất các giáo hội (phong trào đại kết). Các giáo hội Anh và Chính Thống cũng tham gia vào cuộc đối thoại này, nhưng Giáo Hội Công Giáo vẫn còn đứng bên lề, tuy cầu cho sự hiệp nhất, nhưng lại không tham gia vào đối thoại. Giáo Hội Công Giáo vẫn chờ đợi các giáo hội khác “quay trở lại” với mình. Các giáo hội khác vẫn bị coi là ly khai và sai lỗi. Sự hiệp nhất chỉ đạt được khi họ trở về với Giáo Hội thực thụ, Giáo Hội Công Giáo.

Các Giáo Hội Kitô

Sự hiệp nhất của Giáo Hội bị tan vỡ gần một ngàn năm.

Dưới đây là một khung các Giáo Hội Kitô tiêu biểu

cùng với nguồn gốc và niềm tin chính của họ

  Nguồn gốc Niềm tin và thực hành
Chính Thống Đông Phương Các xung đột giữa Constantinope và Tây phương liên quan đến thẩm quyền của Giáo hoàng; tôn thờ và thần học về Thánh Thần dẫn tới sự phân ly năm 1054. Chấp nhận thẩm quyền của Thánh Kinh và Thánh Truyền. Xem  Giáo Hội như thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Vai trò lãnh đạo được thấy nơi tất cả các Giám mục.

 

Tin Lành Bắt đầu với vạ tuyệt thông của Martin Luther năm 1521. Nhấn mạnh thẩm quyền của Thánh Kinh. Chúng ta được cứu độ nhờ đức tin và ân sủng, chứ không phải bằng việc làm tốt của bản thân. Có hai bí tích: Rửa tội và Thánh Thể.
Anh Giáo Vua Henry VIII của Anh Quốc muốn hủy hôn nhân đầu tiên của ông; khi Đức giáo hoàng từ chối, ông đã tự thiết lập mình là người đứng đầu Giáo Hội Anh Giáo năm 1534. Rất tương tự với Công Giáo Rôma chỉ không trung thành với Giáo hoàng. Tập trung vào hai bí tích: Rửa tội và Thánh Thể mặc dù cũng công nhận các bí tích khác. Từ “Episcopal” nghĩa là được điều hành các Giám mục.
Giáo Hội Trưởng Lão Được thành lập bởi John Knox tại Scotland, ảnh hưởng bởi giáo lý của John Calvin (qua đời 1564). Ít tập trung vào bí tích hay phụng vụ; tập trung vào giá trị sống đức tin trong thế giới. Việc quản trị các nhà thờ thực hiện bởi các trưởng lão.
Methodists Được thành lập bởi John Wesley (qua đời 1791), một người Anh Giáo chuyên phục vụ người nghèo. Methodism phát triển mạnh tại Hoa Kỳ. Không xem trọng các giáo điều; tập trung “đức tin được sống” và hoạt động xã hội. Nổi tiếng vì hát cộng đoàn, họ chấp nhận Rửa tội và Thánh Thể, và được điều hành bởi hội đồng chung do các giám mục điều hành.
Baptists Khởi đầu là giáo phái Anabaptists; được điều chỉnh bởi John Smyth tại Amsterdam năm 1611, Roger Williams thành lập giáo phái Baptist đầu tiên tại Bắc Mỹ năm 1639. Nhấn mạnh tầm quan trọng cam kết cá vị với Đức Giêsu Kitô là Đức Chúa. Thánh Kinh có thẩm quyền duy nhất, được giải thích tùy mỗi người.

Thái độ này không còn chỗ đứng tại Công đồng Vatican II. Đức giáo hoàng Gioan XXIII đã xem việc tham gia vào tiến trình hiệp nhất các Kitô hữu là một trong những mục tiêu chính của Công đồng. Các quan sát viên được mời đến từ các giáo hội Kitô khác. Họ có thể chia sẻ tư tưởng cũng như quan sát của họ với vị đại diện đặc biệt của Đức giáo hoàng. Cuối cùng, Công đồng ban hành Sắc Lệnh Đại Kết. Sắc Lệnh này có thể nói là một cuộc cách mạng, vì sắc lệnh thừa nhận rằng Giáo Hội không chỉ giới hạn nội trong Giáo Hội Công Giáo, và thừa nhận rằng các nguyên nhân dẫn tới sự chia rẽ giữa các Kitô hữu xuất phát từ cả hai phía của sự chia rẽ. Nói cách khác, sự hiệp nhất sẽ được phục hồi qua nỗ lực đóng góp của cả hai phía, chứ không phải là yêu cầu đơn phương đòi các giáo hội khác tái gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo. Đây là một bước đột phá quan trọng tạo nên sự biến đổi mạnh mẽ trong bản chất của tương quan giữa Giáo Hội Công Giáo và các giáo hội Kitô khác. Các nhà lãnh đạo Kitô giáo ngày nay có thể cộng tác với nhau, cầu nguyện với nhau chứ không chỉ trích lẫn nhau như trước đây.

Phản hồi cá nhân và thảo luận

 

Việc đại kết không có nghĩa là các giáo hội đơn giản bỏ qua các khác biệt thực sự của nhau. Nhưng Đại kết mời gọi họ suy nghĩ để nhận ra nhiều điểm chung để cùng nhau hành động và cầu nguyện. Vậy đâu là điểm mà các giáo hội có thể cùng chung sức hành động?

  1. CÁC TÔN GIÁO NGOÀI KITÔ GIÁO

Ngay lúc đầu, Công đồng cũng dự tính bàn về các tôn giáo ngoài Kitô giáo trong Sắc Lệnh Đại Kết, nhưng sau đó Công đồng quyết định phát triển một Tuyên Ngôn riêng cho vấn đề này: Tuyên Ngôn về Mối tương quan giữa Giáo Hội và các Tôn giáo ngoài Kitô giáo. Tài liệu tuy nhỏ nhưng có tầm quan trọng như điểm khởi đầu và tinh thần của nó. Trong tài liệu này, Giáo Hội nhìn nhận những đóng góp chân chính của tất cả các tôn giáo trong khi họ tìm cách đưa con người đến gần Thiên Chúa hơn.

Giáo Hội Công Giáo không bao giờ phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy. Giáo Hội luôn chân thành tôn trọng những cung cách hành động và lối sống, cũng như những huấn giới và giáo thuyết của các tôn giáo, mặc dù có nhiều điểm khác với chủ trương và đề nghị của Giáo Hội, nhưng vẫn thường mang theo một tia sáng nào đó của chính chân lý đang chiếu soi tất cả mọi người. (NAe 2)

Mặc dầu đề cập rất ít chi tiết về các tôn giáo, tài liệu này khuyến khích đối thoại với họ và tôn trọng các giá trị văn hóa và tín ngưỡng của họ. Điều này tạo ra sự khác xa so với tâm lý trước đây đơn giản chỉ muốn giải tán họ vì xem họ là “những tôn giáo giả.” Một mặt, Giáo Hội cũng rõ ràng trong việc duy trì sự duy nhất và giá trị của đức tin Kitô giáo; mặt khác Giáo Hội nhìn nhận rằng các tôn giáo khác có thể cùng chia sẻ chân lý.

Tài liệu này nổi trội với phần đề cập đến tương quan của Giáo Hội với Do Thái giáo. Trong suốt lịch sử Giáo Hội, người Do Thái thường được xem là dân tộc bị Thiên Chúa chúc dữ và chịu trách nhiệm đối với cái chết của Đức Giêsu. Thành kiến xấu này đã góp phần tạo ra cảm giác bài Do Thái và tâm điểm là cuộc hỏa thiêu tàn sát người Do Thái thời Đức Quốc xã. Trong tài liệu này, Giáo Hội thừa nhận có nhiều yếu tố chung về đức tin mà cả Kitô hữu lẫn người Do Thái cùng chia sẻ. Quan trọng hơn, tài liệu kiên quyết loại trừ bất kỳ tâm lý bài Do Thái nào còn tồn đọng nơi các Kitô hữu. Dù không minh nhiên thừa nhận và xin lỗi vì các thái độ không đúng trước đây, tài liệu rõ ràng đã kết án các thái độ đó, và điều này đánh dấu sự khởi đầu cho một thời kỳ mới trong mối tương quan giữa Kitô giáo và Do Thái giáo.

Phản hồi cá nhân và thảo luận

 

Đoạn nói về tương quan với người Do Thái là một ví dụ về cách Giáo Hội được mời gọi để sám hối và canh tân cũng như biết đối diện với giới hạn và lầm lỗi của mình. Nghịch lý ở chỗ Giáo Hội thì thánh thiện trong khi ôm ấp nhiều tội nhân. Đâu là những lý do khiến cho người ta lúc nào cũng có thành kiến chống lại người khác?

  1. GIÁO HỘI VÀ THẾ GIỚI

Trong nhiều năm, Giáo Hội Công Giáo duy trì thứ tâm lý tự xem mình như một pháo đài: Giáo Hội là một pháo đài canh gác các tín hữu khỏi sự dữ của thế gian. Thái độ đối với thế giới kiểu này là một trong thái độ hồ nghi sâu sắc. Như chúng ta thấy, Đức Gioan XXIII không có thái độ này. Ngài dùng một từ tiếng Ý để mô tả một trong các mục đích chính của Công đồng: aggiornamento. Từ này có nghĩa là cập nhật hóa, hay hiện đại hóa, tham dự vào các công việc của thời đại.

Vì đây là một chủ đề quan trọng nên Công đồng viết thành một tài liệu riêng biệt liên quan đến chủ đề này. Tuy Công đồng đã thông qua một văn kiện liên quan đến Giáo Hội, nhưng tài liệu mới này mang tính thực hành hơn, ít lý thuyết hơn. Tài liệu này có tên là: Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, cũng được biết đến với tên gọi bằng tiếng Latin Gaudium et Spes. Câu mở đầu của Hiến Chế này trở nên nổi tiếng khi đề cập đến việc thiết lập mối tương quan mới giữa Giáo Hội và thế giới:

Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô. (GS số 1)

Giáo Hội ngay lập tức tìm cách nối kết mình với nhân loại chứ không phải tự tách mình khỏi nhân loại. Giáo Hội cũng được minh định rõ là Giáo Hội của người phục vụ (a servant church), đồng hóa mình cách đặc biệt với người nghèo và người đau khổ. Chúng ta tìm thấy trong văn kiện điểm nền tảng cho mô hình của Giáo Hội như người phục vụ và “ưu tiên chọn phục vụ người nghèo.”

Văn kiện nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải hiện hữu trong thế giới, “tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng Tin Mừng” (GS số 4). Vì thế, sứ vụ của Giáo Hội không đơn thuần chỉ là tiếp tục lập lại các công thức đức tin, nhưng phải cho mọi người thấy đức tin tác động đến cách sống của các Kitô hữu trong thế giới này như thế nào, và cách các Kitô hữu đáp trả các tình huống khác nhau trên thế giới này ra sao. Văn kiện công nhận các tiến bộ chân chính của xã hội trong văn hóa, nghệ thuật và khoa học, đồng thời dạy rằng các tiến bộ đó không phải là mối đe dọa đối với Giáo Hội. Văn kiện cũng công nhận tầm quan trọng và phẩm giá lương tâm của mỗi cá vị, khuyến khích tình đoàn kết chung của nhân loại trong khi tìm kiếm công lý và hòa bình trên trái đất, và nhìn nhận rằng Giáo Hội phải lắng nghe và học hỏi từ thế giới.

Văn kiện dài cũng tiến một bước khởi đầu trong việc trả lời một số vấn nạn liên quan đến “các dấu chỉ thời đại”: Hôn nhân và gia đình, phát triển văn hóa, kinh tế và nạn nghèo đói, chiến tranh và hòa bình. (Chúng ta sẽ trở lại các chủ đề này trong mục khác của cuốn sách này về cuộc sống Kitô hữu).

Phản hồi cá nhân và thảo luận

 

Đâu là vấn nạn quan trọng nhất Giáo Hội nên đề cập ngày nay?

  1. GIÁO HỘI VÀ THÁNH KINH

Trước Công đồng Vatican II, anh em Tin Lành được biết đến như Giáo Hội duy Thánh Kinh và người Công giáo như Giáo Hội của Bí tích và Luật. Tín hữu Công giáo ít khi được khuyến khích tự đọc Thánh Kinh vì sợ họ sẽ giải thích sai Thánh Kinh. Một lần nữa, Công đồng thay đổi quan điểm này. Một trong những tài liệu quan trọng nhất của Công đồng là Hiến Chế Mặc Khải Thánh (Dei Verbum). Văn kiện nhìn nhận Lời của Thiên Chúa như nguồn mạch huấn giáo và thần học của Giáo Hội, văn kiện tuyên bố rằng “thẩm quyền giáo huấn của Giáo Hội không vượt trên Lời Thiên Chúa, nhưng phục vụ cho Lời đó, và nhiệt thành lắng nghe Lời đó” (DV số 10). Hơn nữa, Công đồng dạy rằng Thánh Kinh không nên chỉ nằm trong tay của những người có thẩm quyền trong Giáo Hội, nhưng “mọi tín hữu Kitô phải được cung cấp cách tiếp cận Thánh Kinh dễ dàng” (số 22). Công đồng khuyến khích dành cho các học giả Thánh Kinh sự tự do hơn và chấp nhận các phương pháp đọc Thánh Kinh kiểu mới. Công đồng cũng nhìn nhận nhu cầu của các học giả được trình bày các khám phá của họ lên các vị có thẩm quyền của Giáo Hội để được hướng dẫn và chấp thuận, vì mặc khải trong Đức Kitô không đơn thuần dựa trên Thánh Kinh nhưng còn dựa trên sự phán đoán của cộng đoàn sống đức tin đó. Với cách hiểu này, Thánh Kinh là Lời Sống Động (của Thiên Chúa) đang ngỏ với con người ở mọi thời đại và văn hóa.

Các hiệu quả của văn kiện này chỉ mới vừa được cảm nhận trong Giáo Hội Công giáo. Văn kiện gây ra sự ngạc nhiên khi canh tân tinh thần của Giáo Hội, và thổi vào nó nền tảng sâu hơn trong giáo huấn và thông điệp của Đức Giêsu. Công đồng cũng mở ra sự phong phú của Thánh Kinh đến hàng triệu tín hữu Công giáo và giúp họ giải thích đức tin của bản thân cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Thánh Giêrôm nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô,” và Công đồng giúp Giáo Hội kết hợp chặt chẽ hơn với Chúa.

  1. PHỤNG VỤ

Công đồng phục hồi vị trí trổi vượt của Lời Thiên Chúa trong đời sống Giáo Hội, tuy nhiên, Công đồng không giảm thiểu tầm quan trọng của các Bí tích. Trái lại, đức tin của Giáo Hội được nuôi dưỡng bởi cả Lời Chúa lẫn các Bí tích. Công đồng nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh Thể trong đời sống đức tin, và diễn tả Thánh Thể như “tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho Giáo Hội” (Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 10).

Để giúp Giáo Hội hiểu và cử hành các Bí tích cách sâu sắc hơn, Công đồng cũng mang đến sự đổi mới trong lãnh vực này. Trong hàng trăm năm, thánh lễ được cử hành bằng tiếng Latinh với các câu chữ và cử điệu hoàn toàn giống nhau được lặp đi lặp lại trên toàn thế giới. Người ta có thể tham dự thánh lễ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới với cùng một kinh nghiệm. Linh mục đọc bản văn một mình (được trợ giúp bởi các cậu giúp lễ), ngài xoay lưng lại với cộng đoàn. Nơi gian cung thánh được bao bọc bởi các chấn song, ngài bị tách biệt khỏi cộng đoàn. Thánh lễ rõ ràng chỉ là phận vụ của linh mục, và các giáo dân đến tham dự cách thụ động. Mặc dù các yếu tố của thánh lễ rất tuyệt vời, nhưng Công đồng nhấn mạnh rằng nó cần toàn thể dân Chúa tham gia cách tích cực hơn. Trong tinh thần đó, thánh lễ được thay đổi trong những năm sau Công đồng (mặc dù các yếu tố thuộc bản chất của thánh lễ thì không thay đổi). Ngày nay, các thánh lễ được cử hành bằng tiếng bản xứ (vernacular). Giáo dân đóng vai trò tích cực hơn như hát lễ, đọc sách (đọc bài đọc thánh thư), và thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ. Ngoài ra, thánh lễ được linh động hơn để đáp ứng các nhu cầu của độ tuổi (thanh niên, trẻ con, người cao tuổi, những người có nền văn hóa khác). Ngày nay, hiệu quả của Công đồng chính là việc giáo dân cùng cử hành phụng vụ với linh mục, chứ không phải chỉ xem linh mục cử hành phụng vụ.

Phản hồi cá nhân và thảo luận

Hãy nói với một số người về phụng vụ cũ bằng tiếng Latinh. Đâu là các ấn tượng? Họ thích cách nào hơn: phụng vụ cũ hay phụng vụ mới? Đâu là thuận lợi của mỗi hình thức?

  1. TỰ DO TÔN GIÁO

Như chúng ta đã thấy trong chương trước, nhiều lần trong lịch sử, Giáo Hội bị cuốn vào mối tương quan không tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước. Đức tin Kitô giáo không những là sức mạnh tôn giáo, mà còn là sức mạnh xã hội và chính trị. Giáo Hội được nhà nước cấp cho chỗ đứng đặc biệt với các đặc quyền đặc lợi. Tây Âu thực sự là vương quốc Kitô giáo. Các vị lạc giáo không những là mối đe dọa với đức tin, mà còn là mối đe dọa ổn định xã hội, vì thế họ bị đối xử khắc nghiệt. Đối với nhiều người, đây là mối tương quan lý tưởng giữa Giáo Hội và nhà nước. Tuy nhiên, tình trạng Giáo Hội kiểu này đã bị sụp đổ sau thời kỳ cải cách, và nhiều người mong ước quay trở lại tình trạng này.

Chúng ta còn có một cách hiểu khác về mối tương quan giữa Giáo Hội và nhà nước, và một ví dụ để diễn tả điều này có thể được tìm thấy tại Hoa Kỳ, tại đây tôn giáo không có đặc quyền đặc lợi, đồng thời có sự tách biệt rõ ràng giữa Giáo Hội và nhà nước. Một số tín hữu Công giáo mạnh mẽ tin rằng hoàn cảnh như vậy thật là lý tưởng không phải vì những lý do thực tế, nhưng vì mỗi người có quyền làm theo tiếng lương tâm của họ đối với các vấn đề liên quan đến đức tin. Các tín hữu Công giáo khác lại xem các tôn giáo khác là “các tôn giáo giả” và tin rằng “sai lầm thì không có quyền.” Trong lý tưởng, chúng ta tin rằng Giáo Hội Công giáo nên được hưởng một vị trí đặc quyền đặc lợi.

Công đồng Vatican II đã phê chuẩn quyền tự do tôn giáo, liên quan đến vấn đề này mọi người được tự do không bị ép buộc bởi chính quyền. Không ai bị bắt buộc phải chấp nhận đức tin Kitô giáo, không ai bị trừng phạt vì khước từ đức tin đó.

Đối với người Hoa Kỳ vốn được sinh dưỡng với khái niệm tự do, điều này dường như là một khái niệm quá hiển nhiên. Tuy vậy, đối với Giáo Hội, đây là một bước tiến lớn vì Giáo Hội phải bỏ đi khái niệm coi vương quốc Kitô giáo là lý tưởng, và thậm chí quan trọng hơn, Giáo Hội cho thấy giáo huấn của mình có thể thăng tiến và phát triển thực sự. Các ý kiến của Công đồng về tự do tôn giáo đã tiến rất xa so với văn kiện The Syllabus of Errors (Bản liệt kê các sai lầm) ban hành bởi Đức giáo hoàng Piô IX một trăm năm trước (xin xem chương 10).

Phản hồi cá nhân và thảo luận

 

Đâu là hoàn cảnh lý tưởng: Đạo Kitô được nhà nước cho các ưu ái đặc biệt hay để nhà nước ở vị thế trung lập? Tại sao?

  1. GIÁO DÂN

Công đồng là lời mời gọi tự do và trách nhiệm nơi các tín hữu trong Giáo Hội không phải là linh mục, nữ tu hay thầy tu. Giáo dân được mời gọi tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội cách sâu xa hơn so với trước đây. Trong các văn kiện trước đề cập đến Giáo Hội, các nghị phụ cho thấy Giáo Hội gồm toàn bộ dân Thiên Chúa, và vì thế giáo dân có trách nhiệm, với tư cách thuộc thành phần của Giáo Hội, thực hiện công việc của Giáo Hội. Trách nhiệm này không phải là kiểu “giúp các linh mục” nhưng trách nhiệm này thuộc về tất cả các Kitô hữu nhờ hiệu năng của bí tích Rửa tội. Tất cả đều được mời gọi để phục vụ và thực thi sứ vụ. Sứ vụ và sự phục vụ này phụ thuộc vào tài năng và nén bạc riêng của mỗi người được dùng để mưu ích “sự tốt đẹp cho nhân loại và xây dựng Giáo Hội” (Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, số 3).

Lãnh vực phục vụ đầu tiên chính là thế giới nơi giáo dân sẽ đem các giá trị Kitô giáo cho tất cả những người họ cùng làm việc và giúp đỡ để trở nên “men” cho xã hội. Hy vọng rằng các công ty, các phương tiện truyền thông, các ngành nghệ thuật và khoa học đều được tác động bởi tinh thần đức tin của các Kitô hữu đang hiện diện và làm việc tại đó. Tương tự như vậy, gia đình sẽ trở nên “giáo hội thu nhỏ,” các cộng đoàn nhỏ sống đức tin để các nhân đức mến, lòng vị tha, hiếu hòa, kiên nhẫn và rộng lượng bám rễ sâu và thăng tiến.

Lãnh vực thứ hai là chính Giáo Hội trong đó các nhu cầu cần đến sứ vụ của giáo dân lớn hơn bao giờ hết. Ngày nay chúng ta có thể thấy các giáo dân tham gia thiết thực vào việc giáo dục Kitô giáo, vào các sứ vụ giúp người nghèo, người bệnh, người cao niên, và tất cả những ai đang cần họ giúp đỡ. Họ cũng tham gia đầy đủ hơn trong phụng vụ, mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân và những người bệnh ở nhà. Rõ ràng Giáo Hội trong tương lai sẽ ngày càng lệ thuộc hơn vào sứ vụ và sự phục vụ của giáo dân.

Phản hồi cá nhân và thảo luận

 

Những điểm trên là những vấn nạn lớn Giáo Hội phải đương đầu tại Công đồng Vatican II. Theo bạn đâu là vấn nạn mà Giáo Hội hôm nay đang phải đương đầu?

Các câu hỏi ôn tập

  1. Nhân vật nào là sự khởi hứng phía sau Công đồng Vatican II?
  2. Tại sao Công đồng được triệu tập? Công đồng này khác với các Công đồng trước thế nào?
  3. Giáo Hội tự mô tả mình khác thế nào trong Công đồng Vatican II?
  4. “Collegiality” (sự kết hợp trong Giám mục đoàn) là gì?
  5. Công đồng dạy gì về sự bất khả ngộ?
  6. Đại kết là gì? Tại Công đồng, Giáo Hội Công Giáo thay đổi thái độ liên quan đến đại kết như thế nào?
  7. Công đồng dạy gì về các tôn giáo khác trên thế giới?
  8. Tại sao mục nói về mối tương quan với Do Thái giáo rất quan trọng?
  9. “Tâm thức pháo đài” trong Giáo Hội nghĩa là gì? Aggiornamento là gì?
  10. Công đồng thay đổi cách hiểu của Giáo Hội liên quan đến mối tương quan với thế giới như thế nào?
  11. Những thay đổi nào được thực hiện trong Phụng vụ? Tại sao?
  12. Đâu là hai thái độ khác nhau liên quan đến tự do tôn giáo được tranh luận tại Công đồng? Ý kiến nào thắng?
  13. Đâu là vai trò của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới?

Chuyển ngữ: Nhóm Học viên Dòng Tên

Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 173-187.