Ảnh từ Internet

Thử hình dung nếu bạn là một trong số các môn đệ của Đức Giêsu thì bạn sẽ như thế nào: cùng đi với Ngài, lắng nghe lời Ngài, chăm chú xem Ngài chữa lành người bệnh cũng như người mù với lòng tôn kính. Có một điều gì đó phi thường đang diễn ra nơi bác thợ mộc xuất thân từ làng Nadarét này. Đây là một người không như bất kỳ người nào khác. Tâm hồn bạn ngập tràn hy vọng và phấn khởi. Và thế rồi thình lình tất cả đều biến mất. Thầy của bạn đã bị bắt vào nửa đêm, bị người Rôma xét xử và bị lên án xử tử cách tàn bạo. Trong một đêm bạn còn đang dùng bữa cùng nhau. Không đầy hai mươi bốn giờ sau, Đức Giêsu đã tử nạn. Lúc này đây tất cả những gì bạn đang trải qua là nỗi sợ hãi, sầu khổ và tuyệt vọng.

Kitô giáo đã khởi đầu như thế đó. Chính Đức Giêsu bắt đầu trong lòng mẹ, và trong tình yêu của gia đình ở Nadarét. Nhưng Kitô giáo khởi đầu với nỗi tuyệt vọng và cái chết. Tuy vậy, điều ai cũng cho là sụp đổ, diệt vong lại trở thành ơn cứu độ. Điều ai cũng cho là sự dữ, lại đã tỏ lộ tình yêu của Thiên Chúa cách mạnh mẽ nhất. Điều ai cũng cho là tuyệt vọng đã sinh ra niềm hy vọng. Được cưu mang trên thập giá và giải thoát khỏi nấm mồ, thế giới đã được tái sinh.

Trong chương này, chúng ta chú ý đến trọng tâm đức tin Kitô giáo: cái chết và phục sinh của Đức Giêsu. Chúng ta sẽ tập trung vào các câu hỏi sau:

  1. Tại sao Đức Giêsu bị lên án tử?
  2. Hội Thánh sơ khai hiểu cái chết của Ngài thế nào?
  3. Cái chết của Đức Giêsu có ý nghĩa gì đối với các Kitô hữu và toàn thế giới?
  4. Điều gì đã xảy ra vào lúc phục sinh của Đức Giêsu?
  5. Sự phục sinh có ý nghĩa gì đối với Đức Giêsu và đối với chúng ta?

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Thập giá là biểu tượng của đức tin của Kitô giáo. Hãy chiêm ngưỡng thập giá hay tượng chịu nạn. Biểu tượng đó có ý nghĩa gì đối với bạn?

  1. THÔNG TIN NỀN TẢNG

Hầu hết người Kitô hữu ngày nay dường như chấp nhận mối liên hệ tự nhiên giữa đức tin và sự bất tử của linh hồn. Vì đức tin Kitô giáo đặt nền tảng trên sự phục sinh của Đức Giêsu và niềm hy vọng phục sinh trong tương lai cho tất cả những ai tin vào Ngài, nên thật khó hình dung nếu chúng ta nghĩ cách khác. Chúng ta nói một cách tự tin về niềm hy vọng của chúng ta rằng cái chết của một người thân yêu không phải là dấu chấm hết. Chúng ta sống trong niềm hy vọng người thân yêu đó đang kết hiệp cùng Chúa trên thiên đàng. Khi trẻ em hỏi chúng ta điều gì xảy đến với con người khi họ chết, điều chúng ta phải cố gắng hết sức để cắt nghĩa cho các em chính là thiên đàng là gì.

Vì đức tin Kitô giáo liên hệ mật thiết với cuộc sống vĩnh cửu, nên thường có giả thiết cho rằng tất cả các tín hữu sùng đạo đều tin vào sự bất tử của mỗi cá nhân. Điều này không đơn giản như vậy. Thực ra nhiều người Do Thái sống cùng thời với Đức Kitô không tin vào sự sống sau khi chết. Rất có khả năng là các vị lãnh đạo tôn giáo vĩ đại nhất thời Cựu Ước cũng không tin vào sự sống sau khi chết. Dân Ít-ra-en thời xưa đặt niềm tin vào một vị Thiên Chúa của lịch sử, một Thiên Chúa có liên hệ rất nhiều với thế giới này mặc dù Ngài trổi vượt thế giới này. Ơn cứu độ Thiên Chúa chính yếu được hiểu là việc Ngài thực hiện các điều đã hứa với dân Ít-ra-en. Điều này rất khác với quan niệm về sự tồn tại của linh hồn mỗi người (sau khi chết). Khởi đầu, ơn cứu độ của Thiên Chúa được hiểu trong phạm vi bối cảnh đời sống và lịch sử của nhân loại. Tuy vậy, có thời dân Ít-ra-en đánh mất vị thế trổi vượt của mình và bị các thế lực ngoại bang đánh bại. Niềm tin vào việc thiết lập các thể chế và quyền lực nhân loại mất dần và người Do Thái bắt đầu mong chờ thời kỳ mới lúc Thiên Chúa sẽ khôi phục Dân của Ngài. Dân Ít-ra-en đã phát triển niềm hy vọng “cánh chung” tổng quát rằng vào thời sau cùng, Thiên Chúa sẽ chiến thắng khải hoàn và phục hồi Dân của Ngài. Khái niệm này được mô tả trong hình ảnh “Ngày của Gia-vê” hay triều đại Thiên Chúa. Như Ngôn sứ Isaia viết: “Trên núi này, Đức Chúa sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước; Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần… Vào ngày ấy, người ta sẽ nói: ‘Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông!’” (Isaia 25,6-9). Dù vậy, sự cứu độ được Ngôn sứ Isaia hình dung vẫn không phải là sự phục sinh của mỗi người. Chỉ có những ám chỉ mơ hồ về sự bất tử nơi cá nhân. Có niềm tin rằng Gia-vê sẽ cứu những người công chính, nhưng sự cứu độ này cũng không giống với khái niệm phục sinh của chúng ta. Đối với một số người Do Thái, sự bất tử mang hình thức phổ biến là sống nhờ vào tổ tiên, khái niệm đó vẫn còn phổ biến ngày nay. Hầu hết các học giả đương đại cho rằng niềm tin của người Do Thái vào sự phục sinh của cá nhân không xuất hiện cho mãi đến thế kỷ thứ hai TCN. Sự phục sinh này không hạn chế chỉ dành cho những người công chính. Những người gian ác cũng sẽ sống lại nhưng là để chịu sự trừng phạt.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Hãy làm một cuộc thẩm vấn nhỏ với  bạn bè, người thân, hàng xóm, v.v… Hãy hỏi họ: Chuyện gì xảy ra khi chúng ta chết?

Trong thời của Đức Giêsu, dường như có rất nhiều ý kiến khác nhau trong Do Thái giáo(về vấn đề phục sinh). Những người Pharisêu tin vào sự phục sinh chung cuộc vào thời sau hết khi người công chính và người gian ác sẽ bị phán xét. Những người Xa-đốc phản đối bất kỳ khái niệm nào liên quan đến phục sinh. Thực ra, Tin Mừng Mác-cô kể cho chúng ta tranh luận diễn ra giữa Chúa Giêsu và nhóm Xa-đốc:

Một người thuộc nhóm Xa-đốc nói: 19 “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta rằng: ‘Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.’20 Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng.21 Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy.22 Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết.23 Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ.”

24 Đức Giê-su nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?25 Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.26 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Môsê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Ixaác, và Thiên Chúa của Giacóp.27 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!”

Vì những người nhóm Xa-đốc chỉ chấp nhận luật đã được viết ra và không tin vào sự phục sinh, họ tìm cách gài bẫy Đức Giêsu. Đức Giêsu giải thích với họ rằng sự hiểu biết của họ về phục sinh quá thiên về vật chất. Họ chỉ thấy phục sinh đơn giản là tiếp nối cuộc sống con người như chúng ta đã biết. Đức Giêsu chỉ ra một thực tại hoàn toàn mới và điều đó sẽ xảy ra nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Đức Giêsu nói rằng những người đã chết sẽ giống như các thiên thần trên trời. Rủi thay chúng ta thực sự không biết các thiên thần như thế nào. Chúa Giêsu muốn nói gì khi Ngài dạy điều này?

 

 

  1. ĐỨC GIÊSU CÓ TIÊN BÁO VỀ SỰ PHỤC SINH KHÔNG?

Trong ánh sáng niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh, các môn đệ dường như chậm chạp và mù mờ không đủ khả năng để nắm bắt được ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu. Trong thực tế, rõ ràng Đức Giêsu đã tiên báo về cái chết và sự  phục sinh của Ngài:

 

31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người (Mc 8, 31-32).

Chẳng phải là Đức Giêsu đã nói cho các môn đệ biết chính xác điều gì sẽ xảy ra sao? Các học giả Kinh Thánh cho rằng đoạn Kinh Thánh này, vì được viết sau khi phục sinh, nên có lẽ đã bị sự kiện phục sinh ảnh hưởng. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đồng hóa mình với người tôi tớ đau khổ. Có thể Ngài hiểu cái chết của Ngài là hành động cuối cùng để hoàn tất sứ mạng, đồng thời Ngài tin rằng Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi Ngài hư nát trong huyệt mộ. Có thể Ngài đã không tiên báo các sự kiện liên quan đến cái chết và phục sinh rõ ràng như thánh Mác-cô trình bày như trên, nhưng Ngài chắc chắn thấy trước những gì sẽ xảy ra tại Giêrusalem đồng thời tin rằng cái chết sẽ không phải là kết cục thất bại trong sứ vụ của Ngài. Tuy nhiên, những người theo Ngài dường như lãng quên tiên báo về đau khổ và cái chết này.

Những người được xức dầu (Mê-si-a) sẽ không phải chịu đau khổ! Chính vì thế, ý tưởng về đấng được xức dầu sẽ phải chịu đau khổ và chết cho người khác hoàn toàn xa lạ với những người Do Thái thời Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu tiên báo đau khổ và cái chết Ngài chịu trong tương lai, Phêrô lập tức bắt đầu ngăn cản Ngài:

Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,32-33).

Cái chết và phục sinh đơn giản không nằm trong kế hoạch. Đấng được xức dầu luôn là người khải thắng. Đây là lý do giải thích tại sao sự phục sinh là một mặc khải gây chấn động như vậy.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Bạn có thể nghĩ ra một vài ví dụ liên quan đến con người thời nay chỉ tìm kiếm đấng được xức dầu mạnh mẽ đầy quyền năng hơn là đấng luôn yêu thương và đầy lòng nhân hậu không?

  1. THỰC HÀNH NHỮNG ĐIỀU NGÀI ĐÃ GIẢNG DẠY

Trong chương trước, chúng ta đã thảo luận về mối liên hệ giữa lời nói và hành động của Đức Giêsu. Cái chết của Ngài là sự diễn tả cao nhất lời nói và cuộc đời của Ngài. Ngài đã dạy các môn đệ ý nghĩa cuộc đời được nhận ra không phải trong sự ích kỷ nhưng trong sự từ bỏ chính mình:

35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.36 Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? (Mc 8,35-36).

 

24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12,24).

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Hành động và lời nói của Đức Giêsu liên hệ mật thiết với nhau. Ngài dạy những điều Ngài sẽ thực hành. Nhìn xem ở đâu đó trong cuộc sống của bạn, bạn có cần làm cho mối liên hệ giữa lời nói và hành động được thể hiện không?

  1. NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC GIÊSU: TIẾN VÀO THÀNH GIÊRUSALEM, CÁC HOẠT ĐỘNG Ở ĐỀN THỜ, BỮA TIỆC LY, BỊ BẮT VÀ BỊ XỬ ÁN

Tiến vào thành Giêrusalem. Phúc Âm Nhất Lãm đề cập một lần duy nhất Đức Giêsu hành trình lên Giêrusalem. Phúc Âm Gioan mô tả Đức Giêsu lên Giêrusalem ba lần cùng với các môn đệ của Ngài. (Các học giả có khuynh hướng chuộng phiên bản của Gioan vì hợp lý hơn khi lý giải sự gia tăng chống đối mà Đức Giêsu phải đối mặt). Dù trong trường hợp nào đi nữa, cả bốn Phúc Âm đều thống nhất với nhau rằng chuyến viếng thăm cuối cùng của Ngài là vào dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái. Đối với người Do Thái, việc hành hương đến thánh đô trong dịp lễ trọng đại này là việc rất phổ biến. Thành phố ngập tràn khách hành hương. Chính trong bối cảnh này, Đức Giêsu được chào đón vào thành đô:

7 Hai ông đem con lừa về cho Đức Giêsu, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giêsu cỡi lên.8 Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải.9 Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!10 Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” (Mc 11,7-10).

Hình ảnh Đức Giêsu cưỡi lừa phản chiếu hình ảnh đấng được đề cập đến trong Sách Ngôn Sứ Dacaria trong Cựu Ước:

9 Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ (Dacaria 9,9).

Việc vào thành của Đức Giêsu trên lưng lừa tỏ lộ hình ảnh đấng được xức dầu sẽ như thế nào. Một người được xức dầu để thành chiến binh sẽ cưỡi ngựa và sẵn sàng ra chiến trận. Còn Đức Giêsu, Ngài đến trong bình an.

Tẩy uế  Đền thờ. Một trong những sự kiện góp phần dẫn tới cái chết của Đức Giêsu chính là hành động của Ngài tại đền thờ Giêrusalem. Khi Đức Giêsu đến khuôn viên đền thờ, Ngài nhận thấy phía ngoài tường thành đầy dẫy những người đổi tiền và những kẻ buôn bán thú vật dùng cho việc sát tế trong đền thờ. Chẳng có ai lạ lẫm với những hình ảnh này. Khi khách hành hương viếng đền thờ, họ cần tiền của người Do Thái (đồng shekel) để trả thuế đền thờ. Vì có rất nhiều khách hành hương đến từ những khu vực ngoài Palestine, họ cần đổi tiền thành đồng shekel. Cũng vậy, chim bồ câu được bán cũng dùng cho việc sát tế trong đền thờ. Hoạt động nhộn nhịp này được thực hiện phía sân ngoài khu vực đền thờ nơi được gọi là sân (khu vực) dành cho dân ngoại, vì người ngoại được phép ở khu vực này của đền thờ. Tuy vậy, Đức Giêsu không hài lòng:

15 Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu.16 Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ.17 Người giảng dạy và nói với họ: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Mc 11,15-17).

Việc đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ là việc Ngài tấn công vào bầu khí lạm dụng lễ hội nhờ đó một số người kiếm lợi qua việc cử hành lễ Vượt Qua. Đức Giêsu coi điều này là vi phạm tinh thần đích thực của lễ Vượt Qua và đền thờ là nơi con người tụ họp để cầu nguyện và thờ phượng (Thiên Chúa). Tuy nhiên, việc Đức Giêsu đánh đuổi như vậy lại được xem như Ngài tấn công vào chính đền thờ và những người quản lý đền thờ. Tại phiên tòa trước mặt các kỳ mục và kinh sư người Do Thái, mối đe dọa này chống lại đền thờ được dùng như bằng chứng chống lại Đức Giêsu.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Những hành động diễn ra trong đền thờ dường như không phải là cá tính điển hình của Đức Giêsu. Ngài đã mất bình tĩnh. Sự tức giận này đúng hay sai? Chúng ta cần nhận ra sự khác biệt giữa tức giận vì thù hận với “tức giận của người chính trực.” Khi chúng ta chứng kiến bất công và sự dữ, chúng ta cần phải tức giận! Nếu không, có điều gì đó không ổn nơi chúng ta. Vậy các tình huống nào trong thế giới hiện nay mời gọi sự “tức giận của người chính trực” để đấu tranh đòi công lý?

Bữa Tiệc Ly. Đêm trước khi tử nạn, Đức Giêsu tụ họp để cử hành bữa ăn cuối cùng với các môn đệ. Theo Phúc Âm Nhất Lãm, đây là bữa tiệc vượt qua. Thánh sử Gioan đề cập bữa tiệc được cử hành đêm trước, vào đêm chuẩn bị ngày lễ Vượt Qua. Thậm chí ngay cả khi Gioan chính xác hơn về chi tiết này (hầu hết các học giả đồng ý), bữa ăn đó được Đức Giêsu thực hiện với đặc tính của lễ Vượt Qua. Đang khi dùng tiệc, Đức Giêsu cầm lấy bánh và phán: “Đây là Mình Thầy.” Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: “Đây là Máu Thầy, Máu giao ước mới đổ ra vì muôn người” (Mc 14,22-24). Trong bữa ăn, Đức Giêsu đã biểu tượng hóa cái chết sắp xảy ra của Ngài. Như tấm bánh, thân xác Ngài sẽ bị bẻ ra cho người khác. Như chén rượu, máu của Người sẽ đổ ra vì nhân loại.

Chúng ta thấy rằng Đức Giêsu đã nhiều lần cùng ăn uống với người khác như một phần sứ vụ của Ngài. Nhưng đây thực sự là bữa ăn cuối cùng, và trong bữa ăn đó, Ngài công bố ý nghĩa mọi chuyện xảy ra trước đó. Bữa ăn này mặc khải tất cả về Ngài là ai và Ngài sẽ như thế nào: một cuộc đời vì muôn người. (Chúng ta sẽ đề cập nhiều hơn về bữa ăn này trong phần bàn về thánh lễ).

Đức Giêsu bị bắt và bị xét xử. Sau bữa ăn, Đức Giêsu lên núi Ôliu để cầu nguyện. Việc miêu tả lần cầu nguyện này trong các Phúc Âm giúp chúng ta nhìn thấu sự tương phản giữa Đức Giêsu và các tông đồ, giữa niềm tin và lòng can đảm phi bạo lực của Ngài với sự yếu đuối và bạo động của các ông.

Niềm tín thác của Đức Giêsu vào Thiên Chúa không loại bỏ cảm xúc con người cũng như ao ước được sống của Ngài. Đức Giêsu cầu nguyện hầu có thể tránh khỏi cái chết đang chờ đợi Ngài. Tâm hồn Ngài sợ hãi và buồn phiền. “Ngài tiếp tục nói: ‘Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn’” (Mc 14,36). Ngược lại các tông đồ lại ngủ thiếp đi. Điều này thực sự vượt quá sức họ.

Khi đám đông đến bắt Đức Giêsu, Ngài còn lại cơ hội cuối cùng để trở thành đấng Mê-si-a quân sự. Một người rút gươm ra, nhưng Đức Giêsu không làm theo điều người đó nghĩ: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52).

Đức Giêsu bị điệu đến thượng hội đồng Do Thái là nơi các kỳ mục và dưới sự lãnh lạo của thượng tế. Ở đó họ chất vấn Ngài nhưng không đưa ra được bất kỳ kết luận nào cho đến khi vị thượng tế chủ tâm hỏi Ngài: “Ông có phải là Đấng Kitô, con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” (Mc 14,61b). Câu trả lời của Đức Giêsu cũng không rõ ràng. Trong Mác-cô, Ngài nói: “Tôi là.” Trong Mát-thêu và Lu-ca, Ngài trả lời: “Chính các ông đã nói điều đó.” (Nói cách khác, Ngài không tuyên bố mặc dù Ngài cũng không hoàn toàn phủ nhận điều đó.) Sau đó Ngài nói: “Và các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.” (Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm nói chung đều trình bày các lời này.) Lúc này, vị thượng tế xé áo mình ra chứng tỏ ông đã nghe lời nói lộng ngôn, một lời buộc tội có thể tương xứng với án tử.

Chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra trong phiên tòa từ lúc nghe Đức Giêsu trả lời vì không một tông đồ nào có mặt ở đó. Tuy nhiên, dù chuyện gì xảy ra, những người cầm quyền ở đền thờ Do Thái nhận thấy đã đủ lý do để mang Đức Giêsu đến cho quan Phong-xi-ô Phi-la-tô tổng trấn Rôma xét xử. Các phiên bản Phúc Âm nói về việc xét xử của người Rôma này khá khác nhau. Nhưng các phiên bản đó đều kết luận rằng cuối cùng Phi-la-tô đã kết án tử hình Đức Giêsu. Lời cáo buộc chống lại Đức Giêsu chắc chắn phải là cáo buộc chính trị (Phi-la-tô không mặn mà gì với các vấn đề nội bộ tôn giáo Do Thái). Đức Giêsu bị hành quyết với tội danh là vị vua giả, như đã được ghi trong bản án treo trên cây thập giá: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái.”

Các học giả tin rằng hình ảnh Phi-la-tô trong các Phúc Âm đã được giảm nhẹ rất nhiều. Trong Mát-thêu, ông rửa tay để phủ nhận trách nhiệm, và trong Lu-ca, ông ba lần tuyên bố Đức Giêsu vô tội. Thực ra, Phi-la-tô là một viên quan khát máu và nhẫn tâm luôn chống lại người Do Thái. Ông hầu như không có một chút dằn vặt lương tâm nào đối với việc hành quyết Đức Giêsu. Các Phúc Âm đã đẩy cả phần trách nhiệm của con sư tử này lên nhà cầm quyền Do Thái, thế nhưng cái chết của Đức Giêsu đúng hơn là nỗ lực cộng tác của cả nhà cầm quyền Do Thái lẫn Rôma.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Trên toàn thế giới hôm nay, hàng ngàn người đang bị cầm tù bất công và bị xét xử sai lệch. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu vẫn tiếp diễn nơi những người đang bị bách hại này. Để biết thêm về họ, hãy liên hệ theo địa chỉ: Amnesty International USA, PO Box 96756, Washington D.C. 20077-7131.

  1. ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ

Trong tất cả những điều chúng ta biết về Đức Giêsu, không gì chắc chắn về tính lịch sử hơn là sự kiện Ngài đã bị đóng đinh vào thập giá. Hình thức hành quyết của Đế quốc Rôma này dành cho những người ngoại bang vì tính tàn ác của nó. (Công dân Rôma bị hành quyết bằng cách chém đầu.) Cả bốn Phúc Âm đều đề cập Đức Giêsu bị quân lính đánh đập và hành hạ trước khi bị đóng đinh (mặc dù trong Lu-ca quân lính một phần thuộc nhóm lính canh của vua Hêrôđê). Vòng gai được đặt trên đầu Đức Giêsu và áo choàng của vua được khoác quanh Ngài nhằm nhạo báng Ngài giống như lời cáo buộc chống lại Ngài: Vua dân Do Thái.

Việc đóng đinh xảy ra phía ngoài thành phố tại nơi được gọi là Gôn-gô-tha (Đồi Sọ). Mặc dù tử tù bị buộc phải vác thập tự nhưng dường như Đức Giêsu đã được ông Simon người xứ Ky-ri-nê giúp đỡ vì sức lực đã cạn kiệt. Có nhiều hình thức đóng đinh thời Đế quốc Rôma, một trong số đó là đóng đinh xuyên qua cổ tay và mắt cá chân. (Chỉ có Phúc Âm Gioan nhắc đến việc dùng đinh.) Các nạn nhân chết vì nghẹt thở do sức nặng của cơ thể sụp xuống. Tiến trình này đôi khi được đẩy nhanh hơn nhờ đánh giập ống chân các tử tù (không nhất thiết áp dụng cho Đức Giêsu) hay đâm ngọn giáo vào cạnh sườn (điều này được đề cập trong Phúc Âm Gioan, để chắc chắn rằng Đức Giêsu đã chết).

Các Phúc Âm khác nhau trong việc truyền tải những lời của Đức Giêsu trên thập giá. Chúng ta rất khó biết chính xác điều gì đã xảy ra hay Đức Giêsu đã nói gì trên thập giá. Có một sự liên hệ mạnh mẽ giữa các sự kiện ở Gôn-gô-tha và Thánh vịnh 22 trong Cựu Ước.

Mát-thêu 27,39-40. 42-43. 45-46

39 Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu40 vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!”

42 “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!” 43 Hắn cậy dựa vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi nếu Người muốn…

45 Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín.46 Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Êli, Êli, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”

Thánh vịnh 22,2-5. 7-9

2 Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời! 3 Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên. 4 Thế nhưng Chúa ngự nơi đền, vinh quang của Ít-ra-en là Ngài. 5 Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa, họ cậy trông, Ngài đã độ trì…


7 Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi, 8 thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai: 9 “Nó cậy CHÚA, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!”

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Thập giá là biểu tượng vừa diễn tả tình yêu Thiên Chúa vừa bộc lộ sự ác tâm của con người. Bằng cách nào thập giá của Đức Giêsu hiện diện trong thế giới chúng ta vừa diễn tả tình yêu Thiên Chúa vừa bộc lộ sự ác tâm của con người?

  1. PHỤC SINH

Qua việc bị đóng đinh, toàn bộ lời dạy cũng như sứ mạng của Đức Giêsu dường như bị vỡ tan. Sách Đệ Nhị Luật quả quyết: “Đáng nguyền rủa thay kẻ bị treo trên cây gỗ.” Việc hành quyết công khai là dấu hiệu cho thấy người đó bị Thiên Chúa nguyền rủa, tất nhiên không được chúc lành. Việc đóng đinh Đức Giêsu hóa ra lại công nhận lời buộc tội của địch thù. Đây là tên ngôn sứ giả, một mêsia giả mạo.

Và thế rồi: điều không ai có thể nghĩ tới, điều không ai có thể tưởng tượng đã xảy ra. Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu chỗi dậy từ trong kẻ chết. Các phụ nữ ra viếng mồ Đức Giêsu để xức dầu cho xác của Ngài đã phát hiện ra ngôi mộ trống. Ngôi mộ trống này thoạt đầu chỉ là dấu hiệu gây bối rối và ngạc nhiên. Xác của Đức Giêsu đang ở đâu? Hay xác của Ngài đã bị trộm cắp?

1 Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn.2 Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ.3 Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả.4 Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ.5 Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?6 Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (Lc 24,1-6a).

Không có nhân chứng trực tiếp nào cho sự phục sinh. Các phụ nữ phát hiện ngôi mộ trống. Nhưng ý nghĩa của ngôi mộ trống vượt quá sự hiểu biết của họ và các tông đồ mãi đến khi Chúa phục sinh tự hiện ra với họ. Các mô tả về Chúa phục sinh trong các Phúc Âm được thực hiện dưới hình thức kể chuyện, trong đó các tác giả Phúc Âm cố gắng mô tả điều họ không thể diễn tả. Khi chúng ta xem xét các trình thuật này chúng ta có thể kết luận những điều sau đây về sự phục sinh:

1) Sự phục sinh của Đức Giêsu là một cuộc biến đổi, không phải chỉ là sự hồi sinh. Đức Giêsu không trở lại với hình dạng con người như Ngài đã có trước khi tử nạn. Ngài không đơn thuần “ngồi dậy” bên trong nấm mồ, và sau đó bước ra khỏi đó, rồi trở lại với cuộc sống như Ngài đã từng biết trước đó. Đây chỉ là sự hồi sinh, cũng giống như sự hồi sinh của Ladarô (x. Gioan 11). Ladarô rồi cũng sẽ lại phải chết. Nhưng Đức Giêsu đã bước vào một cách thế hiện hữu hoàn toàn mới, thoát khỏi mọi ràng buộc trước đây. Chẳng hạn như, Ngài xuất hiện dễ dàng trong căn phòng đã được khóa kín:

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Gioan 20,19).

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Thánh Phaolô cố gắng diễn tả sự biến đổi này bằng cách sử dụng hình ảnh của hạt giống và cây. Bạn có thể cho biết những hình ảnh khác của thiên nhiên là “dấu chỉ” của sự phục sinh không?

2) Chúa phục sinh đích thực là Đức Giêsu. Một số người cho rằng Đức Giêsu không thực sự sống lại từ trong kẻ chết. Ngài đơn giản sống nhờ vào ký ức của các môn đệ. Sự phục sinh không phải là câu chuyện đơn giản xảy ra trong tâm hồn các môn đệ. Đức Giêsu đã phục sinh thực sự chứ không chỉ trong ký ức của các ông. Ngài đã chinh phục nấm mồ. Chúa phục sinh thực sự là cùng một Đức Giêsu, Ngài đã từng sống giữa các ông và đã bị đóng đinh vào thập giá. Phúc Âm Gioan làm rõ điểm này khi đề cập đến các vết thương của Đức Giêsu.

24 Chuyện xảy ra là một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến.25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”

 

26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”27 Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,24-27).

Đoạn Phúc Âm trên và các đoạn khác tương tự (x. Lc 4,36-39) đã chỉ rõ Chúa phục sinh vĩ đại hơn nhiều chứ không đơn thuần là linh hồn người chết hay ký ức. Sự phục sinh của Đức Giêsu cách nào đó là cuộc phục sinh “nơi thân xác” thậm chí ngay cả khi thân xác của Đức Giêsu đã được biến đổi hoàn toàn.

3) Những lần hiện ra của Chúa phục sinh là những trải nghiệm về mặc khải và đức tin. Những người gặp gỡ Chúa phục sinh nhận ra nơi Ngài sự trổi vượt khác hẳn với một người bình thường. Họ hiểu rằng Ngài là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Việc gặp gỡ Chúa phục sinh không giống như việc nhìn thấy một người nào đó: đây là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô nơi tâm hồn và linh hồn. Đây là một kinh nghiệm cá vị đem lại sự biến đổi và niềm tin. Điều này được truyền tải trong các câu chuyện Phúc Âm bằng nhiều cách. Các môn đệ trên đường Em-mau (x. Lc 24,13-29) cùng đi với Chúa phục sinh nhưng không nhận ra Ngài cho đến khi “Ngài bẻ bánh.” Họ đã được biến đổi chứ không chỉ dừng lại ở việc nhìn thấy Đức Giêsu: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Cũng thế, chị Maria Mađalêna nhìn thấy Chúa phục sinh nhưng lại nghĩ Ngài là người làm vườn cho đến khi Ngài gọi đích danh tên chị: “Maria!” Chính lúc Chúa nói với tâm hồn chị là lúc chị nhận ra Ngài.

4) Sự phục sinh mặc khải Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Sự phục sinh của Đức Giêsu không phải là một ý tưởng triết học liên quan đến sự bất tử của linh hồn. Đó là lời khẳng định của Thiên Chúa về Đức Giêsu Nadarét. Trong biến cố phục sinh, Đức Giêsu giờ đây được hiểu là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Trong cái chết và phục sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã ngỏ lời của Ngài cho thế giới, đó là lời của hy vọng và lời của sự sống. Qua biến cố phục sinh, lời nói, hành động và con người của Đức Giêsu mang đến ý nghĩa duy nhất cho lịch sử nhân loại. Câu trả lời của tông đồ Tôma với Đức Giêsu chính là lời tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Lời tuyên xưng như thế chỉ có thể thực hiện được sau biến cố phục sinh.

Trong tương lai có lẽ sẽ có những người được xem như những nhà hùng biện vĩ đại, có lòng trắc ẩn và khoan dung thánh thiện, thông minh xuất chúng, sáng suốt hiểu thấu mọi việc, hay người thiết tha yêu mến Thiên Chúa. Có thể sẽ có các bậc thầy vĩ đại, các ngôn sứ và cả các vị thánh. Nhưng trong cái chết và phục sinh của Đức Giêsu Nadarét, các Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa đã được mặc khải trọn vẹn cho chúng ta, và nhờ đó, Ngài đã ban cho chúng ta ơn cứu độ. Đức Giêsu là Đấng duy nhất trong toàn bộ lịch sử. Đây là lý do tại sao lễ Phục Sinh đối với Kitô hữu là lễ trọng nhất trong tất cả các lễ. Theo nghĩa đen, sự phục sinh là nền tảng đức tin của chúng ta. Như thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền… chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,17-19).

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Chúng ta đã nghe rất nhiều việc tưởng nhớ lại Đức Kitô trong biến cố Giáng sinh. Vậy việc tưởng nhớ Ngài trong biến cố Phục sinh thì sao? Năm nay, các bạn có thể làm gì để giúp mang lại ý nghĩa đích thực cho các ngày trong Tuần Thánh?

Sự phục sinh của Đức Kitô không chỉ là tuyên bố về Đức Giêsu; nhưng còn là mặc khải những gì Thiên Chúa đã hoạch định cho tất cả những ai tin vào Đấng ấy. Đối với Hội Thánh sơ khai, Đức Giêsu không chỉ chỗi dậy từ trong kẻ chết, nhưng Ngài là nguồn hy vọng cho tất cả những ai tin vào Ngài. Cái chết và phục sinh của Ngài trở nên khuôn mẫu sống cho những ai bước theo Ngài. Theo cách đó, thánh Phaolô viết cho các tín hữu ở Rôma: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4).

Đối với Đức Giêsu, con đường dẫn tới sự sống đời đời phải ngang qua sự từ bỏ chính mình, đó chính là tình yêu. Sự phục sinh của Ngài khẳng định cái chết sẽ nối kết chúng ta với Thiên Chúa không nhiều cho bằng khẳng định tình yêu sẽ hiệp nhất chúng ta với Thiên Chúa. Đây là điểm thánh Phaolô muốn nói khi ngài viết cho các tín hữu ở Philiphê:

10 Tôi sao ước được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người,11 với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết (Pl 3,10-11).

 

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Bạn có thể tìm ra bất cứ khuôn mẫu nào về cái chết và phục sinh trong cuộc sống của chính bạn không? Hãy tạo một đường kẻ chỉ thời gian cuộc đời của bạn, liệt kê những kinh nghiệm quan trọng. Trong số các kinh nghiệm này bạn có thể tìm ra thập giá và phục sinh không?

Cuối cùng, thập giá và phục sinh phải được hiểu luôn đi đôi với nhau vì chúng không thể tách rời. Nếu thập giá là biểu tượng của việc từ bỏ chính mình và của tình yêu, thì phục sinh chính là hoa trái và niềm vui của tình yêu đó. Nếu thập giá là biểu tượng cho khả năng hủy diệt điều thiện của con người, thì phục sinh là niềm hy vọng để chống lại mọi sự dữ. Nếu thập giá là cái chết mang đến đau thương, khốn khổ, thì phục sinh mặc khải ý nghĩa của cái chết là để kết hiệp với Thiên Chúa.

Các câu hỏi ôn tập

  1. Người Pharisêu và người Xa-đốc khác nhau thế nào trong cách giải thích về cuộc sống sau khi chết? Đức Giêsu đứng về phía nào?
  2. Tại sao khái niệm của Đức Giêsu về đấng Mêsia gây sốc cho Phêrô?
  3. Đâu là sự liên hệ giữa lời nói và hành động của Đức Giêsu liên quan đến việc chết cho chính mình?
  4. Việc Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem mặc khải kiểu Mêsia nào Ngài sẽ trở thành?
  5. Tại sao người ta lại buôn bán ở khu vực đền thờ? Tại sao điều này làm Đức Giêsu tức giận?
  6. Bữa tiệc cuối cùng báo trước cái chết của Đức Giêsu thế nào?
  7. Đâu là các cáo buộc nhằm chống lại Đức Giêsu của người Do Thái và người Rôma?
  8. Từ lịch sử, bạn biết gì về mối tương quan của quan Philatô với người Do Thái?
  9. Ai đã phát hiện ra ngôi mộ trống? Phản ứng đầu tiên của họ là gì?
  10. Đâu là sự khác biệt giữa phục sinh và hồi sinh?
  11. Bằng cách nào thập giá và phục sinh trở nên khuôn mẫu sống cho các Kitô hữu?

Chuyển ngữ: Nhóm Học viên Dòng Tên

Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 103-118.